Người Mẹ Quỷ

Chương 18: Hành trình đi tìm ngôi mộ 2



Nhà cụ Thuận nằm trong một cái ngõ nhỏ sâu trong làng, ban sáng ông Phát cũng vừa mới ở khu này về xong. Nhà không có chó, chỉ có mỗi cụ Thuận sống một mình. Con cái cụ cũng đều đã lớn tuổi, ngày chỉ mang cơm cho cụ hai bữa như một nghĩa vụ. Năm nay chính xác thì cụ Thuận đã 85 tuổi theo như lời ông Phát. Bước vào ngôi nhà đất tạm bợ, cụ Thuận đang nằm trên giường quay mặt vào trong, nhìn cụ gầy với bộ quần áo rách vá lỗ chỗ khiến ông Phúc cảm thấy xót xa vô cùng. Không hiểu con cái cụ nghĩ gì mà lại để bố sống một mình ở nơi như thế này. Ông Phát gõ gõ vào cái cửa gỗ đã mục khẽ gọi:

— Cụ Thuận ơi, cụ còn thức không con muốn hỏi cụ ít chuyện…

Gọi đến mấy câu cụ mới quay ra mồm móm mém:

— Anh Tín mang cơm sang đấy à…Cứ để đấy…Lát tôi ăn…

Ông Phát đi vào trong nói:

— Dạ là con, Phát…Trưởng làng đây cụ ạ…Không phải chú Tín…

Cụ Thuận nhồm dậy cố ngoái lên nhìn rồi chớp chớp mắt:

— À…à….xin lỗi các anh, tôi nhầm….Cứ nghĩ chúng nó mang cơm sang cho…Mắt mũi, tai giờ này kém lắm. Nghe câu được câu không….? Hai anh đến đây có chuyện gì thế….Nhà không có ghế đâu, hai anh ngồi tạm lên giường này..

Ông Phát lấy tạm hai viên gạch trong góc nhà đặt dưới đất rồi cười bảo:

— Dạ thôi cụ cứ kệ chúng con, cụ ăn cơm muộn thế ạ…

Cụ Thuận đáp:

— Nào đã có cơm mà ăn đâu…Chắc lát nữa tụi nó mới mang sang…Mà tôi gọi là ăn chứ răng còn mấy cái đâu mà nhai được. Toàn chan canh vào rồi nuốt cho trôi thôi. Già rồi sống cái cảnh này khổ lắm….Thế hai anh đến có việc gì..?

Ông Phát với ông Phúc sau khi ngồi xuống hai viên gạch bèn nói:

— Dạ thưa cụ, con đến đây hôm nay muốn hỏi chụ một chuyện, cũng khá lâu rồi mà may ra chỉ có cụ là biết thôi ạ….Biết cụ đang nghỉ thì con cũng không dám đến.

Cụ Thuận cười đáp:

— Ôi dào, các anh cứ khách sáo…Tôi nằm thế thôi chứ ngủ nghê gì, có các anh đến nói chuyện lại thấy vui, già như tôi mà giúp được các anh thì tôi sao lại không giúp, cứ hỏi tôi xem nào..?

Ông Phát hỏi:

— Thưa cụ, con nhớ ngày xưa tầm cách đây 20 năm trước làng mình có chôn cất hai người chết treo cổ trong chùa ở đất làng. Nay làng mình có nghĩa địa con đang vận động bà con chuyển hết mộ phần tổ tiên về nghĩa địa cho nó thoáng đãng sạch sẽ mà có người trông coi. Không dám giấu cụ, gần đây làng mình có chuyện động chạm đến mồ mả người đã chết, mà còn là chết oan trong làng. Thân là trưởng làng con cũng biết một vài lý do. Lý do thì người ta cũng bảo liên quan đến ngôi mộ của hai người treo cổ năm đó. Nghĩ kỹ lại con thấy cũng đúng, mộ của họ bao năm qua ở đâu không ai biết, nhang khói không ai thắp…..Con đang tính chuyển mộ đó về khu nghĩa địa để giúp họ có thể an ủi phần nào, cũng là cách giúp làng tránh tai ương cụ ạ…..Cụ thử nhớ lại giúp con xem hồi chôn cất họ thì nhà sư đó chôn ở đâu trong làng ạ…?

Cụ Thuận nghe dài quá cũng nghe không hết làm ông Phát phải nói đi nói lại hai ba lần xong cụ mới nói:

— Có phải các anh đang muốn tìm ngôi mộ chôn hai tên ăn trộm không..?

Ông Phúc sốt sắng:

— Dạ đúng rồi cụ ạ…? Cụ biết nó ở đâu chứ..?

Cụ Thuận đáp:

— Tất nhiên là biết, năm đó ban đầu dân làng sợ không ai dám chôn cất nên chỉ huy động được một vài người thôi. Tôi cũng tham gia mà….

Ông Phát vội hỏi:

— Vậy giờ ngôi mộ đó nằm ở đâu hả cụ..?

Cụ Thuận tặc lười:

— Anh cứ từ từ để tôi nhớ đã….Chúng tôi chôn chung hai cái xác vào một cái áo quan. Vì ít người với người chết không ai nhận cho nên cũng chẳng tổ chức gì, làm lễ trong chùa xong sư thầy bảo chúng tôi ra ngoài sau đó khâm niệm rồi gọi chúng tôi vào khiêng ra đồng thôi. Các anh người làng này chẳng lẽ lại không biết ngày xưa dân ta toàn chôn người chết ở cánh đồng giữa làng….Ngày ấy cũng là chôn ở đó….

Ông Phát có phần thắc mắc:

— Cánh đồng giữa làng đó con biết, nhưng con nhớ mấy năm gần đây dân làng chuyển hết mộ về khu nghĩa địa rồi mà. Con còn nhớ rõ bây giờ ở đó chỉ còn đâu 10 cái mộ của người trong làng vẫn chưa chuyển đi. Nhưng mộ ở đó mộ nào cũng có tên tuổi với là mộ của người làng. Con còn đến từng nhà vận động nên nắm rõ lắm…Có mộ nào vô chủ ở đấy đâu nhỉ..? Có là con biết ngay…?

Cụ Thuận cười khà khà:

— Ừ thì đúng rồi vì sau đó ngôi mộ đấy có còn ở khu cánh đồng nữa đâu. Đúng là trong làng có những chuyện người trẻ các anh chẳng bao giờ quan tâm.

Ông Phúc nói:

— Cụ nói vậy là sao ạ..? Sao ngôi mộ lại không còn ở đó nữa…?

Cụ Thuận kể tiếp:

— Các anh người làng mà không nghe đến câu chuyện ma trong ngôi chùa sau đó à. Một thời gian sau khi chôn cất hai cái xác xong người dân trong làng đi qua chùa nhìn thấy cứ có người treo lủng lẳng trên cây hoa đại, rồi hễ ai vào chùa cúng kiếng về đều nằm mơ thấy mình bị treo cổ trên cây, buổi tối với buổi sáng sớm còn nhìn thấy cả bóng người ngồi trên cây cười khúc khích. Sơ quá nên dân làng mới đến tìm sư thầy vì chỉ có ông ta mới gỡ được hai cái xác xuống, họ đến tìm sư trụ trì nhờ ông ta tìm cách hóa giải ma quỷ, đừng quấy nhiễu dân làng nữa. Cuối cùng sư thầy nói để ông ta siêu độ cho hai người đó, rồi ông ta cũng nói do dân làng bắt chôn chung,lại chôn ở chỗ không phải là huyệt cát nên mới thành ma quay lại quấy phá….

Ông Phát với ông Phúc lắng nghe không sót chữ nào, cụ Thuận tiếp tục:

— Thế nên người dân đồng tình quyên góp tiền cho nhà sư thuê thợ, tìm thêm thầy về cúng vái. Cuối cùng nhà sư đã chuyển ngôi mộ đó về chỗ khác. Việc chuyển mộ chỉ có ông ta cùng đám thợ đươc thuê biết vì dân làng sợ không ai dám dây vào nữa. Lần chuyển mộ đó tôi cũng chỉ được nghe chứ cũng không rõ là chuyển về đâu. Chuyện này chỉ có đám già khọm chúng tôi là biết thôi.

Ông Phát lắc đầu ngán ngẩm:

— Vậy là ngay đến cả cụ cũng không biết hiện giờ ngôi mộ nằm ở đâu ạ…?

Cụ Thuận chép miệng:

— Đúng vậy….Ngôi mộ đó là mộ vô chủ, lại là mộ thiêng nên không ai dám nghĩ đến đâu. Chỉ nghĩ lại thôi mà tôi cũng còn thấy rùng mình, đó cũng là câu chuyện mà có khi đến chết tôi cũng không quên. Các anh có thể không tin chứ lúc khiêng quan tài đi chôn tôi đã thấy cái quan tài đó không phải quan tài bình thường, mặc dù là bên trong có hai người nhưng nó nặng lắm. Giống như mình khiêng đá tảng chứ không phải khiêng người chết. Chẳng ma quỷ thì cái gì nữa…..À mà sau khi chuyển mộ ngôi chùa còn bị ám nặng hơn, dân làng đồn sau khi chuyển mộ xong sư thầy trong chùa cũng chết hay sao ấy. Từ đó không ai dám đến gần ngôi chùa nữa…..Tôi biết các anh có ý tốt nhưng theo tôi đừng nên động chạm gì vào nó nếu tìm được…

Sau cuộc nói chuyện khá lâu, cuối cùng bí ẩn ngôi mộ nằm đâu vẫn không có thông tin gì. Trước khi ra về ông Phúc có lấy ra ít tiền đưa cho cụ Thuận rồi nói:

— Dạ cảm ơn cụ đã nói cho chúng con những chuyện hôm nay, con có chút quà của mấy hộ trong làng biếu cụ để cụ mua đồ. Hôm nay con vội quá nên không mua được gì đến thăm cụ…

Cụ Thuận cầm tiền khẽ rưng rưng nước mắt cảm ơn ông Phúc rồi nói:

— Các anh tốt quá, cho tôi gửi lời cảm ơn đến mọi người..

Đúng lúc đó ông Tín con trai cụ xách cái cặp lồng cơm đến nói vọng từ ngoài:

— Ông dậy ăn cơm đi này….

Thấy ông Phát ông Tín vội chào:

— Bác trưởng làng đến thăm thầy tôi đấy à…? Cả bác Phúc nữa này…

Ông Phát nhìn cái cặp lồng cơm đáp:

— Cụ già rồi, con cái các anh chăm cụ mà để thế này à…? Lỡ may có chuyện gì ai biết…?

Ông Tín thờ dài:

— Các bác không biết chứ thầy tôi vẫn khỏe lắm, với lại nhà cửa chật chội đón thầy về cũng không biết ở đâu. Mấy anh em tôi vẫn chia nhau thăm cụ suốt đấy chứ…Thôi các bác về tôi vào cho cụ ăn cơm…

Khẽ lắc đầu ông Phúc với ông Phát ra về, bước được mấy bước ông Phát nghe rõ tiếng ông Tín trong nhà:

— Ơ, tiền ở đâu mà ông cầm thế này….Thôi già rồi có đi được đâu đâu mà cầm tiền…Đưa cho con, rồi ăn gì con mua cho nhé..

Ông Phát định quay lại thì ông Phúc kéo đi nói:

— Thôi bỏ đi, giờ ông xem còn nhà nào thì đi hỏi tiếp…..

Ông Phát khẽ đáp:

— Còn thì còn nhưng như ông thấy cụ Thuận nói rồi đấy….Đúng là như mò kim đáy bể.

Quả nhiên, mất cả hai tiếng đồng hồ sau để đi hỏi những cụ già khác trong làng nhưng kết quả vẫn là con số không, cụ thì lãng tai không nghe được, cụ thì chẳng nhớ gì. Bước đến gốc đa nằm giữa hai làng Thượng và Hạ ông Phúc nói:

— Thôi vào đây làm chén nước ăn tạm cái bánh rán rồi tính tiếp.

Ông Phát gật đầu, bà lão bán hàng nước rót hai chén nước đưa cho hai người rồi hỏi dăm ba câu chuyện xã giao. Ăn xong cái bánh rán ông Phát chợt nhớ còn có chuyện nên nói ông Phúc là mình về trước. Ông Phúc đồng ý vì dù sao trong làng có bao nhiêu người cần hỏi cũng đã hỏi hết rồi. Thấy ông Phúc thở dài thườn thượt bà lão hàng nước nhổ toẹt nước trầu đỏ au trong miệng xuống đất, vừa nhóp nhép nhai bà vừa hỏi:

— Sao có chuyện gì mà thở dài thế…? Lại chuyện mới đây trong làng à…?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện