Mùa Hè Mang Tên Em

Chương 7



Kết thúc tiết học chiều, ăn cơm xong thấy còn ít thời gian, Thịnh Hạ đi dạo cửa hàng văn phòng phẩm ở gần trường.

Cô thích mua các thứ văn phòng phẩm mẫu mã đa dạng, thích bút đầu ngòi 0.38, đã mua đủ các màu trong bảng màu Morandi trừ đỏ, xanh dương và đen, và vỏ bút nhất định phải đẹp; sổ ghi chép thì mỗi môn một quyển, cả nhãn vở cũng chia mỗi môn một màu riêng, nếu gặp loại yêu thích thì tiết kiệm cỡ nào cũng phải mua.

Có lẽ nhìn cô rất có phong thái của khách chịu chi nên ông chủ lập tức nhận ra rồi đưa cho cái giỏ. Không ngoài dự đoán, chỉ chốc sau giỏ hàng đã được chất đầy đồ.

Mới khai giảng, còn phải mua giấy gói để bọc sách, còn phải mua theo cả bộ, trong đó mỗi màu phải có chất riêng.

Thịnh Hạ ngồi xổm bên thùng giấy chọn màu.

“Hử, Trương Chú, lại có hàng tốt mang bán à?”

Tiếng ông chủ từ ngoài cửa vọng vào, gọi lên cái tên quen thuộc.

Thịnh Hạ bất giác quay đầu, nhìn ra cửa qua kẽ hở giữa giá bày hàng. Tầm nhìn nhỏ hẹp kéo cái dáng cậu trai ra càng có vẻ dong dỏng.

Trương Chú cầm túi một bên tay, đi từ hướng ngược sáng. Gió chiều khô nóng thổi tóc mái cậu bay tán loạn, ráng chiều nhảy nhót trên những sợi tóc ngắn.

Một bên vai cậu đeo cái cặp sách rất đỗi bình thường. Cậu lấy một cuốn sách ra khỏi cặp đưa cho chủ tiệm.

Khuất tầm nhìn khiến cô không trông rõ là sách hay vở gì, chỉ nghe cậu hơi cười, “Vở hóa với lý, bác xem có được không?”

“Ấy, vở của Trương Chú thì có gì mà không được. Vở toán của cháu bán được lắm, cuốn này vẫn giá cũ nhé. Để bác xem sức mua thế nào, nếu đợt in đầu tiên mà bán hết thì sẽ trả thêm.”

“Vâng.”

Thịnh Hạ nhìn thấy mấy tờ tiền giấy mệnh giá một trăm tệ. Cô không nhìn rõ là có mấy tờ, chỉ biết tổng cộng số tiền khoảng vài trăm.

Cậu nhận số tiền, ngón tay búng mấy tờ tiền vang vang. Cậu cúi đầu, hơi cong môi, điệu cười như tự giễu cợt, nét mặt không còn vẻ thờ ơ thường ngày.

Cũng nhờ góc nhìn này mà dường như cậu nhận thấy điều gì, bỗng quay về hướng Thịnh Hạ.

Còn Thịnh Hạ thì chẳng biết do quá nhạy cảm với nguy hiểm hay nhờ kinh nghiệm mà trước khi mắt giao vào mắt, cô đã quay đầu đi.

Có kệ hàng che tầm nhìn, chắc là cậu… không nhìn thấy cô đâu.

Rốt cuộc nghiệt duyên gì xui rủi cô cứ bắt gặp cậu thế?

Tuy chưa tiếp xúc gần gũi với bạn khác giới nào, Thịnh Hạ vẫn biết ít “tiếng lóng” của bọn con trai.

Hồi còn học ở Nhị Trung, nhà trường không quản lý quá nghiêm khắc, số ít nam sinh vốn tính lưu manh, thêm nhiễm cách hành xử giang hồ mà khi trong trường vẫn thường ăn nói không đứng đắn, khi bàn luận những chuyện người lớn cũng không giữ ý với bọn con gái.

Những thư mục được đặt tên “bài tập hóa” “bài tập lý” “đề ôn toán” “hướng dẫn ôn tập” lưu trong máy tính các cậu này, chưa bao giờ đúng là tài liệu học tập.

Thực lòng cô không nghĩ ra nổi thứ tài liệu học tập nào có giá bán tới vài trăm tệ.

Trừ phi thứ họ giao dịch chính là những thứ cô nhìn thấy trong cặp sách của cậu hôm ấy.

Vừa nghĩ vậy, Thịnh Hạ giật mình lạnh buốt sống lưng – bọn họ in ấn những thứ đó ra bán lại?

Làm như vậy không chỉ phạm pháp mà còn là một tội lỗi.

Nỗi sợ trào lên trong lòng khiến cổ gáy cô bắt đầu vã mồ hôi.

Hơn nữa cô còn chưa nghe tiếng bước chân cậu rời đi.

Tiếng ông chủ lại vọng vào tai, “Sao vậy, định mua bút hả? Cứ chọn đi, thích cái nào bác tặng.”

Bút…

Sau lưng Thịnh Hạ chính là quầy bút nước…

Cô ý thức được tay mình đang run.

Mấy giây trôi đi, tiếng thiếu niên lẫn trong nụ cười vọng tới: “Không lấy không của bác. Cháu đi đây.”

Ông chủ: “Với bác còn khách sáo cái gì!”

“Cháu đi đây ạ.” Giọng nói đã rất nhẹ.

Thịnh Hạ lắng nghe tiếng bước chân Trương Chú dần xa, mới phát giác đôi chân đã tê rần. Cô không còn tâm trạng nào mà lựa chọn, lấy đại mấy cuộn giấy trông được mang ra thanh toán.

Ông chủ đang cất cuốn vở kia xuống dưới quầy thu ngân.

Sau đó tươi cười tính tiền cho cô, dáng vẻ như chẳng có việc gì.

Đến khi cô vào lớp, Trương Chú đã ở trong lớp học. Có một bạn nam đang hỏi cậu về bài làm, cậu cầm bút viết công thức ra giấy nháp rồi giảng giải cho bạn.

Bạn nam trông thấy Thịnh Hạ đứng ở cửa sau, cho rằng mình chắn đường nên lịch sự tránh sang một bên. Cũng chính lúc này, Trương Chú ngước lên nhìn cô một cái.

Là cái nhìn theo bản năng khi bị người ta cắt ngang giữa chừng, nhìn xong thì tiếp tục giảng giải.

Giọng nói vẫn một vẻ từ tốn, dáng điệu vẫn một vẻ thong dong.

Như chẳng hề có chuyện gì.

Người có vấn đề chỉ một mình cô đây.

Đầu óc Thịnh Hạ chỉ toàn suy nghĩ “cậu ta thấy mình rồi” “chắc cậu ta không thấy mình đâu” “cậu ta có thể thù mình vì chuyện này không” “cậu ta có thể lôi mình ra chỗ không người cảnh cáo không” các kiểu, dường như chính cô mới là người đã làm chuyện trái lương tâm.

Bạn nam hỏi bài đã đi, lối đi trở nên thông thoáng. Bỗng Thịnh Hạ thấy như có gai đâm vào lưng, cứ cảm giác Trương Chú chốc chốc lại nhìn mình.

Tuy thế cô không dám chắc chắn, hơn cả là không dám quay lại xác nhận, thành thử chỉ có thể nghịch linh tinh để khiến mình ngó lơ chuyện này.

Cô cắt giấy theo kích thước của sách, thay vỏ ngoài cho từng quyển, tỉ mỉ xếp nếp, gấp cạnh giấy, vẽ khung bìa sách ngoài viền bao, dán nhãn nổi lên gáy sách, viết tên sách vào, xếp gọn gàng từng quyển theo màu giấy bao, kế đó bày lịch ngày mini để bàn và ống đựng bút bằng pha lê mới mua bên cạnh.

Hoàn thành tất thảy, cô dọn gọn mớ giấy vụn, trên mặt bàn sạch sẽ chỉ còn sách vở và văn phòng phẩm cùng phong cách, gọn gàng ai nhìn cũng mê.

“Ôi Hạ Hạ, cậu bọc sách đẹp quá!” Tân Tiểu Hòa vừa vào lớp đã cảm thán.

Thịnh Hạ cảm thấy rất thành tựu: “Thật hả?”

Tân Tiểu Hòa khen không tiếc lời: “Đẹp quá là đẹp luôn, mình hâm mộ không để đâu cho hết. Đây chính là bàn học của tiên nữ đấy hả?”

Thịnh Hạ rất vui: “Cậu muốn bọc sách không, mình làm hộ cậu nhé?”

Tân Tiểu Hòa vừa mừng vừa ngại: “Thật hả?’

“Ừ.” Thịnh Hạ gật đầu.

Hai mắt Tân Tiểu Hòa lóe sáng: “Mình hạnh phúc quá.”

Lúc này Dương Lâm Vũ và Hầu Tuấn Kỳ nối đuôi nhau đi vào lớp học. Dương Lâm Vũ lại chọc chửi như bình thường: “Mấy thứ văn nhã kiểu này không hợp với cậu đâu, Tân Tiểu Hòa.”

Hầu Tuấn Kỳ cũng cười khà khà, cầm quyển sách ngữ văn được gói giấy họa tiết hoa nhí với viền cạnh mạ vàng trông như bức tranh sơn dầu hoài cổ, “Thật đấy, nữ tính chết đi được, không hợp với cậu đâu bạn Hòa à.”

“Các cậu rảnh nợ à, quan tâm lắm thế? Mình thích, mình cứ làm đấy.” Tân Tiểu Hòa không thèm để ý, ánh mắt lại chuyển sang mấy cây bút nước xinh xinh cắm trong ống bút, “Hạ Hạ, phú bà, Elsa, Pocahontas, Alice, Barbara! Có phải hơi hoành tráng quá rồi không?”

Dương Lâm Vũ: “Nói mấy cái gì vậy?”

Không ai để ý tới cậu chàng.

Thịnh Hạ thấy hơi ngại.

Vốn là định chọn trước rồi đến khi tính tiền sẽ lọc lại một lần, nhưng vì sợ quá nên hồn vía bay hết cả, chẳng tâm trạng đâu chọn lựa nữa mà cứ thứ mang ra tính tiền, cuối cùng mua cả giỏ đồ tiêu hết hơn ba trăm tệ.

Cô cũng xót ruột lắm chứ.

“Kém cỏi thì phải chuẩn bị trước mà,” Thịnh Hạ chuyển chủ đề, “Chắc chắn sẽ có rất nhiều bài tập phải làm, nên mình tìm thêm ít động lực.”

Tân Tiểu Hòa nói: “Vì cây bút xịn đẹp thế này, chắc chắn lần tới cậu sẽ không đội sổ nữa!”

Thịnh Hạ: “…” Thực ra có thể không cần nhắc chuyện đấy đâu.

Dương Lâm Vũ: “Phì!”

Hầu Tuấn Kỳ: “Ha ha ha há há há khỉ thật cậu đúng là thiên tài xã giao!”

Bấy giờ Tân Tiểu Hòa mới nhận ra lời mình hơi không ổn, cuống cuồng chữa cháy: “Hạ Hạ làm việc đúng là khoa học, có chuẩn bị trước thì mọi việc thuận lợi mà nhỉ!”

Một tiếng cười bật qua khoang mũi từ bên phải truyền đến. Tiếng cười rất khẽ, Thịnh Hạ lại nghe rõ mồn một.

Tiếp sau đó, cái người luôn có vẻ đứng ngoài mọi chuyện kia đạp lên ghế khoan khoái duỗi người, chen lời: “Nghĩa là học sinh kém thì đồ dùng học tập nhiều?”

Tân Tiểu Hòa: “…”

Dương Lâm Vũ: “…”

Hầu Tuấn Kỳ: “Ha ha ha há há há Trương Chú cậu đúng là thánh bắt chuyện!”

Thịnh Hạ: “…”

Hình như đây là lần đầu tiên Trương Chú nói chuyện với cô.

Tuy thực tế không phải nói với cô mà chỉ là tham gia cuộc trò chuyện, trong lòng Thịnh Hạ vẫn reo vang hồi chuông cảnh cáo: Chắc chắn cậu ta thấy mình rồi.

Giờ cậu ta đang bắt đầu trả thù cô đây.

Chuông vào giờ tự học tối vang lên chính trong lúc Thịnh Hạ đang hoảng hốt rối loạn. Thoắt chốc cô quên khuấy đi nỗi sợ với Trương Chú, nguyên nhân vì còn có điều đáng sợ hơn đang chờ —

Chẳng biết từ lúc nào, trên bảng đen đã viết chi chít mớ bài tập.

Cuối cùng Thịnh Hạ đã hiểu nguyên do các bạn tranh nhau làm cán sự bộ môn. Có thể nói thế này, lượng bài tập buổi tối của các môn nhiều hay ít có một nửa được quyết định bởi cán sự bộ môn.

Giáo viên sẽ giao bài tập buổi tối cho lớp thông qua cán sự bộ môn, người này có thể xem xét lượng bài tập các môn khác mà tăng giảm lượng bài tập môn mình phụ trách cho phù hợp. Đây là một việc rất thể diện.

Tân Tiểu Hòa nói: “Mới khai giảng nên vẫn chưa nhiều đâu. Đợi qua thời gian nữa quen dần rồi, cán sự các môn còn phải tranh nhau diện tích bảng, nếu không thì chẳng có chỗ mà viết.”

Thịnh Hạ chết máy, thế này mà còn chưa nhiều?

Toán: Ngày 5 tháng 8“Đọc hiểu giáo trình toàn diện”: trang 1-3;“Bám sát bài giảng trên lớp”: tất cả bài học hôm nay!!Sửa đề thi cuối kì của học kì trước, tổng hợp các lỗi sai;“Nâng cao tốc độ làm bài”: trang 1-2;“Danh sư nhất hào”: trang 1-5;Soạn bài, làm ví dụ trang 10-22 sách giáo khoa.Chỉ môn toán thôi chắc cô đã phải làm cả đêm.

Rồi còn ngữ văn, vật lý…

Cả môn anh văn và hóa học dù không có tiết hôm nay cũng xuất hiện góp vui.

Thịnh Hạ: “Thế, thế này thì sao làm hết được?”

Không thể ngờ mới đó lý do mua sắm quá tay cô thuận miệng bịa ra đã thành sự thật.

Trương Chú cúi đầu làm đề, nói mà đầu không buồn ngẩng: “Dùng bút pha lê tiên ma Balala mà làm.”

Thịnh Hạ: “?”

Sao hôm nay cậu ta chen lời suốt vậy?

Chắc chắn đã nhìn thấy cô rồi.

Tân Tiểu Hòa dạt Thịnh Hạ ra, tức tối vặc lại: “Vãi cả tiên ma, là công chúa Disney Barbara rõ chưa?”

Trương Chú ngẩng lên, tay đẩy mắt kính, điệu bộ không thèm để tâm, “Ờ, nếu cậu cảm thấy chúng khác nhau.”

Tai to cãi nhau, Thịnh Hạ chọn cách im lặng là vàng.

Tân Tiểu Hòa vỗ vai cô: “Không cần lo, gần như không có ai làm hết bài tập được đâu. Cậu cứ yên tâm, từ từ mà làm.”

Thịnh Hạ vẫn ôm tia hi vọng: “Gần như?”

“Ờ,” Tân Tiểu Hòa hất cằm chỉ sang bên phải, ánh mắt rõ là không phục nhưng lại không thể không thừa nhận, “Tên đấy thì làm hết được.”

Cậu đã làm đề ôn tập sau bài học ngay trong giờ lên lớp. Thầy cô giảng đến phần quan trọng cậu nghiêm túc lắng nghe, còn những khi giảng chậm thì ngồi tự làm đề. Không phải ai cũng có thể làm cả hai việc cũng một lúc như vậy.

Mà cũng chẳng học theo được.

Thịnh Hạ hỏi: “Thầy không kiểm tra hả?”

Tân Tiểu Hòa nhún vai: “Hơi đâu mà kiểm tra, làm bài tập cũng chẳng để tốt cho các thầy. Nếu tự cảm thấy môn nào không học tốt thì cứ tập trung làm bài môn đó. Thầy cô giao bài là chuyện của thầy cô, mục đích chỉ là để cung cấp cho chúng ta công cụ tự củng cố và luyện tập, còn bản thân vẫn phải là người tự phán đoán xem mình cần chú trọng mặt nào. Gọi là giờ tự học tối mà, không cho giáo viên mượn giờ chạy bài chính là để cậu tự tìm tòi suy ngẫm.”

Lý luận này rất khác với điều Thịnh Hạ đã được dạy. Vốn dĩ cô cho rằng giáo viên của trường trung học phụ thuộc sẽ vô cùng nghiêm khắc, sẽ theo sát phía sau thúc giục học sinh học tập, không ngờ thực tế lại áp dụng phương thức nửa cưỡng chế nửa tự học này.

Nếu ngay từ lớp 10 đã được học theo cách này, thì với học sinh, đây sẽ là cả một quá trình tự hiểu rõ bản thân và tự mình tiến bộ.

Quan trọng là cách làm, không phải kết quả.

Một khi xây dựng được thói quen và năng lực tự học, hệ quả sẽ tác động đến cả cuộc đời. Đặc biệt là sau khi lên đại học, nó sẽ giúp bản thân vượt xa những người cùng tuổi.

Còn bây giờ, Thịnh Hạ chính là “người cùng tuổi” trong câu trên.

Tiếp nhận kiểu giáo dục học tập ép buộc suốt mười mấy năm nay giờ bỗng bị thả vào môi trường tự học, Thịnh Hạ chỉ thấy hoang mang tột độ.

Cô nhìn mớ bài tập chi chít trên bảng, thất thần rất lâu, không biết nên bắt đầu từ chỗ nào, không thể phân biệt cái nào quan trọng, cái nào không. Để không làm mình nhụt chí, cô lựa chọn môn văn và tiếng Anh sở trường trước tiên. Tuy vậy học văn ngôn được một lúc, tham khảo một số bài văn mẫu, học thuộc một số từ vựng, một tiết học đã trôi qua, tiết thứ hai cố lắm cũng chỉ làm được một nửa số đề luyện tập môn toán.

Cuối cùng cô ôm mớ bài tập còn lại về nhà chong đèn học tiếp.

Vương Liên Hoa bưng cho cô cốc sữa bò ấm, không dặn gì nhiều, đến mười một rưỡi thấy đèn bàn còn sáng mới nhắc Thịnh Hạ đi ngủ.

Trước khi ngủ, cô lấy điện thoại ra kiểm tra. Khung trò chuyện vẫn không một động tĩnh, bí thư Thịnh cũng chẳng hề hồi âm. Nhưng bố có gọi một cuộc điện thoại, tất nhiên là cô không thể nghe máy.

Đang định tắt máy tắt đèn bỗng chợt nghĩ tới điều gì, cô mở trình duyệt điện thoại, nhập tìm kiếm: Sao chép buôn bán sách cấm có phạm pháp không…



Một tuần sau đấy, Thịnh Hạ phải cố gắng thích nghi với trường học mới, không ngừng thay đổi nhận thức về trường trung học phụ thuộc.

Về tổng thể nhà trường quản lý rất “lỏng”, ngoài giờ học học sinh không bị cấm cửa, học sinh nội trú cũng có thể tự do ra vào, bình thường có thể mang theo điện thoại thậm chí cả máy tính, cho phép câu lạc bộ phát triển và cung cấp cả kinh phí duy trì, còn tổ chức hội diễn “Ngũ Tứ thịnh điển” cho các câu lạc bộ có cơ hội biểu diễn thể hiện, đến câu lạc bộ kịch nói, câu lạc bộ anime hay câu lạc bộ văn học cũng được không ít học sinh biết đến. Nhưng trường cũng có quy định là tất cả học sinh lớp 12 phải rút khỏi các câu lạc bộ, như Tân Tiểu Hòa vừa mới rút khỏi câu lạc bộ anime. Ngoài ra, cô còn nghe nói Trương Chú từng ở trong câu lạc bộ âm nhạc.

Khó tin nhất là các kì thi quan trọng như thi tháng lại không hề sử dụng đề đóng và coi thi gắt gao. Mỗi lần thi sẽ di chuyển hai dãy học sinh ra hành lang, số còn lại vẫn ngồi trong lớp nhưng giãn khoảng cách ra, sách vở cũng không cần cất hết mà cứ để đó rồi làm bài, chỉ cần muốn là có thể giở sách ra xem. Nhưng ai nấy đều biết mục đích kiểm tra là để phát hiện ra những điểm mình còn yếu kém, gian lận sẽ bị các bạn coi thường nên gần như không ai mất công làm cái việc lừa mình dối người ấy.

Rốt thì đến khi thi cuối kì vẫn phải hiện nguyên hình.

Ví dụ như Hầu Tuấn Kỳ, cậu chàng từng vì phần thưởng một nghìn tệ bố đưa ra mà vừa chép bài Trương Chú vừa tra trên điện thoại, đạt được thứ hạng mười lăm của lớp. Nhưng trừ bản thân cậu ta thì không ai thừa nhận kết quả này, những người xếp hạng sau mười lăm vẫn tự động tăng thêm cho mình một hạng khi nói về thành tích của bản thân.

Ngay đến bản thân Hầu Tuấn Kỳ cũng nói khoảng thời gian đó cậu ta hệt như người đã chết rồi, sống mà chẳng có ý nghĩa.

Năng lực một người thế nào, ai ai cũng biết cả.

Mỗi tối Thịnh Hạ đều mang bài tập chưa làm xong về nhà, cố gắng tới mệt nhoài vẫn không thể làm xong.

Nhưng trong mắt Vương Liên Hoa, việc này lại cho thấy cuối cùng cô đã thông suốt. Trung học phụ thuộc quả đúng là trường giỏi, mới đó đã khiến con gái chăm chỉ hơn hẳn.

Cô biết giải thích thế nào được?

Cô không muốn làm học sinh kém đồ dùng học tập nhiều.

.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện