Mai Sẽ Là Một Ngày Mới

Chương 4: Không có thứ gọi là “việc nhẹ, lương cao” (2)



Nhiều người cho rằng thế hệ “phú nhị đại” [1] như Vũ, Phong là thế hệ của những kẻ chỉ biết hưởng thụ, quậy phá, cuộc sống luôn tràn ngập màu hồng. Trên thực tế, ngoài những người từ chối thẳng thừng vai trò của mình như Phong thì có lẽ phần đông mọi người ngoài kia không nhìn thấy những áp lực, trách nhiệm mà các “cậu ấm, cô chiêu” phải gánh trên vai. Lấy Vũ làm ví dụ. Nếu anh không phải con trai của ông Hùng, thì với năng lực của mình, anh có thể xin việc ở bất cứ công ty nào với mức lương nhiều hơn anh có thể chi tiêu, trong khi vẫn có thể giữ cho mình sự tự do, bao gồm quyền được chuyển việc. Nhưng Vũ không thể làm như vậy, trên vai anh là tương lai của công ty, tâm huyết cả đời của bố mẹ và cuộc sống của mấy trăm nhân viên dưới quyền. So với ông Hùng ngày xưa, Vũ không vất vả bằng nhưng áp lực thì không hề nhẹ hơn. Khi khởi nghiệp, người ta được phép thử nghiệm và làm lại nếu thất bại nhưng với một doanh nghiệp lớn, sẽ không có chỗ cho sai lầm bởi mỗi quyết định đều có sự ảnh hưởng rất lớn. Có lẽ đó là lý do mà tôi luôn cảm thấy Vũ rất già dặn so với cái tuổi hai bảy của anh. Các anh họ tôi ở tuổi này có cuộc sống hoàn toàn khác. Ban ngày họ đi làm, hết mười tiếng ở công ty là hết trách nhiệm, ngày nghỉ, ngày lễ luôn đầy ắp kế hoạch du lịch, họ tận hưởng cuộc sống với YOLO [2] là tôn chỉ. Vũ thì ngược lại. Hiếm khi tôi thấy phòng anh tắt đèn trước tôi, cũng không thấy anh đi du lịch hay có bất kỳ thú vui tuổi trẻ nào. Từ tận đáy lòng tôi rất nể Vũ nhưng lại có phần e ngại, ở anh luôn có vẻ gì đó khiến người khác muốn giữ khoảng cách, cho dù đôi lúc anh cũng tỏ ra cởi mở.

- Quê em ở đâu nhỉ? – Có lần trong bữa cơm, Vũ hỏi tôi.

- Ở Hà Giang ạ.

- Sao chứng minh thư của cháu lại đề nguyên quán và thường trú ở Hà Nội? – Bác Hà tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại.

- Dạ, bố mẹ cháu lên Hà Giang từ trước khi đẻ cháu và ở tới bây giờ nhưng hộ khẩu thì vẫn ở Hà Nội.

- À bác nhớ rồi, bác Kim đợt trước có nói mà bác quên mất.

- Quê em chỗ nào ở Hà Giang?

- Huyện Xín Mần ạ. – Tôi đã phải nhẩm bài này tới thuộc lòng. Tôi từng đi Xín Mần một lần, đại khái vẫn nhớ mang máng nơi đó, nếu bị hỏi thêm gì cũng dễ đối phó. Hơn nữa, Xín Mần là một huyện vừa xa vừa nghèo của tỉnh Hà Giang, nếu không có việc thì rất ít người lên đó.

- Nói thế thì bố mẹ cô là người gốc Hà Nội, sao tự nhiên bỏ lên Hà Giang làm gì? – Phong nói giọng tò mò.

- Tôi cũng không rõ, tôi có nghe kể qua là mẹ tôi nhà rất nghèo, ông bà mất sớm phải ăn nhờ ở đậu nhà họ hàng, sau này gặp rồi lấy bố tôi là người nơi khác tới. Chắc gia cảnh khó khăn quá nên bỏ Hà Nội đi vùng kinh tế mới.

- Cháu học tới lớp mấy rồi?

- Cháu đang học dở lớp chín thì bỏ học ạ. Gần nhà cháu không có trường cấp ba, gia đình lại không có điều kiện đi học.

- Cháu ở đây một thời gian, nếu thích thì các bác sẽ giúp cháu đi học rồi kiếm một nghề ổn định. – Bác Hùng vui vẻ nói.

- Dạ, cháu cám ơn bác. – Tôi cười nhẹ. – Nhưng cháu chỉ muốn đi làm thế này thôi, sức cháu không học được đâu ạ. Cháu cũng không muốn về quê, sau này hai bác mà không cần cháu nữa thì cháu lại đi nhà khác tiếp tục làm giúp việc.

Tôi thấy vẻ hài lòng hiện trên khuôn mặt cả gia đình, trong lòng phần nào yên tâm. Chỉ cần tôi chịu khó làm việc thì chắc vài năm tới không cần phải lo lắng cho nơi ăn chốn ở. Đây đúng là một nơi ẩn náu lý tưởng, cho dù chủ nợ có đánh hơi ra tôi cũng không thể xông vào đây bắt bớ được.

- Thư này, mai em nấu bún bò Huế được không? – Vũ bỗng nhìn tôi nói.

- Vâng ạ, mai em sẽ nấu.

Tôi chưa từng nấu bún bò Huế nhưng đã ăn nhiều lần, hơn nữa còn có Google hỗ trợ đắc lực, chắc sẽ không có vấn đề gì.

Tối hôm sau tôi bưng ra mấy bát bún thơm phức nhưng lập tức cảm thấy có gì đó không ổn, mỗi người trong nhà, kể cả Phong đều nhìn tôi với ánh mắt khá kỳ lạ. Tôi len lén nếm thử, thấy hương vị rất ngon, vậy thái độ như vậy là thế nào? Và khi vắt ít chanh vào bát thì như có một tia sét nổ đoàng trong tâm trí tôi, tôi bắt đầu hiểu ra.

- Có ngon không ạ? – Tôi tỏ vẻ rụt rè hỏi. – Hồi cháu mới xuống Hà Nội, cô bé ở cạnh phòng có rủ đi ăn bún bò Huế cho biết, cháu thấy ngon nên hỏi lại bà chủ cách làm, nhưng không biết là có đúng vị ở Huế không.

- Ngon lắm cháu ạ. – Bác Hà dịu dàng nói với tôi.

Sao tôi có thể sơ suất đến thế? Một cô gái cả đời ở Hà Giang, lần đầu xuống làm giúp việc mà có thể nấu bún bò Huế là chuyện rất khó tin. Tôi không rõ họ có tin vào lời giải thích lấp liếm chữa cháy kia của tôi không, nhưng tôi cũng không nghĩ ra được lý do nào hay hơn. Hóa ra thử lòng người bây giờ không còn đơn giản là dùng vật chất để nhử nữa. Thông thường đối với những gia đình làm kinh doanh như thế này, người giúp việc phải là người rất đáng tin cậy, phải có nguồn gốc, chỗ gửi gắm giới thiệu đàng hoàng. Riêng tôi đến đây, ngoài lời khen của bác Kim, thân thế của tôi rất mù mờ, qua một thời gian, thấy tôi chăm chỉ lại thật thà thì hẳn đã nảy sinh nghi ngờ việc tôi có dụng ý nào khác. Tôi không phải người lãng mạn đến độ nhìn cuộc sống này như tiểu thuyết nhưng chuyện đối thủ kinh doanh cài người hay mua chuộc người làm không phải không có. Công ty của bố tôi đã từng đuổi ít nhất hai nhân viên, do các công ty đối thủ cài vào để lấy thông tin kinh doanh. Do họ mà công ty nhà tôi đã trượt thầu mấy lần, may mà phát hiện ra sớm không thì có lẽ thiệt hại không chỉ có vậy.

Tôi rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Tôi không biết làm thế nào để xóa sạch nghi ngờ của họ nhưng lại không thể nói ra tất cả sự thật. Làm sao có gia đình nào chịu chứa chấp một con nợ đang bị truy đuổi như tôi? Cuối cùng, vì sự việc không còn nằm trong tầm kiểm soát của tôi nên tôi tặc lưỡi, quyết định không nghĩ tới nữa, tùy cơ ứng biến.

Tôi không kể với bất kỳ ai chuyện tôi đi làm giúp việc, kể cả bố mẹ. Tôi chỉ nói qua loa là đã tìm được chỗ ở rất tốt ở ngoại thành và đi làm bán thời gian cho một công ty. Mỗi lần chat webcam, nhìn những giọt nước mắt của mẹ và nếp nhăn hằn sâu của bố, tôi thấy không cần phải tăng thêm mặc cảm cho họ nữa. Ấy vậy mà, đôi lúc sự rắc rối lại xuất phát từ những lo lắng quan tâm đến nhau như thế.

…………………

Một buổi tối sau khi lau quét nhà cửa sáng bóng, tôi tắm rửa sạch sẽ rồi thảnh thơi vào phòng đọc sách, sung sướng ngấu nghiến một cuốn sách như thường lệ. Đến quá nửa đêm, điện thoại của tôi bỗng rung lên. Là Phong.

- Mở cửa cho tôi.

Tôi ra tới cửa thì thấy bóng một chiếc xe phóng vụt đi, còn Phong thì đang dựa vào chấn song, cả người bốc mùi rượu nồng nặc. Hắn không đến mức cần tôi dìu vào nhà nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy hắn say đến thế này. Phong đi thẳng lên phòng, không buồn cởi giầy, và tôi không tránh được bực bội nhìn dấu giày bẩn thỉu của hắn in hằn lên sàn nhà sáng bóng.

Tiếng nôn ọe từ trong phòng vang ra ầm ĩ, khiến tôi dù rất khó chịu vẫn phải lên xem hắn thế nào. Một mùi chua lòm đặc trưng xộc thẳng vào mũi làm tôi suýt nôn theo, mặt sàn ngổn ngang “sản phẩm” của hắn, vạt áo cũng dính ít nhiều. Tôi nín thở, nhăn mặt cởi áo hắn ra rồi đi lấy giẻ lau cái đống kinh tởm trên sàn kia.

- Thư…

- … – Vừa ngẩng đầu xem hắn định nói gì thì một chiếc giầy bay vèo tới, tôi chỉ kịp nghiêng người cho nó rơi trúng vai thay vì đập thẳng vào mặt. Một vết giầy lớn in trên vai áo tôi, bùn đất bắn đầy người, dính cả lên mặt.

- Tôi không cố ý. – Giọng hắn khê nồng. – Mang cất hộ tôi.

- …

Tôi từng nói là tôi không ghét Phong nhưng giờ tôi rút lại lời, tôi ghét hắn, thực sự ghét hắn. Tôi nghiến răng cầm lấy đôi giầy của hắn, cố nuốt lại nước mắt. Tôi không thể tỏ ra yếu đuối trước mặt con người đó mặc cho trong lòng chua xót tới thế nào. Có thể bạn thấy tôi không còn chút tự tôn nào khi không cầm chiếc giầy bẩn thỉu đó nện thẳng vào mặt hắn, và tôi không phản đối. Có lẽ tôi đã trở thành kẻ bạc nhược, hèn nhát khi chịu cho người ta đối xử với mình như vậy nhưng tôi không có lựa chọn. Tôi không ở trong tâm thế của một cô tiểu thư đi vi hành trải nghiệm cuộc sống để tùy ý hành xử theo cách mình muốn. Tôi có thể khóc, có thể có bao nhiêu uất ức tùy thích, có thể rủa xả, căm ghét Phong nhưng tôi cần công việc này và Phong không đáng để tôi phải bỏ đi tất cả. Đặt lên bàn cân với một bên là tính mạng thì chẳng có một cái gì đủ nặng để làm đối trọng.

- Em đi ngủ đi, để anh làm nốt cho. – Vũ đã đứng trước cửa từ lúc nào, dù mặc đồ ngủ nhưng vẻ mặt hoàn toàn tỉnh táo, có lẽ anh ta cũng chưa đi ngủ như tôi.

- Dạ thôi anh cứ mặc em. – Tôi không nhìn Vũ, cứ thế cặm cụi lau sàn nhà đã sạch bóng.

- …

- Anh giúp em thay nốt quần áo cho Phong. – Tôi nói rồi cúi mặt ra khỏi phòng.

Sau khi giặt chiếc áo bẩn của Phong và lau mấy vết giầy dưới tầng một, tôi mệt mỏi lê về phòng. Skype báo ba cuộc gọi lỡ, từ bố mẹ.

- Con đây ạ. – Tôi đeo tai nghe, thì thầm nói.

- Con làm gì mà giờ mới gọi lại? – Tiếng bố trầm xuống, có vẻ không vui.

- Dạ, – Tôi hơi ngạc nhiên. – con có chút việc, không biết bố mẹ gọi ạ.

- Con không đi chơi đêm đấy chứ? Bố có cần phải nhắc lại cho con nhớ hoàn cảnh hiện nay của con không? Bố biết tính con trước đây thích đi chơi, thích tụ tập bù khú nhưng giờ thì không thể, con nên hiểu rõ.

Tôi ngồi lặng trong uất nghẹn, không còn đủ sức để ngăn những giọt nước mắt bắt đầu tràn qua mí mắt. Vì ai mà cuộc sống của tôi trở nên thế này? Vì ai mà tôi phải trốn chui trốn nhủi như tội phạm, phải nghiến răng chịu đựng mọi sự sỉ nhục như vậy? Và giờ ông còn ngồi đó giáo huấn tôi việc sống như thế nào.

- Thư… – Giọng ông bắt đầu có vẻ mất kiên nhẫn.

- Từ ngày người ta tới niêm phong căn nhà mình, từ ngày mà đám xe thương binh tới tận trường tìm con thì con đã tự biết lo cho bản thân mình rồi bố ạ. Bố mẹ không cần lo cho con, con đang rất an toàn, rất hạnh phúc, như bố mẹ bây giờ vậy. – Tôi nghiến răng, dằn mạnh từng từ một cách độc ác.

- … – Ông lặng đi, sau đó khó nhọc lắp bắp. – Bố… xin lỗi.

Lần đầu từ ngày xảy ra chuyện, bố mới lên tiếng xin lỗi tôi. Vẻ mặt ông tràn đầy đau khổ lẫn ân hận, đầu hơi rụt vào hai vai, nhìn ông giờ như một ông già mệt mỏi dù tuổi chưa phải nhiều. Lòng tôi chùng xuống. Bố không còn là siêu nhân biết tuốt của tôi ngày xưa, và tôi cũng không còn là đứa trẻ vô tư vô lo trong vòng tay ông nữa.

- Bố đừng nói thế. – Tôi lắc đầu, nói khẽ. – Con không trách bố, chỉ cần bố mẹ tin tưởng con, con biết mình phải làm gì.

………………

- Thư… – Lần đầu Phong tỏ thái độ mềm mỏng với tôi. – Tôi nghe Vũ kể là hôm qua tôi say nôn đầy ra nhà, còn ném giày vào người cô nữa.

- Chính xác là anh ném vào mặt tôi. – Tôi bổ sung, quay mặt giấu đi ánh mắt khinh bỉ, chán ghét. – Hai bác lại bắt anh xin lỗi tôi sao? Không cần đâu…

- Không, tất nhiên không phải vì ông bà già. – Giọng hắn tràn đầy thành khẩn. – Tôi biết thế nào là đúng sai chứ.

- Vâng, không sao đâu, chắc do lúc đó anh say quá. – Tôi cố đè xuống âm điệu mỉa mai trong giọng nói. Tôi cực kỳ ghét những người uống rượu làm càn rồi đổ tại say không biết gì.

- Đúng là tôi không nhớ gì hết nhưng không thể nói vì say rượu mà làm bừa được. Tôi chưa bao giờ thấy ai say mà mất sạch ý thức cả. Có thể lúc đấy tôi vô tình thôi nhưng vẫn là tôi sai, tôi thực sự xin lỗi cô.

- … – Tôi gật đầu, bởi ngoài chấp nhận lời xin lỗi ra tôi có thể làm gì khác?

- Mà này, có phải vì tôi mà cô khóc sưng cả mắt thế kia không?

Tôi tròn mắt nhìn Phong, hắn nghĩ mình là ai mà tôi phải khóc đến sưng mắt? Đã đành là cũng có chút liên quan nhưng không hoàn toàn là vì hắn.

- Không phải đâu, anh đừng nghĩ linh tinh. – Tôi lấy giọng tự nhiên nhất có thể. – Em trai tôi đêm hôm qua nhắn tin nói là con chó tôi nuôi quậy phá bị người ta đánh chết nên tôi mới khóc!

Tôi quay đi cắn môi nén cười, mặc cho khuôn mặt Phong hơi đơ lại, có thể vì hắn không biết nên an ủi tôi thế nào, hoặc giả là hắn biết tôi đá xéo nhưng không thể bắt bẻ.

………………..

Theo lời dặn của bác Hà, tôi luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn vặt trong tủ lạnh để bác Hùng và Vũ có cái lót dạ khi làm việc khuya.

- Mang cho tôi một cốc. – Có lần Phong về muộn, thấy tôi đang để trên khay hai ly sữa nóng cho bác Hùng và Vũ, liền tranh thủ “hưởng ké”.

- Vâng.

Tôi y lời bưng lên cho hắn, có điều hắn không hề nói là mình muốn uống cái gì.

- Sữa đậu nành? – Phong trợn mắt nhìn tôi.

- Tôi thấy bảo sữa đậu nành tốt cho sức khỏe. – Tôi vô tội nhìn hắn, làm sao người mới học tới cấp hai như tôi biết được sữa đậu nành rất tốt cho phụ nữ cơ chứ? [3]

- Thế sao cô lại mang cho bố tôi với Vũ sữa tươi?

- Mẹ anh nói là ai làm việc đầu óc phải uống sữa bò. – Tôi nói rất tự nhiên. – Còn sữa đậu nành tốt cho người vận động nhiều. Anh xem quảng cáo thì biết đó, uống sữa đậu nành vào đấm vỡ ghế đá luôn.

- Này, cô có ý gì hả?

Tôi nhoẻn miệng cười, miễn cho ý kiến. Phong sầm mặt nhìn tôi:

- Đôi lúc tôi có cảm giác giống như cô giả ngu.

- Ý anh đang khen tôi thông minh sao?

- Tôi chưa từng thấy ai không tốt nghiệp nổi cấp hai mà được gọi là thông minh cả. – Hắn nhìn tôi độc địa.

- Nói như vậy thì giả sử sinh viên đại học mà không làm được việc của học sinh cấp hai thì phải gọi là cực kỳ không thông minh đúng không?

- Cô muốn gì? Đổi công việc với tôi sao?

- Tôi làm việc của anh thế nào được? Tôi còn chưa tốt nghiệp cấp hai kia mà. – Tôi cười nhẹ. – Nhưng anh thử làm một việc của tôi đi, cho tôi thấy sự thông minh vượt trội của người-có-học xem nào.

Tôi không ngờ câu nói khích vớ vẩn đó lại khiến Phong cắn câu làm tôi có cảm giác hắn như một đứa trẻ lớn quá khổ.

- Bắp cải cuộn thịt? – Hắn nhìn tôi trân trối.

- Đúng rồi. – Tôi gật đầu. – Nguyên liệu đầy đủ trong tủ lạnh, anh làm đi nhé.

- Công thức thế nào?

- Anh tốt nghiệp cấp hai phải sáu, bảy năm rồi ấy nhỉ? – Tôi nheo mắt nhìn hắn cười rồi bỏ đi, để lại mình hắn giữa ngổn ngang bếp núc.

Kết quả là tối hôm đó, cả nhà ăn cơm với rau luộc. Món thịt cuộn bắp cải của Phong gây ám ảnh tới nỗi bác Hà yêu cầu tôi không được làm trong vòng ít nhất một tháng.

Từ đấy về sau, “Ai thông minh hơn học sinh lớp năm?” trở thành chương trình yêu thích của tôi, lần nào bật lên tôi cũng gọi Phong ra xem cùng, và lần nào hắn cũng giật lấy điều khiển để chuyển kênh. Nhìn vẻ mặt cau có đầy ác cảm của hắn đối với tôi, tôi thực sự rất khoái chí!

Chương sau >>

...............................

Chú thích:

[1] Phú nhị đại: chỉ những người thừa kế các sản nghiệp lớn.

[2] YOLO: You Only Live Once - Bạn chỉ sống một lần, ý nói nên tận hưởng tuổi trẻ, làm gì mình muốn để sau này không hối tiếc.

[3] Trong phần này, Thư chơi xỏ Phong bằng việc cố tình mang cho hắn sữa đậu nành, vì nhiều người cho rằng, đàn ông dùng nhiều sản phẩm từ đậu tương có thể bị “nữ tính hóa”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện