Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)
Chương 12: Cơn hấp hối 4
Chìa khóa của mọi khoa học, không nghi ngờ gì, là cái dấu hỏi, phần đông những phát minh lớn mà ta có được là nhờ ở câu hỏi: Thế nào? Và lẽ khôn ngoan để sống ở đời có lẽ là ở chỗ bất cứ dịp nào cũng tự hỏi: Tại sao? Nhưng cũng cái thứ tiên tri giả đó làm tiêu ma mọi ảo tưởng của chúng ta. Vì vậy, Valentin, không cố ý triết lý, đã lấy hành động từ tâm của cô gái già làm đề mục cho những suy nghĩ lan man của mình, và thấy nó thật đắng cay.
- Ví thử ta được một người thị tỳ yêu thương, - anh tự nhủ mình, thì điều đó cũng chẳng có gì lạ, ta hai mươi bảy tuổi đầu, có một tước hiệu và hai mươi vạn quan thực lợi. Nhưng cái việc mụ chủ chị ta, sợ nước chẳng thua gì mèo cái lại dẫn chị ta đi chơi thuyền và đến gần ta, phải chăng đó là điều lạ lùng, kỳ dị? Hai người đàn bà đó, đến Savoie để ngủ như con culy[1], giữa buổi trưa còn hỏi xem trời đã sáng chưa, lẽ nào hôm nay dậy trước tám giờ để làm cái việc ngẫu nhiên mà ruổi theo ta? Trong chốc lát cô gái già đó với cái chất phác tứ tuần của chị ta hiện ra trước mắt anh như một biến dạng mới của cái xã hội giảo quyệt và hay gây sự kia, một mưu mẹo nhỏ nhen, một âm mưu vụng về, một trò tinh quái của thầy tu hay của đàn bà. Cuộc quyết đấu chẳng phải là một chuyện bịa đặt hay chỉ là họ định doạ nạt cho anh sợ? Hỗn xược và quấy rầy như bầy ruồi, những tâm hồn hẹp hòi đó đã làm được cái việc kích thích tính tự phụ của anh, thức dậy lòng kiêu ngạo của anh, khêu gợi sự tò mò của anh. Không muốn trở thành chàng khờ của họ, mà cũng chẳng để mang tiếng là một thằng hèn, và có lẽ cũng thấy vui vì tấn kịch nhỏ đó, ngay chiều hôm ấy anh bước tới Câu lạc bộ. Anh đứng tựa khuỷu vào mặt đá lò sưởi; thản nhiên ở giữa phòng khách chính, giữ thế để khỏi bị ai đánh bất ngờ; nhưng anh ngắm nhìn các bộ mặt, và có thể gọi là thách thức cả cử tọa bằng sự thận trọng của anh. Như một con chó gộc tin chắc ở sức mình, anh chờ cuộc chiến đấu ở nhà mình, mà không cắn sủa vô ích. Vào quãng buổi tối sắp tàn, anh đi dạo trong phòng đánh bạc, đi từ cửa vào buồng này sang cửa phòng bi-a, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn những gã thanh niên đang đánh bi-a. Đi được vài vòng, anh nghe thấy họ nói đến tên anh. Tuy họ nói nhỏ, Raphaël cũng dễ đoán được rằng họ đang tranh luận về anh, và cuối cùng anh nghe được mấy lời nói to.
- Cậu ấy à?
- Ừ tớ!
- Tớ thách cậu đấy!
- Đánh cuộc này?
- Chà? Hắn sẽ nhận đấy.
Đang lúc Valentin, tò mò muốn biết họ đánh cuộc về cái gì, dừng lại chăm chú nghe cuộc trò chuyện, thì một chàng thanh niên lớn và khỏe, mặt mũi dễ coi, nhưng con mắt nhìn thẳng và ngạo nghễ của những kẻ ỷ vào một sức mạnh vật chất nào đó, ở bàn bi-a bước ra và hướng về anh: - Thưa ông, - hắn nói giọng bình tĩnh, - tôi tự nhận nhiệm vụ báo cho ông biết một điều mà hình như ông không biết: ở đây mọi người đặc biệt là tôi không ưa cái mặt ông và con người ông; ông lịch sự quá nên không thể khép mình vào lợi ích chung, và tôi mong rằng ông đừng tới Câu lạc bộ nữa.
- Thưa ông, cái lối đùa đó, thịnh hành trong nhiều trại lính thời Đế chính, ngày nay đã trở thành lố bịch rồi, - Raphaël lạnh lùng đáp.
- Tôi không đùa đâu, - chàng trai lại nói, - tôi xin nhắc ông: sức khỏe ông rất bị thương tổn vì ông ở lại đây: nóng bức, ánh đèn, không khí phòng khách, đông người, tác động đến bệnh tật của ông.
- Ông đã theo y học ở đâu đấy? - Raphaël hỏi.
- Thưa ông, tôi đã đỗ tú tài trường bắn Lepage ở Paris, và đỗ tiến sĩ ở nhà Lozès, ông vua kiếm thuật.
- Ông còn thiếu một bằng nữa cần phải giật lấy - Valentin đáp - ông hãy đọc Phép tắc xã giao, ông sẽ trở thành quý tộc hoàn toàn.
Lúc đó đám thanh niên, mỉm cười hay yên lặng bỏ bàn bi-a tới. Những người đánh bạc khác cũng để ý, bỏ quân bài xuống để nghe cuộc cãi cọ làm hứng thú cuộc vui của họ. Một mình giữa đám người thù địch đó. Raphaël cố giữ bình tĩnh để khỏi làm điều gì sơ suất; nhưng, vì địch thủ của anh đi tới một lối châm chọc mà sự lăng nhục được che đậy dưới một hình thức rất sắc cạnh và ý vị, anh liền trịnh trọng trả lời hắn: - Thưa ông, ngày nay không được phép tát một người, nhưng tôi không biết dùng lời nói nào để phỉ báng một thái độ hèn hạ đến như thái độ của ông.
- Thôi? Thôi? Ngày mai hai ông sẽ phân bua với nhau, - nhiều gã thanh niên len vào giữa hai tay đối thủ mà nói.
Raphaël bước ra khỏi phòng khách, với danh nghĩa là người khiêu chiến, sau khi đã nhận gặp nhau gần lâu đài Bordeau, trong một cánh đồng cỏ nhỏ dốc thoai thoải, gần bên con đường cái mới mở mà kẻ thắng trận có thể theo đó đi tới Lyon. Raphaël nhất thiết phải hoặc nằm tại giường hoặc rời bỏ Aix. Xã hội đã thắng. Hôm sau đúng tám giờ sáng, đối thủ của Raphaël, cùng đi với hai nhân chứng và một thầy thuốc phẫu thuật tới đấu trường trước tiên.
- Ở đây thoải mái lắm, trời đẹp thế này đánh nhau thì tuyệt, - hắn vui vẻ kêu lên, nhìn vòm trời xanh biếc, nước hồ và núi đá không chút thầm lo vì ngờ vực cũng như vì chết chóc.
- Nếu tôi bắn nhằm vai hắn, hắn nói tiếp, tôi sẽ bắt hắn phải nằm giường đến một tháng không, hở bác sĩ?
- Ít nhất là thế, - viên thầy thuốc phẫu thuật đáp.
- Nhưng ông để mặc cây liễu con ấy đấy; nếu không ông làm mỏi tay ông và không chủ động được tay súng, ông có thể giết ngoéo đối phương của ông chứ không phải là làm bị thương đâu.
Có tiếng xe vang lên.
- Hắn đây rồi, - những nhân chứng nói, và liền đó trông thấy trên đường cái một chiếc xe ngựa bốn bánh chạy đường trường, đóng bốn ngựa và có hai người đánh xe.
- Cái giống kỳ lạ thật! - Đối thủ của Valentin kêu lên, hắn đi xe trạm đến chịu chết.
Trong một cuộc quyết đấu cũng như trong cờ bạc, những chuyện nhỏ nhặt bất ngờ xảy ra ảnh hưởng tới trí tưởng tượng những kẻ đương sự rắp tâm quyết đánh một đòn bằng được: vì vậy gã thanh niên thấy lo lắng thế nào đó khi chờ đợi chiếc xe kia nó đỗ lại ở trên đường cái. Ông già Jonathas nặng nề bước xuống trước để đỡ Raphaël ra; ông cụ giơ tay lẩy bẩy đỡ anh, chăm sóc anh từng ly từng tý như một tình nhân săn sóc tình nương của mình. Cả hai người đi lạc trong những lối đi nhỏ giữa đường cái và nơi đấu, và lâu mãi mới lại hiện ra: họ đi chậm chạp. Bốn người chứng kiến cái cảnh kỳ lạ đó đều xúc động mạnh trước quang cảnh Valentin tựa vào tay người lão bộc; xanh xao ốm yếu, anh bước đi như người bị thống phong, đầu cúi xuống, không nói một lời. Ta có thế cho đó là hai ông già cùng bị suy tàn, một người do thời gian, người kia do lao tư: người thứ nhất thì tuổi đời trên mái tóc bạc, người trẻ thì không biết đã bao nhiêu tuổi nữa.
- Thưa ông, đêm qua tôi không ngủ, - Raphaël nói với đối thủ.
Lời nói giá lạnh và cái nhìn ghê gớm kèm theo làm cho kẻ thật sự khiêu khích rùng mình, hắn thấy rõ lỗi của hắn và âm thầm hổ thẹn vì hành vi của mình. Trong thái độ, giọng nói và cử chỉ của Raphaël có cái gì lạ. Hầu tước ngừng lại một lúc, và ai nấy cũng lặng im theo. Lo lắng và chú tâm lên đến cao độ.
- Hãy còn thì giờ, - anh nói tiếp, - để làm cho tôi hài lòng một chút; mà ông ạ, ông hãy nghe đi, nếu không ông sẽ chết mất. Lúc này ông hãy còn ỷ vào tài năng của ông, không lùi bước vì nghĩ rằng ông có tất cả mọi thuận lợi trong cuộc chiến đấu này. Vậy thì ông ạ, tôi có độ lượng, tôi báo trước cho ông biết ưu thế của tôi. Tôi có trong tay một quyền lực ghê gớm. Để thủ tiêu tài khéo léo của ông, để làm mắt ông mờ đi, làm tay ông run lên và tim ông hồi hộp, thậm chí để giết ông nữa, chỉ cần tôi ước nguyện. Tôi không muốn bị bắt buộc phải sử dụng quyền hành của tôi, dùng nó tôi phải trả một giá quá đắt! Không phải chỉ một mình ông sẽ chết. Vậy nếu ông từ chối không chịu xin lỗi tôi thì viên đạn của ông sẽ bắn xuống nước của dòng thác kia mặc dầu ông có thói quen giết người, còn viên đạn của tôi sẽ nhằm thẳng quả tim ông tuy tôi không cần ngắm gì cả.
Lúc đó có tiếng nói xôn xao ngắt lời Raphaël. Khi nói những lời đó, hầu tước luôn luôn hướng vào địch thủ ánh mắt đăm đăm khó chịu của anh, anh đứng thẳng người lại với bộ mặt thản nhiên, giống mặt một người điên khùng.
- Ông bảo hắn im đi, - gã thanh niên đã bảo nhân chứng của mình, tiếng nói hắn làm tôi quặn ruột lại!
- Ông hãy im đi. Lời nói của ông vô ích, - viên thầy thuốc và các nhân chứng kêu bảo Raphaël.
- Thưa các ngài, tôi làm một nhiệm vụ. Chàng thanh niên này có cần phải trối trăn điều gì không?
- Thôi đi, thôi đi! Hầu tước đứng không nhúc nhích, không một phút rời mắt nhìn địch thủ, hắn ta, bị một quyền lực như ma thuật chế ngự, chẳng khác gì một con chim đứng trước một con rắn: bị bức phải chịu đựng cái nhìn giết người kia, hắn lẩn tránh, rồi lại trở lại luôn luôn.
- Cho tôi ngụm nước, khát lắm, - hắn bảo nhân chứng.
- Anh sợ à?
- Ừ, hắn đáp. - Con mắt người này nảy lửa và mê hoặc mình.
- Anh muốn xin lỗi hắn chăng?
- Muộn quá rồi.
Hai đối thủ được đặt cách xa nhau mười lăm bước. Mỗi người có một đôi súng tay bên mình, và theo kế hoạch của cuộc đấu, họ được tùy ý bắn hai phát, nhưng sau khi nhân chứng ra hiệu.
- Cậu làm gì thế, Charles? - chàng thanh niên phụ tá đối thủ của Raphaël kêu lên, - chưa nhồi thuốc nổ mà cậu đã tra đạn.
- Mình chết mất, - hắn lẩm bẩm đáp, - cậu đã để mình đứng nhìn vào mặt trời...
- Mặt trời ở sau lưng ông, - Valentin giọng nghiêm trang và trịnh trọng bảo hắn, tay khoan thai lắp đạn vào súng, chẳng để ý tới hiệu lệnh đã phát ra cũng như sự chăm chú cẩn thận của địch thủ để nhằm bắn anh. Vẻ yên trí kỳ dị đó có cái gì ghê gớm làm sửng sốt cả hai người đánh xe vì tò mò tàn nhẫn mà tới đó...
- Giỡn đùa với quyền hành của anh, hay muốn thử thách nó, Raphaël nói chuyện với Jonathas và nhìn lão khi anh đón nhận lửa đạn của địch thủ.
Viên đạn của Charles tới làm gẫy một cành liễu và văng xuống nước. Bắn hú họa, Raphaël nhắm trúng tim đối phương, và, chẳng để ý đến gã thanh niên ngã lăn xuống, anh hấp tấp tìm Miếng Da Lừa để xem anh phải trả mất bao nhiêu với một tính mạng con người. Tấm bùa chỉ còn to như một chiếc lá sồi.
- Ấy kìa! Các anh đánh xe, nhìn gì vậy? Đi thôi, - hầu tước nói.
Ngay chiều hôm đó về tới Pháp, anh lập tức theo đường d'Auvergne đi về phía suối Mont-Dor. Chuyến đi này, trong lòng anh bỗng nảy ra một trong những ý nghĩ đột ngột nó rơi vào tâm hồn ta như một tia nắng xuyên qua mây mù rọi xuống một thung lũng tối tăm nào: ánh sáng ảm đạm, trí khôn tàn khốc! Nó soi sáng những biến cố đã kết thúc, vạch ra cho ta những lầm lỗi của ta và không để ta xá miễn đối với bản thân ta. Đột nhiên anh nghĩ rằng sự chiếm hữu quyền hành, dù nó to lớn đen đâu, không đem lại cái thuật sử dụng nó. Chiếc quyền trượng đối với một đứa trẻ là một đồ chơi, nó là một chiếc rìu trong tay Richelieu[2], và với Napoléon, nó là cái đòn bẩy để làm ngả nghiêng thiên hạ. Quyền hành vẫn để tay nguyên như cũ và chỉ làm lớn lên những bậc vĩ nhân. Raphaël đã có thể làm tất cả mọi điều, nhưng anh chẳng làm được việc gì. Tới suối Mont-Dor, anh lại gặp cái xã hội đó, nó xa lánh anh vội vã như những con vật trốn bỏ đồng loại của chúng nằm chết sau khi đã đánh hơi từ xa. Mối căm thù đó có đi có lại. Chuyện rủi vừa qua đã làm anh căm ghét sâu xa xã hội thượng lưu. Vì vậy, điều quan tâm thứ nhất của anh là tìm một ngôi nhà ở hẻo lánh vùng xung quanh suối. Anh cảm thấy như một bản năng cần gần gũi với thiên nhiên, với những xúc động chân thật và cái cuộc sống thảo mộc, nó khiến ta vui thú tìm về nơi đồng nội. Hôm sau ngày tới, anh chật vật leo lên ngọn Sancy và đi thăm những thung lũng cao, những phong cảnh cheo leo, những hồ ít người biết, những nhà tranh quê mùa của Mont-Dor mà những vẻ đẹp khắc khổ và hoang dã bắt đầu cám dỗ các nghệ sĩ của chúng ta. Thỉnh thoảng ở đó lại bắt gặp những phong cảnh tuyệt vời đầy duyên dáng và thắm tươi, nó tương phản mạnh với quang cảnh tiêu điều của những ngọn núi hoang vu kia. Cách nơi làng xóm chừng gần nửa dặm, Raphaël tìm ra được một nơi mà tạo vật, đỏm dáng và vui vẻ như một đứa trẻ, dường như thích thú giấu giếm những của báu của mình xem thấy nơi hẻo lánh này kỳ thú và mộc mạc, anh quyết định ở lại đó. Cuộc sống ở nơi đây chắc sẽ hồn nhiên, thô giản như cây cỏ.
Anh hãy tưởng tượng một cái hình chóp nón lật ngược, nhưng là một chóp nón bằng đá hoa cương rộng miệng, một thứ lòng chảo mà mép xung quanh thì khấp khểnh gập ghềnh kỳ lạ: chỗ này vì những mặt bàn thẳng tắp không cây cối, bằng phẳng, biêng biếc, trên đó ánh nắng lướt đi như trên một tấm gương; chỗ kia là những núi đã bị sứt mẻ, với những đường khe như những nếp răn, ở đó cheo leo những phiến đá núi lửa mà nước mưa ngấm dần sẽ làm đổ xuống, và thường mọc quanh ít cây cằn cỗi, gió thổi ngả nghiêng; rồi, đây đó, những hốc đá tối tăm và mát lạnh tự đấy mọc lên một bụi dẻ gai cao như cây bá hương, hay những hang đá vàng nhạt loe miệng tối om và sâu thẳm, với những bụi gai, hoa dại phủ quanh mép và chùm lá xanh um như chiếc lưỡi. Ở đáy lòng chảo đó có lẽ xưa nó là miệng một núi lửa, có một hồ nước trong lóng lánh như kim cương. Chung quanh cái vũng sâu đó, với bờ đá hoa cương, liễu, lay ơn, tần bì và trăm nghìn thứ cây thơm đang ra hoa, là một cánh đồng cỏ xanh như một bãi cỏ kiểu Anh; cỏ mượt và xinh đẹp được tưới bằng những mạch nước ngầm chảy giữa các khe đá, và được hóa bằng những xác cây cổ mà mưa bão thường xuyên cuốn từ những đỉnh cao xuống đáy sâu. Cái hồ, xung quanh bờ khúc khuỷu lởm chởm như gấu áo chùng, rộng khoảng ba arpent[3]; tùy theo quãng cách giữa núi đá và nước, cánh đồng cỏ rộng từ một đến hai arpent; ở một vài chỗ, nó họa may đủ lối cho bò cái qua lại. Trên cao đến khoảng nào đó thì không còn cây cối nữa. Đá hoa cương dựng lên thành những hình kỳ lạ nhất và đượm những màu sắc mông lung làm cho núi cao phảng phất như mây trời. Tương phản với quang cảnh dịu dàng của thung lũng nhỏ đó những núi đá trơ trụi, không cây cối gì, bày ra hình ảnh hoang dã và cằn cỗi của cảnh thê lương, của những sập lở đáng sợ, của những hình thù oái oăm đến nỗi một ngọn núi đá đó được gọi là Capucin[4], nó giống hệt như một thầy tu. Thỉnh thoảng, những chỏm mũi nhọn ấy, những trụ đá ngạo nghễ ấy, những hang cheo leo ấy lần lượt sáng rực lên, tùy theo chiều hướng mặt trời hay những biến thái của không trung, và mang những biển sắc của màu vàng, nhuốm màu đỏ, ngả màu hồng thắm, hoặc xỉn lại hoặc xám xịt. Những ngọn núi cao đó bày ra một cảnh tượng liên tục và biến đổi như cổ con chim cu lấp loáng ngũ sắc. Thường khi, giữa hai phiến đá núi lửa tượng như do một nhát rìu xẻ làm đôi, một tia nắng đẹp, lúc bình minh hay buổi hoàng hôn, xuyên tới đáy cái bồn vui tươi đó, đến giỡn trên nước mặt hồ, giống như tia nắng vàng lọt qua khe cửa, xuyên ngang một gian buồng Tây Ban Nha cửa đóng kín để ngủ trưa. Khi mặt trời là là trên cái miệng núi lửa xưa, do cuộc biến thiên tối cổ nào đó làm ngập nước, những sườn đá nóng rực lên, ngọn núi lửa cũ cháy bừng, và hơi nóng chóng vánh làm dậy những mầm non, đượm nhuần cây cỏ, nhuốm sắc cho hoa, và làm chín quả ở mảnh đất nhỏ hẻo lánh này.
Khi Raphaël tới được chỗ đó, anh trông thấy mấy con bò cái gặm cỏ trên cánh đồng; đi được vài bước về phía hồ, anh thấy ở khoảng mảnh đất rộng nhất, một ngôi nhà giản dị, xây bằng đá hoa cương và lợp gỗ. Mấy cái thứ nhà tranh đó, hòa hợp với phong cảnh, được tô điểm những rêu, cây leo và hoa, để lộ vẻ cổ xưa xa lắc. Một làn khói mong manh, mà chim chóc không sợ hãi nữa, tỏa ra từ chiếc ống khói điêu tàn. Ở cửa ra vào, một chiếc ghế dài lớn đặt giữa hai gốc kim ngân to đỏ hoa và ngát hương thơm. Những cành nho và những dây hoa hồng và hoa nhài mọc lan tràn bừa bãi hầu như phủ kín tường nhà. Không quan tâm đến cái đồ trang sức thôn dã đó, người dân ở đây không chăm sóc nó và để cho tạo vật phô bày cái duyên dáng trinh khiết và nghịch ngợm. Những tã lót mắc trên một cây phúc bồn tử phơi dưới nắng. Một con mèo ngồi trên một máy xén gai, và ở bên dưới, một chiếc xanh đồng mới đánh nằm giữa mớ vỏ khoai tây phía bên kia nhà, Raphaël thấy một hàng rào gai khô, chắc là để ngăn gà khỏi phá vườn rau và cây ăn quả. Dường như thế giới tận cùng ở đó. Ngôi nhà ấy giống như những tổ chim khéo léo cài vào một hốc núi đá, đầy nghệ thuật mà cũng sơ sài. Đó là một cảnh vật chất phác và dịu hiền, một cảnh quê mùa thật sự nên thơ, bởi vì nó nở ra ở xa hàng nghìn dặm những thơ ca chải chuốt của chúng ta, không tương tự với một ý niệm nào, chỉ xuất phát từ bản thân nó, đó là sự toàn thắng thật sự của ngẫu nhiên. Lúc Raphaël tới, mặt trời rọi nắng từ phải sang trái, và làm rực rỡ những màu sắc cây cỏ, làm nổi lên hay tô điểm những huyền diệu của ánh sáng, những tương phản của bóng tối, nền vàng và xám của núi đá, các màu xanh của lá cây những đám hoa xanh biếc, đỏ hay trắng, những cây leo mang hoa hình chuông, làn nhung lấp lánh của rêu, những chùm hoa thạch thảo màu tía, nhưng nhất là làn nước trong vắt phản chiếu trung thành những ngọn núi hoa cương, cây cối, ngôi nhà và bầu trời. Trong bức tranh kỳ thú đó, mọi vật đều có vẻ đáng ưa của nó, từ mảnh mica[5] lấp lánh đến bụi cỏ vàng hung ẩn mình trong chỗ tranh tối tranh sáng dịu dàng; mọi vật đều hài hòa: nào con bò cái loang lổ lông mượt, nào những hoa mọc dưới nước mong manh rải ra như những tua rủ trên mặt nước trong một cái hốc ở đỏ vo ve những con bọ cánh xanh biếc hay xanh ngọc bích, nào những rễ cây như những mớ tóc dây cát viền quanh những hòn sỏi như những khuôn mặt dị hình. Hơi ấm của nước, của hoa và hang đá nồng đượm cái góc hẻo lánh này đem lại cho Raphaël một cảm giác hầu như khoái trá. Cái im lặng trang nghiêm ở khu rừng nhỏ này, có lẽ quên ghi trên danh bạ của sở thuế, đột nhiên bị tiếng sủa của hai con chó phá tan. Những con bò cái quay đầu về phía đường vào thung lũng, chĩa mõm ẩm ướt ra trước Raphaël, rồi sau khi ngắm nhìn anh một cách khờ dại lại tiếp tục gặm cỏ. Cheo leo trên núi đá như có phép thuật, một con dê cái và con nó nhảy lồng lên và tới đứng trên một phiến hoa cương gần Raphaël, hình như để hỏi anh. Nghe tiếng chó sủa, một đứa bé mũm mĩm chạy ra mồm há hốc, rồi đến một cụ già tóc bạc, vóc người trung bình. Hai nhân vật đó ăn khớp với phong cảnh, với bầu trời, những bông hoa và ngôi nhà. Sức khỏe tràn trề giữa cái thiên nhiên màu mỡ này, tuổi già và thơ ấu ở đây thật là đẹp: chung quy trong tất cả những kiểu sinh hoạt đó có một sự phóng túng khởi thủy, một thứ hạnh phúc cổ lỗ, nó cải chính những triết lý tẻ nhạt, và làm dịu những dục vọng sôi sục trong lòng. Cụ già thuộc loại những kiểu mẫu mà ngọn bút sơn khỏe khoắn của Schnetz[6] ưa thích; đó là một bộ mặt nâu đầy vết nhăn tưởng như mó vào thấy sần sùi, một cái mũi thẳng, đôi gò má nhô ra và có gân đỏ như một chiếc lá nho già những nét gẫy góc, tất cả những đặc trưng của sự cường tráng, ngay cả ở chỗ không còn cường tráng nữa. Những bàn tay chai lên, tuy không lao động nữa, còn giữ lại ít lông bạc lơ thơ; cụ có cái phong thái thật sự tự do khiến người ta cảm thấy nếu ở Ý có lẽ cụ sẽ trở thành giặc cướp vì yêu cái tự do quý báu của cụ. Đứa trẻ, một dân miền núi chính cống, có cặp mắt đen có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không chớp, sắc mặt nâu sẫm, tóc nâu rối bù. Nó lanh lợi và quả quyết, tự nhiên trong cử động như một con chim; quần áo tồi tàn, qua những chỗ rách để lộ ra nước da trắng và tươi tắn. Cả hai người đều đứng đó lặng im bên cạnh nhau, cùng do một tình cảm chung thúc đẩy, trên mặt lộ ra những nét chứng tỏ một sự đồng nhất hoàn toàn trong đời sống cùng an nhàn. Cụ già đã lây vẻ đùa nghịch của đứa trẻ, mà đứa trẻ thì lây tính khí cụ già do một thứ hợp đồng giữa hai sức yếu, giữa một sức khỏe gần tàn và một sức khỏe sắp phát triển. Chẳng mấy lúc sau, một người đàn bà chừng ba mươi tuổi hiện ra ở ngưỡng cửa. Chị vừa đi vừa kéo sợi. Đó là một người đàn bà xứ Auvergne, nước da tươi thắm, vẻ hớn hở, thật thà, răng trắng, bộ mặt dân Auvergne, vóc người Auvergne đầu tóc, áo xứ Auvergne, vú nở nang của đàn bà xứ Auvergne và cả ngôn ngữ của chị, một mẫu lý tưởng trọn vẹn của địa phương, cần cù, dốt nát, tiết kiệm, chân thực, tất cả đều ở đó.
Chị ta chào Raphaël, hai người chuyện trò, những con chó im tiếng, cụ già ngồi xuống chiếc ghế dài dưới nắng, và đứa trẻ đi theo bám lấy mẹ, nhưng nghe ngóng và ngắm nhìn khách lạ.
- Bác ở đây mà không sợ ư?
- Thưa ông, thì sợ vì cái gì kia, nếu chúng tôi chắn lộ vào thì ai mà tới đây được? Chà! Chúng tôi chẳng sợ gì hết! Vả lại, - chị vừa nói vừa dẫn hầu tước vào gian buồng lớn trong nhà, - kẻ trộm vào nhà chúng tôi thì lấy được cái gì?
Chị ta chỉ những bức tường ám khói, trên đó tất cả trang trí chỉ là những tranh tô màu xanh lơ, đỏ và xanh lá cây, vẽ Cái chết của ông Tín dụng[7], Khổ nạn của Chúa Jesu[8] và Lính pháp thủ[9] đội cận vệ hoàng đế, rồi, đó đây trong buồng, một chiếc giường gỗ hồ đào cũ có cột, một chiếc bàn chân bị oằn, những ghế đẩu, cái thùng đựng bánh, mỡ treo ở dầm nhà, muối đựng trong liễn, một cái chảo; và trên lò sưởi những đồ bằng thạch cao vàng khè và tô màu. Ra khỏi nhà, Raphaël trông thấy giữa những núi đá một người đàn ông tay cầm cuốc và cúi xuống, tò mò nhìn ngôi nhà.
- Thưa ông, bố nó đấy, - chị người xứ Auvergne nói và thoáng nụ cười quen thuộc của những phụ nữ nông thôn.
- Nhà tôi cày ruộng trên đó.
- Thế cụ già đây là thân sinh ra bác à?
- Xin lỗi ông, đấy là ông của bố nó. Trông thế mà cụ đã một trăm lẻ hai tuổi rồi. Vậy mà, bữa trước cụ đi bộ dẫn thằng cháu nhỏ ra tận Clermont đấy! Trước cụ khỏe lắm, bây giờ cụ chỉ ăn và ngủ thôi. Lúc nào cụ cũng đùa với cháu. Thỉnh thoảng cháu lại dẫn cụ lên núi thế mà cụ cũng đi.
Lập tức Valentin quyết định sống giữa cụ già và em bé đó, thở không khí của họ, ăn chung bánh với họ, uống chung nước với họ, ngủ giấc ngủ của họ, gây cái máu của họ trong mạch máu mình. Cao hứng của kẻ hấp hối! Trở thành một con trai bám vào cái núi đá này, cứu vãn lấy cái vỏ của nó thêm vài ngày nữa bằng cách làm tê liệt cái chết, đối với anh đó là tiêu chuẩn tối cao của đạo đức cá nhân, phương thức tồn tại chân chính của con người, lý tưởng đẹp đẽ của cuộc sống, cuộc sống duy nhất, cuộc sống thật sự. Trong lòng anh nảy nở ra một tư tưởng vị kỷ, nó dìm ngập cả vũ trụ. Đối với anh, không còn vũ trụ nữa, cả vũ trụ nằm trong con người anh. Đối với những người ốm, thế giới bắt đầu từ đầu giường và tận cùng chỗ chân giường họ. Phong cảnh nơi đây chính là cái giường của Raphaël.
Trong cuộc đời ai mà chẳng có một lần theo dõi bước đi, lối bò của một con kiến, lấy rơm chọc vào cái lỗ thở duy nhất của một con ốc sên hung vàng, xem xét những lắt léo của một con chuồn chuồn mỏng manh, thường ngắm bao nhiêu đường gân, tô màu như một cửa kính tròn ở nhà thờ gotique, nổi lên trên nền đo đỏ của những chiếc lá cây sồi non! Ai mà đã chẳng mất bao nhiêu thời giờ thú vị ngắm nhìn tác động của nắng mưa trên một mái ngói màu nâu, hay ngắm nghía những giọt sương, những cánh hoa, những đường kẻ muôn vẻ của đài hoa? Ai mà đã chẳng đắm hồn trong những cơn mơ màng vật chất kia, hững hờ mà chăm chú, không mục đích mà vẫn dẫn tới một ý nghĩ nào? Sau hết ai mà chẳng sống cuộc đời trẻ thơ, cuộc đời nhàn rỗi, cuộc đời của người man rợ, trừ việc làm của họ? Raphaël sống như thế đó trong bao nhiêu ngày, không sự chăm sóc, không ước muốn, cảm thấy dễ chịu rõ ràng, một niềm vui kỳ lạ, xoa dịu mọi lo âu, khuây khỏa những đau khổ của anh. Anh leo núi đá, lên ngồi trên đỉnh cao từ đó mắt nhìn bao trùm một phong cảnh rộng lớn nào. Ở đó, anh qua cả những ngày dài như một cây dưới nắng, như một con thỏ trong hang. Hoặc giả, làm quen với những hiện tượng của cây cỏ, với những chuyển biến của bầu trời, anh theo dõi tiến trình của mọi vật trên mặt đất, dưới nước hay trên không.
Anh cố gắng hòa mình với sự vận động bên trong của cảnh tự nhiên đó, và tự khép mình khá trọn vẹn vào sự phục tùng thụ động để chịu cái quy luật độc đoán và bảo thủ, nó chi phối những sinh hoạt bản năng. Anh chẳng muốn tự đảm nhiệm lấy bản thân nữa. Giống như những kẻ tội phạm thuở xưa, bị pháp luật truy nã, được cứu thoát nếu nấp kịp vào bóng của một giáo đường, anh cố gắng lẩn mình vào nơi cung tẩm của cuộc đời. Anh đã trở thành bộ phận gắn liền với cuộc sinh trưởng lớn rộng và mãnh liệt đó; anh đã theo sát những biến chuyển của thời tiết, cư trú ở khắp các hốc núi đá, thuộc lòng những phong tục tập quán của mọi cây cỏ, nắm vững sự vận động của nước, những kho tàng của nó, và làm quen với các động vật; tựu trung, anh đã hoàn toàn hòa hợp với mảnh đất sinh động đó đến mức tưởng chừng anh đã nắm được linh hồn và thấu suốt những bí ẩn của nó. Đối với anh, muôn hình vạn trạng của mọi giới đều là những phát triển của một chất độc nhất, những kết hợp của một vận động độc nhất, hơi thở mênh mông của một thực thể lớn rộng, nó hành động, tư duy, đi lại, lớn lên, và anh muốn cùng với nó lớn lên, đi lại, tư duy, hành động. Anh đã hỗn hợp một cách kỳ dị cuộc sống của anh với cuộc sống của núi đá này, anh đã cắm mình ở đó. Nhờ cái thần tuệ bí mật đó, sự an dưỡng giả hiệu, tựa những cơn mê ảo tốt lành ấy mà tạo vật ban cho như bấy nhiêu bước dừng nghỉ trong cảnh đau thương, Valentine hưởng những lạc thú của một cuộc hoàn đồng, trong những giờ phút đầu tiên của thời gian anh lưu trú giữa phong cảnh vui tươi đó ở đó, anh đi tìm kiếm những cái không đâu, làm nghìn việc mà chẳng xong việc nào, ngày hôm sau quên những dự định hôm trước, và tư lự; anh sung sướng, anh tưởng thoát nạn. Một buổi sáng, ngẫu nhiên anh còn nằm ở giường tới buổi trưa, đắm đuối trong giấc mơ màng nửa thức nửa ngủ, nó đem lại cho thực tại bóng dáng của tưởng tượng và cho những ảo tưởng đường nét của tồn tại, bỗng nhiên, thoạt tiên không biết có còn mơ mộng nữa không, lần đầu tiên, anh nghe bản kiểm tra về sức khỏe của anh do bà chủ nhà trình bày với Jonathas hàng ngày tới hỏi thăm. Người đàn bà xứ Auvergne đó yên trí rằng Valentin còn đang ngủ, không hạ thấp cái giọng nói miền núi của chị.
- Chẳng khá hơn cũng chẳng nặng thêm. Cả đêm qua ông ấy còn ho rũ rượi. Ông ấy ho, ông ấy khạc, đến là tội, ông bạn đáng mến ấy. Tôi và bố cháu, cứ bảo nhau ông ấy lấy hơi đâu mà ho như thế. Đến nẫu ruột. Bệnh quỷ quái gì ông ấy chẳng khỏe khoắn gì đâu? Bọn tôi cứ sợ một buổi sớm nào ông ấy tắt nghỉ trong giường mất. Người thì cứ tái nhợt như tượng Chúa bằng sáp vậy. Lạy Đức Mẹ, tôi cứ để ý xem khi ông ấy ngủ dậy, thật thế, tội nghiệp, người ông ấy gầy như que củi. Mà mình mẩy cũng đã hôi hám. Nhưng ông ấy cũng mặc, ông ấy chạy hết hơi cứ như còn dư sức vậy. Mà ông ấy cũng gan, không phàn nàn kêu ca gì cả. Nhưng thật ra, chẳng thà ông ấy nhắm mắt đi còn hơn, vì ông ấy chịu cái khổ nạn của Chúa! Còn tôi chẳng muốn thế, cụ ạ, cái đó chẳng lợi gì cho chúng tôi. Nhưng dù ông ấy chẳng cho gì chúng tôi, bọn tôi vẫn cứ mến ông ấy; chúng tôi chẳng vì lợi mà làm.
- Chao! Lạy chúa! - Chị nói tiếp, - chỉ có người Paris mới mắc những bệnh ma quỷ ấy! Nó ở đâu ra như vậy? Người con trai tội nghiệp, chắc ông ấy không thể qua được. Cái ngữ sốt như thế, cụ tính, nó ăn mòn, nó đục ruỗng, nó làm cho tàn hại ông ấy chẳng ngờ đâu. Ông ấy không biết thế đâu, cụ ạ! Ông ấy chẳng nhìn thấy gì hết. Này cụ Jonathas, đừng vì thế mà khóc! Phải nghĩ rằng ông ấy không đau đớn nữa là sung sướng rồi. Cụ phải làm lễ chín ngày[10] cho ông ấy. Bọn tôi đã thấy nhiều người làm lễ chín ngày mà khỏi đấy, và bọn tôi sẵn sàng góp hương nến để cứu lấy con người hiền hậu, phúc đức ấy, một con cừu non của Chúa.
Raphaël nói yếu quá nên không ai nghe tiếng, anh đành phải nằm nghe lời chuyện trò kinh khủng đó. Nhưng rồi sốt ruột, anh rời khỏi giường bước ra ngưỡng cửa.
- Lão già khốn kiếp kia, - anh thét bảo Jonathas, - ông muốn giết tôi đấy à?
Chị nông dân tưởng trông thấy một bóng ma, bỏ chạy.
- Tôi cấm ông, - Raphaël nói tiếp, - không được lo ngại gì về sức khỏe của tôi.
- Thưa hầu tước, vâng, - người lão bộc vừa nói vừa lau nước mắt.
- Mà từ nay, tốt hơn cả là không có lệnh của tôi ông đừng tới đây.
Jonathas định tuân theo; nhưng trước khi rút lui, cụ đưa con mắt trung thành và thương xót nhìn hầu tước. Raphaël xem thấy trong đó một nghị án tử hình của anh. Chán nản, đột nhiên cảm thấy thực trạng cua mình, Valentin ngồi xuống ngưỡng cửa, khoanh tay và gục đầu xuống, Jonathas sợ hãi bước lại gần chủ.
- Ông làm sao?
- Cút ngay. Cút ngay! - Người ốm thét bảo cụ.
Buổi sáng hôm sau, Raphaël leo núi đá lên ngồi trong một hốc đầy rêu, từ đó anh có thể nhìn thấy con đường nhỏ đi từ Suối đến nhà anh ở. Dưới chân núi anh trông thấy Jonathas lại nói chuyện với chị người Auvergne! Một phép tinh quái khiến anh hiểu được những cái lắc đầu, những cử chỉ tuyệt vọng, cái ngây ngô buồn thảm của người đàn bà đó, và qua gió thoảng và sự yên lặng, dường như anh nghe thấy cả những lời nói ác hại của chị... Kinh hoảng, anh trốn lên trên những đỉnh núi cao hơn và ở đó cho tới chiều, mà không sao xua đuổi được những tư tưởng bi đát khốn khổ thức dậy trong lòng anh do sự quan tâm tai ác của người ta đối với anh. Bỗng nhiên, người đàn bà xứ Auvergne sừng sừng đứng trước mặt anh như một cái bóng trong ánh chiều; do sự tưởng tượng kỳ quặc của thi sỹ, anh thấy chiếc váy ngắn sọc đen và trắng của chị mơ hồ giống như bộ xương khô của một thây ma.
- Sương chiều đã xuống đấy, ông ạ, - chị ta bảo anh. Nếu ông cứ ở đây thì rồi chẳng khác gì một quả chín nẫu mất, ông nên về nhà. Sương độc lắm, mà ông thì từ sáng đến giờ chẳng ăn gì cả.
- Trời đánh, - anh thét lên, - mụ phù thủy, tôi yêu cầu mụ để mặc tôi muốn sống thế nào thì sống nếu không thì tôi xéo khỏi nơi đây. Sáng nào cũng đào lỗ cho người ta chưa đủ à, hay muốn chôn ngay tối nay!
- Đào lỗ cho ông à? Thưa ông, lỗ ở đâu chứ? Bọn tôi thì muốn ông cứ khỏe như cụ cố chúng tôi ấy chứ, sao lại đào lỗ? Lỗ à? Chúng ta ai cũng xuống lỗ cả thôi, chẳng muộn gì.
- Thôi đi, - Raphaël nói.
- Ông víu vào tay tôi, ông ạ.
- Mặc tôi!
Cái tình cảm mà con người khó chịu nổi nhất là lòng thương hại, nhất là khi người ta đáng được thương hại thật sự. Sự căm hờn là một liều thuốc bổ, nó làm cho người ta sinh hoạt, nó thúc đẩy sự báo thù; còn sự thương hại thì nó giết hại người ta, nó làm cho ta đã suy yếu lại càng suy yếu thêm. Đó là điều ác trở thành xiểm nịnh, đó là sự khinh bỉ trong lòng thương mến, hay lòng thương mến trong sự sỉ nhục. Raphaël xem thấy ở ông lão trăm tuổi một lòng thương hại đắc ý, ở đứa trẻ một lòng thương hại tò mò, ở người đàn bà một lòng thương hại riết róng, ở người chồng một lòng thương hại vì lợi; nhưng dù nó lộ ra dưới hình thái nào thì nó cũng mang nặng cái chết chóc. Một thi sĩ thì bất cứ về cái gì cũng làm nên bài thơ, kinh khủng hay hân hoan, tùy theo hình ảnh xúc động họ; tâm hồn phấn khích của họ gạt bỏ những biến sắc dịu hòa mà bao giờ cũng chọn những màu rực rỡ và sắc cạnh. Cái sự thương hại kia tạo nên trong lòng Raphaël một bài thơ khủng khiếp về tang tóc và ưu phiền. Chắc hẳn anh đã không nghĩ rằng những tình cảm tự nhiên là thật thà khi anh muốn gần gũi với tự nhiên. Khi anh tưởng ngồi một mình bên gốc cây, lên một cơn ho dai đẳng và không một lần nào không bị rã rời, sau cuộc vật lộn ghê gớm ấy, bỗng anh nhìn thấy cặp mắt long lanh và linh lợi của đứa trẻ, đứng nổi bật lên trong một bụi cỏ, như một kẻ man rợ, nó ngắm nghía anh một cách tò mò trẻ con trong đó có cả sự nhạo báng lẫn thích thú, và cái gì như sự quan tâm xen lẫn vô tình. Cái lời ghê gớm: Hỡi người anh em, anh phải chết của các tu sĩ tu viện Trappistes[11], dường như thường xuyên ghi trong mắt những nông dân mà Raphaël chung sống; anh không biết cái nào đáng sợ hơn giữa những lời nói ngây thơ và sự im lặng của họ, mọi cái ở họ đều làm phiền nhiễu anh. Một buổi sáng, anh thấy hai người mặc áo đen tới lảng vảng lượn bên anh, lén lút đánh hơi và nghe ngóng; rồi, giả như dạo chơi tới đó, họ hỏi anh những câu tẻ ngắt và anh trả lời cụt ngủn. Anh nhận ra là viên thầy thuốc và viên linh mục ở Suối, chắc được Jonathas phái đến, được chủ nhà anh hỏi ý kiến, hay do cảm thấy có người sắp chết mà tới. Thế là anh mường tượng cảnh đám ma chính bản thân anh, anh nghe tiếng linh mục cầu nguyện, anh đếm số đèn nến, và chỉ còn nhìn thấy qua một màn nhiễu để tang cái cảnh đẹp tự nhiên phong phú trong đó anh đã tưởng tìm thấy cái sống. Tất cả mọi cái trước đây loan báo cho anh một cuộc sống lâu dài thì bây giờ tiên đoán một cái chết sắp tới. Hôm sau anh trở về Paris, sau khi được mọi người trong nhà nhiệt liệt chúc những lời buồn rầu mà thật thà thương xót.
Sau cả một đêm đi đường, anh tỉnh dậy ở một trong những thung lũng vui tươi nhất xứ Bourbonnais, những phong cảnh và địa hình quay cuồng trước mắt anh, thoắt biến đi như những hình ảnh mông lung trong một giấc mơ. Cảnh vật bày ra trước mắt với một vẻ đỏm dáng tai ác. Đây là sông Allier trên một viễn ảnh phong phú trải ra dải nước long lanh, rồi những thôn xóm khiêm tốn nép mình dưới đáy một hõm núi đá vàng nhạt, để lộ ra mũi nhọn những tháp chuông; đây là những cối xay gió trong một thung lũng nhỏ đột ngột hiện ra đằng sau những cánh đồng nho bằng phẳng, và luôn luôn xuất hiện những lâu đài tươi vui, những làng xóm cheo leo, hay vài con đường hai bên trồng bạch dương trang nghiêm; sau hết là sông Loire với những làn nước dài, lóng lánh như kim cương giữa cát vàng. Vô vàn là vẻ quyến rũ! Cảnh vật rộn ràng, hoạt bát như một đứa trẻ, hầu như không chứa nổi tình yêu và nhựa sống của tháng Sáu, nhất thiết lôi cuốn cặp mắt nguội tàn của người ốm. Anh kéo cửa chớp xe lên và lại ngủ. Vào quãng chiều, khi qua khỏi miền Cosne, một tiếng âm nhạc vui đánh thức anh dậy và trước mắt anh là một đám hội vùng quê. Trạm xe ở gần đó. Trong khi người ta thay xe, anh xem dân quê nhảy múa vui vẻ, những cô gái trang điểm bằng hoa, xinh đẹp, tai quái, những chàng trai sôi nổi, rồi những bộ mặt lão ông đỏ phởn phơ vì rượu. Những trẻ nhỏ đùa giỡn với nhau, những bà già vừa nói vừa cười, mọi cái đều có tiếng nói, và thú vui tô điểm thêm những áo quần và những chiếc bàn được dọn ra. Nơi quảng trường và nhà thờ bày ra một bộ mặt hoan hỉ; mái nhà, cửa sổ, ngay cả cổng nho trong làng dường như cũng mặc đẹp. Giống như những kẻ hấp hối sốt ruột cả với tiếng động nhỏ, Raphaël không kìm hãm nổi một lời rủa ảo não, cũng như ý muốn làm im bặt những tiếng chiếc đàn violon, phế bỏ sự nhộn nhịp, dập tắt những tiếng la hò, giải tán cái đám hội xấc xược đó. Lòng đầy sầu muộn, anh bước lên xe. Khi anh nhìn lại quảng trường thì anh thấy cuộc vui nhốn nháo, những chị nông dân bỏ chạy và những ghế dài vắng không. Trên bục dàn nhạc, một nhạc công lòa tiếp tục thổi clarinet, một bài nhạc nhảy múa om sòm. Bài nhạc không người nhảy đó, ông già đơn độc đó với nét mặt rầu rĩ, quần áo rách bươm, tóc bơ phờ, và ẩn dưới bóng một cây bồ đề, tựa như hình ảnh quái dị như lời ước muốn của Raphaël. Một cơn mưa rào như trút nước với những mây chớp tháng Sáu thình lình đổ xuống rồi lại thình lình tạnh ngay. Chuyện xảy ra rất tự nhiên đến nỗi Raphaël, sau khi nhìn trên trời vài đám mây trăng trắng do làn gió nhẹ cuốn đi, chẳng nghĩ tới việc xem lại Miếng Da lừa nữa. Anh lại thu mình vào một góc xe, và chiếc xe liền đó bon bon trên đường cái.
Hôm sau Raphaël đã ở nhà, trong gian buồng bên góc lò sưởi của anh. Anh sai đốt thật to lửa, anh thấy lạnh. Jonathas đem vào cho anh thư từ, toàn là thư của Pauline. Anh không hăm hở bóc bức thư thứ nhất, giở ra như giở tờ giấy xam xám của số thuế giục thuế. Anh đọc câu thứ nhất: "Bỏ đi như thế là trốn, anh Raphaël của em ạ. Thế nào: không một ai có thể cho em biết anh ở đâu ư? Mà nếu em không biết thì còn ai biết nữa!". Chẳng muốn biết hơn, anh lạnh lùng vơ cả đống thư ném vào lò, mắt lờ đờ, nguội lạnh nhìn ngọn lửa vờn, uốn quăn tờ giấy thơm, làm khô giòn, lật đi lật lại và làm nó tan ra từng mảnh. Những mảnh còn lại lăn trên đám tro để anh trông thấy những đầu câu, những chữ, những ý cháy dở và anh thấy thích thú đọc qua lửa như một trò tiêu khiển máy móc. "Ngồi ở cửa buồng anh... đợi chờ. Oái oăm... em, vâng theo... Những đối thủ... em thì không!... Pauline của anh... yêu thương... vậy không cần Pauline nữa ư?... Nếu anh đã muốn từ biệt em, anh sẽ chẳng bỏ rơi em... Tình yêu vĩnh cửu... Chết...".
Những chỗ đó làm anh như thấy hối hận: anh lấy cái kẹp và gắp ra khỏi lửa một mẩu thư cuối cùng.
" Em đã lẩm bẩm, - Pauline viết, - nhưng em chẳng than vãn, Raphaël ạ. Để em xa anh, chắc anh đã muốn tránh cho em khỏi sự ưu phiền nào đó. Như ngày kia, có lẽ anh sẽ giết em, nhưng anh hiền quá mà chẳng nỡ làm em đau khổ. Thế thì, anh đừng đi như vậy nữa! Thật đấy, em có thể đương đầu với những cực hình ghê gớm nhất, nhưng là ở bên anh. Nỗi ưu phiền mà anh gây ra cho em sẽ không còn là một ưu phiền; trong lòng em còn biết bao yêu thương hơn nữa mà em chưa ngỏ được cùng anh. Em có thể chịu đựng được hết, trừ việc khóc lóc ở xa anh, và việc không biết anh... ".
Raphaël đặt mảnh thư đã nhọ nhem vì lửa lên trên lò sưởi bỗng chốc anh ném nó vào lò. Mảnh giấy đó là một hình ảnh quá rõ của mối tình anh và cuộc đời thảm hại của anh.
- Đi mời ông Bianchon, - anh bảo Jonathas. Horace tới và thấy Raphaël nằm trên giường.
- Bạn ạ, anh có thể kê đơn cho tôi một thứ nước uống pha một chút thuốc phiện đủ để cho tôi thường xuyên ở trạng thái mơ màng mà không có hại vì dùng nhiều được không?
- Chẳng khó khăn gì, - bác sĩ trẻ nói, - nhưng vẫn phải đứng dậy mỗi ngày vài giờ mà ăn uống.
- Vài giờ ư? Raphaël ngắt lời nói, - không, không, tôi chỉ muốn dậy nhiều lắm là một giờ.
- Ý anh định thế nào? - Bianchon hỏi.
- Ngủ thì vẫn còn là sống - người ốm đáp.
- Đừng để cho một ai vào đây, dù là cô Pauline de Vitschnau. - Valentin bảo Jonathas lúc thầy thuốc ghi đơn.
- Thế thưa ông Horace, có hy vọng gì không? - Người lão bộc hỏi bác sĩ trẻ khi đưa anh ra tới thềm cửa.
- Ông ấy còn có thể kéo dài như thế, hoặc chết ngay tối nay. Ở ông ấy cái cơ sống và chết ngang nhau. Tôi chẳng hiểu gì hết, - bác sĩ trẻ tỏ vẻ ngờ vực nói. - Cần khuây khỏa ông ấy.
- Khuây khỏa ư? Ông không biết ông ấy đấy, ông ạ! Bữa trước ông ấy giết chết một người mà chẳng thở phào lấy một tiếng. Chẳng có gì làm khuây ông ấy được cả!
Raphaël trong vài ngày chìm đắm trong cái hư vô của giấc ngủ giả tạo. Nhờ sức mạnh vật chất của thuốc phiện tác động tới tâm hồn vờ vật của chúng ta, con người mà trí tưởng tượng hoạt bát mạnh mẽ có thế hạ xuống trình độ của những động vật ươn lười sống lay lắt giữa rừng sâu dưới hình thái một cái xác thảo mộc, không cất lên một bước để bắt một miếng mồi dễ dàng! Thậm chí anh tắt cả ánh trời, trong buồng anh ánh ngày không lọt tới nữa. Khoảng tám giờ tối, anh ra khỏi giường: chẳng có một ý thức sáng suốt về sinh hoạt của mình, anh thỏa mãn bụng đói, rồi lại đi ngủ liền. Những ngày giờ lạnh lẽo và gợn lăn tăn chỉ đem lại cho anh những hình ảnh mơ hồ, nhưng vẻ phiến diện, những nửa tối nửa sáng trên một nền tối om. Anh tự vùi mình trong sự im lặng hoàn toàn, trong tình trạng thủ tiêu vận động và trí tuệ. Một buổi tối, anh dậy rất muộn so với mọi ngày, và không thấy bữa ăn được dọn ra. Anh rung chuông gọi Jonathas.
- Ông có thể đi khỏi đây được, - anh bảo ông già. - Tôi đã cho ông giàu có, ông sẽ sung sướng trong tuổi già; song tôi không muốn để ông đùa giỡn với tính mệnh của tôi! Thế nào? Khốn kiếp, tôi đói rồi. Sao chưa dọn ăn? Nói đi.
Jonathas để thoáng một nụ cười hài lòng, cầm một ngọn nến ánh sáng chập chờn trong cả gian nhà lớn tối om; cụ dẫn ông chủ, lại trở thành như một cái máy, tới một phòng rộng và đột nhiên mở cửa. Lập tức Raphaël bị tràn ngập trong ánh sáng, lóa mắt và ngạc nhiên vì một cảnh tượng chưa từng thấy. Đó là những chùm đèn treo đầy nến, những bông hoa hiếm nhất lấy ở nhà kính của anh bày biện có nghệ thuật, một chiếc bàn sáng loáng những đồ vàng bạc, khảm, sứ, một bữa tiệc đế vương, khói nghi ngút, với những món ăn ngon đến chảy dãi. Anh thấy các bạn bè được mời đến, chen nhau với những người đàn bà trang điểm tuyệt vời, cổ hở, vai trần, tóc đầy hoa, mắt long lanh, đủ mọi vẻ đẹp khác nhau khêu chọc trong những đồ giả trang khoái trá. Một người làm nóng thân hình cám dỗ bằng một chiếc áo nịt kiểu Ailen, người khác mang một chiếc váy khêu gợi của phụ nữ Andalouses, người này nửa mình trên cải trang thành Diane đi săn[12], người kia khiêm tốn và đa tình và y phục của cô de La Vallière, cả hai sắp dấn mình vào cuộc say sưa. Trong con mắt của mọi khách ăn lóng lánh niềm hân hoan, yêu đương, lạc thú. Khi bộ mặt chết của Raphaël ló ra ở cửa, một cuộc hoan hô đột ngột nổ ra mau lẹ, rực rỡ như ánh sáng của cuộc vui đột xuất đó. Tiếng nói, hương thơm, ánh sáng, những người đàn bà diễm lệ đó đập vào mọi giác quan của anh, làm thức dậy sự thèm muốn. Một bản nhạc tuyệt diệu, lẩn ở một phòng bên, bằng một thác đổ hòa âm bao trùm cả sự nhộn nhịp say mê, và làm trọn vẹn ảo cảnh kỳ lạ đó. Raphaël cảm thấy có một bàn tay mơn trớn nắm lấy bàn tay anh, một bàn tay đàn bà mà đôi cánh tay tươi thắm và trắng trẻo giơ lên để ôm siết lấy anh, bàn tay của Aquilina. Anh hiểu rằng cảnh đó chẳng phải mơ hồ và quái dị như những hình ảnh chốc lát trong những giấc mơ vô sắc của anh, anh thét lên một tiếng ảo não, đóng sập cửa lại, và đánh vào mặt, vùi dập người lão bộc.
- Đồ yêu quái thế ra mi chỉ định giết ta ư? - Anh kêu lên.
- Quái thật, - Jonathas vừa đứng dậy vừa nói, thế mà ông Bianchon đã ra lệnh cho ta phải cho ông ấy tiêu khiển.
Bây giờ khoảng nửa đêm. Vào giờ này, do một sự éo le về sinh lý, mà khoa y học ngạc nhiên và thất vọng, Raphaël trông đẹp rực rỡ trong giấc ngủ. Đôi má trắng nhợt của anh ửng hồng lên. Vầng trán xinh như trán con gái biểu lộ thiên tài. Cuộc sống như hoa nở trên bộ mặt bình thản và tươi tắn đó. Ta tưởng như một đứa trẻ đang ngủ có mẹ che chở. Giấc ngủ của anh là một giấc ngủ khỏe khoắn, môi tươi đỏ để lọt ra một hơi thở đều đều và tinh khiết; anh mỉm cười, chắc là qua giấc mê được đưa tới một cuộc sống đẹp đẽ. Có lẽ anh sống tới trăm tuổi, có lẽ cháu chắt anh đang chúc thọ anh; có lẽ từ chiếc ghế dài quê mùa, dưới ánh nắng, ngồi dưới bóng cây, anh, như bậc tiên tri, từ đỉnh núi cao, nhìn thấy đất thánh ở một nơi xa xôi tốt lành.
- Mình đây rồi!
Những tiếng nói bằng một giọng trong trẻo đó làm tan những hình ảnh mịt mù trong giấc ngủ của anh. Dưới ánh đèn, anh thấy Pauline của anh ngồi trên giường, mà là Pauline đẹp ra vì xa vắng và đau đớn. Raphaël sững sờ nhìn bộ mặt trắng trẻo đó như những cánh một bông hoa dưới nước, và với làn tóc đen dài, càng như trắng thêm ra trong bóng tối. Những giọt nước mắt vạch những đường lóng lánh trên má nàng, đọng lại ở đó và chỉ khẽ một chút là rơi. Mặc đồ trắng, đầu nghiêng nghiêng và chỉ đụng nhẹ tới giường, nàng ở đó như một thiên thần từ trên trời xuống, như một bóng hiện hình mà chỉ một hơi thở có thể làm biến mất.
- Chao! Em đã quên khuấy cả rồi, - nàng thốt lên khi Raphaël mở mắt. - Em chỉ đủ lời để nói với anh: Em là của anh! Vâng, lòng em là cả niềm yêu thương. Chà, thần bản mệnh của em, chưa bao giờ anh đẹp đến thế này. Mắt anh nổi sấm sét. Nhưng em hiểu hết, thế đấy! Anh đã đi tìm nơi chữa bệnh mà không cho em đi... anh sợ em! Thế thì...
- Đi đi, để mặc tôi, - Raphaël giọng khàn khàn đáp.
- Đi đi kia mà. Em ở lại đây thì tôi chết mất. Em muốn trông thấy anh chết hay sao?
- Chết! - Nàng nhắc lại. - Anh có thể chết không có em được chăng? Chết à, nhưng anh còn trẻ. Chết à, nhưng em yêu anh! Chết, - Nàng nói thêm, giọng trầm từ cuống họng và điên cuồng nắm lấy tay anh.
- Lạnh rồi, - nàng nói. - ảo tưởng chăng?
Raphaël rút dưới đầu giường ra mảnh Da lừa, mong manh và bé bằng chiếc lá nhạn lai hồng, chỉ vào nó.
- Pauline, hình ảnh đẹp của cuộc đời đẹp đẽ của anh, chúng ta hãy vĩnh biệt nhau, anh nói.
- Vĩnh biệt ư? - Nàng ngạc nhiên nhắc lại.
- Phải. Đây là một tấm bùa nó làm thỏa mãn những ước muốn của anh, và hình dung tính mệnh anh. Em xem nó chỉ còn bằng ngần này. Nếu em còn nhìn anh nữa, anh sẽ chết...
Cô gái tưởng Valentin hóa điên. Nàng cầm lấy tìm bùa, và đi tìm đèn. Được soi bằng ánh sáng chập chờn, rọi cả vào Raphaël và tấm bùa, nàng chăm chú ngắm nghĩa cả mặt tình lang và mảnh còn lại của miếng Da lừa. Trông thấy nàng đẹp vì sợ hãi và yêu đương, anh không làm chủ được ý nghĩ của mình nữa: những. hồi tưởng về bao cảnh ái ân và niềm vui say đắm của tình yêu thắng thế trong tâm hồn anh đã từ lâu được ru ngủ, và bừng lên như một lò lửa chưa tàn.
- Pauline, lại đây, Pauline!
Một tiếng thét khủng khiếp thoát ra từ cuống họng người con gái, hai mắt nàng giương lên, lông mày giãn mạnh vì niềm đau đớn chưa từng thấy, xoạc ra một cách kinh khủng, nàng xem thấy trong mắt của Raphaël một sự thèm muốn điên cuồng, xưa kia là vinh dự của nàng; và sự thèm muốn đó càng mạnh lên thì miếng Da càng co lại buồn buồn trong tay nàng. Chẳng nghĩ ngợi gì hết, nàng chạy trốn sang phòng khách bên cạnh, đóng cửa lại.
- Pauline! Pauline - Kẻ hấp hối chạy theo nàng và thét lên.
- Anh yêu em, anh quý em, anh muốn em! Anh nguyền rủa em nếu em không mở cửa cho anh! Anh muốn chết bên em.
Do một sức mạnh phi thường, mảnh sinh lực cuối cùng, anh xô cửa đổ xuống đất, và thấy tình nương nửa mình trần nằm lăn trên một chiếc trường kỷ. Pauline đã định rạch ngực ra và không được, và để cho mau chết, nàng thắt cổ bằng chiếc khăn quàng.
- Ta mà chết thì anh ấy sống!
Nàng vừa nói vừa thít chặt nút khăn mà vô hiệu. Tóc nàng bơ phờ, vai trần, quần áo xộc xệch, và trong cuộc vận lộn với cái chết đó, mắt đẫm lệ, mặt bừng bừng quằn quại trong một niềm tuyệt vọng kinh khủng trước mắt Raphaël, say vì tình, nàng trông càng đẹp bội phần khiến cho anh càng thêm điên cuồng; anh nhảy xổ tới nàng nhẹ như một con chim săn mồi, xé toạc chiếc khăn quàng; và muốn được ôm nàng trong tay. Kẻ hấp hối tìm lời để nói lên sự thèm muốn, nó rút hết sinh lực của anh; nhưng anh chỉ thốt ra được những tiếng ú ớ từ hơi khò khè trong phổi, mà mỗi hơi thở rít lên dường như từ ruột mà ra. Cuối cùng không còn thốt thành tiếng được nữa, anh cắn vào vú Pauline. Jonathas hoảng hốt vì nghe thấy tiếng kêu, chạy vào và cố gỡ cái xác chết mà người con gái ngồi xổm lên trên ở một góc buồng.
- Bác định làm gì? - Nàng nói.
- Anh ấy là của tôi, tôi đã giết anh ấy, tôi đã chẳng đoán trước thế rồi đó ư?
Chú thích:
[1] Culy là giống vật ngủ cả mùa đông.
[2] Richelieu(1585-1642): Hồng y Giáo chủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền quân chủ chuyên chế Pháp.
[3] Arpent: Thước đo điện tích xưa, rộng từ 30 đến 51 ares (1 are = 100 mét vuông).
[4] Capucin: Thầy tu dòng Thánh Francois.
[5] Mica: Thứ đá từng có thể tách thành từng lớp mỏng, và trông như kính
[6] Schnetz (thế kỷ XIX): Hoạ sĩ Pháp vẽ tranh lịch sử và tranh sinh hoạt
[7] Tranh dân gian hài hước thời đó, dưới ghi chữ: "ông Tín dụng đã chết".
[8] Tranh Chúa Jesu bị khổ hình.
[9] Nguyên văn: Grenadier là lính ném lựu đạn.
[10] Một thứ lễ của nhà thờ Thiên chúa giáo: Nền thắp, cầu kinh...trong chín ngày liền.
[11] Trappistes: Tu sĩ dòng đạo chủ trương sáng rất khác khổ, lời dẫn trên đây là lời chào nhau buổi tối cua các tu sĩ đó.
[12] Diane: Nữ thần săn bắn trong thẩn thoại La Mã.
- Ví thử ta được một người thị tỳ yêu thương, - anh tự nhủ mình, thì điều đó cũng chẳng có gì lạ, ta hai mươi bảy tuổi đầu, có một tước hiệu và hai mươi vạn quan thực lợi. Nhưng cái việc mụ chủ chị ta, sợ nước chẳng thua gì mèo cái lại dẫn chị ta đi chơi thuyền và đến gần ta, phải chăng đó là điều lạ lùng, kỳ dị? Hai người đàn bà đó, đến Savoie để ngủ như con culy[1], giữa buổi trưa còn hỏi xem trời đã sáng chưa, lẽ nào hôm nay dậy trước tám giờ để làm cái việc ngẫu nhiên mà ruổi theo ta? Trong chốc lát cô gái già đó với cái chất phác tứ tuần của chị ta hiện ra trước mắt anh như một biến dạng mới của cái xã hội giảo quyệt và hay gây sự kia, một mưu mẹo nhỏ nhen, một âm mưu vụng về, một trò tinh quái của thầy tu hay của đàn bà. Cuộc quyết đấu chẳng phải là một chuyện bịa đặt hay chỉ là họ định doạ nạt cho anh sợ? Hỗn xược và quấy rầy như bầy ruồi, những tâm hồn hẹp hòi đó đã làm được cái việc kích thích tính tự phụ của anh, thức dậy lòng kiêu ngạo của anh, khêu gợi sự tò mò của anh. Không muốn trở thành chàng khờ của họ, mà cũng chẳng để mang tiếng là một thằng hèn, và có lẽ cũng thấy vui vì tấn kịch nhỏ đó, ngay chiều hôm ấy anh bước tới Câu lạc bộ. Anh đứng tựa khuỷu vào mặt đá lò sưởi; thản nhiên ở giữa phòng khách chính, giữ thế để khỏi bị ai đánh bất ngờ; nhưng anh ngắm nhìn các bộ mặt, và có thể gọi là thách thức cả cử tọa bằng sự thận trọng của anh. Như một con chó gộc tin chắc ở sức mình, anh chờ cuộc chiến đấu ở nhà mình, mà không cắn sủa vô ích. Vào quãng buổi tối sắp tàn, anh đi dạo trong phòng đánh bạc, đi từ cửa vào buồng này sang cửa phòng bi-a, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn những gã thanh niên đang đánh bi-a. Đi được vài vòng, anh nghe thấy họ nói đến tên anh. Tuy họ nói nhỏ, Raphaël cũng dễ đoán được rằng họ đang tranh luận về anh, và cuối cùng anh nghe được mấy lời nói to.
- Cậu ấy à?
- Ừ tớ!
- Tớ thách cậu đấy!
- Đánh cuộc này?
- Chà? Hắn sẽ nhận đấy.
Đang lúc Valentin, tò mò muốn biết họ đánh cuộc về cái gì, dừng lại chăm chú nghe cuộc trò chuyện, thì một chàng thanh niên lớn và khỏe, mặt mũi dễ coi, nhưng con mắt nhìn thẳng và ngạo nghễ của những kẻ ỷ vào một sức mạnh vật chất nào đó, ở bàn bi-a bước ra và hướng về anh: - Thưa ông, - hắn nói giọng bình tĩnh, - tôi tự nhận nhiệm vụ báo cho ông biết một điều mà hình như ông không biết: ở đây mọi người đặc biệt là tôi không ưa cái mặt ông và con người ông; ông lịch sự quá nên không thể khép mình vào lợi ích chung, và tôi mong rằng ông đừng tới Câu lạc bộ nữa.
- Thưa ông, cái lối đùa đó, thịnh hành trong nhiều trại lính thời Đế chính, ngày nay đã trở thành lố bịch rồi, - Raphaël lạnh lùng đáp.
- Tôi không đùa đâu, - chàng trai lại nói, - tôi xin nhắc ông: sức khỏe ông rất bị thương tổn vì ông ở lại đây: nóng bức, ánh đèn, không khí phòng khách, đông người, tác động đến bệnh tật của ông.
- Ông đã theo y học ở đâu đấy? - Raphaël hỏi.
- Thưa ông, tôi đã đỗ tú tài trường bắn Lepage ở Paris, và đỗ tiến sĩ ở nhà Lozès, ông vua kiếm thuật.
- Ông còn thiếu một bằng nữa cần phải giật lấy - Valentin đáp - ông hãy đọc Phép tắc xã giao, ông sẽ trở thành quý tộc hoàn toàn.
Lúc đó đám thanh niên, mỉm cười hay yên lặng bỏ bàn bi-a tới. Những người đánh bạc khác cũng để ý, bỏ quân bài xuống để nghe cuộc cãi cọ làm hứng thú cuộc vui của họ. Một mình giữa đám người thù địch đó. Raphaël cố giữ bình tĩnh để khỏi làm điều gì sơ suất; nhưng, vì địch thủ của anh đi tới một lối châm chọc mà sự lăng nhục được che đậy dưới một hình thức rất sắc cạnh và ý vị, anh liền trịnh trọng trả lời hắn: - Thưa ông, ngày nay không được phép tát một người, nhưng tôi không biết dùng lời nói nào để phỉ báng một thái độ hèn hạ đến như thái độ của ông.
- Thôi? Thôi? Ngày mai hai ông sẽ phân bua với nhau, - nhiều gã thanh niên len vào giữa hai tay đối thủ mà nói.
Raphaël bước ra khỏi phòng khách, với danh nghĩa là người khiêu chiến, sau khi đã nhận gặp nhau gần lâu đài Bordeau, trong một cánh đồng cỏ nhỏ dốc thoai thoải, gần bên con đường cái mới mở mà kẻ thắng trận có thể theo đó đi tới Lyon. Raphaël nhất thiết phải hoặc nằm tại giường hoặc rời bỏ Aix. Xã hội đã thắng. Hôm sau đúng tám giờ sáng, đối thủ của Raphaël, cùng đi với hai nhân chứng và một thầy thuốc phẫu thuật tới đấu trường trước tiên.
- Ở đây thoải mái lắm, trời đẹp thế này đánh nhau thì tuyệt, - hắn vui vẻ kêu lên, nhìn vòm trời xanh biếc, nước hồ và núi đá không chút thầm lo vì ngờ vực cũng như vì chết chóc.
- Nếu tôi bắn nhằm vai hắn, hắn nói tiếp, tôi sẽ bắt hắn phải nằm giường đến một tháng không, hở bác sĩ?
- Ít nhất là thế, - viên thầy thuốc phẫu thuật đáp.
- Nhưng ông để mặc cây liễu con ấy đấy; nếu không ông làm mỏi tay ông và không chủ động được tay súng, ông có thể giết ngoéo đối phương của ông chứ không phải là làm bị thương đâu.
Có tiếng xe vang lên.
- Hắn đây rồi, - những nhân chứng nói, và liền đó trông thấy trên đường cái một chiếc xe ngựa bốn bánh chạy đường trường, đóng bốn ngựa và có hai người đánh xe.
- Cái giống kỳ lạ thật! - Đối thủ của Valentin kêu lên, hắn đi xe trạm đến chịu chết.
Trong một cuộc quyết đấu cũng như trong cờ bạc, những chuyện nhỏ nhặt bất ngờ xảy ra ảnh hưởng tới trí tưởng tượng những kẻ đương sự rắp tâm quyết đánh một đòn bằng được: vì vậy gã thanh niên thấy lo lắng thế nào đó khi chờ đợi chiếc xe kia nó đỗ lại ở trên đường cái. Ông già Jonathas nặng nề bước xuống trước để đỡ Raphaël ra; ông cụ giơ tay lẩy bẩy đỡ anh, chăm sóc anh từng ly từng tý như một tình nhân săn sóc tình nương của mình. Cả hai người đi lạc trong những lối đi nhỏ giữa đường cái và nơi đấu, và lâu mãi mới lại hiện ra: họ đi chậm chạp. Bốn người chứng kiến cái cảnh kỳ lạ đó đều xúc động mạnh trước quang cảnh Valentin tựa vào tay người lão bộc; xanh xao ốm yếu, anh bước đi như người bị thống phong, đầu cúi xuống, không nói một lời. Ta có thế cho đó là hai ông già cùng bị suy tàn, một người do thời gian, người kia do lao tư: người thứ nhất thì tuổi đời trên mái tóc bạc, người trẻ thì không biết đã bao nhiêu tuổi nữa.
- Thưa ông, đêm qua tôi không ngủ, - Raphaël nói với đối thủ.
Lời nói giá lạnh và cái nhìn ghê gớm kèm theo làm cho kẻ thật sự khiêu khích rùng mình, hắn thấy rõ lỗi của hắn và âm thầm hổ thẹn vì hành vi của mình. Trong thái độ, giọng nói và cử chỉ của Raphaël có cái gì lạ. Hầu tước ngừng lại một lúc, và ai nấy cũng lặng im theo. Lo lắng và chú tâm lên đến cao độ.
- Hãy còn thì giờ, - anh nói tiếp, - để làm cho tôi hài lòng một chút; mà ông ạ, ông hãy nghe đi, nếu không ông sẽ chết mất. Lúc này ông hãy còn ỷ vào tài năng của ông, không lùi bước vì nghĩ rằng ông có tất cả mọi thuận lợi trong cuộc chiến đấu này. Vậy thì ông ạ, tôi có độ lượng, tôi báo trước cho ông biết ưu thế của tôi. Tôi có trong tay một quyền lực ghê gớm. Để thủ tiêu tài khéo léo của ông, để làm mắt ông mờ đi, làm tay ông run lên và tim ông hồi hộp, thậm chí để giết ông nữa, chỉ cần tôi ước nguyện. Tôi không muốn bị bắt buộc phải sử dụng quyền hành của tôi, dùng nó tôi phải trả một giá quá đắt! Không phải chỉ một mình ông sẽ chết. Vậy nếu ông từ chối không chịu xin lỗi tôi thì viên đạn của ông sẽ bắn xuống nước của dòng thác kia mặc dầu ông có thói quen giết người, còn viên đạn của tôi sẽ nhằm thẳng quả tim ông tuy tôi không cần ngắm gì cả.
Lúc đó có tiếng nói xôn xao ngắt lời Raphaël. Khi nói những lời đó, hầu tước luôn luôn hướng vào địch thủ ánh mắt đăm đăm khó chịu của anh, anh đứng thẳng người lại với bộ mặt thản nhiên, giống mặt một người điên khùng.
- Ông bảo hắn im đi, - gã thanh niên đã bảo nhân chứng của mình, tiếng nói hắn làm tôi quặn ruột lại!
- Ông hãy im đi. Lời nói của ông vô ích, - viên thầy thuốc và các nhân chứng kêu bảo Raphaël.
- Thưa các ngài, tôi làm một nhiệm vụ. Chàng thanh niên này có cần phải trối trăn điều gì không?
- Thôi đi, thôi đi! Hầu tước đứng không nhúc nhích, không một phút rời mắt nhìn địch thủ, hắn ta, bị một quyền lực như ma thuật chế ngự, chẳng khác gì một con chim đứng trước một con rắn: bị bức phải chịu đựng cái nhìn giết người kia, hắn lẩn tránh, rồi lại trở lại luôn luôn.
- Cho tôi ngụm nước, khát lắm, - hắn bảo nhân chứng.
- Anh sợ à?
- Ừ, hắn đáp. - Con mắt người này nảy lửa và mê hoặc mình.
- Anh muốn xin lỗi hắn chăng?
- Muộn quá rồi.
Hai đối thủ được đặt cách xa nhau mười lăm bước. Mỗi người có một đôi súng tay bên mình, và theo kế hoạch của cuộc đấu, họ được tùy ý bắn hai phát, nhưng sau khi nhân chứng ra hiệu.
- Cậu làm gì thế, Charles? - chàng thanh niên phụ tá đối thủ của Raphaël kêu lên, - chưa nhồi thuốc nổ mà cậu đã tra đạn.
- Mình chết mất, - hắn lẩm bẩm đáp, - cậu đã để mình đứng nhìn vào mặt trời...
- Mặt trời ở sau lưng ông, - Valentin giọng nghiêm trang và trịnh trọng bảo hắn, tay khoan thai lắp đạn vào súng, chẳng để ý tới hiệu lệnh đã phát ra cũng như sự chăm chú cẩn thận của địch thủ để nhằm bắn anh. Vẻ yên trí kỳ dị đó có cái gì ghê gớm làm sửng sốt cả hai người đánh xe vì tò mò tàn nhẫn mà tới đó...
- Giỡn đùa với quyền hành của anh, hay muốn thử thách nó, Raphaël nói chuyện với Jonathas và nhìn lão khi anh đón nhận lửa đạn của địch thủ.
Viên đạn của Charles tới làm gẫy một cành liễu và văng xuống nước. Bắn hú họa, Raphaël nhắm trúng tim đối phương, và, chẳng để ý đến gã thanh niên ngã lăn xuống, anh hấp tấp tìm Miếng Da Lừa để xem anh phải trả mất bao nhiêu với một tính mạng con người. Tấm bùa chỉ còn to như một chiếc lá sồi.
- Ấy kìa! Các anh đánh xe, nhìn gì vậy? Đi thôi, - hầu tước nói.
Ngay chiều hôm đó về tới Pháp, anh lập tức theo đường d'Auvergne đi về phía suối Mont-Dor. Chuyến đi này, trong lòng anh bỗng nảy ra một trong những ý nghĩ đột ngột nó rơi vào tâm hồn ta như một tia nắng xuyên qua mây mù rọi xuống một thung lũng tối tăm nào: ánh sáng ảm đạm, trí khôn tàn khốc! Nó soi sáng những biến cố đã kết thúc, vạch ra cho ta những lầm lỗi của ta và không để ta xá miễn đối với bản thân ta. Đột nhiên anh nghĩ rằng sự chiếm hữu quyền hành, dù nó to lớn đen đâu, không đem lại cái thuật sử dụng nó. Chiếc quyền trượng đối với một đứa trẻ là một đồ chơi, nó là một chiếc rìu trong tay Richelieu[2], và với Napoléon, nó là cái đòn bẩy để làm ngả nghiêng thiên hạ. Quyền hành vẫn để tay nguyên như cũ và chỉ làm lớn lên những bậc vĩ nhân. Raphaël đã có thể làm tất cả mọi điều, nhưng anh chẳng làm được việc gì. Tới suối Mont-Dor, anh lại gặp cái xã hội đó, nó xa lánh anh vội vã như những con vật trốn bỏ đồng loại của chúng nằm chết sau khi đã đánh hơi từ xa. Mối căm thù đó có đi có lại. Chuyện rủi vừa qua đã làm anh căm ghét sâu xa xã hội thượng lưu. Vì vậy, điều quan tâm thứ nhất của anh là tìm một ngôi nhà ở hẻo lánh vùng xung quanh suối. Anh cảm thấy như một bản năng cần gần gũi với thiên nhiên, với những xúc động chân thật và cái cuộc sống thảo mộc, nó khiến ta vui thú tìm về nơi đồng nội. Hôm sau ngày tới, anh chật vật leo lên ngọn Sancy và đi thăm những thung lũng cao, những phong cảnh cheo leo, những hồ ít người biết, những nhà tranh quê mùa của Mont-Dor mà những vẻ đẹp khắc khổ và hoang dã bắt đầu cám dỗ các nghệ sĩ của chúng ta. Thỉnh thoảng ở đó lại bắt gặp những phong cảnh tuyệt vời đầy duyên dáng và thắm tươi, nó tương phản mạnh với quang cảnh tiêu điều của những ngọn núi hoang vu kia. Cách nơi làng xóm chừng gần nửa dặm, Raphaël tìm ra được một nơi mà tạo vật, đỏm dáng và vui vẻ như một đứa trẻ, dường như thích thú giấu giếm những của báu của mình xem thấy nơi hẻo lánh này kỳ thú và mộc mạc, anh quyết định ở lại đó. Cuộc sống ở nơi đây chắc sẽ hồn nhiên, thô giản như cây cỏ.
Anh hãy tưởng tượng một cái hình chóp nón lật ngược, nhưng là một chóp nón bằng đá hoa cương rộng miệng, một thứ lòng chảo mà mép xung quanh thì khấp khểnh gập ghềnh kỳ lạ: chỗ này vì những mặt bàn thẳng tắp không cây cối, bằng phẳng, biêng biếc, trên đó ánh nắng lướt đi như trên một tấm gương; chỗ kia là những núi đã bị sứt mẻ, với những đường khe như những nếp răn, ở đó cheo leo những phiến đá núi lửa mà nước mưa ngấm dần sẽ làm đổ xuống, và thường mọc quanh ít cây cằn cỗi, gió thổi ngả nghiêng; rồi, đây đó, những hốc đá tối tăm và mát lạnh tự đấy mọc lên một bụi dẻ gai cao như cây bá hương, hay những hang đá vàng nhạt loe miệng tối om và sâu thẳm, với những bụi gai, hoa dại phủ quanh mép và chùm lá xanh um như chiếc lưỡi. Ở đáy lòng chảo đó có lẽ xưa nó là miệng một núi lửa, có một hồ nước trong lóng lánh như kim cương. Chung quanh cái vũng sâu đó, với bờ đá hoa cương, liễu, lay ơn, tần bì và trăm nghìn thứ cây thơm đang ra hoa, là một cánh đồng cỏ xanh như một bãi cỏ kiểu Anh; cỏ mượt và xinh đẹp được tưới bằng những mạch nước ngầm chảy giữa các khe đá, và được hóa bằng những xác cây cổ mà mưa bão thường xuyên cuốn từ những đỉnh cao xuống đáy sâu. Cái hồ, xung quanh bờ khúc khuỷu lởm chởm như gấu áo chùng, rộng khoảng ba arpent[3]; tùy theo quãng cách giữa núi đá và nước, cánh đồng cỏ rộng từ một đến hai arpent; ở một vài chỗ, nó họa may đủ lối cho bò cái qua lại. Trên cao đến khoảng nào đó thì không còn cây cối nữa. Đá hoa cương dựng lên thành những hình kỳ lạ nhất và đượm những màu sắc mông lung làm cho núi cao phảng phất như mây trời. Tương phản với quang cảnh dịu dàng của thung lũng nhỏ đó những núi đá trơ trụi, không cây cối gì, bày ra hình ảnh hoang dã và cằn cỗi của cảnh thê lương, của những sập lở đáng sợ, của những hình thù oái oăm đến nỗi một ngọn núi đá đó được gọi là Capucin[4], nó giống hệt như một thầy tu. Thỉnh thoảng, những chỏm mũi nhọn ấy, những trụ đá ngạo nghễ ấy, những hang cheo leo ấy lần lượt sáng rực lên, tùy theo chiều hướng mặt trời hay những biến thái của không trung, và mang những biển sắc của màu vàng, nhuốm màu đỏ, ngả màu hồng thắm, hoặc xỉn lại hoặc xám xịt. Những ngọn núi cao đó bày ra một cảnh tượng liên tục và biến đổi như cổ con chim cu lấp loáng ngũ sắc. Thường khi, giữa hai phiến đá núi lửa tượng như do một nhát rìu xẻ làm đôi, một tia nắng đẹp, lúc bình minh hay buổi hoàng hôn, xuyên tới đáy cái bồn vui tươi đó, đến giỡn trên nước mặt hồ, giống như tia nắng vàng lọt qua khe cửa, xuyên ngang một gian buồng Tây Ban Nha cửa đóng kín để ngủ trưa. Khi mặt trời là là trên cái miệng núi lửa xưa, do cuộc biến thiên tối cổ nào đó làm ngập nước, những sườn đá nóng rực lên, ngọn núi lửa cũ cháy bừng, và hơi nóng chóng vánh làm dậy những mầm non, đượm nhuần cây cỏ, nhuốm sắc cho hoa, và làm chín quả ở mảnh đất nhỏ hẻo lánh này.
Khi Raphaël tới được chỗ đó, anh trông thấy mấy con bò cái gặm cỏ trên cánh đồng; đi được vài bước về phía hồ, anh thấy ở khoảng mảnh đất rộng nhất, một ngôi nhà giản dị, xây bằng đá hoa cương và lợp gỗ. Mấy cái thứ nhà tranh đó, hòa hợp với phong cảnh, được tô điểm những rêu, cây leo và hoa, để lộ vẻ cổ xưa xa lắc. Một làn khói mong manh, mà chim chóc không sợ hãi nữa, tỏa ra từ chiếc ống khói điêu tàn. Ở cửa ra vào, một chiếc ghế dài lớn đặt giữa hai gốc kim ngân to đỏ hoa và ngát hương thơm. Những cành nho và những dây hoa hồng và hoa nhài mọc lan tràn bừa bãi hầu như phủ kín tường nhà. Không quan tâm đến cái đồ trang sức thôn dã đó, người dân ở đây không chăm sóc nó và để cho tạo vật phô bày cái duyên dáng trinh khiết và nghịch ngợm. Những tã lót mắc trên một cây phúc bồn tử phơi dưới nắng. Một con mèo ngồi trên một máy xén gai, và ở bên dưới, một chiếc xanh đồng mới đánh nằm giữa mớ vỏ khoai tây phía bên kia nhà, Raphaël thấy một hàng rào gai khô, chắc là để ngăn gà khỏi phá vườn rau và cây ăn quả. Dường như thế giới tận cùng ở đó. Ngôi nhà ấy giống như những tổ chim khéo léo cài vào một hốc núi đá, đầy nghệ thuật mà cũng sơ sài. Đó là một cảnh vật chất phác và dịu hiền, một cảnh quê mùa thật sự nên thơ, bởi vì nó nở ra ở xa hàng nghìn dặm những thơ ca chải chuốt của chúng ta, không tương tự với một ý niệm nào, chỉ xuất phát từ bản thân nó, đó là sự toàn thắng thật sự của ngẫu nhiên. Lúc Raphaël tới, mặt trời rọi nắng từ phải sang trái, và làm rực rỡ những màu sắc cây cỏ, làm nổi lên hay tô điểm những huyền diệu của ánh sáng, những tương phản của bóng tối, nền vàng và xám của núi đá, các màu xanh của lá cây những đám hoa xanh biếc, đỏ hay trắng, những cây leo mang hoa hình chuông, làn nhung lấp lánh của rêu, những chùm hoa thạch thảo màu tía, nhưng nhất là làn nước trong vắt phản chiếu trung thành những ngọn núi hoa cương, cây cối, ngôi nhà và bầu trời. Trong bức tranh kỳ thú đó, mọi vật đều có vẻ đáng ưa của nó, từ mảnh mica[5] lấp lánh đến bụi cỏ vàng hung ẩn mình trong chỗ tranh tối tranh sáng dịu dàng; mọi vật đều hài hòa: nào con bò cái loang lổ lông mượt, nào những hoa mọc dưới nước mong manh rải ra như những tua rủ trên mặt nước trong một cái hốc ở đỏ vo ve những con bọ cánh xanh biếc hay xanh ngọc bích, nào những rễ cây như những mớ tóc dây cát viền quanh những hòn sỏi như những khuôn mặt dị hình. Hơi ấm của nước, của hoa và hang đá nồng đượm cái góc hẻo lánh này đem lại cho Raphaël một cảm giác hầu như khoái trá. Cái im lặng trang nghiêm ở khu rừng nhỏ này, có lẽ quên ghi trên danh bạ của sở thuế, đột nhiên bị tiếng sủa của hai con chó phá tan. Những con bò cái quay đầu về phía đường vào thung lũng, chĩa mõm ẩm ướt ra trước Raphaël, rồi sau khi ngắm nhìn anh một cách khờ dại lại tiếp tục gặm cỏ. Cheo leo trên núi đá như có phép thuật, một con dê cái và con nó nhảy lồng lên và tới đứng trên một phiến hoa cương gần Raphaël, hình như để hỏi anh. Nghe tiếng chó sủa, một đứa bé mũm mĩm chạy ra mồm há hốc, rồi đến một cụ già tóc bạc, vóc người trung bình. Hai nhân vật đó ăn khớp với phong cảnh, với bầu trời, những bông hoa và ngôi nhà. Sức khỏe tràn trề giữa cái thiên nhiên màu mỡ này, tuổi già và thơ ấu ở đây thật là đẹp: chung quy trong tất cả những kiểu sinh hoạt đó có một sự phóng túng khởi thủy, một thứ hạnh phúc cổ lỗ, nó cải chính những triết lý tẻ nhạt, và làm dịu những dục vọng sôi sục trong lòng. Cụ già thuộc loại những kiểu mẫu mà ngọn bút sơn khỏe khoắn của Schnetz[6] ưa thích; đó là một bộ mặt nâu đầy vết nhăn tưởng như mó vào thấy sần sùi, một cái mũi thẳng, đôi gò má nhô ra và có gân đỏ như một chiếc lá nho già những nét gẫy góc, tất cả những đặc trưng của sự cường tráng, ngay cả ở chỗ không còn cường tráng nữa. Những bàn tay chai lên, tuy không lao động nữa, còn giữ lại ít lông bạc lơ thơ; cụ có cái phong thái thật sự tự do khiến người ta cảm thấy nếu ở Ý có lẽ cụ sẽ trở thành giặc cướp vì yêu cái tự do quý báu của cụ. Đứa trẻ, một dân miền núi chính cống, có cặp mắt đen có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không chớp, sắc mặt nâu sẫm, tóc nâu rối bù. Nó lanh lợi và quả quyết, tự nhiên trong cử động như một con chim; quần áo tồi tàn, qua những chỗ rách để lộ ra nước da trắng và tươi tắn. Cả hai người đều đứng đó lặng im bên cạnh nhau, cùng do một tình cảm chung thúc đẩy, trên mặt lộ ra những nét chứng tỏ một sự đồng nhất hoàn toàn trong đời sống cùng an nhàn. Cụ già đã lây vẻ đùa nghịch của đứa trẻ, mà đứa trẻ thì lây tính khí cụ già do một thứ hợp đồng giữa hai sức yếu, giữa một sức khỏe gần tàn và một sức khỏe sắp phát triển. Chẳng mấy lúc sau, một người đàn bà chừng ba mươi tuổi hiện ra ở ngưỡng cửa. Chị vừa đi vừa kéo sợi. Đó là một người đàn bà xứ Auvergne, nước da tươi thắm, vẻ hớn hở, thật thà, răng trắng, bộ mặt dân Auvergne, vóc người Auvergne đầu tóc, áo xứ Auvergne, vú nở nang của đàn bà xứ Auvergne và cả ngôn ngữ của chị, một mẫu lý tưởng trọn vẹn của địa phương, cần cù, dốt nát, tiết kiệm, chân thực, tất cả đều ở đó.
Chị ta chào Raphaël, hai người chuyện trò, những con chó im tiếng, cụ già ngồi xuống chiếc ghế dài dưới nắng, và đứa trẻ đi theo bám lấy mẹ, nhưng nghe ngóng và ngắm nhìn khách lạ.
- Bác ở đây mà không sợ ư?
- Thưa ông, thì sợ vì cái gì kia, nếu chúng tôi chắn lộ vào thì ai mà tới đây được? Chà! Chúng tôi chẳng sợ gì hết! Vả lại, - chị vừa nói vừa dẫn hầu tước vào gian buồng lớn trong nhà, - kẻ trộm vào nhà chúng tôi thì lấy được cái gì?
Chị ta chỉ những bức tường ám khói, trên đó tất cả trang trí chỉ là những tranh tô màu xanh lơ, đỏ và xanh lá cây, vẽ Cái chết của ông Tín dụng[7], Khổ nạn của Chúa Jesu[8] và Lính pháp thủ[9] đội cận vệ hoàng đế, rồi, đó đây trong buồng, một chiếc giường gỗ hồ đào cũ có cột, một chiếc bàn chân bị oằn, những ghế đẩu, cái thùng đựng bánh, mỡ treo ở dầm nhà, muối đựng trong liễn, một cái chảo; và trên lò sưởi những đồ bằng thạch cao vàng khè và tô màu. Ra khỏi nhà, Raphaël trông thấy giữa những núi đá một người đàn ông tay cầm cuốc và cúi xuống, tò mò nhìn ngôi nhà.
- Thưa ông, bố nó đấy, - chị người xứ Auvergne nói và thoáng nụ cười quen thuộc của những phụ nữ nông thôn.
- Nhà tôi cày ruộng trên đó.
- Thế cụ già đây là thân sinh ra bác à?
- Xin lỗi ông, đấy là ông của bố nó. Trông thế mà cụ đã một trăm lẻ hai tuổi rồi. Vậy mà, bữa trước cụ đi bộ dẫn thằng cháu nhỏ ra tận Clermont đấy! Trước cụ khỏe lắm, bây giờ cụ chỉ ăn và ngủ thôi. Lúc nào cụ cũng đùa với cháu. Thỉnh thoảng cháu lại dẫn cụ lên núi thế mà cụ cũng đi.
Lập tức Valentin quyết định sống giữa cụ già và em bé đó, thở không khí của họ, ăn chung bánh với họ, uống chung nước với họ, ngủ giấc ngủ của họ, gây cái máu của họ trong mạch máu mình. Cao hứng của kẻ hấp hối! Trở thành một con trai bám vào cái núi đá này, cứu vãn lấy cái vỏ của nó thêm vài ngày nữa bằng cách làm tê liệt cái chết, đối với anh đó là tiêu chuẩn tối cao của đạo đức cá nhân, phương thức tồn tại chân chính của con người, lý tưởng đẹp đẽ của cuộc sống, cuộc sống duy nhất, cuộc sống thật sự. Trong lòng anh nảy nở ra một tư tưởng vị kỷ, nó dìm ngập cả vũ trụ. Đối với anh, không còn vũ trụ nữa, cả vũ trụ nằm trong con người anh. Đối với những người ốm, thế giới bắt đầu từ đầu giường và tận cùng chỗ chân giường họ. Phong cảnh nơi đây chính là cái giường của Raphaël.
Trong cuộc đời ai mà chẳng có một lần theo dõi bước đi, lối bò của một con kiến, lấy rơm chọc vào cái lỗ thở duy nhất của một con ốc sên hung vàng, xem xét những lắt léo của một con chuồn chuồn mỏng manh, thường ngắm bao nhiêu đường gân, tô màu như một cửa kính tròn ở nhà thờ gotique, nổi lên trên nền đo đỏ của những chiếc lá cây sồi non! Ai mà đã chẳng mất bao nhiêu thời giờ thú vị ngắm nhìn tác động của nắng mưa trên một mái ngói màu nâu, hay ngắm nghía những giọt sương, những cánh hoa, những đường kẻ muôn vẻ của đài hoa? Ai mà đã chẳng đắm hồn trong những cơn mơ màng vật chất kia, hững hờ mà chăm chú, không mục đích mà vẫn dẫn tới một ý nghĩ nào? Sau hết ai mà chẳng sống cuộc đời trẻ thơ, cuộc đời nhàn rỗi, cuộc đời của người man rợ, trừ việc làm của họ? Raphaël sống như thế đó trong bao nhiêu ngày, không sự chăm sóc, không ước muốn, cảm thấy dễ chịu rõ ràng, một niềm vui kỳ lạ, xoa dịu mọi lo âu, khuây khỏa những đau khổ của anh. Anh leo núi đá, lên ngồi trên đỉnh cao từ đó mắt nhìn bao trùm một phong cảnh rộng lớn nào. Ở đó, anh qua cả những ngày dài như một cây dưới nắng, như một con thỏ trong hang. Hoặc giả, làm quen với những hiện tượng của cây cỏ, với những chuyển biến của bầu trời, anh theo dõi tiến trình của mọi vật trên mặt đất, dưới nước hay trên không.
Anh cố gắng hòa mình với sự vận động bên trong của cảnh tự nhiên đó, và tự khép mình khá trọn vẹn vào sự phục tùng thụ động để chịu cái quy luật độc đoán và bảo thủ, nó chi phối những sinh hoạt bản năng. Anh chẳng muốn tự đảm nhiệm lấy bản thân nữa. Giống như những kẻ tội phạm thuở xưa, bị pháp luật truy nã, được cứu thoát nếu nấp kịp vào bóng của một giáo đường, anh cố gắng lẩn mình vào nơi cung tẩm của cuộc đời. Anh đã trở thành bộ phận gắn liền với cuộc sinh trưởng lớn rộng và mãnh liệt đó; anh đã theo sát những biến chuyển của thời tiết, cư trú ở khắp các hốc núi đá, thuộc lòng những phong tục tập quán của mọi cây cỏ, nắm vững sự vận động của nước, những kho tàng của nó, và làm quen với các động vật; tựu trung, anh đã hoàn toàn hòa hợp với mảnh đất sinh động đó đến mức tưởng chừng anh đã nắm được linh hồn và thấu suốt những bí ẩn của nó. Đối với anh, muôn hình vạn trạng của mọi giới đều là những phát triển của một chất độc nhất, những kết hợp của một vận động độc nhất, hơi thở mênh mông của một thực thể lớn rộng, nó hành động, tư duy, đi lại, lớn lên, và anh muốn cùng với nó lớn lên, đi lại, tư duy, hành động. Anh đã hỗn hợp một cách kỳ dị cuộc sống của anh với cuộc sống của núi đá này, anh đã cắm mình ở đó. Nhờ cái thần tuệ bí mật đó, sự an dưỡng giả hiệu, tựa những cơn mê ảo tốt lành ấy mà tạo vật ban cho như bấy nhiêu bước dừng nghỉ trong cảnh đau thương, Valentine hưởng những lạc thú của một cuộc hoàn đồng, trong những giờ phút đầu tiên của thời gian anh lưu trú giữa phong cảnh vui tươi đó ở đó, anh đi tìm kiếm những cái không đâu, làm nghìn việc mà chẳng xong việc nào, ngày hôm sau quên những dự định hôm trước, và tư lự; anh sung sướng, anh tưởng thoát nạn. Một buổi sáng, ngẫu nhiên anh còn nằm ở giường tới buổi trưa, đắm đuối trong giấc mơ màng nửa thức nửa ngủ, nó đem lại cho thực tại bóng dáng của tưởng tượng và cho những ảo tưởng đường nét của tồn tại, bỗng nhiên, thoạt tiên không biết có còn mơ mộng nữa không, lần đầu tiên, anh nghe bản kiểm tra về sức khỏe của anh do bà chủ nhà trình bày với Jonathas hàng ngày tới hỏi thăm. Người đàn bà xứ Auvergne đó yên trí rằng Valentin còn đang ngủ, không hạ thấp cái giọng nói miền núi của chị.
- Chẳng khá hơn cũng chẳng nặng thêm. Cả đêm qua ông ấy còn ho rũ rượi. Ông ấy ho, ông ấy khạc, đến là tội, ông bạn đáng mến ấy. Tôi và bố cháu, cứ bảo nhau ông ấy lấy hơi đâu mà ho như thế. Đến nẫu ruột. Bệnh quỷ quái gì ông ấy chẳng khỏe khoắn gì đâu? Bọn tôi cứ sợ một buổi sớm nào ông ấy tắt nghỉ trong giường mất. Người thì cứ tái nhợt như tượng Chúa bằng sáp vậy. Lạy Đức Mẹ, tôi cứ để ý xem khi ông ấy ngủ dậy, thật thế, tội nghiệp, người ông ấy gầy như que củi. Mà mình mẩy cũng đã hôi hám. Nhưng ông ấy cũng mặc, ông ấy chạy hết hơi cứ như còn dư sức vậy. Mà ông ấy cũng gan, không phàn nàn kêu ca gì cả. Nhưng thật ra, chẳng thà ông ấy nhắm mắt đi còn hơn, vì ông ấy chịu cái khổ nạn của Chúa! Còn tôi chẳng muốn thế, cụ ạ, cái đó chẳng lợi gì cho chúng tôi. Nhưng dù ông ấy chẳng cho gì chúng tôi, bọn tôi vẫn cứ mến ông ấy; chúng tôi chẳng vì lợi mà làm.
- Chao! Lạy chúa! - Chị nói tiếp, - chỉ có người Paris mới mắc những bệnh ma quỷ ấy! Nó ở đâu ra như vậy? Người con trai tội nghiệp, chắc ông ấy không thể qua được. Cái ngữ sốt như thế, cụ tính, nó ăn mòn, nó đục ruỗng, nó làm cho tàn hại ông ấy chẳng ngờ đâu. Ông ấy không biết thế đâu, cụ ạ! Ông ấy chẳng nhìn thấy gì hết. Này cụ Jonathas, đừng vì thế mà khóc! Phải nghĩ rằng ông ấy không đau đớn nữa là sung sướng rồi. Cụ phải làm lễ chín ngày[10] cho ông ấy. Bọn tôi đã thấy nhiều người làm lễ chín ngày mà khỏi đấy, và bọn tôi sẵn sàng góp hương nến để cứu lấy con người hiền hậu, phúc đức ấy, một con cừu non của Chúa.
Raphaël nói yếu quá nên không ai nghe tiếng, anh đành phải nằm nghe lời chuyện trò kinh khủng đó. Nhưng rồi sốt ruột, anh rời khỏi giường bước ra ngưỡng cửa.
- Lão già khốn kiếp kia, - anh thét bảo Jonathas, - ông muốn giết tôi đấy à?
Chị nông dân tưởng trông thấy một bóng ma, bỏ chạy.
- Tôi cấm ông, - Raphaël nói tiếp, - không được lo ngại gì về sức khỏe của tôi.
- Thưa hầu tước, vâng, - người lão bộc vừa nói vừa lau nước mắt.
- Mà từ nay, tốt hơn cả là không có lệnh của tôi ông đừng tới đây.
Jonathas định tuân theo; nhưng trước khi rút lui, cụ đưa con mắt trung thành và thương xót nhìn hầu tước. Raphaël xem thấy trong đó một nghị án tử hình của anh. Chán nản, đột nhiên cảm thấy thực trạng cua mình, Valentin ngồi xuống ngưỡng cửa, khoanh tay và gục đầu xuống, Jonathas sợ hãi bước lại gần chủ.
- Ông làm sao?
- Cút ngay. Cút ngay! - Người ốm thét bảo cụ.
Buổi sáng hôm sau, Raphaël leo núi đá lên ngồi trong một hốc đầy rêu, từ đó anh có thể nhìn thấy con đường nhỏ đi từ Suối đến nhà anh ở. Dưới chân núi anh trông thấy Jonathas lại nói chuyện với chị người Auvergne! Một phép tinh quái khiến anh hiểu được những cái lắc đầu, những cử chỉ tuyệt vọng, cái ngây ngô buồn thảm của người đàn bà đó, và qua gió thoảng và sự yên lặng, dường như anh nghe thấy cả những lời nói ác hại của chị... Kinh hoảng, anh trốn lên trên những đỉnh núi cao hơn và ở đó cho tới chiều, mà không sao xua đuổi được những tư tưởng bi đát khốn khổ thức dậy trong lòng anh do sự quan tâm tai ác của người ta đối với anh. Bỗng nhiên, người đàn bà xứ Auvergne sừng sừng đứng trước mặt anh như một cái bóng trong ánh chiều; do sự tưởng tượng kỳ quặc của thi sỹ, anh thấy chiếc váy ngắn sọc đen và trắng của chị mơ hồ giống như bộ xương khô của một thây ma.
- Sương chiều đã xuống đấy, ông ạ, - chị ta bảo anh. Nếu ông cứ ở đây thì rồi chẳng khác gì một quả chín nẫu mất, ông nên về nhà. Sương độc lắm, mà ông thì từ sáng đến giờ chẳng ăn gì cả.
- Trời đánh, - anh thét lên, - mụ phù thủy, tôi yêu cầu mụ để mặc tôi muốn sống thế nào thì sống nếu không thì tôi xéo khỏi nơi đây. Sáng nào cũng đào lỗ cho người ta chưa đủ à, hay muốn chôn ngay tối nay!
- Đào lỗ cho ông à? Thưa ông, lỗ ở đâu chứ? Bọn tôi thì muốn ông cứ khỏe như cụ cố chúng tôi ấy chứ, sao lại đào lỗ? Lỗ à? Chúng ta ai cũng xuống lỗ cả thôi, chẳng muộn gì.
- Thôi đi, - Raphaël nói.
- Ông víu vào tay tôi, ông ạ.
- Mặc tôi!
Cái tình cảm mà con người khó chịu nổi nhất là lòng thương hại, nhất là khi người ta đáng được thương hại thật sự. Sự căm hờn là một liều thuốc bổ, nó làm cho người ta sinh hoạt, nó thúc đẩy sự báo thù; còn sự thương hại thì nó giết hại người ta, nó làm cho ta đã suy yếu lại càng suy yếu thêm. Đó là điều ác trở thành xiểm nịnh, đó là sự khinh bỉ trong lòng thương mến, hay lòng thương mến trong sự sỉ nhục. Raphaël xem thấy ở ông lão trăm tuổi một lòng thương hại đắc ý, ở đứa trẻ một lòng thương hại tò mò, ở người đàn bà một lòng thương hại riết róng, ở người chồng một lòng thương hại vì lợi; nhưng dù nó lộ ra dưới hình thái nào thì nó cũng mang nặng cái chết chóc. Một thi sĩ thì bất cứ về cái gì cũng làm nên bài thơ, kinh khủng hay hân hoan, tùy theo hình ảnh xúc động họ; tâm hồn phấn khích của họ gạt bỏ những biến sắc dịu hòa mà bao giờ cũng chọn những màu rực rỡ và sắc cạnh. Cái sự thương hại kia tạo nên trong lòng Raphaël một bài thơ khủng khiếp về tang tóc và ưu phiền. Chắc hẳn anh đã không nghĩ rằng những tình cảm tự nhiên là thật thà khi anh muốn gần gũi với tự nhiên. Khi anh tưởng ngồi một mình bên gốc cây, lên một cơn ho dai đẳng và không một lần nào không bị rã rời, sau cuộc vật lộn ghê gớm ấy, bỗng anh nhìn thấy cặp mắt long lanh và linh lợi của đứa trẻ, đứng nổi bật lên trong một bụi cỏ, như một kẻ man rợ, nó ngắm nghía anh một cách tò mò trẻ con trong đó có cả sự nhạo báng lẫn thích thú, và cái gì như sự quan tâm xen lẫn vô tình. Cái lời ghê gớm: Hỡi người anh em, anh phải chết của các tu sĩ tu viện Trappistes[11], dường như thường xuyên ghi trong mắt những nông dân mà Raphaël chung sống; anh không biết cái nào đáng sợ hơn giữa những lời nói ngây thơ và sự im lặng của họ, mọi cái ở họ đều làm phiền nhiễu anh. Một buổi sáng, anh thấy hai người mặc áo đen tới lảng vảng lượn bên anh, lén lút đánh hơi và nghe ngóng; rồi, giả như dạo chơi tới đó, họ hỏi anh những câu tẻ ngắt và anh trả lời cụt ngủn. Anh nhận ra là viên thầy thuốc và viên linh mục ở Suối, chắc được Jonathas phái đến, được chủ nhà anh hỏi ý kiến, hay do cảm thấy có người sắp chết mà tới. Thế là anh mường tượng cảnh đám ma chính bản thân anh, anh nghe tiếng linh mục cầu nguyện, anh đếm số đèn nến, và chỉ còn nhìn thấy qua một màn nhiễu để tang cái cảnh đẹp tự nhiên phong phú trong đó anh đã tưởng tìm thấy cái sống. Tất cả mọi cái trước đây loan báo cho anh một cuộc sống lâu dài thì bây giờ tiên đoán một cái chết sắp tới. Hôm sau anh trở về Paris, sau khi được mọi người trong nhà nhiệt liệt chúc những lời buồn rầu mà thật thà thương xót.
Sau cả một đêm đi đường, anh tỉnh dậy ở một trong những thung lũng vui tươi nhất xứ Bourbonnais, những phong cảnh và địa hình quay cuồng trước mắt anh, thoắt biến đi như những hình ảnh mông lung trong một giấc mơ. Cảnh vật bày ra trước mắt với một vẻ đỏm dáng tai ác. Đây là sông Allier trên một viễn ảnh phong phú trải ra dải nước long lanh, rồi những thôn xóm khiêm tốn nép mình dưới đáy một hõm núi đá vàng nhạt, để lộ ra mũi nhọn những tháp chuông; đây là những cối xay gió trong một thung lũng nhỏ đột ngột hiện ra đằng sau những cánh đồng nho bằng phẳng, và luôn luôn xuất hiện những lâu đài tươi vui, những làng xóm cheo leo, hay vài con đường hai bên trồng bạch dương trang nghiêm; sau hết là sông Loire với những làn nước dài, lóng lánh như kim cương giữa cát vàng. Vô vàn là vẻ quyến rũ! Cảnh vật rộn ràng, hoạt bát như một đứa trẻ, hầu như không chứa nổi tình yêu và nhựa sống của tháng Sáu, nhất thiết lôi cuốn cặp mắt nguội tàn của người ốm. Anh kéo cửa chớp xe lên và lại ngủ. Vào quãng chiều, khi qua khỏi miền Cosne, một tiếng âm nhạc vui đánh thức anh dậy và trước mắt anh là một đám hội vùng quê. Trạm xe ở gần đó. Trong khi người ta thay xe, anh xem dân quê nhảy múa vui vẻ, những cô gái trang điểm bằng hoa, xinh đẹp, tai quái, những chàng trai sôi nổi, rồi những bộ mặt lão ông đỏ phởn phơ vì rượu. Những trẻ nhỏ đùa giỡn với nhau, những bà già vừa nói vừa cười, mọi cái đều có tiếng nói, và thú vui tô điểm thêm những áo quần và những chiếc bàn được dọn ra. Nơi quảng trường và nhà thờ bày ra một bộ mặt hoan hỉ; mái nhà, cửa sổ, ngay cả cổng nho trong làng dường như cũng mặc đẹp. Giống như những kẻ hấp hối sốt ruột cả với tiếng động nhỏ, Raphaël không kìm hãm nổi một lời rủa ảo não, cũng như ý muốn làm im bặt những tiếng chiếc đàn violon, phế bỏ sự nhộn nhịp, dập tắt những tiếng la hò, giải tán cái đám hội xấc xược đó. Lòng đầy sầu muộn, anh bước lên xe. Khi anh nhìn lại quảng trường thì anh thấy cuộc vui nhốn nháo, những chị nông dân bỏ chạy và những ghế dài vắng không. Trên bục dàn nhạc, một nhạc công lòa tiếp tục thổi clarinet, một bài nhạc nhảy múa om sòm. Bài nhạc không người nhảy đó, ông già đơn độc đó với nét mặt rầu rĩ, quần áo rách bươm, tóc bơ phờ, và ẩn dưới bóng một cây bồ đề, tựa như hình ảnh quái dị như lời ước muốn của Raphaël. Một cơn mưa rào như trút nước với những mây chớp tháng Sáu thình lình đổ xuống rồi lại thình lình tạnh ngay. Chuyện xảy ra rất tự nhiên đến nỗi Raphaël, sau khi nhìn trên trời vài đám mây trăng trắng do làn gió nhẹ cuốn đi, chẳng nghĩ tới việc xem lại Miếng Da lừa nữa. Anh lại thu mình vào một góc xe, và chiếc xe liền đó bon bon trên đường cái.
Hôm sau Raphaël đã ở nhà, trong gian buồng bên góc lò sưởi của anh. Anh sai đốt thật to lửa, anh thấy lạnh. Jonathas đem vào cho anh thư từ, toàn là thư của Pauline. Anh không hăm hở bóc bức thư thứ nhất, giở ra như giở tờ giấy xam xám của số thuế giục thuế. Anh đọc câu thứ nhất: "Bỏ đi như thế là trốn, anh Raphaël của em ạ. Thế nào: không một ai có thể cho em biết anh ở đâu ư? Mà nếu em không biết thì còn ai biết nữa!". Chẳng muốn biết hơn, anh lạnh lùng vơ cả đống thư ném vào lò, mắt lờ đờ, nguội lạnh nhìn ngọn lửa vờn, uốn quăn tờ giấy thơm, làm khô giòn, lật đi lật lại và làm nó tan ra từng mảnh. Những mảnh còn lại lăn trên đám tro để anh trông thấy những đầu câu, những chữ, những ý cháy dở và anh thấy thích thú đọc qua lửa như một trò tiêu khiển máy móc. "Ngồi ở cửa buồng anh... đợi chờ. Oái oăm... em, vâng theo... Những đối thủ... em thì không!... Pauline của anh... yêu thương... vậy không cần Pauline nữa ư?... Nếu anh đã muốn từ biệt em, anh sẽ chẳng bỏ rơi em... Tình yêu vĩnh cửu... Chết...".
Những chỗ đó làm anh như thấy hối hận: anh lấy cái kẹp và gắp ra khỏi lửa một mẩu thư cuối cùng.
" Em đã lẩm bẩm, - Pauline viết, - nhưng em chẳng than vãn, Raphaël ạ. Để em xa anh, chắc anh đã muốn tránh cho em khỏi sự ưu phiền nào đó. Như ngày kia, có lẽ anh sẽ giết em, nhưng anh hiền quá mà chẳng nỡ làm em đau khổ. Thế thì, anh đừng đi như vậy nữa! Thật đấy, em có thể đương đầu với những cực hình ghê gớm nhất, nhưng là ở bên anh. Nỗi ưu phiền mà anh gây ra cho em sẽ không còn là một ưu phiền; trong lòng em còn biết bao yêu thương hơn nữa mà em chưa ngỏ được cùng anh. Em có thể chịu đựng được hết, trừ việc khóc lóc ở xa anh, và việc không biết anh... ".
Raphaël đặt mảnh thư đã nhọ nhem vì lửa lên trên lò sưởi bỗng chốc anh ném nó vào lò. Mảnh giấy đó là một hình ảnh quá rõ của mối tình anh và cuộc đời thảm hại của anh.
- Đi mời ông Bianchon, - anh bảo Jonathas. Horace tới và thấy Raphaël nằm trên giường.
- Bạn ạ, anh có thể kê đơn cho tôi một thứ nước uống pha một chút thuốc phiện đủ để cho tôi thường xuyên ở trạng thái mơ màng mà không có hại vì dùng nhiều được không?
- Chẳng khó khăn gì, - bác sĩ trẻ nói, - nhưng vẫn phải đứng dậy mỗi ngày vài giờ mà ăn uống.
- Vài giờ ư? Raphaël ngắt lời nói, - không, không, tôi chỉ muốn dậy nhiều lắm là một giờ.
- Ý anh định thế nào? - Bianchon hỏi.
- Ngủ thì vẫn còn là sống - người ốm đáp.
- Đừng để cho một ai vào đây, dù là cô Pauline de Vitschnau. - Valentin bảo Jonathas lúc thầy thuốc ghi đơn.
- Thế thưa ông Horace, có hy vọng gì không? - Người lão bộc hỏi bác sĩ trẻ khi đưa anh ra tới thềm cửa.
- Ông ấy còn có thể kéo dài như thế, hoặc chết ngay tối nay. Ở ông ấy cái cơ sống và chết ngang nhau. Tôi chẳng hiểu gì hết, - bác sĩ trẻ tỏ vẻ ngờ vực nói. - Cần khuây khỏa ông ấy.
- Khuây khỏa ư? Ông không biết ông ấy đấy, ông ạ! Bữa trước ông ấy giết chết một người mà chẳng thở phào lấy một tiếng. Chẳng có gì làm khuây ông ấy được cả!
Raphaël trong vài ngày chìm đắm trong cái hư vô của giấc ngủ giả tạo. Nhờ sức mạnh vật chất của thuốc phiện tác động tới tâm hồn vờ vật của chúng ta, con người mà trí tưởng tượng hoạt bát mạnh mẽ có thế hạ xuống trình độ của những động vật ươn lười sống lay lắt giữa rừng sâu dưới hình thái một cái xác thảo mộc, không cất lên một bước để bắt một miếng mồi dễ dàng! Thậm chí anh tắt cả ánh trời, trong buồng anh ánh ngày không lọt tới nữa. Khoảng tám giờ tối, anh ra khỏi giường: chẳng có một ý thức sáng suốt về sinh hoạt của mình, anh thỏa mãn bụng đói, rồi lại đi ngủ liền. Những ngày giờ lạnh lẽo và gợn lăn tăn chỉ đem lại cho anh những hình ảnh mơ hồ, nhưng vẻ phiến diện, những nửa tối nửa sáng trên một nền tối om. Anh tự vùi mình trong sự im lặng hoàn toàn, trong tình trạng thủ tiêu vận động và trí tuệ. Một buổi tối, anh dậy rất muộn so với mọi ngày, và không thấy bữa ăn được dọn ra. Anh rung chuông gọi Jonathas.
- Ông có thể đi khỏi đây được, - anh bảo ông già. - Tôi đã cho ông giàu có, ông sẽ sung sướng trong tuổi già; song tôi không muốn để ông đùa giỡn với tính mệnh của tôi! Thế nào? Khốn kiếp, tôi đói rồi. Sao chưa dọn ăn? Nói đi.
Jonathas để thoáng một nụ cười hài lòng, cầm một ngọn nến ánh sáng chập chờn trong cả gian nhà lớn tối om; cụ dẫn ông chủ, lại trở thành như một cái máy, tới một phòng rộng và đột nhiên mở cửa. Lập tức Raphaël bị tràn ngập trong ánh sáng, lóa mắt và ngạc nhiên vì một cảnh tượng chưa từng thấy. Đó là những chùm đèn treo đầy nến, những bông hoa hiếm nhất lấy ở nhà kính của anh bày biện có nghệ thuật, một chiếc bàn sáng loáng những đồ vàng bạc, khảm, sứ, một bữa tiệc đế vương, khói nghi ngút, với những món ăn ngon đến chảy dãi. Anh thấy các bạn bè được mời đến, chen nhau với những người đàn bà trang điểm tuyệt vời, cổ hở, vai trần, tóc đầy hoa, mắt long lanh, đủ mọi vẻ đẹp khác nhau khêu chọc trong những đồ giả trang khoái trá. Một người làm nóng thân hình cám dỗ bằng một chiếc áo nịt kiểu Ailen, người khác mang một chiếc váy khêu gợi của phụ nữ Andalouses, người này nửa mình trên cải trang thành Diane đi săn[12], người kia khiêm tốn và đa tình và y phục của cô de La Vallière, cả hai sắp dấn mình vào cuộc say sưa. Trong con mắt của mọi khách ăn lóng lánh niềm hân hoan, yêu đương, lạc thú. Khi bộ mặt chết của Raphaël ló ra ở cửa, một cuộc hoan hô đột ngột nổ ra mau lẹ, rực rỡ như ánh sáng của cuộc vui đột xuất đó. Tiếng nói, hương thơm, ánh sáng, những người đàn bà diễm lệ đó đập vào mọi giác quan của anh, làm thức dậy sự thèm muốn. Một bản nhạc tuyệt diệu, lẩn ở một phòng bên, bằng một thác đổ hòa âm bao trùm cả sự nhộn nhịp say mê, và làm trọn vẹn ảo cảnh kỳ lạ đó. Raphaël cảm thấy có một bàn tay mơn trớn nắm lấy bàn tay anh, một bàn tay đàn bà mà đôi cánh tay tươi thắm và trắng trẻo giơ lên để ôm siết lấy anh, bàn tay của Aquilina. Anh hiểu rằng cảnh đó chẳng phải mơ hồ và quái dị như những hình ảnh chốc lát trong những giấc mơ vô sắc của anh, anh thét lên một tiếng ảo não, đóng sập cửa lại, và đánh vào mặt, vùi dập người lão bộc.
- Đồ yêu quái thế ra mi chỉ định giết ta ư? - Anh kêu lên.
- Quái thật, - Jonathas vừa đứng dậy vừa nói, thế mà ông Bianchon đã ra lệnh cho ta phải cho ông ấy tiêu khiển.
Bây giờ khoảng nửa đêm. Vào giờ này, do một sự éo le về sinh lý, mà khoa y học ngạc nhiên và thất vọng, Raphaël trông đẹp rực rỡ trong giấc ngủ. Đôi má trắng nhợt của anh ửng hồng lên. Vầng trán xinh như trán con gái biểu lộ thiên tài. Cuộc sống như hoa nở trên bộ mặt bình thản và tươi tắn đó. Ta tưởng như một đứa trẻ đang ngủ có mẹ che chở. Giấc ngủ của anh là một giấc ngủ khỏe khoắn, môi tươi đỏ để lọt ra một hơi thở đều đều và tinh khiết; anh mỉm cười, chắc là qua giấc mê được đưa tới một cuộc sống đẹp đẽ. Có lẽ anh sống tới trăm tuổi, có lẽ cháu chắt anh đang chúc thọ anh; có lẽ từ chiếc ghế dài quê mùa, dưới ánh nắng, ngồi dưới bóng cây, anh, như bậc tiên tri, từ đỉnh núi cao, nhìn thấy đất thánh ở một nơi xa xôi tốt lành.
- Mình đây rồi!
Những tiếng nói bằng một giọng trong trẻo đó làm tan những hình ảnh mịt mù trong giấc ngủ của anh. Dưới ánh đèn, anh thấy Pauline của anh ngồi trên giường, mà là Pauline đẹp ra vì xa vắng và đau đớn. Raphaël sững sờ nhìn bộ mặt trắng trẻo đó như những cánh một bông hoa dưới nước, và với làn tóc đen dài, càng như trắng thêm ra trong bóng tối. Những giọt nước mắt vạch những đường lóng lánh trên má nàng, đọng lại ở đó và chỉ khẽ một chút là rơi. Mặc đồ trắng, đầu nghiêng nghiêng và chỉ đụng nhẹ tới giường, nàng ở đó như một thiên thần từ trên trời xuống, như một bóng hiện hình mà chỉ một hơi thở có thể làm biến mất.
- Chao! Em đã quên khuấy cả rồi, - nàng thốt lên khi Raphaël mở mắt. - Em chỉ đủ lời để nói với anh: Em là của anh! Vâng, lòng em là cả niềm yêu thương. Chà, thần bản mệnh của em, chưa bao giờ anh đẹp đến thế này. Mắt anh nổi sấm sét. Nhưng em hiểu hết, thế đấy! Anh đã đi tìm nơi chữa bệnh mà không cho em đi... anh sợ em! Thế thì...
- Đi đi, để mặc tôi, - Raphaël giọng khàn khàn đáp.
- Đi đi kia mà. Em ở lại đây thì tôi chết mất. Em muốn trông thấy anh chết hay sao?
- Chết! - Nàng nhắc lại. - Anh có thể chết không có em được chăng? Chết à, nhưng anh còn trẻ. Chết à, nhưng em yêu anh! Chết, - Nàng nói thêm, giọng trầm từ cuống họng và điên cuồng nắm lấy tay anh.
- Lạnh rồi, - nàng nói. - ảo tưởng chăng?
Raphaël rút dưới đầu giường ra mảnh Da lừa, mong manh và bé bằng chiếc lá nhạn lai hồng, chỉ vào nó.
- Pauline, hình ảnh đẹp của cuộc đời đẹp đẽ của anh, chúng ta hãy vĩnh biệt nhau, anh nói.
- Vĩnh biệt ư? - Nàng ngạc nhiên nhắc lại.
- Phải. Đây là một tấm bùa nó làm thỏa mãn những ước muốn của anh, và hình dung tính mệnh anh. Em xem nó chỉ còn bằng ngần này. Nếu em còn nhìn anh nữa, anh sẽ chết...
Cô gái tưởng Valentin hóa điên. Nàng cầm lấy tìm bùa, và đi tìm đèn. Được soi bằng ánh sáng chập chờn, rọi cả vào Raphaël và tấm bùa, nàng chăm chú ngắm nghĩa cả mặt tình lang và mảnh còn lại của miếng Da lừa. Trông thấy nàng đẹp vì sợ hãi và yêu đương, anh không làm chủ được ý nghĩ của mình nữa: những. hồi tưởng về bao cảnh ái ân và niềm vui say đắm của tình yêu thắng thế trong tâm hồn anh đã từ lâu được ru ngủ, và bừng lên như một lò lửa chưa tàn.
- Pauline, lại đây, Pauline!
Một tiếng thét khủng khiếp thoát ra từ cuống họng người con gái, hai mắt nàng giương lên, lông mày giãn mạnh vì niềm đau đớn chưa từng thấy, xoạc ra một cách kinh khủng, nàng xem thấy trong mắt của Raphaël một sự thèm muốn điên cuồng, xưa kia là vinh dự của nàng; và sự thèm muốn đó càng mạnh lên thì miếng Da càng co lại buồn buồn trong tay nàng. Chẳng nghĩ ngợi gì hết, nàng chạy trốn sang phòng khách bên cạnh, đóng cửa lại.
- Pauline! Pauline - Kẻ hấp hối chạy theo nàng và thét lên.
- Anh yêu em, anh quý em, anh muốn em! Anh nguyền rủa em nếu em không mở cửa cho anh! Anh muốn chết bên em.
Do một sức mạnh phi thường, mảnh sinh lực cuối cùng, anh xô cửa đổ xuống đất, và thấy tình nương nửa mình trần nằm lăn trên một chiếc trường kỷ. Pauline đã định rạch ngực ra và không được, và để cho mau chết, nàng thắt cổ bằng chiếc khăn quàng.
- Ta mà chết thì anh ấy sống!
Nàng vừa nói vừa thít chặt nút khăn mà vô hiệu. Tóc nàng bơ phờ, vai trần, quần áo xộc xệch, và trong cuộc vận lộn với cái chết đó, mắt đẫm lệ, mặt bừng bừng quằn quại trong một niềm tuyệt vọng kinh khủng trước mắt Raphaël, say vì tình, nàng trông càng đẹp bội phần khiến cho anh càng thêm điên cuồng; anh nhảy xổ tới nàng nhẹ như một con chim săn mồi, xé toạc chiếc khăn quàng; và muốn được ôm nàng trong tay. Kẻ hấp hối tìm lời để nói lên sự thèm muốn, nó rút hết sinh lực của anh; nhưng anh chỉ thốt ra được những tiếng ú ớ từ hơi khò khè trong phổi, mà mỗi hơi thở rít lên dường như từ ruột mà ra. Cuối cùng không còn thốt thành tiếng được nữa, anh cắn vào vú Pauline. Jonathas hoảng hốt vì nghe thấy tiếng kêu, chạy vào và cố gỡ cái xác chết mà người con gái ngồi xổm lên trên ở một góc buồng.
- Bác định làm gì? - Nàng nói.
- Anh ấy là của tôi, tôi đã giết anh ấy, tôi đã chẳng đoán trước thế rồi đó ư?
Chú thích:
[1] Culy là giống vật ngủ cả mùa đông.
[2] Richelieu(1585-1642): Hồng y Giáo chủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền quân chủ chuyên chế Pháp.
[3] Arpent: Thước đo điện tích xưa, rộng từ 30 đến 51 ares (1 are = 100 mét vuông).
[4] Capucin: Thầy tu dòng Thánh Francois.
[5] Mica: Thứ đá từng có thể tách thành từng lớp mỏng, và trông như kính
[6] Schnetz (thế kỷ XIX): Hoạ sĩ Pháp vẽ tranh lịch sử và tranh sinh hoạt
[7] Tranh dân gian hài hước thời đó, dưới ghi chữ: "ông Tín dụng đã chết".
[8] Tranh Chúa Jesu bị khổ hình.
[9] Nguyên văn: Grenadier là lính ném lựu đạn.
[10] Một thứ lễ của nhà thờ Thiên chúa giáo: Nền thắp, cầu kinh...trong chín ngày liền.
[11] Trappistes: Tu sĩ dòng đạo chủ trương sáng rất khác khổ, lời dẫn trên đây là lời chào nhau buổi tối cua các tu sĩ đó.
[12] Diane: Nữ thần săn bắn trong thẩn thoại La Mã.
Bình luận truyện