Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 4 - Chương 175: Buổi triều sớm



Lời nỉ non trong phòng nói nhiều cũng thừa. Nói ngắn gọn, tối đó hai người đã giao hẹn là Đỗ Thanh Sương sẽ không nhận thêm lời mời diễn xuất mới nữa. Chỉ có những màn đã lên danh sách thì phải diễn tiếp, khoảng đến tháng tư hoặc tháng năm năm sau. Trong khoảng thời gian này, nàng sẽ tranh thủ bồi dưỡng ca múa đoàn cho Tiểu Đỗ để sau khi nàng rời đi thì sẽ không đến mức không có người nào thay thế.

Đỗ Thanh Sương dặn dò Trần Khác, trong khoảng thời gian này, hai người không cần phải để lộ quan hệ, tránh mang đến phiền toái không cần thiết. Đối với nàng thì như vậy, nhưng đối với Trần Khác lại khác. Dù sao bây giờ đã đến tháng ba, là thời khắc quan trọng của Trần Khác, cho nên Đỗ Thanh Sương khuyên Trần Khác:
- Thời gian này công tử nên chuyên tâm bài vở, thi đỗ kỳ thi mới là việc chính. Nếu để công tử trầm mê trong khuê phòng, làm hỏng sự nghiệp của công tử thì Thanh Sương sẽ thành hồ ly tinh hại người rồi, phải đập đầu vào đá mà chết.

Lời nàng nói ra thật có đạo lý nên Trần Khác liền đồng ý rằng, thời gian sau này hắn sẽ không để ý chuyện bên ngoài mà một lòng đọc sách thánh hiền, đợi cho qua kỳ thi Hương thì sẽ lại đến gặp nàng.

Tuy rằng nói như vậy, nhưng hai người vừa trải qua thời gian quấn quít, lại nghĩ tới khoảng thời gian hơn một tháng không được gặp, thì ngay cả nữ nhân lãnh cảm như Đỗ Thanh Sương cũng cảm thấy buồn bã trong lòng chứ đừng nói đến Trần Khác. Vì thế đêm đó, suốt đêm đó hai người không ngủ, quấn lấy nhau triền miên. Đỗ Thanh Sương cũng bỏ đi kiêu ngạo của mình, hết sức chiều chuộng tình lang. Mãi cho đến khi gà gáy bên ngoài thì nàng mới đột nhiên tỉnh ngủ, giục Trần Khác khẩn trương trở về, đừng để bị người khác thấy được.

Trần Khác miễn cưỡng đứng lên, tìm được quần đùi của mình rồi mặc vào, để lại cho Đỗ Thanh Sương một cái hôn nồng nhiệt rồi mới lưu luyến đi ra ngoài cửa sổ. Đến như thế nào thì trở về như thế ấy.

Đừng nhìn Đỗ Thanh Sương giục Trần Khác đi như vậy, nhưng khi hắn vừa đi thì nàng lại đột nhiên cảm thấy trống trải. Nhìn Trần Khác biến mất nơi cửa sổ, nàng lặng lẽ rơi lệ.


Mấy ngày sau đó, Trần Khác nghiêm chỉnh ở nhà chuyên tâm đọc sách chuẩn bị cho kỳ thi Hương một tháng sau. Mưa rơi suốt một mùa hè, cuối cùng cũng ngừng. Mực nước trong thành đã bắt đầu giảm xuống. Dựa vào sự quan sát của Giáp Đản, nhiều nhất là nửa tháng thì lũ lụt trong thành sẽ rút đi. Cho nên rất nhiều người bàn tán rằng kỳ thi Hương này sẽ phải dời lại. Nhưng Trần Khác lại cho rằng khả năng này không lớn. Triều đình coi trọng văn hóa giáo dục nên tất nhiên sẽ hết sức bảo đảm để khoa cử được tiến hành. Với hiệu suất làm việc của phủ Khai Phong, thì trong vòng thời gian nửa tháng cũng đủ để cho bọn họ sửa chữa trường thi được bảy tám phần.

Tào thị bắt đầu vội vàng chuẩn bị hôn lễ. Bà và Trần Hi Lương chuẩn bị sẽ thành hôn sau kỳ thi Hương, chấm dứt màn tình ái trường kỳ này. Nhưng bây giờ Trần Hi Lượng không còn được nhàn rỗi như trước nữa, mà mỗi ngày mặc cho gió mưa cũng phải lên triều.

Ngày hôm đó, lại theo lệ triều, chưa đến canh năm thì Trần Hi Lượng đã mặc triều phục, cưỡi ngựa, bảo gia nhân đốt lồng đèn, từ nhà đi đến Hoàng Thành. Đường đi đến Hoàng Thành tuy rằng nước đã rút nhưng đường phố vẫn còn lầy lội, ngựa đi chậm mất nhiều thời gian mới đến được ngoài cửa Hoàng Thành.

Tất nhiên là trước cửa Hoàng Thành không hề lầy lội, con đường lót đá đã được cọ rửa sạch sẽ. Trần Hi Lượng xuống ngựa, cùng vài vị đồng liêu đi bộ đến chầu viện ở ngoài cửa Tuyên Đức. Ở ngoài Tuyên Đức môn, hai bên có hơn mười gian phòng, là nơi che gió trú mưa cho các quan viên, chờ cho đến hết canh năm Hoàng Thành mới mở cửa để họ vào triều. Nơi này được gọi là chầu viện (phòng chờ thiết triều).

Chầu viện dựa theo phẩm bậc mà chia thành các phòng khác nhau. Tể tướng và vương công tất nhiên được ở gần Tuyên Đức môn. Quan viên lục thất phẩm như Trần Hi Lượng thì ở một phòng bên hông bên ngoài nhất. Tiện nghi ở trong các phòng cũng có khác biệt.

Triều Tống thật đúng là chu đáo với các quan viên. Để động viên tình cảm các quan viên đến triều sớm, Hàn Lâm Ti quản lý chầu viện sẽ dâng lên rượu và hoa quả cho các quan viên. Hàn Lâm Ti là thuộc bên trong cung vua. Bọn thái giám làm việc ở đây cũng tương đối giống với Hàn Lâm Viện thời nhà Minh và Thanh.

Rượu là rượu ngự ban, bọn quan viên đều khen ngợi. Hoa quả và các loại thức ăn cũng là cung ứng ở trong cung ra. Khi bọn Trần Hi Lượng đi vào trong phòng thì liền có sai nha tiến đến nói:
- Hôm nay có thịt dê, điểm tâm và rượu.
Ảnh hưởng của thủy tai vẫn chưa hết, cho dù là trong cung cũng không có trái cây gì để ăn.

Trần Hi Lượng gật đầu, lấy một chút điểm tâm và một ít rượu đi vào bên trong. Lúc này thời gian vào triều còn khoảng hai khắc nữa. Trong chầu viện đã thấy các quan viên ngồi nhóm bảy nhóm tám, vừa nhã nhặn ăn uống, vừa nhỏ giọng nói chuyện với nhau. Vì bắt đầu từ lúc này, mọi người rơi vào sự giám sát của nhóm giám thị Ngự Sử. Bất luận hành động nào thất thố đều có khả năng bị hạch tội, nhẹ thì bị điểm danh phê bình, nặng thì phạt bổng lộc giáng chức. Cho nên ai cũng không dám sơ suất.

Hình ảnh trang nghiêm trong chầu viện rõ ràng là đối lập với tiếng người ồn ào và đèn đuốc sáng trưng ở phía trước viện. Những người bán hàng rong, không ngờ bày sạp trước ngự môn của triều Đại Tống, bán cho các quan viên và những người tùy tùng những món ăn sáng rất phong phú như cháo gan, trứng vịt. Rất nhiều quan viên không ăn thức ăn trong chầu viện mà mua đồ ăn vặt bên ngoài mang vào.

Đặt vào một ngàn năm sau, bạn có thể tưởng tượng ra việc bày quán ở cửa Trung Nam Hải? Thực ra quan viên đời Tống cũng không chịu được cảnh này khi bên ngoài nơi trang nghiêm vọng đến nhiều tiếng tạp âm, khiến nhiều quan viên nhíu mày ác cảm, phải thốt ra là “điếc cả lỗ tai”. Nhưng quan viên triều Tống lại không ai nghĩ đến việc đuổi mấy người thảo dân ở bên ngoài đó đi. Vì pháp luật không cấm bày bán quán ở ngoài cửa quan phủ. Các sĩ phu cũng có tu dưỡng “Hữu dung nãi đại” (có lòng bao dung lớn), không vì sự thoải mái của chính mình mà đi lạm dụng quyền lực, phá đi kế sinh nhai của dân chúng.

Ở các triều đại khác, các quan lại lại muốn dẹp hết hàng quán ở trước cổng lớn nhà mình, đã hình thành một sự đối lập rõ rệt.


Hôm nay ở trong chầu viện, Trần Hi Lượng cảm thấy hơi bất an. Bầu không khí an bình tao nhã ngày xưa không còn nữa. Quan viên đều giảm hết thanh âm của mình. Trên mặt cả đám lộ vẻ lo lắng bồi hồi, dường như đã có đại sự gì phát sinh.

Ông ta có chút xấu hổ vì việc hôn sự vội vàng của mình gần đây, khiến cho triều đình có chút chú ý. Bây giờ không hiểu sao lại cảm thấy có lỗi với thân phận Ti gián quan của mình. Ông bèn nhỏ giọng hỏi đồng liêu bên cạnh:
- Có việc gì vậy?

- Hôm qua, Ban Nhi (tên gọi khác của con cá cóc) đi gặp quan gia. Không ngờ quân thần nói chuyện suốt một ngày.
Đồng liêu bên cạnh cười, nhẹ giọng nói:
- Nói vậy là đã có kết quả rồi. Hôm nay vào triều chỉ để xem diễn kịch là chính.

- Sợ không đơn giản như vậy. Ta nhìn thấy Cổ tướng công, hôm nay cũng đến đây.
Đồng liêu bên trái lại nói nhỏ:
- Sau khi lão tiên sinh hồi kinh không thượng triều. Ông nói lần này ông ta xuất hiện là có ý gì?

- Có ý gì à?
Đồng liêu kia nói:
- Thì chắc chắn nhìn chằm chằm cái vị trí để trống của Ban Nhi rồi.

- Chẳng phải ông ta đã có một trận tranh đấu gay gắt với Hàn tướng công rồi sao?
Một đồng liêu phía sau tặc lưỡi nói:
- Hai vị này đều là nhân vật không tầm thường.

- Chính là làm thoả mãn ý của Văn tướng công.
Một nụ cười lạnh đứng lên.

Thấy bọn họ càng nói càng thái quá, Trần Hi Lượng thực hối hận khi chính mình nói ra câu này làm gì. Nếu để Ngự Sử nghe được thì không biết sẽ phạt bọn họ cái tội ăn nói không cẩn thận như nào.

Cũng may lúc này, trên lầu thành môn vang lên tiếng chuông du dương. Canh năm đã trôi qua. Tất cả các quan viên đều ngậm miệng, nối đuôi nhau ra ngoài chầu viện, xếp thành từng hàng ở ngoài Tuyên Đức môn, giám sát Ngự Sử dẫn đầu, tiến vào khánh điện lớn ở Tuyên Đức rồi vào Đan Phượng chí tử thần điện.

Trên thần điện đã bày biện xong. Ngự sử Trung thừa dẫn các quan đến điện Tây Vũ. Giám sát Ngự sử mặc áo bào màu đỏ thẫm, thúc giục các quan lại đủ cấp bậc đi lên điện. Sau khi phân nhóm các cấp bậc xong, quan gia thăng tọa trăm quan bái kiến.

Triệu Trinh mặc áo bào viền màu đỏ, đầu mang khăn vấn đầu màu đen, ngồi nghiêm chỉnh không nói lời nào. Tên hoạn quan Hồ Ngôn Đoái bên cạnh nói thay:
- Bình thân!

Đợi các quan lại đứng dậy xong thì tên Hồ Ngôn Đoái lại hỏi:
- Các nha môn có chuyện gì cần tấu không?

Án tấu rất nhiều, nên nha môn của Trung thư tỉnh, Xu Mật Viện, Tam ti, Thượng thư tỉnh sắp xếp theo trật tự. Nhưng hôm nay trật tự bị làm xáo trộn. Ngự sử Trương Bá Ngọc của Ngự sử đài giành trước tể tướng ra khỏi hàng nói:
- Thần có bản tấu!
Trong tình huống này, chỉ có một khả năng, chính là ông ta dâng sớ liên quan đến tể tướng, đồng thời cũng cho rằng tể tướng không còn tư cách lên tiếng tại triều đường.

Bọn quan lại có mặt tại đây, vốn là đến xem Xu Mật Viện làm trò, thấy thế nên không khỏi có phần lãnh đạm.

Văn Ngạn Bác hiển nhiên cũng không biết gì nên lúc này không khỏi kinh ngạc. Nhưng rồi ông ta đảo mắt bình tĩnh lại, nhìn xem biến này thế nào.

- Tấu!
Tiếng the thé của Hồ Ngôn Đoái lại cất lên.

- Thần thân là Ngự sử, giám sát các quan lại, nghe phong phanh chuyện tấu sự. Hôm nay nghe nói Văn Diêm thiết phó sứ Quách Thân Tích tố giác Hà Bắc Chuyển vận sứ Lý Sâm sai người biếu tặng “Hà Đồ” cho đương triều tể tướng Văn Ngạn Bác.

Vốn các quan lại chỉ tưởng đút lót nhận hối lộ bình thường thì có thể còn im lặng. Nhưng bây giờ khi nói đến món hối lộ không ngờ lại là “Hà Đồ” trong truyền thuyết thì nhất thời cùng “Ồ” lên một tiếng.

Giám sát ngự sử vội vàng quát lớn:
- Im lặng!
Các quan lại thấy vậy mới không xôn xao nữa, nghe Trương Bá Ngọc tiếp tục đọc sớ. Trong tấu chương, Trương ngự sử quy cho hành vi nhận hối lộ này là “cấu kết vây cánh”, rồi còn nâng cao quan điểm, chỉ trích Văn Ngạn Bác tư thụ thánh vật, giấu diếm không báo, vân vân. Nhưng ai cũng biết ngụ ý của ông ta là gì.

Nghe nói đến hai chữ “Hà Đồ”, khuôn mặt không dao động của Triệu Trinh quả nhiên biến sắc. Ông liếc mắt nhìn Văn Ngạn Bác một cái thật sâu thì chỉ thấy Văn tướng công không thay đổi nét mặt, dường như sự việc bình thường không liên quan đến mình.

Ánh mắt của Triệu Trinh đổi hướng nhìn Diêm thiết phó sứ Quách Thân Tích, thấp giọng hỏi nhỏ:
- Quả có việc này?

- Xác thực có việc này. Khi vi thần ở Hà Bắc đã nghe tin đồn là trên đời có “Hà Đồ”, chỉ có điều vẫn chưa nhìn thấy nó cho nên không dám tùy tiện tấu.
Quách Thân Tích vội vàng đứng ra nói:
- Về sau lại nghe nói, “Hà Đồ” kia đã bị Lý Sâm vụng trộm đưa cho Văn tướng công. Xin bệ hạ hỏi Văn tướng công, thần nguyện ra đối chất.

- Văn khanh gia…
Triệu Trinh gật đầu, ánh mắt hướng nhìn Văn Ngạn Bác, hỏi:
- Khanh có gì để nói không?

- Hồi bẩm bệ hạ, tuyệt đối không có việc này.
Văn Ngạn Bác quả quyết nói:
- Quách Thân Tích chỉ bịa đặt. Trương Bá Ngọc không căn cứ. Thần mời nhị vị mang bằng cớ ra đây, hoặc là bệ hạ có thể lập tức phái người điều tra nhà thần. Nếu có cái gì gọi là “Hà Đồ”, thần xin nguyện đưa đầu chịu tội.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện