Phế Đô

Chương 30



Đến mười giờ mười lăm phút, cuối cùng thì Đường Uyển Nhi đã đến, đứng ở cửa khẽ gọi một tiếng "Liễu Nguyệt!" miệng cười nhăn nhở để lộ hàm răng nhỏ trắng muốt, Liễu Nguyệt đang giặt quần áo, hai tay bám đầy bọt xà phòng, ngẩng lên nhìn, lại là kiểu tóc búi, mặc bộ váy áo màu tím rộng thùng thình, liền nghĩ bụng: "Bọn họ dấm dúi với nhau thật rồi", lòng đầy ghen tuông nhưng lại cười hỏi:

- Chị Uyển Nhi có việc gì đi mải móng thế, cổ đầy mồ hôi thế kia! Chị cả đi vắng. Thầy giáo Điệp ở phòng sách, chị mau mau vào đi.

Đường Uyển Nhi nói:

- Cô Thanh đi vắng à? Chị cứ tưởng cô Thanh ở nhà mới đến chơi nói chuyện.

Liễu Nguyệt nói:

- Chị cả viêm tai giữa, đã nặng tai, nói chuyện với chị ấy phải nói to, chuyện thủ thỉ tâm tình tri kỷ không nói được, nói chuyện vất vả lắm!

Nói rồi đưa mắt nhìn vào áo ngực Đường Uyển Nhi cao phồng hẳn lên liền bước tới nắm vào chỗ ấy hỏi:

- Chà, màu váy áo này đẹp quá, chị mua ở đâu vậy?

Nói rồi kéo xem váy áo, tay đã nắm chặt nụ hoa trong áo, Đường Uyển Nhi đau quá thụi luôn một quả, hai người đang ồn ào thì Trang Chi Điệp từ phòng sách đi ra hỏi thăm Đường Uyển Nhi, rồi ngồi xuống nói dông dài toàn chuyện nhạt thếch. Trang Chi Điệp nói:

- Hôm nay ở đây ăn cơm nhé? Cô Thanh của em vẫn ca cẩm ở bên ấy em chẳng có việc gì làm, gọi em sang bên này ăn cơm.

Đường Uyển Nhi đáp:

- Em không ăn đâu, ở nhà em có đủ mọi thứ.

Trang Chi Điệp bảo:

- Không bắt em trả tiền đâu, Liễu Nguyệt này, em ra chợ mua một ít thịt và hành hẹ, trưa nay gói bánh sủi cảo ăn nhé.

Liễu Nguyệt đáp:

- Em cũng đang định đi chợ đây.

Nói rồi xách làn đi ra cổng. Liễu Nguyệt vừa kéo cửa thì Đường Uyển Nhi liền xà vào lòng Trang Chi Điệp, mắt lại rơm rớm. Trang Chi Điệp hỏi:

- Em lại khóc đấy à? Em không được khóc.

Đường Uyển Nhi nói:

- Em nhớ anh quá, không đợi được ba ngày đâu.

Hai người ôm nhau, hôn nhau cuồng nhiệt. Trang Chi Điệp hất hàm về phía buồng ngủ ở đàng kia, Đường Uyển Nhi hiểu ý, hai người bỏ nhau ra.

Trang Chi Điệp ngó qua khe cửa nhìn vào buồng mẹ vợ, thấy bà già lại đang ngủ liền khe khẽ khép kín cửa, rồi bước vào phòng sách trước. Đường Uyển Nhi cũng rón rén bước theo luôn, cửa phòng sách từ từ đóng lại, không phát ra tiếng động, chị ta liền dừng tại chỗ và tụt thật nhanh.

Mồm lại đấu luôn vào mồm, Đường Uyển Nhi đạp chân rướn thẳng người, nào ngờ "ái chà" kêu lên một tiếng, ngã dúi lên người Đường Uyển Nhi.

Đường Uyển Nhi hỏi:

- Sao thế?

Trang Chi Điệp đáp:

- Cái chân bị trẹo đau một chút.

Đường Uyển Nhi bảo:

- Anh không được đạp mạnh đấy!

Trang Chi Điệp nói:

- Không sao!

Lại định đứng tiếp, Đường Uyển Nhi bảo:

- Vậy để em tiếp sức cho.

Nói rồi đứng dậy bảo Trang Chi Điệp ngồi vào ghế (tác giả cắt đi hai mươi lăm chữ)

Trang Chi Điệp giục rối rít:

- Nhanh nhanh mặc vào, có lẽ Liễu Nguyệt sắp về đấy!

Đường Uyển Nhi liền mặc áo váy, chải đầu, lau mồ hôi, hỏi môi son còn đỏ không. Đương nhiên làm gì còn môi son. Trang Chi Điệp đã ăn hết sạch rồi. Trang Chi Điệp liền đưa son môi cho Đường Uyển Nhi bôi lại. Cuối cùng Đường Uyển Nhi cứ mặc kệ, để cho Trang Chi Điệp viết tuỳ thích, chỉ soi gương bôi phấn ở phía trên. Khi Trang Chi Điệp viết xong, Đường Uyển Nhi cúi xuống nhìn. Quả nhiên ở đó có ba chữ, đọc thành tiếng: Vô ưu đường (ngôi nhà không lo buồn), liền bảo:

- Đây là phòng sách cơ chứ?

Trang Chi Điệp nói:

- Vậy thì lúc nào anh lấy bút lông viết, dán vào buồng của em.

Đường Uyển Nhi bảo:

- Con người lạ thật đấy, sinh ra cái đầu, cái đầu buồn phiền, lại sinh ra cái khác để gạt bỏ buồn phiền!

Trang Chi Điệp nói:

- Nếu không có em, quả thật anh không biết nên sống như thế nào nữa.

Đường Uyển Nhi hỏi:

- Vậy sao anh không lấy em nhanh nhanh lên?

Trang Chi Điệp nghe vậy liền gục đầu xuống, trông khổ sở lắm. Đường Uyển Nhi bảo:

- Thôi không nói đến chuyện ấy nữa, nhắc đến lại rầu lòng, cho dù sau này không lấy nhau, em cũng thoả mãn rồi. Đời em đây, cuối cùng đã được anh thương yêu, yêu người và được người yêu là hạnh phúc rồi, phải không nào?

Trang Chi Điệp nói:

- Đúng như vậy, nhưng anh còn định nói với em: em cứ chờ đợi anh, nhất định chờ đợi anh.

Hai người trở lại phòng khách, ngồi nói chuyện một lúc nữa, thì Liễu Nguyệt về, vội đi băm nhân gói bánh. Đường Uyển Nhi xem đồng hồ kêu lên:

- Ái chà, muộn rồi, em phải về thôi, còn phải nấu cơm cho Chu Mẫn, ba hôm nay ngày nào anh ấy cũng đi tìm thư ký trưởng, vẫn chưa tìm được. Hôm nay anh ấy bảo không tìm thấy ở cơ quan, thì đến nhà riêng, cứ ngồi ở cửa chờ cho bằng được.

Nói rồi định về thật. Trang Chi Điệp nói:

- Em về thật thì anh cũng không giữ. Em chẳng phải muốn xem sách hay sao, em quên lấy sách à?

Nói rồi cùng Đường Uyển Nhi đi vào phòng sách. Liễu Nguyệt đang ở bếp chợt nghĩ "đừng lấy quyển sách cô đang đọc", liền bỏ dao băm nhân bánh đến xem, nhưng thấy cửa phòng sách mở có một nửa, rèm cửa thì buông, dưới rèm ấy là hai đôi chân song song, đôi chân đi gìay cao gót đang giẫm lên trên đôi chân đi giày thường, liền vội vàng né người quay về nhà bếp. Sau đó nghe thấy Đường Uyển Nhi nói:

- Liễu Nguyệt ơi, chị về nhé!

Liễu Nguyệt nhìn Đường Uyển Nhi đi về cũng không ra tiễn. Trang Chi Điệp tiễn Đường Uyển Nhi về rồi liền trở vào xuống ngay bếp giúp dọn lá rau nhặt ra, hỏi Liễu Nguyệt giá thịt bao nhiêu. Liễu Nguyệt không trả lời, cứ băm thịt nhân bánh phăm phăm trên thớt. Trang Chi Điệp nhắc một câu:

- Em cẩn thận không băm vào tay.

Đoán cô ta đã biết chuyện gì, nghĩ bụng cho dù cô ta đã biết thì cũng không làm ầm lên đâu, liền thôi so đo, chợt cảm thấy người mỏi mệt, liền trở về buồng ngủ.

Liễu Nguyệt băm xong nhân bánh, nghĩ bụng mình đã có lòng với chủ nhà, chủ nhà cũng đã từng nói với mình biết bao nhiêu lời thân thiết, song trái tim lại để lên trên người Đường Uyển Nhi, liền cảm thấy buồn, nhưng lại nghĩ chủ nhà yêu được Đường Uyển Nhi thì cũng sẽ yêu được mình, cũng cảm thấy hay là mình coi trọng mình quá chăng, nghĩ ngợi nhiều quá, đã từng từ chối anh ta, mới làm cho con mụ Đường Uyển Nhi đi trước một bước cuỗm mất tay trên chăng? Thế là chỉ trút tức giận về phía Đường Uyển Nhi, mắng thầm:

- Không biết xấu hổ, làm cái trò con mèo còn biết nhớ đến chuyện nấu cơm cho Chu Mẫn ư?

Liễu Nguyệt định đi tới nói với Trang Chi Điệp chuyện gì đó, song thấy Trang Chi Điệp dã đi ngủ, liền phỏng đoán, khi mình đi chợ, bọn họ đã làm chuyện gì trong phòng sách nhỉ? Nếu có chứng cớ gì sè phải mách chị cả mới được! Liễu Nguyệt liền đi vào phòng sách xem xem ngó ngó, nhưng không có dấu hiệu gì, song lại phát hiện có ba tờ giấy nháp trên bàn, đó là một bức thư tình, đầu đề là "A Hiền thân yêu", ký tên là "Mai của anh yêu". Liễu Nguyệt liền hư hư cười nhạt, lại còn hẹn nhau thư từ đi lại nữa cơ chứ! Bức thư này chưa gởi đi thì người đã tới rồi, chắc là lại đưa cho anh ta xem chăng? Nghiên cứu một lúc hàm của tên chữ họ sử dụng ngấm ngầm, nhưng vẫn không tìm ra được cái gì, liền thả từng tờ thư xuống nền nhà, làm như bị gió thổi bay, quay ra đóng kín cửa phòng sách.

Ngưu Nguyệt Thanh đi làm về, bảo Liễu Nguyệt gọi Trang Chi Điệp dậy ăn cơm. Liễu Nguyệt nói:

- Chị cả ơi, có lẽ thầy giáo viết say sưa quá trong phòng sách quên cả thời gian, chị đi gọi thì hơn!

Ngưu Nguyệt Thanh vào phòng sách, thấy không có người, liền bảo, sao không đóng cửa sổ, giấy viết bản thảo bay khắp ra nền nhà thế này?

Nhặt lên xem, thì không đi được nữa, liền ngồi xuống đọc bằng xong. Liễu Nguyệt chạy vào gọi:

- Chị cả ơi, ra ăn cơm đi, sao chị ngồi mãi ở đấy vậy? Sắc mặt chị làm sao thế kia?

Ngưu Nguyệt Thanh hỏ:

- Liễu Nguyệt ơi, hôm nay em nhận thư của ai vậy?

Liễu Nguyệt đáp:

- Không có thư nào, chỉ có chị Đường Uyển Nhi đến thôi. Có chuyện gì hả chị?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Không có chuyện gì, chị chỉ hỏi vậy thôi.

Nói rồi, đút bức thư vào túi, đi ra ăn cơm. Liễu Nguyệt vào buồng gọi Trang Chi Điệp, rồi lại gọi bà già xuống ăn cơm. Trang Chi Điệp đi ra thấy Ngưu Nguyệt Thanh đã ăn cơm, liền hỏi:

- Mẹ chưa ăn, em đã ăn trước à?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Mẹ còn ăn cái gì, chưa chừng sắp tới đây mẹ phải đi ăn mày!

Trang Chi Điệp bảo:

- Em đi ra ngoài có chuyện bực mình, đừng về nhà trút lên đầu chúng tôi.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Em trút giận lên ai? Em còn có người để trút giận lên à?

Trang Chi Điệp thấy vợ càng nói càng chẳng ra làm sao, liền sa sầm nét mặt bảo:

- Tâm thần!

Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, đặt cái bát đánh cạch một cái xuống bàn, quay người đi vào buồng ngủ, khóc hu hu. Bà già đi ra, hỏi Liễu Nguyệt:

- Cô làm gì chị ấy thế?

Liễu Nguyệt đáp:

- Cháu có làm gì chị ấy đâu ạ?

Bà già liền mắng:

- Không ai làm gì chị, chị khóc cái gì? Chị có chuyện gì ấm ức trong lòng cơ chứ? Cái nhà này ai không nói hay, nói đi nói lại, chẳng phải không có một đứa con đó sao? Không có con, thì chị kết nghĩa của chị đã đồng ý đẻ cho mình một đứa mà nuôi rồi, biết đâu đã có thai rồi cũng nên, có mầm mống rồi còn sợ không lớn được sao? Trẻ con cứ đem ra là nó khắc lớn. bây giờ ra ngoài, chị phải tạo dư luận dần dần đi, cứ bảo là mình đã thụ thai, đến lúc đấy đánh tráo đi ai biết cơ chứ!

Trang Chi Điệp nói:

- Mẹ ơi, đừng nói chuyện ấy nữa!

Bà mẹ hỏi:

- Không phải chuyện đứa con thì chị ấy khóc cái gì? nhà này ăn có cái ăn, mặc có cái mặc, có thiếu đồ đạc gì đâu, danh phận gì cũng có cả. Đi ra ngoài, ngay đến bà già này người ta ai ai cũng nhìn bằng con mắt khác! Hay Chi Điệp đối xử với chị không tốt hả? Chị còn trẻ hơ hớ ra thế, anh ấy đã thuê người giúp việc trong nhà, chợ búa rau cỏ chị không phải đi mua, quần áo chị không phải giặt giũ, cơm nước cũng không phải nấu, chị còn đòi khóc cái gì nữa được, hả?

Ở trong buồng ngủ, Ngưu Nguyệt Thanh đã nghe rõ cả, chị nói:

- Đối xử với tôi tốt ư? Tốt lắm, tốt vô cùng! Tôi vất vả lận đận vì cái gia đình này, có việc nào không chăm nom người ta cơ chứ, ai ngờ một bầu nhiệt huyết sưởi ấm được thân người ta, chứ đâu sưởi ấm được lòng người ta

Trang Chi Điệp nói:

- Em làm sao thế, rặt nói những chuyện bố láo.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi lại:

- Tôi nói chuyện bố láo ư, thế nào thì trong lòng anh tự biết!

Bà già nói:

- Ta hiểu rồi, chị là kẻ sống trong sung sướng mà không biết sung sướng, chị đối xử tốt với Chi Điệp, Chi Điệp không biết hay sao, anh ấy chỉ vụng về ít nói, không biết ngọt ngào với chị!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh ấy nói hết với người khác rồi, về nhà còn đâu mà nói nữa.

Bà mẹ bảo:

- Chị đừng nói thế mà tội nghiệp cho anh ấy. Tôi chứng kiến cả mà. Chi Điệp cũng vất vả lắm, suốt ngày khách đến phải tiếp, khách đi một cái là lại cặm cụi viết, viết chẳng phải để kiếm tiền, kiếm danh cho chị ư? Chân đau như thế, nếu là người khác, thì đã nằm khểnh ra từ lâu rồi, đàng này anh ấy cứ ngồi lì trong phòng sách hàng buổi.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Viết mà, đương nhiên là viết. Anh ấy đâu có mệt? Càng viết càng hăng hái!

Nói rồi khóc bù lu bù loa. Trang Chi Điệp điên tiết bỏ cả cơm nằm vật xuống ghế xa lông. Liễu Nguyệt bưng bát cơm vào buồng ngủ kéo Ngưu Nguyệt Thanh, Ngưu Nguyệt Thanh không ăn, lại đến kéo Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp nghĩ, chắc chắn Liễu Nguyệt tiết lộ điều gì, liền quát tướng lên:

- Không ăn! Tức no bụng lên rồi, cô đi mà ăn một mình đi!

Liễu Nguyệt nghẹn ứ cổ cũng vào buồng bà ngồi sụt sịt.

Như vậy là cả buổi chiều và buổi tối, người già người trẻ trong gia đình không ai nói chuyện với ai. Hôm sau thức dậy, Trang Chi Điệp nhớ tới đi đến chỗ Lan, liền vào phòng sách lấy bức thư kia, song tìm mãi không thấy bèn ra hỏi Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt bảo không biết. Ngưu Nguyệt Thanh đầu tóc rối tung từ buồng ngủ bước ra, cười nhạt bảo:

- Cả đêm nghĩ xong rồi chứ?

Trang Chi Điệp nói:

- Nghĩ rồi, nghĩ tức cả đêm thì có!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Đương nhiên hận tôi, anh A Hiền ạ!

Liễu Nguyệt hỏi:

- A Hiền, A Hiền là ai cơ?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Thầy giáo của em có nhiều bút danh, em không biết à? Ngoài bút danh còn có người đặt tên cho thầy giáo em nữa đấy. A Hiền nghe mới ngọt ngào làm sao!

Liễu Nguyệt liền bảo:

- Thầy giáo Điệp, thầy giáo còn có tên này nữa sao?

Trang Chi Điệp nghe nói vậy, biết rõ bức thư kia đang ở trong tay Ngưu Nguyệt Thanh, đã biết tại sao sinh sự, liền bình tĩnh lại, song đã mượn gió bẻ măng, hỏi:

- Em xem thư đó rồi ư?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh định bí mật liên hệ, thì anh phải lo giữ gìn cẩn thận, anh biết em đã cầm bức thư, vậy em hỏi anh người bạn học kia của anh là ai? Bắt mối với người ta từ bao giờ? Trong bốn năm, những bức thư anh viết cho người ta đã viết những gì nào? Có một cô Cảnh Tuyết Ấm đã làm ầm ĩ cả thành phố rồi nào ngờ còn một em "Mai" nữa. "Mai" là ai vậy?

Trang Chi Điệp nói:

- Em khe khẽ cái mồm có được không nào? Để cho hàng xóm láng giềng người ta đều biết đấy hả?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Cứ để cho họ biết, danh nhân ra ngoài được người coi như thần, ai ngờ lại là đàn ông trộm cắp đàn bà đánh đĩ.

Liễu Nguyệt nói:

- Chị cả ơi, trên báo chí đều viết, anh chị hôn nhân mĩ mãn, tình yêu sâu nặng, chị đừng hiểu lầm thầy giáo.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Hừ, tình yêu sâu nặng. Tình yêu đã khiến chị thành con mù!

Trang Chi Điệp chờ vợ nói cho hả giận, mới nói một câu:

- Bây giờ em nghe đây, A Hiền không phải là bút danh của anh, cũng chẳng phải người khác gọi yêu anh. A Hiền là tên cúng cơm, tên mụ của Chung Duy Hiền, toà soạn tạp chí. Mai là ai ư? Mai là bạn học gái của Chung Duy Hiền, họ yêu nhau từ thời còn sinh viên.

Và cứ thế Trang Chi Điệp kể lại quá trình đã từng trải và tình hình hiện nay của ông tổng biên tập Chung Duy Hiền, lại kể gặp A Lan ở chỗ chủ nhiệm Vương như thể nào, cuối cùng nói:

- Bởi cơn sóng gió của bài văn kia, tổng biên tập Chung Duy Hiền quả thật đã đối xử với mình rất sâu nặng, anh cũng đồng tình với ông ấy, thông cảm với ông ấy, mới đột nhiên nảy ra một ý định tại sao không an ủi ông ấy một chút tinh thần trong những năm cuối đời, liền lấy giọng mai thay đổi thể chữ viết thư cho ông Hiền. Nhưng thư không thể gửi từ bưu điện Tây Kinh, nên định nhờ A Lan gửi cho chị gái cô ấy, rồi từ chỗ chị gái cô ấy gửi đến Tây Kinh. Sự việc là như vậy, nếu em không tin cứ hỏi Chu Mẫn sẽ biết.

Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt nghe vậy cứ ngồi đực mặt ra, nhưng lại có phần nào nghe như chuyện thần thoại. Liễu Nguyệt nói:

- Chị cả ơi, như vậy là thầy giáo đã kéo dây cao su thay cho người khác.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Đương nhiên em phải hỏi Chu Mẫn chuyện này, cho dù vì tổng biên tập Chung Duy Hiền, nhưng anh viết được ngọt ngào lai láng như vậy, chứng tỏ nhất định anh đã từng có tâm tình như vậy mới vấn đề được như thế chứ?

Trang Chi Điệp đáp:

- Anh là nhà văn, một tí chút tâm lý cỏn con ấy cũng không có, thì làm nhà văn cái gì?

Ngưu Nguyệt Thanh liền trả bức thư cho Trang Chi Điệp và bảo:

- Không có chuyện thì tốt, vậy anh chột dạ cái gì? khi em tức giận, sao sắc mặt anh tái mét đi như vậy, cũng không đếm xỉa gì đến người ta. Bây giờ nói ra rồi, xét đến thật giả như thế nào, em cũng không dám chắc, cho dù có giả thì anh cũng khéo cho tròn trịa để dỗ dành em chứ gì, đàn bà con gái nhẹ dạ cả tin, không chịu nổi vài câu dỗ dành của anh đâu mà?

Trang Chi Điệp nói:

- Sao em nhìn thấy bức thư này?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Liễu Nguyệt bảo em vào phòng sách, thư rơi tứ tung ra nền nhà.

Trang Chi Điệp bảo:

- Anh đè cái thước chắn giấy lên cơ mà, có gió thốc vào đó cũng không thể bay xuống đất được.

Liễu Nguyệt được thể nói luôn:

- Em đã nhìn thấy, sợ anh phạm sai lầm, đã cố ý thả xuống đất để chị cả nhìn thấy.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Liễu Nguyệt làm thế là đúng, từ nay về sau có chuyện gì em cứ nói với chị.

Trang Chi Điệp liền điên tiết lên, bảo:

- Em định làm gián điệp hả?

Đến lúc này Liễu Nguyệt mới tỏ ra hối hận mình đã nhanh nhảu đoảng, đã nói ra những điều không nên nói, liền yêu cầu để mình đưa đến chỗ Lan. Nhưng Ngưu Nguyệt Thanh bảo, chị đi làm tiện đường sẽ đem theo.

Suốt buổi sáng, Trang Chi Điệp tức giận Liễu Nguyệt, cứ lầm lì với cô ta. Liễu Nguyệt nhận điện thoại thì chê giọng Liễu Nguyệt sống sượng. Liễu Nguyệt nói:

- Anh chả bảo điện thoại buổi sáng nhất lọat không nhận là gì!

Trang Chi Điệp đáp:

- Thì cô cũng phải hỏi xem ai đã chứ, có việc gì? Cứ cầm ống nghe lên là đánh một câu "đi vắng". Cô bực tức với người ta đấy à?

Có người gõ cửa, Liễu Nguyệt dẫn người vào, đó là ba nhà văn nghiệp dư đến nhờ Trang Chi Điệp hướng dẫn nghiệp vụ. Bọn họ toàn hỏi:

- Thưa thầy giáo, xinh thầy giáo hướng dẫn cho bọn em viết tiểu thuyết như thế nào?

Trang Chi Điệp đáp:

- Nói thế nào chuyện này nhỉ? Các cậu cứ viết nhiều rồi khắc biết.

Một cậu nói:

- Thầy giáo cứ nói vậy, chứ nhất định thầy giáo có bí quyết.

Trang Chi Điệp nói:

- Không có thật mà!

Ba người khách chẳng chịu tin cho. Cứ nhùng nhằng như thế một tiếng đồng hồ, ba anh chàng kia mới ngượng ngập ra về. Ba người với đi khỏi, Trang Chi Điệp liền cự nự Liễu Nguyệt tại sao không nói tôi đi vắng để bọn họ làm mất thì giờ!

Liễu Nguyệt đáp:

- Em đâu có biết họ là những kẻ vô công rồi nghề!

Oan uổng tới mức Liễu Nguyệt vào bếp lau nước mắt. Khoảng một lúc khá lâu, lại có tiếng gõ cửa, mở cửa ra là Chu Mẫn. Liễu Nguyệt bảo:

- Thầy giáo không có nhà!

Ở phòng sách Trang Chi Điệp đã nghe thấy, liền bảo:

- Có ở nhà đấy, vào trong này.

Chu Mẫn liền trách Liễu Nguyệt nói dối. Liễu Nguyệt lại được một mẻ nước mắt nước mũi nữa. Chu Mẫn vừa bước vào phòng sách đã tố khổ với Trang Chi Điệp, đưa trả lại bức thư kia. Anh kể lể, anh đã đi liền ba ngày, cả ba ngày không tìm được thư ký trưởng. Sáng hôm nay đến nhà ông ta mới biết ông ta đang họp hành gì đó ở khách sạn Chim Xanh. Anh lại tìm đến khác sạn Chim Xanh, quả nhiên đang có cuộc họp ở đó, thư ký trưởng đang ngồi ở ghế chủ toạ hội nghị. Chu Mẫn không dám nhờ người gọi, cứ chờ ở cửa, thế nào thư ký trưởng cũng phải có lúc đi tiểu tiện đại tiện chứ. Chờ suốt hai tiếng đồng hồ, quả nhiên thư ký trưởng đi ra nhà vệ sinh. Chu Mẫn cũng bám theo đi vào. Thư ký trưởng đi đại tiện, Chu Mẫn cũng giả vờ ngồi đại tiện ngay chỗ bô bên cạnh thư ký trưởng. Anh không biết nên nói thế nào, ấp úng một lúc, hỏi:

- Ông là thư ký trưởng phải không ạ?

Thư ký trưởng đáp:

- Ừ!

Chu Mẫn bảo:

- Em đã từng gặp ông, thưa ông thư ký trưởng.

Thư ký trưởng đáp:

- Ừ!

Chu Mẫn lại hỏi:

- Thư ký trưởng gặp hổ bao giờ chưa?

Thư ký trưởng đáp:

- Chưa.

Chu Mẫn bảo:

- Em cũng chưa.

Thư ký trưởng liền chùi đít, đứng dậy thắt xanh tuya định đi. Chu Mẫn gọi:

- Thưa thư ký trưởng, em có việc muốn nói với ông.

Thư ký trưởng hỏi:

- Cậu là ai? Mình không biết.

Chu Mẫn đáp:

- Ông không biết em đâu mà, em có một bức thư này, xem xong ông sẽ biết.

Một tay thư ký còn đang kéo đũng quần, một tay cầm thư xem, xem xong liền đưa lại trả và hỏi:

- Gần đây nhà văn làm gì?

Chu Mẫn đáp:

- Sáng tác ạ.

Thư ký trưởng bảo:

- Sáng tác là tốt, nhà văn là phải sáng tác chứ.

Chu Mẫn nói:

- Thầy giáo Điệp ngoài sáng tác ra, chỉ có sáng tác.

Thư ký trưởng nói:

- Ai cũng bảo thế. Mình cũng cho thế thật, nào ngờ anh ta cũng quan tâm đến chính trị cơ chứ!

Chu Mẫn đáp:

- Thầy Điệp là nhà văn, không hiểu chuyện chính trị đâu ạ!

Thư ký trưởng hỏi:

- Thật không? Chẳng phải anh ta suốt cả đêm đi đến toà báo để đăng bài đó ư? Cậu là bạn của anh ta, cậu vền nói với anh ta, đừng có làm cây súng để người ta bắn nhé, có ba mươi năm Hà Đông, thì cũng có ba mươi năm Hà Tây, người khác thì có thể, không được thì ra đi, chứ anh ta thì ăn ở lâu dài ở Tây Kinh đấy!

Thế là hai người đi ra, thư ký trưởng chẳng hề nhắc tới chuyện thầy giáo giúp một chữ nào. Chu Mẫn hỏi:

- Thế còn việc nói với ông phó chủ tịch phụ trách văn hoá?

Thư ký trưởng đáp:

- Việc này chẳng phải bắt mình phạm sai lầm đi cửa sau đó sao?

Trang Chi Điệp nghe xong, như bị giáng một đòn, choáng váng, liền xé nát bức thư, cất tiếng chửi:

- Mẹ kiếp! Lãnh đạo cái gì! Mình đâu có thể không đi toà soạn báo cơ chứ? Đi thì lại mất lòng chủ nhiệm Hội đồng nhân dân! Đâu có ngờ mạng lưới lại giăng rộng đến thế, đả động đến cả chỗ ông ta? Mình tại sao lại làm chính trị ư? Nếu định làm chính trị, thì thằng này cũng không thèm ăn cái trò của ông ta. Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, ông ta làm chủ nhiệm Hội đồng nhân dân sao không ở vị trí của ông ta đi? Tay thư ký thuộc dây của ông ta mà. Chủ đổ rồi, có giỏi thì đi chọi với thị trưởng, hắt nước bẩn vào ta, thì làm cái quái gì? Mình không muốn làm quan, mình làm nhà văn của mình, dựa vào viết văn để sinh sống, cứ giỏi bẻ gãy bút của mình đi!

Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, Trang Chi Điệp đẩy mạnh cái gạt tàn thuốc lá trên bàn, cái gạt tàn thuốc lá trượt nhanh trên mặt kính, rơi xuống, đập luôn vào lọ hoa để dưới giá sách, lọ hoa vỡ tan, rớt loảng xoảng trên nền nhà. Bà mẹ vợ ở bên kia nghe thấy chạy sang, cứ tưởng con rể đánh nhau với Chu Mẫn, liền cất gọng quở trách. Chu Mẫn không tiện giải thích, im lặng đi ra. Liễu Nguyệt liền vội đi thu dọn những mảnh lọ vỡ và bảo:

- Anh đừng nổi giận đùng đùng lên thế, bà cứ ngỡ là Chu Mẫn sai cơ đấy. Anh ấy đang khóc ở phòng khách kia kìa.

Trang Chi Điệp nói:

- Việc gì đến cô, cô cứ lắm mồm?

Liễu Nguyệt vừa bước ra khỏi, cửa phòng liền đóng sầm một cái.

Chu Mẫn ngồi trong phòng khách khóc một trận, nghĩ thế nào rồi lại đi vào an ủi Trang Chi Điệp. Nhưng cửa đóng kín, anh liền gọi:

- Thầy giáo Điệp, mở cửa ra, mình lại thử bàn xem làm thế nào?

Trang Chi Điệp nói:

- Mình tức không chịu nổi nữa, thư ký trưởng, hắn là cái quái gì cơ chứ! Mình sẽ viết cho thị trưởng một bản tài liệu!

Chu Mẫn giục:

- Thế thi thầy viết thư cho ông phó chủ tịch tỉnh đi, em lại đi tìm.

Trang Chi Điệp nói:

- Không tìm, chẳng phải tìm ai cả, để họ chỉ thị xuống dưới! Cậu sợ cái gì, tôi tổn thất hơn cậu nhiều.

Chu Mẫn không dám nói nhiều, ngồi một lát, rồi cúi đầu buồn bã ra về.

Tối hôm đó Ngưu Nguyệt Thanh đi làm về, thấy mẹ đốt hương trong buồng ngủ của chị, Liễu Nguyệt thì xậm xịt trong phòng khách. Trang Chi Điệp thì mở băng nhạc đám ma trong phòng sách, lại đóng cửa gọi không ra, liền hỏi Liễu Nguyệt có chuyện gì xảy ra. Liễu Nguyệt kể lại ngọn ngành. Ngưu Nguyệt Thanh lại gõ cửa, cửa đã mở ra, Ngưu Nguyệt Thanh liền trách móc việc lớn như thế mà tại sao chị không biết gì hết. Nhà văn thì nhà văn, thị trưởng bảo đi toà soạn báo thì mình đi! Nhà chính trị làm âm mưu quỷ kế của nhà chính trị, mình được cái gì nào? Lại oán hận tại sao đối phương biết chuyện này? Hay là thị trưởng bán rẻ mình, hay là Hoàng Đức Phúc bán rẻ mình? Cuối cùng chửi thư ký trưởng là đồ lợn, đồ chó, ăn súng ăn đạn, than thở sử đời kinh khủng, hễ sơ suất một tí là mất lòng người ta, mình là kẻ gánh sọt trứng, đi qua chợ, người không sợ mình chen, thì sợ người chen mình. Cứ chửi, lại chửi Cảnh Tuyết Ấm con đàn bà xấu xa, trách Trang Chi Điệp ra ngoài cứ bày đặt chuyện yêu mới chả yêu Cảnh Tuyết Ấm là để lấy tiếng thơm, bây giờ thì xong rồi, ăn chẳng nổi thì chuồn. Trang Chi Điệp đập bàn xa lông quát luôn:

- Em đừng nói nữa được không nào, em làm anh buồn chết mất thôi. Em định khuyên anh hay đưa cho anh sợi dây thừng để treo cổ hả?

Ngưu Nguyệt Thanh sợ quá nín thinh, xuống bếp nấu mì sợi tẩm ớt với Liễu Nguyệt. Chị biết chồng thích ăn mì sợi hơn cả. Ở ngõ Tế Liễu trong cửa Bắc thành phố, mấy năm gần đây cũng đã xuất hiện một nhà văn, người này còn trẻ nhưng dáng người thì già, làm công nhân trong buồng phân phối điện của một nhà máy. Lẽ ra buồng phân phối cứ cách một ngày thì có một ca trực đêm, cứ ba ngày thì có một ngày được nghỉ ở nhà, có đủ thời gian để buôn bán quanh quéo. Nhưng anh này thì say mê sáng tác. Tuy có những hơn mười bút danh, mà bút danh nào cũng mời người dùng đá ngọc hoa điền khắc dấu, bởi vì tác phẩm được đăng chả có mấy, nên người trong thành Tây Kinh biết đến anh không nhiều, chỉ có dân trong ngõ Tế Liễu biết đến. Người trong ngõ Tế Liễu mỗi lần đi qua dưới cửa sổ nhà anh, nhìn thấy anh ở trong nhà hí hoáy viết, vừa ho, vừa hút thuốc cuộn kén khét mù, liền trêu chọc anh, nói nhà văn thì ra là nhà ngồi. Mấy nước trước anh đã từng đến thăm học hỏi Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp cũng giới thiệu anh làm quen với biên tập của báo thành phố, đã đăng hai truyện ngắn cực ngắn. Từ đó cứ dăm bữa nửa tháng lại đến chỗ Trang Chi Điệp xin ý kiến chỉ bảo, hoặc hỏi thăm, hoặc chuyện trò. Nhưng từ đó, lâu lắm không có tác phẩm nào được đăng, nên cũng ngại đến làm mất thời giờ của Trang Chi Điệp. Trong một hai năm gần đây, có một con buôn sách tìm anh viết câu chuyện có chút gái gú bạo lực hấp dẫn, anh cũng đã viết hai truyện, hoàn toàn là để kiếm mấy trăm đồng, cảm thấy dã hạ thấp nhân cách của mình, trong lòng xấu hổ, liền không còn mặt mũi nào đến gặp Trang Chi Điệp nữa.

Anh có một người bà con từ thôn quê ra thành phố tìm việc làm, đầu tiên ngủ nhờ ở nhà anh, cứ trời tang tảng sáng là đạp xe xích lô đến chợ bán buôn rau xanh ở thôn Cát Tường phía Nam thành phố mua một xe rau tươi, chở vào thành phố bán lẻ cho các gia đình trong các ngõ phố, mõi ngày cũng kiếm được ba mươi đồng. Người họ hàng này thấy anh nghèo nàn, trong sạch, cũng khuyên anh cùng đi buôn rau, nhưng anh cứ tỉnh bơ. Người họ hàng đã kiếm được nhiều tiền, cũng làm quen được một số bạn, sau đó đã dọn đến đường Bắc Hoàn thuê một gian nhà cấp bốn để ở, ban ngày đi buôn rau, ban đêm chơi bài uống rượu với bạn bè, cũng vì có tiền đã đưa vợ con từ nhà quê ra thành phố chơi bời. Vợ nhà văn nọ nóng mắt lên, suốt ngày nọ sang ngày kia cứ mắng chồng xơi xới không làm nên trò trống gì. Một hôm người họ hàng kia ăn mặc gọn gàng sạch sẽ đến chơi, lại gặp đúng lúc chị vợ đang rày la cự nự chồng, liền nói đến chuyện ở đường Bắc Hoàn có một đơn vị mở hiệu chưng bánh bao, xưa nay luôn do người ở ngoài đến nhận thầu, mấy hôm trước, người nhận thầu nghỉ, hiện nay còn chỗ trống, anh có đồng ý làm thì làm. Người họ hàng bảo:

- Nếu bằng lòng thì tôi bảo vợ tôi giúp anh, coi như hai gia đình cùng làm tới một ngàn rưỡi cái một ngày. Mình không chưng nhiều, chỉ tám trăm đến một ngàn cái, thì mỗi tháng cũng kiếm được mỗi người một ngàn đồng lãi ròng.

Anh đáp:

- Ừ thì chưng, ở nhà bà xã ca cẩm có viết cũng chẳng được. Nhưng tôi chưa từng chưng bánh bao khi nào!

Người họ hàng đáp:

- Giấy phép kinh doanh có đủ, công việc này lại chẳng phải liên hệ nhiều với các ngành khác, mình chỉ có chưng bánh bao, ai ăn thì đến mua, bán hết là xong. Anh cứ cách một ngày lại đi làm ca đêm, anh cứ trực ca của anh, anh không biết chưng bánh, thì đã có vợ tôi và tôi, anh chỉ ngồi có mặt cũng được.

Thế là anh ôm chăn nệm đến ở cửa hàng tại đường Bắc Hoàn. Đi làm ở nhà máy cũng từ đấy trực tiếp đi luôn, trực ban xong lại về thẳng đường Bắc Hoàn, đã đi là mười ngày liền không về nhà.

Vợ anh thấy chồng quay đầu về chí thú làm ăn, ở nhà mừng lắm, chỉ mong từ đó bỏ văn chương đi buôn bán sẽ được sống cuộc sống của con người bình thường. Nhưng ngày thứ mười một, anh đạp xe xích lô về nhà, bó chăn nệm để trên xe xích lô, còn có cả bốn bao tải bánh bao. Anh bảo:

- Lỗ rồi.

Vợ anh hỏi:

- Sao lại lỗ, người ta đi buôn bán, buôn đâu được đấy, mình sao lại lỗ?

Anh đáp:

- Trong số mệnh người ta, đã làm cái gì, thì cứ làm cái ấy, anh định viết văn, em không cho viết chưa kể mười ngày qua vất vả khổ sở, năm trăm đồng bạc đổi lấy đống bánh này đây!

Thì ra, sau khi anh đến đường Bắc Hoàn, mới biết căn nhà mà người họ hàng thuê ở là một khu nhà của cửa hàng xe ngựa. Một dãy nhà cấp bốn dột nát cạnh chuồng ngựa chật ních những khách buôn than buôn rau. Hiệu chưng bánh ở chênh chếch đối diện với cửa hàng xe ngựa. Ngày đầu tiên khai trương, họ chưng bốn tạ bột mì. Bởi cho xút quá nhiều, bánh có màu vàng, lại không nở, con buôn đến không mua, dân phố ở chung quanh cũng không mua. Ngay hôm ấy lại chưng nồi hai, hoà hai tạ rưỡi bột mì, bánh bao không trắng mà còn rắn câng, ném chó chó không chết. Cũng loại bột mì ấy, lại cân đong tử tế, tại sao các cửa hàng khác người ta chưng ra bánh bao vừa trắng vừa mềm thế. Hỏi một sư phụ, mới biết trong việc chưng nấu bánh bao phải có kiến thức sâu rộng, phải trộn một lượng bột nở, bột giặt, phân hóa học nhất định, hơn nữa phải hun cả lưu huỳnh. Nhưng sư phụ bí mật không nói trộn bột nở bột giặt và phân hóa học như thế nào, hun lưu huỳnh ra làm sao, hun bao nhiêu thời gian. Tuy anh đã ngấm ngầm đi quan sát cách làm của cửa hàng bánh bao khác, trở về lại chưng nồi thứ ba, nhưng vợ của người họ hàng lại nhăn nhó, sáu tạ rưỡi bột mì làm thành bánh cần phải giải quyết, nếu không bán hết trong bốn ngày, thì tháng này không lấy được vốn về, huống hồ ai dám đảm bảo nồi thứ ba bánh sẽ tốt? Mấy người rao bán khắp nơi, chẳng ai thèm mua, ngày nào cũng chỉ có khách bán than, bán rau ở cửa hàng xe ngựa đến ăn, đâu có ăn được nhiều? Anh đề nghị xử lý hai hào nửa ký bánh cho một trại chăn nuôi lợn, vợ của người họ hàng kia tiếc rẻ, nước mắt chảy dài, nói:

- Nếu thế thì em không làm nữa. Mình chia đôi số bánh, em đem về quê phơi khô ăn dần.

Kết quả là anh quẳng đi năm trăm đồng lấy về bốn bao tải bánh bao. Bà xã lại chửi cho một trận. Thôi thì việc chửi cứ chửi, song cũng phải tìm cách giải quyết số bánh. Chị bảo: bánh này mùi còn tốt, chỉ có điều cái dáng không đẹp, bán cho trại lợn thì tiếc thật, để lại ăn thì ba người trong gia đình ăn đến bao giờ mới hết?

Chẳng thà cho họ hàng bạn bè mỗi nhà một ít cũng được cái tình cảm. Anh là nhà văn thường ngày giao du ơn thầy công anh nhiều. Ví dụ ông Sủng ở toà báo thành phố, cả cái ông Trang Chi Điệp nữa. Anh nhà văn nghiệp dư bảo:

- Có cái gì đáng giá đâu mà bảo đem biếu thầy giáo Trang Chi Điệp?

Nói rồi liền nhớ đến Nguyễn Tri Phi, biết Nguyễn Tri Phi vừa mới xây nhà tập thể cho đoàn ca múa, sao không đem bán rẻ cho bếp dân công ở đó? Liền đi liên hệ với Nguyễn Tri Phi. Nào ngờ nhà ở tập thể vừa khánh thành, dân công làm thuê đã phân tán hết. Nguyễn Tri Phi đã đồng tình với anh, liền gọi điện cho nhiều người quen, hỏi bếp đại táo của cơ quan họ có thể mua được không?

Vậy là gọi điện đến chỗ Ngưu Nguyệt Thanh làm việc. Ở nhà Ngưu Nguyệt Thanh thấy Trang Chi Điệp rầu rĩ tâm tư, đi làm việc rồi vẫn đang nghĩ cách làm vui lòng chồng thế nào đây. Nhận được điện thoại của Nguyễn Tri Phi, cũng thật là buồn cho người học trò này của Trang Chi Điệp, chị bảo:

- Bao nhiêu người đang mơ mộng văn học, cuộc sống đang tốt đẹp hẳn hoi, chẳng ra cuộc sống nữa. Anh cứ bảo cậu ta chiều nay đến đơn vị gặp tôi, bếp cơ quan tôi chắc chắn không dùng đâu nhưng tôi có thể mua hết số bánh bao ấy, anh khỏi cần nói cậu ta xử lý như thế nào, cứ báo bếp cơ quan chúng tôi cần mua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện