Mật Mã Tây Tạng

Chương 67: Tín ngưỡng của người Qua Ba



Trác Mộc Cường Ba gật đầu, Cương Nhật cười khổ nói: "Đội quân mạnh nhất của vương triều Thổ Phồn, không ngờ lại không để lại ghi chép gì trong bất cứ văn thư lịch sử nào, khục khục, thật là khiến người ta không thể tin nổi phải không!" Nói tới đây, anh ta lại hỏi, "Các cậu biết được những gì về Đạo quân Ánh sáng rồi?"

Trác Mộc Cường Ba đưa mắt nhìn đội trưởng Hồ Dương, rồi kể đại khái một lượt những gì gã biết về Đạo quân Ánh sáng. Cương Nhật Phổ Bạc không ngừng gật đầu, sau đó nói: "Xem ra các cậu đã tốn rất nhiều công sức đấy, không ngờ khai quật được rất nhiều tư liệu như thế. Vậy còn bộ tộc Qua Ba thì sao, các cậu tìm hiểu đến đâu rồi?"

Trác Mộc Cường Ba sắp xếp lại các ý nghĩ trong đầu, rồi bắt đầu kể từ mười tám tiểu bang cư trú trong các động đã của Tượng Hùng, kể cho Cương Nhật Phổ Bạc những gì gã biết về Qua Ba tộc. Cương Nhật lặng lẽ lắng nghe, có lúc lại mỉm cười tỏ vẻ tán thưởng, đợi Trác Mộc Cường Ba nói hết, anh ta mới nói: "Có thể thu thập được nhiều thông tin hữu dụng như thế trong các câu chuyện thần thoại và những mảnh vụn của lịch sử, nhất định là các cậu đã phải trả giá rất lớn. Nhưng tôi có một nghi vấn, các cậu biết tương đối nhiều về lai lịch của bộ tộc Qua Ba, lịch sử quá độ thành Đạo quân Ánh sáng và cả phương thức sinh hoạt của họ, nhưng còn tín ngưỡng của họ, dường như không đề cập gì đến thì phải?" Trác Mộc Cường Ba ngập ngừng do dự, mặc dù gã nghe cha mình suy đoán về tín ngưỡng của Đạo quân Ánh sáng, nhưng gã không dám khẳng định, vì vậy nên cũng không nói ra.

"Tín ngưỡng?" Nhạc Dương ngờ vực hỏi, "Quân nhân chẳng phải là chỉ cần phục tùng mệnh lệnh thôi hay sao?"

Cương Nhật Phổ Bạc nói: "Chớ quên rằng, quân nhân trước tiên cũng là con người. Thời cổ đại, trên cao nguyên này có thể nói là người người đều có tín ngưỡng. Chẳng những vậy, tín ngưỡng của họ còn vô cùng kiên định, được khắc sâu vào linh hồn và xương cốt, bất cứ người nào cũng không thể thay đổi được, cả quân nhân cũng không ngoại lệ. Trong quân đội Thổ Phồn, có một chức trách chuyên biệt gọi là quân tân, chính là tế sư Bản giáo trong quân đội. Bói toán dự đoán hung cát, chiêu tập các vong hồn sau chiến trận, ngâm tụng để bình ổn lòng quân, đây chính là công việc của quân tân."

Nhạc Dương gật gù nói: "Nói như vậy thì tín ngưỡng của Đạo quân Ánh sáng hồi đó là Bản giáo phải không?"

Cương Nhật Phổ Bạc nói: "Chính xác, lúc đó trong quân đội đa phần đều tin thờ Bản giáo, nhưng Đạo quân Ánh sáng thì… Có thể nói là phải, mà cũng có thể nói là không phải."

"Có thể nói là phải, mà cũng có thể nói là không phải?" Nhạc Dương giật bắn mình rung động, kinh ngạc thốt lên, "Chẳng lẽ Đạo quân Ánh sáng ấy vừa tin thờ Bản giáo, lại cũng tin thờ cả Phật giáo nữa! Bọn họ theo một tín ngưỡng dung hợp nằm giữa hai tôn giáo này?"

Đây là lần đầu tiên Cương Nhật Phổ Bạc chú ý quan sát kỹ lưỡng anh chàng trông có vẻ vô ưu vô lo này. Cương Lạp cũng liếc mắt lên nhìn Nhạc Dương một cái, có điều thái độ ấy tỏ rõ sự dè bỉu coi thường. Cương Nhật lại nói tiếp: "Phản ứng nhanh lắm, xem ra các cậu cũng tìm hiểu được một số chuyện về mặt này rồi, có điều nói vậy cũng không hoàn toàn đúng. Bộ tộc Qua Ba đó, họ có tín ngưỡng của riêng mình, đó là một thứ tín ngưỡng mà chúng ta gọi là Vu giáo nguyên thủy."

"Vu giáo nguyên thủy?" Nét mặt đội trưởng Hồ Dương và Trác Mộc Cường Ba trở nên chăm chú, đây là lần đầu tiên họ nghe thấy cách gọi như vậy.

Cương Nhật Phổ Bạc gật đầu: "Đúng thế, tín ngưỡng nảy sinh vào thuở nền văn minh của con người mới manh nha phát triển, núi non sông suối, sấm chớp mưa gió, thậm chí cả cây cỏ hoa lá, chim bay thú chạy cũng đều tôn làm thần linh hết, thứ gì cũng sùng bái, thứ gì cũng tôn kính. Cũng có thể coi thứ tôn giáo này như là hình thức sơ đẳng của Bản giáo, mãi cho tới sau này khi tổ sư Bản giáo Tân Nhiêu xuất thế, ông ta mới thống nhất và sắp xếp địa vị của các thần linh, hệ thống hóa, quy phạm hóa tôn giáo nguyên thủy ban đầu, Bản giáo về sau mới hình thành. Đương nhiên, cũng có người nói, Bản giáo là từ Ba Tư truyền vào Đại Thực 1, rồi sau đó mới từ Đại Thực truyền vào cao nguyên Thanh Tạng, nhưng giả thiết này lại thiếu chứng cứ xác thực, chỉ có thể nói là hai tín ngưỡng tương tự nhau mà thôi. Có điều theo quan điểm của tôi, người nguyên thủy đa phần đều sùng bái sông núi tự nhiên đương nhiên là phải tương tự nhau rồi."

Nhạc Dương nói: "Nói vậy thì lịch sử của tộc Qua Ba ấy chẳng phải là vô cùng xa xưa hay sao?"

"Điều đó thì tất nhiên," Cương Nhật Phổ Bạc nói. "Mười tám tiểu bang cư trú trong động nham thạch ở Tượng Hùng, đó đã là chuyện sau khi bộ tộc Qua Ba bị sa sút rồi. Từ thời trước khi Tượng Hùng lập nước, bộ tộc Qua Ba ấy đã từng tồn tại, đồng thời còn có một độ huy hoàng. Đương nhiên, trong các văn kiện lịch sử chúng ta không thể tìm được những tư liệu xa xưa như thế, vậy nhưng, trong các câu chuyện thần thoại thì vẫn còn sót lại vô số hình bóng của bộ tộc đó. Bộ tộc Qua Ba bọn họ có thần linh đặc biệt của riêng mình, bên cạnh đó có cả lãnh tụ tôn giáo nữa, có điều muốn nói cho rõ ràng, trước tiên phải bắt đầu từ lai lịch của họ đã. Trước khi bọn họ trở thành mười tám tiểu bang sống trong hang động nham thạch của vương triều Tượng Hùng, ngược dòng lịch sử về đến thời viễn cổ xa xưa, có thể truy đến khởi nguồn của tộc Tạng…"

Anh ta đưa mắt liếc sang Trác Mộc Cường Ba, nói tiếp: "Kể từ khi Ma nữ và khỉ sinh hạ đời sau… thời kỳ Tứ tộc, Cường Ba, cậu biết không?" Trác Mộc Cường Ba như đang ngẫm nghĩ gì đó, gật gật đầu, Cương Nhật Phổ Bạc cảm khái tiếp lời: "Tôi nghĩ, có lẽ đó cũng là thời kỳ huy hoàng nhất của bộ tộc Qua Ba…"

Nhạc Dương không hiểu hai người họ đang nói chuyện gì, liền lên tiếng hỏi: "Thời kỳ Tứ tộc là gì vậy?"

Trác Mộc Cường Ba đáp: "Mọi người đều biết Tây Tạng chúng tôi có một câu chuyện rất nổi tiếng về khởi nguyên của nhân loại, truyện kể rằng trong núi có một Ma nữ và một con khỉ khắt khao tu thành chính quả đã kết hợp với nhau, sinh hạ được sáu con khỉ con, sáu con khỉ này chính là tổ tiên xa xưa nhất của loài người. Về sau con cháu của chúng cứ sinh sôi nảy nở mỗi lúc một nhiều, cuối cùng đã thành bốn bộ lạc lớn, cũng chính là bốn dòng huyết thống lớn của người Tạng. Thời kỳ ấy, còn gọi là thời kỳ Tứ tộc, tựu trung là cách chúng ta bao nhiêu đời thì không rõ, e là còn xa xưa hơn cả thời kỳ Tam hoàng Ngũ đế mà ai ai cũng biết đó. Tôi trước nay vẫn nghĩ đó chỉ là một câu chuyện thần thoại mà thôi, có điều giờ nghĩ lại, tính chân thực của câu chuyện đó, sợ rằng cũng tương tự như truyền thuyết về Tam hoàng Ngũ đế vậy."

Nhạc Dương hiểu ra, gật gù: "Cũng có nghĩa là, thời kỳ ấy đích thực có tồn tại, chỉ là một số người và sự vụ đã bị thần thoại hóa và phóng đại lên mà thôi."

Đội trưởng Hồ Dương nói: "Không phải chứ, tôi còn nhớ trong các tư liệu hồi trước đọc thấy ghi là sáu con khỉ con ấy về sau thành sáu dân tộc, hơn nữa đến cả tên của các dân tộc ấy cũng không hề tương đồng. Tôi chỉ nhớ có một tộc Đảng thôi, chẳng hiểu đó có phải là tiên tổ của người Đảng Hạng không nữa."

Trác Mộc Cường Ba lắc đầu: "Tôi biết, điều anh vừa nói đó là nội dung chép trong điển tịch của Phật giáo, còn điều tôi nói là nội dung được nhắc đến trong cuốn kinh sách cổ ở nhà tôi cơ."

Cương Nhật Phổ Bạc lại nói: "Theo những điều ghi chép trong sách cổ, bốn chủng người ở Tây Tạng lần lượt là Tư tộc, Mục tộc, Đồng tộc và Đông tộc. Từ thời kỳ đó bọn họ đã bắt đầu tin theo Vu giáo nguyên thủy, gọi thống lĩnh tối cao của bộ lạc là Bản Ba. Bản Ba có nghĩa là đại vu sư, là lãnh tụ tinh thần của người cổ đại. Cách xưng hô này vẫn còn giữ lại được đến giai đoạn trước khi các vương quốc mới nổi lên như Tượng Hùng, Thổ Phồn lập nước."

Nhạc Dương không hiểu hỏi: "Đâu có nghe thấy tên Qua Ba tộc nhỉ, chuyện này thì có quan hệ gì với họ?"

Cương Nhật Phổ Bạc đáp: "Sau khi thời kỳ Tứ tộc kết thúc, dựa theo thần thoại truyền thuyết thì xuất hiện Mã Tang cửu tộc, sau đó chia tách thành hai mươi lăm tiểu bang, về sau lại thành mười hai tiểu bang, bốn mươi tiểu bang, có lẽ đấy là thời kỳ chiến loạn, xuất hiện vô số bộ tộc nhỏ chinh phạt lẫn nhau. Những tiểu bang này đều là các dân tộc và bộ lạc không lệ thuộc, trong nội bộ đã bắt đầu xuất hiện vương và thần, chẳng qua là cùng với sự đổi dời của lịch sử, tên tuổi của các chủng tộc ấy đều đã trôi đi hết cả rồi, không thể nhất nhất truy ngược về căn nguyên cội rễ được. Chúng ta chỉ có thể suy đoán, bộ tộc Qua Ba chính là hậu duệ của một trong bốn bộ tộc thời kỳ đầu, có lẽ là tiểu bang sót lại sau khi bộ tộc nào đó suy bại rồi giải thể, thuộc vào nhóm hai mươi lăm tiểu bang."

Nhạc Dương thắc mắc: "Tại sao lại nói như vậy?"

Cương Nhật nói: "Bởi vì tín ngưỡng của họ, bộ tộc Qua Ba thờ phụng Tứ đại Vu vương kiệt xuất nhất trong lịch sử bốn bộ tộc, tên hiệu của bốn người này lần lượt là Đảng Bản Ba, Trại Bản Ba, Đông Bản Ba và Mạc Bản Ba. Tín ngưỡng này cùng với thói quen sống chung với sói của bộ tộc Qua Ba, có lẽ là đã có từ khi bộ tộc này ra đời hoặc thậm chí từ trước đó và kéo dài mãi cho đến ngày nay. Tương truyền năm xưa Tạng vương Tùng Tán Can Bố đổi tên bốn tòa Trấn Biên miếu thành Tứ phương miêu, chính là vì lựa theo tín ngưỡng của Đạo quân Ánh sáng đó. Về sau rất nhiều người Qua Ba gia nhập Đạo quân Ánh sáng để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh, bọn họ lại chọn ra trong nhiều tôn giáo khác nhau một vị thần linh có sức phá hoại mạnh mẽ nhất để làm chiến thần cho mình, tiến Phạn gọi là Ma Hê Thủ La. Kỳ thực đó chính là Đại Tự Tại Thiên trong Phật giáo. Trong Ấn Độ giáo, Ma Hê Thủ La chính là thần hủy diệt Shiva. Ngài sở hữu sức mạnh có thể hủy diệt tất thảy, có thể thanh tẩy toàn bộ vũ trụ này, cho dù về sau được Phật giáo hấp nạp, ngài cũng sở hữu sức mạnh không thua gì Thích Ca Mâu Ni, một mình độc lập với các chư thiên thần Phật khác. Ngoài ra còn một điểm kỳ quái nữa, trước khi sở hữu chiến ngao, totem hay thần thú mà họ sùng bái không phải sói, mà là một sinh vật gần giống như rắn, tương truyền là hình dáng như rắn mà biết bay lượn. Tín ngưỡng này cũng tồn tại cả trong Bản giáo nữa, chính vì thế, khi con rồng ở Trung Nguyên truyền vào Tây Tạng, mới được người Tạng chấp nhận nhanh chóng." Nói tới đây, Cương Nhật Phổ Bạc dừng lại giây lát, đoạn tiếp lời, "Những gì tôi biết về tín ngưỡng và lịch sử bộ tộc Qua Ba đại khái chỉ có vậy, xét cho cùng thì sự tồn tại của Đạo quân Ánh sáng và bộ tộc Qua Ba xưa na vẫn là một điều vô cùng thần bí."

Ba người ngơ ngác nhìn nhau, phải tiêu hóa mất một lúc lâu, Nhạc Dương mới lên tiếng: "Xin, xin lỗi, tôi thấy hơi hồ đồ rồi, tên của Tứ đại Vu vương kia sao lại không hề giống bộ tộc của họ vậy? Còn, còn nữa, tín ngưỡng của bộ tộc Qua Ba không phải là tín ngưỡng dung hợp của Phật giáo và Bản giáo hay sao? Tại sao lại thành một tín ngưỡng hoàn toàn khác hẳn với hai tôn giáo kia nữa vậy?"

Cương Nhật Phổ Bạc nói: "Trước tiên, bốn danh xưng kia hoàn toàn không phải tên của Vu vương, chúng đơn giản chỉ là một danh hiệu tượng trưng thôi, ý tứ của những âm cổ này là gì thì chịu không ai biết được, nhưng theo tôi thì đại khái chắc cũng tương đương với những Trí tuệ Thiên vương, Uy vũ Thiên vương mà ngày nay chúng ta vẫn hay nói đó thôi. Có điều, tương truyền con cháu của bốn vị Vu vương đó về sau đã trực tiếp đổi họ tộc mình thành Đảng, Trại, Đông và Mạc, chuyện này có thật hay không thì cũng không biết được. Còn vấn đề tín ngưỡng của bộ tộc Qua Ba, vậy thì phải bắt đầu từ một chuyện khác, nói ra cũng dài lắm.

Cương Nhật Phổ Bạc nhổm người đứng lên, lại rót thêm một chén rượu nữa, ngửa miệng uống cạn: "Về thứ tín ngưỡng tôn giáo nằm giữa Phật giáo và Bản giáo này thì phải nói từ Tạng vương Tùng Tán Can Bố. Các cậu biết đấy, trước khi Phật giáo truyền vào đất Tây Tạng, cơ hồ tất cả các bộ lạc trên cao nguyên này đều tin thờ theo Bản giáo nguyên thủy. Đương nhiên, khi Bản giáo đã trải qua hơn nghìn năm phát triển, đã được hệ thống hóa một cách rất tỉ mỉ rồi. Nhưng Bản giáo có một đặc điểm đó chính là Đa thần luận, kế thừa đặc tính của Vu giáo nguyên thủy, vạn vật trên thế gian này đều có thần linh, hơn nữa những thần linh ấy đều độc lập tách rời, mỗi vị tự có lĩnh vực của riêng mình, mỗi vị quản hạt phạm trù của riêng mình, nếu giữa hai vị thần xảy ra xung đột, vậy thì sẽ đánh một trận, có thắng có thua, không có vị nào ngự trị vị nào, cũng không tồn tại vị nào có địa vị cao hơn hay thấp hơn vị khác cả. Chẳng những thế, thầy mo của Bản giáo đều hoàn toàn dựa vào lời tiên tri để quyết định đại sự của quốc gia. Ngày nay chúng ta đều đã biết những lời tiên tri bói toán ấy thiếu tính khoa học và hiệu quả thực tế, vì vậy, khi Tạng vương Tùng Tán Can Bố kế vị, ông đã quyết định thay đổi tất cả. Các cậu có biết rằng Tạng vương Tùng Tán Can Bố, vốn cũng là một giáo đồ của Bản giáo hay không?"

"
A!" Nhạc Dương khẽ thốt lên một tiếng kinh ngạc. Ai mà không biết Tạng vương Tùng Tán Can Bố là hóa thân của Quan m Bồ Tát, có địa vị cực kỳ tôn quý trong Tạng truyền Phật giáo, giờ không ngờ Cương Nhật Phổ Bạc lại bảo ông là giáo đồ Bản giáo, quả thực khiến Nhạc Dương bị một phen kinh ngạc. Có điều, nhìn phản ứng của đội trưởng Hồ Dương và Cường Ba thiếu gia, đây rõ ràng là sự thật rồi.

Cương Nhật Phổ Bạc nói tiếp: "Tôn giáo ra đời, xưa nay vẫn là để an ủi tâm linh con người, nhưng một khi tôn giáo đã móc nối với chính trị, thì tác dụng hàng đầu của nó là trở thành công cụ của tầng lớp thống trị. Bất kể là tôn giáo nào đi chăng nữa, trong mắt kẻ thống trị, chỉ cần nó khiến trăm họ trở nên dễ dàng chấp nhận sự thống trị của y hơn, thì đó chính là tôn giáo tốt, ngược lại, thì nó chính là hòn đá cản đường của kẻ thống trị. Đa thần luận và cơ chế mang chuyện quốc gia đại sự ra hỏi trời hiển nhiên là bất lợi cho hệ thống thống trị, vì vậy nửa đời trước của Tạng vương Tùng Tán Can Bố là một giáo đồ Bản giáo, việc này không có sai, nhưng ông đã nhanh chóng phát hiện ra rằng, những vu sư Bản giáo kia cứ đem quốc gia đại sự giao cho ông trời quyết định đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thống trị của mình. Điều ông ta cần là trung ương tập quyền, quốc gia đại sự do ông ta quyết định, chứ không cần dựa vào trời xanh kia làm gì cả, bởi thế, cải cách ở trong tư thế buộc phải tiến hành! Mà Phật tổ của Phật giáo khi đản sinh đã thốt ra một câu: Thiên thượng địa hạ, bát hoang lục hợp, cổ vãng kim lai, duy ngã độc tôn, mười sáu chữ chân ngôn này rõ ràng là vô cùng thích hợp với kẻ thống trị. Kỳ thực, từ trước khi Tùng Tán Can Bố phát triển Phật giáo, Phật giáo đã truyền đén Tây Tạng từ lâu rồi, do Bản giáo bài xích một cách mạnh mẽ nên cơ bản không có đất đứng chân. Phải biết là, muốn khiến người ta thay đổi tín ngưỡng hơn nghìn năm để đi tin thờ một tôn giáo khác, ấy là một quá trình vô cùng gian nan, ngoại trừ Tạng vương Tùng Tán Can Bố ra, thật sự chưa có nhà thống trị nào dám giở chiêu này cả. Để thực hiện ý đồ đó, Tạng vương Tùng Tán Can Bố đã làm rất nhiều việc, thông qua hôn nhân để dẫn tiến Phật giáo, ban bố một loạt pháp lệnh và điều lệ mở ra cánh cửa cho các tăng lữ hoạt động, chế định và ra các chính sách ưu đãi cho người tín thờ Phật giáo…

Nhạc Dương chau mày, những chuyện này hình như không liên quan gì đến bộ tộc Qua Ba cả. Chỉ nghe Cương Nhật Phổ Bạc tiếp tục nói: "Có điều lúc đó áp lực mà Tạng vương Tùng Tán Can Bố phải đối mặt, chỉ sộ còn lớn hơn trong tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Muốn để dân chúng chấp nhận một tôn giáo mới, trước tiên phải bắt đầu từ bản thân mình, từ các quan tước đại thần bên cạnh, mà hoàn cảnh lúc ấy, trên từ quan viên quý tộc, dưới đến dân chúng nông nô ai nấy đều là những tín đồ Bản giáo hết sức trung thành, trong triều ngoài nội đâu đâu cũng có tiếng phản đối. Có điều, điều này không làm Tạng vương lo lắng, điều khiến ông thực sự lo lắng là quân đội, vào thời điểm đó, binh sĩ trong quân đội cũng hoàn toàn là tín đồ Bản giáo, nếu binh sĩ nổi dậy, đảo ngũ, phản kháng, ám sát, thì hậu quả đó thực không thể tưởng tượng nổi. Vì thế, từ rất lâu trước đó, Tạng vương đã phải chuẩn bị chu toàn."

Lúc này, ba chữ "Qua Ba tộc" đã xuất hiện trong đầu bọn Trác Mộc Cường Ba rồi. Quả nhiên, Cương Nhật Phổ Bạc nói: "Giờ thì các cậu đã hiểu tại sao Tạng vương Tùng Tán Can Bố không chọn lựa người tộc khác mà cứ chấp ý huấn luyện người Qua Ba thành Đạo quân Ánh sáng rồi chứ. Chính vì tín ngưỡng của bọn họ khác với tất cả các dân tộc khác trên đất Tạng, chỉ cần không xúc phạm đến hạt tâm tín ngưỡng của họ, cũng chính là địa vị của Tứ đại Vu vương, còn lại bất kể là Niên, Tán, Ma của Bản giáo hay Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo hoặc Đại Nhật Như Lai của Mật giáo, bọn họ đều có thể tin thờ mà không hề có bất cứ xung đột gì với tín ngưỡng nguyên thủy của họ hết. Vì vậy mà từ đó trở đi, Đạo quân Ánh sáng luôn đảm nhiệm chức vụ thân vệ hoàng gia, thực lực của họ là mạnh mẽ nhất, đồng thời tính bao dung trong tín ngưỡng của họ cũng là mạnh mẽ nhất."

Nhạc Dương không hiểu hỏi: "Như thế tại sao, về sau bọn họ lại theo cả Phật giáo lẫn Bản giáo thế?"

Cương Nhật Phổ Bạc đáp: "Nói chuyện này thì không thể không nhắc đến cuộc chiến giữa Phật giáo và Bản giáo. Chắc các cậu cũng biết, Phật giáo và Bản giáo đã tranh đấu mấy trăm năm trên cao nguyên, có thể nói là từ khi Tạng vương Tùng Tán Can Bố chính thức đưa Phật giáo vào Tây Tạng, đến khi vương triều Thổ Phồn diệt vong sụp đổ, cuộc tranh đấu giữa hai tôn giáo lớn này vẫn chưa từng gián đoạn bao giờ. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Bản giáo nguyên thủy không chỉ khác biệt Phật giáo về tín ngưỡng, mà quan trọng hơn nữa là, lợi ích của vô số quý tộc đại thần liên quan mật thiết đến Bản giáo, thông qua hình thức bói toán và các nghi thức của Bản giáo nguyên thủy, bọn họ có thể giành được quyền phát ngôn đối với một số chuyện lớn của quốc gia, nhưng từ sau khi Phật giáo tiến vào cung đình, những vị đại thần ấy đã mất đi địa vị chủ đạo trong các quyết sách quan trọng và cả việc phân chia lợi ích nữa. Tạng vương Tùng Tán Can Bố là bậc kỳ tài khoáng thế, khi ông ta còn tại vị tất nhiên là không ai dám phản đối, nhưng sau khi ông ta qua đời không được bao lâu, đám đại thần được lợi ích từ Bản giáo kia bắt đầu ủng hộ Bản giáo trở lại. Nhìn bề ngoài, thời kỳ vương triều Thổ Phồn là thời kỳ Phật giáo và Bản giáo tranh đấu giành ảnh hưởng, còn trên thực tế, đây là cuộc tranh đoạt quyền lực giữa hoàng gia và các đại thần nắm giữ quyền bính trong tay mà thôi! Mấy trăm năm trở về sau, dưới ảnh hưởng của các đại thần, một số quân vương tín thờ Bản giáo, một số vị khác lại kiên trì Phật giáo, cứ như vậy lặp đi lặp lại không ngừng, trong lịch sử đã xảy ra không biết bao nhiêu lần thượng tôn Phật giáo, đè nén Bản giáo và ngược lại, thậm chí còn có vô số lần xảy ra xung đột đẫm máu. Chỉ có điều đời Tạng vương cuối cùng, Lãng Đạt Mã là triệt để nhất, hậu quả cũng nghiêm trọng nhất, trực tiếp khiến vương triều sụp đổ, vì vậy nên mới được người ta biết đến nhiều nhất. Mà trong thời kỳ ấy, Đạo quân Ánh sáng do bộ tộc Qua Ba cấu thành là quân cận vệ của Tạng vương, tức là đội quân trực thuộc gần với Tạng vương nhất, tín ngưỡng của họ cũng không thể không thay đổi tùy theo tín ngưỡng của các vị Tạng vương mà họ phục vụ. Bởi thế mà về sau này, tín ngưỡng của họ trở thành một mô thức cực kỳ quái dị, có thể chứa đựng hòa trộn hai thứ tôn giáo vốn hoàn toàn xa lạ là Bản giáo và Phật giáo vào làm một. Cũng chỉ có như vậy, kẻ nắm quyền cao nhất mới có thể yên tâm để bọn họ phụ trách công tác bảo vệ an toàn cho mình. Và Đạo quân Ánh sáng ấy cũng chưa một lần nào khiến các vị Tạng vương phải thất vọng cả."

Nhạc Dương nói: "Không phải đâu, trong lịch sử Thổ Phồn vẫn xảy ra rất nhiều sự kiện ám sát mà."

Cương Nhật Phổ Bạc nói: "Đạo quân Ánh sáng chỉ phụ trách cảnh giới vòng ngoài, đề phòng thích khách ám sát khi Tạng vương xuất tuần bên ngoài, còn đối với các âm mưu tranh đấu trong nội bộ cung đình thì bọn họ không làm gì được. Nguyên nhân cái chết của chủ nhân cao nguyên Tùng Tán Can Bố cho đến nay vẫn hết sức li kỳ, bí hiểm, cậu không thể nói là Đạo quân Ánh sáng đã không tận hết chức trách của mình được. Trên thực tế nếu tra kỹ lại lịch sử Thổ Phồn, các cậu sẽ thấy chỉ có Tạng vương Lãng Đạt Mã chết vì bị thích khách ám sát ở nơi công cộng, còn các vị Tạng vương bất ngờ tử vong khác đều chết bất minh vì những tranh đấu trong cung đình cả."

Nhạc Dương lẩm bẩm nói một mình: "Như vậy thì bộ tộc Qua Ba và Tạng vương dường như không có mâu thuẫn gì lớn lắm, vậy tại sao bọn họ lại đột nhiên bỏ đi, đồng thời còn mang theo cả toàn bộ báu vật cất giấu trong Tứ Phương miếu nhỉ?"

Nét mặt Cương Nhật Phổ Bạc lộ vẻ bi phẫn, thở dài, nói: "Không biết nữa, đây chính là câu đố lớn nhất mà Đạo quân Ánh sáng để lại cho đời sau. Chẳng ai ngờ được, Đạo quân Ánh sáng mạnh nhất vương triều Thổ Phồn lại biến mất như bóng chim tăm cá chỉ trong có một đêm, nhất định là bọn họ đã lên kế hoạch xong xuôi từ rất lâu rồi. Nhưng rốt cuộc là đã xảy ra sự kiện gì khiến họ làm vậy thì không ai biết cả. Tôi chỉ biết có tin đồn rằng, ấy là bởi Tạng vương diệt Phật quá đỗi triệt để, đến cả Đạo quân Ánh sáng cũng không thể nhẫn nhịn được nữa; ngoài ra còn một thuyết khác nói đây là cuộc tranh đấu giữa hai gia tộc lớn, Nương thị và Vi thị, dù sao thì người của cả hai đại gia tộc này đều đã từng nắm giữ chức vụ chỉ huy cao nhất của Đạo quân Ánh sáng. Nhưng những ý kiến này đều thiếu chứng cứ xác thực, không đủ tin, không đủ tin đâu…" Nói tới đây, anh ta lộ vẻ mệt mỏi chán chường, ánh mắt toát lên nỗi cô đơn quạnh quẽ. Bạn đang đọc truyện được copy tại Truyện Bất Hủ

Thông tin của Cương Nhật Phổ Bạc cung cấp khiến Nhạc Dương chìm sâu vào suy tư, anh đang gắng sức tìm cách liên hệ Đảo Huyền Không tự và Đạo quân Ánh sáng đã mất tích kia lại với nhau, đồng thời lờ mờ cảm thấy tất cả các sự kiện độc lập tựa như những mảnh ghép hình bị xáo loạn lên, chỉ cần tìm được trình tự xảy ra của chúng sẽ ghép lại được một bức tranh hoàn chỉnh. Nhưng cố gắng mãi, cuối cùng cũng đành phải chịu bỏ cuộc vì không đủ đầu mối, bức tranh ghép vẫn còn thiếu một số mảnh quan trọng, anh chỉ biết lắc đầu bất lực.

Lúc này, Cương Nhật Phổ Bạc lại quay sang nói với Trác Mộc Cường Ba: "Phải rồi, còn một đầu mối nữa có lẽ sẽ giúp ích được cho các cậu ít nhiều. Cường Ba ạ, còn nhớ lần đầu tiên cậu đến đây, đã kể cho tôi nghe câu chuyện chín chó một ngao đó không? Chính là chuyện đào một cái hố, vứt bọn ngao con mới sinh xuống đó ấy."

Trác Mộc Cường Ba gật đầu. Đây là nội dung giáo sư Phương Tân đã giảng giải trong buổi học đầu tiên ông dạy gã, đồng thời cũng là câu chuyện gã thường được nghe từ thuở nhỏ. Gã cũng thường đem câu chuyện này kể cho các bạn bè của mình, nhưng còn lần đó…

Cương Nhật Phổ Bạc lại tiếp lời: "Lần đó tôi đã cười nhạo cậu, còn nhớ không hả?" Đương nhiên là Trác Mộc Cường Ba không quên, lần ấy khi gã kể câu chuyện này cho Cương Nhật, vẻ mặt anh ta như thể cười mà không phải cười, tựa như đang chế giễu Trác Mộc Cường Ba gã đánh trống qua cửa nhà sấm, về sau gã hỏi Cương Nhật Phổ Bạc tại sao lại cười, anh ta chỉ đáp: "Không có gì, câu chuyện hay lắm, chân thực lắm, tôi từng nghe rồi." Nhưng Trác Mộc Cường Ba vẫn cứ có cảm giác dường như Cương Nhật còn có điều gì đó chưa nói ra hết.

Lúc này, Cương Nhật Phổ Bạc mới nói: "Bởi vì lúc đó, cậu chỉ biết có việc ấy chứ không biết việc ấy sở dĩ do đâu. Bây giờ, thì chắc cậu biết phương pháp huấn luyện chín chó một ngao ấy là ở đâu ra rồi chứ?"

Trác Mộc Cường Ba giật thót mình, kinh ngạc thốt lên: "Đạo quân Ánh sáng! Chiến ngao! Đó là phương pháp huấn luyện chiến ngao!" Đến lúc này gã mới hiểu ra, tại sao lần đó Cương Nhật Phổ Bạc muốn nói rồi lại thôi, lúc đó gã căn bản chẳng hề biết Đạo quân Ánh sáng là gì, chỉ sợ cho dù anh ta có nói ra, gã cũng chưa chắc đã tin, cứ mình mình ở đó mà ba hoa xích thố, trong mắt Cương Nhật Phổ Bạc sợ rằng chẳng khác nào loại ếch dưới đáy giếng cả.

--------------------------------

1 Đại Thực: Đế quốc Ả rập (632 – 1258), vương triều phong kiến do người Hồi giáo sáng lập nên trên bán đảo Ả rập. Trong các giáo trình lịch sử Trung Quốc từ thời Đường như Kinh hành ký, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Liêu sử… đều gọi là Đại Thực quốc (theo âm Tazi hay Taziks trong tiếng Ba Tư).


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện