Mùa Trôi Trên Quang Gánh

Chương 22: Cồn cào nhớ những tết xưa



Năm nào chả Tết. Vậy mà nhớ. Giữa cái no đủ, giảm “thiêng” của Tết nay, lại thấy cồn cào, rưng rưng nhớ những Tết xưa. Thuở đói, thiếu, nghèo mà xôn xao náo nức. Đúng là vui như Tết. Và thèm một lần có lại những cảm xúc rất đỗi con trẻ ấy.

Tết đến sớm với người lớn bằng nỗi lo toan, còn với lũ trẻ, Tết đến sớm bằng những manh quần, tấm áo của những đứa nhà khá giả. Năm ấy, rộ lên “mốt” loại giày nhựa đủ màu sắc, đẹp như hài công chúa. Tôi chơi thân với hai đứa con gái nhà giàu. Từ lúc chợ rục rịch bày bán gấc đỏ, lá dong đã thấy chúng đua nhau diện giày mới. Cái Loan có đôi giày trắng, cái Huyền thì đi đôi giày đỏ. Đôi hài ôm sát chân chúng, nổi bần bật, làm đứa nào cũng như bỗng chốc biến thành thiếu nữ, dù mới chỉ học lớp 4.

Thân nhau lắm, nhưng đôi giày thì cùng lắm tôi chỉ được xỏ chân vào thử một lần duy nhất. Ngay cả khi bỏ ra để chơi nhảy dây, hai đứa cũng khư khư vừa cắp giày vào nách vừa... nhảy. Chính vì thế, tôi nổi cơn thèm. Nhất là lúc đôi dép cụt mõm của tôi đã đứt, chỉ còn dính tí nan ở đầu mõm. Nhất là mỗi khi chúng sang nhà tôi chơi, mẹ tôi lại nắc nỏm khen đôi giày đẹp quá mà chẳng tỏ ý sẽ mua một đôi như thế cho tôi.

Thế là tôi lập kế hoạch có bằng được một đôi hài công chúa ấy để diện Tết. Tôi đi nhiều hơn, chạy nhiều hơn để đôi dép được kết thúc cuộc đời sớm. Bất cứ lúc nào xuất hiện trước mặt mẹ, tôi cố tình lê đôi dép sền sệt hoặc đi thấp thểnh để lộ ra đôi dép mòn vẹt, sứt sẹo. Dường như không ăn thua gì, đã rằm tháng Chạp rồi. Tôi nhắm mắt vấp chân vào đá, bật móng, tóe tí máu. Mẹ hoa mắt. Ngay hôm sau, tôi có đôi dép mới. Nhưng là loại dép hình con cá, làm chân tôi dài ngoẵng với những hình nan kì dị. Tôi ghét loại dép này tận xương tủy. Chẳng thà đi dép tổ ong cho giống con trai, chẳng thà đi dép bèn bẹt như cái bàn chải còn hơn thứ dép con cá ấy. Nó làm cho tôi giống hệt các bà trung tuổi, tóc hoa râm, chân nứt nẻ, dáng cứ lao đầu về đằng trước. Mà mẹ thì thần tượng loại dép ấy. Vì nó rẻ. Hoặc cũng có thể vì nó bền. Nhưng nó vẫn chỉ là dép, có nhiều nan, chắc sẽ dễ đứt hơn giày, vì giày là cả khối nhựa liền tìn tịt thế kia mà.

Mỗi ngày tôi lén cầm con dao cứa vào nan dép sâu hơn một tí. Ban đầu dép còn mới, nhựa dẻo và dai, bật ra, tôi suýt đứt tay. Dần dần, dao cứa vào cứ thun thút. Đến 23 Tết, tôi chợt giật mình, vừa mừng vừa lo. Đôi dép mới tinh lại chỉ còn dính tí nan ở đầu mõm.

“Trời ơi là trời, đi hay cắn dép ra thế này, hả”, mẹ kêu lên thảng thốt. Tôi giật thót mình. Nhưng tôi đã quyết, tôi phải có bằng được đôi hài công chúa cho giống cái Loan, cái Huyền. “Chắc tại loại dép này đểu mẹ ạ. Từ sau mẹ đừng mua nữa nhé”, không hiểu tôi lấy từ đâu ra dũng khí để nói một hơi dài trơn tru như thế. Mẹ sững người, chắc mẹ cũng bất ngờ với tôi. Mẹ buột miệng: “Thế loại dép nào”? Như được mớm đà, tôi nói luôn: “Như đôi giày của cái Loan, cái Huyền ấy. Nó liền, còn lâu mới đứt”. Nói xong, tôi không dám nhìn lên, không biết thái độ của mẹ ra sao, chỉ thấy mẹ rít lên: “Ái chà, giờ lại còn học thói đua đòi nữa. Để tao xem nào. Hóa ra mày cứa dép ra để được mua giày à. Đua đòi lại còn phá hoại. Mày biết mua được đôi dép này mẹ đã tốn hết bao nhiêu tiền không hả”. Mỗi một câu là một cái phát vào mông đau rát rạt, chao người đi. Tôi ngậm miệng khóc. Vừa xấu hổ vừa thất vọng.

Mẹ lấy kim chỉ khâu đôi dép lại, bảo: “Không đi thì đi chân đất”. Lê đôi dép băng bó đến trường, tôi lúc nào cũng nhìn trước ngó sau như thể tất cả mọi người chẳng còn việc gì khác là nhìn chằm chằm vào chân tôi. Đi tong ước mơ đôi hài công chúa, dằn vặt vì là đứa con tội lỗi, chiếc dép bập bênh làm tôi đi lại gượng gạo, tôi học hành, ăn uống, chạy nhảy, nói cười chểnh mảng hẳn.

Những buổi học áp Tết, càng ngày càng nhiều đứa có quần áo, dép guốc mới. Nhìn những đứa khác hãnh diện vì được trầm trồ, tôi đau buồn vô hạn, tưởng chừng chẳng còn nỗi đau khổ nào hơn thế. Tôi lạnh buốt cả chân. Tôi không dám lạnh tay, lạnh lưng, vì biết chắc rằng một đôi giày mới còn khó, làm sao dám mong áo mới, quần mới. Chả biết “lo nghĩ” thế nào, tôi ốm thật. Khật khừ, ủ rũ. Đến nỗi chị tôi bảo: “Quen nghe nó hét rồi, giờ cứ thấy buồn buồn”.

Buổi học cuối cùng. Mai là được nghỉ Tết rồi. Tôi biết chắc rằng thế nào cũng có rất nhiều đứa cố nài bố mẹ cho diện trước đồ Tết. Tôi chui sâu đầu vào chăn, ai gọi cũng chỉ khẽ cựa quậy, lí nhí: “Mệt lắm”, chỉ mong được yên thân, nghỉ hẳn buổi học đau khổ này.

“Cứ để cho nó ngủ. Đi hài công chúa mà thò lò mũi thì xấu chết”, không biết vô tình hay cố ý câu nói của mẹ lại vẳng đến tai tôi. Tôi hé chăn nhìn ra, thấy các chị đang nâng niu một đôi giày, đúng loại giày giống của cái Loan, cái Huyền. Đôi giày màu tím, đúng màu tôi thích. Chẳng sợ ngượng ngùng, chẳng sợ chê bai gì nữa, tôi vùng dậy, vồ lấy đôi giày, xỏ ngay vào chân, chạy vèo đi, quên cả rửa mặt. Đôi hài tím có chiếc nơ óng ánh như vàng làm đôi chân tôi ấm sực, không sợ dẫm lên sương muối lạnh buốt giăng hàng trên mạng nhện khắp các ngọn cỏ sườn đồi, không sợ vấp vào đá đến bật máu nữa. Đôi hài làm lũ bạn nhìn tôi thèm dỏ dãi. Đôi hài làm tôi lần đầu tiên thỏa mãn ước mơ được làm công chúa. Đôi hài khiến tôi thật sự cảm nhận Tết đã đến rồi, đến từ ngay đôi chân mình. Tôi mặc sức chạy nhảy như mùa xuân ủ trong chân mình đang trồi lên mãnh liệt.

Buổi trưa, tôi thập thễnh lê từng bước về nhà, đôi giày cất kín trong cặp sách. Mười đầu ngón chân sưng phồng, mọng nước. Sau gót chân trầy trật từng mảng da, rướm máu. “Đi giày vào cho mẹ ngắm tí nào, giữ gìn kĩ thế, trong cặp có dao đâu”, mẹ túm lấy tôi, giọng giễu cợt nhưng đầy háo hức, mắt hấp háy. Các chị tôi cũng chĩa cả mắt về tôi, vừa ghen tị vừa chờ đợi. Tôi lôi đôi giày ra, xỏ vào chân, bấm bụng đi lại trước mặt mẹ và các chị, cười méo xẹo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện