Chương 65: Nghiêm phi long đại hiển thần thông chỉ một chiêu dám xưng vô địch
Lại nói, lời đề nghị tỷ kiếm của Nghiêm Phi Long đã khiến Hồng bào lão quái cảm thấy tức cười, và quần hùng đều lo lắng cho chàng. Sau khi hỏi han lai lịch sư thừa chàng, lão quái đã nói :
- Được rồi. Nếu ngươi có thể cầm cự với lão phu một trăm chiêu không bại thì lão phu sẽ xuống núi ngay.
Nghiêm Phi Long trỏ vào đám môn hạ Trường Hận Môn hỏi :
- Thế còn bọn họ thì sao.
Hồng bào lão quái đáp :
- Lão phu đã xuống núi thì bọn họ còn ở đây làm chi. Mà thôi. Không nên nói nhiều nữa. Ngươi có tài ba gì thì hãy mau giở hết ra đi.
Nghiêm Phi Long nói :
- Tiểu sinh thật ra cũng chẳng có tài ba gì nên chỉ định sử dụng một chiêu kiếm pháp mà thôi.
Hồng bào lão quái trợn mắt hỏi :
- Tiểu tử ngươi nói cái gì thế. Ngươi định dùng một chiêu kiếm pháp để tỷ đấu với lão phu hay sao.
Nghiêm Phi Long gật đầu đáp :
- Pho kiếm pháp mà gia sư dạy cho tiểu sinh chỉ có một chiêu mà thôi. Có muốn sử chiêu thứ hai cũng không được.
Hồng bào lão quái càng trợn mắt to hơn, quát hỏi :
- Trong thiên hạ làm gì có pho kiếm pháp nào mà chỉ có một chiêu. Ngươi nói tên của pho kiếm pháp đó cho lão phu nghe thử.
Nghiêm Phi Long đang tươi cười bỗng nghiêm nét mặt, trầm giọng hô :
- Càn Khôn Nhất Kiếm, Võ lâm chí tôn.
Hồng bào lão quái quát lớn :
- Ngông cuồng. Lão phu rất muốn xem thử ngươi thị vào cái gì mà dám xưng là võ lâm chí tôn.
Nghiêm Phi Long lại tươi cười, nói :
- Xin tiên sinh đừng hiểu lầm. Tiểu sinh nào dám tự xưng là võ lâm chí tôn. Đó là tôn hiệu của pho kiếm pháp đấy chứ.
Vừa nói chàng vừa chậm rãi tiến đến trước mặt Hồng bào lão quái. Lão quái tuy bên ngoài mạnh miệng như thế nhưng thật ra thì trong lòng cũng không dám xem thường đối phương. Lão đã ngấm ngầm ngưng tụ chân khí, sẵn sàng chờ đối phương xuất kiếm, vì thân phận lão không tiện động thủ trước. Lão cũng thừa hiểu pho kiếm pháp mà chỉ có một chiêu thì nhất định chiêu thức đó phải kinh tâm động phách. Quần hùng cũng ngưng thần, chờ xem trận đấu.
Tiến đến trước lão quái hơn trượng, Nghiêm Phi Long đã dừng lại, nói :
- Tiểu sinh thi triển kiếm pháp nên bắt buộc phải sử kiếm. Chẳng hay tiên sinh định dùng thứ khí giới nào.
Lão quái đáp :
- Lão phu lớn hơn ngươi mấy tuổi nên chỉ dùng đôi bàn tay này để tỷ đấu với pho Càn Khôn Nhất Kiếm của ngươi.
Nghiêm Phi Long nói :
- Như thế chẳng phải tiên sinh sẽ thiệt thòi lắm sao.
Lão quái trợn mắt nói :
- Tiểu tử ngươi không cần phải lo. Đối phó với hạng hậu sinh tiểu bối như tiểu tử ngươi mà lão phu cũng phải sử dụng đến khí giới hay sao. Đừng nên dông dài nữa. Ngươi hãy mau xuất kiếm đi.
Nghiêm Phi Long nói :
- Vậy tiểu sinh xin thất lễ. Tiên sinh cẩn thận đó.
Vừa dứt lời, chàng liền vung kiếm nhằm tấn công vào vai hữu đối phương. Ánh sáng kiếm nhanh như điện, chỉ lóe mắt một cái là đã thấy chỉ còn cách vai hữu lão quái độ khoảng nửa tấc.
Lão quái kinh hoảng vội phiêu thân nhảy lùi về phía sau mấy bước để tránh. Nhưng Nghiêm Phi Long chẳng để cho lão ta có cơ hội phản kích. Chàng lướt tới sát bên lão ta, trường kiếm tiếp tục vung lên vẽ nên một cái khuyên tròn nho nhỏ, đích nhắm vẫn là vai hữu lão quái. Kiếm quang loang loáng nhắm vào một lúc mấy trọng huyệt, và áp lực cũng cực kỳ trầm trọng.
Lão quái càng thêm kinh hoảng, vội nhảy lùi tiếp về phía sau thêm mấy bước nữa. Nhưng lần này lão ta đã có kinh nghiệm nên cũng đã nghĩ ra cách ứng phó. Chẳng đợi đến lúc hạ thân xuống đất, mà ngay khi còn lơ lững trên không, lão ta đã ngưng tụ chân khí sẵn sàng.
Đợi đến khi vừa đặt chân xuống đất, lão quái liền quát lớn một tiếng, tận lực phóng chưởng đánh tới. Lão nghĩ với chưởng lực hùng hậu tan bia vỡ đá, Nghiêm Phi Long ắt sẽ không chịu nổi. Lão cũng rất tiếc khi phải hạ độc thủ với chàng, nhưng không còn cách nào khác.
Chưởng phong rít ào ào, quét tà áo mọi người bay phất phới. Quần hùng đứng ngoài bị chưởng lực chấn ép, phải lùi lại phía sau mấy bước. Ai nấy đều thầm kinh hãi. Cùng lúc đó, trường kiếm của Nghiêm Phi Long đã công thẳng tới. Hai bóng người sáp vào nhau rồi lập tức phân khai.
Toàn trường kinh hãi chăm chú nhìn hai đấu thủ. Quần hùng phe Vệ Đạo Minh thì thầm lo lắng cho Nghiêm Phi Long, chỉ sợ chàng không phải là đối thủ của lão quái kia. Đến khi nhìn kỹ lại thì mới thấy Nghiêm Phi Long tay cầm thanh trường kiếm đưa ngang trước ngực, ung dung đứng nhìn lão quái. Còn lão quái thì sắc mặt xám ngắt, tay áo bên phải đã bị kiếm của Nghiêm Phi Long cắt đứt một đường dài. Rõ ràng là lão quái đã thất bại ngay sau chiêu kiếm vừa rồi.
Cuộc tỷ đấu đã kết thúc một cách quá nhanh chóng.
Song phương im lặng nhìn nhau một lúc, rồi Nghiêm Phi Long bỗng nhiên thu trường kiếm lại, tra vào bao, vòng tay nói :
- Đa tạ tiên sinh đã tương nhượng.
Lão quái khẽ hừ một tiếng, lạnh lùng nói :
- Tiểu tử. Ngươi khá lắm. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.
Nói rồi lão ta quay lưng phóng thẳng xuống chân núi, không thèm nói với ai một lời nào. Chúng môn hạ Trường Hận Môn ngơ ngác một lúc, rồi hoa phục thanh niên cũng ra lệnh rút lui. Bọn họ không rút lui cũng chẳng được, bởi Hồng bào lão quái, nhân vật có võ công cao nhất trong bọn họ, đã chịu bại trận bỏ đi rồi, thì trong bọn họ cũng chẳng có người nào có thể đương cự với Nghiêm Phi Long được nữa. Còn như quần đấu thì … bên Thiếu Lâm Tự vẫn còn mấy trăm tăng nhân có thể bày La Hán Đại Trận. Do đó, im lặng rút đi là thượng sách.
Bọn Trường Hận Môn đã bỏ đi rồi. Toàn trường trở lại yên ắng. Quần hùng đang ngồi vận công trị thương. Bỗng đâu nghe có tiếng cười khanh khách, rồi thấy Vân lão từ trong đại điện tiến ra, vừa đi vừa nói oang oang :
- Kiếm thuật của công tử quả thật cao siêu vô tưởng, trước nay lão phu chưa từng được thấy qua. Khi mới gặp, lão phu đã biết ngay công tử không phải là nhân vật tầm thường mà. Quả nhiên lão phu đã không nhìn lầm.
Nghiêm Phi Long bước lại trao trả thanh kiếm cho Thành Thế Kiệt, rồi quay lại nhìn Vân lão, mỉm cười nói :
- Chỉ chút công phu tầm thường, nào có đáng gì đâu.
Vân lão nói :
- Công tử lại quá khiêm tốn rồi. Pho kiếm pháp của công tử rất xứng đáng xưng là võ lâm chí tôn đấy.
Nghiêm Phi Long cười nói :
- Tiên sinh quá khen thôi.
Đoạn chàng nhìn lướt qua toàn trường, nói :
- Mọi người đều đã thọ thương cả rồi. Tiên sinh hãy mau cứu chữa cho mọi người đi.
Vân lão đáp :
- Công tử nói rất phải.
Rồi lão lăng xăng chạy tới chạy lui, lo liệu chữa trị cho quần hùng. Thành Thế Kiệt cũng giúp lão một tay. Mọi người nãy giờ đã lo vận công điều trị, nên giờ chỉ cần uống chút linh dược của Vân lão là đã có thể hồi phục chân lực.
Nhưng khi nhìn lại thì không thấy Nghiêm Phi Long đâu nữa, tất cả giật mình đảo mắt nhìn quanh, mới chợt phát hiện ở phía xa xa thấy có bóng dáng Nghiêm Phi Long đang ung dung thả bước xuống chân núi.
Thấy Nghiêm Phi Long đã đi rồi, Vân lão vội vàng lấy ra một chiếc lọ ngọc, trao cho Không Hư đại sư, nói :
- Trong chiếc lọ này có chứa linh dược điều thương rất hiệu nghiệm. Đại sư hãy giữ lấy mà dùng.
Nói chưa đứt lời là Vân lão đã vội vàng chạy bay xuống núi, đuổi theo Nghiêm Phi Long. Đương nhiên là Thành Thế Kiệt cũng lập tức chạy theo sau. Hình bóng ba người dần khuất nơi chân núi.
Đường quan đạo dưới chân Thiếu Thất Phong …
Cách chân núi Thiếu Thất không xa có hai bóng người đang hối hả lướt nhanh, nhưng ánh mắt không quên nhìn kỹ vào những khu rừng dọc hai bên đường. Hai người đó, một cưỡi ngựa, một đi bộ, nhưng vẫn đi song song với nhau.
Người cưỡi ngựa là một chàng thiếu niên hiệp khách phong độ anh tuấn, mình vận đồ võ màu xanh gọn gàng, trên lưng giắt một thanh trường kiếm, dải lụa cột trên chuôi kiếm không ngớt tung bay theo chiều gió, trông lại càng oai phong. Rảo bước bên phía trái tuấn mã là một lão nhân râu tóc bạc phơ, tướng mạo phương phi, da dẻ hồng hào, nhưng khuôn mặt lại hơi ửng sắc vàng, vận áo xám.
Hai người này chính là Thanh Sam Kiếm Khách Thành Thế Kiệt và Kim Diện Thần Y Vân Trung Hạc.
Khi còn ở trên Thiếu Lâm Tự, cả hai chợt phát hiện Nghiêm Phi Long đã bỏ đi xuống núi mất rồi nên vội vàng chạy đi tìm. Nhưng hai người đã chạy theo suốt mấy dặm đường rồi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng chàng đâu cả.
Thất vọng não nề, cả hai lững thững bước đi, vẻ mặt buồn thiu, quên cả cảm giác mệt mỏi sau khi đã phải trải qua mấy ngày trời lao nhọc. Hai người đều có tâm trạng luyến tiếc, cảm thấy như vừa bị mất một thứ gì quý giá.
Bất chợt, Vân lão đột ngột dừng chân đứng lại, nghiêng tai chăm chú lắng nghe động tĩnh xung quanh. Thành Thế Kiệt biết có sự lạ nên cũng ngưng thần nghe ngóng. Hai người nghe thấy đâu đây có tiếng đọc sách khe khẽ, thanh âm nghe chừng quen thuộc. Cả hai liền đi lần theo.
Càng đến gần, tiếng đọc sách nghe càng rõ hơn :
“Kiến thức là khởi thủy của hành động, hành động là sự thành tựu của kiến thức. Cái học của thánh nhân chỉ có một công phu là kiến thức và hành động không thể tách làm hai được.
Lương tri và lương năng thì cả ngu phu cũng giống thánh nhân, nhưng thánh nhân thì nhận thức được lương tri, còn ngu phu thì không.”
Tiến đến trước một khu rừng thưa, những hàng tùng bách cao vút xanh um, cành lá xum xuê che rợp bóng mát, hai người nhận rõ tiếng đọc sách kia là từ bên trong khu rừng vọng ra, thanh âm nhu hòa lên bổng xuống trầm nghe rất lọt tai, và rõ ràng đó là tiếng của Nghiêm Phi Long :
“Trong thiên hạ có hai chuyện khó khăn :
Lên trời khó, mà nhờ vả người lại càng khó hơn.
Trong thiên hạ có hai cái đắng :
Hoàng liên đắng mà nghèo kiết khốn cùng lại càng đắng hơn.
Nhân gian có hai thứ mỏng manh :
Băng trên nước mùa xuân mỏng manh, mà thói đời hãy còn mỏng hơn.
Nhân gian có hai cái hiểm :
Núi sông hiểm, mà lòng người còn hiểm hơn.
Biết được cái khó, chịu được cái đắng, quen được thứ mỏng, dò được cái hiểm mới có thể sống ở đời vậy.
Khổng Tử nói :
Con người có ba kiểu chết : tự mình làm mình chết, tin lời người mà chết, và không tin người mà chết.
Ôi. Việc sinh tử họa phúc ở đời thật khó mà lường trước được. Tất cả đều do bản thân mình mà ra cả vậy.”
Vân lão đã nhận định được đó chính là tiếng của Nghiêm Phi Long liền xăm xăm đi vào, vừa đi vừa lớn tiếng gọi :
- Nghiêm công tử. May quá. Cuối cùng thì lão phu cũng đã tìm gặp được công tử đây rồi.
Vân lão đi sâu vào trong khu rừng, và đương nhiên Thành Thế Kiệt cũng vội rảo bước theo sau. Đi sâu vào bên trong độ mười mấy trượng thì thấy dưới một gốc cổ tùng có một chàng công tử đang ngồi đọc sách một cách ung dung nhàn nhã, còn ai nữa nếu không phải là Nghiêm Phi Long.
Chàng đang ngồi trên một tấm gấm đoạn trải trên thảm cỏ xanh mượt, bên cạnh là một bình trà và chút ít bánh trái còn lại. Có lẽ chàng vừa ăn điểm tâm xong. Cách xa một chút là con bạch long câu đang khoan thai gặm cỏ.
Vân lão rảo bước đến gần, vừa đi vừa nói :
- Công tử sao lại đột ngột bỏ đi không nói tiếng nào thế.
Nghiêm Phi Long từ từ xếp quyển sách lại, ngẩng lên nhìn hai người, khe khẽ mỉm cười, nói :
- Người có lúc bi hoan, ly hợp. Trăng có khi mờ tỏ, tròn khuyết. Gặp nhau rồi chia tay. Có buổi yến tiệc nào mà không tàn đâu.
Vân lão hỏi :
- Có phải công tử đã chán ghét lão phu nên mới lặng lẽ bỏ đi mà không một lời từ biệt.
Nghiêm Phi Long cười nói :
- Không phải đâu là không phải đâu. Tiên sinh và Thành thiếu hiệp đều có việc phải làm, tiểu sinh không muốn làm phiền nhị vị đấy thôi.
Vân lão kéo Thành Thế Kiệt bước tới ngồi ghé vào một góc tấm gấm, đối diện với Nghiêm Phi Long, rồi nói :
- Lão phu nào có bận việc gì đâu. Nhân lúc rảnh rỗi này lão phu còn định đi ngao du giang hồ một chuyến. Nhất định sẽ có nhiều chuyện hứng thú lắm đây. Công tử có đi cùng lão phu không.
Nghiêm Phi Long đưa mắt nhìn Thành Thế Kiệt, mỉm cười nói :
- Có Thành thiếu hiệp đi cùng tiên sinh là được rồi.
Vân lão nói :
- Lão phu, Thành hiền điệt cùng với công tử ba người cùng đi mới vui vẻ chứ. Thành hiền điệt, ý ngươi thế nào.
Thành Thế Kiệt đáp :
- Tiểu điệt hiện cũng chẳng bận việc gì, đi cùng bá bá cũng được.
Vân lão lại hỏi Nghiêm Phi Long :
- Còn công tử thì sao.
Nghiêm Phi Long trầm ngâm giây lát, đoạn nói :
- Tiểu sinh có việc phải đi Đồng Quan, sợ là không thể đi cùng tiên sinh và Thành thiếu hiệp được.
Vân lão nói :
- Công tử đi Đồng Quan có việc gì quan trọng không. Nếu như không có gì trở ngại thì ba chúng ta cùng đồng hành luôn thể. Lão phu muốn ngao du giang hồ thì đi đâu mà chẳng được.
Nghiêm Phi Long nói :
- Chỉ sợ sẽ làm phiền nhị vị đó thôi.
Vân lão nói :
- Có gì đâu mà gọi là làm phiền. Giữa chúng ta với nhau sao công tử lại còn nói giọng khách sáo đó.
Thành Thế Kiệt lại nói :
- Công tử cũng thật khéo giữ gìn. Chúng ta cùng đi suốt bấy lâu mà tại hạ không hề nhận ra công tử có một thân võ học cao siêu tuyệt thế như vậy.
Vân lão cười nói :
- Điều đó chứng tỏ nhãn quang của hiền điệt quá kém.
Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :
- Nhị vị nói quá, chứ một chút võ học của tiểu sinh hãy còn rất tầm thường, làm sao dám sánh với Kim Diện Thần Y và Thanh Sam Kiếm Khách, hai nhân vật mà uy danh lừng lẫy khắp cả võ lâm.
Thành Thế Kiệt ngẩn người hỏi :
- Công tử nhận biết lai lịch tại hạ ư.
Nghiêm Phi Long mỉm cười hỏi lại :
- Nghe nói gần đây thiếu hiệp ở tại Lưu gia trang. Thế chuyện giữa thiếu hiệp và Lưu cô nương thế nào rồi.
Thành Thế Kiệt nghe chàng hỏi vậy, bất giác đỏ mặt, ấp úng :
- Cả chuyện đó mà … mà … công tử cũng biết.
Nghiêm Phi Long cười hỏi :
- Chuyện đó có tiến triển gì không.
Thành Thế Kiệt ngượng ngùng đáp :
- Có … khá hơn trước một chút.
Nghiêm Phi Long nói :
- Vậy xin chúc mừng thiếu hiệp. Khi nào đến ngày đại hỷ, tiểu sinh nhất định sẽ đến quý phủ chia vui cùng thiếu hiệp.
Vân lão lại hỏi :
- Công tử có đồng ý ba chúng ta cùng đi Đồng Quan hay không.
Trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát, Nghiêm Phi Long mới nói :
- Chẳng giấu chi nhị vị, tiểu sinh lần này phụng mệnh tuần tra võ lâm các đạo, hiện đã đi qua Thiên Tinh Bang, Thiên Âm Giáo, Cửu Trùng Giáo, Thúy Hoa Thành, Thất Tinh Lâu, … sắp tới tiểu sinh đến Đồng Quan là để kiểm tra việc thu dụng nhân tài của Thiên Hùng Bang. Có tin cho biết bọn họ đã gửi thư yêu cầu Tần Sĩ Đình trong số Võ lâm Tứ đại hiền nhân phải nhận chức Hộ pháp. Tiểu sinh đến kiểm tra xem chuyện đó thực hư thế nào, và kết quả ra sao.
Cả Vân lão và Thành Thế Kiệt nghe chàng nói mà kinh hãi đến độ ngẩn ngơ. Đã biết chàng thân phận tôn quý, nhưng hai người họ có ngờ đâu lại tôn quý đến như thế. Nói như vậy thì ra chàng có địa vị rất cao trong võ lâm, cho nên mới có thể tuần tra võ lâm các đạo, từ Thiên Tinh Bang cho tới Cửu Trùng Giáo …
Lát sau, khi đã định thần lại, Vân lão mới nói :
- Công tử. Hãy để bọn lão phu đi cùng với. Công tử bản lĩnh cao cường tuyệt đỉnh, nhưng lại không muốn khoa trương võ học. Có bọn lão phu đi cùng, nếu gặp bọn tiểu bối giang hồ sinh sự, bọn lão phu có thể thay công tử đối phó.
Vân lão nói vậy tỏ ra là có lòng tốt, nhưng thật ra là hãy còn có tư tâm. Lão vốn thân thiết với bọn Võ lâm Tứ đại hiền nhân. Nay nghe nói Tần Sĩ Đình bị Thiên Hùng Bang uy hiếp buộc phải đảm nhận chức Hộ pháp, lão định đi cùng Nghiêm Phi Long, rồi từ từ sẽ tìm cách tác động chàng để giải nguy cho họ Tần. Bởi theo lão nghĩ, chàng đã lĩnh trách nhiệm tuần tra võ lâm các đạo thì địa vị của chàng đương nhiên không thể dưới bang chủ Thiên Hùng Bang.
Thấy Nghiêm Phi Long có vẻ nghĩ ngợi chưa quyết, Vân lão suốt ruột hỏi :
- Ý công tử thế nào.
Nghiêm Phi Long mỉm cười nói :
- Tiên sinh đã nói vậy thì chúng ta hãy cùng đi với nhau. Nhưng khi đến Đồng Quan rồi thì mong nhị vị nói năng hay hành động gì đều phải giữ gìn ý tứ, bởi tính tình của Huyết Thủ Thần Ma, bang chủ Thiên Hùng Bang có hơi khó chịu một chút.
Vân lão gật đầu nói :
- Được mà. Lão phu biết phải làm thế nào rồi.
Nghiêm Phi Long lại hỏi :
- Nhị vị ăn uống gì chưa.
Vân lão lắc đầu nói :
- Đi vội quá. Nhưng lát nữa đến trấn thành phía trước ăn cũng được. Vả lại, người giang hồ có phải nhịn đói một hai bữa cũng đâu hề gì.
Nghiêm Phi Long cười nói :
- Các vị tài thật đấy. Còn như tiểu sinh chẳng những không nhịn đói nổi mà ăn muộn một chút là đã không chịu nổi rồi.
Vân lão nói :
- Công tử thân phận tôn quý, đương nhiên phải khác bọn lão phu rồi.
Nghỉ ngơi giây lát, rồi Vân lão giúp Nghiêm Phi Long thu dọn mọi thứ, sau đó ba người cùng đồng hành đi về phía Bắc.
Bình luận truyện