Ký Linh

Chương 11



Ký Linh và Phùng Bất Cơ nhìn tới mức sững sờ, Đàm nhị thiếu gia đã dạy dỗ nó xong rồi, hai người họ vẫn còn chưa hoàn hồn.

Đàm Vân Sơn xả hết cơn giận xong thấy thoải mái hơn đôi chút mới đứng dậy phủi phủi bụi đất trên người, thắc mắc hỏi: “Sao hai người lại quay lại vậy?”

Ký Linh quả lấy làm bất lực với chàng trai mới khắc trước còn suýt đi gặp Diêm Vương giờ đã có thể nhàn nhã phủi bụi: “Phải chăng huynh nên quan tâm cái thứ trong giếng kia trước?”

Ứng Xà tưởng đã đào tẩu không ngờ lại trốn dưới giếng, tưởng phải trăm năm nữa mới tu về được nguyên trạng không ngờ mới một đêm cộng với nửa ngày nó đã tu về, hơn nữa, dựa theo tình trạng chiếc đuôi thì xem ra là còn hơn trước, chẳng phải đây mới là chuyện cấp bách sao!

“Tôi có hơi sợ đôi chút,” Đàm Vân Sơn thoải mái thừa nhận mình sợ dù rằng ngoài mặt hoàn toàn không thể nhìn ra cái “sợ” chàng bảo, có điều chàng cũng chuyển giọng ngay, “nhưng giờ hai người đều đã quay lại, tôi hết lo rồi.”

“…” Một đống lời muốn nói trong bụng Ký Linh bị nụ cười đầy tin tưởng trên mặt đối phương chặn cứng.

Phùng Bất Cơ khe khẽ thở dài quan sát thái độ ung dung của Đàm Vân Sơn rồi lại nhìn Ký Linh bị nghẹn lời. Có kiểu tính cách luôn phải chịu thiệt, có kiểu tính cách luôn chiếm được lợi, bẩm sinh rồi, chịu. May là hai người này chỉ bèo nước gặp nhau, kiểu này nếu mà phải qua lại lâu dài thì bên chịu thiệt có lẽ không còn chỉ là chịu thiệt, dễ có nhẽ là bị chèn ép ra bã.

Phùng Bất Cơ vừa ngẫm nghĩ chuyện trời đất vốn chẳng mảy may liên quan với mình này vừa lại gần thò đầu nhìn xuống miệng giếng.

Mặt thành đá bên trong giếng còn in lại một dấu máu đỏ sậm quệt từ trên xuống dưới, ắt là phần đuôi bị chặt cụt của yêu quái cọ vào giếng trong lúc chạy trốn. Nhưng nước giếng ngoại trừ in long lanh bóng nước thì không còn gì khác, tĩnh lặng như thể tất thảy những chuyện vừa rồi đều chỉ là ảo giác… nếu quay đầu lại không nhìn ngay thấy nửa chiếc đuôi đầm đìa máu nọ nằm dưới đất.

“Đàm lão đệ thâm tàng bất lộ thật nhỉ…”

Đàm Vân Sơn không biết phải đáp thế nào. Chàng chẳng qua chỉ muốn giữ mạng, trước nay chưa từng mơ mộng xa vời chuyện bắt yêu, lúc chặt nó cũng chỉ muốn thử ra sức một lần,  lấy làm hãnh diện nở mày nở mặt vì chặt được, mãi tận giờ mới dần dần ý thức thấy chuyện này khó tin cỡ nào.

Ký Linh ngồi xổm cạnh khúc đuôi quan sát cẩn thận vết chặt. Nhát dao đó của Đàm Vân Sơn không chỉ nhanh mà còn hiểm, nếu không tận mắt nhìn thấy, nàng tuyệt đối không đời nào tin đây là chuyện người bình thường làm ra. Đúng là yêu cũng có thể bị thương bởi các vũ khí sắc nhọn, dù không thể tổn hại tới yêu lực, suy giảm nguyên khí như thương tích do pháp khí gây ra nhưng rách da chảy máu là chuyện bình thường. Thế nhưng chỉ một nhát dao đã chặt rụng đuôi như Đàm Vân Sơn làm thì Ký Linh chưa từng thấy. Hơn nữa Đàm Vân Sơn không phải người tu hành, thứ chuyện người bình thường vung dao phay cũng có thể đánh được yêu quái quả là đến nghe nói cũng chưa từng nghe nói bao giờ…

Đàm Vân Sơn còn chưa giải thích rõ được cho Phùng Bất Cơ hiểu thì đã lại phải hứng chịu cái nhìn hoài nghi của Ký Linh, quả là khó chịu muốn khóc, cuối cùng chỉ còn nước giơ tay lên thề với trời xanh để chứng tỏ sự trong sạch: “Tôi thực sự chỉ là người đọc sách, thực sự là lần đầu dùng dao phay, lúc sờ lấy dao còn bị đứt tay nữa…”

Thấy Đàm Vân Sơn càng nói càng tội nghiệp, Phùng Bất Cơ cũng thấy hơi thương. Huống hồ tóm lại thì Đàm Vân Sơn là người mình, rốt cuộc chàng có thiên phú khác thường hay là khù khờ ăn may có thể để bàn sau, chuyện cấp bách trước mắt là bắt yêu.

Nghĩ tới đây, Phùng Bất Cơ vỗ vỗ thành giếng, bảo với Ký Linh: “Ứng Xà ở ngay dưới đáy giếng.”

Ký Linh gật đầu.

Nếu như lúc trước chỉ là phỏng đoán thì hiện giờ đã không còn nghi ngờ gì nữa.

Đàm Vân Sơn đứng bất động tại chỗ, thực sự hoàn toàn không muốn nhìn chiếc giếng đó thêm một lần nào nữa, song đầu óc nhanh nhạy động não một cái liền suy ra được ngọn nguồn: “Phải chăng hai người nghĩ ra chuyện này nên mới vòng trở về?”

Đàm Vân Sơn đoán quả không sai.

Ký Linh và Phùng Bất Cơ giúp ông cụ lái đò ở sông hộ thành cột thuyền xong vốn chỉ định tán gẫu đôi câu không ngờ chẳng biết có phải là ý trời hay không mà lại nhắc tới nhà họ Đàm và trận mưa lớn kỳ lạ này, sau đó ông cụ mới nói một câu khiến cả Ký Linh lẫn Phùng Bất Cơ đột ngột sáng tỏ: “Tên gia đinh nhà họ Trần bị chết chắc tám phần là chết thay người nhà họ Đàm, hai nhà đó sát gần nhau, đêm hôm khuya khoắt trời lại còn mưa, dễ có nhẽ là quỷ nước đi nhầm cửa.”

Vì sao rõ ràng Ứng Xà có thể mượn trận mưa lớn này để hút tinh khí rất nhiều người Hòe Thành nhưng cuối cùng chỉ lòng vòng quanh Đàm phủ?

Vì sao nhà họ Đàm đã nâng nhà, đã bình an vô sự bao nhiêu lâu mà bắt đầu từ hai mươi năm trước lại bị ngập trở lại?

Vì sao Ứng Xà đã mắc bẫy một lần, biết nhà họ Đàm có người tu đạo trông giữ mà vẫn cố chấp tới nữa?

Đủ loại câu hỏi dẫn tới chỉ một đáp án…

“Trong nhà tôi có thứ nó muốn, rất có thể là bỗng dưng có từ một ngày nào đó cách đây hai mươi năm hơn nữa còn ở ngay trong giếng này.”

Phùng Bất Cơ chỉ nói vội qua mấy câu nhưng với người nghe một hiểu mười như Đàm Vân Sơn thì thế là đủ.

Gần như không chút chần chừ, Đàm Vân Sơn vừa biết được chân tướng liền hỏi ngay hướng giải quyết: “Giờ nên làm gì?”

Lúc chàng hỏi câu này, Ký Linh đã châm một nén hương Phù Đồ để ở miệng giếng. Lần trước hương đã bị ướt hết nhưng sau đó trời tạnh, tuy không hửng nắng nhưng vẫn có gió, Ký Linh cột dây treo dưới mái hiên Đàm phủ hong gió mấy hôm cộng thêm sáng nay có nắng phơi khô chút hơi ẩm còn sót lại, tới lúc Ký Linh tháo hương xuống rời khỏi nhà họ Đàm thì chúng đã khô như mới. Cho nên lúc này đây mới có thể tái xuất giang hồ.

“Đây là cái gì?” Phùng Bất Cơ lần đầu thấy thứ này, hiếu kỳ hỏi.

Ký Linh tập trung nhìn chằm chằm làn hương, không nghe thấy Phùng Bất Cơ hỏi.

Đàm Vân Sơn tuy không nhận được câu trả lời cho câu “giờ nên làm gì” nhưng hiển nhiên hai thầy đã “bắt đầu làm” nên không hỏi lại nữa, thức thời đứng chờ, thảng hoặc còn có tác dụng là người giải thích: “Hương Phù Đồ, nhận diện yêu khí.”

“Ôi, thật thú vị!” Phùng Bất Cơ hứng thú ra mặt, hai mắt sáng ngời.

Đàm Vân Sơn ngạc nhiên: “Thứ này không phải đồ phổ biến trong giới bắt yêu các huynh sao?”

Phùng Bất Cơ không biết tại sao mình lại thuộc về “giới bắt yêu”, không, vốn làm gì có cái “giới” ấy!

Có điều Đàm Vân Sơn không phải người tu đạo, Phùng Bất Cơ không chấp nhặt chút chuyện nhỏ này: “Tôi tu hành bao nhiêu năm thực sự chưa từng gặp ai dùng thứ ấy!”

Đàm Vân Sơn thắc mắc: “Thế muốn nhận diện yêu khí thì phải làm thế nào? Không nhận diện được yêu khí thì bắt yêu ra sao?”

“Ngửi thấy mà,” Phùng Bất Cơ bật thốt ngay không cần nghĩ, “tu hành lâu như huynh thì cách hai dặm vẫn ngửi được yêu khí, tu hành ngắn hơn thì không có cách nào hết, phải trông vào vận may.”

Đàm Vân Sơn ngước mắt nhìn: “Vậy huynh có thể ngửi được hướng yêu khí xuất hiện không?”

Phùng Bất Cơ gật đầu: “Không sai lệch là bao.”

Đàm Vân Sơn tiếp tục: “Vị trí thì sao?”

Phùng Bất Cơ nhíu mày: “Vậy chỉ có thể phán đoán dựa trên độ đậm nhạt, mùi càng nồng chứng tỏ yêu ở càng gần.”

Đàm Vân Sơn hỏi liên hoàn câu thứ ba: “Vị trí chuẩn xác thì sao?”

Phùng Bất Cơ bị hỏi tới phát bực: “Ai mà xác định được chứ, mũi chứ có phải gương chiếu yêu đâu.”

Đàm Vân Sơn hài lòng: “Hương Phù Đồ làm được.”

Phùng Bất Cơ: “…”

Cho dù làm được thì cũng là bản lĩnh của Ký Linh, đệ đứng đó tự hào cái nỗi gì!

Quan sát bóng lưng nghiêm túc của Ký Linh, lại quan sát nhị thiếu gia nhà họ Đàm  ngắm nhìn bóng lưng nghiêm túc của Ký Linh, Phùng Bất Cơ bỗng thấy lòng dạ vui buồn lẫn lộn đắng cay chua chát ngọt bùi. Huynh ta lại còn đi lo Ký Linh bị bắt nạt cơ đấy, trong ba người, người đáng thương nhất hóa ra chính là huynh ta!

Ký Linh không để ý nghe hết, chỉ thoáng phân tâm nghe thấy Phùng Bất Cơ nói huynh ta có thể ngửi được yêu khí bèn nhớ ngay tới lúc mới quen biết nhau Phùng Bất Cơ cũng nói là bản thân lần theo yêu khí lùng bắt Ứng Xà tới được đây, nàng quay lại nói ngay: “Phùng Bất Cơ, huynh ngửi thử trong giếng xem.”

Cùng là người tu hành, xưng hô tráng sĩ, cô nương không khỏi quá khách sáo, trừ lúc mới đầu Ký Linh và Phùng Bất Cơ còn khách sáo một chút, giờ hai người toàn gọi thẳng tên nhau.

“Không cần ngửi, không có mùi gì hết.” Phùng Bất Cơ đáp, “Nếu có thì tôi đã phát hiện lâu rồi, đâu dễ mà đi khỏi đây.”

Ký Linh gật đầu, không hề bất ngờ, bởi vì hương Phù Đồ đã châm cũng đang lượn lờ bay lên, không hề có ý tản ra bất kỳ hướng nào khác.

“Thế là cớ làm sao?” Đàm Vân Sơn đứng cách xa ngoài ba thước nhưng không hề ảnh hưởng tới việc chàng ta quan sát được hương Phù Đồ, nghe thấy hai thầy nói chuyện.

Ký Linh lắc đầu: “Dẫu yêu có đạo hạnh cao tới cỡ nào cũng không thể hoàn toàn giấu hết yêu khí.”

Đàm Vân Sơn nhíu mày, vậy thì bất hợp lý: “Nó ở dưới đó thật, không phải mọi người cũng tận mắt thấy hay sao?”

Ký Linh im lặng, không cần phải nhìn giếng, chỉ cần nhìn nửa khúc đuôi nằm dưới đất kia là đã chẳng ai có thể nghi vấn nửa câu.

“Đúng là yêu không thể hoàn toàn xóa bỏ toàn bộ yêu khí trên mình,” Phùng Bất Cơ nói chêm vào sau một hồi trầm ngâm, “trừ phi có vật gì đó che được hết yêu khí của nó.”

Ký Linh nhìn Phùng Bất Cơ: “Ví dụ như?”

Phùng Bất Cơ thủng thẳng đáp: “Tiên khí.”

Ký Linh ngớ người, không ngờ câu trả lời lại là vậy.

Lúc ở bờ sông quyết định quay về đây nàng cũng đã nghĩ tới chuyện trong Đàm phủ nhất định có thứ gì đó Ứng Xà muốn có nhưng không đoán được rằng thứ đó lại có liên quan với “tiên”. Phải biết rằng, trước đêm qua, đến thần tiên ngụ ở đâu nàng cũng không biết, nhưng kể từ lúc Phùng Bất Cơ nói cho biết về một nơi gọi là Cửu Thiên Tiên Giới thì nơi xa xôi mông lung ấy cứ liên tục được nhắc tới trước mặt nàng, muốn lảng tránh cũng không được.

Đàm Vân Sơn thấy Ký Linh mù tịt chuyện này, trong lòng cảm thấy được an ủi gấp bội.

Bởi vì từ lúc quen biết vị cô nương này, bản thân chàng hầu như lúc nào cũng trong trạng thái như vậy, mười câu thì tới chín câu là hỏi “vì sao”, sách thánh hiền trước đây đọc đều vô dụng, giống như một kẻ từ túp lều rách lạc vào thế giới phồn hòa vậy, nhìn gì cũng thấy lạ lẫm. Giờ thì hay rồi, Phùng Bất Cơ giáng trần làm nàng cũng được hưởng thụ đôi chút cảm giác bị người ta lôi tới vùng đất hoàn toàn xa lạ.

“Ý Phùng huynh là trong giếng nhà tôi có tiên khí sao?” Niềm vui sướng khi có kẻ cũng trải qua tình cảnh giống mình không hề ảnh hướng tới lối tư duy nhanh nhẹn của nhị thiếu gia nhà họ Đàm.

Phùng Bất Cơ gật đầu chắc nịch.

Nếu lúc trước có chuyện gì còn nghĩ không thông thì hiện giờ nhờ chiếc giếng không tìm thấy yêu khí này cuối cùng huynh ta cũng đã xâu chuỗi được tất cả mọi chuyện: “Phải nói là thứ xuất hiện trong giếng nhà đệ hai mươi năm trước là vật tiên cho nên mới làm Ứng Xà đã yên phận nhiều năm dăm lần nhiều lượt gây ngập Đàm gia, mục đích chính là chiếm thứ này làm của riêng. Tuy nhiên, không biết vì sao mà không thành công, mãi cho tới lần này.”

Đàm Vân Sơn ngừng ung dung tự tại, thái độ dần dần nghiêm túc hơn: “Song ban đầu nó vẫn đi lầm đường, nhầm miệng giếng nhà họ Trần thành chiếc này.”

Phùng Bất Cơ thở dài nặng nề ngầm thừa nhận: “Có điều nó vẫn thành công. Nếu tôi đoán không nhầm thì hiện tại nó đã nuốt được vật tiên đó vào bụng nên mới nhanh chóng khôi phục yêu lực trong khoảng thời gian ngắn như vậy thậm chí còn mạnh hơn trước đồng thời tiên khí của vật tiên cũng che giấu luôn yêu khí của nó.”

Đàm Vân Sơn không biết yêu ma thần tiên thế nào nhưng luận về quan hệ nguyên nhân kết quả thì phỏng đoán của Phùng Bất Cơ rất kín kẽ, mọi vấn đề trước đây băn khoăn đều được giải thích một cách dễ dàng.

Song, đây chẳng phải chuyện gì đáng mừng.

Đắn đo tới lui, cuối cùng Đàm Vân Sơn vẫn uyển chuyển nói: “Ứng Xà chưa nuốt vật tiên đã khó đánh như vậy, giờ yêu lực của nó còn mạnh hơn trước, nhị vị…”

Nhị vị có đánh nổi không?

Lời này Đàm Vân Sơn không nói ra nhưng ý thế nào mọi người đều hiểu.

Quanh giếng lặng ngắt.

Đã gần giữa trưa, nắng vừa đẹp, đình Lê Hoa đẹp tươi rực rỡ trong nắng nhưng nắng chẳng thể xua tan vẻ mặt sầm sì của những người đứng cạnh giếng.

Đến thẳng tính như Phùng Bất Cơ lúc này cũng không cách nào đứng ra nói chắc.

Không biết bao lâu sau, Ký Linh nãy giờ im lặng bỗng thổi tắt hương Phù Đồ, quay sang hỏi Đàm Vân Sơn: “Huynh tin tôi chứ?”

Đàm Vân Sơn bỗng thấy căng thẳng, có cảm giác lỡ mà đáp sai thì bản thân sẽ thăng thiên ngay.

Cuối cùng, khó lắm chàng mới nói ra được: “Tôi tin cô nương…”

Ký Linh mừng rỡ, đang định nói chuyện thì lại nghe đối phương thòng thêm nửa câu sau…

“… nhưng tôi không tin Ứng Xà.”

Ký Linh thề, nếu quả có một ngày nàng chết thì chính là do bị Đàm Vân Sơn làm tức chết!

Phùng Bất Cơ cảm nhận được quyết tâm kiên định trong câu hỏi của Ký Linh, nghĩ rằng một cô nương trẻ tuổi còn dũng mãnh được như thế, vậy mà bản thân lại do dự, quả là mất mặt vô cùng, không kìm được bèn nói đầy hào hùng: “Ký Linh cứ việc nói thẳng, muốn làm thế nào, tôi theo!”

Mặc kệ Đàm Vân Sơn không chí tiến thủ, Ký Linh nói thẳng luôn với Phùng Bất Cơ: “Lấp giếng.”

“Tuyệt đối không được làm vậy…”

Bất thình lình vang lên một giọng nói oang oang đầy sốt ruột.

Ký Linh và Phùng Bất Cơ nhất tề nhìn sang Đàm Vân Sơn.

Đàm Vân Sơn ngơ ngác xòe tay, tỏ ý không phải mình.

“Tuyệt đối không được lấp chiếc giếng này…”

Cùng với tiếng bước chân tới gần hơn, cuối cùng ba người cũng nhìn thấy người mới tới.

Đàm Vân Sơn: “Cha?”

Ký Linh: “Đàm viên ngoại?”

Phùng Bất Cơ: “Không phải đã dặn trốn kĩ đừng ra ngoài rồi sao!”

Người mới tới không phải ai khác, chính là chủ nhà họ Đàm hơn nữa rõ ràng là phải chạy tới, giờ mướt mải mồ hôi, thở không kịp.

Dẫu là như vậy, Đàm viên ngoại vẫn xin lỗi Phùng Bất Cơ trước: “Xin, xin lỗi, thầy, nếu không phải chuyện quá khẩn cấp… tôi nào dám chạy vội, vội ra đây… làm phiền các thầy bắt yêu…”

Ký Linh tỏ ra hâm mộ.

Đàm Vân Sơn tỏ ra bùi ngùi.

Cho nên mới nói đôi khi con người cần phải có chút khí thế, có khí thế thực sự có thể trấn áp tình hình.

Đi cùng Đàm viên ngoại còn có lão quản gia và mấy tay gia đinh, lão quản gia lớn hơn Đàm viên ngoại mấy tuổi nhưng thể trạng cường tráng, sức lực dồi dào, chạy tới đây không hề thở dốc, giờ bèn đứng ra giải thích với Ký Linh và Phùng Bất Cơ thay Đàm viên ngoại: “Các thầy có điều không biết. Giếng này là giếng cổ, có từ ngày tổ tiên Đàm gia dựng nhà ở đây, dùng từ bấy tới nay nước giếng luôn dồi dào không cạn, cho nên nó không chỉ là một chiếc giếng, nó còn là phúc lộc tổ tiên Đàm gia để lại cho con cháu đời sau. Vừa rồi lão gia nghe nói có yêu trong giếng liền đứng ngồi không yên, bất kể chúng tôi có khuyên thế nào, lão gia cũng vẫn khăng khăng phải đích thân qua đây quan sát tình hình…”

Ký Linh nửa hiểu nửa không.

Nửa hiểu là sáng nay kẻ hầu người hạ nhà họ Đàm đã lục tục quay về, vừa rồi tuy Ứng Xà chỉ xuất hiện ngắn ngủi một lát nhưng ba người họ đứng quanh giếng lâu như vậy, tất có kẻ dưới đứng xem từ xa đi báo cho Đàm viên ngoại, Đàm viên ngoại biết trong giếng có vấn đề không có gì lạ. Nửa không hiểu là chuyện đầu tiên nàng và Phùng Bất Cơ làm khi quay lại Đàm phủ là nói rõ yêu vẫn còn đang ở trong Đàm phủ, dặn mọi người không được đi lại lung tung, đề phòng bất trắc, sau đó phát hiện không thấy tăm hơi Đàm Vân Sơn đâu nên mới sốt ruột đi tìm, vậy mà, trong tình huống như thế, Đàm viên ngoại vừa biết dưới giếng có vấn đề liền liều lĩnh chạy tới, đấy có còn là vị Đàm viên ngoại nửa đêm vác cả nhà chạy trốn nữa không? Chiếc giếng này quan trọng tới mức không thể để xảy ra bất kỳ chuyện gì hay sao? Quan trọng hơn cả tính mệnh?

Khác với Ký Linh âm thầm suy nghĩ, Phùng Bất Cơ thực sự là người nghĩ gì là nói nấy: “Yêu ở dưới giếng, không lấp giếng sao ép được nó ra ngoài? Không ép được nó chui ra thì làm sao bắt được? Chẳng lẽ một chiếc giếng lại quan trọng hơn cả mạng người hay sao?”

Đàm viên ngoại điều hòa lại nhịp thở xong thái độ vẫn không đổi: “Yêu tất nhiên là cần phải bắt nhưng tuyệt đối không thể lấp giếng.”

Phùng Bất Cơ gắt: “Vậy ông nói phải bắt thế nào?”

Đàm viên ngoại nhìn miệng giếng rồi lại nhìn Phùng Bất Cơ và Ký Linh, do dự mãi một hồi mới lí nhí hỏi thử: “Hay là… các thầy xuống giếng bắt?”

Rõ ràng Đàm viên ngoại cũng tự biết đề nghị của mình là quá đáng cho nên nói rất rụt rè.

Phùng Bất Cơ trợn suýt rớt cả tròng mắt: “Không được động vào giếng còn hai chúng tôi thì xuống đó chịu chết cũng được hả?!” Bên cạnh mà còn chiếc bàn gỗ thì huynh ta có thể vỗ nảy cả bàn… không, vỗ nát luôn!

Đàm viên ngoại cúi đầu, chột dạ tức mức hoàn toàn không dám nhìn Phùng Bất Cơ.

Đàm Vân Sơn thấy cha ruột mình vừa sợ vừa chột dạ, sợ yêu quái, sợ cả Phùng Bất Cơ nhưng dẫu vậy vẫn khăng khăng không đổi ý, thực sự không giống tính cha.

“Lão gia…” Một đứa a hoàn đi về phía này, tới đoạn đình Lê Hoa thì dừng lại, không dám lại gần hơn, đứng cách một khoảng ngó qua đây.

Ký Linh nhận ra là a hoàn theo bên cạnh Đàm phu nhân, lúc trước từng thấy đôi lần.

Đàm viên ngoại tất nhiên lại càng nhận ra cho nên dù không vui khi bị làm phiền nhưng không nổi nóng, chỉ nghiêm giọng hỏi: “Chuyện gì?”

A hoàn nói: “Phu nhân mời lão gia qua hậu trạch, có việc thương lượng.”

Đàm viên ngoại gắt: “Không thấy ông với thầy đang bận ở đây sao, có gì để lát nữa nói!”

A hoàn vẫn đứng nguyên tại chỗ, thái độ như thường, rõ ràng là chẳng mấy sợ Đàm viên ngoại: “Phu nhân nói nếu lão gia không về thì thay phu nhân hỏi lão gia một câu.”

Đàm viên ngoại gật đầu: “Nói đi.”

A hoàn hơi nâng giọng như thể muốn để mọi người ở đây đều nghe được rõ: “Phu nhân hỏi lão gia còn nhớ “lê đình tiên mộng” mười bốn năm trước chứ?”

Nhờ phước của a hoàn, tất cả mọi người ở đây đều nghe rõ. Thế nhưng, nghe mà không hiểu.

Đàm viên ngoại thì lại hiểu toàn bộ ẩn ý, ngay lập tức trả lời: “Tất nhiên là nhớ, không thì ông việc gì phải chạy vội lại đây như vậy…”

Còn chưa nói hết ý đã đột ngột dừng lại.

Đàm viên ngoại giật mình ra mặt, rõ ràng là hiện giờ mới hoàn toàn lĩnh hội được ẩn ý của Đàm phu nhân.

Mọi người đều ngơ ngác không hiểu, Đàm viên ngoại quay qua cung kính thi lễ với Ký Linh và Phùng Bất Cơ rồi khẩn thiết thưa: “Hai thầy có thể dời bước qua trà sảnh hậu trạch nói riêng mấy lời được không? Có chuyện quan trọng phải thưa với hai thầy.”

Ký Linh và Phùng Bất Cơ nhìn nhau lấy làm khó hiểu.

Lúc trước Đàm viên ngoại cũng coi như có lễ với họ nhưng không cung kính như hiện giờ, mới vừa xong còn tranh chấp với họ chuyện “lấp giếng”, a hoàn kia chuyển một câu của phu nhân xong, Đàm viên ngoại lập tức thay đổi hẳn như trở thành người khác, khác biệt trước sau quá rõ.

Ký Linh hồi thần lên tiếng trước: “Nói chuyện riêng tất nhiên là được nhưng có thể bắt yêu trước rồi hẵng nói riêng sau không?”

Phùng Bất Cơ vội phụ họa theo: “Đúng vậy, nói thì lúc nào chẳng được, dưới giếng này có yêu quái kia kìa, chẳng lẽ bỏ tạm nó đó mặc kệ?”

Đàm viên ngoại nghĩ ngợi rồi đáp: “Hai thầy xem thế này được không nhé. Chúng ta lấy một tấm gỗ đậy kín miệng giếng lại trước rồi đè một tảng to lên, quấn xích kỹ lại đồng thời sai người trông coi cẩn thận, có động tĩnh gì lạ lập tức báo ngay.”

Phùng Bất Cơ xoa xoa chân râu cân nhắc: “Thế cũng được nhưng không phải kế lâu dài đâu.”

Đàm viên ngoại đáp ngay: “Không cần lâu dài, chỉ cần cầm cự chốc lát để chúng ta nói riêng mấy câu là được.”

Phùng Bất Cơ không đoán được Đàm viên ngoại tính làm gì, chỉ thấy rằng cái câu tối nghĩa Đàm phu nhân sai người chuyển lời kia thật thần kỳ, chuyển lời một cái, Đàm lão gia không chỉ lập tức tỉnh táo ra mà đầu óc cũng linh lợi theo, nói năng hành sự chu đáo hơn trước không ít.

Người ta mời là “hai thầy”, tất nhiên Phùng Bất Cơ phải quay sang đánh mắt ra hiệu với Ký Linh: tôi thấy cách này được, tạm thời kéo dài thời gian nghe xem ông ta rốt cuộc muốn nói gì. Ý cô thế nào?

Ký Linh cúi đầu ngẫm nghĩ chốc lát sau đó ngước nhìn Phùng Bất Cơ, gật nhẹ đầu.

Đứng chờ mãi không thấy ai đưa mắt nhìn mình, trong lòng Đàm Vân Sơn thấy hơi hụt hẫng.

Trong lúc chờ khóa miệng giếng, Đàm viên ngoại về trà sảnh trước ngồi chờ, chẳng biết là lo yêu quái đột ngột lao ra hay là muốn về trước chuẩn bị để lát nữa “nói riêng”. Có điều, trước khi đi, Đàm viên ngoại bỗng dặn Đàm Vân Sơn lát nữa cũng đi cùng với các thầy qua trà sảnh.

Đàm viên ngoại vừa đi, đám người hầu tới cùng ông cũng rút, chỉ để lại vài tên gia đinh khỏe mạnh lo việc quanh giếng.

Ký Linh liên tục đứng cạnh giếng giám sát chằm chằm, không dám lơ là một chớp mắt nào, sợ lỡ có biến cố gì liên lụy tới mấy tên gia đinh này.

Phùng Bất Cơ và Đàm Vân Sơn không căng thẳng như nàng, một người nhìn trời hóng gió, một người ngồi trong đỉnh nghỉ chân.

Được một lát, Phùng Bất Cơ nhìn trời chán bèn lại gần giếng gọi Ký Linh: “Tôi thấy nên vào trong đình nghỉ một lát đi.”

Ký Linh không hiểu vấn đề: “Tôi chỉ đứng thôi, đâu phải làm gì, không cần nghỉ.”

Phùng Bất Cơ cười bất lực: “Ký Linh căng thẳng như vậy sẽ làm mọi người càng thêm lo lắng đề phòng.”

Ký Linh ngớ ra nhìn đám gia đinh vùi đầu cắm cúi làm việc, tuy không thấy vẻ mặt họ thế nào nhưng dựa vào bước đi thì xem ra quả thực… hơi chần chừ.

“Đi thôi, đi thôi, ” Phùng Bất Cơ kéo Ký Linh qua phía đình, “tiện thể hỏi Đàm Vân Sơn hộ tôi xem đệ ấy giấu dao vào xà cạp từ lúc nào.”

Ký Linh mỉm cười, Phùng Bất Cơ mà không nhắc tới vụ này thì suýt nữa nàng cũng quên luôn.

Đi chẳng mấy bước đã tới đình Lê Hoa, Đàm Vân Sơn đang ngồi chống cằm ngẩn người bên bàn đá.

Khoảng cách giữa giếng nước và đình rất gần, căn bản không cần Ký Linh phải chuyển lời, sau khi ngồi xuống đối diện Đàm Vân Sơn, nàng liền nhíu nhẹ mày nhìn đối phương, hàm ý rất rõ ràng: mau trả lời câu hỏi của Phùng huynh của huynh đi.

Đương nhiên là Đàm Vân Sơn có nghe thấy Phùng Bất Cơ hỏi nhưng chàng vẫn cứ không chịu nói, dùng mắt đáp mắt: gì cơ?

Ký Linh vừa bực vừa buồn cười, đành phải mở miệng: “Giắt sẵn dao từ lúc nào?”

Đàm Vân Sơn hài lòng vì cuối cùng cũng được chú ý, đứng đắn đáp: “Đêm hôm qua vào bếp lấy.”

Ký Linh hiểu ra: “Chẳng trách đêm qua huynh giành mang bát không về bếp.”

Đàm Vân Sơn thở dài thật khẽ: “Chỉ còn cách ấy, cô nương có chuông Tịnh Yêu, Phùng huynh có kiếm gỗ đào, tôi không có gì hết, làm mồi hai lần đều câu trúng cả hai, như vậy mà còn không tìm vật phòng thân, không cần cô nương động thủ, tôi đã tự tiễn mình thăng thiên rồi.”

Ký Linh bất ngờ bị nói trúng tim đen, nhất thời bối rối, mất một lúc mới nói đầy miễn cưỡng: “Tôi… có nói muốn động thủ bao giờ đâu…”

Đàm Vân Sơn cúi đầu trầm ngâm rồi bỗng ngước mắt phóng mắt qua bàn đá nhìn xoáy vào Ký Linh: “Nào, cô nương nhìn tôi, nghiêm túc nói thử một lần rằng trước nay cô nương chưa từng muốn cầm chuông Tịnh Yêu đập tôi đi.”

Ký Linh: “…”

Đàm Vân Sơn: “…”

Ký Linh: “Lại nói, làm sao huynh biết Phùng Bất Cơ dùng kiếm gỗ đào?”

Đàm Vân Sơn: “Huynh ấy nói với tôi.”

Ký Linh: “Đêm qua?”

Đàm Vân Sơn: “Ừ.”

Ký Linh: “Hai người nói chuyện thật hợp ý.”

Đàm Vân Sơn: “Đúng vậy, vậy nên có thể quay lại nói tiếp chuyện trước chưa?”

Ký Linh: “…”

Thứ gọi là bất hạnh chính là ngàn năm mới giả ngu một lần thì lại gặp phải kẻ ngàn năm mới khăng khăng một lần.

“Mọi người đừng đứng đây trông, qua chỗ nào xa chút, xa nhiều cũng không sao hết, tốt là vừa xa vừa cao, chỉ cần trông thấy miệng giếng là được, hễ có dị thường cũng đừng chờ thông bẩm, phải gõ luôn la.”

Lời dặn dò đầy khí thế lại chu đáo của Phùng Bất Cơ ngắt ngang cuộc “chuyện gẫu” dưới đình Lê Hoa.

Ký Linh và Đàm Vân Sơn nhất tề nhìn sang, miệng giếng đã khóa xong, mấy tên gia đinh đang do dự nên nghe lời lão gia đứng đây trông hay nghe lời thầy đứng xa coi.

“Đi mau! Chớ lãng phí thời gian!”

“Dạ!”

Thầy thắng.

Gia đinh tản đi tứ hướng, Ký Linh và Đàm Vân Sơn rời khỏi đình Lê Hoa, ba người cùng nhau đi sang trà sảnh hậu trạch.

Trên đường đi, Phùng Bất Cơ không nhịn được hỏi: “Đàm lão đệ, cha đệ rốt cuộc có chuyện gì quan trọng phải nói ngay với bọn huynh vậy? Lê đình tiên mộng là gì?”

Đàm Vân Sơn lắc đầu: “Tôi thực sự không rõ.”

Có một việc Ký Linh nghĩ mãi không hiểu: “Vì sao cha huynh phải dặn riêng huynh cùng đi với chúng tôi qua đó vậy?”

Đàm Vân Sơn vẫn lắc đầu, có cảm tưởng mình sắp biến thành trống bỏi.

Bỗng nhiên dường như nghĩ ra gì đó, Ký Linh đột ngột hỏi một câu không đầu không cuối: “Đàm Vân Sơn, năm nay huynh bao tuổi?”

Đàm Vân Sơn dừng bước, mặt mày bất giác trở nên dịu dàng: “Đây là lần đầu tiên có cô nương hỏi tôi tuổi tác…”

Ký Linh: “Nói đi.”

Đàm Vân Sơn: “Hai mươi.”

Phùng Bất Cơ đang định cảm khái hai người này nếu muốn có chuyện phong hoa tuyết nguyệt gì phỏng chừng phải đợi còn dài thì bỗng một tia sáng lóe lên trong đầu. Đàm Vân Sơn năm nay hai mươi, Đàm phủ từ sau khi tu sửa cũng bắt đầu bị ngập trở lại từ hai mươi năm trước…

Phùng Bất Cơ đứng khựng lại nhìn Đàm Vân Sơn chằm chằm.

Ký Linh kể từ lúc hỏi tuổi tác đã luôn nhìn chàng không chớp mắt lấy một lần.

Đàm Vân Sơn đứng giữa hai phía nhìn chằm chằm không nhúc nhích được nửa bước, bỗng nhiên, chớp mắt chàng cũng ngộ ra, ngạc nhiên ra mặt: “Chẳng lẽ thực sự liên quan tới tôi?”

Phùng Bất Cơ vỗ vỗ vai chàng: “Vì sao đệ làm mồi dụ là bách phát bách trúng, vì sao đệ không làm mồi dụ mà vẫn bị kéo xuống giếng, nghĩ kỹ xem.”

“…”

Đàm Vân Sơn không thích lời đề nghị này nhưng vẫn bất giác nghĩ thử, song tới tận khi tới trà sảnh vẫn không nghĩ thông được điều gì.

Không biết Đàm viên ngoại đã ngồi ở trà sảnh bao lâu, thấy ba người họ tới liền cho kẻ dưới lui hết còn dặn dò riêng quản gia tăng cường chú ý, nhất định không được để bất luận kẻ nào tới gần trà sảnh, kể cả đại thiếu gia.

Cha dặn dò vậy làm Đàm Vân Sơn đâm kinh ngạc.

Ký Linh thì lại thấy hứng thú hơn với vị Đàm phu nhân ngồi song song với ghế chủ nhà.

Đàm phu nhân ngồi đoan trang, vẻ mặt trầm tĩnh, dù khóe mắt đuôi mày đã in vết thời gian nhưng bộ trang phục thêu lộng lẫy đẹp mà không kém phần trang trọng vẫn bật lên phong thái ung dung của bà.

Trước đây Ký Linh chưa từng nghiêm túc quan sát Đàm phu nhân kỹ như vậy nhưng hôm nay, vị phu nhân này chỉ cần một câu đã làm Đàm viên ngoại vội vã quay về, thậm chí một đứa a hoàn đi theo bà cũng có thể làm Đàm viên ngoại vô thức nén giận, điều này làm Ký Linh ý thức được bản thân có lẽ đã nhìn nhầm, người cầm trịch chân chính ở nhà họ Đàm không phải Đàm viên ngoại mà là Đàm phu nhân.

Như thể là xác nhận phỏng đoán của nàng, Đàm lão gia phải nhìn Đàm phu nhân một cái, đợi Đàm phu nhân gật nhẹ đầu mới hắng giọng từ từ kể lại “lê đình tiên mộng” cho năm người duy nhất còn ở lại trong trà sảnh nghe…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện