Làm Dâu Nhà Hội Đồng

Chương 51



Cậu Cả nói Kim Chi không phải tự tử, hiện trường treo cổ chỉ là giả mà thôi. Người treo cổ chết sẽ chết rất khó khăn, có đôi khi còn trông rất đáng sợ nữa. Đằng này, Kim Chi ngoài gương mặt trắng bệch, cái cổ trầy trụa rớm máu ra thì tay chân vẫn rất bình thường. Nhưng xét theo vị trí dây thừng treo trên sà nhà, nếu Kim Chi treo cổ thật thì chắc chắn những vật trang trí xung quanh phải bể đổ vì sự vùng vẫy dằn co trước khi chết của cô ấy. Đằng này… mọi thứ mọi vật đều rất bình thường, hết sức bình thường.

Cậu Cả chỉ vào cái tủ gỗ, phía trên tủ gỗ là vật dụng trang trí linh tinh gồm có bình hoa sứ, đồ cổ bằng đồng, vài viên đá quý được Kim Chi sưu tầm trưng bày cho đẹp, cậu nghiêm nghị nói:

– Sợi dây thừng treo trên kia, nếu con nhỏ treo cổ chết thiệt thì chân của nó sẽ chạm tới nóc của tủ gỗ này. Nếu theo như cậu, khi cậu muốn thòng cái đầu vô sợi dây thừng trên đó, cậu chắc chắn phải bắt ghế trèo lên được tủ gỗ này rồi đứng trên đó, cậu mới đủ cao để thòng đầu vô dây thừng được, đó là giả dụ thứ nhất. Còn giả dụ thứ hai, cậu ví cho là con Chi tìm được cách khác ngoài cái cách phải trèo lên nóc tủ này đi thì khi nó treo cổ, nó phải vẫy vùng đạp chân đạp tay tán loạn thì mới đúng. Mà hễ đạp chân thì mấy thứ đồ để trên tủ này chắc chắn phải đổ bể…

Vừa nói cậu vừa chỉ vào bình sứ trên tủ:

– Cái bình này, nó tuy lớn nhưng nhẹ… con nhỏ đạp một cái là ngã bể được liền… không lý nào con nhỏ treo cổ tự tử mà đồ đạc còn nguyên được. Nếu nó chọn treo cổ ở giữa phòng thì còn có thể chứ sợi dây thừng nằm ở chỗ này, phía dưới là cái tủ gỗ này… nói nó treo cổ chết mà chết ngọt như người chết bất đắc kì tử là không thể nào.

Tôi vừa nghe cậu nói vừa chăm chú quan sát, càng nghe càng thấy quá hợp lý. Mà đã hợp lý như vậy thì chứng tỏ khả năng Kim Chi tự tử là rất thấp. Công nhận cậu Cả thông minh thật, nếu đem những suy luận này về thời hiện đại của tôi thì có thể được xem là bình thường nhưng để chúng ở thời đại này thì người suy luận và nhìn ra được mấu chốt… lại không thể nào là người “bình thường” được. Phải cậu Cả mà về hiện đại, có khi làm được thám tử tư cũng không chừng.

– Em thấy thế nào?

Nghe cậu hỏi, tôi liền trả lời:

– Cậu nói rất đúng, người treo cổ chết dù tâm ý muốn chết nhưng khi treo cổ vẫn sinh ra phản xạ thuận với tự nhiên của con người. Không lý nào Kim Chi lại nghịch lại với tự nhiên như vậy. Đó là chưa nói tới… vết đỏ trên cổ con bé…

Cậu Cả khẳng định:

– Phải, vết đỏ trên cổ con nhỏ rất lạ, nếu em nhìn kỹ thì sẽ nhìn ra được một lằn đậm và một lằn mảnh hơn. Lằn đậm có thể là do dây thừng siết nhưng còn lằn mảnh… nếu cậu đoán không nhầm… lằn mảnh đó mới là đòn lấy mạng Út Chi.

Tôi gật đầu, nhớ tới bức di thư, tôi nói thêm:

– Với lại, cậu đọc qua lá thơ tuyệt mệnh của Kim Chi chưa? Cậu có thấy lạ hông cậu?

Cậu Cả ra vẻ trầm ngâm:

– Cậu chưa đọc, em thấy lạ sao?

Tôi phân tích:

– Trong thơ, Kim Chi có ghi một câu thế này… con mất mặt lung lắm… em nghĩ hoài nghĩ hoài… cứ cảm thấy có chi đó hơi kì lạ. Út Chi nói là mất mặt… con bé mất mặt chuyện chi hả cậu? Cậu có nghe nói là có chuyện chi làm cho con bé buồn bã hay là xấu hổ với mọi người không cậu?

Cậu Cả cau mày suy nghĩ, vài giây sau, cậu khẽ lắc đầu:

– Để cậu hỏi lại chị Hai đã… cậu cũng như em, không rành lung đâu.

Bên ngoài chợt có tiếng gọi của bé Nhỏ:

– Cậu Cả… mợ Cả… bà cho kêu cậu mợ lên nhà trên, bà nói khách viếng tới rồi.

Tôi gật nhẹ đầu, thở dài nói:

– Để sau rồi hãy điều tra, bây chừ mình lên với Kim Chi đi cậu.

– Ừ, đi thôi.

Tôi với cậu lên phía trên, còn không tới mấy giờ đồng hồ nữa là Kim Chi vĩnh viễn sẽ không còn trên cõi trần gian này, chỉ cần nghĩ sơ qua thôi cũng cảm thấy chua xót lắm rồi. Đúng giờ, lễ di quan đưa linh cữu về nơi an nghỉ cuối cùng,tôi đứng trong đoàn người, lòng nặng trĩu với vô vàn nỗi buồn. Tôi với cậu Cả chia nhau dìu tay dì Nguyệt, nhìn dì ấy khóc đến tiều tụy mà tôi thương tới không nói được nên lời. Nhìn cảnh tượng thầy Trầm cầm roi đánh vào quan tài, ông vừa đánh vừa khóc, tay run rẩy đến kiệt quệ, bao nhiêu thù hằn oán giận của tôi với Kim Chi và thầy Trầm… tất cả như tan biến hết. Chứng kiến cảnh đau lòng này, bất giác tôi nhớ đến ba mẹ tôi kinh khủng, chắc là họ cũng như vậy, cũng đau đớn giống như vậy…

Quan tài được đưa vào lòng đất, cô con gái vàng cô con gái ngọc nhà ông hội đồng mãi mãi ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại những mảnh kỷ niệm đau lòng. Đoàn người đưa tang khóc thương cho kiếp hồng nhân bạc bẽo, có người thương, có người lại trách sao cô ấy quá ngu ngốc. Tôi im lặng dìu dì Nguyệt đang khóc ngất lên ngất xuống, ngoài những câu an ủi rập khuôn ra, tôi thiệt không biết phải nói cái gì để dì có thể bớt đau lòng. Tâm tư tôi lúc này cũng rối ren lung lắm, cái chết của Kim Chi, tới tôi còn không thể chấp nhận nổi.

Bà nội được Thục Oanh dìu ở kế bên, bà ấy gào lên thảm thiết:

– Chi ơi là Chi, con hứa là sau khi con đi Sài Gòn về, con dẫn nội đi chùa mà sao con đành đoạn bỏ nội ở lại mình ênh hả con? Chi ơi… dậy kể chuyện cho nội nghe đi con… cục cưng của nội… cục cưng của nội ơi.

Dì Nguyệt không khóc nháo, dì ấy ngồi sụp xuống nền đất đầy sình lầy, dì khẩn khoản nỉ non:

– Chi ơi… Chi à… con gái ơi… con ơi!

Tôi nghe từng lời dì kêu tên con mà ruột gan như đứt ra từng đoạn từng đoạn, sao lại khổ tới như thế này… sao lại khổ tới như vậy hả dì?!

Cậu Cả mạnh mẽ là thế nhưng đến khi quan tài hạ xuống, cậu cuối cùng cũng nhịn không được mà rơi nước mắt. Đôi mắt phượng rũ xuống, từng giọt nước mắt lăn dài trên má, tôi nhìn thấy mà quặn thắt lòng. Cậu Cả, cậu ấy thương Kim Chi rất nhiều, cậu có thể lạnh lùng, có thể hà khắc nhưng tình thương mà cậu dành cho cậu Ngọc, dành cho Kim Chi là điều mà không ai có thể chối cải được. Cậu thương dì Nguyệt, thương anh em Kim Chi, cậu thương tới mức khảm tình yêu thương đó vào da thịt vào máu mủ của cậu, cậu nguyện bảo vệ bao dung cho ba người họ cả một đời…

Nước mắt tôi lúc này đã lấm lem trên mặt, điều cuối cùng tôi có thể làm cho Kim Chi là đưa tiễn cô ấy về với lòng đất mẹ. Rãi từng cục đất nhỏ xuống huyệt mộ, tôi tự nhủ thầm:

– Mợ hứa với con, mợ sẽ thay con chăm sóc cho má con… Kim Chi… con an nghỉ đi… an nghỉ đi con!

Cô Út Chi con gái út nhà hội đồng Trầm đã từ trần vào lúc xx giờ, ngày xx tháng xx năm xx, hưởng dương… 18 tuổi!

___________________

Một tuần sau đám tang của Kim Chi, Thục Oanh cuối cùng cũng lên xe hoa về nhà chồng. Chồng của Thục Oanh là cậu Phú, đám cưới nhà trai rất long trọng, còn nhà gái thì chỉ có làm lễ đưa dâu mà thôi. Nhà cậu Phú ban đầu cũng không chịu cưới vào lúc này, vì họ sợ cái tang làm cho xui xẻo. Nhưng cưới hay không cưới, hết thảy đều do cậu Phú quyết định, bởi ở nhà cậu, tiếng nói của cậu rất có trọng lượng.

Ngày Thục Oanh cưới, cậu Cả và tôi có tới dự, trong nhà có mặt đông đủ, chỉ ngoại trừ cậu Bảo là không tới. Mà thật ra, cậu Bảo không tới được là do cậu Cả cho người bắt giữ cậu ở Sài Gòn, sau đám cưới, cậu Cả mới cho người thả cậu ấy ra. Đợi tới khi cậu Bảo về, thì ván đã đóng thành thuyền, cô gái cậu yêu cuối cùng cũng làm vợ người khác.

Nhớ trước ngày cưới mấy hôm, Thục Oanh nửa đêm chạy tới tìm cậu Cả khóc lóc náo loạn đòi sống đòi chết muốn gặp mặt cậu. Cậu Cả cương quyết không chịu ra gặp, cậu còn cho người làm đi thông báo cho cậu Phú biết một tiếng. Rất nhanh sau đó, cậu Phú đã có mặt rồi trấn áp đưa vợ sắp cưới của cậu ấy về. Sang ngày hôm sau, Thục Oanh tự dưng ngoan ngoãn chuẩn bị cho đám cưới, thay đổi tới tôi cũng không ngờ tới được, tôi còn nghĩ chị ấy kiểu gì cũng tìm cách bỏ trốn cơ.

Thục Oanh đi lấy chồng, không biết là tự nguyện hay ép buộc, cũng không biết chị ta có còn thù vặt tôi hay không nữa… nhưng dù sao, tôi cũng mong cho chị ta hạnh phúc. Tôi thì tôi chả cao thượng mà bỏ qua cho chị ta đâu, chỉ là tôi tiếc cho cậu Phú mà thôi. Tôi không hy vọng một người đàn ông tốt như cậu ấy lại bị chị ta hành hạ đau khổ. Nếu chị ta hạnh phúc, chắc chắn cậu Phú cũng sẽ hạnh phúc. Còn phần tôi, nếu nước sông không phạm nước giếng, tôi sẽ không để những chuyện trước đây vào mắt nữa. Cũng không hẳn là tha thứ, tôi chỉ đi theo con đường thiện trong tâm mình mà thôi. Oan oan tương báo, vòng xoáy của tội lỗi… tôi thiệt sự không muốn bản thân mình phải nhúng tràm. Thêm chuyện chi bằng bớt chuyện, chỉ nên để sự “gian ác” trong lòng mình dành cho đúng người, đúng chuyện…

…………………….

Từ ngày Kim Chi chết, tôi và cậu Cả thường xuyên về nhà thăm dì Nguyệt hơn. Thục Oanh đi lấy chồng rồi, tôi lâu lâu vẫn sang tìm Bà Nội nói chuyện phiếm. Ban đầu bà nội vẫn có sự bài xích với tôi nhưng dần dà, mối quan hệ cũng được coi là cải thiện được một chút. Tôi cũng không hy vọng một người già như bà ấy sẽ cô đơn đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà ấy cũng trạc tuổi bà nội tôi ở nhà, tốt được thì nên tốt, còn nếu không được thì cũng không cần phải phí sức nhiều làm gì.

Dạo này dì Nguyệt ốm đau liên miên, trong phòng toàn mùi thuốc thang nồng nặc. Tôi xuống bếp sắc thuốc với nấu cháo cho dì, bé Nhỏ thấy tôi đi xuống, con bé liền nói:

– Mợ Cả… dạo này mợ Hai bị bệnh chi nặng hay sao á mợ, con thấy tụi nó sắc thuốc cho mợ Hai đều như vắt chanh.

Tôi nhìn sang hai cái siu bên cạnh, tôi rũ mắt trả lời:

– Kể từ khi Kim Chi chết, trong nhà mình nhiều nhất là người bệnh, chắc là cô ta buồn rầu quá sinh bệnh rồi cũng nên.

Bé Nhỏ bĩu môi:

– Có ma mới tin, mợ Hai mà buồn rầu cái chi mợ ơi

– Chớ nói sao hông rầu? Dù gì cũng thân thiết một thời, nói chi thì nói vẫn thấy đau buồn chớ em?

– Cái đó thì em không biết, chớ em hổng thấy ai đau buồn mà đeo vàng khiếp như mợ Hai. À mới hồi sáng này nè, mợ Hai phát hiện bị mất bông tai của bà cho bữa đám cưới, mợ điều động hết người trong nhà đi tìm. Tìm hông ra mợ chửi bới thậm tệ luôn, còn vu vạ cho người này người kia ăn cắp nữa. Phải mà hông có cậu Hai can ngăn kịp thời, khéo trong nhà lung người bị đòn rồi đó đa.

Tôi lúc này mới ngước mắt lên nhìn con nhỏ, tôi hỏi:

– Thiệt vậy hả? Cô ta bị mất bông tai là do cô ta xớn xác chớ liên quan chi tới người làm mà mắng rủa người ta?

Bé Nhỏ khinh bỉ trả lời:

– Thì bởi mợ, riết rồi người ở trong nhà rên khóc quá chừng, mợ Hai này tánh tình khác xa lung lắm với trước kia. Nhưng phận tôi tớ hèn mọn mần công cho chủ đâu có dám nói tầm bậy đâu mợ… cũng hên cho con là con theo mợ về bên cậu, chớ nếu không… chắc con cũng bị hành lên hành xuống rồi.

Tôi lắc đầu, cười nhạt:

– Đúng là xấu tánh lung quá đa, tội nghiệp cho cậu Ngọc.

Sắc thuốc xong, tôi bưng thuốc với cháo lên cho dì Nguyệt, vừa vào phòng đã nghe tiếng dì ho sặc sụa, tôi lẹ làng rót nước cho dì rồi vuốt lưng nhuận khí cho dì, lo lắng, tôi nói:

– Sao ho lung vậy chị Hai, để em kêu thầy Đồ tới một chuyến nữa nghen?

Dì Nguyệt lắc lắc:

– Thôi được rồi, ho từ từ nó hết, có chi đâu mà kêu ổng hoài tội ổng… thằng Trạch đâu, sao có mình em về vậy?

– Dạ cậu Cả đi mần công chuyện chi với Thái Ngọc rồi chị, chắc lát nữa là về liền á chị Hai.

Dì Nguyệt gật gù, dì nhận lấy chén cháo rồi dịu giọng nói:

– Để cho chị tự múc, chị còn múc được… em hông cần lo đâu… chị ăn được.

– Dạ.

Nhìn dì Nguyệt tay run run múc từng muỗng cháo cho vào miệng mà lòng tôi thấy lo lắng vô cùng, nếu cứ cái đà này, làm sao mà dì sống nổi đây?

Ăn được lưng chén cháo, uống hơn nửa chén thuốc, dì ăn miếng xí muội cho đỡ đắng miệng rồi mới quay sang thỏ thẻ hỏi tôi:

– Đám cưới hai đứa tính làm sao? Sao chị nghe thằng Trạch nói em muốn dời lại?

Tôi thở dài, nói:

– Kim Chi vừa mới chết… em muốn để qua 100 ngày của con nhỏ rồi mới tính…

Dì Nguyệt cau mày, dì trách:

– Đâu có được, ngày cưới coi hết rồi, đâu nói dời là dời được. Con Út Chi cũng chỉ là cháu gái của Thế Trạch, đâu phải là bậc sinh thành đâu mà kiêng cữ để tang. Em cứ nghe chị, cưới cho đúng ngày đã định, đám cưới mà dời tới dời lui là điềm xui… xui lung lắm.

Thấy tôi suy nghĩ không trả lời, dì Nguyệt liền nắm lấy tay tôi động viên:

– Con Út Chi ở dưới suối vàng cũng mong cho cậu mợ nó được hạnh phúc, lúc còn sống… nó nói với chị, đợi khi nào đám cưới hai đứa, nó tặng cho hai đứa áo gối mà nó thêu… con nhỏ thêu cũng đẹp lung lắm…

Dì Nguyệt nhắc tới Kim Chi dì lại khóc, tôi thấy dì khóc, tôi lại mũi lòng khóc theo. Cuối cùng thì tôi cũng đồng ý với dì Nguyệt, sẽ không dời ngày cưới lại nữa, mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch đã định.

……………………….

Tới bữa nay, tôi mới có dịp điều tra một chút về chuyện trong nhà. Lôi vú Chín vào phòng riêng, tôi bắt đầu hỏi.

– Vú… có chuyện này tôi hông dám hỏi chị Hai sợ chị ấy nhớ tới Út Chi lại khóc…

Vú Chín gương mặt đượm buồn, bà nói:

– Chuyện chi vậy mợ? Mợ hỏi đi?

Tôi suy nghĩ một chút rồi mới hỏi:

– Thì là vầy, hổng biết trong nhà mình dạo gần đây có chuyện chi mà làm cho Kim Chi nó buồn không hả vú?

Vú Chín nghe nhắc tới Kim Chi, bà ấy rưng rưng nước mắt:

– Làm gì mà có chuyện gì được hả mợ, cô Chi còn dự định mấy bữa nữa là đi Sài Gòn học nghề… đùng cái cổ chết… tôi thiệt hông hiểu vì đâu mà ra nông nổi như vầy nữa…

Thấy vú Chín xúc động, tôi đưa tay an ủi bà ấy rồi mới dịu giọng hỏi:

– Tôi biết… nhưng tôi có chuyện quan trọng liên quan đến Út Chi… vú ráng nhớ lại coi… coi Út Chi có gặp chuyện chi mà xấu hổ hay là buồn bã không vú?

Vú Chín nhìn tôi như đã hiểu ra được chuyện gì đó, bà ấy bắt đầu trầm ngâm nhớ lại, sau một hồi suy ngẫm, bà ấy vẫn là lắc đầu chịu thua:

– Tôi cố lung lắm rồi đó mợ, thiệt tình là hông có chuyện chi hết. Trước cái bữa cô chủ chết… cổ còn kêu tôi nấu canh bí cho cổ ăn nữa mà. Tôi thấy cổ có cái chi khác lạ hay buồn rầu đâu mợ…

– Vậy… vậy trong nhà mình… có cái gì khác thường hay là ai đó khác thường không vú?

Vú Chín cau mày:

– Chuyện này… để tôi ráng nhớ lại coi… để coi… à à có chuyện này… có chuyện này nè Mợ…

Tôi gấp gáp hỏi ngay:

– Chuyện chi hả vú?

– Ờ thì trước bữa cô Chi chết… trong nhà mình có thêm người lạ.

Tôi ngạc nhiên:

– Có thêm người lạ? Là ai hả vú?

– À thì là người xin vô nhà mình mua dâu… nhà mình có vườn dâu tới mùa trái chín lung lắm cô.

– Bao nhiêu người?

– Hai người, một đờn ông một đờn bà.

– Rồi bọn họ đâu?

– Tôi… cũng hổng biết, cô Chi cổ chết trong nhà lu bu công chuyện tùm lum, tôi đâu có nhớ tới hai người kia làm chi đâu mợ… mà mợ… có chuyện gì đúng không mợ?

– Cũng không có gì, để khi nào tôi điều tra ra được, tôi nói với vú sau.

Vú Chín chợt nói thêm:

– Mà có chuyện này giờ tôi mới nhớ, cái người đàn bà mua dâu á mợ… ngó trông kỳ cục lung lắm, giọng the thé ngộ lắm. Tụi nó dắt hai người này vô gặp tôi, tôi tưởng là vợ chồng nên cũng hông có hỏi nhiều, bởi nào giờ người ta ra vô mua trái cây trong vườn mình cũng nhiều. Mà giờ chịu khó nhớ lại, tôi mới thấy ngộ lung…

Tôi cau mày, hỏi gấp:

– Ngộ là ngộ sao hả vú?

– Ờ thì… bà đó hổng có giống đờn bà… tóc thì cũng ngắn chớ hông dài lắm nhưng ngó… ngó cái tướng với cái giọng nói kỳ lắm. Lúc đó tôi nghe bà đó nói, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có người này người kia, giờ mợ hỏi tôi mới thấy lạ.

Tôi gật gù, suy nghĩ một lát rồi mới hỏi:

– Là ai cho hai người bọn họ vô mua dâu?

– Là… Bà Nhỏ đó mợ.

Bà Nhỏ? Là mụ Dung… lại là mụ Dung sao? Chuyện này… liệu có phải là do chính tay mụ ta làm? Nhưng nếu là mụ ta thì mụ ta có mục đích gì? Tại sao phải gϊếŧ chết Kim Chi? Hay mụ ta muốn… gϊếŧ người diệt khẩu giống như là gϊếŧ Út Quân?

Tôi khẽ cười lạnh một tiếng, trong lòng nhủ thầm… mụ Dung… mụ quá tàn độc rồi… Kim Chi mà mụ cũng dám gϊếŧ. Nếu đã vậy thì để tôi và cậu Cả đưa tiễn mụ một đoạn vậy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện