Mặt Nạ Hoàn Hảo

Chương 16



Khi đến tuổi trưởng thành, một trong những việc đầu tiên Vere làm là hủy bỏ chế độ thừa kế theo tước vị hầu tước của dinh thự ở nông thôn. Anh đã gây ra một vụ tai tiếng nho nhỏ khi anh rao bán dinh thự đó. Nhưng thế giới đang thay đổi. Một điền trang tráng lệ ở nông thôn, cùng với đất đai rộng lớn ngày càng trở thành cái máy ít sinh ra của cải, có khi lại còn là gánh nặng treo quanh cổ của rất nhiều người.

Đó không phải cuộc đời anh muốn, trói buộc số phận và lựa chọn của mình vào một đống đá, cho dù nó huy hoàng và lâu đời đến đâu. Đó cũng không phải là cuộc đời anh muốn dành cho Freddie và người thừa kế của Freddie, vì có khả năng lớn là Vere sẽ không kết hôn và ngày nào đó tước vị sẽ chuyển cho Freddie.

Nhưng anh vẫn có một ngôi nhà ở miền quê. Hầu hết những chuyến đi bộ dài của anh là dọc bờ biển của kênh đào Briston. Tuy nhiên, trong mùa xuân năm ‘94, anh đã leo núi quanh vịnh Lyme trong hai tuần. Vào ngày cuối cùng của chuyến đi chơi, trong lúc quay về sau khi đã ghé thăm lâu đài Berry Pomeroy đổ nát nằm trong đất liền, anh đã tình cờ gặp ngôi nhà khiêm tốn này và vườn hồng rực rỡ không hề khiêm tốn của nó.

PIERCE HOUSE là cái tên được viết lên tấm bảng đính trên cánh cổng thấp. Anh đã nhìn chằm chằm vào nó với một sự thèm khát anh không biết rằng mình có thể cảm thấy với một tài sản đơn thuần: ngôi nhà, với những bức tường trắng viền đỏ; và khu vườn, ngát hương và đáng yêu như một ký ức bị bỏ quên từ lâu. Khi anh trở lại London, anh đã yêu cầu luật sư của mình tìm hiểu về ngôi nhà đó. Nó đang được rao bán và anh đã mua.

Ngày anh đưa vợ đến Pierce House, cô đã đứng trước nó một lúc lâu, trước khu vườn vẫn còn nở hoa không mệt mỏi, mặc dù những tháng cao điểm cho hoa hồng nở đã đến và đi.

“Một nơi tuyệt vời”, cô nói. “Thật yên bình và...”

“Và gì?” anh nói.

“Bình thường”. Cô liếc lên nhìn anh. “Và câu đó có ý khen ngợi nhiều nhất”.

Anh hiểu cô, tất nhiên anh hiểu. Đó là lý do ngôi nhà và khu vườn đã làm anh mê mẩn, đó là lý do trái tim anh luôn nhức nhối khi anh nhìn vào nó: biểu tượng của tất cả những thứ bình thường ngọt ngào anh đã bị đánh cắp.

Nhưng anh không muốn hiểu cô. Anh không muốn tìm thấy những điểm tương đồng.

Anh biết làm thế nào để xoay xở với cuộc đời mình đã chọn. Anh đã có một người bầu bạn hoàn hảo: người không bao giờ gây thương tổn, giận dữ hay làm anh thất vọng. Anh không biết làm thế nào để đối diện với những cạm bẫy, hay những hứa hẹn, của một cuộc sống khác.

“À, hãy hưởng thụ nó”, anh nói. “Nó là nhà của em”.

Tạm thời.

Elissande nhận thấy Devonshire thật xinh đẹp, khí hậu ấm áp và nhiều nắng hơn bất cứ nơi nào cô biết. Và biển, vốn đã luôn luôn quyến rũ cô trong những ngày bị cầm tù trong đất liền, đã bỏ bùa cô hoàn toàn, ngay cả khi cô không nhìn nó từ vách đá cao của Capri, mà chỉ từ những quả đồi bao quanh bờ biển trải dài được biết đến như là Riviera [1] của nước Anh.

[1] Vùng biển dọc Địa Trung Hải ở miền đông nam của nước Pháp, Monaco và đông bắc Ý nổi tiếng với khí hậu và vẻ đẹp.

Nhưng cô đã tìm thấy một hòn đá quý hiếm trong lòng sa mạc xinh đẹp, vì nó là sự tự do, và nó thực sự đáng say mê. Thỉnh thoảng cô tự đánh xe đến ngôi làng gần nhất chẳng vì lý do gì, đơn giản chỉ vì cô có thể. Thỉnh thoảng cô thức dậy sớm và đi bộ đến tận bờ biển, và mang về một vỏ sò hoặc một khúc gỗ trôi giạt cho dì Rachel. Thỉnh thoảng cô mang ba mươi cuốn sách lên phòng, biết rằng sẽ không có ai tước chúng khỏi tay cô.

Sau một thoáng sợ hãi vào ngày Edmund Douglas bị bắt, dì Rachel cũng đã khỏe lên. Lượng cồn thuốc phiện bà uống đã giảm đi một phần tư. Mặc dù bà vẫn ăn ít như chim, nhưng dù sao bà cũng đã ăn nhiều hơn. Và khi Elissande làm bà ngạc nhiên bằng một chuyến đi đến Dartmouth, bà đã chiêm ngưỡng mọi thứ với niềm kinh ngạc trẻ con, như thể khám phá ra một thế giới bà chưa bao giờ biết là nó tồn tại.

Tóm lại, đây là thời điểm Elissande cảm thấy họ hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Giá như cô có chồng cô cùng chia sẻ sự mãn nguyện với họ.

Anh vẫn thể hiện như mọi khi: vui vẻ, dài dòng và đần độn. Cô đã trở nên ngưỡng mộ khả năng tung ra những bàn luận dài như một bài thuyết giáo nhưng lại sai sót một cách thú vị và gần như xuất sắc của anh. Anh làm thế trong tất cả những bữa tối chỉ có hai người họ. Cô thử làm thế vài lần, và thấy rằng một bài nói tràng giang đại hải như thế yêu cầu một kiến thức rộng và sâu đến mức đáng kinh ngạc về cái gì đúng, và một đầu óc nhanh nhẹn đáng nể để đảo lộn gần như tất cả mọi thứ, với vừa đủ nội dung để không bao giờ thất bại trong việc khiến người nghe phát điên.

Trong lần cố gắng thứ ba, cô chọn chủ đề nghệ thuật và khoa học làm mứt mà cô đã đọc kỹ ngay buổi chiều hôm ấy, vì đó là mùa đóng chai những sản phẩm trong vườn – và Pierce House có một khu vườn cây ăn quả được trồng thành từng hàng với bờ tường gạch bao quanh. Cô chắc phải bắt chước bài độc thoại vô bổ một cách kỳ công của anh khá tốt, bởi vì đến cuối bài thuyết trình, cô bắt gặp anh quay mặt sang một bên để che giấu nụ cười.

Trái tim cô đã nhảy lên thình thịch.

Nhưng ngoài giây phút đó, anh chưa bao giờ chệch khỏi vai diễn của mình. Và ngoại trừ bữa tối, cô hiếm khi tìm thấy anh. Mỗi lần cô hỏi một người hầu xem anh đang ở đâu, câu trả lời cô nhận được là bất di bất dịch, “Ông chủ ra ngoài đi bộ”.

Chuyện này hình như là bình thường. Theo bà Dilwyn, chuyện ông chủ đi bộ mười lăm, hai mươi dặm một ngày trong vùng quê này không phải là bất thường.

Hai mươi dặm cô đơn.

Vì lý do nào đó, Elissande cảm thấy sự cô đơn trong mắt anh trong lần cuối họ làm tình.

Cô không mong chờ sẽ gặp anh trong khi đi bộ.

Hành trình đi bộ của cô ngắn hơn anh rất nhiều. Từ ngôi nhà, cô đi hai dặm về phía tây bắc, đến đỉnh của thung lũng Dart, nơi cô thường nghỉ ngơi một lúc lâu trước khi lê bước về.

Cô đã không hề nghĩ đến một chuyến đi dài bảy dặm. Nhưng sức chịu đựng của cô đã giảm đi trong những năm bị giam cầm quanh nhà, và cần phải mất nhiều tháng luyện tập thường xuyên thì cô mới đủ khỏe để đi cùng anh trong vùng quê nhấp nhô quanh Pierce House này.

Đó là điều cô muốn: đi bộ cùng anh. Họ không cần phải nói nhiều, nhưng cô sẽ hưởng thụ niềm vui ở gần anh. Và có lẽ theo thời gian, anh cũng có thể tìm thấy điều gì đó thích thú trong sự bầu bạn của cô.

Cô lên đến đỉnh thung lũng, thở nặng nhọc sau khi leo bộ. Và rồi trái tim cô chạy đua hơn nữa không hẳn chỉ là vì phần luyện tập. Anh đang đứng giữa sườn dốc xanh mướt hướng xuống sông Dart, một tay nhét vào trong túi áo, tay kia cầm mũ, chiều cao và khổ người của anh không thể nhầm lẫn được.

Như thể cô đang lén đi theo một con thú hoang dã có thể chạy vụt đi bất cứ khi nào, cô bước thật khẽ và thận trọng. Nhưng anh xoay người và nhìn thấy cô quá sớm, khi cô còn cách anh hai mét. Cô dừng lại. Anh nhìn cô một lúc, lướt mắt thật nhanh về phía những ngọn đồi, liếc nhìn cô lần nữa và sau đó quay về phía dòng sông.

Không công nhận.

Nhưng lại lần nữa, không giả vờ.

Cô tiến đến chỗ anh, trái tim cô ngập tràn những tình cảm kỳ lạ.

“Một chuyến đi dài?” cô hỏi khi đứng cạnh anh.

“Ừm”, anh nói.

Mặt trời đi trốn sau đám mây. Không khí khuấy động. Một làn gió làm rối tóc anh, đuôi tóc đã vàng hơn rất nhiều sau những giờ ở ngoài trời kéo dài.

“Anh không mệt à?”

“Anh quen rồi”.

“Anh luôn đi bộ một mình”.

Phản ứng của anh là một cái nhăn mặt nửa vời. Đột nhiên cô nhận ra anh trông mệt mỏi như thế nào - không phải sự mệt mỏi thể xác đơn thuần, mà là sự mệt mỏi do không có một đêm ngon giấc.

“Anh... anh từng muốn có người đi cùng không?”

“Không”, anh nói.

“Không, tất nhiên”, cô lẩm bẩm.

Họ im lặng một lúc, anh dường như chìm đắm trong khung cảnh dịu dàng, xanh mát của thung lũng và dòng sông, cô mải mê với mảng da đắp ở khuỷu tay của chiếc áo khoác vải tuýp màu nâu anh đang mặc. Cô bỗng nhiên có mong muốn khá mạnh mẽ là được chạm vào những mảnh da đó, để đặt tay vào nơi cô cảm thấy sự ấm áp thô ráp của len và cả sự lạnh lẽo trơn mượt của da.

“Bây giờ anh đi đây”, anh đột ngột nói.

Cô chịu thua trước trí tưởng tượng về mảnh da và đặt một bàn tay lên tay áo anh. “Đừng đi quá lâu. Trời có thể mưa”.

Anh chăm chú nhìn cô, cái nhìn thật gay gắt, và sau đó ánh mắt anh rơi xuống nơi cô chạm vào anh.

Cô vội vã rút tay lại. “Em chỉ muốn cảm nhận miếng da thôi”.

Anh đội mũ lên đầu, gật đầu với cô, và bỏ đi không một lời.

Trời không mưa, nhưng anh đi rất lâu: Lần đầu tiên kể từ khi họ về đến Devon, anh không xuất hiện ở bữa tối.

Rất muộn đêm đó, cô nhận ra anh đã trở về phòng. Cô lắng nghe, nhưng cô không nghe được gì - đối với một người đàn ông to lớn như thế khi muốn, anh di chuyển êm ái như một bóng ma. Cô nhận ra sự hiện diện của anh vì vệt sáng dưới cánh cửa giữa hai phòng.

Khi cô mở cửa, anh còn đang mặc áo sơ mi, đuôi áo đã kéo ra khỏi quần.

Anh vứt chiếc cổ cồn sang một bên. “Chào em”.

Cô vẫn đứng ở phía bên phòng cô. “Anh đã ăn gì chưa?”

“Anh dừng lại ở một quán rượu”.

“Bữa tối nay em đã nhớ anh”, cô nhẹ nhàng nói.

Đúng thế. Bữa tối đã không giống những lần trước chút nào.

Anh liếc nhìn cô sắc lẻm nhưng không nói gì, thay vào đó anh nhấc chiếc áo khoác vải tuýp đã cởi ra và kiểm tra các túi áo.

“Tại sao anh làm thế này?” cô hỏi.

“Làm cái gì?”

“Em cười vì chú em yêu cầu thế. Còn anh, tại sao anh hành động đều có tính toán trước để mọi người không xem những gì anh nói là nghiêm túc?”

“Anh không hiểu ý em là gì”, anh nói thẳng thừng.

Cô đã không nghĩ anh sẽ đối diện với câu hỏi, nhưng sự chối bỏ thẳng tuột của anh làm cô thất vọng. “Khi Needham đến thăm dì em ở London, em đã hỏi ông ấy có biết gì về tai nạn của anh không. Ông ấy nói lúc anh bị ngã, ông ấy đang là khách của bà cô của anh và biết mọi chuyện”.

“Thấy chưa. Không phải chỉ có lời nói của anh”.

Nhưng Needham cũng là người anh đã đặc biệt chỉ định khi anh không muốn tin tức anh bị trúng đạn lan truyền. Ngay cả đến bây giờ, không người hầu nào biết anh đã bị thương. Những dải băng đã bị đốt hoặc lén mang ra khỏi nhà.

“Nhân tiện, tay anh thế nào rồi?”

Lần cuối cùng anh cho phép cô thay băng cho anh là đêm trước ngày chú cô bị bắt.

“Tay anh lành rồi, cám ơn em”.

Anh đi qua phòng, mở cửa sổ và đốt một điếu thuốc.

“Chú em không bao giờ hút thuốc”, cô lẩm bẩm. “Trong nhà có một phòng hút thuốc nhưng ông ta không bao giờ hút”.

Anh rít một hơi dài. “Có lẽ ông ta nên vậy”.

“Anh chưa bao giờ nói gì về gia đình mình”.

Và cô đã cảm thấy không thoải mái để hỏi bà Dilwyn. Cô không muốn bà quản gia thắc mắc tại sao cô biết quá ít về chính người chồng của mình, nhưng cô lại không biết gì ngoài việc anh không phải là một kẻ ngốc.

“Freddie là gia đình của anh. Em đã gặp nó rồi”.

Không khí lạnh từ cửa sổ tràn vào hăng hắc mùi khói thuốc. “Còn cha mẹ của anh thì sao?”

Anh thổi ra một luồng khói mỏng. “Họ đều đã chết lâu rồi”.

“Anh nói anh thừa kế tước hiệu lúc mười sáu tuổi, thế nên em cho rằng đó là khi cha anh qua đời. Thế còn mẹ anh?”

“Bà ấy chết khi anh tám tuổi”. Anh rít một hơi thuốc dài khác. “Có câu hỏi nào anh cần trả lời nữa không? Muộn rồi. Anh cần đi London sáng sớm mai”.

Bàn tay cô khép quanh nắm cửa. Cô có một câu hỏi nữa, cô nghĩ thế.

“Anh có thể đưa em lên giường không?”

Anh cứng người lại. “Không, xin lỗi. Anh quá mệt”.

“Lần cuối cùng anh có cả một sông rượu rum trong người và một vết thương bị súng bắn”.

“Đàn ông làm những việc ngu ngốc khi họ say đến mức như thế”.

Anh quăng phần còn lại của điếu thuốc ra ngoài, bước đến cánh cửa nối hai phòng, và đóng nó lại, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát trước mặt cô.

Angelica phải đọc lời nhắc của Freddie đến ba lần.

Anh đang mời cô đến để xem bức tranh hoàn chỉnh. Bức tranh hoàn chỉnh. Freddie là một người vẽ chậm và tỉ mỉ. Cô đã đoán rằng anh cần ít nhất bốn đến sáu tuần nữa.

Khi cô đến nhà anh, anh siết chặt tay cô thật nhanh và chào đón cô với nụ cười ấm áp hằng ngày. Nhưng cô có thể thấy rằng anh đang hồi hộp. Hay là dây thần kinh hồi hộp của cô khiến cô có cảm giác là anh hồi hộp?

“Em khỏe không, Angelica?” anh hỏi khi họ lên phòng vẽ.

Họ đã không gặp nhau kể từ khi anh chụp những bức ảnh khỏa thân để giúp anh vẽ: Anh đã không liên lạc và cô quyết tâm không liên lạc với anh cho đến khi cô nghe thấy điều gì đó.

Cô đã lao mình vào anh khá nhiều - quá nhiều lần - kể từ khi cô quay lại.

“Em khỏe. Nhân tiện, Cipriani đã trả lời em. Ông ta nói chào đón chúng ta đến thăm vào chiều thứ Tư hoặc thứ Sáu”.

“Thế thì chúng ta có thể đến thăm ông ấy vào ngày mai - ngài mai là thứ Tư, đúng không?”

“Không, Freddie, hôm nay là thứ Tư”.

“A, xin lỗi. Anh đã làm việc cả ngày cả đêm”, anh nói. “Anh nghĩ hôm nay là thứ Ba”.

Freddie thường không vẽ cả ngày cả đêm. “Em không biết là anh có thể làm việc nhanh như thế”.

Anh dừng lại ở hai bậc trên cô và quay lại. “Chỉ là anh chưa bao giờ có cảm hứng như thế”.

Anh nói rất khẽ, nhưng rất đúng mực, như thể họ đang thảo luận điều gì đó không liên quan đến tình trạng khỏa thân của cô.

Cô chà ngón cái trên lan can. “Ồ, bây giờ em thực sự nóng lòng nhìn thấy nó”.

Chiếc giường vẫn ở trong phòng vẽ, lộn xộn một cách khéo léo, khung bức vẽ khỏa thân của cô được phủ một tấm vải trắng lớn.

Freddie hít một hơi thở sâu, sau đó nắm tấm vải và giật ra.

Cô thở dốc. Một nữ thần nằm trước mặt cô. Cô ta có mái tóc sẫm màu thấp thoáng ánh vàng sẫm lẫn vàng nhạt, làn da có sắc màu ấm áp không tỳ vết, và cơ thể của một kỹ nữ rất, rất thành công.

Nhưng cho dù cơ thể cô đẹp như thế nào, điều gây chú ý với Angelica là khuôn mặt không cười của cô: Cô nhìn thẳng vào người xem, đôi mắt đen bùng cháy một khao khát không thể kìm chế, đôi môi hé mở đầy ắp một ham muốn kích động.

Cô có vẻ như thế này với Freddie sao?

Cô liếc trộm anh. Anh đang chăm chú nghiên cứu sàn nhà. Cô cố gắng nhìn vào bức tranh lần nữa và không thể nhìn vào mắt mình trong tranh.

“Ừm, em nghĩ gì?” cuối cùng Freddie hỏi.

“À... những đường viền xù xì”. Những đường viền là tất cả những gì cô có thể dám nhìn vào. Những nét vẽ không sắc nét như cô vẫn thường quen nhìn thấy trong các bức tranh của Freddie. Nhưng bức tranh có một xúc cảm mãnh liệt, một sức khiêu gợi, mà nếu anh hỏi thêm, cô sẽ phải thừa nhận rằng phong cách ít bóng mượt đó phù hợp với ham muốn dữ dội và nguyên sơ mà người đàn bà trong bức tranh tỏa ra.

Anh che bức tranh lại. “Em không thích à?”

Cô vuốt tóc, hy vọng rằng cô là bức tranh của sự đoan trang và đúng mực. “Em có thực sự trông như thế không?”

“Em trông như thế đối với anh”.

“Có lẽ anh có thể vẽ lại và quay mặt em đi”.

“Tại sao?”

“Bởi vì em trông như là... như là...”

“Như là em muốn anh làm tình với em?”

Một làn sóng mong đợi sợ hãi gần như bóp nghẹn cô. Họ nhìn chằm chằm vào nhau, cổ họng anh giật giật. Trong nhịp tim tiếp theo anh ôm cô trong vòng tay, nụ hôn của anh ngọt ngào nhưng mạnh mẽ.

Đây là tất cả những gì cô từng tưởng tượng - và hơn nữa. Họ ngã xuống chiếc giường. Anh kéo mũ cô. Cô giật lỏng cà-vạt của anh.

“Chờ một chút”, anh thì thầm trên môi cô. “Để anh khóa cửa”.

Anh vội vã đi đến cửa, nhưng trước khi anh có thể xoay chìa khóa trong ổ, cánh cửa mở ra và Penny bước vào.

“Ô, này Freddie. Này, Angelica. Hai người tôi yêu mến ở cùng một nơi - tuyệt diệu. Xem kìa, Freddie, cà-vạt của em bị lỏng rồi. Chuyện gì thế, tâm trạng xuất thần của một họa sĩ à?”

Freddie đứng câm lặng khi Penny thắt lại nút cà-vạt cho anh.

“Và chuyện gì thế, Angelica? Em phải nằm xuống à? Em có cần anh tìm một ít thuốc muối cho em không?”

Cô lập cập rời khỏi giường, nơi cô đã ngồi như trời trồng. “À, không, Penny, em đã khỏe lại nhiều rồi”.

“Ôi, nhìn này, Angelica, mũ của em ở trên sàn nhà”, anh nhặt mũ lên và đưa cho cô.

“Ôi trời”, cô nói. “Em tự hỏi làm sao chuyện ấy lại xảy ra được chứ”.

Penny nháy mắt với cô. “Em gặp may vì không gặp phải một kẻ đưa chuyện già cả khó chịu nào đó khi nhìn thấy em nằm xuống nghỉ ngơi như vậy, Angelica. Quý bà Avery sẽ hộ tống hai người đến bệ thờ thôi, như bà ấy đã làm với anh!”

Freddie, mặt đỏ như gấc, hắng giọng. “Chuyện gì... chuyện gì đưa anh đến London hả Penny?”

“Ồ, những chuyện bình thường. Sau đó anh nhớ ra anh vẫn có chìa khóa nhà em và nghĩ sẽ ghé qua để gặp em”.

“Em luôn vui mừng được gặp anh, Penny”, Freddie nói, ôm anh trai mình một cách muộn màng. “Nhiều ngày qua, em gần như không rời phòng vẽ. Nhưng sáng nay bà quản gia nói với em vài tin đồn kinh khủng. Bà ấy nói chú của quý bà Vere đang đợi xét xử vì những tội lỗi khủng khiếp. Em đã viết cho anh một bức thư. Chuyện đó có thật không?”

Mặt Penny xịu xuống. “Anh e là thế”.

“Quý bà Vere và dì cô ấy tiếp nhận tin tức này như thế nào?”

“Tốt hơn mong đợi, anh cho là thế. Mặc dù có khả năng anh đã trở thành một thành trì thực sự đối với họ trong thời điểm ghê gớm này. Nhưng không ai trong chúng ta có thể làm gì, vì thế chúng ta nên nói về những chuyện vui vẻ hơn”.

Anh nhìn quanh phòng, và trước sự kinh hoàng của Angelica, mắt anh dừng lại ở bức tranh đang bị che. “Em vừa nói em đã dành rất nhiều thời gian trong phòng vẽ phải không Freddie? Có phải vì công việc em đã nhận được khi đám cưới của anh diễn ra không?”

“Phải, nhưng em vẫn chưa hoàn thành xong”.

“Nó kia à?” Penny bước về phía bức tranh phủ vải.

“Penny!” Angelica hét lên, nhớ rằng Penny là một trong số ít người Freddie cho phép xem những tác phẩm đang vẽ của anh.

Anh quay lại. “Ừ, Angelica?”

“Freddie và em vừa định ra ngoài để ghé qua một nhà kinh doanh nghệ thuật, ông Cipriani”, cô nói. “Anh có muốn đi cùng không?”

“Đúng rồi, Penny. Đi cùng chúng em đi”, Freddie nhiệt tình phụ họa.

“Tại sao hai em lại đến thăm ông ta?”

“Anh nhớ bức tranh ở Highgate Court mà em đã chụp ảnh không?” Freddie cuống cuồng nói, từ ngữ của anh ríu hết vào nhau. “Angelica đã giúp em truy ra nguồn gốc của nó. Chúng em nghĩ rằng một bức tranh của họa sĩ đó đã qua tay của Cipriani... và Cipriani chưa bao giờ quên bất cứ thứ gì”.

Penny thoáng ngạc nhiên. “Có một bức tranh ở Highgate Court à? Nhưng chắc rồi, anh sẽ đi cùng. Anh thích gặp những người thú vị”.

Họ đẩy Penny ra ngoài. Angelica nhẹ nhõm đặt tay lên trái tim: cô sẽ không bao giờ có thể lại nhìn vào gương nếu Penny nhìn thấy cô theo cách của Freddie.

Penny đi xuống cầu thang trước. Freddie kéo cô vào góc khuất và vội vã hôn cô lần nữa.

“Quay lại nhà em sau đó?” cô lẩm bẩm. Người hầu của cô nghỉ buổi chiều.

“Dù thế giới có xảy ra điều gì, anh sẽ không bỏ lỡ nó”.

Douglas đã không nói gì trong lúc đợi xét xử sẽ diễn ra trong năm ngày nữa, dù thế nào vụ điều tra đã có tiến triển.

Dựa trên thông tin họ khám phá được từ tập tài liệu bằng mật mã, quý bà Kingsley đã lần ra được một ngăn gửi đồ bí mật ở London bao gồm một tập thư dày gửi cho một ông Frampton. Những lá thư từ những người buôn bán kim cương, nội dung là đồng ý xem những viên kim cương nhân tạo của ông Frampton.

“Anh thấy đó”, quý bà Kingsley hào hứng nói tại cuộc họp vào buổi sáng, “Đó là cách ông ta buộc những người kinh doanh kim cương ho ra tiền. Tôi nghĩ lúc đầu có thể ông ta không nghĩ đến chuyện tống tiền, mà chỉ muốn kiểm tra xem liệu kim cương tổng hợp có thực sự giả mạo được kim cương thật hay không. Và sau đó, khi quá trình tổng hợp kim cương thất bại, ông ta nhìn vài lá thư trả lời mà ông ta đã nhận, vài lá được viết cẩu thả và có thể hiểu theo nghĩa những người này sẵn sàng mua bán kim cương nhân tạo. Anh chàng của chúng ta, vốn sẵn có đầu óc phạm tội, quyết định liên hệ thêm với những người khác. Những lá thư được chia thành hai nhóm, và những người không cẩn thận với cách trả lời trở thành mục tiêu của ông ta”.

Tuy nhiên, đối với Vere, mảnh ghép quan trọng nhất vẫn đang còn thiếu: lai lịch thật sự của người hiện nay được gọi là Edmund Douglas. Cho đến khi Freddie và Angelica nhắc đến cuộc điều tra của riêng họ, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc theo đuổi hướng điều tra đặc biệt này. Bây giờ anh có thể tự tát mình vì đã bỏ qua một manh mối rõ ràng và quan trọng như thế.

Thỉnh thoảng, gặp may vẫn hay hơn tài giỏi.

Cipriani đã khoảng bảy lăm tuổi và sống ở một căn hộ rộng rãi ở Kensington. Vere đã hình dung là sẽ được thấy một nơi đầy ắp những tác phẩm nghệ thuật, nhưng Cipriani là một người quản lý chặt chẽ bộ sưu tập của riêng mình. Phòng khách nơi ông ta đón tiếp họ chỉ có một tác phẩm của Greuze, một của Brueghel và không còn thứ gì khác.

Angelica mô tả bức tranh cô và Freddie đã nhìn thấy trong nhà của cha xứ ở lâu đài Lyndhurst - rõ ràng, Vere đã không hề chú ý đến nó. Cipriani lắng nghe với hai bàn tay đan vào nhau.

“Tôi nhớ rồi. Tôi mua nó từ một chàng trai trẻ vào mùa xuân năm ‘70”.

Hai mươi bảy năm trước.

“Anh ta có phải là họa sĩ không?” Angelica hỏi.

“Anh ta tuyên bố rằng nó là một món quà. Nhưng căn cứ vào sự hồi hộp của anh ta khi tôi đánh giá bức tranh, tôi có thể nói rằng anh là người vẽ. Tất nhiên, còn có một sự trùng hợp khác là chữ ký tắt của người họa sĩ giống tên anh ta”.

Vere hy vọng vẻ mặt nhạt nhẽo nhất của anh đủ để che giấu sự phấn khích. Anh hy vọng thêm rằng Freddie hoặc Angelica sẽ hỏi tên của người đó.

“Tên anh ta là gì?” Freddie hỏi.

“George Carruthers”.

George Carruthers. Nó có thể là một nghệ danh, nhưng ít nhất đó là điểm khởi đầu.

“Ông đã bao giờ gặp lại anh ta hoặc một tác phẩm khác của anh ta chưa?” Angelica hỏi.

Cipriani lắc đầu. “Tôi tin là không. Thật đáng tiếc, vì anh ta có tài năng. Với sự hướng dẫn thích hợp và niềm say mê, anh ta có thể sáng tạo nên những tác phẩm thú vị”.

Chủ đề về George Carruthers kết thúc, Angelica và Freddie nói chuyện với ông già về những phát triển mới nhất trong nghệ thuật. Vere không bỏ lỡ việc chú ý cách họ liếc nhìn nhau, anh chỉ có thể hy vọng rằng mình đã không xen ngang cuộc làm tình đầu tiên của họ.

Anh thầm mỉm cười. Anh đã luôn tha thiết mong ước Freddie được hạnh phúc: không phải chỉ vì Freddie mà còn vì chính anh, để một ngày anh có thể sống nhờ vào hạnh phúc gia đình của Freddie.

Giả định rằng anh sẽ luôn phải ở bên ngoài nhìn vào. Rằng cuộc đời anh sẽ vẫn vắng bóng niềm vui mà anh luôn rất dễ dàng tưởng tượng cho Freddie.

Anh nhớ cách vợ anh nhìn anh ngày hôm trước, phía trên dòng sông Dart: như thể anh đầy ắp hy vọng. Như thể họ đầy ắp hy vọng.

Nhưng anh đã quyết chí. Và đã đến lúc cô phải biết như thế.

Khi họ đứng lên tạm biệt Cipriani, Vere đột nhiên nhớ ra anh muốn biết thêm, một câu hỏi không ai hỏi.

Vì thế anh tự mình hỏi. “Anh Carruthers có nói tại sao phải bán bức tranh không?”

“Có”, Cipriani trả lời. “Anh ta nói rằng đang gom tiền cho chuyến đi đến Nam Phi”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện