Mê Tông Chi Quốc

Chương 77: vật chất hắc ám hồi một: cửa sổ núi





Tư Mã Khôi giở cuốn sổ trong lòng cái xác khô ra xem chỉ thấy bên trong toàn ghi chép các loại kỳ thuật biệt bảo, mỗi trang đều vẽ tranh minh họa kèm theo, đồng thời còn có hai câu khẩu quyết rất kỳ quặc, nội dung cổ quái mà không phải người thường nào cũng có thể lĩnh hội được.



Chẳng ngờ giở đến trang cuối cùng, Tư Mã Khôi trông thấy bốn bức tranh vẽ theo chiều nằm ngang gấp lại với nhau, giở ra xem thì thấy bức thứ nhất vẽ một người dắt một con bò đứng trên bờ vực dựng đứng, đưa mắt ngó nhìn vực sâu phủ mờ mịt mây mù phía dưới. Bức tranh thứ hai vẽ một căn phòng đơn sơ, cánh cửa mở toang để lộ một gian phòng nữa nằm ẩn bên trong, bức tranh thứ ba vẽ một cánh tay người chết nằm trên sa mạc mênh mông, bức cuối cùng để trắng không vẽ gì cả.



Những bức tranh này tuy rất quái dị, nhưng xuất hiện trong cuốn sổ của dân biệt bảo thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm; tuy nhiên chỗ bắt đầu của bốn trang tranh gấp lại được điểm xuyết bằng hai hàng chữ nhỏ li ti: “ Núi đá vàng sinh ra bò vàng, đại kiếp đến ta cưỡi mây ngàn…”



Tư Mã Khôi xem đến đây thì tim bất giác đập loan xạ, không thể mô tả được đó là thứ cảm xúc gì, Hải ngọng cũng đờ đẫn đến nỗi lưỡi dài ra mãi không thu lại được.



Thắng Hương Lân không hiểu bèn hỏi: “Các anh làm sao vậy? Khi nãy vẫn còn bình thường, sao bây giờ lại sợ đến mức này thế?”




Tư Mã Khôi bèn kể tóm tắt đầu đuôi câu chuyện cho cô nghe một lượt, đồng thời nhấn mạnh không phải mình sợ mà chỉ là thất kinh, thất kinh vì cảm thấy quá bất ngờ, chứ sợ hãi là vỡ mật vì bị người ta dọa, hai trạng thái này tồn tại sự khác biệt về mặt bản chất.



Thắng Hương Lân đón lấy cuốn “cổ tịch biệt bảo” xem kỹ mấy lượt, cô cũng thấy việc này quả thật rất khó lý giải: ngay từ trước giải phóng, Triệu Lão Biệt đã bỏ mạng dưới địa cốc vì cấu kết với bọn người Pháp ăn trộm bảo vật. Thế mà năm 1968, Tư Mã Khôi và Hải ngọng lại gặp người này ở Trường Sa tỉnh Hồ Nam. Trước khi lão lâm chung còn dặn dò hai người ghi nhớ hai câu đó, xem ra Triệu Lão Biệt dường như đã biết trước sau này Tư Mã Khôi sẽ gặp hài cốt của mình ở dưới Hắc Môn, nên mới đặc biệt để lại hai câu ám ngữ kỳ quặc. Nhưng cùng một người làm sao có thể chết tận hai lần được nhỉ?



Thắng Hương Lân rốt cục không tự mình trải nghiệm qua sự việc đó, nên cũng không thể suy đoán ra được điều gì. Cô hỏi Tư Mã Khôi và Hải ngọng: “Nếu cái xác khô trước mặt quả thực đúng là Triệu Lão Biệt thật, thì người chết dưới chân cầu La Sư, do các anh tự tay chôn cất là thứ gì?”



Tư Mã Khôi nghĩ một lát rồi nói: “Tôi thấy Triệu Lão Biệt xuất hiện ở khu Hắc Ốc, Trường Sa năm đó chắc chắn không phải là ma, bởi vì cô hồn dạ quỷ không thể đi lại tung tăng giữa ánh sáng ban ngày như vậy được.”



Hải ngọng vỗ đùi đánh đét một cái, nói: “Nếu lão ta không phải ma sống, thì chắc chắn là loài chồn tinh đắc đạo ẩn nấp ở trong đó.”



Tư Mã Khôi lắc đầu bảo: “Cậu đã bao giờ tận mắt nhìn thấy chồn biến thành người chưa hả? Tớ thấy Triệu Lão Biệt mà chúng ta chôn đại trong nghĩa địa khu Hắc Ốc, không phải ma cũng không phải người, mà chỉ là thứ gì đó căn bản không thuộc về thế giới này, tương tự như thể sóng điện u linh chôn giấu dưới tòa thành Nhện Vàng…”



Hải ngọng nói: “Cái món đó cũng đủ dọa người ta hết cả hồn. Nhưng lúc ấy các cậu bảo sóng điện u linh chỉ là phần ký ức không ngừng trùng lặp của người chết, nó không hề tồn tại ý thức chủ quan cơ mà? Tớ thấy Triệu Lão Biệt có vẻ không giống thế lắm, trông bộ dạng lão ta mắt la mày lém, rất gian manh, vả lại lão có xương có thịt hẳn hoi, nhìn thế nào thì cũng thấy rõ ràng đó là một con chồn tinh già hóa thành.”



Thắng Hương Lân nói: “Các anh đừng đoán già đoán non nữa, nếu sau này còn cơ hội, chúng ta sẽ đến nghĩa địa vùng ngoại ô Trường Sa quật mộ lão ta lên khám nghiệm tử thi là chân tướng sẽ lộ rõ ra ngay thôi mà. Vấn đề then chốt bây giờ là: vì sao Triệu Lão Biệt lại muốn các anh ghi nhớ hai câu ám ngữ kia? Nó có liên quan gì đến mấy bức vẽ trong cuốn sách cổ không?”



Tư Mã Khôi cố sức hồi tưởng lại cảnh tượng sáu năm về trước, bây giờ chỉ có thể đặt giả thiết: nếu Triệu Lão Biệt quả thực đã chết ở đây, thì kẻ xuất hiện ở khu ngoại ô Trường Sa chỉ có thể là một hình nhân đội lốt. Lão ta đào viên Lôi Công Mặc bất thành, lại bị ngọn lửa âm hỏa trong hố mộ cổ thiêu cháy đến hồn bay phách tán, khi ấy mới hoàn toàn chết hẳn. Nhưng trước khi lâm chung, lão để lại hai câu ám ngữ “Núi đá vàng sinh ra bò vàng, đại kiếp đến ta cưỡi mây ngàn… ” chắc chắn là có nguyên nhân sâu sa bên trong, có lẽ là muốn hội Tư Mã Khôi chú ý đến mấy trang vẽ cuối cùng trong cuốn sách, nội dung bức họa rất ly kỳ khó hiểu, nhất định hàm chứa một bí mật vô cùng quan trọng nào đó.



Hải ngọng không cho là vậy, anh bảo: “Triệu Lão Biệt bụng dạ hẹp hòi như ruột gà, làm gì có chuyện tử tế thế, chắc là lão cố tình tung hỏa mù chúng ta mà thôi. Nếu lão thực sự có bản lĩnh tiên đoán trước mọi việc trong tương lai, thì sao có chuyện bị lật thuyền ngay trong âm cốc được?”




Tư Mã Khôi lại cho rằng: tuy Triệu Lão Biệt có một vài tật xấu không hợp tình người cho lắm, nhưng vẫn là một kỳ nhân che giấu thân phận. Có điều trên thế giới này, mọi cánh cửa đều có thể khép lại, chỉ duy có cánh cửa xuống địa ngục là vĩnh viễn rộng mở. Cho dù Triệu Lão Biệt có bản lĩnh siêu phàm hơn nữa, nhưng một khi đã tới số tới hạn, thì vẫn không thể chạy thoát nổi lưỡi hái của thần chết. Điều đáng nói bây giờ là, cho dù Triệu Lão Biệt có bản lĩnh thấu hiểu mọi sự trong tương lai, và đặc biệt để lại cuốn cổ thư biệt bảo giống như một câu đố này cho Tư Mã Khôi, thì anh vẫn hoàn toàn không hiểu bất kỳ nội dung thông tin nào mà cuốn sách muốn truyền đạt. Anh chỉ còn biết mang nó theo bên mình cùng một vài món đồ lặt vặt khác, để xem sau này nó có phá huy hiệu quả gì không.



Sau đó, cả hội lại tìm kỹ một lượt quanh các bộ hài cốt xem còn sót manh mối gì không; cuối cùng Tư Mã Khôi bảo Hải ngọng đổ dầu hỏa thiêu di thể của Triệu Lão Biệt, rồi quay về chỗ đặt cáng giáo sư Nông kiểm tra tình hình vết thương của ông.



Vết thương trên đầu giáo sư rất nặng, tuy đã ngừng chảy máu nhưng vì không có đủ nước sạch để lau rửa vết thương nên bị viêm nhiễm khiến giáo sư lên cơn sốt cao, môi khô nứt nẻ, trán nóng như thiêu đốt, thân mình lạnh ngắt nằm co trong tấm thảm lông trên cáng, ông vẫn chìm trong trạng thái hôn mê, hoàn toàn mất ý thức.



Lúc trước, Tư Mã Khôi thấy cái chết của bọn thổ tặc rải rác ở khu vực quanh đây rất uẩn khuất, vì phàm những kẻ đã đi vào Hắc Môn, thì thân mình đều đổ gục xuống chết bất ngờ trên đường trở ra, nguyên nhân cái chết đều không rõ ràng, trước khi chưa nghĩ ra kế sách đối phó ổn thỏa, anh không dám mạo hiểm hành động, nhưng khi nhìn thấy tình hình của giáo sư diễn biến càng ngày càng nghiêm trọng, thì anh chỉ mong nhanh chóng tìm thấy nguồn nước dưới Hắc Môn, như thế may ra mới níu kéo được tia hi vọng mong manh bảo toàn tính mạng cho giáo sư. Thế là anh bất chấp dưới kia có nguy hiểm hay không, bảo mọi người sau khi nghỉ ngơi giây lát sẽ lập tức khiêng cáng của giáo sư tiếp tục tiến về phía trước.



Hẻm núi sâu thẳm dưới địa cốc bị cát lún che phủ hoàn toàn. Thật khó có thể tưởng tượng đất lạnh lẽo thô cứng này, lại chính là nơi an giấc ngàn thu của tiên vương Lâu Lan cổ An Quy Ma Nã; vách đá cheo leo dựng đứng được đào thành một lối vào khổng lồ, nhưng đi sâu mãi vẫn không nhìn thấy bóng dáng của cung điện hoa lệ hùng vĩ dưới lòng đất, mà chỉ thấy con đường hầm thênh thang rộng rãi không ngừng vươn dài vào trong.



Tiếng bước chân của cả hội vang vọng giữa không gian mênh mông, dường như bất cứ lúc nào cũng có thể làm kinh động đến những linh hồn đang ngủ sâu dưới địa cung. Đôi lúc lại có một vài con chuột cát chạy ra bò vào giữa các khe tường, con nào con nấy to như con mèo, nhìn thấy người thì nghiến răng kêu chít chít, sau đó lao ập vào chân cắn xé loạn xạ, cả đội đành dùng cán súng xua đuổi chúng. Cuối cùng, họ cũng đã đi xuyên qua tòa núi đá dưới lòng đất.



Bên ngoài lối ra là một hàng bục đá lồi hẳn ra khỏi vách núi dựng đứng, ba mặt của bục đá treo chênh vênh giữa không trung, cách lóp vỏ Trái Đất tầm ba bốn ngàn mét, xung quanh tối đen như mực, hình thành nên một “cửa sổ núi” cô lập, sau lưng là vách cheo leo ngàn thước, ngó mắt xuống dưới quan sát xung quanh, thấy khí âm áp đảo, sâu không thể lường.



Mọi người đành phải dừng chân tìm đường, Hải ngọng giữ chiếc mũ bấc đang đội trên đầu, thò người ra nhìn thử đã thấy người gai gai lạnh, khí lạnh xuyên suốt từ gan bàn chân lên tận thái dương. Anh quay đầu lại hỏi Thắng Hương Lân: “Cô thử đoán xem khe cốc này sâu bao nhiêu?”



Thắng Hương Lân thường đi theo đội công tác đia quặng và đảm nhận nhiệm vụ trắc họa, nên cô thông hiểu cấu tạo địa chất hơn hội Tư Mã Khôi nhiều: “Tôi từng nghe bác Nông nói, đây là dải địa máng, chứ không phải khe cốc hẻm núi gì. Hẻm núi được tạo thành do sự thất thoát lượng nước và đất trong lòng núi hạn, đồng thời lòng núi không thể chịu đựng được lực giãn phình ra từ bên trong nên mới bị bửa đôi thành hai mảnh. Còn địa máng là miền sụt lún hoạt động mạnh ở thời kì đầu của vỏ Trái Đất, có dạng hẹp và kéo dài. Nó là những hố trũng nằm giữa hai khối lục địa lấp đầy bằng những trầm tích biển sâu dày, mà cho đến tận ngày nay chưa có ai thực sự đo lường được độ sâu của địa máng. Tôi ước đoán hiện giờ chúng ta đang nằm ở trong lòng địa máng, bốn phía phân bố dày đặc các hóa vật Silicon màu vàng tối, phía dưới có lẽ là nơi mai táng hài cốt của tiên vương Lâu Lan cổ An Quy Ma Nã rồi đấy!”



Tư Mã Khôi đặt đầu cáng xuống đất, đến mép vực ngó xuống nhìn: “Thì ra hố địa máng này mới là Hắc Môn đích thực, ở đây có nguồn nước thật sao?” – Nói đến đây anh đột nhiên nghĩ đến cuốn cổ tịch biệt bảo vừa nhặt đươc, liền lập tức giở đến chỗ trang gấp mép, đối chiếu với khu vực xung quanh rồi thốt lên: “Đây chẳng phải là nơi bức họa mô tả ư? Trên bức tranh đề hai câu ám ngữ có vẽ hình một người dắt bò đứng trước vách đá dựng đứng, núi đá vàng có lẽ chính là chỉ tầng nham thạch trong lòng đia máng, nhưng vẫn không biết phải giải thích nội dung bức họa đó thế nào”.




Hải ngọng bảo: “Cậu đừng có lóa mắt nữa có được không hả? Địa máng lún sâu xuống dưới sa mạc Gobi, người ta vượt sa mạc chủ yếu chỉ dựa vào lạc đà, làm gì có ai ngốc nghếch đến mức dắt bò vào sa mạc?”



Tư Mã Khôi trầm ngâm suy nghĩ, rồi quay sang hỏi đội trưởng liên lạc Lưu Giang Hà: “Xung quanh Đại Sa Bản có bò không chú em?



Lưu Giang Hà lắc đầu phủ nhận vẻ rất chắc chắn: “Chưa bao giờ có, tôi từ nhỏ lớn lên cùng đoàn lạc đà, chưa bao giờ thấy ai dắt bò vào sa mạc cả. Gần đây cũng phải đến tận huyện thành Nhược Khương hoặc nông trường dưới chân núi A-erh-chin mới có bò du mục.”



Thắng Hương Lân cũng nói: “Dắt bò vào sa mạc có vẻ không được hợp lý cho lắm; cảnh tượng vẽ trong cuốn cổ thư này không phải Hắc Môn dưới lòng địa máng đâu, nó chỉ gần tương tự mà thôi”.



Tư Mã Khôi nói: “Cũng không hẳn, tôi nghe nói, lúc quân Quan Đông – Nhật Bản hùng mạnh nhất, đã từng lên kế hoạch chia ra thành nhiều ngả đường lén tấn công Liên Xô, trong đó có một sư đoàn chuẩn bị vượt sa mạc Mông Cổ. Bọn chúng dắt rất nhiều ngựa bò và la đến đây, vì bò có thể chở được rất nhiều đồ, lại là loài động vât nhai lai chỉ cần ăn uống no say là chúng có thể đi ròng rã liên tuc nhiều ngày trời mà không cần ăn uống, rồi đến khi chúng kiệt sức lại có thể đem ra giết thịt để bổ sung lương thực. Bởi thế tôi mới cảm thấy lùa bò vào sa mạc cũng không phải chuyện không thể xảy ra.”



Thắng Hương Lân vẫn cảm thấy khó hiểu, cô hỏi: “Nhưng việc này rốt cục không có căn do gì cả, cho dù dẫn được bò đến cửa sổ núi này thì cũng có tác dụng gì đâu?”



Tư Mã Khôi nhất thời không thể trả lời được. Anh ngẫm nghĩ thấy việc dắt bò đến địa máng âm khí u lạnh này, rốt cục cũng không phải chuyện dễ dàng. Bão ca trong sa mạc biến đổi khôn lường, bò lại là loài rất dễ bị hoảng sợ, thậm chí còn khó khống chế chúng hơn cả lạc đà, nên chắc chắn người ta không thể dắt bò vào đây chỉ để giết thịt cúng tế tiên vương Lâu Lan được. Vả lại điều quan trọng nhất là giờ đây trong Hắc Môn căn bản không có con bò nào. Điều này đủ để đoán định: bức tranh trong cuốn cổ tịch biệt bảo, giống như câu đố kia, không phải lời tiên tri gì mà chỉ là bốn gợi ý ngầm, chí ít bức tranh đầu tiên cũng đề cập đến di chỉ Hắc Môn của Lâu Lan cổ. Thế nhưng Tư Mã Khôi vẫn không thể nghĩ ra Triệu Lão Biệt rốt cục muốn truyền đạt thông tin gi cho anh, cái này gọi là “mắt có nhìn nhưng thực tình không thấy”.



Giữa lúc Tư Mã Khôi đang bấn loạn giữa trăm mối không thể giải thích, thì Lưu Giang Hà bỗng nhiên nhỏ giọng nói với anh: “Cuốn cổ tịch biệt bảo này chỉ chuyên dùng cho người chết xem thôi, bên trong nó ẩn chứa những thứ vô cùng tà ác.”



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện