Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 4 - Chương 164: Phẩm trà



- Cái này thì chắc chắn rồi.
Trần Khác thầm nói: điều duy nhất không ổn chính là huynh vừa mới tới thì đề nghị như vậy, thật sự quá không an phận.

- Nhưng Hàn đô giám nói, trước mắt lấy chống lũ cứu tế làm trọng, sổ sách sau này hãy nói.
Vương An Thạch thản nhiên nói:
- Ta nói, ta dù sao cũng không có chuyện gì làm, giao sổ sách cho ta để giải quyết. Kết quả Hàn đôn giám tìm đủ loại lý do, kiên quyết không cho. Ta nói những lý do này quá gượng ép, kết quả thì chọc ông ta nổi trận lôi đình, người bên dưới cũng đều đi theo rồi.

- Ồ.
Trần Khác gật đầu, cười nói:
- Bây giờ quả thật không phải lúc thích hợp, các tướng công hơn phân nửa sẽ dàn xếp ổn thỏa.

- Nếu bây giờ không tra, đợi tới hồng thủy rút, kiểm kê tổn thất, bọn họ còn không muốn báo thế nào thì báo thế ấy.
Vương An Thạch lắc đầu nói:
- Hoặc là điều ta đi, hoặc là để ta điều tra tới cùng, không có khả năng thứ ba.

Trần Khác cũng chỉ là lễ phép hỏi thử, hắn lại không muốn bước chân vào vũng bùn nhơ của Quần mục ti. Vương An Thạch cũng không có ý liên lụy hắn, sơ lược nói vài câu, liền tiễn khách.

Từ trong đó đi ra, Trần Khác cùng với đám bạn, theo thường lệ đi thăm viếng nạn dân lân cận. Nhưng thấy mười nhà có chín nhà trống, đã không còn lại người nào. Nghe ngóng, thì ra hôm nay có ca múa kịch, hiến nghệ trên sân khấu gần đây, mọi người đều đi xem.

Đám bạn cùng tuổi nghe thấy vô cùng vui mừng, liền nói:
- Chúng ta đi tới chỗ sân khấu đó xem, hay lắm, rất tuyệt.
Thế là mọi người liền một mạch đi về cái sân phía trước. Không bao xa, thì nhìn thấy một đài sân khấu kịch tạm thời dựng lên, dưới đài là chi chít người. Lúc này không có mưa hiếm thấy, cho nên tiếng nhạc trên đài đứng chỗ xa có thể nghe thấy.

Thấy bọn Trần Khác đến, đám dân chúng chủ động nhường ra khoảng trống để bọn họ tới phía trước dễ dàng nghe ca khúc... Nhân tâm hoán nhân tâm, những ngày này bọn Thái Học Sinh trả cái giá vô cùng vất vả, các nạn dân đều ghi nhớ trong lòng.

Bọn Trần Khác nhỏ tiếng cảm ơn, không lâu, liền tới trước đài, Tống Đoan Bình vừa xem, nhỏ tiếng nói:
- Ta thấy sao nghe quen tai thế này, thì ra là vị tiểu Đỗ đại gia đang hiến xướng.
Ngừng một chút, vô cùng chờ đợi nói:
- Tiểu Đỗ đến rồi, đại Đỗ sẽ ở phía sau.
Thì ra lần đó ở tửu lầu nghe hiến xướng của Đỗ đại gia, cậu ta hoàn toàn trở thành người hâm mộ Đỗ Thanh Sương.

Không để bạn học Tống thất vọng, sau khi tiểu Đỗ đại gia đó hiến xướng, liền giới thiệu với mọi người, tiếp theo là Thủy Tiên Tử Đỗ Hành Thủ sư phụ của cô lên sân khấu.

Khán giả không dám tin vào tai mình, cả sân khấu im lặng giây lát. Mãi tới lúc một cô gái mặt áo dài mỏng màu xanh biếc, váy dài màu trắng phấn nhạt, thân hình uyển chuyển, bờ vai thon gọn, thắt lưng thon thon, da thịt trắng hơn tuyết, chân thành bước lên đài, mọi người mới phát ra tiếng hoan hô ngày một lớn hơn, đinh tai nhức óc.

- Đúng là Thủy Tiên Tử!
Tống Đoan Bình kích động kêu to lên:
- Không ngờ hoa khôi tới chỗ bình dân tụ tập hiến nghệ, không hổ là Thủy Tiên Tử băng thanh ngọc khiết. Ta rất sùng bái cô nương!

Bọn Trần Khác vội vàng tránh ra xa, sợ bị nhận ra với tên mất mặt này là cùng một bọn. Nhưng bọn họ cũng rất khâm phục Đỗ Thanh Sương có thể xuất hiện ở đây. Vì hoa khôi cao quý này trước giờ chỉ xuất hiện trước mặt ba loại người: quan lại quý tộc, phú thương mua bán lớn, phong lưu tài tử. Người trước có thể che chở cho các cô, người ở giữa cho các cô của cải vô tận, người cuối lại có thể đề cao danh tiếng cho các cô.

Lời nói này nghe qua quá mức thực tế, nhưng cũng không gì đáng trách. Từ xưa hồng nhan dễ già, ngày vui ngắn ngủi. Đối với những danh kỹ ăn cơm thanh xuân mà nói, thời gian chính là vốn liếng của bọn họ, nhất định phải sử dụng mỗi một khắc hiệu quả nhất, mới có thể nổi bật từ trong trăm ngàn cô gái son phấn thành Biện Kinh, trở thành nhất đại danh kỹ được cả danh cả lợi.

Vùng Vạn Thọ Quan là nơi tập trung dân nghèo và dân bình thường, đối với các danh kỹ mà nói không có chút giá trị gì đáng nói. Cho nên đừng nói thập đại hoa khôi như Đỗ Thanh Sương, ngay cả quan kỹ có chút tiếng tăm cũng sẽ không xuất hiện ở đây. Dù sao quan phủ chỉ là bảo các cô biểu diễn cho các nạn dân, cũng không có hạn định, phải biểu diễn thế nào ở địa phương nào.

Nhưng Đỗ Thanh Sương không chỉ đến, hơn nữa không chút miễn cưỡng. Trước tiên cô hát ba bài, nhưng trong tiếng vỗ tay rất lâu không ngừng, lại biểu diễn tiếp bốn bài hát, cộng lại tất cả bảy bài, làm Tống Đoan Bình cảm động nước mắt giàn giụa:
- Bảy bài đó, cả bảy bài hát. Đỗ đại gia vẫn chưa từng một lần hát nhiều như vậy đâu.

- Ngươi đến kinh thành được mấy ngày?
Trần Khác mỉm cười nói.

- Ta hỏi thăm mà.
Tống Đoan Bình từ trong ngực móc ra một cuốn sách nhỏ, nhoáng lên một cái trước mặt Trần Khác:
- Trong này là tất cả tin tức của Thủy Tiên Tử, ta dùng thời gian mấy tháng mới thu thập đầy đủ hết đó.

- Thật giỏi.
Trần Khác cười mắng:
- Tống thúc của ta biết huynh đã thành đội chó săn, sẽ rất hâm mộ.

- Với loại người thô lỗ như ngươi, không có cách nào khơi thông.
Tống Đoan Bình lắc mạnh đầu nói:
- Thủy Tiên Tử chính là hóa thân của nghệ thuật, ta là truy tìm chân lícủa nghệ thuật, hiểu không?

- Ca hát cũng nghe xong rồi, nên làm chính sự thôi.
Trần Khác lắc đầu, duỗi cái lưng lười nói:
- Quy tắc cũ, mỗi người đi thăm mười hộ, sau đó tập hợp tới chỗ ta.

Hôm nay nạn dân đều tụ tập ở chỗ này, bọn Trần Khác hơn nửa canh giờ thì hoàn thành nhiệm vụ hôm nay. Sau đó là thời gian tự do, bọn họ vừa thương lượng đi đâu đánh một bữa ngon, vừa đi tới bến tàu mà trước đây vốn là cửa núi.

Tới bến tàu, đám người Trần Khác đang tìm chiếc thuyền của bọn họ, lại nghe thấy một tiếng dịu ngọt êm tai:
- Trần công tử, xin dừng bước.

Đám người Trần Khác theo tiếng nói quay đầu nhìn lại, liền thấy một cô gái tuyệt sắc thân khoác áo choàng dài dài màu xanh, trong tay đang cầm cây dù lụa, lẳng lặng đứng trên thuyền hoa đang thi lễ với hắn.

- Đỗ, Đỗ đại gia...
Con mắt của Tống Đoan Bình trừng ra, mọi người cũng thở ra khí lạnh.

- Đỗ Hành Thủ gọi ta sao?
Trần Khác có chút vân vê cái mũi.

- Phải!
Đỗ Thanh Sương đó đứng thẳng lên, thấp giọng cuối đầu nói:
- Mấy lần gặp nhau, công tử cũng không chịu chỉ giáo, Thanh Sương đành phải dày mặt chờ ở đây?

- A...
Mọi người kinh hô lên, đủ loại ánh mắt hâm mộ đố kỵ nhìn Trần Khác.

- Ha ha.
Trần Khác ngượng ngùng cười nói:
- Không phải tại hạ kiêu căng, chỉ là không có dịp.

- Không biết hôm nay công tử có rảnh không?
Đỗ Thanh Sương dịu dàng nói:
- Lúc nãy nghe công tử nói buổi chiều hình như là không có chuyện gì làm.

Nói như vậy trực tiếp làm hắn không còn cách nào nói khác. Trần Khác thấy không còn cách nào từ chối, đành kiên trì nói:
- Được rồi.

- Liên Hoa, Tích Nguyệt, nhanh mời Trần công tử lên thuyền.
Đỗ Thanh Sương cười, nhưng nụ cười này không phải với Trần Khác mà là với Ngũ Lang bên cạnh:
- Tiểu đệ, đệ cũng đi nhé.
Lời nói tuy nhạt mà nhẹ nhàng, nhưng lại làm một đám Thái Học Sinh tim muốn nhảy ra ngoài. Thì ra mỹ nhân cười nói chuyện, lại là hồn xiêu phách lạc như vậy.

- Vậy, chúng ta đi về trước đi.
Trần Khác thấy một đám bạn cùng tuổi thất thần, cũng không cần hai tiểu tỳ nâng đỡ, liền nhảy lên thuyền.

Ngũ Lang cũng nhảy lên, thuyền hoa rất nhanh rời đi, chỉ lưu lại trên bến thuyền một đám Thái Học Sinh đầu ngớ ngẫn như ngỗng ngan. Trong lòng bọn họ có hai ý niệm, một là cái này nhất định là nằm mộng, còn lại là tại sao không cho ta theo cùng?


Phòng tiếp khách của thuyền hoa vô cùng cao rộng đẹp đẽ. Bốn vách tường có treo rèm màu xanh lục, bốn góc đặt một cái bàn, trên cái bàn đặt lư hương, bình sứ, và bồn cảnh có rêu xanh phủ kín đá núi. Đều là hoa cỏ tươi mới, trong thành Biện Kinh này là cực kỳ hiếm có.

Phía sau phòng khách đặt một cái Cầm đài, phía trên bày một cây đàn cổ. Phía sau đặt ghế thấp, phía trên bày mấy cái bàn thấp chân. Chủ nhân và khách đều ngồi trên đệm cỏ, có tỳ nữ bưng lên tiểu cơ thiếp vàng cực kỳ khéo léo. Trên bàn đặt điếu trà, chén trà, khấu vu, thức ăn các loại. Lại có tỳ nữ bưng lên một cái mâm, trên mâm là mấy chục đĩa trà điểm tâm tinh xảo.

Đợi điếu đãi trà phát ra âm thanh ô ô, không ngờ Đỗ Thanh Sương tự tay pha trà cho khách. Chỉ thấy cô tóc đen nhánh búi cao cao, ánh mắt chuyên chú và tĩnh lặng. Cô dùng một cái khăn tay, lót cầm cái bình, trước tiên rót vào ấm trà và trong chén trà, sau đó đổ nước bên trong ra ngoài. Lúc này bỏ một muỗng lá trà vào trong ấm trà, là trà nguyên lá chứ không phải trà đã được nghiền nát.

Sau khi thả lá trà, cô lại đổ nước sôi vào trong ấm, rồi lại đổ ra ngoài...

Sau đó cô rót nước sôi lần thứ ba, mới bắt đầu châm trà. Chỉ thấy cô một tay cầm bình, một tay nâng bát, giống như chuồn chuồn lượn nước rót nước trà vào trong chén. Động tác như nước chảy mây trôi, liên tục không mang chút mùi khói lửa. Mặc cho bạn vốn đáy lòng khói bụi, hay lòng đầy rối rắm. Sau khi nhìn xong cũng sẽ bất tri bất giác lòng lặng như nước, đôi mắt gợn sóng không sợ hãi.

Không hề thêm bất kỳ hương liệu gì, Đỗ Thanh Sương liền giơ tay mời.

Lúc thị nữ hai bên dâng trà tới trước mặt hai vị khách, Trần Khác hai tay nhận lấy chén trà, thấy màu nước trà xanh đậm, đục không giống trong đậm như thường thấy, nhất thời cõi lòng chờ đợi, liền nhấp nhẹ môi. Một mùi thơm theo xuống cổ, mùi thơm ấm nhuận, lúc đầu có chút đắng, sau đó lại dần dần ngọt tan trong miệng, bất giác khen ngợi tận đáy lòng:
- Đây mới là trà!

Thấy hắn khen ngợi như vậy, Đỗ Thanh Sương thở nhẹ nói:
- Đây là cách ẩm trà của Thanh Sương chế ra, cả lá trà cũng là cố ý lấy như vậy từ người buôn trà. Còn lo lắng Trần công tử sẽ ngại quá đắng.

- Đáng tiếc, đáng tiếc...
Trần Khác lại bình phẩm nói:
- Lá trà này phải là rất ngon, đáng tiếc thiếu một công đoạn.

- Xin chỉ giáo?
Đỗ Thanh Sương khẽ cười nói.

- Sao trà.
Trần Khác cười nói:
- Trà là tươi ngon, nhưng trực tiếp dùng trà tươi để pha trà, không chỉ không pha ra vị thật của trà, để lâu còn có thể trúng độc.

- Có độc?
Đỗ Thanh Sương thần sắc thay đổi nói:
- Công tử lời này là thật?

- Đúng vậy.
Trần Khác gật đầu nói:
- Sau khi lá trà được đem đi sao, trà mới thích hợp để dùng.

- Thật sao...
Đỗ Thanh Sương hiếu kỳ nói:
- Xin hỏi phải sao trà thế nào?

- Sao.
Trần Khác cười nói:
- Lá trà phải sao chế, trà sao ra, mới có thể pha ra vị trà thật, hơn nữa dễ dàng cất giữ.
Sao trà là một bước tiến lớn trong lịch sử của trà, khoảng bắt đầu hậu kỳ Nam Tống, bây giờ vẫn không có người hiểu.

- Không ngờ công tử còn am hiểu trà đạo.
Đỗ Thanh Sương chân thành nói:
- Hôm khác Thanh Sương nhất định thử theo cách của công tử.

- Ha ha...
Trần Khác cười, bưng chén trà trên bàn nói:
- Từ lâu đã nghe danh Đỗ Hành Thủ, nhưng không giống với đồn đại.

- Đồn đại khác nhiều.
Đỗ Thanh Sương thản nhiên nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện