Chương 19: Bách vạn tai dân hoan vũ lộ - Tô Châu thiên lý cầu giai nhân
Giữa tháng sáu, bốn người mới về đến Lan Châu, tên đệ tử Cái bang ở cửa Tây thành báo rằng Hàn minh chủ và các cao thủ đầu não hiện ở một gia trang gần đó.
Bọn Kiếm Vân đi theo gã, Võ Lâm Chí Tôn, Bạch Hổ lão nhân, Hắc Lư đạo trưởng cùng ba vị Phi Ma đều có mặt. Họ mừng rỡ xúm lại hỏi han. Nhìn bốn túi vải đầy châu ngọc, ai nấy đều hân hoan khôn xiết.
Đã đến bữa cơm chiều, mọi người quây quần bên bàn tiệc nghe Kiếm Vân kể lại mọi việc. Hàn minh chủ biến sắc :
- Không ngờ Trường Tu đại pháp sư lại tái xuất giang hồ. Tà pháp của lão đã có Nam Cung nhị đệ, nhưng về võ công, khó mà tìm được ai địch nổi lão họ Vu. Đó là chưa kể đến Bán Diện Thần Ông.
Cử tọa rầu rĩ, công nhận ông nói đúng. Kiếm Vân tư lự bảo :
- Xưa nay tà không thắng chính, nhưng thế lực đối phương đang hùng mạnh, chúng ta chẳng thể sính cường được. Trước mắt, bán châu báu đi mua lương thực dữ trữ, phòng khi bách tính lâm cảnh hiểm nghèo. Còn bọn tà ma trước sau gì cũng lộ mặt, lúc ấy đối phó cũng chẳng muộn.
Hôm sau, hai trăm đệ tử các phái ở lại Lan Châu, còn các đầu lĩnh đều theo hộ tống châu báu.
Đúng như dự đoán của Nan Đề lão nhân, vầng thái dương ngày càng chói lọi, khí hậu oi bức, nóng nực hơn mọi năm. Mực nước các sông đều hạ thấp, báo hiệu một năm đại hạn khủng khiếp.
Họ về đến Lạc thành chiều ngày hai mươi lăm tháng sáu. Nan Đề lão nhân không có vẻ hoan hỉ mà đượm chút lo âu. Lão bắt đổ cả bốn túi ngọc ra sàn nhà rồi bới tìm vật gì đó.
Cuối cùng, lão cười khà khà đứng lên trong tay có một vật lạ. Đó là một pho tượng Phật bằng bạch ngọc nhỏ bằng nắm tay.
Lão bảo Viên Long bỏ mọi thứ trở lại túi vải, đem cất trong hầm quỹ của Tổng đàn, rồi tươi cười dơ cao vật nọ :
- Đã có Bạch Ngọc Phật trong tay, còn sợ gì lão họ Vu nữa. Hàn đại ca cùng mọi người hãy vào tắm gội, lát nữa lão phu sẽ nói rõ hơn.
Sau bữa cơm tối, lão nhân đặt vật đó ở giữa bàn rồi bắt đầu câu chuyện :
- Bạch Ngọc Phật không quí giá về chất ngọc mà vì nó chứa đựng một môn tuyệt học vô thượng, đó là Ly Hỏa thần công. Đây lại chính là khắc tinh của Nhuyễn Thể ma công mà Bán Diện Thần Ông đã luyện. Nếu Kiếm Vân luyện thành thì chân khí Ly Hỏa sẽ nung đỏ Ngư Trường kiếm, thừa sức chém đứt đầu hai lão Bán Diện, Trường Tu. Khi phổ vào song thủ thì cũng lợi hại không kém. Lão phu đã ngờ rằng vật này trong kho báu, nhưng lúc nhớ ra thì Vân nhi đã đi rồi. May thay có được, thật là trời cao có mắt.
Tô Tháo thác mắc :
- Nhưng liệu y phải mất bao lâu mới luyện xong?
Nam Cung Sách gật gù :
- Ta cho rằng chỉ cần một trăm ngày là đủ. Y đã có tám mươi năm công lực trong người và tuổi lại còn trẻ.
Kể từ hôm đó, Kiếm Vân chú tâm luyện môn Ly Hỏa thần công không hề xao lãng một khắc nào. Khu hậu viện Liễu gia trang hoàn toàn yên tĩnh, nhưng bên Tổng đàn Cái bang lại cực kỳ nhộn nhịp. Cuối tháng tám, trời không một giọt mưa, mực nước hai sông Hoàng Hà, Trường Giang đều xuống rất thấp, lúa và hoa mầu chết rụi, rừng bốc cháy khắp nơi. Mấy trăm vạn dân lâm vào cảnh đói khát, kho lúa dự trữ của triều đình đã phát ra hết sạch nhưng cũng chẳng thấm thía gì. Lúc ấy, xẩy ra một cảnh ngược đời chưa hề có. Mười vạn đệ tử Cái bang tham gia cuộc phát chẩn, những người trước đây ngày ngày ngửa tay xin bố thí, giờ rộng rãi đong đủ từng bát gạo đầy, giúp đỡ bách tính ở vùng bị nạn.
Đâu đâu cũng vang lên lời ca ngợi Cái bang. Kiếm Vân đã dặn dò đệ tử Cái bang tuyệt đối không được nhắc đến tên chàng. Vĩnh Sương công chúa và ba vị phu nhân cũng đi khắp đó đây đốc thúc, giám sát việc phát chẩn.
Cuối tháng chín, trời đổ cơn mưa đầu tiên tưới mát ruộng đồng, cũng là lúc Kiếm Vân luyện Ly Hỏa thần công đến lớp thứ sáu. Đây là thành quả của những kỳ ngộ mấy năm qua, chàng cố luyện xong lớp thứ bảy nhưng không hề có tiến bộ.
Nan Đề lão nhân cười bảo :
- Tạo hóa ố toàn, không nên khiên cưỡng làm gì. Với bản lĩnh hiện nay, đã thừa sức diệt ma, hà tất phải luyện thêm.
Giữa tháng mười, cuộc hạn hán đã qua đi, nhà nông lo cày xới mảnh ruộng đầy nước của mình. Nhưng trên giang hồ lại xẩy ra nhiều chuyện động trời. Có đến mấy trăm cao thủ hạng nhất đột nhiên biến mất, như viên đá rơi xuống lòng sông, chẳng còn chút tăm hơi.
Nan Đề lão nhân cùng bọn Kiếm Vân đến Tổng đàn võ lâm ở Tung Dương hội họp với Hàn minh chủ và các phái. Lần này cả bốn vị mỹ nhân đều đi theo.
Võ Lâm Chí Tôn là Minh chủ nên mở lời trước :
- Qua những vụ mất tích kỳ bí xẩy ra trong tháng qua, chúng ta đều biết rằng bọn Trường Tu đại pháp sư đã xâm nhập vào các tỉnh nội địa. Nhưng có điều chúng không công khai lập giáo mà ẩn nấp ở nơi nào đó. Điều bí ẩn lớn nhất là việc thất tung của mấy trăm cao thủ thành danh. Muốn giam giữ một số người lớn như vậy, không phải là chuyện dễ dàng. Trinh sát Cái bang đã lùng sục khắp nơi mà không hề có kết quả. Chư vị có cao kiến gì xin cho biết!
Mọi người xôn xao bàn luận nhưng chẳng thể đưa ra chủ ý gì hay ho. Họ nhìn Phiêu Phong thư sinh và Kiếm Vân với vẻ chờ đợi.
Hoàng Đình Phổ hắng giọng :
- Theo thiển ý của lão phu thì Vu Hội đã dùng tà pháp khống chế nguyên thần của những người bị bắt. Sau này sẽ dùng họ làm công cụ chống lại võ lâm. Có lẽ họ không hề bị giam giữ mà chỉ bị cải trang cho khác đi và an nhiên cư ngụ, ra vào một nơi nào đó. Việc cung cấp vật thực cho mấy trăm người sẽ là dấu hiệu để chúng ta lần ra nơi giam giữ, nhưng trước hết, phải xác định được những nơi cần thăm dò. Đối với trinh sát Cái bang, chỉ có nhưng nơi như đại lao, trại lính là họ không vào được. Chỉ cần chú ý hai nơi trên là đủ.
Mọi người đều công nhận lão có lý. Kiếm Vân bổ xung thêm :
- Theo thiển ý của tiểu điệt, còn một nơi nữa để giấu người rất tốt, đó chính là chùa chiền. Chỉ cần cạo sạch tóc và khoác vào bộ tăng y là chẳng ai có thể nhận ra! Đệ tử Cái bang cũng không hề lưu ý đến khu vực này!
Tô Tháo bật cười :
- Phải lắm! Lão phu cũng đã từng giả làm Hoa hòa thượng để đánh nhau với bọn Liêu Đông song sứ mà có ai nhận ra đâu?
Nhị Phi Ma Trốc Đầu Ma Quân hắng giọng :
- Còn một nơi mà ta cũng chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Lão phu muốn nhắc tới Phong Nhân cốc trong dãy núi Quả Sơn Hồ Bắc. Cũng là nơi mà cả quan quân lẫn chúng ta chẳng dám vào!
Thiên Nhất thần tăng thắc mắc :
- Nhưng họ củng cần phải ăn uống chứ?
Nhị Phi Ma cười mát :
- Đại sư là bậc nhân từ, làm sao biết rõ thủ đoạn của bọn tà ma. Chúng chỉ cần dùng hỏa đồng đốt chết ngàn người cùi hủi trong ấy, rồi ung dung hưởng thụ những thứ mà bách tính thường chở đến bố thí. Hoặc giả Trường Tu đại pháp sư cho người mua vật thực mang vào, cũng chẳng ai dám nghi ngờ.
Võ Lâm Chí Tôn lên tiếng :
- Chúng ta cứ kiểm tra tất cả những nơi ấy thì sẽ rõ ngay. Biết đâu chúng chẳng phân tán ra, vì kể cả bọn mọn đồ Xích Hỏa giáo thì số nhân thủ đã lên đến gần ngàn người.
Trưởng lão phái Thanh Thành là Tang Hải Kiếm Khách Vương Mai hỏi :
- Nghe nói Nan Đề lão huynh đã từng so tài với Trường Tu đại pháp sư. Vậy xin hỏi, thực ra tà pháp của lão là thế nào?
- Trong thiên hạ, oan hồn uổng tử rất nhiều. Trường Tu đã học được thuật chiêu hồn, bắt những u linh vất vưởng làm tay sai cho mình. Tuy nhiên, chẳng có gì là đáng sợ, chỉ cần giữ được tấm lòng trong sáng, ngay thẳng thì quỷ ma nào hại được? Cổ nhân đã có câu “Đức trọng quỷ thần kinh!” Loạn thạch âm hồn trận của họ Vu chỉ dọa được những người yếu bóng vía. Thực ra, Trường Tu lợi hại nhất ở công phu Nhiếp Hồn đại pháp, lão có thể dùng lời nói, ánh mắt khiến đối thủ mê muội cuồng điên. Có lẽ sau bốn mươi năm tiềm tu, bản lãnh lão đã hơn xưa, phải đụng độ một lần mới biết được.
Kiếm Vân đỡ lời :
- Sư phụ! Hôm trước, đồ nhi thấy lão giữa ban ngày mà có thể làm cho thiên hôn, địa ám, sai khiến âm binh. Thật là đáng sợ!
Nam Cung Sách vuốt râu cười đáp :
- Rừng sâu núi thằm là nơi trống vắng, ít người lai vãng nên thiếu hẳn dương khí. Vùng Sách Khắc lại gần Vạn Lý Trường Thành, có hàng vạn oan hồn của những dân phu ngày xưa bị bắt đi sai dịch, xây thành. Bảo sao lão không dễ dàng thi thố tà pháp? Còn Trung Nguyên người đông như kiến, dương khí mạnh mẽ, ban ngày làm gì có u linh nào dám xuất hiện?
Phiêu Phong thư sinh thở dài :
- Đáng lo nhất là việc lão dùng chính những bằng hữu của ta để tiêu diệt ta. Họ bị mê muội nên tận lực xuất thủ, còn chúng ta tỉnh táo, sao có thể nhẫn tâm được? Phải tìm cách phá cho được Nhiếp Hồn đại pháp của lão mới xong!
- Năm xưa ta thắng được Trường Tu cũng là nhờ Thất Tinh bảo kính của một bằng hữu ở Tô Châu. Nghe nói lão đã qui tiên, truyền lại cho người con gái lớn tên là Thẩm Xuân Mi, năm nay đã tam tuần. Cái khó ở chỗ là Thất Tinh bảo kính không cho người ngoài mượn!
Hàn Phụng Hương thắc mắc :
- Thế sao nhị thúc tổ lại mượn được?
Lão bùi ngùi đáp :
- Ta chính là cô trượng của Xuân Mi nhưng khổ nổi chỉ được quyền mượn có một lần thôi.
Thanh Hoa công chúa tủm tỉm cười :
- Vậy chúng ta tìm người nào chưa vợ đến hỏi cưới nàng là có Bảo Kính trong tay!
Vạn Độc Ma Quân bảo Phiêu Phong thư sinh :
- Hoàng lão đệ góa vợ lại anh tuấn hơn người, sao không đi Tô Châu một chuyến xem sao?
Nan Đề lão nhân cười bảo :
- Ai cũng được, nhưng trong số tử vi phải đúng cách Tử Phủ, Vũ Tướng và tuổi không quá bốn mươi thì Xuân Mi mới chịu.
Bốn vị mỹ nhân xụ mặt xuống, nhìn Kiếm Vân với vẻ giận hờn.
Vô Trần đạo trưởng cười ha hả :
- Bần đạo đã đoán trước rằng Liễu bang chủ sau này có đến năm vị phu nhân!
Kiếm Vân lúng túng đáp :
- Không có Thất Tinh bảo kính cũng chẳng sao, chúng ta cứ tận lực là được!
Nam Cung Sách cười bí ẩn :
- Vân nhi nói đúng, cứ thử đụng vài trận rồi sẽ tính sau.
Bàn bạc kế hoạch xong quần hùng trở về phòng thủ bản phái và chuẩn bị lực lượng, chờ tin tức trinh sát Cái bang.
* * * * *
Bọn Kiếm Vân về đến Lạc Dương thì hôm sau đã có đoàn khâm sứ đến. Nhìn bộ mặt lạnh lùng, cao ngạo của viên Khâm sứ đại thần cũng đủ biết chuyện chẳng lành.
Mọi người quỳ xuống nghe thánh chỉ, lão cao giọng tuyên đọc :
- Vĩnh Lịch nhị thập niên, thập nguyệt, thập bát nhật. Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết. “Điện Tiền đặc sứ kiêm Phò mã Liễu Kiếm Vân khi quân phạm thượng, tìm được kho tàng của quốc gia mà không dâng nạp vào quốc khố, lại tùy tiện phát chẩn mua danh, làm tổn hại đến thể diện kim thượng và triều đình, tội khó dung tha. Nay xét bao công lao trước, không nỡ khép tội, chỉ thu hồi chức tước, giáng xuống làm thứ dân. Khâm thử!”
Kiếm Vân chẳng chút buồn lòng, lạy tạ long ân, trao lại mật chỉ phong chức Đặc sứ.
Viên khâm sai đòi lấy luôn Ngư Trường kiếm. Vĩnh Sương công chúa quắc mắt nói :
- Năm xưa, tướng công ta đã trả lại, nhưng phụ vương đã tuyên bố trước mặt quân thần rằng quân vương không hí ngôn, tặng luôn cho chàng, sao giờ khanh dám đòi lại?
Lão sợ hãi nín thinh, lặng lẽ rút lui.
Nan Đề lão nhân giận dữ nói :
- Lão họ Vu này quả là đốn mạt, không lấy được kho tàng nên cho người xúc xiểm Thánh thượng để hại Vân nhi!
Chàng cười đáp :
- Đồ nhi vốn chẳng ham vinh hoa phú quí, lễ nghi ràng buộc. Không phải trở lại Bắc Kinh khom lưng, cúi gối, càng mừng chứ sao?
Tô Tháo cười rộ :
- Hiền đệ nói rất phải, ta cũng chán ngán cảnh ấy lắm rồi.
Chỉ có mình Vĩnh Sương công chúa là không chấp nhận được chuyện này, nàng hậm hực bảo :
- Nếu thiếp còn ở trong cung, chắc chắc không lão gian thần nào dám mở miệng sàm tấu như vậy!
Cổ Tam Lang cười khà khà :
- Vân nhi cưới đến hai vị Công chúa mà không được gọi là Phò mã, quả là điều kỳ quái.
Mọi người bật cười vui vẻ. Cuối tháng mười, tin tức các nơi báo về rất đáng ngại: Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn, Kim Ưng môn, Thanh Thành và Tổng đàn võ lâm đều bị tấn công lúc nửa đêm.
Đoàn quân của Trường Tu do những cao thủ mất tích dẫn đầu, cùng với môn đồ Xích Hỏa giáo đánh phá mục tiêu. Khi lâm trận, Trường Tu cùng bọn đệ tử dùng tà pháp huy động âm binh, làm nổi cuồng phong, cuốn gạch đá tấn công phe đối phương. Các phái thiệt hại rất nặng nề, nhưng có lẽ Trường Tu đại pháp sư chỉ muốn thị uy nên không tiêu diệt mà rút quân.
Phái Thiếu Lâm phải đem cả kim thân Phật tổ ra sân chùa để trấn áp tà pháp, và nhờ nhân số đông hơn nên đỡ tổn thất.
Trinh sát Cái bang vẫn chưa tìm ra sào huyệt của Đại pháp sư.
Nan Đề lão nhân cùng bọn Kiếm Vân lập tức xuống Tổng đàn võ lâm phối hợp với quần hùng tìm cách đối phó.
Phái Thanh Thành ở tận Chiết Giang nên không có mặt. Nhưng tin báo về cho biết họ mất đến năm muơi đệ tử. Tổng cộng thương vong là hơn bốn trăm người. Nặng nề nhất là hai bang hội mới thành lập, đó là Thanh Long bang ở Hồ Nam và Hồng Kỳ bang ở Hồ Bắc.
Trong trận thiên tai vừa qua, hai tay hào kiệt con nhà đại phú đã bỏ ra một nửa sản nghiệp mua lương thực từ các tỉnh duyên hải về phát chẩn, thu phục được lòng người.
Nên khi họ đứng ra chia bang lập hội, mau chóng trở thành hùng mạnh, mục đích chỉ để dương danh với thiên hạ chứ chẳng có dã tâm gì to lớn.
Bang chủ Thanh Long bang là Thanh Long Kiếm Lục Tồn Trung, tuổi quá tam tuần, tướng mạo anh tuấn hiên ngang. Còn Bang chủ Hồng Kỳ bang lại là một nữ hiệp cân quắc anh thư, Kim Kiếm Tôn Thu Thủy, tuổi mới đôi mươi.
Hai người này lần đầu được hội họp chung với các đại nhân vật hàng đầu võ lâm nên rất lất làm vinh hạnh. Tôn Thu Thủy say đắm nhìn chàng hiệp sĩ được nhân gian truyền tụng Liễu Kiếm Vân. Nhưng khi nhận ra bốn cặp mắt tóe lửa của các thiếu phu nhân, vội cúi mặt thẹn thùng.
Hàn minh chủ khích lệ hai vị Bang chủ trẻ tuổi :
- Lão phu rất mừng khi lớp thiếu niên lại xuất hiện nhân tài xuất chúng, hào khí can vân như quý vị.
Hai người ngượng ngùng nói chẳng nên lời, Phiêu Phong thư sinh hắng giọng :
- Sau khi phân tích những trận tấn công vừa rồi của bọn Trường Tu, lão phu nhận thấy rằng chúng ta hoàn toàn bị động, chỉ có cách dùng kế khích tướng, loan báo lời khiêu chiến ra khắp võ lâm, dụ cho lão Đại pháp sư xuất hiện mới mong tiêu diệt được.
Thiên Nhất thần tăng hỏi lại :
- Lảo nạp cũng đồng ý với Hoàng thí chủ nhưng theo qui củ võ lâm, bên được khiêu chiến có quyền tự chọn ngày giờ. Nếu họ Vu đòi tử chiến ban đêm thì ta lấy gì trấn áp âm binh? Hơn nữa, số đồng đạo võ lâm bị khống chế đã lên đến gần ngàn. Chẳng lẽ chúng ta lại nhẫn tâm giết hại họ?
Vô Trần đạo trưởng cười khà :
- Đến nước này chỉ còn trông chờ vào lượng bao dung của bốn vị thiếu phụ nhân đấy thôi!
Bốn nàng ngượng ngùng thì thầm bàn bạc, lát sau, Phụng Hương mỉm cười :
- Nếu quả thật mối lương duyên giữa tướng công và Thẩm Xuân Mi cô nương có thể cứu vãn được tai kiếp của võ lâm thì bọn tiểu nữ cũng chẳng dám hẹp hòi.
Vĩnh Sương công chúa hậm hực nói :
- Chỉ mong cho Xuân Mi xấu như Chung Vô Diệm cho đáng đời kẻ có số đào hoa!
Nghe giọng ghen hờn chua như dấm, ai nấy bật cười dòn dã!
Cầu Nhiệm Cái bảo :
- Lão phu đã đến tận Phong Nhân cốc thám sát nhưng không phát hiện điều gì khả nghi. Nhưng lại tình cờ đi ngang một đoạn đê sông Hán Thủy đang được sửa chữa. Bọn phu đông đến hơn ngàn người, thân hình lực lưỡng như người thường khổ luyện võ công. Đa số đều có cặp mắt lạc thần lờ đờ. Có thể Trường Tu đã nhận thầu với bộ Công để có thể che giấu nhân thủ!
Hàn minh chủ mừng rỡ :
- Hay lắm! Chúng ta cứ cho giám sát chặt chẽ hành vi của họ, nhất là vào ban đêm. Khi họ xuất quân, chúng ta biết trước mà đối phó.
Thanh Long Kiếm Lục Tồn Trung rụt rè góp ý :
- Theo thiển kiến của tại hạ thì để tránh việc tương sát đồng đạo, chúng ta dùng lưới đánh cá để bắt sống bọn họ, sau khi Liễu đại hiệp lấy được Thất Tinh bảo kính sẽ giải phá ma pháp, cứu họ hồi tỉnh lại.
Nan Đề lão nhân khen ngợi :
- Lục bang chủ quả là cao kiến, xin hãy mua dùm vài trăm tấm.
Họ Lục phấn khởi đáp :
- Cung bẩm tiền bối, Thanh Long bang có rất nhiều bang chúng sinh sống bằng nghề hạ bạc trên Trường Giang và Động Đình hồ. Vì vậy, bổn bang xin được đóng góp năm trăm tấm lưới và sẽ cho người hướng dẫn cách sử dụng.
Kim Kiếm Tôn Thu Thủy cũng không chịu kém :
- Bổn bang có đội quân sử dụng câu liêm rất tài tình, xin được góp sức bắt sống những đồng đạo bị ma pháp khống chế.
Hàn minh chủ giơ ngón cái tán dương :
- Tốt lắm, chỉ cần tung lưới chụp gọn, dùng câu liêm kéo ngã rồi trói lại. Lão phu thay mặt võ lâm cảmtạ sự đóng góp của nhị vị Bang chủ.
* * * * *
Sáng hôm sau, Kiếm Vân cầm phong thư của Nan Đề lão nhân đi xuống Tô Châu, thê thiếp trở lại Lạc Dương!
Chàng chỉ đem theo một mình Viên Long. Gã nhỏ con nên dễ hóa trang thành một tiểu đồng lanh lợi, phù hợp với chàng thư sinh như chàng. Hàn Phụng Hương đã đích thân ra tay để bảo đảm an toàn cho trượng phu.
Giữa tháng mười một, hai thày trò mới vào thành Tô Châu. Nơi đây nổi tiếng là thắng cảnh đẹp nhất Trung Hoa, không bút nào tả xiết.
Chàng vào trọ trong một khách điếm ở phía Tây thành để có thể ngắm nhìn cảnh thơ mộng trên Thái Hồ.
Tâm trạng chàng rất rối rắm, tự thẹn mình là thân đại trượng phu, võ công vô địch mà không diệt trừ được tà ma, phải dùng đến chuyện hôn nhân khiên cường.
Vĩnh Sương công chúa dù sao cũng đã nặng tình với chàng từ lâu, nên khi thành phu phụ, tình yêu dễ dàng phát sinh trong lòng chàng, đối với Thầm Xuân Mi, chưa một lần gặp gỡ, làm sao mở miệng cầu hôn?
Viên Long biết tâm sự của chàng nên bàn rằng :
- Nếu Bang chủ không vui lòng với cuộc cầu hôn này thì ta dùng cách khác. Thuộc hạ sẽ lẻn vào gia trang lấy trộm Bảo kính. Diệt bọn Trường Tu xong sẽ trả lại.
Kiếm Vân cười bảo :
- Không được đâu, ân sư sẽ phạt ta rất nặng!
Viên Long đáp :
- Thuộc hạ sẽ nhận lỗi về mình!
Ăn uống xong, hai người thả bộ đi ngay Thẩm gia trang xem thử địa hình.
Tòa trang viện này nằm dựa lưng vào Thái Hồ, xung quanh có hoa viên, cây cối xanh tươi, rậm rạp.
Chắc nhà không có nhiều gia đinh nên ngoài đại sảnh, hậu viện chẳng có thêm công trình nào khác.
Giữa canh ba, mây đen vồn vã che kín vầng trăng tròn trịa, cơn mưa rào đổ xuống khiến khách dạ hành thêm vững bụng. Hai thày trò vượt tường, vào khu hậu viện bằng lối vườn cây.
Nhưng vườn cây này có điều quái dị, hai người loay hoay cả canh giờ, không tiến vào được mà lại trở ra. Kiếm Vân thở dài :
- Trận thế thật là lợi hại, chúng ta về thôi!
Sáng ra, chàng dậy hơi trễ, vừa rửa mặt xong đã thấy Viên Long chạy vào báo :
- Mờ sớm, thuộc hạ đã đi đến Phân đà Cái bang trong thành. Lúc trở về, thấy trước cửa trang có treo tấm bảng, nợi dung là cần một vị nho sĩ để dạy học cho Thẩm tiểu công tử, tuổi mới lên mười. Hay Bang chủ giả làm gia sư một phen?
Kiếm Vân không hề được đến trường học hành, nhưng chàng nhờ thông tuệ nên thuộc làu sách vở, chữ viết lại rất đẹp. Nếu có dạy một đứa bé lên mười thì cũng chẳng khó khăn gì.
Chàng ra thư quán hỏi mua một số sách dành cho bọn tiểu đồng như Tam Tự kinh, Tam Thiên tự và một chiếc tráp gỗ rồi đến Thẩm gia trang. Dung mạo hiện nay rất phù hợp với công việc. Bất Lão Bạch Quả đã mất tác dụng, trả lại hình dáng cũ cho chàng. Hàng râu mép xanh rì cộng với vài nét hóa trang, đủ biến chàng thành một thư sinh trạc tam tuần đạo mạo.
Tổng quản Thẩm gia trang là một nữ nhân ngũ tuần to béo. Bà hỏi :
- Chắc tiên sinh đến vì tấm bảng kia?
- Thưa phải, tiểu sinh quê ở Hà Nam, vì muốn thưởng thức cảnh đẹp thần tiên của Tô Châu nên đến đây lập nghiệp. May thay sáng nay tình cờ đi ngang thấy bảng cần người nên vội đến hỏi xem.
Bà ta ngắm nghía thật kỹ rồi mới đưa vào gặp Thẩm tiểu thư.
Thẩm Xuân Mi và bào đệ đang vui đùa trong khách sảnh, thấy chàng bước vào, họ nghiêm nghị trở lại.
Bà Tổng quản trình bày ý định và hoàn cảnh của chàng.
Xuân Mi lạnh lùng hỏi :
- Chẳng hay tính danh tiên sinh là gì?
Kiếm Vân kính cẩn đáp :
- Tiểu sinh là Tào Tử Huệ, ba mươi mốt tuổi, quên quán Hà Nam.
- Tiên sinh định thù lao bao nhiêu một tháng?
Chàng không hề biết giá cả dạy học nên nói tránh đi :
- Tiểu sinh vì say mê khung cảnh vùng này nên chỉ cần nơi ăn ở, còn thù lao thì tùy tiểu thư định đoạt.
Nàng nói ngay :
- Nếu vậy, ta sẽ trả cho tiên sinh mỗi tháng mười luợng bạc. Nhưng phải xem tiên sinh có dạy nổi em ta không đã? Miên nhi là đứa bé lười biếng và nghịch ngợm.
Miên nhi nãy giờ ngắm chàng hơi kỹ, thấy chàng oai phong khác hẳn đám thày đồ gầy nhom, yếu đuối. Nó tò mò hỏi :
- Tiên sinh! Chẳng hay người có luyện võ công hay không?
Chàng mỉm cười đáp :
- Ta có học được vài đường quyền cước để phòng thân.
Tiểu đồng hứng thú hỏi tiếp :
- Thế tiên sinh có biết giai thoại về chàng hiệp sĩ Liễu Kiếm Vân hay không?
Chàng giật mình gượng cười :
- Chuyện ấy ta cũng biết đôi chút, nhưng Miên nhi chịu khó học hành, ta mới kể cho nghe.
Ngay trưa hôm ấy, Miên nhi tự động lấy sách ra ê a và tập viết. Chỉ hơn hai khắc đã thuộc làu. Té ra nó chỉ lười biếng chứ không hề ngu ngốc một chút nào cả.
Học xong, Miên nhi bắt chàng kể lại chuyện Liễu tráng sĩ diệt kình ngư trên sông hoàng Hà.
Xuân Mi cùng các tỳ nữ ngồi gần đấy lắng nghe. Lúc đầu, chàng còn ngượng ngùng khi nhắc lại chiến công của mình, nhưng không nỡ phụ lòng kỳ vọng của Miên nhi, nên thuật lại chính xác từng chi tiết. Giọng chàng trầm bổng, vẽ lại bức tranh hôm ấy, khiến Miên nhi tưởng như mình đang được tận mắt chứng kiến.
Chàng kể xong, Xuân Mi hỏi liền :
- Hôm ấy tiên sinh có mặt hay không mà sao câu chuyện lại sinh động đến như vậy?
Chàng đành phải đáp :
- Thưa có! Vì hiếu kỳ nên tiểu sinh đã đến xem kình ngư và tình cờ thấy hết diễn biến.
Chiều đến, chàng giả đò ra ngoài dạo phố, tìm gặp Viên Long bàn bạc.
Tối đến, chàng lại dạy thêm một bài nữa cho Miên nhi và kể chuyện.
Sau ba ngày, cậu bè đã hết lòng mến mộ sư phụ của mình. Nó bám chặt lấy chàng không rời một bước, luôn miệng hỏi han những điều thắc mắc. Kiếm Vân đã từng trải qua thời thơ ấu như vậy, và cảm tưởng cảnh côi cút nên nhẫn nại giải thích cặn kẽ.
Tâm tư chàng cũng không ngừng xao động. Tự hỏi có nên cầu hôn Xuân Mi hay không?
Thân hình nàng rất đẹp, tính tình thông tuệ, dịu dàng nhưng khuôn mặt nám đen, xấu xí.
Chàng vào đây với mục đích mượn bảo vật để trừ hại cho võ lâm, nhưng lòng rất băng khoăn. Nay thấy cảnh ngộ hai chị em họ Thẩm, chàng lại chẳng muốn ra tay chút nào cả.
Miên nhi rất lanh lợi, khả ái đã chiếm được lòng chàng. Một hôm nó hỏi nhỏ :
- Tiên sinh! Chẳng hay bát tự niên canh của tiên sinh thế nào?
Chàng đành phải nói ngày sanh tháng đẻ của Thiết Quyền Thường Luyện.
Hôm sau, trước cổng lại treo thêm tấm bảng cần người làm vườn. Chỉ một khắc sau Viên Long đã đến xin việc, trong lớp một hán tử trung niên chất phác. Không hiểu sao gã được nhận ngay, dù họ Viên cả đời chưa hề sờ đến cuốc sẻn.
Kiếm Vân truyền âm nói rõ ý mình. Hôm sau, nhân lúc vắng người, gã hỏi nhỏ :
- Bang chủ cứ để thuộc hạ ra tay, chứ lẽ nào lại để Bang chủ lấy một người con gái xấu xí như vậy?
Chàng mỉm cười nhớ đến lời Vĩnh Sương công chúa.
Viên Long vào trang được năm ngày đã phát hiện được nơi cất giấu Thất Tinh bảo kính, gã xin lệnh của chàng để ra tay.
Đêm ấy, Kiếm Vân không ngủ được, chàng ra chiếc hồ nhỏ trong hoa viên ngâm mình trong làn nước mát cho tỉnh táo.
Đang định trở lên thi nghe có bước chân người đi tới. Kiếm Vân hít một hơi dài, lặn sâu xuống đáy hồ.
Thì ra Xuân Mi cũng không ngủ được và cùng ý định như chàng.
Bốn tỳ nữ treo đèn lồng vào bốn cành cây rồi lấy sa trắng vây kín chung quanh hồ. Thầm Xuân Mi thoát y rồi trầm mình xuống nước.
Hồ chỉ rộng chừng hai trượng và nước trong vắt nên nhãn quang tinh tường của chàng thấy rõ thân hình ngà ngọc, nhờ ánh sáng của những ngọn đèn trên mặt nước.
Chàng đã sắp cạn hơi nhưng không dám trồi lên. Lát sau, Xuân Mi lặn xuống, đương nhiên không thể không thấy Kiếm Vân đang ngồi thu lu dưới đáy hồ.
Nàng sợ hãi trồi lên, Kiếm Vân sợ nàng la hét sẽ hại đến thanh danh, nên phóng theo, đưa tay bịt miệng nàng lại rồi nói nhỏ :
- Xin tiểu thư chớ la, chính là tiểu sinh đây!
Trong lúc cấp bách, chàng quên rằng cả hai đang lõa thể. Xuân Mi thẹn thùng đẩy chàng ra, nàng thấp hơn mực nước nên không thể đứng im được, bèn níu lấy vai chàng thỏ thẻ :
- Sao tiên sinh lại có mặt ở đây?
Kiếm Vân ngượng ngùng đáp :
- Tiểu sinh nghe nóng nực trong người nên định nhờ nước hồ làm dịu mát.
Xuân Mi sa lệ :
- Sau việc này, tiện thiếp còn dám gặp mặt ai nữa?
Giọng nàng ngọt ngào nhưng lại bi ai đến não lòng. Chàng bỗng nghe xao xuyến, cúi xuống hôn lên đôi môi chín mọng. Xuân Mi không hề từ chối, khao khát nhận lấy. Hai thân hình áp sát vào nhau như muốn hòa thành một.
Trong mười ngày kề cận, cũng nhu Miên nhi, Xuân Mi đã chinh phục được chàng bằng tính đoan trang thùy mị và thông tuệ. Nàng vẫn thường tự pha trà cho chàng thưởng thức, khâu vá những vết rách trên bộ nho phục bằng vải xấu mà Viên Long đã mua lại trong hàng đồ cũ.
Khung cảnh đêm nay lại thật hữu tình, màn sương trắng chung quanh tạo cảm giác kín đáo, bốn ngọn đèn lồng tỏa ánh vàng ấm cúng.
Kiếm Vân đã quyết lòng lấy Xuân Mi nên không giữ gìn. Chàng muốn chứng tỏ rằng mình không hề chê bai nhan sắc của nàng. Đôi bàn tay thành thục lướt nhanh đưa Xuân Mi vào vòng hoan lạc.
Xuân Mi ôm chặt cổ chàng, liên tiếp rùng mình nhận lấy phần của mình. Nàng đã quá ba mươi nhưng da dẻ mịnh màng, săn chắc không thua gì bọn Thanh Hoa.
Sau cơn ân ái, Kiếm Vân bồng nàng lên bờ, định mặc lại y phục. Xuân Mi bẽn lẽn nói :
- Chàng đừng đi vội, nếu không có lệnh của thiếp, bọn tỳ nữ không dám đến đây đâu!
Kiếm Vân ngồi xuống bãi cỏ mềm, đặt Xuân Mi vào lòng rồi nói :
- Nếu tiểu thư không chê kẻ hàn nho này hèn kém, tiên sinh xin được cầu hôn!
Nàng cười đáp :
- Thiếp xấu xí thế này, chàng không chán ghét hay sao? Nhưng bát tự mà chàng nói với Miên nhi có đúng sự thật hay không?
Kiếm Vân bẽn lẽn lắc đầu rồi nói rõ bát tự của mình.
Xuân Mi cười mát :
- Thiếp đoán không sai vì so dung mạo với số tử vi thì hoàn toàn không đúng. Có lẽ chàng đến đây vì muốn lấy Thất Tinh bảo kính phải không? Tiện thiếp xấu xí không dám trói buộc chàng nên tình nguyện giao Bảo kính để chàng sử dụng mà không đòi phải có hôn ước. Cuộc ái ân đêm nay sẽ là kỷ niệm suốt đời của thiếp.
Kiếm Vân nghiêm giọng :
- Néu nàng không đồng ý gá nghĩa với ta, thì ta sẽ bỏ đi ngay chứ không cần Bảo kính nữa. Ta thật là thương mến nàng và Miên nhi.
Xuân Mi hài lòng trườn lên hôn vào má chàng mời gọi gầy lại cuộc mây mưa. Dưới ánh đèn lồng, suối tóc đen tuyền càng làm tôn nước da trắng muốt. Đôi ngực no tròn kiêu hãnh và vùng bụng thon thả, mỏng manh làm huyết mạch người quân tử căng phồng. Trận mây mưa thứ hai mãnh liệt hơn, hòa với tiếng côn trùng rên rỉ.
Nàng thì thầm vào tai chàng :
- Đến giờ mà chàng còn giấu kín lai lịch với thiếp nữa sao Kiếm Vân?
Chàng giật mình gượng cười :
- Té ra ta không qua được đôi huệ nhãn của Thẩm tiểu thư. Nàng quả là lợi hại.
Xuân Mi lại chìm vào bể ái ân, thỏ thẻ :
- Tứ vị phu nhân của chàng nghĩ sao?
- Họ tán thành việc mời nàng chung thuyền, nhưng có hòa thuận hay không là do bản lãnh của nàng.
* * * * *
Sáng hôm sau, tỷ đệ họ Thẩm thu xếp hành lý đi theo Kiếm Vân và Viên Long về Hà Nam. Miên nhi rất khoan khoái khi được gọi sư phụ bằng tỷ phu.
Thầm Xuân Mi tinh thông kỳ môn độn giáp và y thuật nhưng không hề biết võ công. Nàng và Miên nhi ngồi trong xe song mã để Viên Long làm xà ích.
Nửa tháng sau về đến Lạc Dương. Thấy con dâu thứ năm cực kỳ xáu xí. Liễu mẫu và Cổ mẫu chảng được vui. Nan Đề lão nhân cười bảo :
- Nếu ngươi không gỡ cái mặt nạ quái quỷ đó ra, cô trượng sẽ đánh đòn cho đấy nhé!
Xuân Mi bẽn lẽn đưa tay lột mảng da mặt mỏng như cánh ve sầu. Dung nhan nàng xinh đẹp chẳng kém gì bốn người kia.
Thi lễ xong, nàng đặt lên bàn một lọ ngọc rồi cung kính nói :
- Tức nữ xin dâng lên nhị vị lão mẫu và các đại thư bảy viên Hồi Xuân Linh Chi đơn. Lão niên uống vào trẻ lại mười năm, còn người trẻ tuổi giữ được nhan sắc lâu bền.
Là nữ nhân ai chẳng sợ già? Nhất là bọn Phụng Hương, Kiếm Vân đã uống Bất Lão Bạch Quả, chàng sẽ trẻ trung rất lâu, nên bốn nàng đều sợ mình già, xấu xí, khi phu tướng vẫn còn xuân sắc. Nay đã có linh đơn còn gì mừng hơn nữa? Họ xúm lại vuốt ve, hỏi han Xuân Mi rất ngọt ngào, thân thiết.
Cổ Tam Lang cười khà khà :
- Ai uống cũng tốt, chỉ mình bà lão nhà ta không nên. Bà mà trẻ lại mười năm thì chắc ta phải chết sớm mất!
Cả nhà ôm bụng cười, Cổ mẫu đỏ mặt nhéo Tam Lang một cái đau điếng.
Miên nhi tỏ ra rất yêu thích Kiếm Hồng, hai đứa chơi đùa vui vẻ, hòa thuận.
Nàng lại trao cho Thiết Quyền một viên khác :
- Bá mẫu uống viên này vào sẽ khỏe mạnh và thọ rất lâu!
Thuờng Luyện mừng rỡ vòng tay cảm tạ :
- Tiểu đệ biết ơn ngũ đại tẩu!
Kiếm Vân thấy Xuân Mi xinh đẹp lại khôn khéo, biết cách lấy lòng mọi người, chàng thở phào nhẹ nhõm.
Bình luận truyện