Nửa Cõi Sơn Hà

Chương 9: Hán Dương chi dịch



Uông Sung khiếp sợ quy phục người Kim

Lúc ấy vào năm thứ sáu của triều đình Nam Tống. Kim quốc thống soái Hoàn Nhan Xương liền phát động kế hoạch tấn công Nam Tống.

Kế hoạch của Kim chia làm hai lộ tiến thẳng xuống miền Nam.

Một đạo tấn công Giang Đông, do Trừ Xung chỉ huy. Còn đạo quân tấn công Giang Tây do Kỳ Hoàng điều khiển, bao gồm những châu huyện Thọ Xuân, Dự Châu, Hòa Xung, Cát Châu, Mạt Xung.

Nam Tống đại tướng Uông Sung vốn là kẻ bất tài, thấy oai thế của người Kim dũng mãnh, nên không dám xuất hiện. Nhạc Phi thấy vậy liền sai người đến thông tin, bàn định rằng: Nếu chúng ta cứ cố thủ Kim binh được thời gian nghỉ ngơi, thì sau này khó lòng phá vỡ nổi trận tuyến của chúng. Nhưng Uông Sung không nghe cứ đóng chặt cửa thành, không ra.

Hoàn Nhan Xương thấy Tống binh không dám xuất chiến liền ngầm phái điệp tốt trà trộn vào trong thành, ngấm ngầm giao ước với cận tướng Đỗ Khắc, nếu bằng lòng đem quân ra hàng Kim, thì sau này chiếm trọn được Trung Nguyên, thể nào cũng được chúa Kim ban quyền cao chức trọng.

Đỗ Khắc động lòng, liền thừa cơ tạo phản, dâng thành cho Kim binh. Khi Nhạc Phi hay biết chuyện này thì đã quá muộn. Vì quá bực bội, ông liền tuyệt thực ba ngày (đoạn này trong sử sách đã có nói rõ ràng).

Lúc ấy Tân Khí Tật vẫn cố thủ Trấn Giang, ngầm giám thị mọi động tĩnh của Đông Doanh. Lưu Chính Ngạn coi Tân Khí Tật như cái gai trước mắt, chỉ muốn sớm nhổ phắt đi cho xong. Y định phái những cao thủ trong Thần Cơ Doanh tới Trấn Giang hành thích, nhưng sư gia Thông Thiên Hiểu liền hiến kế :

- Tân Khí Tật chỉ là một mụn ghẻ ngoài da, không đáng cho chúng ta để ý. Thuộc hạ chỉ lo ngại bọn tự xưng là nhân vật giang hồ hiệp nghĩa gì đó, nhất là lão già Lữ Di Hạo Bang chủ của Cái bang.

Thuộc hạ vừa rồi đã thi hành kế hoạch hầu như làm suy giảm toàn lực của Cái bang nhưng không may đã bị thất bại. Điều này quả thật mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên. Hà!...

Sài Đạt Mộc vội hỏi :

- Sư gia bảo kế hoạch nào bị thất bại thế?

Thông Thiên Hiểu đáp :

- Kế hoạch mà mỗ định nói đó là: “Dụ chuột vào lu!” Nhưng không ngờ chúng ta sắp thành công thì lại bị tên hòa thượng mũi trâu Ngữ Minh tới cứu giúp Hoàng Diện Phong Cái. Hơn nữa, cả kế nghi binh tuy đả thương được Liễu Tồn Trung nhưng ngược lại, thuộc hạ của chúng ta cũng bị thương tổn không ít. Đến cả kỳ môn trận pháp của Hoàn Ngột Nhã cũng không sao cầm giữ nổi tên tiểu tử đó. Xem như vậy, đủ thấy thực lực của Cái bang quả thật dũng mãnh, hành sự lại xuất quỷ nhập thần, đó mới chính là mối lo ngại của Đông Doanh chúng ta.

Tôn Kha Ba bỗng lắc lư cái đầu, ngẩng mặt lên trời cười dại nói :

- Sư gia chớ có nên để ý tới Liễu Tồn Trung ấy làm chi nữa. Sớm tối đây, hắn cũng sẽ chôn thân ở một nơi núi hoang, đồng vắng chứ không sai.

Lưu Chính Ngạn ngạc nhiên hỏi :

- Đại sư phụ phái người đi giết hắn ư?

Tôn Kha Ba cười ha hả nói :

- Tên Cái bang tiểu tử đó rất tinh ma quỷ quyệt. Hơn nữa, võ công lại rất cao siêu, việc phái người đi giết không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng tên tiểu tử ấy tự phụ chưởng lực cương mãnh, cho nên đã bị trúng phải âm hàn chưởng Vu Công của mỗ, sớm tối đây thế nào cũng không thể sống lâu được. Do đó, khi bị trúng thương rồi đào tẩu khỏi Đông Doanh, mỗ mới truyền lệnh cho Khôi Y tổ đình chi việc truy kích là vì nguyên do ấy.

Thông Thiên Hiểu sư gia chợt hiểu ra, à lên một tiếng, đưa tay lên vuốt chòm râu dê, cười hi hí, nói :

- À, thì ra là thế! Thì ra là thế! Khi các Khôi Y võ sĩ trở về báo tin, bảo rằng đại sư phụ đã xuống lệnh, không truy kích y nữa. Bỉ nhân đã cảm thấy rất thắc mắc. Sau lại nghe nói Hoàn Ngột Nhã cũng không sao cầm giữ nổi tiểu tử khiến y đã thoát được bằng đường thủy lộ bỉ nhân càng lấy làm không yên, vì ngày nào chưa diệt trừ được tên nọ, Đông Doanh này còn gặp nhiều việc nhiễu sự không ít.

Thì ra tính mạng của y đã sớm bị đại sư phụ cầm giữ trong tay. Bội phục! Rất đáng bội phục!

Khắc Tố bị mất một cái tai đứng cạnh đó thấy Thông Thiên Hiểu cứ tâng bốc mãi Tôn Kha Ba, y rất lấy làm bực bội, sắc mặt khó coi vô cùng. Y hừ một tiếng nói :

- Tiểu tử nọ chưa chắc đã chết vì âm hàn công chưởng lực đó. Y đã bị Khắc Tố mỗ đánh trúng một chưởng, lục phủ ngũ tạng đã rời khỏi hàn vị, mồm hộc máu tươi cùng lắm vài ba ngày nữa là y không sao thoát được cái chết.

Ô Lý thương thế đầy người băng bó khắp mặt mũi, ngồi cạnh đó xen lời nói :

- Ô Lý mỗ lúc ấy đã dùng khổ nhục kế cho y lọt vào tròng. Mông Ba trận thức một khi đã giở ra, tiểu tử nọ không chết ngay tại chỗ cũng là may mắn lắm rồi.

Cát Đạt Tố không sao nhịn nổi, liền cau mày, cười nhạt nói :

- Khắc Tố tiền bối sao lại quên cảm tạ vãn bối như thế?

Khắc Tố ngạc nhiên hỏi :

- Ngươi bảo cảm tạ cái gì?

Cát Đạt Tố đáp :

- Nếu vãn bối không tới kịp thời, buông tiếng cười “hắc hắc”

khiến tên tiểu tử nọ phải hoảng sợ, thử hỏi tiền bối lúc ấy cứ lui về sau như vậy có còn tính mạng hay không?

Khắc Tố nghe nói cả giận, nhưng y vẫn cố nén lại, lạnh lùng nói :

- Ngươi hậu sinh tiểu bối, kiến thức được bao nhiêu mà cũng xen lời nói bướng càn. Đó là kế hoạch lấy thối làm tiến của mỗ. Nếu không bị ngươi bỗng dưng tới phá đám, làm kinh động tiểu tử, thì tên ấy làm sao thoát được sát thủ của mỗ. Ngươi chả đã bị chưởng của y đánh té xuống nhà là gì?

Đang lúc ấy, bỗng nghe thấy ở ngoài sảnh có tiếng hô vọng vào :

- Tề Như Phong cùng Trần, Trương nhị vị quản đái đã về tới!

Kế đó, liền thấy một tên kiếm thủ đệ nhị cấp từ bên ngoài sảnh vội vã chạy vào bẩm :

- Khải bẩm đại nhân, Tề Như Phong, Trần, Trương nhị vị quản đái ở bên ngoài chờ lệnh cho vào bái kiến.

Lưu Chính Ngạn vội đưa tay ra phất một cái nói :

- Cho vào!

Tên kiếm thủ nọ lớn tiếng dạ ran, vội chạy ra bên ngoài lớn tiếng hô to :

- Lưu đại nhân đã có lệnh cho mời các vị vào.

Chỉ trong nháy mắt đã thấy Tề Như Phong cùng hai tên quản đái vào trong đại sảnh, cung kính nghiêng mình vái chào. Lưu Chính Ngạn đưa tay ra chỉ vào mấy chiếc ghế, miệng nói :

- Mời ngồi!

Tề Như Phong vội ngồi xuống ngay, còn hai tên quản đái nọ vẫn đứng yên tại chỗ. Lưu Chính Ngạn liền hỏi :

- Đại tổng quản lần này phịu cựe nhọc như vậy, có lẽ việc đó được thành công mỹ mãn rồi chứ?

Tề Như Phong lộ vẻ ngượng nghịu đáp :

- Thuộc hạ khi tới Kim Phật giáp thì đã thấy chiếc hộp Bàn Long bị người mở tung, và viên Mặc Ngọc đó đã không cánh mà bay rồi.

Lưu Chính Ngạn vừa nghe dứt liền biến sắc mặt trợn mắt nhìn hai tên quản đái nọ quát hỏi :

- Đã bị tên to gan lớn mật nào phỗng tay trên thế?

Trương, Trần hai tên quản đái đưa mắt nhìn nhau mặt lộ vẻ sợ sệt rồi bỗng quỳ ngay xương đất dập đầu lia lịa nói :

- Thuộc hạ tội đáng muôn thết đã tới chậm một bước, bị tên Cái bang Tam Thủ Thần Thâu Giản Lão Nhị lén lấy trộm mất.

Lưu Chính Ngạn hừ một tiếng quát bảo :

- Nếu biết tên ăn trộm là Tam Thủ Thần Thâu thì tại sao không bắt lấy hắn đem về đây. Các ngươi toàn là một bọn ăn hại!

Lúc ấy Lưu Chính Ngạn đã giận dữ đến sắc mặt xanh như chàm đổ. Hai tên quản đái nọ dường như linh cảm đại họa sắp đến tới nơi hãi sợ quá, mỗi người cứ run lên bần bật.

Tề Như Phong trong lòng cũng cảm thấy bồn chồn không yên, vì đây là lần thứ nhất Đông Doanh giao phó cho một sứ mệnh mà không làm được chu toàn, cho nên lúc này nom mặt y khó coi vô cùng. Mắt thấy hai tên quản đái không dám hồi đáp. Y đành thuật lại đầu đuôi câu chuyện đã xảy ra như thế nào cho mọi người nghe, khi đuổi đến vùng núi Tiêu Sơn thì đã bắt được Tam Thủ Thần Thâu, nhưng khi khám xét khắp người y thì không thấy viên Mặc Ngọc ấy đâu cả. Sau đó lại gặp hai quái nhân võ công cực cao điểm trúng huyết đạo. Ở dưới gốc cây lại còn phát hiện một thanh niên đang bị cơn bệnh hoành hành, nằm bất động. Sau được nghe những lời đối đáp giữa bọn người đó mới biết thanh niên nọ là Liễu Tồn Trung, mọi việc xảy ra như thế nào, y nhất nhất đều kể lại hết.

Tề Như Phong vừa kề dứt, Tôn Kha Ba đã ngạc nhiên hỏi ngay :

- Ủa! Tên tiểu tử Liễu Tồn Trung đó vẫn chưa chết? Như vậy thì quái lạ thật! Quái lạ thật!

Tề Như Phong đáp :

- Tại hạ có nghe quái nhân nọ nói: tên Liễu Tồn Trung đó đã luyện được một môn nội công tâm pháp gì có thể chống cự nổi luồng khí âm hàn đó cho nên y mới không chết. Tuy nhiên tại hạ còn nghe thấy lão quái vật ấy nói, cùng lắm tiểu tử nọ cũng chỉ có thể sống thêm được năm năm nữa thôi.

Tôn Kha Ba lại hỏi :

- Hai lão quái nhân ấy tên là gì thế?

Tề Như Phong đáp :

- Hai lão điên rồ ấy tự xưng là Ngao Sơn Thủy Tổ.

Mọi người nghe y nói đến bốn chữ Ngao Sơn Thủy Tổ đều ngẩn người ra, không một ai biết đến cái tên đó cả.

Thông Thiên Hiểu xen lời hỏi :

- Sau đó Liễu Tồn Trung ra sao?

Tề Như Phong đáp :

- Sau đó, y đi theo một con đường ngách ở cạnh Tiêu Sơn. Trông bộ pháp của y tựa hồ như vẫn lành mạnh như thường, không có vẻ gì là người mang bệnh cả.

Tôn Kha Ba vỗ trán đến đét một cái, bực bội nói :

- Sao lại có việc quái lạ như thế này? Âm hàn chưởng lực của mỗ tại sao lại không ảnh hưởng chút nào đến y như vậy?

Thông Thiên Hiểu chợt động tâm, thất thanh la lên một tiếng rồi nói :

- À đúng rồi! Thì ra là thế!

* * * * *

Lại nói Liễu Tồn Trung thấy Y Bất Tử và Bao Đả Thắng đã biến mất dạng trong rừng liền đảo mắt nhìn quanh, thấy tên Tam Thủ Thần Thâu đã sớm bỏ đi từ lúc nào, chỉ còn lại Tề Như Phong cùng hai tên võ sĩ áo lam bị điểm huyệt còn nằm yên tại đó. Chàng muốn ra chưởng đập mấy tên thuộc hạ của Đông Doanh, tay sai cho ngoại bang này chết ngay tại chỗ. Nhưng sau chàng chợt nghĩ lại :

- “Nếu ra tay giết người không còn chút đề kháng nào như vậy thì không phải là hành vi của những nhân vật chính phái trên giang hồ.”

Vì vậy chàng lạnh lùng nhìn chúng một cái rồi quay mình bỏ đi.

Tồn Trung đã tính toán, sau khi ra khỏi vùng Tiêu Sơn mới sẽ quyết định đi về hướng nào, hoặc trở về tổng đàn thương lượng với Thi Huyền trưởng lão về kế hoạch đối phó Đông Doanh, hoặc đi tìm Vô Trần đạo nhân báo cho ông biết việc Tố Tố bị cầm giữ ở Bắc Cố Sơn.

Mãi đến ngày hôm sau, chàng mới ra khỏi được vùng Tiêu Sơn.

Lúc ấy trời đã xâm xẩm tối, chàng liến đi tìm một khách điếm nghỉ chân.

Địa phương này có cái tên là Trú Mã Phổ, là một tiểu trấn. Chỉ vì vừa bị binh Kim xâm lăng, cho nên tiểu trấn này còn bao trùm đầy không khí chiến tranh khắp đường phố, quân binh đao thương sáng quắc đi rầm rập khắp các nẻo đường.

Tồn Trung vào thuê một căn phòng. Điếm tiểu nhị đã vội bưng vào một ấm trà nóng rồi rút lui ra khỏi phòng ngay.

Tồn Trung nghĩ lại lúc mình đang bị luồng khí âm hàn phát tác, nằm mê man bất tỉnh ở dưới gốc cây, thì bỗng trước ngực cảm thấy ấm áp chỉ trong nháy mắt lan tràn khắp toàn thân, tiêu giải hết nguồn khí lạnh tứ thì. Y Bất Tử nói với chàng đó là phản ứng của môn nội công tâm pháp gì đó. Điều này khiến chàng lấy làm kỳ quái vô cùng vì từ xưa tới nay mình có luyện qua môn nội công tâm pháp gì đâu?

Chàng vội thò tay vào trong người sờ mó liền giật mình kinh hãi đến ngẩn người ra.

Thì ra chàng vừa moi ra được một tấm ngọc bài màu đen phát ra những tia sáng lóng lánh vuông vức chừng một tấc, chàng cầm lên, cảm thấy nhẹ nhàng như một tấm giấy vậy.

Nói thì thật là kỳ quái, khi tấm ngọc bài đó vừa rời khỏi người chàng thì đột nhiên chàng lại cảm thấy luồng khí âm hàn đó bỗng phát hiện.

Chàng liền thất kinh, vội bỏ chiếc thẻ bài ấy vào trong người, liền cảm thấy một luồng khí ấm áp lan tràn khắp toàn thân ngay.

Tồn Trung chợt hiểu ra “à” lên một tiếng, nghĩ thầm :

- “Thì ra là vì vật này mà Tam Thủ Thần Thâu bị bọn họ đuổi bắt gắt gao như thế. Trong lúc vội vã y đã nhét luôn vào trong người ta.

Không ngờ vô tình chúng đã cứu được ta thoát chết, chả trách đã khiến võ lâm thiên hạ đều thêm thuồng muốn chiếm đoạt.”

Trong lúc chàng đang suy nghĩ, thì đột nhiên thấy bên ngoài cửa sổ có bóng người thấp thoáng. Chàng liền cười nhạt một tiếng, lạnh lùng nói :

- Bằng hữu, xin cứ việc vào trong này tương kiến với tại hạ.

Chàng vừa dứt lời, chi thoáng cái đã thấy người nọ nhảy qua cửa sổ vào trong phòng. Chàng vừa đưa mắt nhìn lên liền ngẩn người ra.

Thì ra người nọ chính là Tam Thủ Thần Thâu.

Tồn Trung vội đứng dậy, chấp tay nói :

- Đa tạ ơn cứu mạng của các hạ. Có phải các hạ tới đây định đòi lại tấm thẻ Mặc Ngọc đấy không?

Tam Thủ Thân Thâu liền khom mình thi lễ, rồi cung kính nói :

- Đệ tử chữ “Hoàng” Giản Lão Nhị xin ra mắt tiểu sư tổ!

Liễu Tồn Trung nghe nói liền cả mừng, nói :

- Ngươi là đệ tử vai vế chữ “Hoàng” ư? Bất tất phải đa lễ, cứ tự nhiên ngồi xuống đây nói chuyện.

Giản Lão Nhị vội cung kính ngồi xuống. Tồn Trung nói :

- Lúc ngươi nói chuyện với bọn người của Đông Doanh đó, ta đều nghe thấy rõ hết, chỉ lấy làm lạ là tại sao ngươi biết được tấm thẻ Mặc Ngọc này được để trong chiếc hộp Bàn Long dưới địa huyệt ở phía sau Kim Phật giáp như thế?

Giản Lão Nhị đáp :

- Đệ tử phong thanh Kim Phật giáp đêm nọ bị phá tan tành, trong bụng liền nghĩ, Giáp chủ Trương Tòng Khê xưa nay vốn khét tiếng là người giàu có nhất vùng, tất nhiên trong nhà thể nào cũng tàng trữ những kỳ trân dị báu, khiến cho đệ tử trong lòng cảm thấy ngứa ngáy vô cùng, định tới đó ra tay vơ vét một chuyến. Khi đệ tử tiến về phía sau Kim Phật giáp, thấy thi thể bị tàn sát khắp nơi, binh khí rơi bừa bãi trên mặt đất, hiển nhiên vừa xảy ra một trận đấu rất ác liệt còn những phòng ốc quanh đó đều bị lửa thiêu cháy rụi.

Đệ tử đi thẳng ra phía hậu cung, thì bỗng phát hiện lúc ấy Giáp chủ Trương Tòng Khê bị trọng thương, chưa chết hẳn, đang nằm ở trong phòng chứa lúa để nuôi ngựa. Lúc trước, có một lần đệ tử đi qua Võ Linh Sơn, có nghe người ta đồn đại, quan chủ của đạo quan này có chế luyện được một thứ thuốc rất quý báu gọi là Hoàn Hồn đơn. Vì vậy đệ tử đã lên vào thuận tay phỗng nhẹ được một bình, giấu trong người, vẫn chưa sử dụng lần nào. Đệ tử liền lấy ra cho Giáp chủ uống. Sau khi tỉnh lại Giáp chủ liền mơ mơ hồ hồ nói cho đệ tử hay Hoàng Diện Phong Cái sư tổ là đại ân nhân của y, và trang viện bị một bọn người bịt mặt tới phá hủy. Rồi y lại chỉ ra phía địa huyệt ở sau trang, có cất giấu khối Thiên Sơn Mặc Ngọc trong chiếc hộp Bàn Long. Lúc ấy đệ tử thấy y đang ở trong tình trạng hấp hối, liền hỏi y có muốn trối trăn gì không. Y liến thúc giục đệ tử mau đi lấy viên Mặc Ngọc ấy rồi trao lại cho sư tổ Hoàng Diện Phong Cái chớ nên để cho nhân vật tà ác chiếm đoạt được. Đang lúc ấy đệ tử bỗng nghe thấy phía xa xa có tiếng chân người chạy tới, liền vội vã tiến ra ngay phía sau giáp để lấy viên Mặc Ngọc. Sau khi đã lấy được tấm thẻ Mặc Ngọc, thì đã thấy xa xa Tề Như Phong cùng hai tên quản đái nọ đang chạy tới. Đệ tử thấy vậy liền cắm đầu chạy thục mạng. Nhưng chỉ khoảng thời gian chừng nửa tuần trà sau, đệ tử phát hiện bọn Tề Như Phong đã đuổi sát ở phía sau. Dọc đường, đệ tử với bọn chúng chơi trò bịt mắt bắt dê hết núp Đông lại tránh Tây. Rồi những việc xảy ra sau đó thì tiểu sư tổ đã thấy được rồi.

Giản Lão Nhị lại nói :

- Lúc ấy đệ tử cũng không nhận ra được tiểu sư tổ, chỉ thấy tiểu sư tổ đang nằm hôn mê bất tỉnh ở dưới gốc cây. Trong lúc cấp bách trì tuệ liền nảy sinh đệ tử liền thuận tay giấu luôn chiếc thẻ Mặc Ngọc vào người tiểu sư tổ trong bụng đã suy tính đợi sau khi bọn Tề Như Phong khám xét không thấy xong đệ tử sẽ lấy lại tấm thẻ đó. Ngờ đâu sự việc ngẫu nhiên một cách thần linh như thế, đủ thấy mọi việc trên đời đều có sự an bài cả.

Tồn Trung liền nói :

- Chiếc thẻ Mặc Ngọc đó hiện ở trong người mỗ, nếu ngươi muốn lấy lại thì mỗ xin trao lại cho ngươi đây!

Giản Lão Nhị hoảng sợ, nói :

- Sao tiểu sư tổ lại nói như vậy? Khối Mặc Ngọc này đã là vật cứu bệnh cho tiểu sư tổ, làm sao có thể rời khỏi thân hình được. Dù cho không phải là vật cứu mạng chăng nữa, nhưng nay đã trao cho tiểu sư tổ mà hiện giờ thì lão sư tổ thân như nhàn vân dã hạc, phiêu du đây đó, đệ tử biết đi đâu để tìm thấy mà trao cho ông ta? Tiểu sư tổ phúc duyên thâm hậu, cho nên mới may mắn được trời ban cho vật cứu tinh này.

Tồn Trung nói :

- Tuy là thế thật, nhưng di ngôn của Kim Phật giáp chủ lúc lâm nguy có nhờ ngươi trao vật này cho lão sư tổ nếu ngươi trao cho ta chẳng hóa ra đã phụ mất nguyên ý của người quá cố đã nhờ cậy ngươi ư?

Giản Lão Nhị nói :

- Chúng ta làm như thế này thì là quyền nghi trong nhất thời mà thôi, đợi khi nào tiểu sư tổ gặp lão sư tổ sẽ trao lại cho ông ta cũng không muộn.

Tồn Trung nghe y nói cũng phải, cho nên chàng không nói năng gì nữa. Giản Lão Nhị lại hỏi :

- Tiểu sư tổ định giáng lâm nơi nào thế?

Liễu Tồn Trung hỏi lại :

- Mỗ định trở về tổng đàn. Còn ngươi thì định đi đâu?

Giản lão Nhị đáp :

- Đệ tử định tới Lâm An một phen.

Tồn Trung biết y sẽ có nhiều cơ hội để làm ăn, cho nên chàng không hỏi thêm nữa, rồi cả hai liền chia tay.

Mấy ngày sau Tồn Trung đã tiến vào địa phận Hán Dương. Dọc đường chàng đã tính toán nhân dịp này trực chỉ thẳng Tứ Xuyên Vu Sơn thập nhị phong, rồi sẽ trở về tổng đàn sau để tăng thêm lịch duyệt một phen.

Chàng rời khỏi Hán Dương không lâu thì tới Lý Gia tập. Chàng chợt nghĩ tới một việc. Lý Gia tập này có một Lý đại quan nhân đã cùng Bang chủ Lữ Di Hạo kết nghĩa huynh đệ, mà không vẫn thường được nghe Bang chủ nhắc nhở rất nhiều.

Vị Lý đại quan nhân này vốn là một người giao du rất rộng, trên giang hồ ai nấy đều nể nang và được nghe danh biết tiếng. Bang chủ có đưa cho chàng một bức thứ nhờ trao cho ông ta, liền nghĩ thầm :

- “Nếu không thuận đường đi ngang qua Lý Gia tập này thì suýt tý nữa ta đã quên mất việc trao bức thư!” Chàng hỏi thăm phương hướng, rồi lớn bước tiến thẳng tới trang viên của Lý đại quan nhân.

Thì ra vị Lý đại quan nhân này họ Lý, tên là Toàn, vốn là một người rất khoát đạt giao du rộng rãi, được người mến chuộng, cho nên giang hồ đã ban cho ông ta một cái danh hiệu là Lý Bát Diện. Lý Toàn là một tục gia đệ tử của Nhất Đào chân nhân của phái Võ Đang ở Hồ Bắc.

Năm nay y đã ngoài lục tuần nhưng vốn gia thế rất giàu có, ông ta sống một cuộc đời nhàn nhã sung túc cho nên mới nhìn mặt ông ta ai cũng chỉ đoán tuổi khoảng chừng năm mươi thôi.

Lý Toàn sinh hạ được hai trai, một gái. Vì ông ta là người học võ, nên đặt tên cho hai con trai là Lý Long và Lý Hổ. Hai người này đều đã thành lập gia thất, còn người con gái thì ông chỉ đặt vỏn vẹn một chữ “Phượng” thôi. Năm nay nàng mười tám tuổi, đã luyện tập toàn pho Võ Đang bát quái rất tinh thục.

Trang viện của Lý đại quan nhân ở đầu phía Tây Lý Gia tập. Cửa trang viện rất rộng, hướng thẳng ra đại lộ, trông khí thế rất là hùng tráng.

Hôm nay, không hiểu vì lẽ gì mà Lý Gia tập náo nhiệt khôn tả.

Những nhân vật ở các địa phương lân cận như Đặng Gia Khẩu, Trần Gia Điếm, Bạch Sa Phố, Phan Gia Đường cùng các vị anh hùng có tên tuổi trong giang hồ thuộc tam sơn ngũ nhạc, và các hảo hán hai đường thủy lộ, người nào cũng đều lộ đầy vẻ hào khí, cùng tới tề tập ở Lý gia trang, khiến Lý Toàn rất hớn hở, cứ vuốt râu cả cười luôn miệng sai bày tiệc rượu khoản đãi chúng anh hùng.

Trang viện của Lý đại quan nhân này vốn rất rộng rãi, cho nên trong đại sảnh có thể bày được tới mấy chục mâm tiệc. Những bọn hậu bối trẻ tuổi thì Lý Long và Lý Hổ bồi tiếp. Còn những nhân vật tiền bối đã thành danh lâu năm do Lý Toàn đích thân khoản đãi. Chỉ riêng một mình Lý Phượng, con gái ông ta, là không thấy hiện thân.

Đang lúc náo nhiệt vui vẻ, Lý Toàn đứng dậy, chắp tay lớn tiếng nói :

- Hôm nay Lý mỗ có việc mà được chư vị tiền bối anh hùng khẳng khái tới trợ giúp, không lý tới hậu quả như thế nào. Chỉ một mối giao tình của chư vị đối với Lý mỗ thâm sâu như thế khiến suốt cuộc đời Lý mỗ cũng không sao quên được thâm tình ấy. Xin mời quý vị hãy cùng mỗ uống cạn chén rượu này gọi là nhận đôi chút lòng thành của Lý mỗ.

Dứt lời ông ta giơ ly rượu lên mời khắp vòng. Bàn của Lý Toàn ngồi là những nhân vật vào hàng tiền bối, người nào người nấy hỏa hầu đã luyện tới mức rất thâm hậu. Ai nấy đều lên tiếng khiêm tốn vài câu rồi đưa chén lên môi uống cạn luôn.

Còn bên phía những mâm rượu của Lý Long Lý Hổ thì toàn là những hậu sinh tiểu bối người nào người nấy cao ngạo vô cùng coi trời bầng vung, trong lòng nôn nao đợi chờ có cơ hội để thi thố tài ba, cho nên đều cất tiếng hô lớn :

- Lát nữa đây, Lý lão tiền bối cứ việc yên tâm uống rượu, mọi việc xin cứ để cho bọn vãn bối giải quyết!

Rượu qua được ba tuần, bỗng thấy một tên quản sự từ bên ngoài vội vã chạy vào, khom mình cung kính nói với Lý Toàn :

- Bẩm Trang chủ, Cái bang có phái người đem thư của Lữ bang chủ tới nơi.

Lý Toàn vừa nghe dứt, cao hứng vô cùng, vội đứng bật dậy, hớn hở nói :

- Lữ Di Hạo bang chủ cũng biết chuyện này! Hà hà... Nếu Cái bang cho người tới, thì không còn e ngại gì nữa. Hãy mau mau mời người ấy vào đây!

Tên quản sự dạ mau rồi vội lui ra bên ngoài ngay. Lý Toàn giơ cao bức thư ấy lên cho mọi người coi rồi lớn tiếng nói :

- Cái bang đã phái người tới. Có lẽ nhân vật này phải là một trong chín vị đại trưởng lão của Phù Tống viện! Các vị trưởng lão trong Phù Tống viện này đều đã ngoài sáu mươi, đức cao vọng trọng.

Xin quý vị hãy nể mặt Lý mỗ ra nghênh đón vị ấy một phen.

Mọi người có mặt tại đây đều biết Lý Toàn đã từng kết nghĩa với Lữ Di Hạo, nay ông ta phái người tới trợ giúp, tất nhiên thân phận vị này đã là đại biểu của Cái bang, là một bang hội có thể nói là lớn nhất trên giang hồ, kỳ năng dị sĩ không sao đếm xuể, nhân vật đại diện cho Bang chủ tất nhiên là một trong chín đại trưởng lão rồi. Nay có cơ hội được kết giao với vị ấy quả thật là một dịp may hiếm có, cho nên ai nấy đều vội đứng cả dậy, theo Lý Toàn đi ra bên ngoài hành lang.

Chỉ nghe thấy lúc đó hai tên quản sự đang dẫn một thanh niên trẻ tuổi dáng dấp đầy vẻ phong trần, từ ngoài trang lớn bước vào. Lý Toàn thấy vậy ngẩn người ra, nghĩ thầm :

- “Ủa? Sao không có vị trưởng lão nào tới đây thế? Thanh niên này là ai?”.

Chỉ thấy thanh niên nọ vái dài một cái, nói :

- Vãn bối phụng mệnh tệ Bang chủ tới vấn an tiền bối!

Lý Toàn lộ vẻ không vui nói :

- Miễn lễ. Bang chủ vẫn được mạnh giỏi đấy chứ?

Ông ta chỉ phái một mình các hạ tới đây hay sao?

Thanh niên cung kính đáp :

- Dạ, đúng vậy. Tệ Bang chủ chỉ phái một mình vãn bối tới đây thôi.

Lý Toàn khẽ kêu “hừ” một tiếng, nghĩ thầm :

- “Lão Lữ Di Hạo tại sao lại hồ đồ đến mức này! Phái một tên tiểu tử như vậy tới đây thì còn làm được cái rò trống gì! Như thế, thật đã quá coi thường Lý mỗ này”.

Trong lòng rất bực bội, ông ta quay đầu lại, gọi :

- Long nhi, mau ra mời vị sư ca này vào tiệc đi! Có lẽ vừa ở xa tới, sư ca đã cảm thấy đói bụng rồi đấy.

Rồi không hỏi thêm điều gì nữa, ông ta liền cùng các nhân vật tiền bối anh hùng quay trở vào trong đại sảnh.

Mọi người khẽ bàn tán với nhau. Một người nói :

- Cái bang thật đã coi người bằng nửa con mắt. Đã cử tới giúp đỡ tại sao lại phái một tên tiểu tử ít tuổi như vậy tới trợ giúp?

Một người khác nói :

- Nếu Cái bang không coi rẻ thiên hạ anh hùng mà để cho y thượng đài thì có lẽ muốn danh dự của Lý gia này phải xiêu đổ chắc ạ.

Có kẻ nói :

- Sao lại cho y thượng đài làm chi? Cứ để cho y ngồi ở bàn quan sát cho rộng tầm kiến thức mới đúng.

Cũng có kẻ bàn :

- Không phải là Cái bang coi thường thiên hạ anh hùng, cũng không phải là có ý muốn danh dự của Lý gia tập chúng ta sụp đổ, mà kỳ thật Cái bang đã không có nhân tài, cho nên mới phái bừa một tên tiểu tử này tới đây.

Lại một người nói :

- Không phái tới có lẽ còn hay hơn. Phái y tới đây chỉ làm vướng chân vướng tay chúng ta thôi.

Lại có kẻ nói :

- Nom hai con mắt tên tiểu tử này lờ đờ như không có thần, thì làm sao mà đủ tài ba để tham gia thịnh hội này?

Các nhân vật tiền bối anh hùng mỗi người nói một câu khiến trong đại sảnh nhất thời ồn ào như vỡ chợ.

Phía bên kia, bọn Lý Long, Lý Hổ đang tiếp đãi bọn võ lâm tiểu bối cũng đang bàn cãi sôi nổi không kém.

Thanh niên nọ chính là Liễu Tồn Trung. Những thiếu niên ngồi chung một bàn với chàng đều là những hảo hán nổi tiếng của vùng đất Hán Dương vốn là những nhân vật trẻ tuổi rất kiêu ngạo, dưới mắt họ võ thuật trong thiên hạ ngoài trừ vùng Hán Dương này ra không một nơi nào đáng nói tới cho nên đối với thanh niên lạ mặt này không ai thèm để ý tới cả. Chỉ có Lý Long Lý Hổ với thân phận chủ nhân là miễn cưỡng ngồi tiếp Tồn Trung lấy lệ thôi.

Tồn Trung đưa mắt nhìn các nhân vật võ lâm có mặt quanh đó trong bụng liền nảy sinh hoài nghi nghĩ thầm :

- “Hôm nay là ngày vui của Lý đại quan nhân, mọi người tới đây để chúc mừng. Thật là hổ thẹn, chỉ có ta là không mang theo lễ vật gì cả. Chẳng trách vừa rồi nom sắc mặt của Lý đại nhân có vẻ không vui”.

Trong lúc chàng đang bồi hồi không yên, bỗng thấy một tên quản sự hấp tấp chạy vào bẩm :

- Bẩm đại quan nhân, họ đã tới đấy! Họ đã tời đấy!

Y vừa dứt lời, chúng anh hùng đều đặt chén rượu xuống bàn, rồi không hẹn mà cùng đứng dậy, nhìn ra bên ngoài.

Chỉ thấy ngoài cửa có bốn nhân vật đang lớn bước tiến vào. Ba người trong số đó tướng mạo rất quái dị, thân thể béo phị, mặt núc ních những thịt, sau lưng đều gài một thanh trường đao, trông không phải là nhân vật Trung Nguyên. Còn người kia thì ăn mặc theo lối nho sĩ Trung Nguyên, dáng người nhỏ thó, da mặt sát tận xương, lại phe phất chiếc quạt xếp, ung dung lớn bước tiến vào trong đại sảnh.

Trung niên văn sĩ nọ chắp tay, nhếch mép cười nói :

- Mỗ rất hân hạnh được gặp gỡ chư vị anh hùng có mặt tại đây.

Sau đó, y quay đầu về phía Lý Toàn, vái chào nói :

- Lý trang chủ, bọn mỗ đã tới phó hội đúng hẹn, các lộ anh hùng đều đã tới đông đủ cả chứ?

Lý Toàn đứng dậy, lớn tiếng nói với quần hùng :

- Vị bằng hữu đây nguyên là người Trung Nguyên, vốn quê quán ở Đại Danh phủ, danh hiệu là Khuất Vỹ Hồ...

Câu nói nguyên là người Trung Nguyên của Lý Toàn vốn bao hàm thâm ý, vì giữa lúc xã tắc đang lâm nguy như thế này, mà lại có những hạng người không biết giữ khí tiết, cam chịu làm tay sai cho ngoại nhân cõng rắn cắn gà nhà, cho nên Khuất Vỹ Hồ không đợi chọ ông ta nói dứt, đã kêu hừ một tiếng, ngắt lời ngay, nói :

- Không dám! Không dám! Danh hiệu của mỗ là do giang hồ quen miệng gọi chơi đấy thôi. Lý trang chủ, ba vị này là cao thủ thượng thừa của Đại Thực quốc. Các vị ấy thường nghe nói võ học của Trung Nguyên rất quảng bác, cho nên mới nhờ tại hạ dẫn tới thỉnh giáo chư vị anh hùng để được sáng mắt một phen.

Nói tới đây, y giơ tay ra chỉ vào ba tên Đại Thực quốc ăn vận võ phục đang ngạo nghễ đứng ngửa mặt lên trời ở gần đó, thái dộ như không coi ai ra gì cả khiến quần hùng đều lấy làm khó chịu và phẫn nộ.

Bọn tiểu bối trẻ tuổi không sao nhẫn nhịn nổi, đều ồn ào thóa mạ :

- Trông bọn cuồng đồ này cao ngạo thật. Lát nữa bổn gia gia phải thiến chúng mới được.

- Lão tử cũng phải cho chúng một trận nên thân, rồi tống cổ chúng về Đại Thực quốc.

Mỗi người nói một câu, chỉ có Tồn Trung là vẫn điềm nhiên ngồi nhấm nháp. Lý Long tuy ngoài miệng không nói ra, nhưng trong bụng cũng bực bội, nghĩ thầm :

- “Tại sao Cái bang lại phái một tên ngu xuẩn như thế này tới đây, chỉ biết cắm đầu cắm cổ ngồi ăn uống tì tì chẳng đếm xỉa gì đến việc quan trọng ở trước mắt!” Lý Toàn vội giơ tay ra hiệu không cho bọn hậu bối trẻ tuổi ăn nói hồ đồ liền lớn tiếng nói :

- Nếu được các vị bằng hữu Đại Thực quốc đây coi trọng tại hạ cùng các nhân vật võ lâm Trung Nguyên thật rất lấy làm vinh hạnh.

Lý mỗ cũng không tiếc gì thân già này sẽ xin hết sức hầu tiếp. Nhưng xưa nay mỗ với các vị bằng hữu đây không có thù oán gì, hà tất phải bày ra cuộc giao đấu sinh tử như vậy.

Khuất Vỹ Hồ cười khẩy nói :

- Lý đại quan nhân biết một mà chẳng biết hai. Các vị cao thủ Đại Thực quốc đây, chỉ vì hâm mộ võ học Trung Nguyên cho nên mới tới đây để ấn chứng một phen đấy thôi. Bình thường trong việc tỉ võ tất nhiên không sao tránh được khỏi sự chết chóc, cho nên việc ấy có gì là quan trọng đâu. Các vị đây nghe nói Lý đại quan nhân là cao thủ của Võ Đang cho nên trước khi tới đây đã gởi thiếp tới, và Lý đại quan nhân chả đã sớm nhận được sự khiêu chiến này rồi?

Lý Toàn ngẩng mặt lên trời cười ha hả, nói :

- Bọn mỗ là Trung Nguyên võ lâm hiệp nghĩa đạo trọng nhất là chữ “tín”, lẽ dĩ nhiên cần phải chu toàn lời mình đã hứa.

Lúc ấy một tên trong ba võ sĩ Đại Thực quốc nọ bỗng cất tiếng cười khanh khách rất quái dị, rồi dùng tiếng Hán trọ trẹ nói :

- Tốt lắm! Tốt lắm, đấu như thế nào ngươi mau nói ra đi?

Một tên võ sĩ Đại Thực quốc đứng cạnh đó liền quay sang nói líu lo một tràng dài với tên bạn. Quần hùng không sao hiểu được bọn chúng đang nói với nhau những gì, bọn hậu bối liền cười ầm lên thóa mạ :

- Bọn chúng đang nói gì tựa như tiếng chó sủa thế?

Khuất Vỹ Hồ cười nhạt nói :

- Mấy vị bằng hữu đây không phải là nói những gì giống tiếng chó sủa như bạn đã tưởng lầm đâu, đó là các vị ấy hỏi tỉ võ ở nơi nào đó thôi. Lý đại quan nhân đã chọn được nơi nào thích hợp chưa?

Lý Toàn đáp :

- Phía hậu trang có một bãi đất trống rất rộng rãi. Các vị bằng hữu Đại Thực quốc đây sẽ có thừa chỗ để thi thố tài năng. Xin mời các vị hãy đi theo Lý mỗ.

Khuất Vỹ Hồ liền quay đầu lại, đưa tay chỉ chỗ, giải thích cho bọn kia rõ. Hai tên võ sĩ Đại Thực không hiểu tiếng Hán bỗng đưa tay ra vỗ vào chuôi thanh trường đao, nói líu lo một hồi, rồi tên biết võ vẽ tiếng Hán cũng vỗ vào chuôi thanh trường đao, lớn tiếng nói :

- Đi! Đi đánh nhau.

Lúc ấy các vị anh hùng hảo hán trong đại sảnh đều đứng cả dậy.

Khuất Vỹ Hồ đưa tay ra hiệu bảo Lý Toàn đi trước dẫn đường. Bọn hậu bối trẻ tuổi đầy vẻ phẫn nộ không sao nhịn được, không đợi cho Lý Toàn mở lời, đều nói :

- Bọn chúng đã không muốn sống nữa, thì chúng ta cũng phải tận tình tiếp đãi. Nào, đi thôi!

Mọi người như một đàn ong vỡ tổ ùa nhau đi cả về phía sau trang.

Lý Toàn vội đưa tay ra mời Khuất Vĩ Hồ đi trước, rồi cùng theo quần hùng ra phía hậu trang.

Xuyên qua phía sau trang không xa, quả nhiên đã tới một nơi đất trống rất rộng. Khoảng đất này bốn phía đều có cây cối rậm rạp bao bọc, ở đó có dựng sẵn một giá binh khí, cắm đủ thập bát ban võ khí.

Ở giữa khoảng đất đó có một cái gò đất rất lớn, rộng tới mười trượng, cao đến bốn năm trượng, bên dưới đã được nhân công làm thành hai cái thềm đá, biến nơi đấy thành một cái lôi đài thiên nhiên.

Lúc ấy quần hùng đều tề tập ở dưới bãi đất trống xung quanh lôi đài. Lý Toàn đưa tay ra chi, nói :

- Trên mặt chiếc bình đài này rất bằng phẳng, là một nơi mà tại hạ vẫn thường tới để tập luyện cho giãn gân cốt. Quý vị thấy nơi đây có được không?

Tên võ sĩ Đại Thực quốc am hiểu đôi chút tiếng Hán đưa mắt quan sát một lượt rồi khẽ gật đầu, tay vỗ vỗ vào thanh trường đao, rồi quay lại líu lo với tên có vẻ ít tuổi nhất một hồi. Sau đó, Khuất Vỹ Hồ liền giải thích rằng :

- Trận thứ nhất sẽ do vị bằng hữu đây ra trận lãnh sự chỉ giáo của chư vị anh hùng. Vị này danh hiệu là Đô Ha, là một trong mười cao thủ của Đại Thực quốc. Không biết vị anh hùng nào định lên chỉ giáo thế?

Bọn hảo thủ hậu bối đều ồn ào :

- Để mỗ lên!

- Thôi, xin bạn nhường cho Đặng Gia Khẩu mỗ được dự trận tiên với tên cao thủ Đại Thực quốc này.

Chỉ thấy một thanh niên tuổi trạc hai mươi hai, hai mươi bốn rẽ mọi người tiến lên, chỉ Đô Ha, nói :

- Lên đài đi! Chúng ta cùng thử thách một phen!

Dứt lời, y nhảy luôn lên trên đài. Đô Ha cười khẩy một tiếng, cũng tung mình nhảy theo bén gót.

Hai người sau khi đã chiếm xong vị trí, tên Đại Thực quốc Đô Ha đứng cao hơn thanh niên Đặng Gia Khẩu nọ nửa cái đầu. Thanh niên này là con của Đặng Phi tổng tiêu đầu Hồ Bắc Đặng Gia Khẩu, tên là Đặng Báo. Vì phụ thân là tổng tiêu dầu, chúng võ sư trong tiêu cục đều nể nang mấy phần. Vì vậy lúc nhàn rỗi thường so sánh võ công, ai nấy đều nhường nhịn y một nửa thiêu thức, cho nên đã dưỡng thành cái tính nết rất kiêu căng, tự cho tài ba của mình ít ai địch nổi.

Sau khi Đặng Báo đã nhảy lên đài, liền theo phương cách như thường đấu với các võ sư ở trong tiêu, khua chân múa tay lia lịa hết nhảy sang tả lại té qua hữu. Nhưng mọi người vẫn thấy tên Đô Ha nọ vẫn cứ đứng bất động như một khoảng núi. Đặng Báo thấy vậy liền quát lớn :

- Tên kia, sao không động thủ đi?

Đô Ha nghe quát bảo như vậy, ngơ ngác không hiểu gì cả, chỉ trố mắt lên nhìn y. Đặng Báo lại quát tiếp :

- Coi chiêu!

Dứt lời, y liền sử dụng thức “Hắc hổ thâu tâm” hữu quyền liền nhắm thẳng giữa ngực Đô Ha bổ tới, hữu cước quyền bước lên một bước nhằm gót chân của Đô Ha quét tới.

Đô Ha vội lách mình né tránh, rồi bỗng vươn tay ra chộp một cái đã chộp trúng được góc áo của Đặng Báo rồi y xách luôn tên nọ khỏi đầu. Chỉ nghe thấy bạch một tiếng, Đặng Báo đã bị y xách chổng bốn vó lên trời, rồi quăng luôn xuống dưới đài, không sao bò dậy nổi.

Sự việc xảy ra chớp nhoáng như vậy khiến chúng anh hùng đều ngẩn người ra nhìn, không biết tên võ sĩ Đại Thực quốc nọ đã dùng môn công phu gì mà đã ném Đặng Báo xuống dưới đài một cách dễ dàng như vậy?

Lúc ấy Khuất Vỹ Hồ đã nhanh nhẹn nhảy lên đài lớn tiếng tuyên bố :

- Trận đấu đầu Đô Ha đã thắng. Còn một trận nữa vị nào định lên chỉ giáo thế?

Chỉ thấy một đại hán tướng mạo rất dữ dằn phi thân lên trên đài quát bảo :

- Họ Phan mỗ xin lãnh giáo.

Mọi người đưa mắt nhìn đã nhận ra người đó là giáo đầu Phan Đại Hải của Phan gia đường. Phan Đại Hải này đã luyện tập được hai cánh tay có gân sức thật mạnh mẽ vô cùng, có thể xách nổi một vật nặng tới năm, sáu trăm cân. Bình thường thử sức dù ba bốn chục trang hán cũng không sao tiến sát gần người y. Vừa rồi thấy thức của Đô Ha sử dụng liền nghĩ thầm :

- “Tên võ sĩ Đại Thực quốc này bất quá chỉ nhờ cậy sức mạnh chứ không có gì là lợi hại cả. Ta, Phan Đại Hải, với sự luyện tập công phu của đôi cánh tay này, chẳng lẽ lại không hạ nổi ngươi hay sao?”

Nghĩ đoạn y liền lập tâm đấu sức với Đô Ha. Tên Đô Ha không hiểu Phan Đại Hải vừa nó gì, chỉ trừng mắt lên nhìn. Tiếp theo đó bỗng nghe thấy Phan Đại Hải thét lớn một tiếng, múa quyền đánh ra, mang theo một luồng kình phong kêu vù vù.

Đô Ha lại lách người né tránh, rồi nhanh nhẹn luồn sang bên phải của Phan Đại Hải, giơ tay ra chộp vào bả vai y. Chân trái tên nọ bỗng móc một cái. Chỉ nghe thấy bộp, Phan Đại Hải đã bị y móc ngã lãn ra nhưng lập tức y đã sử dụng thế Lý ngư phiên thân tung mình đứng ngay dậy thét lớn một tiếng nhảy sát tới người Đô Ha định ôm lấy đối phương quật ngã lần nữa.

Ngờ đâu Đô Ha đã thừa thế chộp lấy lưng áo của Đại Hải nhấc bổng lên, Đại Hải không sao tự chủ được, lại bị đối phương quật ngã lần nữa.

Lần này y đang lồm cồm bò dậy chưa kịp đứng lên, đã bị Đô Ha đá trúng một cái vào đít, té lăn luôn xuống dưới đất, xương cốt rã ra nằm hôn mê tại chỗ.

Quần hùng ở dưới đất thấy vậy thất kinh. Vừa rồi Đặng Báo trong nháy mắt đã bị đại bại. Việc ấy không lấy làm lạ vì Đặng Báo vốn là một tiểu tử chỉ có hư danh nhưng còn Phan Đại Hải thì khác hẳn. Y là một giáo đầu nổi danh của Phan Gia đường tại sao chỉ không đầy mấy chiêu mà đã bị thảm bại như vậy?

Lúc ấy Khuất Vỹ Hồ lại nhảy lên đài, ngạo nghễ cười nói :

- Đại Thực quốc đã thắng hai trận. Trận thứ ba xin cho võ sĩ nào thay thế.

Y vừa dứt lời thì một tên võ sĩ Đại Thực quốc thứ hai nhảy lên trên đài, Khuất Vỹ Hồ giới thiệu :

- Vị này tên là Đồ Đại, chư vị có lên lãnh giáo thì phải nên cẩn thận vì vị ấy còn lợi hại hơn Đô Ha vài phần. À, vị ấy còn muốn sử dụng vài thế về binh khí. Đao kiếm vô tình, vị nào cảm thấy học nghệ chưa đến nơi đến chốn thì chớ nên lên đây đùa giỡn với tử thần, cứ nhanh miệng nhận thua đi là xong hết.

Y vừa dứt lời, trong đám quần hùng liền có tiếng mắng chửi :

- Tên khốn kiếp đó ăn nói lếu láo gì thế? Ai chịu nhận thua bao giờ?

Tiếp theo đó, liền thấy một người hùng hổ đi tới giá binh khí, rút ra một thanh trường kiếm rồi nhảy luôn lên trên đài.

Mọi người đưa mắt nhìn đã nhận ra người nọ là Trần Lương Sơn của Trần gia điếm, là một nhân vật cao thủ của phái Hành Sơn. Tam thập lục thức “Hoành Vân kiếm” múa lên như mưa sa bão táp, dù có hắt nước vào cũng không sao lọt. Nếu kể về kiếm thuật thì khắp miền Hán Dương này không một ai có thể sánh kịp.

Mọi người vừa nhìn thấy Trần Lương Sơn lên đài đều có vẻ nhẹ nhõm bàn tán :

- Đã lâu không được thấy Trần lão sư biểu diễn kiếm thức. Hôm nay nhân dịp may mắn hiếm có.

Bỗng có một người cao giọng nói :

- Trần lão sư chớ nên giết chết tên ấy làm chi. Chỉ cần xẻo mũi y cho y một bài học nhục nhã là được rồi.

Có người nói :

- Chỉ cần trừng phạt bằng cách cắt hai tai y, cho y biết kiếm thuật của Trung Nguyên lợi hại như thế nào.

Những người đã lớn tiếng nói đó là những nhân vật hậu bối, vì quá tức giận vì hai trận thảm bại vừa rồi nên mới lên tiếng cổ võ.

Trong lòng họ đều mong Trần Lương Sơn ra tay gỡ lại sĩ diện về sự thảm bại nhục nhã của Đặng Báo và Phan Đại Hải.

Trần Lương Sơn vung kiếm lên, lưỡi kiếm lấp loáng sáng bạc, tay trái nắm kiếm quyết, chân đứng theo thế nửa chữ “Đinh”, nửa chừ “Bát”, vai hơi trầm xuống. Đó thính là chiêu mở đầu của ba mươi sáu thức “Hoành Vân kiếm pháp”.

Đô Đạt mắt lộ hung quang, bỗng nghe “xoẹt” một tiếng, y đã rút phắt thanh trường đao ở sau lưng ra luôn. Thanh đao này trông rất kỳ lạ, không giống những đao thường chút nào. Chuôi đao dài một cách đặc biệt, mũi dao lại hơi cong vòng lại, phát ra những tia sáng lấp lóe.

Đô Đạt hai tay nắm chặt chuôi đao giơ lên khỏi đầu để một khoảng trống trước ngực, Trần Lương Sơn thấy chiêu thức của y đặc biệt như vậy, rất lấy làm lạ lùng, nghĩ thầm: “Không biết tên này sử dụng môn công phu gì thế. Phía trước ngực để lộ liễu trước mũi kiếm của ta như vậy có lẽ y tìm lấy cái chết chăng?” Nghĩ đoạn y liền thét lớn một tiếng sử dụng chiêu Lưu vân xuất tụ mũi kiếm đã nhanh nhẹn đâm thẳng vào trước ngực đối phương, đồng thời Đô Đạt cũng thét lớn một tiếng hai tay nắm chặt chuôi đao bổ mạnh xuống.

Chỉ nghe thấy xoẹt một tiếng nhanh như điện chớp kình lực đao mang theo một luồng kình phong kêu vù vù Trần Lương Sơn từ xưa tới nay chưa bao giờ thấy qua môn đao pháp nào bá đạo như vậy, giật mình kinh hoảng vội trầm thanh kiếm xuống nhảy lùi về phía sau tránh né thoát khỏi thế đao hung hiểm đó của đối phương.

Trong lúc y chưa hoàn hồn, Đô Đạt đã hét lớn một tiếng như trời long đất lở, thanh trường đao của y đã lại phạt ngang tới một thế như vũ bão, kình lực còn mạnh mẽ hơn đao trước gấp bội.

Trần Lương Sơn chưa kịp biến chiêu chống đỡ, vội lăn ra phía xa hơn trượng thoát khỏi thế đao hiểm độc của đối phương trong gang tấc.

Nhưng liền đó Đô Đạt lại lớn bước tiến lên. Sau một tiếng gầm kinh thiên động địa, y lại bổ luôn đao thứ ba. Thế đao này từ trên phạt xuống, kình phong rít lên như xé vải. Trong lúc Trần Lương Sơn đang còn nằm ở dưới đất, chưa kịp bò dậy, y cảm thấy hồn phi phách tán chưa biết chống đỡ ra sao, thì bỗng nghe thấy bên tai có tiếng người khẽ nói :

- Điểm vào khí huyệt của y, cả hai cùng chết.

Trần Lương Sơn vừa nghe dứt mới chợt tỉnh ngộ, vì lúc này lưỡi kiếm của y đang hướng lên trên, mà Đô Đạt lại cúi người chặt xuống nên Khí Hải huyệt liền để lộ trước đầu mũi kiếm. Y chi cần đưa ra một thế là sẽ đâm trúng huyệt đạo ấy của đối phương tức thì.

Trần Lương Sơn sử dụng thế này, dù có bị đối phương chém chết tại chỗ thì Đô Đạt cũng không sao tránh khỏi bị tử thương. Nếu Đô Đạt không muốn bị giết chết, chỉ cần nhảy lui về phía sau né tránh thì cả hai bên sẽ đều vô sự.

Đô Đạt lúc ấy đang chiếm lợi thế, thì khi nào lại chịu để cùng bị hy sinh với đối phương như thế, cho nên thức điểm vào Khí Hải huyệt của đối phương là tuyệt chiêu duy nhất để cứu mạng Trần Lương Sơn.

Trần Lương Sơn không kịp suy nghĩ chỉ nghe tiếng vèo một tiếng đã đâm thẳng kiếm lên vừa đúng lúc trường đao của Đô Đạt chém xuống.Y bỗng thấy mũi kiếm xuyên qua màn đao nhằm thẳng ngực mình đâm tới liền hoảng sợ thất thanh kêu ối chà một tiếng rồi vội chạy nhảy về phía sau tránh né, mình mẩy toát mồ hôi lạnh ra.

Đấu pháp cả hai cùng chết này khiến quần hùng ở dưới đài đều kinh hãi đến ngẩn người ra. Kịp đến khi thấy Đô Đạt nhảy lùi về phía sau mọi người mới thở hắt ra rồi cùng reo hò cổ võ Trần Lương Sơn ầm ĩ.

Trần Lương Sơn tung mình đứng dậy trong lòng lấy làm kỳ lạ nghĩ bụng :

- “Không biết vừa rồi ai đã lên tiếng chỉ điểm chiêu thức độc đáo ấy để cứu mạng ta như thế?”

Y vội đưa mắt nhìn xuống bên dưới, nhưng tuyệt nhiên không phát giác được nhân vật nào khả nghi cả.

Ba chiêu thức đôi bên vừa thi thố Trần Lương Sơn đều lâm vào cục diện hung hiểm mà tuyệt nhiên không có dịp nào phản công lại.

Quần hùng bên dưới người nào cũng đều cảm thấy không yên. Có người còn khẽ buông tiếng thở dài, chê cười Trần Lương Sơn là kẻ hữu danh vô thực. Sau đến lúc thấy Trần Lương Sơn sử dụng kiếm thức tuyệt kỹ ấy, khiến cho Đô Đạt chân tay luống cuống, hoảng hốt thối lui, mắt người nào người ấy mới sáng rực lên, trong lòng đã lấy lại được đôi chút tin tưởng, và cùng bàn tán với nhau bảo Trần Lương Sơn không hổ thẹn là một kiếm thủ đệ nhất lưu.

Bên dưới tên võ sĩ Đại Thực quốc am hiểu đôi chút tiếng Hán sắc mặt bỗng lộ vẻ nghiêm trọng lẩm bẩm nói :

- Lạ thật! Lạ thật! Sao vừa rồi lại có sự việc xảy ra kỳ quái đến thế?

Lúc ấy trên đài không khí lại trở nên khẩn trương vô cùng. Đô Đạt vẫn giơ thanh trường đao lên khỏi đầu, mắt lộ hung quang, chân từ từ di động, chăm chú nhìn Trần Lương Sơn không chớp mắt.

Lúc này Trần Lương Sơn đã thi triển đến chiêu thứ hai của tam thập lục thức “Hoành Vân kiếm pháp” là Vân hồi tần lãnh. Trường kiếm đưa vòng ra theo hình cánh cung chỉ thủ thế chặt chẽ mà không dám phản công.

Bỗng nghe thấy Đô Đạt quát lớn một tiếng, lăng không phi thân lên thanh đao đã nhắm thẳng đầu Trần Lương Sơn bổ xuống.

Lương Sơn vội nghiêng mình né tránh, tay phải nhằm tay trái của Đô Đạt đâm ra một kiếm. Đô Đạt đang lơ lửng ở trên không, thật khó mà né tránh được thế công đó. Nhưng thanh trường đao của y đã nhanh nhẹn thâu lại, rồi phạt ngang một thế như điện chớp.

Chỉ nghe thấy “cảng” một tiếng, thanh trường kiếm của Lương Sơn đã bị chém gãy ra làm hai đoạn. Lúc ấy Đô Đạt lại hung hăng như một con mãnh hổ, trường đao lại tiếp tục nhằm người Trần Lương Sơn phạt xuống.

Trần Lương Sơn né tả tránh hữu, hung hiểm cực độ. Chúng anh hùng ở dưới đài thấy vậy đều la lối om sòm, quát bảo tên nọ ngừng tay nhưng Đô Đạt vẫn làm như không nghe thấy gì cả. Kỳ thật y cũng không hiểu quần hùng đang quát tháo cái gì, vẫn tiếp tục bổ ngang quét dọc lia lịa.

Lúc ấy đao của y đang nhằm Ngọc Trẩm huyệt ở giữa đỉnh đầu của Trần Lương Sơn bổ mạnh xuống.

Trần Lương Sơn không sao né tránh kịp, vội giơ thanh kiếm gãy lên chống đỡ. Lại nghe đến “cảng” một tiếng thanh kiếm lại bị chém gãy, nhưng lần này chỉ còn thừa lại cái chuôi.

Đô Đạt cất tiếng cười khảnh khách rất quái dị bước từng bước một tiến tới gần đối phương. Trần Lương Sơn trong lòng kinh hãi thầm thối lui dần tới mép lôi đài.

Vào thời Nam Tống nhân vật võ lâm khi thử thách võ công thì dù có chết cũng không bỏ chạy. Nếu lúc này Lương Sơn nhảy xuống dưới đài tất nhiên được bảo tồn được tính mạng nhưng sẽ không tránh khỏi được sự nhục nhã ê chề còn hơn là bị giết chết ngay tại chỗ.

Trần Lương Sơn là nhân vật thuộc Hành Sơn phái trong giới hiệp nghĩa đạo, thì đời nào lại chịu làm ô nhục đến thanh danh của Hành Sơn phái được?

Lúc này người khó xử nhất là Lý Toàn, vì sở dĩ quần hùng tới đây là để trợ giúp ông ta, nay thấy Trần Lương Sơn sắp sửa bị giết tới nơi, mà không ra tay can thiệp, thì làm sao yên tâm cho được?

Nhưng tiếc thay quy lệ về giao đấu của võ lâm Trung Nguyên lại không cho phép người nào được lên thay thế. Tuy ông ta nóng lòng sốt ruột nhưng không sao nghĩ ra được cách giải quyết nào cho ôn thỏa.

Đang lúc vô kế khả thi, thì bỗng thấy bên tai có tiếng người khẽ nói :

- Lý đại quan nhân, xin hẵy mau giao ước với Đô Đạt, như nội trong mười chiêu mà y không đả thương được Trần Lương Sơn thì coi như là hòa.

Lý Toàn nghe nói vội đưa mắt nhìn ra bốn phía, nhưng không biết người nào vừa lên tiếng nói với mình. Ông ta biết ngay có lẽ một vị cao nhân nào đã dùng truyền âm nhập mật chỉ điểm, liền nghĩ thầm :

- “Cứ xem tình hình trước mặt, làm sao Trần Lương Sơn có thể chống đỡ nổi mười chiêu?”.

Nhưng trừ cách này ra ông ta không còn biện pháp nào hoàn hảo hơn nữa, Lý Toàn liền chắp tay cao giọng nói :

- Trên đài hãy ngừng tay, tại hạ có điều muốn nói!

Những lời nói này Lý Toàn đã vận dụng nội lực nên ai nấy đều đã nghe thấy rất rõ ràng, Đô Đạt tuy thấy Lý Toàn đưa tay lên ra hiệu nhưng y không nghe hiểu được đối phương muốn nói gì?

Lúc ấy Khuất Vỹ Hồ liền cười hắc hắc hỏi :

- Lý đại quan muốn nói gì thế? Có phải là trối trăn cho vị bằng hữu kia đấy không?

Lý Toàn hừ nhạt một tiếng, đáp :

- Võ lâm giảo nghiệm võ công, có chết không lấy gì làm hối tiếc thì việc gì mà phải trối trăn.

Khuất Vỹ Hồ cười khẩy nói :

- Nếu thế thì đại quan nhân còn muốn nói gì nữa?

Lý Toàn nói :

- Trung Nguyên võ lâm khi so sánh võ công lấy sự công bình làm chuẩn đích, Đô Đạt sử dụng bảo đao chém đứt binh khí của Trần Lương Sơn khiến cho đối thủ chỉ còn hai bàn tay thịt để chống đỡ.

Như thế đã không còn đúng với ý nghĩ của một cuộc giao đấu nữa. Có thắng cũng không phải là hảo hán.

Khuất Vỹ Hồ nói :

- Vậy theo ý bạn thì nên như thế nào?

- Theo ý kiến của mỗ, hãy lấy mười chiêu làm giới hạn, nếu nội trong mười chiêu đó, bảo đao của Đô Đạt không đả thương nổi Trần Lương Sơn thì coi như trận đấu bất phân thắng bại.

Khuất Vỹ Hồ suy tính :

- “Tên Trần Lương Sơn này ngay lúc kiếm còn trong tay mà không chống đỡ nổi tới mười chiêu, huống hồ trong tay mà không một tấc sắt vậy quá lắm cũng chỉ cầm cự nổi ba chiêu là cùng. Thôi ta cứ rộng rãi chấp nhận điều kiện này để có chết y cũng không còn oán giận gì nữa”. Nghĩ vậy, y liền cười ha hả nói :

- Tưởng gì chứ điều ấy thì mỗ cũng không hẹp hòi với bạn làm chi.Y liền hướng lên trên đài nói xì xồ một hồi. Đô Đạt gật đầu lia lịa rồi đưa tay ra chỉ Trần Lương Sơn, ý muốn đối phương hãy chuẩn bị.

Trần Lương Sơn không hiểu tại sao Lý Toàn lại bỗng bày đặt điều kiện đấu trong mười chiêu đó làm gì thì mắt đã thấy Đô Đạt giơ cao thanh đao lên khỏi đầu rồi y bỗng gầm lên một tiếng thanh đao đã mang theo một luồng kinh phong như bão táp bổ mạnh xuống.

Trong vòng năm thước đều bị kình phong của y bao trùm. Trần Lương Sơn giật mình kinh hãi thầm, đang định nhảy sang bên trái tránh né, bỗng nghe văng vẳng bên tai có tiếng người nói :

- Bạch Viên Xuất Động, hữu chưởng tấn công nách bên phải của y.

Trần Lương Sơn vứt nghe dứt mới chợt tỉnh ngộ. Vì lúc ấy hai tay của Đô Đạt đang nắm thanh trường đao giơ lên cao, định bổ xuống, nếu như mình nhảy tránh sang bên trái, thì tất nhiên trường đao của y sẽ chém theo về phía đó, mình sẽ không sao tránh kịp. Còn nếu mình nhảy lùi về phía sau thì trường đao của đối phương chỉ bổ bồi theo một thế đỉnh đầu của mình sẽ nằm trong đao quang của y ngay.

Chỉ có cách lấy công làm thủ tự cứu lấy mình mới là thượng sách.

Lúc ấy thanh đao của đối phương đang tít lên trên cao bổ xuống, cho nên nách đã để lộ sơ hở. Nhưng nếu dùng thế Bạch Viên Xuất Động lướt tới gần tấn công thì trường đao của y sẽ mất hết tác dụng, hữu chưởng tấn công vào nách phải của y tất nhiên y chỉ còn cách nhảy lùi về phía sau.

Nghĩ tới đây tinh thần liền phấn chấn, Lương Sơn thét lớn một tiếng xông thẳng tới phía trước khom người uốn lưng giương năm ngón tay ra nhanh nhẹn chộp thẳng vào nách bên phải của đối phương tức thì. Đô Đạt không ngờ Trần Lương Sơn không thoái mà lại tiến, xông tới điểm vào huyệt đạo ở nách mình như vậy kinh ngạc vô cùng, nhưng không sao thâu đao lại kịp. Y vội lách sang bên trái né tránh tức thì.

Chỉ nghe tiếng “xoẹt” một tiếng một khoảng áo trước ngực y đã bị hữu chưởng của Trần Lương Sơn chộp trúng, rách toang ra một lỗ lớn.

Chiêu thức mạo hiểm tấn công này ra ngoài dự liệu của mọi người.

Đến khi quần hùng thấy Đô Đạt không sao thâu thế lại kịp rồi áo bị chộp rách một lỗ lớn, đều reo hò cổ vũ inh ỏi.

Tên võ sĩ Đại Thực quốc biết đôi chút tiếng Hán sắc mặt bỗng nhiên nghiêm trọng hẳn, nhíu mày lại suy nghĩ, cả tên Khuất Vỹ Hồ cũng lấy làm kinh ngạc thầm. Vì chiêu thức mạo hiểm của đối phương vừa rồi về võ công cùng hỏa hầu thì không có gì đáng nói, nhưng điều quan trọng là ở sự trấn tĩnh và ứng biến mau lẹ, ngộ hiểm không hề rối trí. Cứ xem tình thế của Trần Lương Sơn hồi nãy, trường kiếm bị chặt gãy làm hai lần, và lúc ấy trông y đã có vẻ thất sắc, chân tay luống cuống, mà tại sao lúc này bỗng dưng lại trấn tĩnh một cách bất ngờ như vậy?

Lúc ấy mọi người đã nghe thấy Lý Toàn ở dưới đài lớn tiếng đếm :

- Chiêu thức nhất.

Tiếp theo đó, liền có những tiếng ồn ào bàn tán của qu

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện