Chương 6: Chương 6
Ôn Chủy Vũ ăn no, thu dọn chén bát đi vào bếp thì thấy Ôn Nho lão tiên sinh vẫn còn ngồi ở phòng khách, dường như đang đợi cô để bàn chuyện.
Cô ngồi cạnh Ôn Nho lão tiên sinh, thò đầu ra nhìn đồng hồ để bàn, nói: "Đã hơn mười một giờ rồi, lão tiên sinh đây có chuyện gì chăng?"
Ôn Nho lão tiên sinh mặt mày nghi hoặc nhìn cô: "Nội thấy bức hiện tại con đang vẽ hình như là bức đã vẽ trước đây? Diệp Linh đến tìm con sao?"
Ôn Chủy Vũ gật đầu: "Mới đến lúc chiều." Cô mang chuyện hôm qua Diệp Linh sai người gửi bái thiếp tới xong hôm nay mới đến nhà nói hết ra, lại nhớ tới lời nhắc nhở của Phạm Phong, lờ mờ cảm giác được có điểm không đúng.
Cô tỏ vẻ đăm chiêu hỏi: "Nội, Diệp Linh...!có phải có chuyện gì hay không?"
Ôn Nho lão tiên sinh bình thản nhướng mi, hỏi: "Có thể có chuyện gì?"
Ôn Chủy Vũ thấy động tác nhướng mi của ông nội, lập tức biết nội tình bên trong quả thật có vấn đề.
Cô nói: "Nội xem, cháu gái của nội giờ phải bắt đầu tự lập, chăm chút gia đình rồi..." Cô nói được một nửa thì trông thấy khóe môi của Ôn lão tiên sinh giật giật, đành phải tạm ngừng, sau đó mặc kệ trong lòng ông nội hoài nghi, cô tiếp tục nói: "Nếu có chuyện gì nội phải nói với con, biết thêm chút việc cũng không phải là chuyện gì xấu, đúng không?"
Ôn Nho lão tiên sinh đưa mắt ngắm nghía Ôn Chủy Vũ, lúc này mới nói: "Con không kinh doanh, việc trên thương trường chỉ đôi ba câu khó lòng mà nói hết cho con hiểu.
Lúc qua lại với Diệp Linh con nhớ cẩn thận, có thể hạn chế thì nên ít qua lại một chút."
Trong lòng Ôn Chủy Vũ thầm nói: "Ngài đây vẫn chưa chịu nói rốt cuộc là có chuyện gì."
Ôn Nho lão tiên sinh bảo: "Đã trễ lắm rồi, nghỉ ngơi sớm đi." Nói xong liền đứng dậy đi về phòng ngủ.
Ôn Chủy Vũ nhìn theo bóng lưng Ôn lão tiên sinh lên lầu, lại nghĩ về chuyện của Diệp Linh.
Giống như những gì ông nội cô đã nói, cô không phải dân làm ăn mua bán, sẽ không phải gặp gỡ hay tiếp xúc với Diệp Linh quá nhiều.
Giữa cô và Diệp Linh, ngoại trừ chuyện bán nhà trước đây thì cũng chỉ còn việc liên quan đến bức tranh kia mà thôi.
Diệp Linh thuê cô vẽ tranh, cô nhận tiền, hai bên kí hợp đồng, giấy trắng mực đen rõ ràng, mua bán công bằng, không có gian lận hay lừa đảo.
Nhưng Phạm Phong đã từng nhắc nhở cô, giờ đến ông nội cũng vậy, nhất định bên trong đã xảy ra chuyện lớn gì đó mà cô không biết.
Cô suy đi nghĩ lại, quay về phòng, lấy điện thoại gửi tin nhắn cho Ôn Lê: "Chị Lê Lê, đã ngủ chưa?"
Luận theo vai vế, Ôn Lê là chị họ của Ôn Chủy Vũ.
Ông nội của Ôn Lê và ông nội cô là anh em ruột.
Ông chú mất sớm, nội cô với tư cách là con trưởng khó tránh sẽ chiếu cố gia đình em trai mình nhiều hơn.
Lúc nhỏ, ba của Ôn Lê bận chuyện làm ăn nên thường đưa chị ấy đến gửi ở nhà cô, cô cùng Ôn Lê chỉ chênh hai ba tuổi, hay chơi đùa cùng nhau.
Không đến hai phút sau, Ôn Lê trả lời: "Em còn chưa ngủ sao? Lại bận vẽ tranh nữa hả?"
Ôn Chủy Vũ sợ bị giáo huấn, vội vàng nhắn lại một câu: "Sắp ngủ rồi." Lại bồi thêm một tin: "Tìm chị để hỏi chuyện của một người."
Ôn Lê nhanh chóng gửi hồi đáp: "Em có thời gian nghe ngóng chuyện của người ta á!!!?"
Điện thoại rung lên: "Em muốn hỏi thăm ai? Nào, để tỷ tỷ nói cho."
Ôn Chủy Vũ không hiểu lời trêu đùa của Ôn Lê, gửi qua một tin: "Diệp Linh của tập đoàn Ngọc Sơn."
Qua khoảng hai phút, Ôn Lê mới trả lời cô: "Em hỏi cô ta làm cái gì?"
Ôn Chủy Vũ đáp: "Cô ta mua tranh của em, mang đi triển lãm, chiều nay lại xách theo nửa bức tranh trước đây em chưa vẽ xong đến nhà nhờ em vẽ tiếp.
Em thấy người này có chút kì lạ."
Ôn Lê: "!!!"
Ôn Chủy Vũ: "Đừng chỉ chăm chăm gửi dấu chấm than, biết cái gì, nói nhanh.
Em sắp phải đi ngủ rồi."
Ôn Lê: "!!!"
Ôn Lê tạm dừng, sau đó gửi qua một dòng: "Vậy em mau ngủ đi."
Ôn Chủy Vũ quay số gọi cho Ôn Lê.
Rất nhanh, điện thoại đã được tiếp, giọng của Ôn Lê từ trong điện thoại truyền ra: "Còn chưa ngủ?"
Ôn Chủy Vũ nói: "Trong lòng có chuyện còn vướng mắc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ."
Đầu dây bên kia im lặng vài giây, lúc này Ôn Lê mới nhẹ thở dài một hơi: "Được rồi, vậy thì chị sẽ kể cho em."
Ôn Chủy Vũ đáp một tiếng: "Tốt."
Ôn Lê nói: "Trước kia chú tư thông qua quỹ đầu tư góp vốn tư nhân để kéo giá cổ phiếu công ty, trong thời gian chú ấy điều hành, có tư bản từ bên ngoài nhúng tay vào làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Cùng lúc đó, có một vị quản lý cấp cao cũng là cổ đông nắm giữ cổ phần trong công ty chú, cùng một vị phó giám đốc họ Hướng đi tự thú và dùng tên thật để tố giác chú tư tập trung vốn hóa phi pháp, làm cho tiền của chú tư cùng với số vốn mà chú ấy đã huy động vào thị trường chứng khoán đều nhanh chóng bốc hơi.
Sau đó, chú tư bỏ trốn ra nước ngoài, tài sản đứng tên chú bị mang đi đấu giá, tập đoàn Ngọc Sơn tiếp nhận lại công ty chú tư, sáp nhập dòng vốn rồi lên sàn thêm lần nữa.
Vị phó giám đốc họ Hướng kia có tình tiết tự thú, tố cáo lập công, lại không phải là người phạm pháp...!Hiện tại đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất công ty hoạt động dưới trướng tập đoàn Ngọc Sơn, cũng chính là công ty ban đầu do chú tư điều hành, ông ta chiếm giữ 30% cổ phần.
Diệp Linh là người nắm 54% cổ phần thực tế."
Ôn Chủy Vũ nghe xong lặng người mất một lúc mới hỏi: "Quỹ đầu tư góp vốn tư nhân cùng chuyện tập trung vốn phi pháp...!sao lại dính dáng tới nhau?" Dù cô không hiểu việc kinh doanh nhưng cũng biết bản chất của hai chuyện này khác nhau.
Ôn Lê bảo: "Bên trong hoạt động như thế nào hai ba câu khó nói rõ, tóm lại, chú tư là người phụ trách thực tế, có vài khâu nhỏ không kiểm soát được, trách nhiệm này đều đổ lên đầu chú ấy.
Người họ Hướng kia cùng Diệp Linh trở thành người được hưởng lợi sau cùng.
Chuyện là như thế."
Ôn Chủy Vũ kinh ngạc cầm điện thoại hết nửa buổi, không nói lời nào.
Ôn Lê hỏi: "Còn đó không?"
Ôn Chủy Vũ hoàn hồn: "Còn."
Ôn Lê lại bảo: "Thương trường như chiến trường, chuyện thành bại được mất cũng chỉ vậy thôi, em đừng bận tâm quá."
Ôn Chủy Vũ hỏi: "Chị đang an ủi em sao?"
Ôn Lê hỏi lại: "Bằng không còn có thể làm thế nào?"
Ôn Chủy Vũ: "..." Cô nghẹn họng, nói: "Vậy em đi ngủ đây."
Phản ứng của Ôn Chủy Vũ không nằm ngoài dự đoán của Ôn Lê, cô không mảy may bất ngờ, nói: "Ngoan, ngủ sớm một chút." Nhưng lại không an tâm tình trạng hiện tại của Ôn Chủy Vũ, tiếp tục mở miệng dặn dò: "Sau này đồ thần kinh kia lại đến tìm em, em nhớ cách xa cô ta một chút.
Nếu em không chịu nổi, qua chỗ chị bên này, chị nuôi em."
Mặc dù Ôn Chủy Vũ hạ quyết tâm tự dựa vào bản thân nuôi sống hai ông cháu, nhưng đối với ý tốt của Ôn Lê, cô không nói lời cự tuyệt, chỉ đáp: "Đợi ngày nào đó nếu ngay cả cơm em cũng không có mà ăn, nhất định sẽ kéo hành lí đi tìm chị.
Ngủ đây, ngủ ngon."
Ôn Lê nhẹ giọng nói: "Ngủ đi, đừng nghĩ nhiều."
Ôn Chủy Vũ khẽ đáp lại một tiếng "dạ", chúc Ôn Lê ngủ ngon xong cúp máy, cô sắp lại mạch suy nghĩ, rất nhanh đã bình tĩnh trở lại.
Bất luận Diệp Linh dùng thủ đoạn gì, vẻ vang cũng được, không vẻ vang cũng được, đó là sự cạnh tranh của Diệp Linh và ba cô trên thương trường.
Nếu như cả hai người không thể cùng thắng thì ắt sẽ có người thành người bại, ba của cô mưu không bằng người, thua rồi, không trách người ta được.
Chuyện làm ăn của ba, là sự nghiệp của ông ấy, ông nội và cô đã giúp ông ấy trả giá cho sự nghiệp thất bại ấy rồi.
Mỗi người đều có sự nghiệp riêng, nhân sinh riêng, những gì hai ông cháu cô có thể làm đều đã cố sức làm, hết thảy mọi chuyện cũng nên dừng lại ở đây thôi.
Trong chuyện này, cô chỉ đơn giản mất đi sự giúp đỡ về kinh tế từ gia đình.
Vấn đề này đối với cô mà nói, sẽ có thể làm cho cô tạm thời rơi vào cảnh túng quẫn, nhưng tái ông thất mã yên tri phi phúc(1).
Cho nên, với cô, biết chuyện này rồi thì cũng chỉ là biết mà thôi, nhân sinh của cô từ đây về sau vẫn không có gì thay đổi, nên như thế nào sẽ như thế ấy.
Ôn Chủy Vũ điều chỉnh lại tâm tình, đi đánh răng rửa mặt rồi nghỉ ngơi.
Vẽ tranh công bút là một công việc đòi hỏi sự tinh tế tỉ mỉ, không phải vung tay múa bút một lát là xong.
Dù là một bức tranh rất nhỏ, năm ba ngày cũng chưa chắc có thể hoàn thành.
Tranh của cô, thường thường cũng vẽ hơn cả tháng, bức cô vẽ lâu nhất cũng mất đến ba năm.
Bởi tốn quá nhiều thời gian, cho nên phải chú ý nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe là việc vô cùng quan trọng.
Mấy ngày tiếp theo, Ôn Chủy Vũ đều chuyên tâm vẽ vời.
Bây giờ, vẽ tranh không chỉ là cách để gửi gắm tinh thần, hứng thú hay sở thích, nó đã trở thành công việc nuôi gia đình cô sống qua ngày.
Ôn Chủy Vũ chẳng hề cảm thấy như thế này thì có gì không tốt, có thể làm chuyện mình yêu thích, hơn nữa còn biến nó thành cần câu cơm đủ sức chăm lo cho cả nhà, thật ra đấy cũng là một chuyệt rất hạnh phúc.
Chẳng qua, có lẽ vì có thêm chút áp lực về kinh tế, áp lực hóa thành động lực, làm cho cô có thể yên lòng vẽ hơn.
Nhưng dù cho trạng thái làm việc của cô có tốt đi nữa, cũng phải ăn ngủ, nghỉ ngơi hợp lý.
Có ông nội nhìn chằm chằm, cô không dám quên ăn quên ngủ.
Sau bữa tối, cô cùng Ôn Nho lão tiên sinh đi dạo vòng quanh bờ hồ.
Sau khi cô về đến nhà, Tôn Uyển nói với cô, điện thoại cô đổ chuông.
Ôn Chủy Vũ quay về phòng, cầm chiếc điện thoại vẫn còn đang sạc lên, nhìn thấy cuộc gọi nhỡ của Phạm Phong.
Cô gọi lại cho sư huynh một cuốc.
Phạm Phong hỏi chuyện hợp tác giữa cô và Diệp Linh.
Ôn Chủy Vũ mờ mịt khó hiểu.
Cô nhận lại nửa bức tranh chưa vẽ xong về vẽ lại cũng được tính là hợp tác sao? Tính hay không tính?
Phạm Phong nói: "Nếu sau này em muốn gửi bán tranh, chỗ anh bên đây cũng là một lựa chọn không tồi."
Ôn Chủy Vũ nói với Phạm Phong, chuyện sau này, hiện tại cô vẫn chưa nghĩ xong.
Phạm Phong "xì" một tiếng, giống như đang suy ngẫm điều gì, hỏi cô: "Chưa cân nhắc xong? Ý của em là chuyện Diệp Linh mở chuyện lãm cho em không phải là do hai bên hợp tác?"
Ôn Chủy Vũ cạn lời: "Anh nghe được chuyện này ở đâu vậy? Tranh của em cô ta mua hết rồi, dù cô ta có muốn đem tranh của em đi đốt, em cũng chỉ có thể trơ mắt nhìn."
Phạm Phong nén giọng kêu: "Chết tiệt!" Sau đó lại tiếp: "Anh gửi cho em một thứ, em nhận mail đi."
Ôn Chủy Vũ đi đến trước bàn để máy tính, mở laptop lên, tìm được email của Phạm Phong vừa mới gửi qua trong hộp thư đến, sau khi nhấn mở thì nhìn thấy một đống link liên kết.
Những đường link này đến từ những trang web khác nhau, đa phần đều là các trang web giao lưu của đồng nghiệp, còn một số khác thì dẫn đến trang cổng thông tin điện tử lớn.
Nhấp mở vài đường link, toàn bộ đều hiển thị tin tức về cuộc triển lãm của họa sĩ mới Côn Luân Tiểu Quái cùng các tác phẩm được bán ra với giá cao ngất ngưỡng.
Bức Côn Luân Vạn Yêu Đồ của cô bán với giá hơn sáu triệu tệ, do một người mua giấu tên mua lại.
Sau đó là một vị họa sĩ lớn tuổi khá có danh tiếng trong giới vẽ tranh công bút lên tiếng ngợi khen, tôn sùng tác phẩm của cô, còn chỉ ra phần lạc khoản được Côn Luân Tiểu Quái giấu đi, nói trong mỗi bức họa của cô đều giấu một cái lạc khoản như vậy, bảo mọi người đi tìm.
Trong phần tin ấy còn đính kèm video giới thiệu về cô và phỏng vấn nhà tài trợ cho cuộc triển lãm này, người phụ trách của đơn vị tài trợ kia chính là Diệp Linh.
Đoạn giới thiệu về cô cũng là do Diệp Linh giới thiệu.
Lời mở đầu của Diệp Linh là: "Tôi và Côn Luân Tiểu Quái, tức Chủy Vũ, là bạn tri giao, không có chuyện gì mà không thể nói, không có việc gì mà chẳng thể tin..."
Ôn Chủy Vũ thấy Diệp Linh ăn mặc chỉnh tề, mặt mày đoan chính, phong thái tự nhiên, đột nhiên nghĩ tới hành vi của Diệp Linh từ trước đến nay cùng mấy lời ấy hết nửa buổi mới hồi thần, quyết định chỉ xem đến đây thôi.
Cô nghiến răng: "Tôi trước giờ chưa từng gặp qua ai mặt dày, vô liêm sĩ như thế." Hôm nay đã được mở mang rồi!
- ----------
Chú thích:
(1) Tái ông thất mã, yên tri phi phúc (但塞翁失马焉知非福): Sách Hoài Nam Tử có chép: Một ông lão ở vùng biên ải có con ngựa.
Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: "Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc".
Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về.
Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: "Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa".
Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi.
Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân.
Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: "Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc".
Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm.
Trai tráng đều được điều động ra chiến trường.
Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín.
Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.
Ông lão ở biên giới mất ngựa, sao biết ấy không phải là phúc? Ngụ ý cả câu chính là họa phúc ở đời khó lòng lường trước..
Bình luận truyện