Chương 26: hồi thứ ba: bùa ngải
Hồi thứ ba: Bùa ngải
Chết chỉ là một đoạn đường mà ai cũng phải đi qua trong cuộc đời. Bản thân cái chết có lẽ không đáng sợ, mà điều đáng sợ là khoảnh khắc thấp thỏm, dày vò khi chờ đợi chiếc bóng của thần chết sắp sửa giáng xuống đầu.
Ngọc Phi Yến biết mình cũng bị trúng ngải, trong lòng cảm thấy chán nản, buông xuôi đến cùng cực. Cô ả kề khẩu súng ngắn đã lên nòng vào ngực, chuẩn bị cho thời khắc cuối cùng sẵn sàng nã một đạn vào huyệt thái dương của chính mình.
Gã Gấu trắng người Nga tuy là một tín đồ cảm tử, một kẻ điên cuồng mất hết lý trí, nhưng khi thật sự đến lượt mình phải đối mặt với cái chết thì các cơ trên mặt cũng không khỏi thi nhau co quắp lại. Gấu trắng lẳng lặng ngồi một mình dưới gốc cây, chẳng ai đoán được trong đầu gã đang nghĩ gì.
Đối lập với cảm giác bàng hoàng của đội thám hiểm, lúc này mấy kẻ may mắn sống sót trong đội du kích Miến Điện lại không hề bất ngờ một chút nào, bởi họ đã sớm quen với việc chịu đựng và đối mặt với cái chết, thậm chí Hải ngọng còn thoáng có thái độ kiểu như "cười vui trước nỗi đau của người khác". Tâm trạng của anh giờ đây chẳng khác gì bệnh nhân mang mầm bệnh nan y, vô phương cứu chữa, đang nằm dài chờ chết, đột nhiên biết được mấy vị láng giềng bên cạnh cũng mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo y như mình, trong lòng bất giác cảm thấy vô cùng yên ổn, an tâm.
Chỉ duy có Tuyệt là đang bình tĩnh suy xét tỉ mỉ từng sự việc, cô nhìn bộ dạng Khương sư phụ trước khi chết gầy héo như một cái xác khô, liền quay sang hỏi Tư Mã Khôi: nếu tất cả mọi người đều đã bị trúng tà thì tại sao lại không phát tác cùng một lúc? Hay là trong đó tồn tại một quy luật hoặc thứ tự nào đó? Trước đây, khi đoàn lính công trình Mỹ xây dựng con đường hầm này, từng xảy ra sự việc hàng loạt nhân viên trong đoàn bị mất tích. Phải chăng bọn họ cũng chết bởi loại ngải thuật thâm hiểm, quái dị kia? Khái niệm về bùa và ngải quả thực quá đỗi mơ hồ để có thể tìm ra căn nguyên, hoặc giả còn có cách giải cứu.
Tư Mã Khôi phán đoán: "Tôi đoán, phàm những người trúng tà đều căn cứ vào thể trạng và sức đề kháng không giống nhau để rồi lần lượt chết theo một quy luật nhất định. Khương sư phụ tuy rằng thể trạng không tồi, đến tuổi này mà vẫn còn có thể vượt núi băng rừng, nhưng rốt cục lão vẫn thuộc dạng tuổi cao sức yếu, mắt mờ chân chậm, khí huyết không thể thông thuận như lúc trai trẻ, bởi vậy lão ta là kẻ bị phát tác trước tiên; tiếp theo đó là lão nhị Thảo Thượng Phi của đội thám hiểm, bởi gã lớn tuổi thứ hai sau Khương sư phụ. Nếu tôi đoán không nhầm thì người kế đến phải chết sẽ là gã ngoại quốc người Nga, còn người bị chết sau cùng sẽ là Karaweik."
Tư Mã Khôi nói đến đây thì ngoảnh đầu lại nhìn Karaweik, chỉ thấy cậu bé dùng cả hai tay ôm chặt lấy đầu, trên khuôn mặt toát lên thần sắc tuyệt vọng đến cực độ. Ở Miến Điện, những người từng làm hòa thượng đều không sợ chết, vì trong quan niệm của họ, chết chẳng qua chỉ là sự bắt đầu của một kiếp luân hồi khác, nhưng đa số người bản địa đều vô cùng khiếp sợ tà thuật. Họ cho rằng, con bọ ngải luồn vào trong não sẽ dần dần gặm nhấm hết linh hồn trú ngụ trong thể xác của người sống, bởi thế Karaweik cứ mãi ôm đầu, miệng không ngừng lẩm nhẩm chỉ một chữ duy nhất.
Tư Mã Khôi nghe được từ mà Karaweik không ngừng lẩm nhẩm dường như là "trùng", nên lòng thầm cảm thấy kỳ quái: "Trong đầu lấy đâu ra trùng bọ nhỉ?" nhưng sau đó anh liền nghĩ ra: những người sống trong rừng rậm núi cao, nhiều kẻ thường nuôi trùng độc và xem chúng là vật môi giới cho các loại tà thuật như bùa hay ngải, bởi vì đặc tính của trùng phức tạp, khó có thể lý giải, nên sẽ khiến những câu chuyện về bùa ngải càng trở nên huyền bí, đáng sợ hơn.
Người ta thường nói: "Người nói vô tâm, kẻ nghe hữu ý", câu nói của Karaweik khiến Tư Mã Khôi và Tuyệt đột nhiên cảm thấy hiểm họa chí mạng mà đội thám hiểm đang gặp phải, rất có khả năng là do trùng trứng của loài "đỉa Campuchia ăn thịt người" đã ký sinh vào cơ thể họ trong lúc không ai ngờ đến.
Nghe nói, đỉa Campuchia ăn thịt người có một tập tính rất đặc biệt: trên một cơ thể chủ chỉ có một con đỉa chúa ký sinh, nếu như trước khi đỉa chúa thành hình mà cơ thể chủ chết đi, thì tự nhiên nó cũng theo đó mà hóa thành hòn máu đặc. Chẳng những vậy, chúng không thể ký sinh trong cơ thể bọ máu lạnh, bằng không cái trứng sẽ chỉ nở ra một con đỉa bình thường. Đội thám hiểm từ lối cổng ra đổ nát của con đường U Linh, tiến sâu vào sào huyệt trong thâm cốc thì gặp sự công kích của bầy đỉa. Con đỉa chúa khổng lồ bị bình phun lửa thiêu cháy khi ấy, cơ thể phình to ngang với thân hình một con người. Hơn thế nữa, ở đầm nước trong chỗ trũng gần đó còn tụ tập vô số đồng loại của nó, nên nếu không có thi thể người chết với số lượng tương ứng, thì làm sao chúng có thể sinh trưởng đông đúc đến vậy? Có lẽ con đỉa nữ hoàng mà chúng ta gặp ngày hôm nay, cũng chính là một trong những kẻ gặp nạn từng mất tích ở núi Dã Nhân bao nhiêu năm về trước.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m.
Bộ dạng khô quắt sau khi trúng ngải của Khương sư phụ cũng giống như bị một con đỉa Campuchia ăn thịt người chui vào cơ thể, dần dần hút cạn toàn bộ tinh huyết và óc tủy quanh người, đến cuối cùng con đỉa thành hình mượn xác chết thay hình đổi cốt. Lúc này, Khương sư phụ trở thành cơ thể chủ cho đỉa chúa trú ngụ, hay nói cách khác, thi hài lão trở thành sào huyệt của nó ở nơi vũng tù này. Lúc phần sọ đột nhiên nở bung ra, cũng chính là lúc đỉa nước nữ hoàng đã chui vào não.
Tuy rằng Tuyệt đã sớm chẳng hề để tâm đến sự sống chết, nhưng cứ nghĩ bên trong cơ thể mình có một con đỉa Campuchia ăn thịt người ký sinh thì lại thấy cách chết này quả thực quá sức ghê tởm và kinh dị. Mặt cô không khỏi biến sắc khó coi, thất kinh hỏi: "Từ khi tôi vào núi Dã Nhân đến nay, trước sau chưa từng chạm vào vũng nước tù có lũ đỉa đang sinh sống, tại sao lại bị loài đỉa nước này bám vào người vậy?"
Ngọc Phi Yến ngồi bên cạnh nghe thấy đoạn hội thoại giữa Tư Mã Khôi và Tuyệt, cô ả dường như vừa tóm được một tia hy vọng sống, liền nói chen vào: "Nếu anh biết vì sao cơ thể bị loài đỉa ký sinh thì cũng không đến nỗi phải trúng loại tà thuật này. Môi trường ẩm ướt, oi bức trong núi Dã Nhân khiến chướng khí tràn lan khắp nơi, thực vật, thủy lưu, không khí, bùn đất, mây mù, đầm lầy đều trở nên bội phần nguy hiểm. Đỉa Campuchia ăn thịt người, thậm chí có thể luồn xuyên qua quần áo, giày tất và da thịt, nói cách khác chẳng lỗ nào chúng không thể thâm nhập, nên chẳng biện pháp nào đủ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhưng nếu cái được gọi là ngải độc trùng chỉ là đỉa chúa chui vào trong cơ thể hút hết huyết khí, tinh tủy, thì phải chăng vẫn còn có thể nghĩ ra cách giải cứu?"
Tuyệt am hiểu rất sâu sắc về y lý, khi còn ở trong đội du kích cộng sản Miến Điện, cô đã từng nhiều lần chữa thương cho người bị đỉa hút máu, nhưng giờ đây cũng chỉ biết lắc đầu nói: "Nếu đỉa bám ở vùng ngoài da thì còn dùng khói trực tiếp làm nóng nó hoặc đốt giấy cỏ hun chết, tóm lại có rất nhiều cách để đối phó; nhưng một khi nó đã bò vào trong bụng hoặc trong hộp sọ, thì ngoại trừ phẫu thuật lấy nó ra, tuyệt đối chẳng còn biện pháp nào khác. Theo hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, tính mệnh chỉ còn tính bằng từng khắc, đừng nói đến việc chẳng thể phẫu thuật, mà cho dù có được đưa đến một bệnh viện hiện đại, với đầy đủ máy móc tối tân, để cấp cứu ngay tức khắc thì cũng chẳng kịp nữa rồi."
Ngọc Phi Yến liên tiếp đưa ra mấy phương pháp nhưng chẳng cách nào hữu hiệu, ví dụ tự mình nuốt độc dược, như vậy sẽ khiến con đỉa trong cơ thể cũng bị nhiễm độc mà chết, nhưng cách này chẳng khác nào tự sát. Toàn thân đỉa Campuchia ăn thịt người toàn là giác hút, những giác hút đó sẽ giúp nó bám chắc như keo trong cơ thể sống, không một loài trùng ký sinh nào có thể bì kịp với nó, cho dù bạn nôn thốc nôn tháo hết cả gan xanh mật vàng, thì cũng chẳng thể nôn ra nổi con đỉa đang bám chặt trong bụng.
Tư Mã Khôi thấy mọi người xung quanh thần sắc đầy vẻ tuyệt vọng cũng không khỏi chấn động tinh thần, tuy anh chẳng sợ chết, nhưng cũng không cam tâm bị đỉa hút cạn huyết tủy mà khô quăn queo, sau đó thi thể còn chìm trong nước và trở thành sào huyệt đẻ trứng của đỉa chúa. Nhìn thân xác đỉa Campuchia ăn thịt người chi chít những giác hút, bỗng dưng trong óc anh lại thấp thoáng hiện lên hình ảnh kỳ dị của con rết, liền sau đó lại liên tưởng đến việc Triệu Lão Biệt tìm thấy viên ngọc Định Phong cạnh cái xác con rết trong chiếc bàn mục nát năm xưa. Đến tận bây giờ, anh vẫn còn nhớ như in hình ảnh Triệu Lão Biệt với kỳ thuật uyên thâm, khả năng nhận thức vạn vật muôn loài trên thế giới bội phần cao siêu. Nếu giờ đây lão chưa chết, nói không chừng có thể giúp anh nghĩ ra cách hay nào đó, giải quyết con đỉa nước nữ hoàng đang ký sinh trong cơ thể mọi người.
Theo lý, sau khi Tư Mã Khôi mang dòng tộc lục lâm, anh được mật truyền toàn bộ bí kíp "Kim bất hoán". "Văn Võ sư phụ" anh bái làm thầy lúc còn ở nhà, được mệnh danh là "Ma men Trương Cửu Y", có người gọi ông là "Trương bọ cạp" hoặc "Lão bách khoa toàn thư". Ngoại trừ chiêu tủ là "Bọ cạp đảo đầu bò tường" ra, ông còn rất giỏi đàm đạo về phương thuật, chỉ điểm cát hung. "Mật truyền Kim điểm" mà tổ tiên họ Trương lưu lại, chính là gốc rễ khởi nghiệp của gia tộc, được chia thành ba phần "Thiên, Địa, Nhân", từ trước đến nay chỉ truyền cho người trong tộc, không truyền cho người ngoài. Đến thời Trương Cửu Y, cả cuộc đời chỉ dạy dỗ cho hai truyền nhân trực hệ trong gia tộc, người thứ nhất là cháu đích tôn của dòng họ, có điều gã này tính tình thuần phác, ù ì, ông Trưởng Cửu Y chẳng mấy xem trọng hắn ta, nên không truyền thụ thuật suy diễn biến hóa, chỉ truyền ột số khẩu quyết xem bói, rồi khéo léo đuổi hắn về quê nhà làm nông.
Truyền nhân mà Trương Cửu Y xem trọng lại chính là Tư Mã Khôi, bởi anh nhanh nhạy, thông minh, cốt cách thanh thoát, tướng mạo thân hình đều có thể "trấn áp" được kẻ khác, lại giỏi ăn nói, giảo biện, từ ngữ sắc bén, biết đối nhân xử thế. Theo cách nói của giới lục lâm, người như thế có thể vượt qua phong ba bão táp, bảo vệ được bí mật gia truyền, gặp lúc thất thủ cũng không bán đứng đồng bọn và thế tộc, vì vậy ông mang tất cả tuyệt kỹ nhét tận đáy hòm nhà họ Trương truyền thụ tuốt tuột cho Tư Mã Khôi.
Chỉ có điều, lúc đó Tư Mã Khôi tuổi hãy còn quá nhỏ, đến khi bước được chân ra ngoài xã hội bươn chải thì lại không gặp thời, khiến bản lĩnh gia truyền bị xao nhãng, bỏ quên trong nhiều năm. Lúc này, anh bất chợt nghĩ đến sự việc gặp Triệu Lão Biệt năm xưa, lại liên tưởng đến cuộc đời tà môn ngoại đạo của lão, thấy rằng lão có những khả năng mà người thường khó lòng vươn tới được. "Mật truyền Kim điển" mà tổ tiên mình để lại là bộ cổ thuật "tỏ tường mọi ngách, lừng danh bốn bể", vậy sao mình lại phải chịu thua kém người ta? Nhưng rốt cục làm sao mới có thể dùng lý lẽ "tướng vật" trong "Kim bất hoán" để trục xuất con đỉa chúa đang ký sinh ra khỏi cơ thể?
Ý niệm này tuy rằng chỉ lóe lên trong khoảnh khắc, nhưng anh cũng đã lờ mờ hiểu, cái gọi là "vật cực nhi phản, số cùng tắc biến", rốt cục có ý là trời chẳng bao giờ nỡ tuyệt đường sống của con người. Anh cho rằng, chỉ cần tìm ra nhược điểm của đỉa Campuchia ăn thịt người trong thời gian cực ngắn, thì có thể những kẻ may mắn sống sót của đội thám hiểm sẽ có cơ hội thoát khỏi bàn tay tử thần.
Trong lúc Tư Mã Khôi đang vắt óc suy nghĩ, ánh mắt anh chợt chạm phải Thảo Thượng Phi. Gã đang ngước đầu lên, nhìn chằm chằm vào một thân cây cổ thụ với thần sắc hoảng hốt, thất thần. Lúc này, Thảo Thượng Phi gầy héo như bị thoát xác, hốc mắt lõm sâu hoắm vào trong, miệng ú ớ chẳng nói thành lời. Ngọc Phi Yến lo lỡ đâu gã đột ngột ra tay làm người khác bị thương, nên lấy dây thừng trói gã lại. Tư Mã Khôi cũng ngẩng đầu dõi mắt theo hướng nhìn của Thảo Thượng Phi, chỉ thấy trên đó tối hù hù, chẳng nhận thấy có điều gì khác lạ.
Lúc đó, Ngọc Phi Yến nói với mọi người: "Mọi người đằng nào cũng sẽ chết, chi bằng nhân lúc thần trí vẫn còn minh mẫn, hãy mau chóng tránh xa sào huyệt tập trung của lũ đỉa chúa."
Tư Mã Khôi lại nói: "Thủ lĩnh, cô thử nói xem vì sao Khương sư phụ lại dẫn đội thám hiểm trở về sào huyệt của đỉa Campuchia ăn thịt người?"
Ngọc Phi Yến đáp: "Chẳng phải anh nói Khương sư phụ bị trúng tà sao? Người chết giống như ngọn đèn đã tắt, bây giờ anh lại trách cứ người ta, phỏng có ý nghĩa gì?"
Tư Mã Khôi nói: "Tôi đoán, chắc ở gần chỗ này ẩn giấu một vật gì đó, vật ấy dụ dỗ Khương sư phụ, hoặc giả dụ dỗ con vật ký sinh trong cơ thể ông ấy trở về đây. Có lẽ là mệnh chúng ta chưa hẳn đã tuyệt, bởi không chừng vẫn sẽ tìm thấy một con đường sống cũng nên."
Ngọc Phi Yến cảm thấy việc này cũng rất đỗi kỳ lạ, đáng nghi. Trong dải rừng rậm âm u chẳng bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời này, môi trường ẩm ướt ô uế, tuy khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, bức bối nhưng không biết vì nguyên do gì mà trong không gian dường như phảng phất một mùi hương vô cùng quái dị, chẳng rõ đó là mùi thơm của xạ hương hay của trầm hương, không những vậy càng ở nơi cao thì mùi thơm càng nồng đượm. Cô nhìn những cây cổ thụ cao ngút ngàn đến tận trời, trong lòng tự thấy bất lực - tay không làm sao mà leo tới đó được? Trong lúc đang định tìm loại công cụ leo núi nào đó để trợ giúp thì chẳng ngờ đã thấy Tư Mã Khôi buộc đèn halogen lên người, rồi liền đó thi triển tuyệt kỹ "Bọ cạp đảo đầu bò tường" bám thân cây leo ngược lên. Tuy vết thương trên vai anh chưa lành hẳn nhưng thân thủ vẫn nhanh thoăn thoắt như gió cuốn, khiến những kẻ ở dưới đất nhìn lên chỉ biết trợn mắt há miệng mà kinh ngạc và thán phục, người nào người nấy nhìn chằm chằm không rời mắt, chẳng dám phát ra tiếng động, ngay cả hơi thở cũng cố gắng thật khẽ khàng.
Tuy vậy, Tư Mã Khôi rốt cục vẫn đang bị thương, nên khi bò lên tới tán lá thì hai vai đã cảm thấy tê cứng, đau buốt, anh nhìn thấy trong hốc cây cổ thụ có một cái hố giống như hang động vật, trong hố phủ đầy rêu xanh, không khí âm u, lành lạnh thấu cả xương, lấy đèn soi vào, chỉ thấy bên trong cất giấu những quả trứng mãng xà, quả nào quả nấy to như nắm đấm, thì ra đây là sào huyệt của con ô xà Miến Điện bị bình phun lửa thiêu cháy lúc trước. Anh thò tay ra sờ ba quả trứng trắng đục, cất chúng vào trong lòng, rồi nhẹ nhàng chuồn xuống dưới.
Trong lúc còn chưa rõ sống chết ra sao, lại thấy Tư Mã Khôi lẻn lên cây lấy cắp mấy quả trứng mãng xà, hội Ngọc Phi Yến cảm thấy tên này chắc là đang sắp phát điên.
Tư Mã Khôi nhìn thấy ba quả trứng trong lòng bình an vô sự thì mới trút được tiếng thở mạnh. Anh cẩn thận nâng niu từng quả trứng, bày chúng lên mặt đất, nhìn sắc mặt mơ hồ khó hiểu của mọi người, anh đành phải giải thích: "Muốn trục xuất con đỉa chúa đang sống kí sinh ra khỏi cơ thể, chỉ có thể kỳ vọng vào vật cứu mạng này thôi."
Gã Gấu trắng người Nga thấy vẫn còn cơ hội sống, tinh thần phấn chấn lại ngay tức thì, nhưng trước mắt chỉ có ba quả trứng mãng xà, mà những kẻ sống sót còn những bảy người, cháo ít vãi nhiều, chẳng thể nào chia đủ, chắc chắn bốn người trong số họ phải chết. Vậy làm gì có chuyện gã để tâm đến những kẻ xung quanh, nên lập tức thò tay ra cướp, định bụng sẽ nuốt chửng một quả vào bụng.
Nhưng phản ứng của Tư Mã Khôi còn lanh lẹ gấp bội, chẳng để gã Gấu trắng người Nga kịp đến gần, anh đã nhanh nhẹn ra chiêu "Phu tử tam củng thủ", đẩy lùi bàn tay to phàm phạp như chiếc quạt ba tiêu của gã, nhưng trong thời khắc gấp gáp, giành giật từng giây giữa sự sống và cái chết, Tư Mã Khôi không muốn quyết một trận sống mái với gã, mà chỉ xua tay, ra hiệu cho đối phương đừng hòng tiến lại gần, rồi lại làm động tác vuốt cổ, ngầm nói với mọi người tuyệt đối không được ăn "trứng mãng xà", nếu không sẽ càng chết nhanh hơn.
Gã Gấu trắng người Nga bình sinh sức khỏe vô địch, giết người chẳng khác chi giết một con gà, hắn cứ nghĩ chỉ cần thò tay ra là cướp được trứng rắn, nào ngờ lại lấy hụt, trong lòng cũng không khỏi cảm thấy bất ngờ, chẳng biết gã phương Đông này sử dụng tà thuật gì, gã trợn cặp mắt hung tợn gườm gườm nhìn Tư Mã Khôi, nhưng chẳng dám manh động thêm nữa.
Những người còn lại đều biết rõ tập tính của mãng xà Miến Điện, con cái mỗi năm phải sinh ra hàng trăm trứng, ba quả trứng mà Tư Mã Khôi vừa lấy từ trên ổ rắn xuống sờ vỏ ngoài nhẵn nhụi trắng mịn như ngọc, xem ra chúng chỉ là những trái trứng bình thường, chưa được thụ tinh. Tư Mã Khôi nói chúng có khả năng giúp họ trục xuất con đỉa Campuchia ăn thịt người ra khỏi cơ thể, nhưng lại nói không được đập vỡ hay nuốt chửng, chẳng lẽ vật này dùng để xoa đắp ngoài da?
Bình luận truyện