Ngã Vi Ngư Nhục

Chương 12: Thần Sơ năm thứ sáu



Trung Ly khúc

Con thuyền nhỏ dừng cách bờ sông một bước chân, nhưng thân thuyền có độ cao nhất định, nam nhân chống sào đang muốn bước xuống đỡ nàng đi lên, đã thấy A Lai ôm đống đồ nhẹ nhàng nhảy một cái, vững vững vàng vàng đáp xuống bên cạnh hắn. Hắn liếc mắt nhìn A Lai thêm một chút rồi hướng vào bên trong khoang thuyền thông báo một tiếng, sau đó dẫn nàng đi vào.

Bên trong khoang thuyền rộng rãi ấm áp, giữa chiếc bàn dài có đặt một huân lô bằng đồng đỏ từ bên trong tỏa ra từng làn khói nhẹ uốn lượn bay lên, thụy than màu xanh đen bên trong chậu than nằm ở một góc đang cháy mạnh, bên dưới lửa than có đặt gỗ bạch đàn kết hợp cùng tô hợp hương bên trong huân lô hòa quyện thành một mùi hương vô cùng dễ chịu. Song cửa sổ ở hai bên khoang thuyền dùng cành cây chống đỡ tạo thành một khe hở để thông gió, một bức màn màu trắng thuần chia khoang thuyền ra thành hai gian trong ngoài, bóng người ở phía sau bức màn buông rũ kia mơ hồ có thể thấy được.

Không cần phải nói, nam nhân chèo thuyền ở bên ngoài kia xét về vóc dáng khí mạo vừa nhìn đã biết là xuất thân từ quân đội, A Lai sau khi đi vào trong khoang thuyền nhìn thấy thứ gì cũng đều là thượng phẩm, chỉ mỗi đống thụy than màu xanh đen này thôi cũng là cống phẩm của hồ quốc mà ngay cả Tạ gia cũng không dùng tới nổi. A Lai nhận biết được vật này vẫn là do hai năm trước Đông thúc đi Động Xuân tặng lễ mừng năm mới cho bổn gia, khi trở về mang theo hơn mười cân, lúc nàng bị kêu đi đem thụy than cất vào nhà kho thì Đông thúc nói đây là tinh than thượng hạng, bảo nàng lén lấy một ít mang về, bị nàng cự tuyệt.

A Lai cảm thấy chính mình vừa rồi tùy tiện gọi người ta lại có chút lỗ mãng, vội khom mình hành lễ đối với chủ nhân ở phía sau bức màn: "Tiểu nô đã quấy rầy túc hạ, chẳng qua là tiếng nhạc lọt vào tai tâm tình khó khắc chế, mong được thứ tội. Cả gan xin hỏi túc hạ vừa rồi là dùng nhạc khí gì, tấu khúc tên là gì."

Người bên trong bức màn không có trực tiếp mở miệng trả lời nàng, tiếng nhạc lại cất lên, giai điệu vẫn như trước trầm thấp, nhưng lại mang theo một loại mạnh mẽ cùng kiên trì, A Lai nghe được mà trái tim nảy đập thình thịch. Mặc dù chủ nhân của cô thuyền này bởi vì nguyên nhân nào đó mà không nói chuyện, nhưng cũng đã dùng tiếng nhạc đáp lại nàng. A Lai ngồi xếp bằng trên bồ đoàn ở phía trước bức màn, hoàn toàn chú tâm vào trong tiếng đàn xuất thần biến hóa tự nhiên lại chạm thẳng đến tâm hồn này.

Mỗi một đêm dài trên con đường trưởng thành đều có những câu chuyện xưa của a mẫu làm bạn. Từ trong miệng của a mẫu nàng tựa như đã đặt chân đi qua một nửa giang sơn Đại Duật, hành tẩu trên đỉnh núi cao vạn nhẫn hiểm trở, thế nhưng đối với âm luật lại học mãi không thông. A mẫu đã từng đề cập qua đàn Nguyễn bốn dây mười hai phím, đàn tranh mười ba dây, cũng dùng từ ngữ miêu tả qua hình dạng của rất nhiều loại nhạc khí. Trong đầu A Lai đối với hình dạng của những loại nhạc khí này cũng có chút khái niệm cơ bản, nhưng do sống ở Tạ gia hoàn toàn không có hứng thú gì đối với âm luật, làm thế nào cũng vô pháp tưởng tượng ra được 《 Mai hoa tam lộng 》 là thanh thoát tươi đẹp như thế nào, 《 Quảng lăng tán 》 lại là tung hoành rực rỡ như thế nào.

Hóa ra nhạc khúc cũng có ma lực thu hút tâm hồn con người như vậy.

Theo tiếng nhạc chảy xuôi, A Lai khó cầm nổi lòng lại một lần nữa rơi lệ, phía sau bức màn che bỗng vang lên một giọng nữ thanh thúy:

"Chủ nhân nhà ta hỏi cô nương vì sao lại rơi lệ."

A Lai nói: "Tiểu nô bởi vì thủ khúc này mà nghĩ đến thân thế của mình, khó tránh khỏi đau buồn."

Người nọ nói: "Khúc này có tên là Trung Ly, là khúc đàn trúc mà chủ nhân nhà ta tự nghĩ ra."

"Đàn trúc. . . . . ."

"Đúng vậy, tiểu cô nương có nghe nói đến câu chuyện xưa Cao Tiệm Ly* gảy đàn trúc chưa?"

(*) Cao Tiệm Ly: người nước Yên, là nghệ sĩ gảy đàn trúc, và là bạn của Kinh Kha. Kinh Kha sau khi ám sát Tần vương Doanh Chính không thành bị giết chết, một thời gian sau đó Cao Tiệm Ly cũng bị bắt. Vì tiếc tài chơi đàn của ông nên Tần Thủy Hoàng ân xá cho ông, nhưng lại chọc mù hai mắt ông. Tần Thủy Hoàng nghe Cao Tiệm Ly gảy đàn rất thích thú nên ngày càng thân cận. Cao Tiệm Ly nuôi chí báo thù cho Kinh Kha, lén đổ chì vào bầu đàn rồi nhân dịp Tần Thủy Hoàng ngồi cạnh, ông muốn tấn công Tần Thủy Hoàng nhưng vì mắt mù nên đánh không trúng. Ông bị hành quyết, vua Tần từ đó không bao giờ còn gần gũi với người từ các nước chư hầu khác nữa. (Theo Wikipedia)

"Phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn, tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn*!"

(*) 风萧萧兮易水寒, 壮士一去兮不复还: dịch đại khái là "Gió vi vu thổi qua làm cho nước giá lạnh, tráng sĩ một đi không trở về".

A mẫu tất nhiên cũng đã từng kể với nàng câu chuyện Kinh Kha hành thích Tần Vương, câu chuyện ám sát Tần Vương bi tráng vô song rung động đến tâm can, khiến cho thế nhân vĩnh viễn nhớ rõ Kinh Kha. Người sống trên đời nếu không thể hoàn thành một phen đại sự, ít nhất cũng phải nhàn tà tồn thành* dám làm dám chịu.

(*) Nhàn tà tồn thành (闲邪存诚): bỏ điều xấu, giữ điều tốt

Nhưng vì sao sinh phụ của nàng lại là Tạ Thái Hành kẻ tiểu nhân đê tiện như vậy?

A Lai không giải thích được cũng không nguyện thừa nhận, nàng căn bản không muốn dòng máu chảy trong người mình là dòng máu của Tạ Thái Hành.

Trung Ly khúc làm cho A Lai xúc động, không cầm nổi lòng mà nhắc tới thân thế của chính mình.

Tạ công thâm độc, Tạ gia không phải nơi dung thân của nàng, cần phải mau chóng rời đi. Mà lúc này phương bắc hoang tai chưa qua, đất nam chiến hỏa chưa tắt, thế lực của Tạ gia lại trải rộng khắp Tuy Xuyên, nô dịch bỏ trốn không có công văn chứng minh thân phận các nàng rời khỏi Tạ gia là không hề dễ dàng, có thể tưởng tượng muốn thoát khỏi cánh cửa huyện thành cũng là việc khó. Huống chi ân tình của A Huân đối với nàng tựa như biển cả, nàng còn chưa kịp báo đáp, không cam lòng như vậy mà rời đi.

Trong lòng buồn rầu u uất khó giải tỏa, giai điệu bỗng nhiên chuyển đổi, cắt ngang màn độc thoại nội tâm của A Lai.

A Lai hoàn toàn trở nên thanh tỉnh, nàng thế mà lại nhắc tới chuyện riêng của chính mình quấy rầy nhã hứng gảy đàn trúc của chủ nhân gia, vội vàng tạ lỗi. A Lai âm thầm ảo não, không biết gì về nội tình của người chủ thuyền này, sao lại có thể bởi vì một thủ khúc mà buông lỏng cảnh giác chứ? Cũng may nàng chưa đề cập rõ ràng đến tục danh của Tạ Thái Hành và danh tự của Tạ gia, bằng không vạn nhất đối phương cùng Tạ Thái Hành có giao tình thì chẳng phải là rước họa vào thân rồi sao. Vội vã lau đi giọt lệ đọng nơi khóe mắt, A Lai nói nàng đã biết được tên nhạc khí và thủ khúc, không tiện ở lại quấy rầy thêm nữa, nên cáo từ.

Phía sau bức màn che có một tràng âm thanh cọ sát rất nhỏ, tựa như là âm thanh đầu bút lông cứng rắn đang viết chữ trên thẻ tre. Đến khi âm thanh cọ sát đó dừng lại, giọng nữ kia lại vang lên:

"Chủ nhân ta nói cô nương mặc dù tuổi nhỏ, nhưng lại là người hiểu lý lẽ trọng tình trọng nghĩa. Kinh Kha hành thích Tần Vương quả thực bi tráng, mà năm đó Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh hạ Anh Bố trên đường trở về đi ngang qua cố hương Bái huyện, sau khi uống rượu say sưa ngân vang 'Đại phong khởi hề vân phi dương', quả thật hào khí vạn trượng, cũng là gảy loại đàn trúc này."

A Lai cảm thán: "Một là bi tráng đi xa, một là hào khí trở về, có thể dùng cùng một loại nhạc khí mà thỏa lòng biểu đạt."

"Chủ nhân nhà ta nói, cô nương cảm thán thân thế, nhưng nên biết thân thế là thứ không thể chọn lựa. So với oán giận không bằng sống cho hiện tại, dựa vào tính cách của chính mình mà đi thật tốt con đường phía trước. Còn người ban ân cũng không nhất định mong muốn cô nương nhất thời báo đáp, không bằng trước tiên hoàn thiện bản thân, đến ngày công thành danh toại lại trở về đáp lễ thật tốt. Có bi thương của hôm nay mới có thể ấp ủ thành quả ngọt mai sau. Đây cũng chính là đạo lý nhân sinh bi hỷ, dị khúc đồng công*."

(*) Nhân sinh bi hỷ, dị khúc đồng công (人生悲喜, 异曲同工): đời người có buồn có vui, là những điều khác nhau nhưng có đóng góp như nhau

"Nhân sinh bi hỷ, dị khúc đồng công" tám chữ này khiến cho A Lai sáng tỏ thông suốt.

"Túc hạ trúc nghệ tinh diệu, lý lẽ trong lời nói cũng kim thanh ngọc chấn. Tiểu nô vốn dĩ tâm sự chất chứa trong lòng, được âm điệu kỳ diệu của 'Trung Ly' khúc giải trừ, vạn phần cảm tạ." Dứt lời, A Lai hướng về phía bức màn cúi lạy thật sâu, ôm đống đồ rời khỏi thuyền, một lần nữa đi vào bên trong gió lạnh.

Bên này A Lai cáo biệt sông Hàn cô thuyền, lặng lẽ leo tường trở lại Tạ phủ, bên kia Tạ Thái Hành rốt cục đã đợi được Vân Mạnh tiên sinh.

Tạ Thái Hành từ sáng sớm đã đợi ở trong thư phòng, hết ngồi lại đứng, phi thường bất an. Gia nô báo lại nói Vân Mạnh tiên sinh đã trở về, hắn lao ra khỏi thư phòng, tiếp đón Vân Mạnh tiên sinh trên lưng còn đeo bọc hành lý tiến vào, sau khi đuổi đi tất cả gia nô, liền đóng cửa bí mật nghị luận.

Vân Mạnh tiên sinh từ trong bọc hành lý lấy ra một bức họa cuộn tròn, khi Tạ Thái Hành nhìn thấy rõ diện mạo của người bên trong bức họa đó cũng nhịn không được mà kinh thán, quả thực có chín phần tương tự.

"Bức họa này đến từ tay họa sĩ của Vệ phủ. Mật thám mang tin tức về nói Vệ Tử Trác đối với người trong bức họa này khá chấp nhất, đã bảo họa sĩ liên tục vẽ suốt thời gian nửa năm, vẽ ra hơn một ngàn bức, mới từ trong số đó chọn ra được một bức vừa ý nhất, toàn bộ những bức khác kể cả họa sĩ cùng phòng vẽ tranh đều bị thiêu hủy gần như sạch sẽ. Bức họa này so với bức mà Vệ Tử Trác chọn ra nhìn không thấy có gì khác biệt, là do thân tín mà ta an bài ở Vệ phủ từ trong trận đại hỏa đó mạo hiểm cướp về được."

Tạ Thái Hành phát hiện phần mép bức họa quả thật có chút dấu vết cháy đen.

"Có điều Vệ Tử Trác từ trước đến nay rất xảo quyệt, chỉ sợ đã có bố trí khác. Đến bây giờ chỉ mỗi một chuyện là không ai có thể nhận biết diện mạo đích thực của hắn cũng có thể nhìn ra kẻ này tâm tư kín đáo khó lý giải, bằng không thì Bá Siêu cũng không đến nỗi mất mạng trong tay hắn." Vân Mạnh tiên sinh nghĩ đến người này thì ngừng lại một chút, trong lòng cảm khái muôn vàn, nhịn không được thở dài một tiếng.

Tạ Thái Hành thấy hắn khổ sở, vỗ vỗ vai hắn bày tỏ sự an ủi.

Vân Mạnh tiên sinh phục hồi lại tinh thần, tiếp tục nói: "Hiện tại sự tình trọng đại, chúng ta vẫn là phải cẩn thận hết mức, tuyệt đối không thể khinh suất. Vệ gia những năm gần đây giống như tường đồng vách sắt, người của chúng ta bị tổn thất vô số kể, nhưng trước sau vẫn khó lòng mở ra một lỗ hổng nào, có thể thấy được sự thâm hiểm của Vệ gia. Lần này đại sự nhất định phải khởi đầu cẩn thận tỉ mỉ, để bảo đảm tuyệt đối không có sai sót nào. Một khi có chút sai sót, liên can cũng không chỉ là tính mạng của mấy người chúng ta, cũng không chỉ là Tuy Xuyên Tạ gia, mà là cả Đại Duật Thanh Lưu cũng ngập chìm trong tai ương."

Tạ Thái Hành sắc mặt như thép, vừa đen vừa trầm.

Vân Mạnh tiên sinh nhìn về hướng đông nam nơi Hoàng thượng đang tọa vị, sầu não mà nói: "Hiện giờ bè đảng Trưởng Công chúa ỷ vào thế lực của Thái hậu lại cấu kết với gian thần ngoại thích, còn làm chuyện xằng bậy tà quái phóng đãng, mị hoặc nhiều người mưu đồ Duật thất, tâm tư này đáng chém! Cả triều đều là sài lang, người trung tâm khó gặp, Hoàng thượng rơi vào nguy nan, không chỉ có chúng ta, mà vô số đồng đạo Thanh Lưu ở bên ngoài đều đang âm thầm tìm cách diệt trừ yêu phụ, phù trợ Đại Duật thoát khỏi cảnh sụp đổ, bình ổn nội loạn. Minh công nguyện ý tham gia đấu tranh, hi sinh gia nô xả thân vì triều đình, thật sự là phúc của Đại Duật a."

Tạ Thái Hành thốt ra lời nói chính nghĩa: "Tạ gia bao đời nay ăn bổng lộc của Đại Duật, thời điểm khủng hoảng sao có thể khoanh tay đứng nhìn? Chỉ là một gia nô hèn mọn không đáng nhắc tới, chỉ sợ nàng không đủ thông minh hoặc tâm tư khó lường, liên lụy chư quân."

"Minh công cứ yên tâm, nếu kế sách này khả thi, tại hạ nhất định sẽ kiểm soát dạy dỗ nàng để trở thành người khả dụng."

Tạ Thái Hành cúi đầu: "Như thế, liền phó thác cho tiên sinh."


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện