Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Chương 4: Những buổi trưa mùa hè
Hầu như đứa trẻ nào cũng trốn ngủ trưa, trừ khi không trốn được, đành chịu. Thành thử, những buổi trưa mùa hè thú vị lại là những trưa vừa chơi bời thỏa thích vừa hồi hộp nghe ngóng tiếng mẹ quát đâu đó.
Một lần, mấy đứa hàng xóm mang cho một chùm quả nhỏ như hạt đỗ xanh mà chín đỏ, rất đẹp mắt. Mấy chị em chúng tôi thống nhất gọi đó là quả hồng đỏ, mặc cho mấy đứa hàng xóm kia vẫn cãi nhau ỏm tỏi, đứa nào cũng muốn gọi theo tên mình đặt. Cây hồng đỏ chỉ có ở trên dãy núi đất phía sau thị trấn. Chị em chúng tôi hẹn bọn trẻ hàng xóm hôm nào sang rủ đi hái quả hồng đỏ và rất nhiều thứ hoa quả thú vị khác ở trên đó.
Trớ trêu, nhằm một buổi trưa, khi chúng tôi phậm phịu mặt, lần lượt phải leo lên giường thì có tiếng léo nhéo ngoài cổng. Mẹ tôi đội nón đi ra, lát sau một bầy lốc nhốc theo vào, rất hồn nhiên: “Chúng cháu lên núi hái quả cây hồng đỏ”. Mẹ tôi cấm tiệt. Lí do: “Núi đá vôi, giữa trưa nắng lên đến hơn 40 độ, không phải giời đày mà lên đó. Ngày xưa chỗ đó là chiến trường của ta và Pháp, những lô cốt của Pháp bỏ lại còn rất nhiều. Đường hầm hào cũng chằng chịt ngang dọc, biết đâu có cả ma Tây, ma Tàu, cả mảnh bom, mảnh đạn...”. Chúng tôi tái mét mặt. Mấy đứa hàng xóm thì thào: “Có cả quả sim, mua, lại cả “cây hai nghìn” nữa nhé”. Ngày đó, thời điểm năm 2000 là quá xa xôi với rất nhiều lời đồn thổi: “Năm 2000 trái đất nổ tung, có gì thì ăn hết đi, đừng tích trữ”, “Năm 2000 người sao Hỏa xuống trái đất, tay nó dài đến gối, đầu to như cái nồi”... Năm 2000 thì chưa đến, nhưng “cây 2000” thì có thể vươn tay là hái được, rất hấp dẫn. Cuối cùng, một cái roi mây đã đuổi “cây 2000” ra khỏi cả giấc mơ chập chờn hôm đó.
Nhưng đám trẻ hàng xóm thì nào có chịu thua, chúng tìm mọi cách để “giới thiệu” cho chúng tôi biết cây hồng đỏ. Một buổi trưa khác, khi mẹ vắng nhà, tôi theo chúng lên núi. Trời nắng chang chang, hơi nóng bốc nghi ngút, cổ khát khô cháy, đường đi đá to sỏi nhỏ xói mòn vì mưa rửa trôi khấp kha khấp khểnh, chân vấp tóe máu mới lên được đến đỉnh núi. Vạch tìm trong các bụi rậm um tùm, xác rắn phơi trắng xóa, những gò mối đùn lên to như ngôi mộ mới thấy một loại cây chẳng khác cây rau ngót là mấy. Thất vọng tràn trề, tôi đòi về, không đứa nào muốn về cùng, thế là mình tôi lặn lội mò mẫm, vừa mệt vừa thấp thỏm nhỡ trên đường vắng tanh gặp ma. Trống ngực thình thịch, mồ hôi đổ như tắm, tôi bị cảm nắng, cả tuần sau mới khỏi, từ đó cạch mặt, không dám lên núi vào buổi trưa nữa.
May mắn nhất là những buổi trưa sông cạn trơ đáy và mẹ thì phải đi công tác xa nhà. Mấy đứa rủ nhau xắn quần, vác chậu, mở một lối ra sông, bì bõm mò cua, bắt ốc, sục bùn tìm cá rô, cá trê. Tôi là đứa láu táu, thích bắt được nhiều nhưng lại lười không chịu tìm, thế là, sẵn những lá trang, lá súng lật lên để mong kiếm được con ốc bám ở đó. Được vài lá, một chú đỉa cuộn tròn cái thân mềm nhùng nhụng hai sắc đen, vàng rơi ra, tôi hét váng cả một khúc sông. Rồi chạy lên trên bờ, ngồi bệt xuống đám bùn khô cong, thấy cục bùn đọng trên chân cũng chết khiếp. Nhưng bữa ăn chiều hôm đó, thế nào tôi cũng tranh bằng được con cá rô to nhất. Chị hai mỉm cười: “Nếu tính công bắt được, cả nhà chỉ nhường cho mày mỗi... con đỉa”.
Cũng có những buổi trưa mưa mát giời, mít không chịu chín, những cái mồm quen ăn bỗng nhơ nhớ, thế là, hàng rổ hạt mít được bày ra, bắc lên bếp luộc bở tơi. Tuy nhiên, hạt mít chỉ được vài miếng là chán. Một cái cối được huy động. Mấy bàn tay khỏe cầm chày thậm thịch. Trong khi đó, một cái chảo nóng mỡ được bắc lên. Từng viên bánh hạt mít được thả vào, cũng vàng rộm, nhưng chẳng ai ăn được đến cái thứ ba. Thế là tất cả “alôxô” ra cây ổi góc vườn. Theo quy định từ trước, đứa nào trèo lên cành của đứa ấy. Cành “đít vịt” mỗi khi trèo phải vòn người ra như đít con vịt dành cho chị hai giỏi leo trèo và có máu… liều lĩnh, đung đưa ra tận ngoài sông. Cành rắn lượn uốn éo dành cho chị ba khéo léo mới trèo được… Cành cuối cùng, thấp nhất, đơn giản, chọc thẳng lên trời và có nhiều mấu dễ trèo dành cho tôi, út ít. Năm cành ổi tỏa ra năm hướng và mỗi cành quả lại mang một vị khác nhau. Nhưng chả có quả nào chín được đến nỗi chim ăn. Gần thì nhỉnh nhỉnh một tí là gặm xanh, bỏ hạt. Xa cũng chỉ được đến lúc trăng trắng gần cuống đã bị một trận tổng tấn công bằng đủ các loại móc, gậy, hò hét. Có khi chỉ vì một quả mà cả cành mấy chục quả bị tơi tả, héo rũ. Thường thì chị hai luôn là người hái được những quả xa nhất, mặt vênh lên tự đắc như… Chí Phèo: “Anh hùng nhà này cóc thằng nào bằng ta”. Quả chín nhất được dành cho mẹ, quả xanh hơn thì mấy chị em phân xử bằng hàm răng, lỡ miệng cắn to là cãi nhau chí chóe.
Ăn chán, gió mát từ bên sông đưa sang hiu hiu và tiếng chuông nhà thờ văng vẳng khiến cả lũ hướng mắt về phía dãy núi xa mờ xanh. Cũng có những buổi trưa mùa hè, mấy chị em cả gan rủ nhau băng qua chiếc cầu tre mỏng manh, sang bên kia sông chỉ để vặt cỏ gà chọi nhau chí tử hay vì một cành tầm xuân nở muộn cánh trắng muốt, hương thơm theo gió đưa sang nồng nàn. Gai tầm xuân cào rách cả tay, hớn hở lôi được cành hoa rất to về nhà, cắm vào cái bình rất to mà cả hoa lẫn nụ cứ héo rũ ra, hương thơm gắng gượng được một ngày nữa thì tàn lụi. Mấy chị em ngơ ngẩn như mất đi một cái gì rất quý giá.
_
Một lần, mấy đứa hàng xóm mang cho một chùm quả nhỏ như hạt đỗ xanh mà chín đỏ, rất đẹp mắt. Mấy chị em chúng tôi thống nhất gọi đó là quả hồng đỏ, mặc cho mấy đứa hàng xóm kia vẫn cãi nhau ỏm tỏi, đứa nào cũng muốn gọi theo tên mình đặt. Cây hồng đỏ chỉ có ở trên dãy núi đất phía sau thị trấn. Chị em chúng tôi hẹn bọn trẻ hàng xóm hôm nào sang rủ đi hái quả hồng đỏ và rất nhiều thứ hoa quả thú vị khác ở trên đó.
Trớ trêu, nhằm một buổi trưa, khi chúng tôi phậm phịu mặt, lần lượt phải leo lên giường thì có tiếng léo nhéo ngoài cổng. Mẹ tôi đội nón đi ra, lát sau một bầy lốc nhốc theo vào, rất hồn nhiên: “Chúng cháu lên núi hái quả cây hồng đỏ”. Mẹ tôi cấm tiệt. Lí do: “Núi đá vôi, giữa trưa nắng lên đến hơn 40 độ, không phải giời đày mà lên đó. Ngày xưa chỗ đó là chiến trường của ta và Pháp, những lô cốt của Pháp bỏ lại còn rất nhiều. Đường hầm hào cũng chằng chịt ngang dọc, biết đâu có cả ma Tây, ma Tàu, cả mảnh bom, mảnh đạn...”. Chúng tôi tái mét mặt. Mấy đứa hàng xóm thì thào: “Có cả quả sim, mua, lại cả “cây hai nghìn” nữa nhé”. Ngày đó, thời điểm năm 2000 là quá xa xôi với rất nhiều lời đồn thổi: “Năm 2000 trái đất nổ tung, có gì thì ăn hết đi, đừng tích trữ”, “Năm 2000 người sao Hỏa xuống trái đất, tay nó dài đến gối, đầu to như cái nồi”... Năm 2000 thì chưa đến, nhưng “cây 2000” thì có thể vươn tay là hái được, rất hấp dẫn. Cuối cùng, một cái roi mây đã đuổi “cây 2000” ra khỏi cả giấc mơ chập chờn hôm đó.
Nhưng đám trẻ hàng xóm thì nào có chịu thua, chúng tìm mọi cách để “giới thiệu” cho chúng tôi biết cây hồng đỏ. Một buổi trưa khác, khi mẹ vắng nhà, tôi theo chúng lên núi. Trời nắng chang chang, hơi nóng bốc nghi ngút, cổ khát khô cháy, đường đi đá to sỏi nhỏ xói mòn vì mưa rửa trôi khấp kha khấp khểnh, chân vấp tóe máu mới lên được đến đỉnh núi. Vạch tìm trong các bụi rậm um tùm, xác rắn phơi trắng xóa, những gò mối đùn lên to như ngôi mộ mới thấy một loại cây chẳng khác cây rau ngót là mấy. Thất vọng tràn trề, tôi đòi về, không đứa nào muốn về cùng, thế là mình tôi lặn lội mò mẫm, vừa mệt vừa thấp thỏm nhỡ trên đường vắng tanh gặp ma. Trống ngực thình thịch, mồ hôi đổ như tắm, tôi bị cảm nắng, cả tuần sau mới khỏi, từ đó cạch mặt, không dám lên núi vào buổi trưa nữa.
May mắn nhất là những buổi trưa sông cạn trơ đáy và mẹ thì phải đi công tác xa nhà. Mấy đứa rủ nhau xắn quần, vác chậu, mở một lối ra sông, bì bõm mò cua, bắt ốc, sục bùn tìm cá rô, cá trê. Tôi là đứa láu táu, thích bắt được nhiều nhưng lại lười không chịu tìm, thế là, sẵn những lá trang, lá súng lật lên để mong kiếm được con ốc bám ở đó. Được vài lá, một chú đỉa cuộn tròn cái thân mềm nhùng nhụng hai sắc đen, vàng rơi ra, tôi hét váng cả một khúc sông. Rồi chạy lên trên bờ, ngồi bệt xuống đám bùn khô cong, thấy cục bùn đọng trên chân cũng chết khiếp. Nhưng bữa ăn chiều hôm đó, thế nào tôi cũng tranh bằng được con cá rô to nhất. Chị hai mỉm cười: “Nếu tính công bắt được, cả nhà chỉ nhường cho mày mỗi... con đỉa”.
Cũng có những buổi trưa mưa mát giời, mít không chịu chín, những cái mồm quen ăn bỗng nhơ nhớ, thế là, hàng rổ hạt mít được bày ra, bắc lên bếp luộc bở tơi. Tuy nhiên, hạt mít chỉ được vài miếng là chán. Một cái cối được huy động. Mấy bàn tay khỏe cầm chày thậm thịch. Trong khi đó, một cái chảo nóng mỡ được bắc lên. Từng viên bánh hạt mít được thả vào, cũng vàng rộm, nhưng chẳng ai ăn được đến cái thứ ba. Thế là tất cả “alôxô” ra cây ổi góc vườn. Theo quy định từ trước, đứa nào trèo lên cành của đứa ấy. Cành “đít vịt” mỗi khi trèo phải vòn người ra như đít con vịt dành cho chị hai giỏi leo trèo và có máu… liều lĩnh, đung đưa ra tận ngoài sông. Cành rắn lượn uốn éo dành cho chị ba khéo léo mới trèo được… Cành cuối cùng, thấp nhất, đơn giản, chọc thẳng lên trời và có nhiều mấu dễ trèo dành cho tôi, út ít. Năm cành ổi tỏa ra năm hướng và mỗi cành quả lại mang một vị khác nhau. Nhưng chả có quả nào chín được đến nỗi chim ăn. Gần thì nhỉnh nhỉnh một tí là gặm xanh, bỏ hạt. Xa cũng chỉ được đến lúc trăng trắng gần cuống đã bị một trận tổng tấn công bằng đủ các loại móc, gậy, hò hét. Có khi chỉ vì một quả mà cả cành mấy chục quả bị tơi tả, héo rũ. Thường thì chị hai luôn là người hái được những quả xa nhất, mặt vênh lên tự đắc như… Chí Phèo: “Anh hùng nhà này cóc thằng nào bằng ta”. Quả chín nhất được dành cho mẹ, quả xanh hơn thì mấy chị em phân xử bằng hàm răng, lỡ miệng cắn to là cãi nhau chí chóe.
Ăn chán, gió mát từ bên sông đưa sang hiu hiu và tiếng chuông nhà thờ văng vẳng khiến cả lũ hướng mắt về phía dãy núi xa mờ xanh. Cũng có những buổi trưa mùa hè, mấy chị em cả gan rủ nhau băng qua chiếc cầu tre mỏng manh, sang bên kia sông chỉ để vặt cỏ gà chọi nhau chí tử hay vì một cành tầm xuân nở muộn cánh trắng muốt, hương thơm theo gió đưa sang nồng nàn. Gai tầm xuân cào rách cả tay, hớn hở lôi được cành hoa rất to về nhà, cắm vào cái bình rất to mà cả hoa lẫn nụ cứ héo rũ ra, hương thơm gắng gượng được một ngày nữa thì tàn lụi. Mấy chị em ngơ ngẩn như mất đi một cái gì rất quý giá.
_
Bình luận truyện