Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 28: Tứ Hôn



Tin đồn ngày càng tệ hơn, trong thời gian ngắn, cả triều đình trên dưới đều nghị luận về vấn đề này, còn đem ân oán hơn 30 năm trước của hai người Tô Chương lôi ra lần nữa. Hiện giờ, nhân vật chính bị thảo luận không còn là thiếu niên Thám Hoa kia nữa mà đã thành Tô Kính Chi và Chương Đôn.


Tất nhiên, hai huynh đệ Tô Minh Kiệt cũng không thể thoát khỏi bị chú ý, hơn nữa còn bị đem ra so sánh với Tể tướng Chương Đình. Không ít người còn nghĩ, ân oán cũ giờ đã bị lật lại, chỉ sợ hai huynh đệ sau này sẽ bị Tể tướng đại nhân dựng chuyện rồi bị chèn ép. Chẳng qua bọn họ đã bị thất vọng, vì Tể tướng đại nhân hình như không hề có ý gì nhắm vào huynh đệ Tô gia cả.


Trong một gian phòng u ám, một âm thanh trầm thấp truyền đến.


"Đã điều tra rõ?"


"Vâng, đã xác nhận được, Tô Bác Nghệ đúng là tôn tử của Tô Kính Chi. Lời đồn bắt nguồn từ một quán trà lâu trong kinh thành, ban đầu là do một vị thuyết thư tiên sinh (1) đến từ Biện Kinh kể lại."


(1) Thuyết thư tiên sinh: người thích kể chuyện, lấy việc kể chuyện cho mọi người làm thú vui, đồng thời làm kế sinh nhai.


"Điều tra vị thuyết thư tiên sinh này có điều gì mờ ám không?"


"Đã điều tra rõ, người này thân thế trong sạch, mưu sinh bằng nghề kể chuyện ở các trà lâu tửu quán, không có gì đáng ngờ cả!"


"Vậy à..." Thanh âm già nua lại trầm xuống. Vuốt ve chiếc nhẫn phỉ thủy ở đầu ngón cái, lão già động năm ngón tay, nhìn xa xăm, thả hồn suy tư.


Một lúc lâu, lão già đột nhiên cao giọng gọi, "Người đâu, truyền chỉ!"


Một người tiến vào bên trong. Đó là Hàn lâm Học sĩ Thừa Chỉ, người chuyên nhận lệnh viết thánh chỉ cho hoàng đế. Dựa theo lời căn dặn của hoàng đế, Thừa Chỉ mài mực, viết ra một đạo thánh chỉ, sau đó dâng lên cho hoàng đế xem. Hoàng đế nhận lấy, nhìn kỹ một chút thấy không có vấn đề, liền cầm ngọc tỷ trên bàn ấn mạnh xuống, lưu lại ấn ký màu son đỏ của ngọc tỉ trên tấm vải.


Đóng dấu xong, hoàng đế đem thánh chỉ giao cho Thừa Chỉ, "Trước hết, đem thánh chỉ này gấp lại, đợi hai ngày sau hãy tuyên!"


"Vâng, bệ hạ!"


Dặn dò xong, hoàng đế cho Thừa Chỉ lui ra ngoài. Thừa Chỉ trong cầm thánh chỉ kia trong tay, nội tâm bị nội dung làm chấn động, lại liên kết với lời đồn trong dân gần đây. Cách làm việc của bệ hạ quả nhiên không ai có thể đoán được, tâm tư của bệ hạ đúng là rất khó dò!


Hai ngày sau, hoàng đế hạ chiếu chỉ, cho gọi các tân khoa Tiến sĩ vào cung tham dự Lộc Minh Yến. Kỳ thực những người tham dự Lộc Minh Yến này phần lớn đều là học tử địa phương, tham dự là để rèn luyện thực tiễn, hoặc để các quan lại địa phương khảo sát tìm kiếm nhân tài. Tuy nhiên, trong triều đại không tưởng này, Lộc Minh Yến hình như còn có một hình thức khác.


Đây là lần đầu tiên Lâm Dịch tham gia yến hội hoàng gia. Trong ngày tổ chức yến hội, Nghi loan ti (2) được yêu cầu sắp xếp một cách hoàn hảo mọi thứ, kể cả những tiểu tiết lặt vặt nhất quanh long sàng của hoàng đế, đồng thời cũng dựa theo thứ tự và cấp bậc của các đại thần mà bố trí chỗ ngồi. Thân vương, Tể tướng là những vị quan lớn, được xếp ngồi trên cao, học giả thì ngồi thấp hơn, những người còn lại thì ngồi trên chiếu, xếp hàng hai bên đại điện. Hàn lâm ti (3) có nhiệm vụ bày trí mâm trái cây, đồng thời chuẩn bị các món ăn ngon, "Điện thượng thuần kim, điện hạ thuần ngân. Thực khí giai kim lăng tất oản điệp (4)."


(2) Nghi loan ti: cũng gần với Hàn lâm ti, tuy nhiên, Nghi loan ti thiên về sắp xếp vai vế, cấp bậc, trong khi Hàn lâm ti thì sắp xếp những thứ nhỏ hơn.
(3) Hàn lâm ti: khác với Hàn lâm viên, có nhiệm vụ sắp xếp, bố trí các nghi lễ quan trọng, ví dụ như yến tiệc.
(2) (3) Trong một nghi lễ quan trọng, Nghi loan ti và Hàn lâm ti sẽ phối hợp với nhau cùng tổ chức. Nếu Nghi loan ti là chuẩn bị các dụng cụ phục vụ cho nghi lễ mang tính quan trọng thì Hàn lâm ti sẽ chuẩn bị đồ ăn, thức uống dùng trong các nghi lễ đó.
(4) Điện thượng thuần kim, điện hạ thuần ngân. Thực khí giai kim lăng tất oản điệp: Trên điện bố trí đồ vật làm bằng vàng, dưới điện bố trí đồ vật làm bằng bạc, chén bát đựng đồ ăn đều được làm bằng kim loại mạ vàng.


Lâm Dịch mặc dù là Thám Hoa nhưng vẫn chưa được phong quan, lẽ ra phải ngồi trên chiếu hai bên điện. Chỉ là hoàng đế có lệnh, để cho ba vị tam giáp được ngồi ở phía trên, vì thế hắn liền đi theo công công vào trong điện.


Yến hội được cử hành tại tử thần điện (5), hai bên bá quan văn võ trong triều đều được mời. Yến hội này chỉ có toàn nam nhân, vì thế cũng không ai mang theo gia quyến, mà bên cạnh hoàng đế cũng không có phi tử nào.


(5) Tử thần điện: đại điện mà xung quanh toàn sơn màu tím.


Sau khi tuyên bố bắt đầu tiệc rượu, việc đầu tiên là được rót rượu. Trong lúc rót rượu, một loạt các tiết mục biểu diễn như khẩu kỹ (6), tấu nhạc, vũ đạo... cũng đồng thời diễn ra. Sau khi bắt đầu uống rượu, mỗi lần nâng cốc điều phải có âm nhạc, vũ đạo, và tạp kĩ (7) biểu diễn. Những nam nữ tham gia biểu diễn đều mặc y phục rực rỡ, đồng thời cũng đều mang khăn choàng màu đỏ.


(6) Khấu kĩ: ca hát hay các tiết mục bằng miệng, tạo âm thanh để giải trí như giả tiếng thú vật, vân vân.
(7) Tạp kĩ: xiếc.


Tiết mục được biểu diễn một nửa thì như thường lệ, hoàng đế sẽ khảo sát tài học của các tân khoa Tiến sĩ, chủ yếu là ra đề mục để các sĩ tử bắt đầu làm thi phú. Lâm Dịch cũng thuận theo mà viết hai bài, không quá màu mè cũng không quá kém, phù hợp với thân phận Thám Hoa của hắn.


Vốn tưởng, đến là chỉ uống chút rượu, ăn chút đồ ngon như các tiệc rượu trước đây. Song, lúc nào cũng có chuyện xảy ra để khiến người khác phải bất ngờ.


"Thám Hoa lang tuổi còn trẻ như vậy mà đã một bụng kinh thư, văn chương thao lược như vậy thật khiến người bình thường không sánh kịp!" Hoàng đế nhìn Lâm Dịch, cười nói. Chỉ là ý tứ trong đôi mắt đục ngầu kia rất mơ hồ, khiến người khác không thể đoán được ý đồ của ngài.


Lâm Dịch vội vàng đứng dậy, cung kính đáp, "Bệ hạ quá khen, học sinh chỉ đỗ đến tam giáp tầm thường, tự lấy làm hổ thẹn!"


"Tuổi còn trẻ, không kiêu ngạo, không nóng vội, thật hiếm có!" Hoàng đế nói xong, ánh mắt liếc xuống văn võ bá quan bên dưới, đến Tể tướng Chương Đình thì dừng lại, "Chương ái khanh, ngươi thấy có đúng không?"


Chương Đình nghe thấy hoàng đế nhắc tên, nheo mắt, khó hiểu nhìn lên vị trí trên cao, nơi hoàng đế đang ngồi, cẩn thận đứng dậy đáp, "Thám Hoa lang là thiếu niên anh kiệt, học phú ngũ xa, thái độ làm người khiêm tốn hiểu biết, vừa có đức vừa có tài, nếu thần có một nhi tử như vậy, chỉ sợ cả nằm mơ cũng sẽ mỉm cười!"


"Ái khanh nói phải!" Hoàng đế dường như rất hài lòng với lời của Chương Đình, cười mà lên tiếng. Một lúc sau, hoàng đế ngưng cười, thích thú nói, "Muốn Tô Thám Hoa trở thành nhi tử của Chương ái khanh không phải không có khả năng, chỉ có điều..."


Hoàng đế nói đến một nửa thì kéo dài âm thanh, đám người dưới lập tức đề cao cảnh giác, trong mắt Chương Đình cũng hiện lên tia phòng bị. Hoàng đế thấy vậy, trên môi ý cười càng sâu, "Làm nhi tử không được thì làm bán tử (8) cũng không tồi!"


(8) Bán tử: con rể.


Một người con rể cũng như là một nửa con ruột!


Lời vừa nói ra, sắc mặt mọi người đều biến hóa. Một chiêu này của hoàng đế đã làm xáo trộn hoàn toàn mưu tính của bọn họ, nhất là hai người Cung Vương và Vũ Vương. Cung Vương vừa nghe vậy, định bật người đứng dậy phản bác thì đã bị người bên cạnh ấn xuống. Còn Vũ Vương thì siết chặt chén rượu trong tay, trên mặt vẫn tỏ ra ôn hòa, chỉ là nếu nhìn kĩ sẽ thấy nét tối tăm trong mắt hắn.


"Không thể!" Chương Đình thốt ra, vừa nói xong liền ý thức được mình đã thất lễ.


Hoàng đế thu ý cười trên mặt, nhìn xuống, "Lời ái khanh là có ý gì? Không phải là ghét bỏ Tô Thám Hoa đấy chứ?"


"Không có, ý thần là tiểu nữ tuổi còn nhỏ, phu nhân ở nhà cùng vi thần đã từng bàn với nhau, hi vọng đợi thêm hai năm nữa mới chọn rể cho con. Thần e rằng như vậy sẽ làm lỡ chuyện của Thám Hoa lang!"


"Nếu trẫm nhớ không nhầm, ái khanh có ít nhất một nữ nhi đang ở tuổi nhị bát phương linh (9) thì phải!"


(9) Nhị bát phương linh: giống với Nhị bát phương hoa, tức là 2 x 8, là 16 tuổi.


Hai bên thái dương lấm tấm mồ hôi, Chương Đình trả lời đầy khó khăn, "Bẩm bệ hạ, thần có tổng cộng ba nữ nhi chưa gả, hai đại nữ nhi năm nay mười bảy tuổi, ấu nữ (10), do phu nhân sinh ra, năm nay vừa tròn mười sáu!"


(10) Ấu nữ: nữ nhi nhỏ tuổi hơn.


Hoàng đế nghe xong, im lặng một hồi, khiến bầu không khí càng trở nên căng thẳng hơn. Đám người dưới dù không dám lên tiếng nhưng trong lòng đã rối loạn cả lên. Xem ra bệ hạ nhất định muốn làm mai cho nữ nhi của Chương tướng gia đến cùng. Nhưng mà Chương tướng gia có đến ba nữ nhi chưa gả, rốt cuộc bệ hạ muốn gả người nào cho Tô Thám Hoa đây?


Cung Vương và Vũ Vương cùng đợi kết quả, song cả hai đều nghĩ, môn đình (11) của Tô Bác Nghệ không cao, kết đôi với thứ nữ của Tể tướng sẽ không sai. Chắc phụ hoàng không đến mức để một người đường đường là đích nữ của Thừa tướng lại bị gả vào gia đình thấp kém như vậy đi?


(11) Môn đình: ý nói gia thế. Môn đình không cao: ý là gia thế thấp hèn.


Lâm Dịch cũng trầm mặc, nhưng là vì bị tình huống bất ngờ làm hoảng sợ, chẳng lẽ từ xưa đến nay, hoàng đế đều thích làm mai mối sao?


Rất lâu sau, hoàng đế rốt cuộc cũng lên tiếng, âm thanh kéo dài, "Mười sáu à! Mười sáu cũng không còn nhỏ!"


Lời này lại một lần nữa khiến mọi người căng thẳng.


Hoàng đế đảo ánh mắt sắc bén nhìn quanh, tầm mắt di chuyển đến mấy hoàng tử rồi dừng lại, con ngươi hiện lên nét thâm sâu, cuối cùng lại chuyển đến trên người Tể tướng.


"Hôm nay trẫm sẽ làm bà mai một lần, vì ái khanh mà chọn rể hiền, ái khanh không được cô phụ ý tốt của trẫm đấy!"


"Vi thần không dám!"


Hoàng đế quét mắt nhìn Chương Đình một cái, sau đó hướng người phía sau ra hiệu.


"Người đâu, tuyên chỉ!"


Bên dưới, tất cả mọi người đều quỳ xuống.


"PHỤNG THIÊN THỪA VẬN


Hoàng đế chiếu viết: Nghe nói nữ nhi của Tể tướng Chương Đôn, Chương Thiển Ngữ, là người hiền thục trang nhã, ôn lương đôn hậu, kính cẩn đoan mẫn, Thái hậu và trẫm cùng lấy làm vui mừng. Nay có Tân khoa Thám Hoa Tô Bác Nghệ văn võ song toàn, hành hiếu hữu giai, vừa đến tuổi lập thê, xứng là người có đức để kết duyên cùng tài nữ. Khuê nữ Chương thị Chương Thiển Ngữ cùng Thám Hoa lang có thể nói là trời sinh, tạo thành một đôi giai nhân tuyệt sắc. Thế nên đặc biệt đem Chương Thiển Ngữ gả cho Thám Hoa Tô Bác Nghệ làm thê, tùy ý chọn ngày thành hôn.


Khâm thử!"


Chương Đình nghe vậy, trên mặt một mảnh xám tro, trong mắt hiện lên tia bất mãn, nhưng mà vẫn phải quỳ xuống tạ ơn.


"Thần... Cảm tạ long ân của bệ hạ!"


Lúc này, mọi người chỉ nhìn thấy Tể tướng miễn cưỡng tiếp chỉ mà không ai nhìn ra được, thật ra lúc Chương Đình cúi đầu, khóe miệng của y có nâng lên, như thế thì có chút nào miễn cưỡng đây.


Hoàng đế lúc này tự cho là khôn khéo nhưng lại đoán sai ý đồ của Chương Đôn rồi. Đem Chương Thiển Ngữ gả đến Tô gia vốn nằm trong kế hoạch của Chương Đôn. Những biểu hiện nhiều ngày qua của Chương Đình hết thảy đều là theo ý của Chương Đôn mà thôi. Phụ thân quả nhiên liệu sự như thần, ngay cả phản ứng của bệ hạ cũng đoán được!


Từ khi thánh chỉ tứ hôn ban ra, tâm tư của mọi người không còn ở trong tiệc rượu nữa. Mấy vị Vương gia bị một chiêu này của hoàng đế làm xáo trộn trận tuyến, vội vã cùng phụ tá thương lượng đối sách mới. Còn bá quan văn võ thì nghĩ đến tin đồn gần đây về ân oán cũ của hai nhà Tô Chương, hiện tại bệ hạ lại ban ra thánh chỉ tứ hôn này, không biết hai nhà này hợp lại sóng gió sẽ đến mức nào đây!


Nhắc đến còn có một người bất lực trước việc này là Lâm Dịch. Hắn đang nhìn thánh chỉ trong tay, là thánh chỉ được làm bằng vải dệt Giang Ninh, chuyên cung cấp cho hoàng cung để làm thánh chỉ, là dùng chỉ mà dệt hoa văn nổi. Trên hoa văn có hạc tiên, sư tử, quyển vân, đồ án vừa tươi sáng vừa muôn màu muôn vẻ, lại khoan thai mà quý giá.


Hai đầu thánh chỉ được dệt bằng hoa văn nổi, là hình ngân long (12) đang bay lượn. Bốn chữ triện "Phụng Thiên Cáo Mệnh" theo phong cách cổ đoan trang, nhìn toát lên cảm giác uy nghiêm trang trọng. Hành văn trong thánh chỉ thẳng hàng, từ phải sang trái, chữ thư pháp nhỏ thẳng thớm, khí độ ung dung, mượt mà phóng khoáng, bố cục tương hỗ, tạo sự hứng thú trầm bổng, nét chữ cao vút, giống như phù điêu chạm nổi, cho dù sẽ trải qua biến cố thời gian, phong thái hẳn sẽ không bị giảm đi.


(12) Ngân long: rồng bạc.


Có thể nói, thánh chỉ này thật xứng là một tác phẩm nghệ thuật. Trong đó vừa có bao hàm thư pháp, thứ tú (13), cách tạo bố cục và hội họa, còn có cả dấu ấn ngọc tỉ như tê ngưu chuyển trục (14). Nhưng, những thứ này đối với Lâm Dịch mà nói cũng không có gì đáng nói, cái chính là nội dung kia. Hiệu lực được giao phó trong thánh chỉ mới khiến hắn phát sầu. Một miếng vải hơn 30 thước này thôi lại có thể quyết định việc chung thân đại sự của hắn, quyết định rằng hắn sẽ phải cưới một nữ tử xa lạ chưa từng gặp mặt, quyết định tương lai của hắn và nữ tử tên Chương Thiển Ngữ kia sẽ là chung sống cả đời!


(13) Thứ tú: thiêu thùa.
(14) Tê ngưu chuyển trục: chuyển động xoay vòng như bò tót.


Hiện tại hắn tuyệt đối không hề muốn Chương gia và Tô gia có quan hệ gì cả, chỉ là việc cùng với một nữ tử thành thân đã đủ khiến hắn phiền muộn lắm rồi, vì thế khi Cung Vương bên cạnh vẫn luôn dùng ánh mắt tàn độc liếc hắn, hắn cũng không mảy may chú ý đến.


Nghĩ tới nghĩ lui, kết cục hết thảy đã được quyết định, hắn cũng không thể nào làm cái chuyện kháng chỉ được, lúc này Lâm Dịch chỉ có thể tạm thời mượn chén rượu này để thôi miên chính mình. Không phải là nhất túy giải thiên sầu sao (15)? Có lẽ, khi say rồi sẽ không phải suy nghĩ nhiều như vậy!


(15) Nhất túy giải thiên sầu: một chén rượu có thể giải ngàn ưu tư.


_____________________________


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện