Ngày Đầu Tiên

Chương 23



Luân Đôn

Chiếc Jaguar màu xanh nước biển phóng trên cầu Westminster, vòng qua quảng trường Nghị viện, chạy ngang qua tòa nhà Kho bạc quốc gia rồi rẽ về phía công viên St. James. Tài xế đỗ xe dọc theo một lối đi dành cho người cưỡi ngựa, hành khách xuống xe và cuốc bộ về phía công viên.

Sir Ashton ngồi trên băng ghế gần hồ nước nơi một chú bồ nông đang uống thỏa cơn khát. Một thanh niên tiến đến và ngồi xuống cạnh ông.

- Tin tức thế nào rồi? Sir Ashton hỏi.

- Đêm đầu tiên, họ đã nghỉ lại Bắc Kinh và hiện đang cách Tây An một trăm năm mươi cây số, hình như họ định tới đó thì phải. Khi tôi rời văn phòng để tới gặp ngài, chắc họ đang ngủ, vì hơn hai tiếng đồng hồ qua chiếc xe không hề di chuyển.

- Bây giờ là năm giờ chiều, chỗ chúng đang là mười giờ đêm, có thể thế lắm. Cậu đã biết chúng định làm gì ở Tây An chưa?

- Ngay lúc này thì chưa. Có một đôi lần họ nhắc đến một kim tự tháp màu trắng.

- Chuyện này giải thích tại sao chúng lại có mặt tại tỉnh này, nhưng tôi không chắc chúng sẽ tìm ra kim tự tháp ấy.

- Nó là cái gì vậy?

- Một trò hoang tưởng bịa tạc của tay phi công người Mỹ, vệ tinh của chúng ta chưa bao giờ xác định được vị trí của kim tự tháp ấy. Cậu có tin gì khác để báo tôi biết không?

- Phía Trung Quốc đã mất hai thiết bị thu.

- Làm sao mà mất được?

- Cả hai đều ngừng hoạt động.

- Cậu nghĩ là chúng đã phát hiện ra?

- Cũng có thể, thưa ngài, nhưng liên lạc viên tại chỗ của chúng ta tin là do lỗi thiết bị thì đúng hơn. Tôi hy vọng ngày mai sẽ có tin tức mới.

- Cậu quay văn phòng à?

- Quả đúng như vậy, thưa ngài.

- Nhớ gửi cho Bắc Kinh một lời nhắn từ tôi. Cảm ơn hắn và bảo hắn rằng sự im lặng lúc nào cũng có tác dụng. Hắn khắc hiểu. Cuối cùng, nhớ tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị cho chuyến đi sang Trung Quốc, nếu tôi thấy chuyện này là cần thiết, tôi muốn chúng ta chuẩn bị sẵn sàng.

- Tôi có cần hủy các cuộc hẹn trong tuần của ngài không?

- Đừng!

Người thanh niên chào từ biệt Sir Ashton rồi đi xa dần.

Sir Ashton gọi cho viên quản gia yêu cầu người này chuẩn bị cho mình một chiếc va li. Trong đó có quần áo và đồ dùng đủ cho chuyến đi kéo dài hai hoặc ba ngày.

Tỉnh Thiểm Tây

Có người gõ lên cửa kính xe, tôi giật mình tỉnh giấc giữa đêm và nhìn thấy khuôn mặt của một ông lão với tay nải quần áo trên vai đang mỉm cười với tôi. Tôi hạ cửa kính xe, ông lão tì má lên hai bàn tay đang chắp lại và ra hiệu muốn lên xe. Tôi lạnh cóng, người bộ hành này đang run lập cập, tôi nhớ tới ông lão người Êtiôpia ngày trước đã đón tiếp tôi. Tôi mở cửa xe, đẩy hành lý của chúng tôi xuống sàn. Ông lão mở tay nải ra và đề nghị chia cho tôi vài chiếc bánh quy chính là suất ăn tối của ông. Tôi nhận một chiếc bánh, bởi vì hình như hành động này thực sự khiến ông lão vui lòng. Chúng tôi không thể trò chuyện, nhưng giao tiếp bằng ánh mắt cũng đủ rồi. Ông lão đưa tôi chiếc bánh nữa để mời Keira. Cô ấy đang ngủ say sưa, tôi đặt chiếc bánh lên bảng iđều khiển phía trước ông ấy. Ông lão có vẻ vui sướng. Sau khi sẻ chia bữa ăn đạm bạc ấy, ông lão nằm dài ra, nhắm mắt, tôi cũng làm hệt như vậy.

Ánh ngày nhợt nhạt đánh thức tôi dậy trước tiên, Keira vươn vai và tôi ra hiệu cho cô ấy đừng gây tiếng động, chúng tôi có một vị khách đang nằm nghỉ trên băng ghế sau.

- Ai thế? Cô ấy thì thào.

- Anh cũng chịu chết. Có thể là một người hành khất, ông ấy cuốc bộ một mình trên đường, trời đêm thì lạnh buốt.

- Anh đã làm rất đúng khi cho ông lão một chỗ trú thân. Chúng ta đang ở đâu thế này?

- Giữa nơi đồng không mông quạnh, còn cách Tây An một trăm năm mươi cây số nữa.

- Em đói, Keira bảo.

Tôi chỉ cho cô ấy chiếc bánh. Cô ấy cầm bánh lên, hít hà, lưỡng lự giây lát rồi nuốt chửng.

- Em vẫn đói ngấu, cô ấy nói, em muốn tắm qua và ăn đồ ăn dọc đường.

- Vẫn còn sớm, nhưng chúng ta sẽ tìm ra một nơi bán đồ ăn dọc đường.

Ông lão tỉnh giấc. Ông chỉnh lại quần áo cho ngay ngắn rồi chắp tay vái chào Keira. Cô ấy cũng chắp tay chào lại.

- Ngốc ạ, đây là một nhà tu hành theo đạo Phật, cô ấy bảo. Chắc ông ấy đang hành hương.

Keira cố gắng trò chuyện với hành khách của chúng tôi, họ ra hiệu với nhau nhiều lần. Keira quay sang tôi, vẻ hài lòng, nhưng tôi không hiểu tại sao.

- Anh khởi động đi, chúng ta sẽ đưa ông lão đến tận nơi.

- Ý em là ông lão đã cho em biết nơi cần đến và em hiểu được ngay?

- Cứ lái theo đường này và tin ở em đi.

Chiếc xe hai cầu nghiêng ngả chao đảo, chúng tôi đang leo tới đỉnh đồi. Quang cảnh đồng quê đẹp nên thơ, Keira có vẻ đang tìm kiếm điều gì đó. Đến đỉnh đồi, đường đi rẽ hướng, xuôi xuống một tầng rừng thấp toàn thông cao và thông rụng lá. Ra đến bìa rừng, con đường biến mất. Ông lão ngồi ghế sau ra hiệu cho tôi dừng lại và tắt động cơ. Giờ thì chúng tôi phải cuốc bộ. Đến cuối đường mòn, chúng tôi gặp một con suối, ông lão ra hiệu cho chúng tôi đi dọc dòng chảy để xuyên qua quãng lội cách đó khoảng trăm mét. Chúng tôi leo thêm một quả đồi nữa và nóc một ngôi chùa đột nhiên hiện ra trước mắt chúng tôi.

Sáu nhà tu hành ra gặp chúng tôi. Họ cúi chào người dẫn đường của chúng tôi và xin chúng tôi đi theo vào bên trong.

Họ dẫn chúng tôi vào một gian phòng lớn, tường màu trắng, không bày biện đồ đạc gì. Chỉ có một vài tấm thảm trải trên nền đất. Họ mang ra trà, cơm và màn thầu – loại bánh nhỏ làm từ bột mì mời chúng tôi.

Sau khi bày biện các món đó xong, các nhà tu hành lui ra, để Keira và tôi lại với nhau.

- Em có thể cho anh biết chúng ta làm gì ở đây không? Tôi hỏi.

- Chúng ta muốn ăn một bữa sáng, đúng không nào?

- Anh cứ nghĩ đến một nhà hàng cơ, không nghĩ đến chùa chiền, tôi thì thào.

Người dẫn đường cho chúng tôi bước vào phòng, ông đã cởi bỏ bộ đồ rách rưới và mặc một chiếc áo choàng dài màu đỏ thắt khăn lụa thêu tinh xảo. Theo sau là sáu nhà sư đã ra đón chúng tôi, họ ngồi xếp bằng tròn đằng sau ông.

- Đa tạ vì đã đưa tôi về tận nơi, ông lão nghiêng mình nói.

- Ông chưa nói cho chúng tôi biết là ông có thể nói tiếng Pháp thành thạo như thế, Keira kinh ngạc.

- Đêm qua, tôi không nhớ mình đã nói bất cứ điều gì, sáng nay cũng không. Tôi đã chu du khắp thế giới và đã học qua ngôn ngữ của các vị, ông lão nói với Keira. Hai vị tìm kiếm gì nơi đây? ông lão hỏi.

- Chúng tôi là du khách, chúng tôi tham quan quanh vùng, tôi đáp.

- Thật ư? Cần phải nói là tỉnh Thiểm Tây này có rất nhiều kỳ quan cần khám phá. Riêng đình chùa miếu mạo vùng nãy đã có hơn nghìn ngôi. Du lịch vào mùa này rất thuận lợi. Còn mùa đông thì vô cùng khắc nghiệt. Tuyết rơi đẹp đấy nhưng nó khiến tất cả mọi chuyện trở nên khó khăn. Hoan nghênh hai vị dã tới đây. Một nhà tắm đang chờ sẵn, hai vị có thể vào đó thay rửa. Các đệ tử của tôi đã trải sẵn chiếu ở phòng bên, mời hai vị nghỉ ngơi và tận hưởng ngày hôm nay. Đến trưa chúng tôi sẽ đãi cơm; tôi sẽ gặp lại hai vị sau. Tôi xin cáo biệt, tôi phải thuận lại chuyến đi vừa rồi và tĩnh tâm lại.

Ông lão lui ra ngoài. Sáu nhà sư cũng đứng dậy và theo ra cùng.

- Em có nghĩ ông ấy là sếp của họ không? Tôi hỏi Keira.

- Em không nghĩ đó là từ chính xác, đối với người theo đạo Phật, thứ bậc tôn ti mang tính tinh thần hơn là hình thức.

- Ông ấy trông giống như một kẻ hành khất trên đường.

- Không có của cải tiền bạc gì, đó là đặc điểm của các nhà tu hành, không sở hữu thứ gì ngoài tư duy.

Sau khi tắm táp xong, chúng tôi cuốc bộ quanh vùng thôn dã. Đứng dưới một gốc liễu, cả hai chúng tôi để mặc cho sự êm dịu bao trùm nơi này, nằm ngoài thời gian, tách biệt khỏi văn minh, thấm vào mình.

Ngày hôm qua. Khi đêm đến, tôi chỉ cho Keira thấy những ngôi sao mọc trên bầu trời. Nhà sư già đến tìm chúng tôi và lại ngồi gần chúng tôi.

- Vậy ra cậu đây là người say mê thiên văn học, ông bảo tôi.

- Sao ông biết?

- Chỉ là vấn đề quan sát. Lúc hoàng hôn, con người thường nhìn mặt trời lặn xuống sau đường chân trời, còn cậu thì quan sát bầu trời. Đó cũng là môn khoa học tôi yêu thích. Thật khó để tìm đường đến với đạo lý nếu không nghĩ đến cái vĩ đại của Vũ trụ và tự vấn về cái vô hạn.

- Tôi không phải người được gọi là uyên bác, nhưng tôi thường tự đặt cho mình những câu hỏi này từ hồi nhỏ.

- Hồi nhỏ, cậu chỉ là lý trí, vị sư nói, thậm chí đến lúc trưởng thành, cậu vẫn bị giọng nói của đứa trẻ ấy dẫn dắt, tôi thấy vui khi cậu vẫn còn nghe thấy giọng nói đó.

- Chúng ta đang ở đâu thế này? Keira hỏi.

- Trong một ngôi chùa khổ hạnh, một nơi riêng tư và che chở cho hai vị.

- Chúng tôi đâu có gặp nguy hiểm, Keira đáp.

- Ý tôi không phải vậy, nhà sư đáp, nhưng trong trường hợp ngược lại, hai vị sẽ được an toàn tại chốn này, với điều kiện là phải tôn trọng những quy định của nơi cửa Phật.

- Quy định gì?

- Chúng tôi chỉ có một vài quy định thôi, xin các vị yên tâm: trong số đó có quy định phải thức dậy trước lúc bình minh, làm việc đồng áng để xứng đáng với mùa màng đất đai ban tặng chúng ta, không tàn sát chúng sinh, dù là người hay vật, nhưng tôi chắc là các vị không có ý định làm theo đâu, à, suýt thì tôi quên mất, không được dối trá.

Vị sư quay sang Keira.

- Vậy ra anh bạn đồng hành với nữ thí chủ là nhà thiên văn, còn thí chủ, thí chủ làm nghề gì?

- Tôi làm về khảo cổ.

- Một nhà khảo cổ và một nhà thiên văn, quả là hạnh ngộ.

Tôi nhìn Keira, hình như cô ấy đang hoàn toàn bị hút theo từng lời của vị sư.

- Và chuyến du lịch lần này đã mang lại phát hiện mới nào chưa?

- Chúng tôi không phải du khách, Keira thú nhận.

Tôi ném cho cô ấy một ánh mắt không tán thành.

- Đã có quy định ở chốn này không được dối trá cơ mà! Cô ấy nói trước khi tiếp tục. Đúng ra chúng tôi là...

- Những nhà thám hiểm? vị sư hỏi.

- Phải, hiểu theo cách đó.

- Các vị tìm kiếm thứ gì?

- Một kim tự tháp màu trắng.

Nhà sư phá lên cười.

- Có chuyện gì đáng cười đến thế? Keira hỏi.

- Các vị đã tìm ra chưa? Nhà sư hỏi, đôi mắt vẫn rạng ngời cho thấy tâm trạng vui vẻ.

- Không, chúng tôi phải tới tận Tây An, chúng tôi nghĩ sẽ gặp nó dọc đường đi.

Nhà sư cười lớn tiếng hơn.

- Nhưng rốt cuộc câu chuyện tôi kể có gì đáng cười nào?

- Tôi nghĩ các vị tìm thấy kim tự tháp đó tại Tây An, nhưng các vị không hoàn toàn nhầm lẫn đâu, tuy thế nó vẫn nằm trên đường đi phía trước hai vị, nhà sư nói thêm rồi lại bật cười sảng khoái.

- Em cho là chúng tôi giễu cợt chúng ta, Keira nói với tôi, cô ấy có vẻ khó chịu tình huống này.

- Xin thề là tôi không hề có ý giễu cợt, nhà sư nói.

- Vậy thì hãy giải thích tại sao ông lại cười như thế ngay khi tôi mở miệng nói?

- Hai vị làm ơn, chớ nói lại cho các đồ đệ của tôi biết là sư phụ của chúng đã vui vẻ như thế khi ở cùng hai vị, phần còn lại tôi hứa đến mai sẽ giải thích hết ngọn ngành. Giờ đã đến lúc tôi phải lui đi tĩnh tâm. Hẹn gặp vào lúc bình minh. Nhờ đừng đến muộn đó.

Nhà sư đứng dậy, chào từ biệt chúng tôi, khi nhìn theo ông lão đi xa dần trên con đường dẫn tới điện chính, chúng tôi có thể đoán biết rằng ông lão vẫn đang cười.

* * *

Chúng tôi đã ngủ một giấc thật sâu. Keira kéo tôi ra khỏi giấc mơ.

- Đi nào, cô ấy bảo, đến giờ rồi, em nghe thấy tiếng vị sư ngoài sân kìa, chẳng mấy chốc là mặt trời lên rồi.

Ở lối vào của căn phòng nơi chúng tôi ngủ, các vị sư đã để sẵn đồ dùng cần thiết. Một nhà sư dẫn chúng tôi đến phòng tắm, ra hiệu cho chúng tôi rửa mặt và rửa tay trước khi chạm vào đồ ăn thức uống đã dọn sẵn. Xong phần vệ sinh, nhà sư ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống và ăn trong sự tĩnh tâm.

Chúng tôi rời khỏi khuôn viên ngôi chùa khổ hạnh rồi băng qua cánh đồng, tiến về phía cây liễu như đã hẹn. Vị trụ trì đã đợi sẵn ở đó.

- Hy vọng các vị có một đêm ngon giấc.

- Tôi ngủ như trẻ lên ba vậy, Keira đáp.

- Vậy là hai vị đang tìm một kim tự tháp màu trắng? Hai vị biết gì về nó nào?

- Theo những thông tin tôi có được, đỉnh cao nhất của nó đạt tới hơn ba trăm mét, độ cao này biến nó thành kim tự tháp cao nhất thế giới, Keira đáp.

- Thậm chí nó còn cao hơn thế, vị sư nói.

- Vậy là nó tồn tại thực? Keira hỏi.

Vị sư mỉm cười.

- Phải, theo một cách nào đó, nó tồn tại.

- Nó ở đâu?

- Như hôm qua chính nữ thí chủ đã nói đấy, nó nằm ngay trước mắt hai vị.

- Xin thứ lỗi, như thế không có khiếu lắm trong trò giải đố, vậy thì nếu ông có chỉ dẫn gì thêm, tôi sẽ vô cùng biết ơn.

- Các vị nhìn thấy gì ở chân trời? vị sư hỏi.

- Dãy núi.

- Đó là dãy Tần Lĩnh. Các vị có biết tên của ngọn núi cao nhất không, ngọn đằng kia kìa, ngay đối diện với các vị ấy?

- Tôi không biết, Keira đáp.

- Hoa Sơn, nghe thật đẹp phải không? Đó là một trong năm ngọn núi linh thiêng của chúng tôi. Lịch sử của nó có rất nhiều chỉ dẫn. Cách đây hơn hai nghìn năm, một ngôi đền đạo Lão được xây dựng ở chân sườn núi phía Tây. Ngôi đền này quy tụ nhiều nhà hiền triết, họ tin rằng vị thần của những thế giới ẩn giấu sống trên đỉnh dãy núi này. Khấu Khiêm Chi, một vị thiền sư sống vào thế kỷ thứ năm, đã lập ra trật tự bầu trời phương Bắc, ông thề đã có một khám phá trọng đại, một sự thần khải, ông nói. Hoa Sơn gồm năm đỉnh, đông, tây, bắc và nam và đỉnh trung tâm, nhưng các vị miêu tả hình dạng chung của nó thế nào?

- Nhọn, Keira đáp.

- Tôi mời hai vị mở mắt ra nhìn, hãy nhìn Hoa Sơn cho thật kỹ và ngẫm xem.

- Nó có hình tam giác, tôi nói với vị sư.

- Quả đúng vậy, nó có hình tam giác. Và vào đầu tháng Mười hai, đỉnh cao nhất khoác lên mình một lớp áo tuyết đẹp tuyệt trần. Trước kia, lớp tuyết này không tan, nhưng ngày nay, tuyết sẽ tan vào cuối xuân, chỉ đến đông mới xuất hiện trở lại. Tôi tiếc là cá vị không thể lưu lại lâu hơn để khám phá Hoa Sơn vào mùa này, cảnh vật đẹp đến không gì so sánh nổi. Giờ thì tôi có một câu hỏi cuối cùng, tuyết có màu gì?

- Trắng..., Keira thì thầm và bắt đầu hiểu ra điều vị sư muốn chúng tôi tự khám phá.

- Tòa kim tự tháp màu trắng đang ở ngay trươc smắt hai vị, các vị đã hiểu tại sao tôi lại cười khi nghe hai vị kể chuyện hôm qua rồi đấy.

- Nhất định chúng tôi phải đến đó! Keira nói.

- Ngọn núi này đặc biệt nguy hiểm, nhà sư nói tiếp. Đúng là có một con đường được tạc vào vách đá dọc theo mỗi sườn núi, đó là con đường linh thiêng. Nó dẫn lên đỉnh núi cao nhất, không chỉ đỉnh Hoa Sơn mà cả năm đỉnh núi thiêng của Trung Quốc, người ta đặt tên cho nó là cột Mây.

- Ông vừa nói là cột ư? Keira hỏi lại.

- Phải, xưa kia người ta gọi đỉnh núi này như vậy. Hai vị thực sự chắc chắn mình muốn tới đó? Dấn thân vào con đường thiêng đầy rẫy nguy hiểm ấy.

Tôi chỉ cần nhìn Keira là hiểu rằng, dù nguy cơ lớn đến thế nào chúng tôi vẫn sẽ leo lên các đỉnh Hoa Sơn. Cô ấy đang quyết tâm hơn bao giờ hết. Vị trụ trì miêu tả cho chúng tôi kỹ lưỡng những gì đang chờ phía trước. Mười lăm kilômét bậc thang được tạc vào vách núi dẫn tới ngọn đầu tiên; từ đó, các cầu treo gắn vào vách đá cho phép vượt qua vực sâu và vòng qua các sườn núi khác. Con đường thiêng cho phép những kẻ liều lĩnh nhất, những kẻ quả cảm nhất, những người vì một niềm tin không thể lay chuyển được, đi qua để đến với ngôi đền thờ Thần linh được xây dựng ở độ cao hai nghìn sáu trăm mét trên đỉnh phía Bắc.

- Một bước sai lầm nhỏ nhất thôi, một bước chệch hướng nhỏ nhất thôi cũng nguy hiểm đến tính mạng rồi. Hãy chú ý đến lớp băng mùa này vẫn thường che phủ những bậc đá trên cùng. Cẩn thận kẻo trượt chân, hiếm có chỗ để bám vịn lắm. Nếu một trong số hai vị ngã, người kia không được cố cứu vì làm vậy cả hai sẽ lao thẳng xuống vực.

Chúng tôi đã được cảnh báo, nhưng vị trụ trì không tìm cách làm chúng tôi nản chí. Ông mời chúng tôi thay quần áo, nói chúng tôi có thể để đồ đạc lại đây. Chiếc xe đỗ lại bìa rừng thấp cũng sẽ không gặp phải vấn đề gì. Giữa buổi sáng, chúng tôi đã ngồi lên một chiếc xe ba gác do lừa kéo. Nhà sư cầm cương điều khiển lừa đưa chúng tôi ra tận đường cái. Vị này vẫy một chiếc xe tải nhỏ đi ngang qua, nói chuyện với tài xế rồi ra hiệu cho chúng tôi ngồi phía sau xe. Một tiếng sau, xe dừng lại lưng chừng núi. Tài xế chỉ một lối đi hiện ra giữa rừng thông.

Chúng tôi đánh liều đi bộ băng rừng. Từ xa Keira đã nhìn thấy những bậc thang vị trụ trì vừa nhắc tới. Ba tiếng đồng hồ tiếp theo gian nan hơn tôi tưởng. Càng leo, tôi thấy các bậc dường như càng cao hơn, và đó không chỉ là cảm giác, độ dốc ngày càng dựng đứng. Từ đó trở đi, chúng tôi không phải đang leo thang mà đúng hơn là leo trên một thang đá gần như thẳng đứng. Họa là điên mới quay lại nhìn xuống phía dưới, cách duy nhất để tiến lên là không rời mắt khỏi đỉnh núi.

Phần đầu tiên của cuộc leo núi dẫn chúng tôi đến với Những nấc thang lên Thiên đường. Dọc theo đỉnh núi, các bậc thang lấy lại hình dáng gần như nằm ngang và tôi đã hiểu tại sao chúng lại có tên như vậy: người nào sảy chân tại đây sẽ lên thẳng thiên đường.

Xa một chút nữa lại có các bậc thang dẫn lên.

- Lẽ ra em không bao giờ nên làm thế, Keira vừa nói vừa bám vào vách đá.

- Không làm gì?

- Kéo anh tới đây. Lẽ ra em nên nghe lời vị trụ trì, chả gì thì ông ấy cũng cảnh báo chúng tôi là sẽ gặp nhiều nguy hiểm.

- Theo anh được biết thì anh cũng có nghe lời ông lão ấy hơn em đâu, vả lại giờ không phải lúc tranh luận, em còn nhớ ông lão nói gì với chúng ta không, chỉ hơi lơ là dù nhỏ nhất cũng nguy hại đến tính mạng, vậy em nên tập trung đi.

Giờ thì chúng tôi đã đến núi Thương Long. Ở đây, một vài cây thông tán lọng rải rác khắp núi và biến mất trong khi chúng tôi vượt qua đường mòn Kim Thục.

- Ít ra em cũng biết chúng ta đang tìm kiếm thứ gì? tôi hỏi Keira.

- Em không rõ nhưng em biết em sẽ tìm ra lúc thích hợp.

Cơ bắp của chúng tôi đau nhức rã rời, hai chân tôi không còn cảm giác nữa; ba lần chúng tôi suýt tuột tay, cả ba lần chúng tôi vừa kịp lấy lại thăng bằng. Mặt trời đã lên đỉnh, ở cuối con đường mòn, đường chia làm hai ngả. Một dẫn tới đỉnh phía Tây, một dẫn tới phía Bắc. Các thanh ván đặt lên đinh khuy cắm vào vách núi cho phép tiếp tục trèo lên. Như vị trụ trì đã miêu tả, không còn thứ gì khác để chúng tôi bám víu vào.

- Cảnh vật hùng vĩ quá, nhưng chớ có nhìn xuống phía dưới, Keira nài nỉ.

- Anh không định làm thế đâu.

Ở đoạn leo này, tôi cảm thấy mối nguy hiểm hiện hữu hơn bao giờ hết. Gió nổi lên, buộc chúng tôi phải co người lại để không bị thổi phăng vào khoảng không. Chúng tôi sẽ phải ở trong tình trạng này bao lâu nữa? Tôi không biết, nhưng nếu thời tiết xấu đi, chúng tôi sẽ không có cơ may nào để thoát ra một khi màn đêm buông xuống.

- Anh muốn quay lại à? Keira hỏi tôi.

- Không, không phải bây giờ, vả lại anh biết em mà, ngày mai em sẽ lại bắt đầu và anh sẽ không vượt qua đoạn đường vừa rồi dù để đổi lấy bất cứ thứ gì trên đời.

- Vậy thì chúng ta hãy đợi để cơn gió này lặng đi.

Keira và tôi tựa vào nhau. Một cái hốc ngoằn ngoèo trong vách đá cho chúng tôi chỗ trú tạm. Gió quất ràn rạt; từ đằng xa, chúng tôi có thể trông thấy những ngọn thông rạp đi mỗi khi cơn cuồng phong đập vào vách núi.

- Em dám chắc là cơn gió khốn kiếp này sẽ lặng đi thôi, Keira bảo.

Tôi không thể hình dung chúng tôi sẽ hết đời ở đây, không thể hình dung rằng một tờ nhật báo, phát hành tại Luân Đôn cũng như tại Paris, thuật lại trong khoảng vài dòng cái chết của hai vị du khách bất cẩn trên đường thám hiểm đỉnh Hoa Sơn. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng giọng Walter bảo rằng tôi vụng về đến mức nào và tôi sẽ không giận nếu hắn có lặp lại câu phê phán ấy vào đúng thời điểm này. Chân Keira bị chuột rút, và cơn đau trở nên không thể chịu nổi.

- Em không thể chịu thêm nữa rồi, em phải đứng dậy đây, cô ấy nói, và tôi chưa kịp nhận thấy chuyện gì đang diễn ra thì chân cô ấy đã trượt đi. Cô ấy kêu một tiếng khô khốc rồi hẫng về phía vực thẳm. Tôi lao tới, tới tận hôm nay tôi vẫn không hiểu phép màu nào đã giúp tôi giữ thăng bằng vào lúc ấy. Tôi tóm lấy cổ áo khoác của cô ấy, và kịp túm lấy cánh tay cô ấy. Cô ấy đu đưa trong không trung; gió thổi mạnh hơn, quất vào chúng tôi. Tôi vẫn còn nghe thấy cô ấy thét lên.

- Adrian, đừng buông em ra!

Tôi đã cố thu hết sức bình sinh kéo cô ấy lên, gió lại thổi văng cô ấy đi. Cô ấy bám vào vách đá. Nằm dài trên mép vực, tôi kéo quần áo cô ấy.

- Em phải giúp anh một chút, tôi kêu lên với cô ấy. Đạp chân lên đi, khỉ thật!

Hành động nguy hiểm. Để có một cơ may thoát ra, cô ấy phải dũng cảm buông một tay ra và bám vào tôi.

Nếu vị thần cai quản các thế giới ấy có tồn tại thì hẳn ngài đã nghe thấy lời cầu nguyện của Keira. Gió ngừng thổi.

Cô ấy đã thả lỏng mấy ngón tay phải, đu đưa trong khoảng không và bám được vào tôi. Lần này, tôi đã có thể kéo cô ấy lên cầu treo.

Phải hơn một tiếng sau chúng tôi mới có thể bình tĩnh lại. Nỗi sợ không biến mất, nhưng leo trở xuống vào lúc này cũng đáng sợ chẳng kém gì việc tiếp tục leo lên. Keira chậm rãi đứng dậy và giúp tôi đứng lên. Khi nhìn thấy vách đá đang đợi phía trước, nỗi sợ quay trở lại, lớn hơn trước. Ban nãy tôi đã ngu ngốc thế nào mà không đồng ý với Keira khi cô ấy đề nghị quay lại thế nhỉ? Tôi có nên hoàn toàn vô ý thức để lôi kéo chúng tôi vào một cuộc phiêu lưu điên rồ đến thế này không? Keira hẳn cũng nghĩ như tôi, cô ấy ngẩng đầu lên và ước lượng khoảng cách từ chỗ chúng tôi đang đứng lên đến đỉnh núi. Ngôi đền nằm trên đỉnh núi cao nhất hẳn vẫn còn xa. Một chiếc thang bằng kim loại treo thẳng đứng. Nếu các bậc thang không trơn đến thế, nếu thung lũng không trải rộng bên dưới cách chỗ chúng tôi đặt chân hai nghìn mét, thì đó cũng chỉ đơn giản là một cái thang, tuy thế cũng có đến năm trăm bậc. Đích đến của hành trình ở cách đầu chúng tôi một trăm năm mươi mét Quan trọng là giữ được bình tĩnh. Keira hỏi liệu bây giờ tôi có thể nói cho cô ấy nghe danh sách những điều tôi thích ở cô ấy không.

- Giờ là lúc thực sự thích hợp rồi đấy, cô ấy bảo. Em sẽ không cưỡng lại việc đổi ý đâu.

Tôi những muốn mình có thể làm thế, danh sách đủ dài để buộc cô ấy phải tập trung chú ý đến khi chúng tôi lên tới ngôi đền thờ đáng nguyền rủa kia, nhưng nhìn xem tay mình phải bám vào đâu là điều duy nhất tôi có thể làm lúc bấy giờ. Chúng tôi tiếp tục leo trong yên lặng tuyệt đối.

Chúng tôi vẫn chưa qua hết khổ nạn. Còn phải vượt qua một cây cầu treo dài nữa, cây cầu rộng không quá một bàn chân.

* * *

Bấy giờ là gần sáu giờ chiều, màn đêm đang dần buông và tôi chỉ cho Keira rằng nếu ngôi đền không lọt vào tầm mắt trong vòng nửa giờ tới, chúng tôi thực sự sẽ phải bắt tay vào việc tìm một chỗ nghỉ qua đêm. Điều mà tôi vừa nói thật vô lý, chúng tôi đang leo dọc vách núi và không có bất cứ chỗ nghỉ nào hết, trước mặt chẳng có mà sau lưng cũng không.

Keira bắt đầu kiểm soát cơn chóng mặt tốt hơn. Các cử chỉ của cô ấy trở nên uyển chuyển hơn, cô ấy leo lên nhanh nhẹn. Có lẽ cô ấy giỏi che giấu nỗi sợ hơn tôi.

Cuối cùng thì đằng sau sườn núi chúng tôi vừa leo cũng hiện ra ngọn núi trải dài về phía đỉnh cao nhất của dãy núi. Một vùng cao nguyên trông xuống thung lũng nơi hiện ra, như trong một giấc mơ, một ngôi đền lợp ngói đỏ.

Kiệt sức, Keira khuỵu gối xuống sườn dốc dịu mát trong bóng râm của những cây sồi lớn. Không khí trong lành đến nỗi như nung đốt cổ họng chúng tôi.

Ngôi đền trông thật ấn tượng. Nền được tạc vào trong vách đá, mặt tiền hai tầng gồm sáu cửa sổ lớn. Một cầu thang dẫn đến lối vào. Đằng trước mảnh sân hẹp là ngôi đền phần mái trước hơi đổ bóng. Tôi nhớ lại đoạn đường gian nan vừa dẫn chúng tôi tới tận đây và tự hỏi phép màu nào đã giúp con người xây nên một công trình nhưng? Những bức khắc gỗ bao quanh các khung cửa phải chăng đã được gia công tại chỗ trước khi ghép lại?

- Chúng ta đến nơi rồi, Keira nói, mắt ngân ngấn nước.

- Phải, chúng ta đến nơi rồi.

- Nhìn đằng sau anh mà xem, cô ấy bảo.

Tôi quay lại và nhìn thấy một bức điêu khắc đá, một con rồng kỳ lạ có lớp bờm dày trên đầu.

- Đó là một con sư tử, cô ấy nói, một con sư tử đơn độc, và dưới chân nó... quả cầu này!

Keira bật khóc, tôi ôm cô ấy.

- Nhưng em đang nói về cái gì thế?

Cô ấy lấy từ trong túi áo ra một tờ thư, mở nó ra rồi đọc cho tôi nghe: Sư tử ngủ trên hòn đá tri thức.

Chúng tôi lại gần pho tượng. Keira cúi xuống để nhìn ngắm nó kỹ hơn. Cô ấy săm soi quả địa cầu nơi con sư tử đặt chân, như một người lính gác kiêu bạc.

- Em thấy gì không?

- Những rãnh nhỏ xíu quanh quả địa cầu, ngoài ra không có gì khác, nhưng chắc em bỏ qua điểm cốt yếu rồi. Hòn đá bị xói mòn.

Tôi nhìn vầng dương đang lặn phía chân trời, lúc này đã quá muộn để nghĩ đến chuyện leo trở xuống. Chúng tôi phải nghỉ qua đêm tại đây. Ngôi đền thờ sẽ giúp chúng tôi khỏi lạnh; nhưng nó vẫn mở thông thống và tôi e rằng đến giữa đêm chúng tôi sẽ rét cóng. Để mặc Keira nghiên cứu quả địa cầu đang thu hút toàn bộ sự chú ý của cô ấy, tôi bước tới mấy gốc thông trên sườn dốc. Tôi nhặt một ôm cành thông rụng dưới gốc và một vài quả thông vẫn đang tỏa mùi nhựa. Khi quay lại sân, tôi nhóm lên một đống lửa.

- Em mệt quá, Keira nói khi quay trở lại với tôi. Em lạnh nữa, cô ấy nói thêm và xoa xoa tay hơ lên những ngọn lửa đầu tiên. Và nếu anh bảo em là anh có thứ gì ăn được, em sẽ cưới anh!

Tôi đã cẩn thận cất giữ vài chiếc bánh quy khô mà vị trụ trì dúi vào túi áo tôi trước khi chúng tôi lên đường. Tôi đợi thêm lát nữa trước khi đưa cô ấy một chiếc bánh.

Chúng tôi tìm ra chỗ trú trong một căn phòng kín gió hơn. Cả hai đã mệt lử sau cuộc hành trình và chỉ nằm một chốc là ngủ thiếp đi.

Tiếng kêu của một con đại bàng đánh thức chúng tôi vào lúc sáng sớm tinh mơ. Chúng tôi bị ướp lạnh. Túi áo tôi rỗng tuếch hệt như dạ dày chúng tôi, cơn khát bắt đầu dâng lên. Đường leo xuống cũng sẽ nguy hiểm không kém gì đường lên, ngay cả khi lần này trọng lực về phe chúng tôi. Keira muốn nhấc chân con sư tử lên, tịch thu quả địa cầu của nó để tha hồ nghiên cứu. Nhưng con mãnh thú đứng sừng sững, canh gác quả địa cầu như canh gác một kho báu.

Đốm lửa hôm qua chẳng còn lại gì nhiều, chúng tôi không có đủ củi để nhóm lại, tuy thế, cảnh vật nơi đây hài hòa hoàn hảo tới mức tôi không muốn bẻ dù chỉ là một cành cây nhỏ. Keira nhìn đám tro tàn. Cô ấy chạy vội đến rồi quỳ xuống để gạt bỏ đám than vẫn còn nóng sáng.

- Giúp em nhặt lại những mẩu than chưa cháy đi, em cần vài ba mẩu gì đó.

Cô ấy vớ lấy một hòn, to ngang một cây phu danh, và chạy lại chỗ con sư tử. Rồi cô ấy bắt đầu bôi đen hòn đá hình tròn mà con sư tử vẫn ra sức bảo vệ. Tôi nhìn cô ấy vẻ nghi hoặc. Phá hoại văn vật không phải là thói quen của cô ấy, ngược lại mới đúng; tại sao bỗng dưng cô ấy lại dùng cách ấy để bôi bẩn hòn đá cổ như vậy?

- Thời đi học anh chưa bao giờ quay cóp sao? Cô ấy nhìn tôi hỏi.

Thậm chí tôi sẽ không chuyển qua lời thú nhận đầu tiên, đó sẽ là một cực điểm, nếu xét đến tình huống trong lần chúng tôi gặp gỡ.

- Anh có nên hiểu là qua câu nói này em đã tự thú nhận là mình từng quay cóp không nhỉ? Tôi hỏi và lấy lại vẻ mặt giám thị của mình.

- Không hề, em đâu có nói với anh về em.

- Anh chẳng có kỷ niệm nào về gian lận thi cử, không. Và dù anh có làm thế đi chăng nữa, nếu em nghĩ là anh sẽ tiết lộ cho em biết thì đúng là em đang mơ rồi đấy.

- Được lắm, một ngày kia em sẽ đổi lời thú tội này lấy cái danh sách trứ danh liệt kê những điều em thích ở anh. Còn bây giờ, hãy cầm một viên than và tới đây giúp em bôi đen tảng đá này đi.

- Em đang nghịch ngợm gì thế?

Trong khi Keira tỉ mẩn quệt nhọ than lên tảng đá, tôi bỗng nhìn thấy xuất hiện một loạt các đường nét. Hệt như trò chơi ngày còn nhỏ chúng tôi thường chơi ở trường. Phải dùng đầu nhọn của compa khắc các con chữ lên một tờ giấy rồi lướt nhẹ đầu bút chì nét đậm để thấy hiện lên những con chữ như được khảm trên mặt giấy.

- Anh nhìn xem, Keira bảo tôi với giọng bồn chồn hơn bao giờ hết.

Trên nền đen, chúng tôi nhìn thấy hiện ra một loạt những con số đan xen với các dòng và điểm. Tảng đá được canh giữ cẩn mật bởi con sư tử này là một loại mô hình thiên cầu, chứng tỏ kiến thức thiên văn vượt trội của những người đã tạo ra nó hàng thế kỷ trước thời đại của chúng ta.

- Gì thế? Keira hỏi.

- Một dạng bản đồ thế giới, nhưng thay vì mô tả Trái dất, nó lại là bản đồ bầu trời, nói cách khác, nó mô tả hai bầu trời trên đầu chúng ta, bầu trời nhìn từ bán cầu Bắc và bầu trời nhìn từ bán cầu Nam.

Phát hiện vừa rồi của Keira thật tuyệt vời, tôi cần phải giải thích cho cô ấy cặn kẽ từng chi tiết.

- Xung quanh đường trung tuyến mà em đang thấy đây, đường tròn lớn này là chỗ giao nhau của mặt phẳng xích đạo với mặt cầu, gọi là xích đạo của bầu trời, nó chia quả cầu ra làm hai phần: bắc và nam. Ta có thể chiếu bất cứ điểm nào của Trái đất lên quả cầu bầu trời này; tất cả các thiên thể đều được biểu hiện trên đó, kể cả Mặt trời.

Tôi chỉ cho cô ấy hai đường tròn cực, các chí tuyến, thiên thực, con đường xuyên qua Mặt trời, được đánh mốc bằng các chòm sao hoàng đới; chính là các đường xuân phân và thu phân, hạ chí và đông chí.

- Khi Mặt trời cắt ngang mặt phẳng xích đạo, nghĩa là vào thời điểm xuân phân thu phân, độ dài của ngày bằng độ dài của đêm. Vòng tròn em nhìn thấy kia là hình chiếu của quỹ đạo Mặt trời lên địa cầu. Đây là Usrae minoris, ngôi sao anpha, thường được biết đến với tên gọi ngôi sao Cực, nó gần với cực Bắc bầu trời đến mức dường như bất động trên vòm trời. Vòng tròn lớn kia nữa là một kinh tuyến của bầu trời.

Hình ảnh thể hiện này đầy đủ tới mức tôi phải thú thật với cô ấy là trong đời tôi chưa từng được thấy thứ gì tương tự. Những mô hình thiên cầu đầu tiên được người Hy Lạp chế tạo ngay từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, nhưng những hình điêu khắc trên tảng đá này còn có niên đại cổ hơn nhiều.

Keira đã lấy bức thư trong túi ra, lật lại và sử dụng mặt sau tờ giấy để sao lại những hình khối hiện lên trên quả cầu. Cô ấy đưa một đường chì thành thạo.

- Anh đang làm gì vậy? cô ấy rời mắt khỏi bức vẽ, ngẩng lên nói với tôi.

Tôi cho cô ấy thấy chiếc máy ảnh tôi đã giấu trong túi từ khi chúng tôi đến Trung Quốc, không hiểu tại sao tôi lịa không dám thú nhận với cô ấy sớm hơn, rằng tôi vẫn hằng mơ được lưu giữ một vài khoảnh khắc trong chuyến đi của chúng tôi.

- Cái gì thế? Cô ấy biết thừa nhưng vẫn hỏi.

- Một ý tưởng của mẹ anh... máy ảnh dùng một lần.

- Mẹ anh xen vào chuyện này làm gì vậy? Anh có chiếc máy ảnh này lâu chưa?

- Anh đã mua tại Luân Đôn trước khi lên đường. Cứ coi nó như một thứ phụ kiện ngụy trang đi. Em đã bao giờ trông thấy khách du lịch không mang máy ảnh theo người chưa?

- Và anh đã dùng nó rồi à?

Tôi nói dối tệ kinh khủng, chi bằng chuyển ngay sang tiết mục thú tội.

- Anh đã chụp ảnh em hai ba lần gì đó, trong lúc em ngủ, cả khi em bị khó ở bên vệ đường, và mỗi lần em không chú ý tới anh. Đừng có làm vẻ mặt đó, anh chỉ muốn có vài kỷ niệm đem về thôi mà.

- Máy còn chụp được bao nhiêu kiểu nữa?

- Thực ra, đây là cái thứ hai, anh đã vứt đi một cái, cái này thì phim vẫn còn nguyên.

- Anh đã mua bao nhiêu cái máy ảnh dùng một lần thế?

- Bốn... năm, có lẽ vậy.

Tôi khá luống cuống và chỉ mong cuộc tranh luận này kết thúc thật nhanh. Tôi tiến đến gần con sư tử và bắt đầu chụp ảnh tảng đá hình tròn, chụp cận cảnh từng chi tiết.

Chúng tôi đã tập hợp đủ hình ảnh để có thể dựng lại toàn bộ những thông tin được chạm khắc trên đá. Tôi đã đo kích thước tảng đá bằng chiếc thắt lưng của mình, để có được một tỷ lệ so sánh khi về đến nhà. Ghép những tấm ảnh tôi vừa chụp với những bức vẽ của Keira, dù không có bản gốc thì chúng tôi vẫn sẽ sẵn có một bản sao chính xác. Đã đến lúc phải xuống núi. Nhìn vị trí của Mặt trời, tôi đoán chừng lúc đó khoảng mười giờ sáng, nếu đường xuống núi không gặp trở ngại gì, chúng tôi sẽ quay lại ngôi chùa phía dưới trước khi trời tối.

Chúng tôi mệt lử người khi xuống đến nơi. Các vị sư trong chùa đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi tất cả những gì cần thiết. Nước nóng để tắm rửa, một bữa ăn chế biến chủ yếu thành dạng xúp để bổ sung nước và nhiều cơm để hồi sức. Tối hôm đó vị trụ trì không xuất hiện. Các đệ tử của ông bảo ông đang tĩnh tâm nên không ai được phép làm phiền.

Sáng hôm sau chúng tôi mới được gặp ông. Ngoài một vài chỗ trầy da, mấy nốt phỏng ở bàn tay bàn chân, hình dạng của chúng tôi còn hơn là khá khẩm.

- Chẳng hay hai vị có hài lòng về chuyến chu du trên tòa kim tự tháp màu trắng không? Vị trụ trì vừa hỏi vừa tiến lại gần chúng tôi. Các vị đã tìm ra thứ gì cần chưa?

Keira liếc mắt nhìn tôi vẻ dò hỏi, có nên tin tưởng người này không? Trước hôm chúng tôi khởi hành, ông đã chứng tỏ cho tôi thấy mối quan tâm cá nhân đối với thiên văn học. Có lẽ ông ấy sẽ giúp chúng tôi sáng tỏ hơn. Tôi nói với vị trụ trì rằng chúng tôi đã tìm thấy thứ gì đó còn lạ lùng hơn những gì đã hình dung. Tôi đã làm cho vị trụ trì phát tò mò, nhưng để giải thích với ông ấy đó là thứ gì thì tôi cần phải rửa những bức ảnh vừa rồi, chúng sẽ tiết lộ được nhiều hơn tất cả những lời tôi giải thích.

- Hai vị làm tôi tò mò đấy, vị trụ trì nói. Nhưng tôi sẽ kiên nhẫn và đợi xem. Các đồ đệ của tôi sẽ dẫn hai vị ra xe. Hãy đi về phía Đông, cách bảy mươi cây số, hai vị sẽ tới Linh Bảo; đó là một trong những thành phố hiện đại đã mọc lên như cỏ dại vài năm gần đây, ở đó các vị sẽ tìm thấy thứ mình cần.

Chiếc xe bò chở chúng tôi tới chỗ đậu chiếc xe hai cầu. Hai tiếng sau khi rời khỏi chùa, chúng tôi tới trung tâm thành phố Linh Bảo. Trên con phố buôn bán sầm uất, các cửa hàng điện tử dành cho cả người Trung Quốc lẫn khách du lịch nối nhau san sát. Chúng tôi chọn ngẫu nhiên một trong số đó. Tôi giao chiếc máy ảnh một lần cho cậu nhân viên phụ trách quầy rửa ảnh và mười lăm phút sau, cậu này giao lại cho chúng tôi một xấp ảnh hai mươi tư kiểu đã chụp trên đỉnh Hoa Sơn, đổi lấy một trăm tệ, kèm đó là một thẻ nhớ lưu ảnh dưới dạng file.

- Anh có thể tranh thủ rửa những tấm ảnh anh chụp lúc em đang ngủ hay đang nôn bên vệ đường... để cho vào cuốn album của anh.

- Em nên nhớ là anh không nghĩ đến chuyện đó, tôi trả lời cô ấy với giọng không kém phần mỉa mai.

Một thứ máy kỳ lạ khiến tôi chú ý. Chiếc máy gồm một màn hình, một bàn phím và có cả những khe cắm đủ kích cỡ nơi ta có thể nhét vào loại thẻ mà cậu nhân viên vừa đưa cho tôi. Sau khi thả vào đó vài đồng tiền lẻ, ta có thể gửi ảnh qua Internet tới bất kỳ đâu trên thế giới. Rõ ràng là châu Á đầy rẫy sự thần tình trong lĩnh vực công nghệ.

Tôi rủ Keira đi theo mình, và trong vài phút đồng hồ, tôi gửi một bức mail đến hai người bạn, Erwan ở Atacama và Martyn ở Anh. Tôi lần lượt nhờ hai người phân tích hình ảnh này với sự chú tâm cao độ nhất và vui lòng nói cho tôi biết chúng gợi cho họ nhớ đến cái gì cũng như những kết luận khả dĩ chấp nhận được. Keira không có ảnh để gửi cho Jeanne, cô ấy đành gửi một tin nhắn, bịa rằng cô ấy vẫn đang ở thung lũng Omo, cam đoan với chị gái là mọi việc đều tốt đẹp và cô ấy nhớ chị gái nhiều.

Chúng tôi đã tranh thủ quãng thời gian ghé qua thành phố để mua vài thứ đồ nhu yếu phẩm. Keira nhất định muốn mua dầu gội; chúng tôi đã mất gần một tiếng đồng hồ để tìm nhãn hiệu phù hợp với cô ấy, tôi lưu ý cô ấy rằng một giờ đồng hồ, như thế có lẽ là hơi lâu nếu chỉ chọn dầu gội. Cô ấy liền vặc lại, nếu cô ấy không cầm tay tôi kéo đi, thì chúng tôi vẫn còn đang ở trong cửa hàng điện tử ấy chứ!

Chúng tôi đã đánh chén no say cơm, nước dùng và bánh kẹp, vậy mà cả Keira lẫn tôi đều không thể cưỡng lại được khi đứng trước quầy kính của một tiệm ăn nhanh nơi người ta phục vụ những chiếc hamburger chính hiệu, với khoai tây chiên và phô mai tan. Năm trăm calori cho mỗi đơn vị thức ăn, cô ấy bảo tôi, và nói thêm rằng kèm theo đó là năm trăm calori niềm vui thú thuần khiết.

Sau khi ăn trưa, chúng tôi về thẳng chùa. Lần này vị trụ trì của chúng tôi không thiền định nữa mà có vẻ như thậm chí ông ấy còn đang nóng lòng chờ chúng tôi quay về.

- Ảnh rửa xong chưa? Ông ấy hỏi.

Tôi cho trụ trì xem chỗ ảnh và giải thích cho ông biết chúng tôi đã làm thế nào để phát lộ hình cầu thể hiện bầu trời được khắc vào đá.

- Điều hai vị vừa làm quả là một phát hiện ấn tượng. Hai vị có nghĩ đến chuyện trả hòn đá về trạng thái ban đầu không?

- Có chứ, Keira dáp, chúng tôi đã lau sạch nó bằng những phiến lá cũng ướt đẫm sương buổi sớm như chính chúng tôi vậy.

- Quyết định khôn ngoan đấy. Làm thế nào hai vị đến được chỗ con sư tử? vị sư hỏi.

- Đó là cả một câu chuyện dài, một câu chuyện dài không kém gì chuyến hành trình này.

- Chặng tiếp theo sẽ là gì đây?

- Nơi có mảnh sinh đôi của thứ này, Keira vừa đáp vừa cho trụ trì xem chiếc mặt dây chuyền của mình. Và chúng tôi nghĩ rằng tấm bản đồ bầu trời hình cầu phát hiện được trên đỉnh Hoa Sơn sẽ giúp chúng tôi xác định vị trí của nó. Bằng cách nào ư? Chúng tôi còn chưa biết, nhưng thêm một chút thời gian nữa, có lẽ chúng tôi sẽ nhìn thấy sáng rõ hơn.

- Cái vật đẹp đẽ này thực ra có chức năng gì vậy? vị trụ trì hỏi trong khi xem xét chiếc mặt dây chuyền của Keira kỹ hơn.

- Đó là một mảnh của bản đồ bầu trời đã được lập nên từ cách đây lâu hơn nhiều so với bản đồ bầu trời hình cầu mà chúng tôi đã tìm ra dưới chân con sư tử.

Vị trụ trì chăm chú nhìn thẳng vào mắt hai chúng tôi.

- Đi theo tôi, ông ấy nói với chúng tôi và kéo chúng tôi rời xa khỏi ngôi chùa.

Ông ấy dẫn chúng tôi tới tận gốc liễu nơi ba người đã cùng nhau đàm đạo rồi bảo chúng tôi ngồi xuống. Liệu chúng tôi có nên kể cho ông ấy nghe câu chuyện dài đang khiến ông ấy say mê để đổi lấy cách đối xử ân cần hiếu khách? Chúng tôi cảm thấy mình buộc phải làm vậy, và vui lòng thuận theo yêu cầu của trụ trì.

- Nếu tôi không nhầm, ông ấy kết luận, thì vật mà nữ thí chủ đeo trên cổ đây chính là một tấm bản đồ bầu trời của bốn trăm triệu năm trước; điều mà theo các vị là bất khả. Các vị nói rằng còn có những mảnh khác nữa của tấm bản đồ ngay lúc này còn chưa đầy đủ và khi tập hợp được tất cả các mảnh ghép hai vị có thể chứng minh tính xác thực của nó?

- Chính xác là vậy?

- Hai vị có chắc chắn đó là điều duy nhất vật đó có thể chứng minh không? Hai vị đã nghĩ đến những hệ lụy của khám phá này chưa, đến tất cả những chân lý đã được thiết lập trên thế giới này sẽ ngay lập tức bị xét lại?

Tôi thú thật là chúng tôi không có nhiều thời gian để thống kê những chuyện ấy, nhưng nếu việc các mảnh này hợp lại với nhau cho phép chúng ta biết nhiều hơn về nguồn gốc loài người, và biết đâu, thậm chí là về sự hình thành của Vũ trụ, vậy thì khám phá này quả là vô giá.

- Hai vị chắc chắn đến thế ư? Vị trụ trì hỏi. Hai vị đã tự hỏi tại sao thiên nhiên đã chọn xóa bỏ khỏi trí nhớ của chúng ta tất cả những kỷ niệm thời bé dại nhất không? Tại sao chúng ta không hề biết gì về những giây phút đầu tiên ta xuất hiện trên Trái đất này?

Dĩ nhiên Keira và tôi không thể trả lời được câu hỏi vị trụ trì vừa nêu.

- Hai vị có biết gì về những khó khăn mỗi linh hồn gặp phải khi nhập vào một thể xác và mang lại sự sống hồi sinh dưới dạng chúng ta thường thấy không? Thí chủ đây là nhà thiên văn, tôi có thể hình dung thí chủ đam mê tìm hiểu sự hình thành Vũ trụ đến mức nào, những khoảnh khắc đầu tiên, vụ nổ Big Bang nổi tiếng, vụ nổi năng lượng kỳ lạ tạo ra vật chất. Thí chủ có tin là những khoảnh khắc đầu tiên của một sự sống khác đến thế không? Sẽ không chỉ là một vấn đề quy mô? Vũ trụ rộng lớn vô cùng, còn chúng ta lại nhỏ bé vô cùng. Và biết đâu hai thời điểm bắt đầu ấy lại giống nhau ở một điểm nào đó? Tại sao con người lại luôn tìm kiếm ở tận xa xôi điều vẫn gần gũi với mình đến thế?

Có lẽ tự nhiên chọn xóa bỏ ký ức của chúng ta về những khoảnh khắc đầu tiên và bảo vệ chúng ta khi không cho chúng ta nhớ lại những khổ đau đã kinh qua để chiếm lĩnh sự sống. Và biết đâu, để không bao giờ chúng ta có thể tiết lộ bí mật của những khoảnh khắc đầu tiên ấy? Tôi thường tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại nếu chúng ta thực sự hiểu được cả quá trình này? Con người tự cho mình là thần thánh hay sao? Cái gì sẽ ngăn con người khỏi phá hủy tất cả nếu họ biết cách sáng tạo ra sự sống theo ý muốn? Chúng ta sẽ tôn trọng cuộc sống này thế nào nếu chúng ta khám phá được bí ẩn của quá trình sáng tạo ra nó?

Tôi không có nghĩa vụ bảo các vị phải dừng chuyến đi này lại, cũng không thể phán xét cách thức tiến hành. Cuộc gặp của chúng ta có lẽ chỉ là duyên số. Vũ trụ này vẫn còn gây cảm hứng cho các vị chừng nào nó còn sở hữu những phẩm chất không thể nghi ngờ và chúng ta còn lâu mới biết được thế nào mới thực sự là duyên số. Tôi chỉ yêu cầu hai vị cân nhắc dọc đường đi, về điều hai vị đang thực sự tiến hành. Nếu chuyến đi này đã tác hợp cho hai vị gặp nhau, vậy thì có lẽ đó chính là ý đồ đầu tiên của nó, có lẽ khôn ngoan nhất là nên dừng lại tại đây.

Vị trụ trì trả lại chúng tôi xấp ảnh. Ông đứng dậy, chào từ biệt rồi quay về chùa.

Hôm sau, chúng tôi quay lại Linh Bảo. Chúng tôi tìm ra một quán cà phê internet, nơi chúng tôi có thể truy cập mạng và lần lượt đọc thư điện tử của từng người. Keira nhận được thư của chị gái cô ấy, còn tôi nhận được thư từ hai người bạn là nhà thiên văn học, cả hai đều yêu cầu tôi gọi ngay cho họ.

Tôi liên lạc với Erwan trước.

- Lần này tôi không biết cậu đang dính vào vụ gì nữa, anh ấy bảo, nhưng cậu thực sự bắt đầu khiến tôi tò mò rồi đấy. Tôi cũng không biết tại sao mình lại dành ra ngần ấy tiếng đồng hồ hùng hục làm cho cậu trong khi cậu chẳng nói gì với tôi cả, nhưng tôi đoán rằng sở dĩ có chuyện đó là bởi vì tôi là bạn cậu. Chuyện là thế này, tôi đang cương quyết chờ cậu ở đây với những lời giải thích, và cậu cũng sẽ trả cho tôi một bữa ăn ngon cho đêm trắng thứ hai liên tiếp mà cậu bắt tôi phải trải qua.

- Anh đã phát hiện ra điều gì hả Erwan?

- Bản đồ bầu trời hình cầu của cậu được kẻ trên một trục xác định. Tôi đã tiến hành một phép đạc tam giác, nối các tọa độ xích đạo, xích đạo và kinh tuyến trên mô hình thiên cầu cậu gửi lại với nhau để xác định độ thẳng và độ lệch. Tôi đã mất nhiều giờ để tìm vì sao nào được đánh dấu, nhưng tôi không tìm thấy gì hết, bạn thân mến ạ. Tôi thấy cậu cũng đã yêu cầu anh bạn Martyn chú ý đến vấn đề này, thử hỏi xem cậu ấy có phát hiện ra điều gì không, còn tôi thì tắc tị rồi.

Sau khi gác máy với Erwan, tôi gọi cho Martyn. Cậu ta vừa thức dậy và tôi xin lỗi vì đã làm phiền bạn lúc sáng sớm.

- Cái thứ cậu gửi cho tớ đúng là một trò ghép hình chết tiệt, bạn thân mến ạ. Nếu cậu tin là đã lừa được tớ như thế, thì tớ lật tẩy được trò bẫy của cậu rồi đấy.

Tôi để mặc cho cậu ta nói mà cảm thấy tim mình mỗi lúc một đập mạnh hơn.

- Dĩ nhiên rồi, Martyn tiếp, không có các tọa độ giờ đê đo các góc, tớ tự hỏi cậu đang chơi trò gì vậy. Đó là một mô hình thiên cầu tinh xảo. Mô hình đầy đủ nhất tớ từng thấy và nhất là lại chính xác vô cùng. Lại còn rõ ràng đến khó tin. Nào, giờ thì quay lại vấn đề nhé. Tớ tự hỏi nó đánh dấu ngôi sao nào, cho đến khi tớ hiểu ra rằng hình cầu này chỉ cho chúng ta một điểm, nhưng trái ngược với từ bầu trời nó chỉ một điểm trên Trái đất. Điểm mấu chốt duy nhất, tớ đã nhập tọa độ hiện thời vào và những tính toán của tớ cho thấy điểm này nằm giữa nơi trống không, giữa khơi Andaman thuộc miền Nam Myanma.

- Cậu có cách nào thực hiện lại các phép tính sau khi thay đổi tọa độ giờ tồn tại cách đây ba nghìn năm trăm năm không?

- Tại sao lại là khoảng thời gian đặc biệt ấy? Martyn hỏi.

- Bởi vì đó là niên đại của tảng đá nơi tớ tìm được những tọa độ này.

- Tớ phải tính toán lại nhiều tham số, tớ sẽ thử phóng thích một máy tính, nhưng tớ không dám hứa trước gì đâu, đợi tớ đến mai nhé.

Tôi cảm ơn cậu bạn vì đã vất vả giúp đỡ rồi gọi ngay cho Erwan để báo cho anh biết tin và nhờ anh làm cùng một phép tính với Martyn. Erwan cự nự một chút, nhưng anh vốn là tạng người luôn càu nhàu như thế, rồi anh cũng hứa với tôi ngày hôm sau sẽ báo kết quả.

Tôi kể cho Keira nghe những bước tiến đã đạt được trong khoảng thời gian ít ỏi như thế. Tôi còn nhớ chúng tôi đã mừng vui xiết bao, hăng hái xiết bao, cả hai đều ngây ngất với lời hứa đang chờ đơi. Chúng tôi không nghe theo những lời cảnh báo của vị trụ trì. Chỉ có khoa học là đáng kể, và nhu cầu được thỏa mãn khát khao khám phá mạnh hơn tất thảy.

- Em không muốn quay lại Giường và Bữa sáng kiểu tu hành của chúng ta nữa đâu, Keira bảo tôi. Không phải vì trụ trì tiếp đãi không chu đáo, ngược lại thì đúng hơn, nhưng các bài học đạo đức của ông ấy hơi phiền phức. Vì đằng nào cũng phải đợi đến mai, chi bằng anh và em, chúng ta chơi trò du khách thực sự? Đông Hoàng Hà ngay gần đây, chúng ta tới tham quan đi, anh có thể chụp ảnh, ngay cả khi em đang chú ý đến anh, bởi nếu anh tìm ra cho chúng ta một góc nhỏ yên tĩnh nào đó để tắm, em định sẽ dành cho anh nhiều sự quan tâm hơn là anh có thể hình dung đấy.

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi bơi mình trần trên sông. Keira hạnh phúc, tôi cũng hạnh phúc không kém. Tôi đã quên khuấy cao nguyên Atacama, Luân Đôn và bầu không khí êm dịu của khu phố nơi tôi ở khi mưa chảy ròng ròng trên đỉnh đồi Primrose, tôi đã quên khuấy Hydra, mẹ tôi, dì Elena, Kalibanos và đàn lừa có hai tốc độ của lão. Tôi quên khuấy rằng tôi có thể mất toàn bộ cơ hội giảng dạy năm tiếp theo tại Học viện, nhưng tất cả những điều này đối với tôi không nhằm nhò gì. Keira đang ở trong vòng tay tôi, chúng tôi làm tình dưới làn nước Hoàng Hà trong vắt và không điều gì khác là đáng kể.

Chúng tôi không quay trở lại chùa; chúng tôi đã quyết định tìm một phòng khách sạn tại Linh Bảo. Keira mơ ước một chầu tắm ra trò còn tôi mơ một bữa tối thịnh soạn.

Một buổi tối tình tứ tại Linh Bảo; viết về nó cũng khiến tôi mỉm cười. Chúng tôi bước trên những con phố của thành phố dường như bất khả này. Keira tự cho là mình có tài chụp ảnh. Đến bờ sông, chúng tôi đã chụp gần hết phim của một chiếc máy ảnh, Keira đã mua một chiếcmáy khác để chụp ảnh chúng tôi trên đường phố. Cô ấy không muốn chúng tôi rửa ảnh ngay tại đây, cô ấy bảo như thế sẽ làm hỏng toàn bộ thú vui ngắm lại những khoảnh khắc này khi chúng tôi trở về Luân Đôn.

Tại sân hiên của một nhà hàng, Keira hỏi liệu tôi có thể liệt kê danh sách những gì tôi thích ở cô ấy không. Tôi hỏi lại liệu cô ấy có sẵn lòng nói cho tôi biết khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên trong phòng thi, cô ấy có đang quay cóp hay là không. Cô ấy từ chối, và tôi trả lời rằng, trong trường hợp này, cái danh sách trứ danh kia vẫn sẽ nằm trong vòng bí mật.

Chiếc giường tiện nghi trong phòng khách sạn đã khiến chúng tôi quên đi sự thô ráp của những manh chiếu trong chùa. Nhưng đêm hôm đó chúng tôi không dành nhiều thời gian để ngủ.

Chúng tôi ở cách Chilê mười hai múi giờ. Bây giờ là mười giờ sáng tại Linh Bảo, mười giờ tối tại Atacama. Tôi gọi cho Erwan.

Vẫn còn một chiếc kính viễn vọng bị hỏng, và tôi hiểu là mình đang làm phiền anh giữa một đợt bảo dưỡng. Tuy vậy anh vẫn nhận cuộc gọi của tôi và giải thích rằng trong khi tôi lặng lẽ đến Trung Quốc, thì anh ấy phải nằm dài trên một tảng đá kim loại, đang đánh vật với một đai ốc vẫn quyết liệt kháng cự anh. Tôi nghe thấy anh thở dài một tiếng rồi bật ra một tràng rủa xả. Anh vừa tự làm mình đứt tay, anh đang bực bội.

- Tôi đã thực hiện các phép tính cậu giao, anh bảo, và không biết tại sao tôi lại bực mình đến mức này, tôi bảo để cậu biết, đây là lần cuối cùng đấy! Các tọa độ của cậu vẫn ở biển Andaman, nhưng với những điều chỉnh mà tôi đã thực hiện, lần này thì cậu sẽ ở trên đất liền. Cậu có gì để ghi chép không?

Tôi vớ lấy một cây bút và tờ giấy rồi cuống cuồng kiểm tra xem cây bút còn mực không.

- 13o26’50” vĩ độ Bắc, 94o15’52” kinh độ Đông. Tôi đã xác minh cho cậu rồi, đó là đảo Narcondam, bốn cây số trên ba và không có người sinh sống. Về vị trí chính xác của các tọa độ, nó sẽ dẫn cậu đến đáy một ngọn núi lửa; tôi giữ tin tốt lành để báo cho cậu sau cùng đây, núi lửa này đã tắt! Giờ thì tôi có việc bận và tôi để mặc cậu với cơm và đũa của cậu đấy.

Erwan gác máy, thậm chí trước khi tôi kịp cảm ơn anh. Tôi tra giờ trên đồng hồ đeo tay, Martyn thường làm việc cả đêm, sự nôn nóng trong tôi lớn đến mức tôi đánh liều đánh thức anh.

Anh cung cấp cho tôi cùng những tọa độ đó.

Keira chờ tôi trong xe. Tôi kể cho cô ấy nghe từ đầu chí cuối hai cuộc điện thoại. Và khi cô ấy hỏi xem chúng tôi đi đâu, tôi nói đùa bằng cách nhập vào thiết bị định vị trên bảng điều khiển xe những con số mà Erwan và Martyn vừa cung cấp: 13o26’50” B, 94o15’52” Đ, trước khi tiết lộ với cô ấy chặng dừng chân tiếp theo của chúng tôi là ở miền Nam Myanma, trên một hòn đảo mang tên Giếng địa ngục.

Đảo Narcondam nằm cách mười giờ đi biển nếu tính từ mũi Nam của Myanma. Chúng tôi đã nghiên cứu trên một tấm bản đồ những cách khác nhau để tới đó, nhưng tất cả các con đường đều không dẫn tới Rangoon. Chúng tôi vào một hãng lữ hành để hỏi thông tin một nam nhân viên nói tiếng Anh tương đối chuẩn.

Sau hai giờ đường, chúng tôi có thể đi tới Tây An, chiều đáp máy bay đi Hà Nội và đợi đến ngày hôm sau sẽ có chuyến bay thường xuyên hai chuyến mỗi tuần tới Rangoon. Một khi đã tới miền Nam Myanma, chúng tôi phải tìm thuê một con tàu. Trong trường hợp thuận lợi nhất, chúng tôi sẽ mất từ ba đến bốn ngày để đến đảo.

- Phải có cách nào đó đơn giản hơn và nhanh hơn chứ nhỉ. Nếu chúng ta quay lại Bắc Kinh thì sao?

Nhân viên hãng lữ hành không bỏ sót lời nào trong cuộc trao đổi giữa chúng tôi. Ông ta cúi xuống quầy và hỏi liệu chúng tôi có ngoại tệ không. Từ lâu tôi đã học được chiêu là luôn phải mang theo

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện