Mê Tông Chi Quốc

Chương 184: Hồi 8: miếu thần





Mọi người đang ở dưới hoàng tuyền, trong khi núi từ ở 30 độ vĩ Bắc đã bị phá hủy, hiện tượng dị thường trời đất xâm thực lẫn nhau không còn xuất hiện nữa, bây giờ muốn từ cực vực lên lại mặt đất còn khó hơn bắc thang lên trời, bởi vậy, sau khi suy đi tính lại, đội khảo cổ quyết định, trước tiên phải bắt vài con đom đóm hang động còn sống, nhốt vào hộp thiếc, đục một cái lỗ nhỏ cho lưu thông không khí để chúng phát sáng thay đèn, sau đó tiến thẳng vào thông đạo dẫn đến miếu thần.



Miếu thần của người Bái Xà cổ đại cao lớn hùng vĩ, bốn mặt có bốn bức tượng khổng lồ, đứng sừng sững và đối xứng nhau. Bên trong thông đạo khoáng đạt, rộng rãi, địa thế hơi dốc xuống, dường như cả ngôi miếu thần chỉ là một cửa động, bích họa bên trong và các vết tích màu sắc của tượng đá còn lưu lại khá rõ, đề tài trong các bức họa và điêu khắc chủ yếu là các loại cầm thú kỳ dị và yêu ma thần tiên.



Tư Mã Khôi thấy mọi người kiệt sức đến độ bước chân xiêu vẹo, loạng choạng, trong khi miếu thần lại sâu hun hút và rộng mênh mông, nên anh bảo mọi người tìm góc khuất nghỉ ngơi giây lát, nhân tiện nghĩ xem làm cách nào để nhìn được tấm bia đá kỳ bí kia. Anh phân công cho Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương kiểm đếm lại lương thực và đạn dược, còn mình và hai thành viên còn lại lục tìm mẩu xà phòng nhỏ, chia thành ba phần, lấy dao săn để tranh thủ cạo râu, con đường sắp tới sẽ dẫn đến địa ngục hay thiên đường thật khó đoán, nếu phải chết trong lúc mặt mũi bẩn thỉu, râu ria xồm xoàm thế này cũng thật khó coi.



So với ba đấng nam nhi, Thắng Hương Lân và Cao Tư Dương sống ở thành phố, , nên được hưởng nền giáo dục văn minh, hai cô bài trừ mọi thói quen và hành vi mất vệ sinh, thiếu văn minh từ tận sinh lý đến tâm lý, tuy ở dưới lòng đất thiếu ánh sáng mặt trời đã bao ngày, còn phải chịu đói chịu khát, kiệt sức đến tiều tụy, bị côn trùng độc cắn chi chít khắp người, khăn áo cũng rách bươm, thân hình gầy guộc, nhưng nom hai người vẫn sạch sẽ, gọn gàng hơn hội Tư Mã Khôi nhiều.



Mọi người kiểm đếm lương thực, những thứ không cần dùng đến đều nhất loạt vứt bỏ. Tư Mã Khôi lại cho phân chia số pin đèn, đạn dược và đuốc còn lại cho các thành viên, vì thế ba lô nhẹ đi rất nhiều. Tuy lương thực và pin đèn không còn bao nhiêu, nhưng vẫn đủ để duy trì cuộc sống trong vòng dăm ba ngày, có điều đạn dùng cho khẩu Winchester và khẩu súng săn gấu Canada thì dùng phát nào là hao tổn đạn phát đấy.




Tư Mã Khôi thấy Thắng Hương Lân lo lắng vì đạn dược không đủ dùng, anh nhớ lại lúc cả hội còn ở nông trường khai hoang số 34 ở Tân Cương, rồi trải qua bao biến cố sinh tử ở kính viễn vọng Lopnor, không biết bắt đầu từ khi nào, anh không còn nhìn thấy Hương Lân cười nữa, dường như ngay cả trong giấc mộng, gương mặt cô cũng chỉ nhuốm một vẻ u sầu, đó là hệ quả do cô phải chịu đựng áp lực quá lớn trong suốt thời gian dài, mà đúng là những việc đã xảy ra thực sự vượt quá sức chịu đựng của một cô gái liễu yếu đào tơ như Hương Lân, thế là anh bèn bảo mọi người nghỉ ngơi trong thông đạo năm tiếng để lấy lại sức, rồi mới đi tiếp.



Tư Mã Khôi gác ca đầu tiên, anh ôm súng, châm điếu thuốc, dựa vào vách tường cạnh đó. Trong bóng đêm, dưới ánh sáng le lói của đom đóm, anh nhìn thấy hình người hình thú trên các bức bích họa trong miếu thần hiện ra vô cùng quái dị. Những gì anh biết về tín ngưỡng sùng bái thần bí của tộc người Bái Xà vô cùng có hạn, anh chỉ có cảm giác những truyền thuyết và ghi chép cổ quái ấy quá ư kỳ dị, chi bằng cứ đến thẳng tấm bia đá đó xem một lần có phải đơn giản hơn không.



Nhưng khi chăm chú quan sát các bức bích họa trên tường, Tư Mã Khôi phát hiện nội dung của nó cũng khá trực quan, thần hệ của tộc người Bái Xà thuộc về thần hệ tiền sử, hoàn toàn khác biết với hai thần hệ lớn thời Viêm Đế và Hoàng Đế, tô tem thần thị mà họ sùng bái còn nguyên thủy cổ xưa hơn nhiều, đó là các tô tem kiểu như cây cổ thụ và mãng xà. Những dãy bích họa trước mắt đều miêu tả nguồn gốc của bí mật khác trên tấm bia đá. Người đầu tiên nói ra bí mật là một cô gái đầu người mình rắn, cô nằm phủ phục ở một nơi trong hang động, dường như đang mở miệng thầm thì với mấy vị vương gia trong tộc người Bái Xà đứng ở bên cạnh, họ chăm chú lắng nghe từng lời của cô gái.



Tư Mã Khôi đang tập trung quan sát, đột nhiên anh nghe thấy Cao Tư Dương nhỏ giọng hỏi: “Yêu quái đầu người mình rắn… sao lại biết nói chuyện nhỉ?”. Thì ra trong lòng Cao Tư Dương cũng đang bề bộn những nỗi lo lắng không yên, nên không thể chợp mắt nổi, cô ngồi dậy quan sát các bức bích họa khắc trên vách tường của miếu thần.



Tư Mã Khôi nói: “Có lẽ người cổ đại có một loài rắn đầu giống đầu người, gọi là nhân xà, nó có thể nói được tiếng người, sau đó bị tuyệt chủng không còn dấu tích gì nữa”.



Hải ngọng thả lỏng đầu óc, đánh một giấc thật đã. Nhị Học Sinh kiệt sức, hai mí mắt dính chặt vào nhau, không thể cạy ra nổi, còn Thắng Hương Lân không cách nào cố ru mình vào giấc ngủ được, cô nói: “Tôi lại không nghĩ cô gái ấy là quái vật, cô ấy là người rắn”.



Thắng Hương Lân vừa nhắc, Tư Mã Khôi liên sực tỉnh. Nghe đồn, thời Hạ Thương có truyền thuyết về người rắn, cũng có nơi gọi nó là “xà nữ”, nhưng sau thời Xuân Thu chiến quốc thì bị tuyệt diệt. Thực ra xà nữ cũng là người, đồng thời chỉ thấy có giống cái, không có giống đực. Lúc mới sinh ra, xà nữ cũng bình thường như bao em bé khác, nhưng đến thời kỳ phát dục trưởng thành, thì các khớp xương trên người bắt đầu dần dần thoái hóa, cuối cùng chỉ còn sót lại cột sống và xương cổ, từ đó người con gái ấy chỉ có thể trườn bò giống như loài rắn, lớp da thịt của tứ chi vẫn còn tồn tại, nhưng não thì hoàn toàn biến mất, nó không biết khóc, cũng chẳng biết cười, càng không thể nói được. Có lẽ đó là một căn bệnh thoái hóa trở về thời thủy tổ quái lạ và hiếm gặp, chứ không liên quan gì đến loài rắn. Người xưa thường mê tín thái quá, họ tin rằng đó là dấu hiệu yêu dị của việc người hóa rắn.



Rất có khả năng, cô gái đầu người mình rắn trên bức họa trong miếu thần chỉ là sản phẩm của sự tô vẽ về bí mật của xà nữ. Trong nhật ký của đội thám hiểm Corot Maar cũng có tài liệu tương tự nói về việc này, nhưng xà nữ trông có vẻ giống cương thi vô tri vô giác, làm sao có thể nói ra bí mật kinh thiên động địa gì được chứ?



Tư Mã Khôi kể chuyện về xà nữ cho Cao Tư Dương nghe, rồi quay sang nêu thắc mắc của mình với Thắng Hương Lân.



Thắng Hương Lân xách hộp thiếc có mấy con đom đóm bên trong, giơ lên cao, nửa trên của bức tranh hiện ra trước mắt. Thì ra, phía đỉnh đầu của xà nữ và mấy vị vương gia chính là thần Vũ Xà đang ở trong biển sương.




Tư Mã Khôi bỗng nhiên sáng tỏ: “Chẳng lẽ vị thần cổ đại mà tộc người Bái Xà tín ngưỡng lại truyền tin thông qua nữ xà? Những chuyện ma quỷ thực ra chỉ là hư cấu, thần Vũ Xà chẳng qua là một tô tem cổ xưa, dường như bức bích họa muốn kể rằng, xà nữ giống như xác chết biết đi kia chính là chiếc cầu nối để giao tiếp giữa thế giới hiện thực và thế giới hư vô, nó đã nói ra một bí mật vô cùng khiếp đảm, bí mật ấy được lần lượt kể cho năm vị vương gia của tộc người Bái Xà nghe, nhưng mỗi người chỉ được nghe một phần khác nhau. Tư Mã Khôi lại nhìn bức bích họa bên cạnh, nội dung đại khái là bí mật này truyền đến hậu thế, cũng lần lượt do chín vị vương gia nắm giữ, cuối cùng toàn bộ bí mật đó được khắc trên tấm bia đặt trong miếu thần.



Lúc khắc bia, người ta che kín phần người trước đã khắc, người sau chỉ được phép tiếp tục khắc phần bí mật mà mình nắm giữ, bởi vì bí mật này không được phép nói, cũng không được phép nhìn. Bất kỳ kẻ nào cả gan xem trộm, người đó sẽ sợ hãi đến nỗi lăn ra chết tức thì. Nội dung bức bích họa ở đây hoàn toàn trùng khớp với nội dung bích họa khắc trong thành cổ, có điều ngôi miếu thần này dường như không hề thờ phụng vị thần nào, tác dụng duy nhất của nó là trở thành nơi đặt tấm bia đá. Bức bích họa này cũng chứng tỏ lời nói của Triệu Lão Biệt hoàn toàn là sự thật, bí mật ghi chép trên tấm bia đá chỉ có mấy chữ, nhưng được khắc lặp đi lặp lại rất nhiều lần.



Thắng Hương Lân thầm nghĩ, bích họa trong miếu thần nhiều vô số, những gì tầm mắt họ có thể nhìn thấy chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng cũng có thế thấy người Bái Xà vừa kính cẩn vừa sợ hãi trước bí mật khắc trên tấm bia, có điều tại sao tấm bia ấy lại bị chìm dưới lòng đất trong ngôi miếu thần nhỉ? Chẳng lẽ ngôi miếu thần này chứa đựng điều đặc biệt gì sao? Hơn nữa, Nấm mồ xanh sẵn sàng trả mọi giá để tìm ra tấm bia đá vùi sâu dưới lòng đất, chắc chắn hắn có mưu đồ gì đó mà người thường không thể đoán ra nổi. Chúng ta đều cho rằng bí mật trên tấm bia đá có liên quan đến Nấm mồ xanh, chẳng lẽ bí mật ấy lại chính là thân thế của Nấm mồ xanh? Có điều, nghĩ kỹ lại, khả năng này gần như không thể xảy ra, bời vì tấm bia đá của người Bái Xà đã bị hủy diệt theo khói mây lịch sử.



Nếu Nấm mồ xanh không ra tay hành động liên tiếp như vậy, thì chẳng ai ngờ dưới lòng đất sâu lại có cổ vật này. Dường như Nấm mồ xanh nắm rõ tấm bia đá của người Bái Xà như trong lòng bàn tay, thậm chí còn tường tận hơn cả những ghi chép trên bích họa ở nơi này này. Hắn đã biết bí mật khắc trên tấm bia đá, thì hẳn phải biết lời nguyền về cái chết bất đắc kỳ tử với bất cứ kẻ nào có ý đồ nhòm ngó nó, vậy mà tại sạo hắn lại liều mạng lặn lội mò xuống tận lòng đất để kiếm tìm nó? Rốt cuộc, tấm bia cổ chỉ là một tảng đá khổng lồ, mấy chữ khắc trên đó mới là mấu chốt vấn đề. Thực ra, chỉ cần giải được bí mật khắc trên phiến đá, thì mọi ẩn số đan cài chồng chéo lên nhau sẽ tự khắc có đáp án, vấn đề là hễ nhìn vào bí mật đó, là lập tức lăn ra chết, giờ phải làm sao mới vẹn toàn được đây?



Cao Tư Dương lại nghĩ, đội thông tin của họ vốn có ba người, định đến tháp canh ở Thần Nông Giá để sửa đường dây điện thoại, kết quả bất ngờ bị cuốn vào chuyện của Nấm mồ xanh, bây giờ lại ở dưới vực sâu cách mặt đất cả chục ngàn mét, chỉ sợ phen này vĩnh viễn chẳng còn nhìn thấy hi vọng sống sót trở về nữa. Cao Tư Dương xuất thân trong gia đình quân nhân, từ trước đến giờ luôn hãnh diện với bộ quân phục mặc trên mình, tuy bên ngoài cô luôn tỏ ra kiên cường, dũng cảm, nhưng tận sậu thẳm trong lòng, cô vẫn không thể át chế được nỗi sợ hãi và tuyệt vọng.



Cô biết hàng năm vẫn có vài ba trường hợp mất tích trong núi rừng Đại Thần Nông Giá ngút ngàn này mà không rõ nguyên nhân, họ biến mất như một làn khói nhẹ bị gió thổi tan, vĩnh viễn không bao giờ trở lại mà chẳng một ai buồn bận tâm kiếm tìm, bởi không ai và không có cách gì có thể tìm thấy họ giữa cánh rừng già mênh mông. Những sinh mệnh đang ấm hơi thở cuộc sống cuối cùng chỉ lưu lại vỏn vẹn hai chữ “mất tích” khô cứng và lạnh lùng trên bảng thống kê hàng năm.



Cao Tư Dương cũng đã chuẩn bị tâm lý từ trước, hơn nữa lại đặt niềm tin tuyệt đối vào hội Tư Mã Khôi, có điều khi tới ngôi miếu này, cô bỗng nảy sinh một dự cảm không lành khó diễn tả thành lời, dường như một trận gió tanh mưa máu khiến người ta rùng rợn đang sắp sửa ập đến, lòng cô cồn cào sóng cuộn, nên nhất thời không thể ngủ được. Thế là Cao Tư Dương bảo sẽ thay Tư Mã Khôi gác ca thứ hai, rồi cứ thế thất thần nhìn chằm chằm vào bích họa vẽ trên vách tường của miếu thần.



Tư Mã Khôi cũng không thể ngủ ngon, mọi người thay phiên nhau ngả lưng mấy tiếng đồng hồ rồi bắt đầu chuẩn bị lên đường.



Nhị Học Sinh lo mình bị ép phải nhìn tấm bia đá, nên cậu ta bảo với Tư Mã Khôi, chẳng mấy chốc nữa sẽ sửa xong đèn hỏa diệm nhiệt độ cao thôi, chỉ cần cho cậu thêm chút thời gian nữa là được.




Tư Mã Khôi nhận ra ngay ý của Nhị Học Sinh. Quả vậy, lúc này không có đạn dược, nếu muốn phá hủy tấm bia đá, thì cần phải dựa vào đèn hỏa diệm nhiệt độ cao.



Hải ngọng thấy bộ dạng tham sống sợ chết của Nhị Học Sinh thì rất chối mắt, anh hỏi: “Nếu thằng Khôi ép chú phải nhìn tấm bia đá, thì chú tính sao?”



Nhị Học Sinh im lặng hồi lâu, không biết trả lời thế nào, chỉ run rẩy hỏi lại Hải ngọng: “Thế… thế… tôi nên tính sao?”



Hải ngọng nói: “Chưa gì đã sợ vãi tè ra quần, miệng lắp ba lắp bắp. Anh thấy, khéo đến lúc ấy chú mày chẳng cần nói gì, mà sẽ khóc như mưa như gió, dù sao bản thân việc khóc cũng là một sự tố cáo không lời, là hình thức biểu hiện cao nhất của sự đau khổ…”



Lúc này, Tư Mã Khôi đã soi đèn quặng đến điểm tận cùng, dường như thông đạo bị vách đá chắn lại, không rõ có phải vách đá đó chính là tấm bia đá của người Bái xà hay không, anh xua tay bảo Hải ngọng đừng nói năng lung tung nữa.



Mọi người không dám liều lĩnh tiến lại gần mà dừng quan sát từ xa, họ thấy bên trong thông đạo khoáng đạt chất đầy những tảng đá lớn đen sì sì, bịt kín lối ra, những tảng đá đen này rất to và nặng, lại vô cùng kiên cố, đủ hình đủ dạng nhưng ở các góc đều có khe hở và trên mặt đất họ thấy còn sót lại chút cát đen.



Cao Tư Dương nói: “Trong thông đạo của miếu thần lấp đầy đá macma thế này, chắc là không muốn để người ngoài xâm nhập vào đây mà”.



Tư Mã Khôi lại cho rằng chưa hẳn là vậy, những khối đá đen rõ ràng chưa hề được đẽo gọt, nếu không muốn người ngoài xâm nhập vào trong, thì người ta không thể để lại những khe hở to như vậy được. Có lẽ những khối đá này không phải dùng để phòng bị, trông nó giống như ngăn không cho vật bên trong thoát ra ngoài, có lẽ thứ bị nhốt ở bên trong có cái đầu rất to, xem ra trong miếu thần không chỉ có một mình tấm bia đá của người Bái Xà, ở nơi sâu nhất vẫn còn thứ gì khác chăng? Nói rồi, Tư Mã Khôi lấy hết can đảm, chui qua khe hở giữa các khối đá. Thông đạo tiếp tục vươn dài chếch xuống phía dưới, Tư Mã Khôi mới đi được hơn chục bước mà lòng đã thấy rờn rợn, anh tự hỏi rốt cuộc phía dưới miêu thần còn sâu bao nhiêu? Những tảng đá khổng lồ trong thông đạo dùng để ngăn cản vật gì thoát ra ngoài?



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện