Những Quận Chúa Nổi Loạn

Chương 10



Trăng đã lên cao khi chàng tử tước cùng với lão Pompéc trung thành rời khỏi quán của mét Biscarros và dẫn bước lên trên con đường đi Paris.

Sau khoảng một khắc đồng hồ chìm đắm trong suy nghĩ và trong quãng thời gian đó qua được đoạn đường một trăm dặm rưỡi, chàng quay lại với người tùy tùng đang lẽo đẽo theo sau độ ba bước chân.

- Pompéc! - Chàng thiếu niên hỏi - Lão có giữ chiếc găng tay phải của tôi không?

- Hình như không, thưa cậu.

- Lão đang làm gì với cái vali vậy?

- Tôi ngó xem nó đã được cột chặt chưa và tìm cách lại để cho nó đừng kêu. Tiếng tiền vang chạm vào nhau rất đáng ngại thưa cậu, nó lôi kéo những cuộc gặp gỡ không tốt, nhất là vào ban đêm.

- Lão giỏi lắm, Pompéc, tôi rất mừng khi thấy lão chu đáo và thận trọng như vậy.

- Đó là những đức tính hoàn toàn tự nhiên của một người lính thưa cậu và chúng kết hợp rất hài hòa với lòng dũng cảm, thế nhưng vì dũng cảm không có nghĩa là gan dạ nên tôi thú nhận tôi rất tiếc khi thấy ông Richon không thể cùng đi với chúng ta, bởi vì hai mươi ngàn đồng rất khó giữ, nhất là vào thời loạn lạc như hiện tại.

- Những gì lão nói đó thật là khôn ngoan, Pompéc ạ, và tôi hoàn toàn đồng ý với lão.

- Tôi còn thấy cần phải nói thêm - Lão lính già tiếp tục nói, bạo dạn hơn vì thái độ đồng tình của chủ - rằng chúng ta thật thiếu thận trọng khi mạo hiểm đi như thế này. Chúng ta hãy tấp vào một lát để tôi xem lại mấy cây súng.

- Thế nào, Pompéc?

- Súng rất tốt. Kẻ nào dám chặn chúng ta sẽ phải lãnh đủ! Ồ! Ồ! Đằng kia là cái gì vậy?

- Đâu?

- Trước mặt chúng ta độ một trăm bước về phía tay phải cậu đó, kìa về hướng kia kìa.

- Tôi thấy một cái gì trăng trắng.

- Ồ! Ồ! Trăng trắng, cái bẫy nào đây. Tôi rất muốn đi qua phía hàng rào bên phải này. Trong chiến tranh, người ta gọi là núp vào, chúng ta hãy núp vào thôi cậu ạ.

- Nếu đó là bẫy, thì là do lính của nhà vua, Pompéc à, mà lính của nhà vua thì không cướp đường.

- Cậu đừng có lầm, thưa cậu. Trái lại ở đâu cũng nghe nói rằng mấy tên cướp cạn đã sử dụng bộ quân phục của đức Hoàng thượng để phạm bao nhiêu là tội ác đáng xử tử. Và mới đây, ở Bordeaux, người ta đã đánh nhừ tử hai tên kỵ binh đã... Hình như đó là quân phục của bọn khinh kỵ binh, cậu ạ.

- Quân phục của bọn khinh kỵ binh là màu xanh nhạt mà Pompéc, còn cái chúng ta đang nhìn thấy là màu trắng.

- Vâng, nhưng bọn chúng thường khoác bên ngoài một chiếc áo trắng, mấy tên khốn kiếp bị đánh đòn ở Bordeaux cũng đã là như vậy. Tôi trông thấy mấy tên này múa may dữ quá, chúng hù họa đấy mà, cậu thấy không? Đó là chiến thuật của bọn chúng, bọn chúng nấp như vậy, ở giữa đường, súng cầm tay đe dọa từ xa và bọn khách đi đường phải bỏ túi tiền lại.

- Nhưng Pompéc à - Chàng tử tước nói, mặc dù hoảng hốt nhưng cũng còn đủ tỉnh táo - nếu bọn chúng đe dọa từ xa thì mình cũng làm lại như vậy.

- Đúng vậy, nhưng bọn chúng có thấy tôi đâu, bởi vậy tôi có giơ súng ra cũng vô ích thôi.

- Nếu bọn chúng không thấy lão thì làm sao bọn chúng có thể dọa lão được? - Chàng tử tước nói.

- Cậu chẳng hiểu biết gì về chiến tranh cả. - Ông lính già giận dỗi đáp lại - Thế nào rồi cũng có chuyện xảy ra với tôi như lần đụng độ ở Corbie cho xem.

- Hy vọng là không, lão ơi, hình như ở trận Corbie lão bị thương phải không?

- Vâng, một vết thương rất nặng. Tôi theo hầu ngài De Cambes, một người rất gan dạ. Chúng tôi đi tuần tra ban đêm để xem xét nơi xảy ra chiến trận. Chúng tôi thấy rất nhiều bẫy. Tôi khuyên ông đừng tỏ ra gan dạ một cách vô ích, ông không nghe và cứ đi thẳng vào bẫy. Tôi quay mặt đi vì giận. Ngay khi đó, một viên đạn quái ác... Cậu à, chúng ta nên cẩn thận!

- Phải cẩn thận Pompéc ơi, tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi trông bọn chúng im lìm.

- Chúng đang rình mồi mà. Chờ thử xem.

May sao, hai người lữ khách không phải chờ đợi lâu. Một lát sau, mặt trăng vươn ra khỏi đám mây đen và rực rỡ chiếu sáng, cách đó khoảng năm mươi bước, hai hoặc ba chiếc áo sơ mi phơi trên hàng rào.

Đấy là những cái bẫy khiến cho Pompéc nhớ lại chuyến tuần tra ác nghiệt ở Corbie.

Chàng tử tước phá ra cười và thúc ngựa chạy tới, Pompéc chạy theo kêu to:

- May mà tôi đã không làm theo ý nghĩ đầu tiên! Thiếu chút nữa là tôi cho viên đạn chui vào mấy cái áo này rồi, chẳng khác gì một tên Don Quichotte. Cậu đã thấy kinh nghiệm chiến tranh là như thế nào rồi đó!

Sau những xúc động mạnh, luôn luôn có một khoảng nghỉ ngơi, qua khỏi mấy cái áo sơ mi rồi, hai người lữ khách đi suốt hai dặm khá yên ổn. Thời tiết thật đẹp, bóng đen của một lùm cây ở ven đường ngã dài xuống, đen thẫm như gỗ mun.

- Phải nói là tôi không thích ánh trăng. - Lão Pompéc nói - Khi mình bị nhìn thấy từ xa thì mình dễ dàng rơi vào bẫy. Tôi vẫn nghe những người đã chiến đấu nói rằng khi hai người tìm kiếm nhau, thì ánh trăng chỉ có lợi cho một người. Chúng ta đang ở vùng quá sáng, như vậy thật là khinh xuất.

- Nếu vậy thì chúng ta vào khoảng tối, Pompéc.

- Vậy nếu có người đang ẩn núp nơi bìa rừng thì chúng ta như là đi thẳng vào miệng... Ở trận mạc, không bao giờ người ta đến gần một cánh rừng mà không dò xét trước.

- Khốn thay, chúng ta đâu có người trinh sát. Có phải người ta gọi những người đi do thám là như vậy không, Pompéc?

- Đúng vậy, đúng vậy! - Ông lão thì thầm - Lão quỷ Richon, tại sao ông ta không đi với chúng ta nhỉ? Chúng ta có thể bảo ông ta đi tiền quân, còn chúng ta, chúng ta sẽ là đội quân.

- Sao lão Pompéc? Chúng ta làm sao bây giờ? Chúng ta đi dưới ánh trăng hoặc là vào chỗ tối đây?

- Vào chỗ tối đi cậu ạ, theo tôi như vậy sẽ là thận trọng hơn.

- Vậy thì vào chỗ tối.

- Cậu sợ phải không?

- Không đâu, Pompéc, tôi thề là như vậy.

- Đúng là không nên sợ, bởi vì có tôi đây lo cho cậu, nếu chỉ có mình tôi, cậu cũng hiểu đó, tôi chẳng lo lắng gì nhiều. Một lão lính già chẳng sợ chúa cũng chẳng sợ quỷ. Nhưng cậu là một người bạn đường cần phải giữ gìn chẳng khác gì cái gia tài trên mông ngựa của tôi đây, và cái trách nhiệm nặng nề này làm tôi sợ hãi. Ôi! Ôi! Cái bóng đen mà tôi nhìn thấy đằng kia là cái gì vậy? Lần này thì nó di động.

- Đúng rồi!

- Bây giờ thì cậu đã thấy ở trong bóng tối là như thế nào rồi đó. Chúng ta thấy kẻ địch, còn hắn thì không thấy chúng ta. Có phải cái tên khốn kiếp đó mang một cây súng dài phải không?

- Nhưng chúng chỉ có một mình Pompéc à, còn chúng ta hai người.

- Cậu ơi, những kẻ đi một mình mới đáng sợ bởi vì chính những kẻ độc hành đó là những con người quả quyết. Kìa! Hình như hắn nhằm vào chúng ta! Hắn sắp bắn, cậu nằm xuống đi.

- Nhưng mà không phải, Pompéc à, hắn chỉ đổi vai thôi.

- Mặc kệ, cũng cứ cúi xuống đi, thông thường là như vậy, chúng ta phải tránh từ khi đạn còn chưa được bắn ra.

- Nhưng lão cũng thấy là hắn ta không bắn mà.

- Hắn ta không bắn à? - Lão tùy tùng nhổm dậy - Tốt, như vậy là hắn sợ. Thái độ quả quyết của chúng ta khiến cho hắn phải e dè! À! Hắn sợ ta! Hãy để tôi nói với hắn trước, còn cậu sẽ nói sau, và nói thật to giọng.

Bóng đen vẫn tiến đến.

- Này anh bạn, anh là ai? - Pompéc hỏi.

Bóng đen dừng lại với một cử chỉ sợ hãi khá rõ rệt.

- Bây giờ cậu hãy la lên đi - Pompéc nói.

- Vô ích - Chàng tử tước bảo - hắn sợ quá rồi!

- À! Hắn sợ à? - Pompéc nói và nhảy xổ đến, súng cầm tay.

- Xin tha cho, thưa ông. - Người kia nói và quỳ xuống - Xin tha cho! Tôi chỉ là một người bán hàng rong. Từ tám ngày nay chưa bán được lấy một chiếc khăn tay và trong người không có lấy một đồng.

Cái mà Pompéc cho là cây súng, là cây thước gỗ mà kẻ đáng thương kia dùng để đo hàng hóa của mình.

- Này anh bạn! - Pompéc nói một cách oai vệ - Hãy biết rằng chúng ta đây không phải là những tên ăn trộm nhưng là những chiến sĩ. Chúng ta đi ban đêm bởi vì chúng ta không sợ gì cả, cứ bình tĩnh mà đi, anh bạn được tự do.

- Này anh bạn! - Giọng nói dịu dàng của chàng tử tước thêm vào - Hãy cầm lấy nửa đồng Pistoles đây đền bù cho cái sợ của anh bạn vì chúng ta, chúc anh bạn may mắn.

Rồi bàn tay nhỏ nhắn trắng muốt đưa ra nửa đồng pistoles, kẻ kia cầm lấy và đi nhanh vừa tạ ơn trời vì cuộc gặp gỡ may mắn này.

- Cậu hành động như vậy là sai, là rất sai, cậu à! - Pompéc nói khi đi được hai mươi bước.

- Sai! Sai chỗ nào?

- Khi cho hắn nửa đồng pistoles đó. Vào ban đêm, không bao giờ thú nhận rằng mình là kẻ có tiền. Đấy, có phải câu đầu tiên mà cái tên nhát cáy đó kêu lên là hắn không có lấy một đồng xu trong túi không?

- Đúng đấy! - Chàng tử tước mỉm cười trả lời - Nhưng như lão đã nói, chúng ta là những người đi đánh giặc, có biết sợ là gì?

- Giữa sợ và khiêu khích, cậu à, cũng khác xa nhau như là giữa thận trọng và rụt rè. Tôi xin nhắc lại, thật là thiếu thận trọng khi để cho một kẻ lạ mặt mình gặp giữa đường biết được rằng mình có vàng.

- Nhưng kẻ lạ mặt đó chỉ có một mình và không có vũ khí thì sao?

- Hắn có thể thuộc một băng nhóm có vũ khí; hắn có thể là một tên do thám được phái đi trước để dò xét tình hình. Hắn có thể quay trở lại với đám đông, mà cậu muốn hai người cô độc phải làm gì đây, dù cho có dũng cảm đến đâu đi nữa, trước đám đông?

Lần này, chàng tử tước nhận ra sự thật trong câu trách móc của Pompéc, hoặc nói đúng hơn là câu kết án, và sau đó hai người đi đến bờ con suối nhỏ ở Saye, gần Saint - Genes.

- Chẳng có cầu, phải lội qua thôi.

Và Pompéc thuyết cho chàng tử tước một bài hết sức thông thái về cách đi qua các con suối, nhưng vì một bài giảng không phải là một cây cầu nên cũng vẫn phải, sau bài thuyết giảng, lội qua!

May sao, con suối không sâu lắm và cái khó khăn nho nhỏ này là một bằng chứng mới cho chàng tử tước thấy rằng nhìn từ xa, nhất là vào ban đêm, mọi chuyện trông rất đáng sợ hơn là khi nhìn gần.

Chàng tử tước bắt đầu cảm thấy thực sự an tâm, vả lại chỉ còn khoảng một giờ đồng hồ nữa là trời sẽ sáng, thì đến ngay giữa khu rừng bao bọc quanh Marsas, cả hai người lữ khách dừng lại đột ngột. Họ vừa nghe thấy khá xa phía sau nhưng rất rõ, nhiều tiếng vó ngựa.

Cũng vừa lúc đó ngựa của họ ngẩng đầu lên và một con cất tiếng hí vang.

- Lần này... - Pompéc nói với một giọng nghẹn đi, vừa nắm dây cương của chủ - lần này thì cậu ơi, tôi hy vọng là cậu sẽ ngoan ngoãn hơn và phó thác mọi chuyện cho kinh nghiệm của một người lính già. Tôi nghe tiếng một nhóm người ngựa: Họ đuổi theo chúng ta. Đấy, băng của tên bán hàng rong giả dạng dây, tôi đã nói với cậu rồi mà, cậu thật khinh suất! Thôi, đừng có tỏ ra anh hùng nữa, hãy cứu lấy mạng chúng ta cùng với tiền bạn! Bỏ chạy đôi khi là một cách để chiến thắng. Horace đã giả vờ bỏ chạy đấy thôi.

- Nếu vậy thì chạy thôi, Pompéc ơi! - Chàng tử tước run rẩy nói.

Pompéc thúc vào hông ngựa, ngựa của lão, một con ngựa chiến thật tuyệt nhảy dựng lên dưới cây đinh thúc ngựa lôi cuốn theo con ngựa Ả Rập của chàng tử tước, và cả hai làm vang lên, như một tiếng sấm trên nền đường, những bước vó ngựa sắt dồn dập.

Cuộc chạy đó kéo dài độ nửa giờ, nhưng thay vì khoảng cách xa hơn, hình như kẻ thù họ còn tiến đến gần hơn.

Bỗng nhiên một giọng người vang lên giữa bóng đêm lẫn với tiếng gió rít, nghe như lời đe dọa ghê gớm của những hồn ma đêm khuya.

Giọng nói đó đã làm cho những sợi tóc bạc của lão Pompéc dựng đứng lên.

- Chúng kêu: Ngừng lạI! - Lão thì thầm - Chúng kêu ngừng lại.

- Sao, có nên ngừng lại không?

- Trái lại chứ - Pompéc kêu lên - chúng ta hãy phi nhanh hơn, nếu có thể. Tiến lên! Tiến lên!...

- Phải đấy, tiến lên! Tiến lên! - Chàng tử tước rên rỉ và hoảng sợ không kém gì người bảo vệ mình.

- Bọn chúng đến gần rồi, cậu có nghe thấy không?

- Có chứ...

- Bọn chúng phải đông hơn ba mươi đứa... Kìa, chúng vẫn còn kêu nữa... Chúng ta chết rồi!

- Thúc ngựa hơn nữa đi. - Chàng tử tước gần chết vì sợ...

- Tử tước ơi! Tử tước ơi! - Tiếng gọi cất lên - Ngừng lại! Ngừng lại đi!... Lão Pompéc ngừng lại đi!

- Đó là một kẻ biết chúng ta, đó là một kẻ biết chúng ta mang tiền đến cho phu nhân quận chúa, hắn biết chúng ta theo phe họ, bọn chúng sẽ tra tấn chúng ta thôi!

- Ngừng lại! Ngừng lại đi! - Tiếng gọi lại vang lên.

- Bọn chúng kêu lên để mấy tên kia bắt chúng ta lại. - Pompéc nói - Bọn chúng có người ở phía trước, chúng ta bị bao vây rồi!

- Hay là chúng ta tấp qua một bên, vào cánh đồng này, chờ cho bọn chúng chạy qua đi.

- Ý kiến hay đấy! - Pompéc nói - Nào!

Cả hai người kỵ sĩ giật cương và thúc vào hông cho ngưạ quay về hướng trái, con ngựa của chàng tử tước nhảy một cách khéo léo, vượt qua khỏi cái hố, nhưng con ngựa của Pompéc nặng nề hơn không vượt qua được, ngã xuống và kéo theo chủ. Ông lão tùy tùng kêu lên một tiếng tuyệt vọng.

Chàng tử tước đã chạy được năm mươi bước, nghe tiếng kêu và dù cũng khá hoảng sợ vẫn quay ngựa lại và chạy đến bên người bạn đường.

- Xin tha! - Pompéc kêu lên - Tôi xin hàng! Tôi thuộc về gia đình họ Cambes! Xin chuộc mạng!

Chỉ có một tiếng cười to đáp lại lời van xin thảm thiết đó, và chàng tử tước vừa quay lại, thấy Pompéc đang ôm lấy chân người chiến thắng và kẻ này, bằng một giọng nghẹn đi vì tiếng cười, đang cố gắng trấn an lão.

- Ngài nam tước De Canolles? - Chàng tử tước kêu lên.

- Phải, tử tước à! Tại sao lại bắt những người đi tìm anh phải chạy như vậy chứ?

- Ngài nam tước De Canolles! - Pompéc kêu lên, chưa hết bất ngờ trước sự may mắn - Ngài nam tước De Canolles và anh Castorin.

- Phải rồi, lão Pompéc à! - Castorin nói - Lão làm gì trong cái hố đó vậy?

- Anh thấy rồi đấy! - Pompéc nói - Tưởng rằng các bạn là kẻ thù, tôi đã toan rút lui để sau này phản công lại thì con ngựa của tôi ngã xuống rãnh. Cậu ơi! - Lão nói tiếp sau khi đã đứng dậy và phủi bụi trên quần áo - Đây là ngài nam tước De Canolles.

- Vâng, tôi đây! - Canolles trả lời vừa nhìn chàng tử tước một cách chăm chú có lý do, vì chiếc găng tay nhặt được - Trong cái quán đó thật buồn chán hết sức. Ông Richon đã bỏ đi sau khi ăn hết tiền của tôi. Tôi biết là anh đang trên đường đi Paris. Tôi cũng có việc phải đi về hướng đó, vì thế tôi lên đường ngay để cùng đi với anh. Tôi không ngờ là đến đây lại phải chạy nước rút như vậy! Anh thật là một kỵ sĩ tài ba.

Chàng tử tước mỉm cười và lẩm bẩm một câu gì đó.

- Castorin! - Canolles nói tiếp - Hãy đỡ ông Pompéc lên ngựa. Mi cũng thấy là mặc dù khéo léo, ông ấy cũng không thể tự mình làm được.

Castorin xuống ngựa, giúp Pompéc một tay để đỡ con ngựa dậy và leo lên.

- Khoan đã - Pompéc nói với một chút bối rối - Khoan đã, cậu chủ ơi, hình như thiếu mất một cái gì đó.

- Đúng rồi! - Chàng tử tước bảo - Thiếu mất cái vali.

- Ôi! Lạy chúa! - Pompéc kêu lên, vờ như ngạc nhiên hết sức.

- Khốn kiếp - Chàng tử tước kêu lên - Lão đã để mất?...

- Chắc nó không xa đây đâu, cậu à! - Pompéc trả lời.

- Có phải cái kia không? - Castorin hỏi, vừa chỉ cái vật đang tìm kiếm và kéo nó lên một cách nặng nhọc.

- Đúng rồi! - Chàng tử tước nói.

- Đúng rồi! - Lão Pompéc kêu lên.

- Không phải lỗi ở lão đâu! - Canolles muốn tranh thủ tình cảm của người lão bộc - Lúc lão ngã, có lẽ dây đã bị đứt và nó rơi ra.

- Dây không phải bị đứt mà bị cắt, thưa chủ nhân - Castorin nói - Nhìn này!

- Ồ! Ồ! Lão Pompéc. - Canolles nói - Như vậy là sao hả?

- Như vậy có nghĩa là... - Chàng tử tước nghiêm khắc bảo - Vì sợ bị đuổi theo mà lão đã khôn khéo cắt dây để không phải lãnh trách nhiệm làm người giữ của. Vào thời chiến, cái mưu mẹo này gọi là thế nào hả Pompéc?

Pompéc muốn nói đến dao săn mà lão đã vô ý rút ra, nhưng vì không có một câu giải thích hợp lý nên dưới mắt chàng tử tước lão coi như đã bị nghi ngờ muốn hy sinh chiếc vali cho sự an toàn của mình.

- Hay lắm! Hay lắm! - Canolles nói - Nhưng lão hãy cột lại chiếc vali đi. Này Castorin, hãy giúp ông Pompéc, ông có lý Pompéc à, khi sợ hãi bọn trộm cướp như vậy, cái vali đó rất nặng và sẽ là con mồi béo bở.

- Xin ngài đừng nói đùa. - Pompéc nói, vừa run rẩy - Đùa vào ban đêm rất là nguy hiểm.

- Ông có lý, Pompéc à, luôn luôn có lý, bởi vậy tôi muốn theo hộ tống ông và tử tước đây. Thêm hai người viện binh là không vô ích đâu.

- Đúng vậy! - Pompéc kêu lên - Đông người là thêm an toàn.

- Còn anh, thưa tử tước, anh nghĩ sao về lời đề nghị của tôi? - Canolles nói khi thấy chàng tử tước chấp nhận lời đề nghị không mấy hào hứng như người tùy tùng.

- Thưa ông! - Chàng tử tước nói - Tôi xin thành thật cám ơn ông, nhưng chúng ta không đi cùng đường và tôi e sẽ làm phiền ông.

- Sao? - Canolles thất vọng nói, khi thấy rằng cảnh giằng co nơi quán rồi sẽ lại diễn ra giữa đường lộ - Sao chúng ta lại không đi cùng đường chứ? Không phải anh đang đi...

- Đến lâu đài Chantilly - Pompéc vội vã nói thêm, đang run lên với ý nghĩ sẽ phải đi một mình, không có người bạn đồng hành nào khác ngoài anh chàng tử tước.

Còn anh chàng này thì phác một cử chỉ nóng nảy và nếu trời sáng, thì có thể thấy mặt anh chàng đang đỏ lên vì giận dữ.

- Thế à? - Canolles kêu lên, chẳng có vẻ gì nhận ra ánh mắt giận dữ của chàng tử tước đang ném về phía lão Pompéc đáng thương. - Chantilly à, đúng là chúng ta đi cùng đường. Tôi đây đi Paris. - Anh ta cười và nói thêm - Này tử tước, tôi chẳng có việc gì làm, tôi chẳng biết đi đâu. Anh đi Paris à, tôi cũng đi Paris, anh đi Lyon à, tôi cũng đi Lyon, anh đi Marseilles à, tôi từ lâu cũng có ý muốn thăm vùng Provence, và tôi sẽ đi Marseilles, anh có đi Stenay, nơi đức vua đang đóng quân, thì nào chúng ta cùng đi Stenay.

- Thưa ông - Chàng tử tước nói với một vẻ quả quyết có lẽ do sự bực bội trước thái độ của lão Pompéc mà ra - Tôi cần phải nói với ông là tôi muốn đi một mình vì những việc riêng vô cùng quan trọng, vì những lý do hoàn toàn đứng đắn, và xin tha lỗi cho tôi, nếu ông cứ có ý định đó, thì tôi sẽ lấy làm hối tiếc mà nói với ông rằng đang quấy rầy tôi.

Nếu không vì hình ảnh của chiếc găng tay mà Canolles cất kỹ trước ngực dưới lần áo lót thì chàng nam tước đã nổi khùng lên rồi. Nhưng anh ta cố dằn.

- Thưa anh bạn - Chàng ta nói một cách nghiêm trang - Tôi chưa bao giờ nghe nói rằng đường lộ thuộc về một riêng ai đó. Hình như người ta gọi là đường của đức vua, rõ ràng là mọi người thần dân của ngài đều có quyền sử dụng nó như nhau. Vì thế tôi đi trên đường của đứa vua mà không có ý định làm phiền anh, tôi cũng chỉ vì muốn giúp đỡ anh, bởi vì anh còn trẻ, yếu đuối và không có cách tự vệ. Mà tôi có vẻ gì là cướp đường đâu. Nhưng, bởi vì anh đã muốn như vậy, thì ý định của tôi thật là đáng trách. Xin lỗi vì đã làm phiền anh. Xin chúc anh may mắn!

Và Canolles với một cái giựt cương cho ngựa tách ra bước qua bên kia đường sau khi đã chào chàng tử tước, có Castorin theo sau.

Canolles đóng màn kịch đó một cách hết sức là lịch sự, với một cử chỉ thật duyên dáng, vừa đội một chiếc mũ phớt lên vầng trán sáng đẹp, lòa xòa những đám tóc đen nhánh mượt mà, đến nỗi chàng tử tước phải động lòng. Canolles đã tách ra một bên như chúng ta vừa nói; Castorin theo sau, ngồi thật thẳng và quả quyết trên lưng ngựa. Pompéc, ở lại bên này đường, thở dài sườn sượt đến đá cũng phải mủi lòng, thế là chàng tử tước, sau khi suy nghĩ thật lung, thúc ngựa nhanh hơn và bước qua bên kia đường, đến bên Canolles giả vờ như không thấy và không nghe gì cả, buông ra hai tiếng với một giọng thật nhỏ:

- Ông De Canolles!

Canolles giật mình quay lại: Chàng run lên vì vui sướng, tưởng chừng như mọi khúc nhạc quan trọng nhất hợp lại để diễn tấu cho chàng nghe.

- Tử tước gọi tôi?

- Xin ông hãy nghe tôi - Chàng trả lời với một giọng dịu dàng và ngọt ngào - Xin nói thật là tôi rất sợ mình tỏ ra bất lịch sự với một người thanh lịch như ông. Xin hãy tha thứ cho tánh rụt rè của tôi, tôi đã được nuôi dưỡng bởi những người thân luôn đầy sợ hãi do bởi quá yêu thương tôi mà ra. Tôi xin nhắc lại, hãy thứ lỗi cho tôi, không bao giờ tôi có ý định xúc phạm đến ông, và để chứng minh cho sự giảng hòa giữa chúng ta, xin phép cho tôi được đi bên cạnh ông.

- Sao anh lại nói như vậy! - Canolles kêu lên - Một trăm lần, một ngàn lần, tôi không thù dai đâu tử tước à, bằng chứng là...

Chàng đưa bàn tay ra, một bàn tay thanh tú, nhẹ nhàng đặt vào đấy, như những chiếc móng xinh xắn của một con chim câu.

Phần sau của đêm ấy trôi qua trong những câu trò chuyện tíu tít của Canolles. Chàng tử tước im lặng nghe và thỉnh thoảng cười.

Hai người tùy tùng đi phía sau. Pompéc giải nghĩa cho Castorin biết vì sao mà trận Corbie bị thua trong khi lẽ ra có thể thắng hoàn toàn nếu như lão đã được gọi vào họp cùng với ban tham mưu buổi sáng hôm trước.

- Nhưng... - Chàng tử tước nói với Canolles - Làm thế nào anh đã thanh toán xong với ngài công tước D Epernon?

- Chuyện không có gì là khó cả. - Canolles trả lời - Theo như anh bạn đã nói với tôi, chính ông ta cần phải thanh toán với tôi chứ không phải tôi; hoặc ông ta mệt mỏi vì chờ đợi lâu quá và rút lui, hoặc ông ta ngoan cố, và hãy còn chờ.

- Còn tiểu thư De Lartigues thì sao? - Chàng tử tước hỏi hơi ngập ngừng.

- Thưa tử tước, tiểu thư De Lartigues không thể nào vừa ở nhà cùng ngài D Epernon, vừa ở quán Con Bê Vàng cùng với tôi. Không thể đòi hỏi nơi các bà điều không thể nào có được.

- Như vậy, không phải là một câu trả lời, thưa nam tước. Tôi thắc mắc tại sao, yêu mê mệt cô De Lartigues như ông, ông lại có thể xa rời cô ấy được.

Canolles nhìn chàng tử tước với đôi mắt đầy ý nghĩa, bởi vì trời đã sáng và trên khuôn mặt của chàng trai không có bóng che nào ngoài chiếc mũ phớt.

Thế là chàng cảm thấy một ý muốn điên cuồng trả lời như mình đang suy nghĩ, nhưng sự có mặt của Pompéc, của Castorin và vẻ nghiêm nghị của tử tước giữ chàng lại, và hơn nữa, chàng hãy còn hơi nghi ngờ.

"Nếu ta nhầm, nếu đây thật sự là một thanh niên mặc dù có chiếc găng tay và bàn tay nhỏ bé thì ta có thể chết đi vì xấu hổ được!"

Thế là chàng cố kiên nhẫn và trả lời câu hỏi tử tước bằng một nụ cười có thể thay tất cả mọi câu trả lời.

Mọi người dừng lại ở Barbezieux để ăn sáng và cho ngựa nghỉ. Lần này thì Canolles dùng bữa với chàng tử tước và khi đang ăn, tha hồ ngắm bàn tay mịn màng đã khiến chàng xúc động khá nhiều. Hơn nữa, khi ngồi vào bàn, chàng tử tước buộc phải giở mũ ra và để lộ mái tóc thật đẹp trên một làn da mịn, mà mọi tên đàn ông si tình, và do đó mù quáng, đều đã được thoát khỏi sự nghi ngờ rồi, nhưng Canolles khá sợ sẽ tỉnh mộng nên cứ muốn kéo dài giấc mộng. Chàng ta cảm thấy có một cái gì đó hay hay trong thái độ bí ẩn của tử tước cho phép càng có một lô những cử chỉ thân mật mà một sự phân biệt rõ ràng hoặc một lời thú nhận hoàn toàn sẽ không cho phép. Bởi vậy chàng không nói một lời nào khiến cho chàng trai hiểu rằng sự giả của mình đã bị khám phá.

Sau bữa ăn, mọi người lại lên đường đi cho đến chiều. Thỉnh thoảng, cái mệt mà chàng bắt đầu không thể nào che giấu lâu hơn làm cho gương mặt chàng tử tước trở nên tái nhợt, và thỉnh thoảng cả người chàng run lên khiến cho Canolles phải thân mật hỏi lý do. Thế là cậu De Cambes mỉm cười và có vẻ như không còn mệt mỏi gì nữa, lại còn đề nghị đi nhanh hơn, điều này thì Canolles từ chối, bảo rằng đường còn dài, do đó cần phải giữ sức cho ngựa.

Sau bữa ăn tối, chàng tử tước rất khó khăn khi muốn đứng dậy. Canolles lật đật chạy bổ tới.

- Anh bạn à, anh cần phải nghỉ ngơi đấy thôi. - Chàng nói - Cứ tiếp tục đi như vậy thì đến chặng đường thứ ba anh sẽ gục mất. Đêm nay chúng ta không đi, mà sẽ ngủ lại. Tôi muốn rằng anh ngủ thật kỹ, trong căn phòng tốt nhất của quán, nếu không thì thà rằng tôi chết đi.

Chàng tử tước nhìn Pompéc với một vẻ vô cùng kinh hoảng đến nỗi Canolles không thể nào nhịn cười được.

- Khi chúng ta làm những cuộc hành trình dài như chúng ta đang làm đây - Pompéc nói - thì mỗi người phải có cái lều riêng của mình.

- Một lều cho hai người - Canolles nói với dáng điệu tự nhiên nhất - Vậy là cũng đủ rồi.

Chàng tử tước rùng mình.

Mũi tên bắn ra trúng đích, và Canolles nhận thấy điều đó. Chàng liếc mắt nhìn thấy cậu tử tước ra hiệu cho Pompéc, Pompéc đến gần chủ, chàng này nói nho nhỏ một điều gì và lập tức lão lấy một lý do gì đó, bước lên trước và biến mất.

Khoảng một tiếng rưỡi sau chuyện vừa rồi, mà Canolles cũng không buồn hỏi lý do, đến một thị trấn, mấy người lữ khách đợi nơi ngưỡng cửa của một khách sạn có vẻ lịch sự.

- À! À! Chúng ta sẽ ngủ đêm tại đây phải không tử tước?

- Vâng, nếu như ông cùng đồng ý, thưa nam tước.

- Sao kìa! Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì anh muốn. Tôi đã nói với anh rồi, tôi đi du lịch theo ý thích của mình, còn anh, như anh đã nói, anh đi vì công việc. Chỉ có điều tôi e rằng anh sẽ không được thoải mái cho lắm trong cái quán lụp xụp này.

- Ồ! - Chàng tử tước nói - Đêm sẽ qua mau thôi.

Mọi người dừng lại, và nhanh nhẹn hơn Canolles, Pompéc chạy tới đỡ cho chủ xuống, vả lại Canolles e rằng một cử chỉ sốt sắng ân cần như vậy giữa một người đàn ông với một người đàn ông quả là khó coi.

- Nhanh lên, phòng tôi đâu? - Chàng tử tước nói - Ông De Canolles à, ông nói đúng đấy, tôi quả thật là rất mệt.

- Đây, thưa ngài - Bà chủ quán nói và chỉ một gian phòng khá rộng nơi tầng trệt và nhìn ra sân, nhưng mọi cửa sổ đều có chấn song và bên trên là rầm thượng của ngôi nhà.

- Còn phòng của tôi đâu? - Canolles kêu lên - Nó đâu?

Và chàng ném một ánh mắt thèm thuồng về phía một cánh cửa ăn thông sang phòng chàng tử tước, mà tấm vách mỏng manh không dễ gì ngăn cản được tánh tò mò sắc bén của chàng.

- Phòng của ngài à? - Bà chủ quán nói - Xin theo tôi, thưa ngài, tôi sẽ dẫn ngài đến đó.

Và, thật vậy, chẳng tỏ vẻ gì nhận ra sự bực bội trên nét mặt của Canolles, bà chủ quán dẫn chàng đến cuối một hành lang dài san sát những cửa, ngăn cách với phòng của tử tước bằng một quãng sân dài.

Chàng tử tước nhìn cảnh đó từ thềm phòng mình.

- Bây giờ - Canolles tự nhủ - Ta chắc chắn rồi, thế nhưng ta đã hành động như một tên ngốc. Thôi, thôi, làm mặt giận thì có được ích gì, cứ làm thật vui vẻ vậy.

- Anh bạn tử tước thân mến à! - Chàng kêu lên từ đầu hành lang - Hãy ngủ cho kỹ nhé, anh rất cần đấy, anh có cần ngày mai tôi gọi anh dậy không? Không à! Vậy thì anh sẽ gọi tôi dậy tùy lúc nào anh muốn nhé! Chúc anh ngủ ngon.

- Chúc nam tước ngủ ngon.

- À mà anh bạn có thiếu gì không? Anh có cần tôi cho anh mượn Castorin để phục vụ anh trong việc thay y phục không?

- Cám ơn, tôi đã có Pompéc rồi. Ông ấy ngủ ngay bên cạnh phòng tôi.

- Cẩn thận như thế là tốt. Tôi cũng sẽ bảo Castorin như vậy. Lúc nào cũng phải cẩn thận, phải không lão Pompéc? Trong một lữ quán như vậy thì thận trọng có bao giờ là thừa đâu... Xin chúc tử tước ngủ ngon.

Tử tước cũng đáp lại như vậy và cửa đóng lại.

"Được lắm, được lắm, tử tước à" - Canolles lẩm bẩm "Ngày mai sẽ đến phiên tôi chuẩn bị chỗ ngủ và tôi sẽ trả đũa cho mà xem. Hay lắm!" - Chàng nói tiếp - "Anh ta kéo kín rèm cửa lại, căng cả một tấm khăn trải giường để đừng lộ bóng. Chà! cậu thiếu niên này hay cả thẹn nhỉ, nhưng không sao, ngày mai rồi sẽ biết!"

Và Canolles trở vào, miệng làu bàu, thay y phục với vẻ mặt khó chịu, giận dỗi đi nằm, và mơ thấy Nanon tìm được trong túi mình một chiếc găng tay màu xám bạc của chàng tử tước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện