Khúc Ca Biệt Ly

Quyển 3 - Chương 8



Hai giờ khuya, ánh đèn đường soi trên mặt đường nhựa tĩnh lặng như biển cả.

Trải qua một ngày toàn gặp chuỵện đâu đâu, đầu óc tôi không cách nào lắng xuống được, chả biết vì sao, trái tim tựa như bị ai đó dùng gậy đập vỡ mất một mảng, bao nhiêu chuyện xưa ồ ạt tuôn ra, nhận chìm khiến tôi muốn ngạt thở. Từ sau khi tới Bắc Kinh, lại một lần nữa tôi cảm thấy cuộc đời mình như bị xé toạc ra. Giống hệt như năm xưa khi rời khỏi Thành Đô, đứa trẻ Mã Trác từ đó trở đi đã ngã vào con nước của năm tháng dài đằng đẵng, mãi mãi tìm không ra tăm hơi nữa. Không biết là do ký ức luôn chất đầy những điều đau lòng, hay là do tính cách, tôi không thích ôn chuyện cũ, thà là cứ thẳng tiến không ngoái nhìn. Cho nên thời kỳ bốn năm đại học, điện thoại của tôi luôn một tuần chỉ gọi một lần, như một lệ thường. Ngoại trừ về nhà dịp Tết, tôi rất ít quay về, và kỳ lạ là, A Nam xưa nay chưa từng chất vấn tôi gì cả. Tôi đoán có lẽ ông ấy đã nhạy bén cảm nhận được sự thay đổi trong tôi, nhưng cố ý kín miệng không nhắc đến. Lằn ranh giới giữa chúng tôi không cần phải dấu diếm, nhưng ai cũng coi như không thấy mà thôi.

Đối với tôi hiện giờ mà nói, mái nhà ấy tựa như một câu đối xuân cũ kỹ, dãi dầu năm tháng, màu sắc vốn có đã sớm phai mờ, nhưng nếu chưa phải lúc, thì không cách nào lấy nó xuống được.

Chỉ là, không biết đến ngày nào mới coi như “phải lúc”? Nếu như ông ấy thật sự lựa chọn đến Bắc Kinh sống, phải chăng ngày đó sẽ mãi mãi không tới?

Tôi không sao phân tích được nội tâm của mình, rốt cuộc là đang sợ hãi điều gì, lo lắng điều gì. Vẫn mong được làm một cánh diều thong dong, thật ra lại lo sợ ông ấy buông dây rồi tôi sẽ không tìm được lối về, đúng là được hay mất đều cũng canh cánh trong lòng.

Tôi ngồi trong xe của Nhan Dự Dự, cửa sổ để mở, mặc cho gió rét thốc vào mặt, tôi cảm thấy mình cần chút lãnh tĩnh.

Nhan Dự Dự quay hết cửa sổ lên, nghiêm giọng bảo: “Sẽ bịnh đấy.”

“Xin lỗi.” Tôi nói, “Đêm nay đã để cậu bị sợ.”

“Khách sáo cái nỗi gì.” Cô ấy nói, “Nhưng mà nói đi thì phải nói lại, cái con nhãi ranh kia, vừa 9x vừa phú nhị đại, có vẻ còn nguy hiểm hơn cả bom nổ chậm, quen nó là mất mạng như chơi.” Nói xong, cô ấy lại kề mặt sát tôi, đè giọng xuống thật thấp thì thầm một cách nghiêm túc: “Yên tâm đi, đêm nay nếu mà nó bị phanh thây, cậu tớ đều không có mặt ở hiện trường, tớ làm chứng.”

Tôi nói: “Cô ta sẽ không xảy ra chuyện gì cả.”

“Sao cậu biết, tớ thấy đám người đó không dễ chọc vào.”

“Tớ khá nắm chắc.” Tôi nói.

Nhan Dự Dự tăng tốc độ xe, nói: “Trên người cậu có hơi hướng của dân anh chị, từ năm lớp 10 tớ đã phát hiện ra rồi. Giống như là không có chuyện gì có thể làm cho cậu sợ được.”

“Tào lao.” Tôi nói

Cô ấy chỉ cười.

Đêm ấy tôi ở lại nhà Nhan Dự Dự, cô ấy ngồi tính sổ sách thâu đêm, tôi cũng gần như không chợp mắt, chúng tôi trò chuyện với nhau câu được câu mất.

Cô ấy nói: “Cậu đoán xem lúc kim đang chĩa ngay họng tớ thì tớ nghĩ gì trong đầu?”

“Không biết.”

Cô ấy cười, đốt một điếu thuốc, rít một hơi, “Tớ đang nghĩ, nếu như Tiêu Triết ở đó, không biết hắn có dũng cảm xông lên vật lộn với cái con kia.”

Tôi còn chưa trả lời, tự cô ấy đã cười rũ rượi, xua tay lia lịa nói: “Chỉ nghĩ thôi đã mắc cười rồi, tuyệt đối không có khả năng, quá không phù hợp tính cách của hắn!”

Tôi hưởng ứng: “Lén lén lút lút gọi 110 thì mới phù hợp với tính cách của cậu ta hơn.”

Chúng tôi cùng nhau cười ngất.

Thật ra cũng chả phải chuyện gì đáng buồn cười, nhưng điều có thể khiến cho người ta cười, hình như càng lúc càng ít đi, cho nên tiêu chuẩn khiến người ta cười càng ngày càng thấp dần. Tóm lại, quãng thời gian ở bên Nhan Dự Dự luôn thoải mái. Cô ấy cũng kể như một bộ phận trong ký ức xa xưa mà tôi không nỡ cắt bỏ.

Tờ mờ sáng, cô ấy ngủ mất. Trước lúc ngủ, đã dặn đi dặn lại tôi nhất định phải gọi cô ấy dậy để cô ấy đưa tôi ra phi trường. Nhưng tôi vẫn không nỡ, làm xong cho cô ấy một cái sandwich để trong bếp, tôi rón rén rời đi.

Tôi đặt vé máy bay vào 8 giờ sáng, lúc tới phi trường còn chưa tới sáu rưỡi, sân bay chỉ lác đác vài mạng. Những người chọn bay sớm đa phần là nhân viên thương nghiệp, ai nấy đều trông nghiêm túc, tay hoặc cầm cà phê hoặc cầm di động hoặc ngó giờ, vẻ mặt giữ khoảng cách với người khác cả vạn dặm. Sau khi làm thủ tục lên máy bay, chỗ ngồi của tôi ngay cạnh cửa sổ, ánh nắng dần dần lan toả chói chang. Tôi dụi dụi đôi mắt sưng húp của mình, đắp miếng che mắt, định ngủ một giấc.

Nhưng không sao ngủ được.

Một khắc khi máy báy cất cánh, tôi chợt nhớ đến năm tôi 18 tuổi, ngồi trên máy bay, nắm chặt lấy chiếc điện thoại A Nam mới mua cho tôi, lập lời thề —-“Hãy chờ con trở lại. Con nhất định sẽ quay về.”

Nhưng giờ đây, tôi đã sớm quyết định sẽ không quay về nữa, không phải sao?

Tôi đã đâm ra yêu thích Bắc Kinh, yêu thích sự đồ sộ thành thị của nó, hối hả, trống vắng, thậm chí vô tình. Bởi vì ở nơi đây, tôi mới có đủ sức để sinh trưởng, bùng nổ, từ đây thực sự trở thành một bản thân mới.

Xuống máy bay, tôi gọi ngay cho Luật Sư Phương xin nghỉ phép. Nói với ông rằng trong nhà có việc, ngày mốt tôi mới có thể quay trở lại làm việc. Ông ấy ân cần hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không, tôi nói không sao, chỉ là chuyện nhỏ không cần để tâm. Chính trong khoảnh khắc vừa bỏ di động vào túi, tôi ngước đầu, hình như thoáng thấy một bóng hình đã từng quen biết, trái tim như muốn vọt ra khỏi lồng ngực.

Trong ký ức của tôi, lần đầu tiên hắn xuất hiện, chiếc mũ kéo xụp xuống rất thấp, nhưng đường cong của chiếc cằm độc đáo ấy lại khiến tôi cả đời khó quên.

Giữa giòng người mênh mông, thế nào mà lại nhờ vào chiếc cằm kia của hắn rồi trùng phùng? Diễn màn này trên TV là toàn nghe người ta chửi cho. Tôi cười nhạo bản thân mình, coi bộ bốn năm qua, điều tôi đã quên, không chỉ có mỗi một lời thề.

Tôi mua vé xe buýt ở phi trường, leo lên xe, tìm hàng ghế sau cùng, ngồi xuống. Tôi của liên tục 24 tiếng đồng hồ chưa ngủ tẹo nào, ấn ấn hai bên thái dương đang đau nhức, nhét tai nghe của ipod vào tai.

Trần Dịch Tấn hát:

Ươn ướt mái đầu không tránh được

London vẫn yêu hạt mưa phùn

Trong buổi sớm mai nhẫn nại ngáp

Tất cả chỉ vì mong gặp em

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, không khí của Nam Kinh chả thấy trong lành hơn Bắc Kinh là bao, đâu đâu cũng xám xịt, chín giờ sáng, cả thành phố đúng giờ bừng tỉnh, phun khói ô nhiễm, che khuất hết thảy.

Đã tìm được quán hàng phủ bụi

Không sao tìm về thuở yêu đương

Linh khí sớm đã bị ô nhiễm

Nào ai không đổi thay trong cuộc sống bình thường.

Vặn nhỏ âm lượng, tôi khép hờ mắt, day day thái dương.

Càng khát khao gặp lại rồi sau đó nhận ra

Đã cách cả mười năm ở giữa

Khuôn mặt mong được gặp chỉ trong hoài niệm

Không biết làm cách nào để nói chuyện cùng nhau

Trong mông lung, lại trông thấy cái người rất quen ấy, cùng trên một chuyến xe buýt với tôi. Đáng tiếc là khi tôi mở mắt ra, hắn đã ngồi xuống, chỗ đầu trên hàng đầu. Xe nổ máy, tôi chỉ có thể nhìn được cái ót của hắn, tôi hơi nghé đầu, trông thấy bộ đồ hắn đang mặc —- là bộ tây trang kiểu Anh thịnh hành nhất hiện giờ.

Hạ Trạch, tây trang?

Tôi bật cười.

Sao lại có thể là hắn?

Tôi nhắm mắt, tiếp tục nghe bài hát mang tên “Chi bằng không gặp.” Tấm bùa hộ mệnh lìa xa tôi mười mấy tiếng đồng hồ đã trở về nhiệt độ vốn có của nó, luôn khiến cho tôi cảm thấy yên tâm.

Tới trạm xe, tôi mở mắt ra, nhìn lên hàng ghế trước theo bản năng, kẻ ngồi ở vị trí đó đã không thấy đâu. Tôi xuống xe, lưỡng lự không biết có nên gọi một cú điện thoại về báo cho A Nam biết hay không, cuối cùng vẫn quyết định để kệ. Dù sao cũng là “bất ngờ,” thì thôi cho “bất ngờ” tới bến luôn đi.

Tôi tới trạm xe khách đường dài mua vé, rất không may, chuyến kế tiếp đã lăn bánh đi, phải đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa mới có chuyến sau. Tôi không muốn ăn, tìm một sạp bán trái cây mua hai trái táo, rồi lại tới siêu thị mua một chai sữa chua, xuyên qua tấm kính ướt át, tôi rất mong sao được trông thấy cái kẻ mặc tân trang kiểu Anh kia một lần nữa, nhưng chả thấy ai cả.

Cả đêm không ngủ, chỉ có thể trách cảnh cũ bầu trời cũ đã khiến cho tôi nảy sinh ảo giác.

Uống hết một bình sữa chua lớn, vài giờ sau, cuối cùng lại quay trở về chốn phố xá thân quen, tiểu khu thân quen, nhưng mà, “Siêu Thị Quả Quả” thân quen kia lại bỗng bốc hơi đâu mất, thay vào đó là một căn thẩm mỹ viện.

Tôi đứng đó, nhìn tấm biển lớn của căn thẩm mỹ viện nọ, trong lòng tựa như bị ai đó tự dưng khoét đi một mảng lớn, đau đến thở không ra hơi.

Nếu bảo khi ông ấy bán cái siêu thị dưới huyện đi để mở một siêu thị lớn hơn trên thành phố, vậy thì giờ đây ông ấy bán cái siêu thị trên thành phố đi, lẽ nào bởi vì muốn chuyển siêu thị lên tới Bắc Kinh? Hay là do áp lực phải mua căn hộ trên Bắc Kinh đã khiến cho ông không thể không chọn cách làm như vậy?

Xem ra, tôi đã về muộn mất rồi.

thôi thúc cho chúng nó gặp nhau nên tần suất tăng.

Bài hát của Trần Dịch Tấn

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện