Mật Mã Da Vinci

Chương 23



Đại sứ quán Mỹ ở Paris là một khu nhà san sát trên đại lộ Gabriel phía Bắc quảng trường Champs-Lysées. Khu nhà liên hợp rộng ba héc-ta đó được coi là lãnh thổ Mỹ, có nghĩa là tất cả những ai ở trong khu vực đó đều phải tuân thủ cùng một luật pháp và được luật pháp đó bảo vệ như khi họ ở trên đất Mỹ.

Nhân viên trực điện thoại ban đêm của đại sứ quán đang đọc ấn phẩm quốc tế của tạp chí Time thì tiếng chuông điện thoại làm cô gián đoạn.

"Đại sứ quán Mỹ nghe đây", cô trả lời.

"Xin chào", người gọi nói tiếng Anh giọng Pháp. "Tôi cần sự giúp đỡ". Mặc dù lời lẽ khá lịch sự, nhưng giọng ông ta lại cộc cằn và quan cách. "Tôi nghe nói cô đã nhận một tin nhắn điện thoại cho tôi trên hệ thống tự động. Tôi tên là Langdon. Thật không may, tôi lại quên mất ba chữ trong mã số đăng nhập của tôi Nếu cô có thể giúp tôi, tôi sẽ vô cùng biết ơn".

Cô phụ trách tổng đài ngừng lại, bối rối: "Tôi xin lỗi, thưa ngài. Tin nhắn của ngài hẳn là đã rất lâu rồi. Hệ thống đó đã bỏ cách đay hai năm vì lý do an ninh. Hơn nữa, tất cả các mã đăng nhập đó đều có năm chữ số. Ai đã nói với ngài là chúng tôi có tin nhắn cho ngài ạ?

"Các cô không có hệ thống điện thoại tự động sao?".

"Không, thưa ngài. Bất kì tin nhắn nào cho ngài cũng sẽ được viết tay ở phòng dịch vụ của chúng tôi. Xin ngài nhắc lại tên của mình?".

Nhưng người đàn ông đã gác máy.

Bazu Fache chết lặng khi ông ta rảo bước trên bờ sông Seine. chắc chắn là ông ta đã nhìn thấy Langdon bấm một số điện thoại trong vùng, nhập mật mã đăng nhập có ba chữ số, và rồi lắng nghe một máy ghi âm. Nhưng nếu Langdon không gọi cho Đại sứ quán thì y gọi cho người quái quỷ nào nhỉ?

Liếc nhìn chiếc điện thoại di động của mình, chính lúc đó Fache nhận ra rằng câu trả lời đang nằm trong lòng bàn tay ông ta. Langdon đã dùng điện thoại của mình để thực hiện cuộc gọi đó.

Bấm nút danh bạ của chiếc điện thoại di động, Fache có được danh sách các cuộc gọi gần đây và ông tìm thấy số điện thoại mà Langdon đã gọi.

Một số điện thoại ở Paris, đi kèm với một mã số ba chữ số 454.

Bấm số điện thoại, Fache chớ đầu dây bên kia đổ chuông.

Cuối cùng, một giọng phụ nữ cất lên. "Xin chào! Đây là nhà của Sophie Neveu" máy ghi âm thông báo. "Hiện nay tôi đang vắng nhà, nhưng…".

Máu Fache sôi lên khi ông ta bấm số 4…5…4.

Mặc dù danh tiếng như cồn, Mona Lisa chỉ là một bức tranh khổ 78cm x 53cm bé hơn cả tấm áp phích in hình Mona Lisa bán ở quầy lưu niệm bảo tàng Louvre. Bức tranh được treo ở bức tường phía tây bắc căn phòng Salle des Etats, đằng sau tấm plexiglass bảo vệ dày 5cm. Được vẽ trên một tấm ván gỗ bạch dương, không khí thần tiên, đầy sương dăng mờ ảo của nó là do sự điêu luyện của Da Vinci về phong cách sfumato, trong đó các hình thể dường như hòa tan vào nhau.

Từ khi được đặt ở bảo tàng Louvre, Mona Lisa - hay La Joconde như người Pháp vẫn gọi đã bị đánh cắp hai lần, làn gần đây nhất vào năm 1911 khi nó biến mất khỏi salle impénétrable(1) của bảo tàng Louvre Le Salon Carré. Người Paris khóc trên đường phố và viết báo cầu xin những tên trộm hây trả lại bức tranh. Hai năm sau, Mona Lisa được phát hiện bị giấu dưới đáy giả của một chiếc hòm trong một phòng khách sạn ở Florence.

Lúc này, Langdon, sau khi tuyên bố rõ ràng với Sophie rằng ông không có ý định rời khỏi đây, đang cùng với cô đi ngang Salle des Etats. Bức Mona Lisa còn ở cách họ khoảng hai mươi mét, Sophie đã bật đèn tia tử ngoại, và luồng sáng tim tím từ chiếc đèn-bút quét trên sàn nhà phía trước mắt họ. Cô đưa luồng sáng chạy tới, chạy lui trên sàn như một cái máy dò, tìm kiếm bất cứ vết mực phát quang nào.

Đi bên cô, Langdon đã cảm thấy giậm giựt cái dự báo thường đi kèm những cuộc hội ngộ mặt đối mặt của ông với những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại. Ông căng mắt ra nhìn quá bên ngoài luồng sáng tím nhạt phát ra từ chiếc đèn trong tay Sophie. Phía bên trái, chiếc đi văng hình bát giác của căn phòng hiện ra, trông giống một hòn đáo tối tăm trên một vùng biển bằng gỗ trống vắng.

Giờ, Langdon có thể bắt đầu thấy tấm kính sẫm màu trên tường. Treo đằng sau nó, ông biết, là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới trong giới hạn cái khoanh nhỏ riêng tư của nó.

Vị trí của Mona Lisa như là kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới! Langdon thừa biết, chẳng liên quan gì với nụ cười bí ẩn của nàng cả. Cũng chẳng phải do những kiến giải bí ẩn được gán ghép cho nàng bởi nhiều nhà lịch sử nghệ thuật và những kẻ đam mê nghệ thuật đầy mưu đồ. Rất đơn giản, Mona Lisa nối tiếng bởi vì Leonardo Da Vinci đã tuyên bố nàng là thành tựu hoàn mỹ nhất của ông. Đi đâu ông cũng mang theo bức tranh và nếu được hỏi tại sao, ông đều trả lời rằng ông thấy khó mà rời xa tác phẩm thể hiện vể đẹp nữ đến độ trác tuyệt nhất của mình.

Thậm chí như vậy, nhiều nhà lịch sứ nghệ thuật với ngờ rằng sự trân trọng mà Da Vinci dành cho Mona Lisa chẳng có gì liên quan đến nghệ thuật ở trình độ bậc thầy của nó cả. Trên thực tế, bức tranh là một chân dung theo phong cách sfumato bình thường, bình thường đến độ lạ lùng. Nhiều người cho rằng sự tôn sùng Da Vinci dành cho tác phẩm này bắt nguồn từ một cái gì đó sâu xa hơn: một lời nhắn ẩn giấu dưới những lớp vẽ.

Thực tế, bức tranh Mona Lisa là một trong những giai thoại giầu tư liệu nhất thế giới. Rất nhiều tư liệu kết hợp những từ ngữ nước đôi và những câu bóng gió bỡn cợt về bức tranh đã được tiết lộ trong hầu hết các tập sách lịch sử nghệ thuật, thế nhưng, khó tin thay, công chúng nói chung vẫn cho rằng nụ cười của nàng chứa đựng một bí ẩn lớn lao.

Chầng có bí ẩn nào cả, Langdon nghĩ, đi tới và ngắm nghía khi đường viền lờ mờ của bức tranh bắt đầu rõ ra. Chẳng có bí mật nào cả.

Mới đây, Langdon đã sẻ chia những bí mật về Mona Lisa cho một nhóm khá dị thường - mười hai người tù ở trại giáo dưỡng hạt Essex. Buổi hội thảo chuyên đề của Langdon trong khám tù nằm trong chương trình vươn xa của Đại học Harward, nhằm mở mang giáo dục đến hệ thống nhà tù. Văn hoá cho tù nhân, các đồng nghiệp của Langdon thích gọi nó như thế.

Đứng dưới chiếc máy chiếu trong thư viện trại đã tắt bớt đèn, Langdon tiết lộ bí mật của Mona Lisa cho những tù nhân tham dự lớp, những người mà ông thấy hiếu học lạ lùng thô nháp, nhưng sắc sảo. "Các bạn có thể thấy", Langdon nói với họ, tiến về phía hình bức tranh Mona Lisa chiếu trên tường thư viện, "nền tranh đằng sau gương mặt nàng không bằng phẳng". Langdon chỉ sự so le rành rành. "Da Vinci đã vẽ đường chân trời ở bên trái rõ ràng là thấp hơn bên phải".

"Ông ta lỡ tay làm hỏng chăng?" Một tù nhân hỏi.

Langdon cười: "Không, Da Vinci không mấy khi nhỡ tay như thế. Thật ra, đây là một ngón nhỏ mà Da Vinci cố ý chơi. Bằng cách hạ thấp đường chân trời về bên trái, Da Vinci làm cho Mona Lisa nhìn từ bên trái sẽ lớn hơn nhìn từ bên phải. Một thủ thuật nho nhỏ của Da Vinci. Theo lịch sử, khái niệm nam, nữ vốn đã định rõ hai bên bên trái là nữ, bên phải là nam. Vì Da Vinci rất khuynh nữ nên ông đã làm cho Mona Lisa trông uy nghi hơn từ góc nhìn bên trái so với nhìn từ bên phải".

"Nghe nói ông ta "đồng cô?" một người nhỏ bé có chòm râu dê hỏi.

Langdon nhăn mặt: "Các nhà sử học thường không diễn ngôn cách ấy, nhưng đúng vậy, Da Vinci là một người đồng tính luyến ái".

"Đó là lý do khiến ông ta lao vao cái thứ hoàn toàn nữ ấy?".

"Thực ra, Da Vinci đồng điệu với sự cân bằng giữa nam và nữ. Ông tin rằng linh hồn con người không thể sáng láng nếu không có cả các yếu tố nam lẫn nữ".

"Ông muốn nói có cả hĩm lẫn cu hả?" Ai đó nói.

Câu nói gây một tràng cười như sấm. Langdon tính đưa ra một kiến giải về từ nguyên cho từ người lưỡng tính (hermaphrodite) và những mối liên quan của từ đó với Hermes(2) và Aphrodite(3), nhưng một cái gì đó nói với ông rằng nó sẽ lạc lõng trong đám đông này.

"Này, ông Langdon", một người đàn ông rất cơ bắp nói, "Có đúng bức Mona Lisa là hình một Da Vinci mặc váy không? Tôi nghe nói đây là sự thật".

"Cũng rất có thể", Langdon nói, Da Vinci là một người thích chơi khăm, và những phân tích trên máy tính giữa Mona Lisa và các bức chân dung tự hoạ của Da Vinci khẳng định những điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa hai khuôn mặt này". Bất kể Da Vinci định thế nào", Langdon nói, "thì Mona Lisa của ông cũng không phải là đàn ông hay phụ nữ. Nó mang một thông điệp về sự lưỡng tính nam - nữ. Nó là một hòa trộn của cả hai".

"Ông chắc đó không phải là một cách cà chớn của Harward để nói rằng Mona Lisa là một ả xấu xí đấy chứ?".

Bây giờ thì Langdon bật cười: "Có thể anh đúng. Nhưng thực tế Da Vinci để lại một bằng chứng rõ ràng rằng bức tranh này vẽ một người lưỡng tính. Có ai ở đây đã từng nghe nói về một vị thần Ai Cập có tên là Amon không?".

"Đù mẹ, có!", người đàn ông to con nói. "Thần phồn thực nam?".

Langdon sửng sốt.

"Trên hộp bao cao su Amon nào mà chả nói thế", người đàn ông cơ bắp đó cười toét. "Có vẽ một gã đầu cừu đực và ghi rằng gã là thần phồn thực của Ai Cập".

Langdon không biết nhãn hiệu đó, nhưng ông vui khi thấy các nhà sản xuất dụng cụ ngừa thai đã sử dụng đúng ký hiệu: "Rất tốt. Amon quả thực được tượng trưng bởi hình một người đàn ông có đầu cừu đực, và thói giăng hoa bừa bãi cùng với cặp sừng cong của vị thần này liên quan đến một từ lóng chỉ về quan hệ tình dục trong thời kỳ hiện đại của chúng ta "cứng sừng".

"Tôi không đùa chứ".

"Không, không đùa", Langdon nói. "Và anh có biết ai là vợ của Amon không? Nữ thần phồn thực Ai Cập?".

Đáp lại câu hỏi là mấy giây im lặng.

"Đó là Isis", Langdon cho họ biết, cầm lấy một chiếc bút dầu.

"Vậy là chúng ta có nam thần Amon", ông viết cái tên ấy, "và nữ thần Isis, tên tượng hình cổ của thần đã từng được gọỉ là LISA".

Langdon kết thúc dòng chữ và bước lùi lại khỏi máy chiếu.

AMON LISA.

"Có gợi ra cái gì không?" ông hỏi.

"Mona Lisa… Ôi chao quỷ thần!" Ai đó há hốc miệng.

Langdon gật đầu: "Thưa quý vị, không chỉ khuôn mặt của Mona Lisa trông có vẻ lưỡng tính mà tên của nàng cũng là một anagram của sự hợp nhất thần thánh giữa đàn ông và đàn bà.

Và thưa các bạn, đó là bí mật nho nhỏ của Da Vinci, và lý do cho nụ cười ra cái điều ta đây biết thừa của Mona Lisa".

***

"Ông tôi đã ở đây", Sophie nói, đột ngột quỳ sụp xuống, chỉ cách bức Mona Lisa chừng ba mét. Cô thử chiếu đèn tia tử ngoại vào một điểm trên sàn gỗ.

Đầu tiên Langdon chẳng nhìn thấy gì. Rồi khi quỳ xuống bên cạnh cô ông thấy một chấm nhỏ xíu của một chất lỏng đã khô đang ánh lên. Mực ư? Ông chợt nhớ ra công dụng của đèn tia tử ngoại. Máu. Ông rùng mình. Sophie đã đúng. Jacque Saunière quả đã đến thăm Mona Lisa trước khi chết.

"Ông ắt đã không đến đây nếu không có lý do", Sophie thì thầm, đứng dậy. "Tôi biết, ông để lại một lời nhắn cho tôi ở đây". Nhanh chóng sải những bước cuối tới bức Mona Lisa, cô rọi sáng phần sàn ngay trước bức tranh. Cô lia đi lia lại ánh đèn trong khoảng đó.

"Chẳng có gì ở đây cả".

Chính lúc đó, Langdon nhìn thấy lờ mờ một ánh phớt tím trên tấm kính bảo vệ bức Mona Lisa. Cúi xuống, ông nắm cổ tay Sophie rồi chầm chậm hướng chiếc đèn về phía bức tranh.

Cả hai sững lại.

Trên mặt kính, một dòng chữ tim tím sáng lên, nguệch ngoạc ngang qua khuôn mặt của Mona Lisa.

Chú thích:

(1) Tiếng Pháp trong nguyên bản: căn phòng không thể đột nhập.

(2) Nhân vật thần thoại Hy Lạp, sứ giả của các thần ở Olympus, đồng nhất với thần Mercure của La Mã, gian díu với nữ thần Aphrodite

(3) Nữ thần tình yêu Hy Lạp (đồng nhất với Venus của La Mã) bạn tình của nhiều người trong đó có Hermes, sinh con gái với thần này đặt tên là Hermaphrodite

---------------------------------------------------------

------------------------------------------------------

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện