Quỷ Thủ

Chương 2: Những con người tương phản



Một bóng đen cao cao, mảnh khảnh xuất hiện trên con đường chính thông suốt thị trấn, tiến về một tửu quán màu đen nổi bật lên giữa quang cảnh tuyết trắng.

Đoạn đường tuy ngắn ngủi, nhưng thân trên người đó lắc lư loạng choạng mỗi khi một cơn gió đông thổi qua. Dấu chân in trên tuyết lại không đều, khoảng cách khi dài khi ngắn. Hai tay người đó nắm giữ cổ áo kéo lên che kín cả mũi cả miệng, trên đầu đội mũ bằng lông thú sụp xuống che kín cả tai. Cả khuôn mặt được trùm kín chỉ chừa cặp mắt mỏi mệt.

Sau lưng người đó u lên một khối, không biết có phải bị tật lưng gù về một bên hay không, nhưng trông rất tội nghiệp.

Một cơn gió đông lại rít đến bên tai thổi ào qua, muốn hất tung bóng người mảnh khảnh kia khỏi mặt đất.

Một vị khách qua đường thấy thương hại chạy lại định túm người đó giữ lại.

Với khoảng cách gần, và mục tiêu lại lớn, vị khách qua đường ngỡ mình sẽ chụp được bóng đen kia.

Nhưng ông ta chỉ suýt nữa chụp được...

Bóng đen đó như một bóng ma, loạng choạng nghiêng ngả như cố ý vuột khỏi tầm tay vị khách qua đường.

Khoảng cách giữa những dấu chân trên tuyết chợt dài ra, loạng choạng thêm mấy bước nữa đã biến mất sau lằn biên giới giữ trời và tuyết.

Vị khách qua đường ngớ người, đứng thừ ra giữa đường, miệng lẩm bẩm :

- Lạ thật, người như ma quỷ.

Bóng đen loạng choạng đó là Kế Dư, một cung thủ nổi tiếng trong đám người của Soái Phàm.

Một con người cẩn thận, quần áo lúc nào cũng sạch sẽ, cả thân thể tay chân của cũng được tắm rửa thường xuyên. Kế Dư còn là một người học thức, ăn nói nhỏ nhẹ, có tài cư xử đối với người xung quanh, và nhất là không thích đụng chạm thân thể. Cũng vì không thích chạm vào vị khách qua đường tốt bụng kia, Kế Dư mới loạng choạng chúi người cố lách tránh, và rồi lủi vào một bên đường tránh xa đám người qua lại, và cũng để tránh gió. Lão đưa mắt nhìn đăm đăm về đốm đen trước mặt tiến tới.

Tửu quán mà Kế Dư muốn đến nằm cuối con đường từ từ hiện to ra rõ mồn một trong tầm mắt.

Quán có cửa màu đen, đằng trước lại có treo lá cờ đen to lớn phất phới giữa màu tuyết trắng. Mới nhìn qua thì tưởng là nơi đó có tang, nên mọi thứ mới có màu đen, nhưng thật ra màu đen rất hữu dụng trong việc lôi cuốn khách qua đường. Từ xa đã thấy lá cờ đen bay phất phới giữa trời ngập tuyết trắng, tới gần thấy cảnh trang trí màu đen càng khiến khách tò mò muốn vào. Khi vào tới bên trong tiếp xúc với lão chủ tửu quán thì khách không muốn đi.

Lão chủ quán rất cởi mở, ai cũng có thể bắt chuyện được. Lão gặp ai cũng niềm nở giống như bằng hữu lâu ngày gặp lại, đến độ người có chuyện thầm kín bí mật cũng không giữ miệng được. Nhưng lão còn niềm nở hơn khi có người đặt bạc vào tay, tức thì bao nhiêu điều lão mắt thấy tai nghe đều được tuôn ra ào ào.

Tin tức có vào thì phải có ra, nhưng tiền vào thì khó chui ra, đó là lý thuyết làm ăn của lão chủ nhân tửu quán Hắc Kỳ.

Bình thường tửu quán này rất tấp nập người ra kẻ vào, nhưng lúc này thì lại vắng vẻ lạ thường. Có lẽ trong quán vừa mới xảy ra chuyện gì đó. Bên trong tửu quán thật hỗn độn, bừa bãi, bàn ghế bị đập gãy nằm rải rác.

Lão chủ quán mặt đỏ bừng, mắt đỏ ngầu, đang đứng hò hét người làm :

- Nhanh lên, nhanh lên. Lẹ tay lẹ chân một chút! Phải dọn cho sạch để mời khách vào. Thật là một ngày xui xẻo.

- Là do hắn gây ra à?

Một âm thanh trầm trầm, từ tốn vừa đủ nghe vang lên bên tai khiến lão chủ quán giật mình quay lại.

Trước mặt lão là một người dong dỏng cao, tóc điểm bạc, thân hình được trùm bởi chiếc áo khoác bằng da thú, khuông mặt trắng nhách như người bị bệnh lâu ngày, tay trái cầm mũ lông thú, tay phải đang thọc vào trong áo choàng. Tay phải của người đó cuối cùng cũng được rút ra, lưỡng lự tiến dần đến bàn tay thô kệch chai sạm của lão chủ quán. Người đó rùng mình, gắng gượng nhét một ít vàng vào trong lòng bàn tay của lão chủ khách điếm.

Vàng chạm tay người chứ tuyệt nhiên tay Kế Dư không chạm vào tay lão chủ quán.

Vẻ mặt giận dữ của lão chủ điếm chợt tan biến ngay tức khắc. Đối với lão chủ quán, không có một cảm giác nào ấm áp hơn là cảm giác khi vàng chạm vào da thịt. Cơn giận vì đồ đạc bị đập vỡ và khách khứa chạy hết đã giảm bớt đi phần nào, chỉ còn lại một cảm giác ngượng ngùng. Lão chủ khách điếm liếc nhìn người cung thủ đang chăm chú ngó hiện trường bị xáo trộn trước mặt.

Hai cái bàn dài bị đập gãy nát vụn, ghế chẳng còn là hình ghế mà chỉ là những mảnh gỗ nhỏ nằm rải rác. Cửa sổ cũng bị đập vỡ, vài khúc gỗ còn treo lủng lẳng. Một gã công sai nằm bất tỉnh nhân sự ngay dưới cửa sổ, còn có hai nạn nhân khác đang ngồi trước cửa. Thân thể họ bầm tím, máu ứa ra nhuộm đỏ cả áo.

Lão chủ quán là con người tinh tế, có thể nhìn hành động của con người mà phán đoán ra nội tình một cách nhanh chóng và chính xác. Lão biết người này là bằng hữu rất thân với kẻ vừa gây ra hỗn loạn nơi đây, Bách Hộ.

Bách Hộ to bè, bề ngang của hắn rộng quá, khiến khổ người trở thành vuông vắn, nhìn xa xa có vẻ cứ tưởng lùn có một khúc, chứ thật sự là một tên khổng lồ. Con người họ Bách hùng hục, dơ bẩn như một con trâu nước, nên thỉnh thoảng người ta vẫn gọi là Thiết Ngưu. Tính tình họ Bách thì khỏi nói, chỉ có hai chữ “thô lỗ” để diễn tả, và lúc nào cũng nốc rượu như uống nước lã để rồi có cớ để thô lỗ và hồ đồ thêm.

Hầu hết những kẻ làm ăn, lấy buôn bán làm nghề sinh sống đều không thích loại khách thô lỗ, uống say rồi đập phá quán. Có điều Bách Hộ tuy uống cạn rượu của tửu quán, nhưng vẫn có tiền trả. Như thế thì tửu quán đó đã lời to rồi.

Lão chủ khách điếm lắc đầu, nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao Kế Dư lại có thể làm bạn với một con người như thế được.

Kế Dư lập lại câu hỏi của mình :

- Là do hắn gây ra à?

Lão chủ khách điếm đáp :

- Không chỉ có nhiêu đó. Bọn ta đã quét dọn đi bớt phân nửa rồi.

Giọng Kế Dư trầm trầm đáp lại :

- Không có người nào chết thì tốt rồi!

Lão chủ khách điếm mỉm cười, cầm một hũ rượu, vẫy tay ra hiệu cho người cung thủ mặc áo xám đi tới chiếc bàn còn nguyên vẹn kế bên. Khi cả hai ngồi xuống, lão chủ quán nhìn thẳng vào mặt Kế Dư, một khuông mặt lạnh lùng trắng bệt như băng đá, nhưng lại lộ ra tất cả nét phong trần đầy kinh nghiệm đời người của cái tuổi hơn năm mươi.

Người cung thủ chớp hai con mắt mệt mỏi, gượng gạo nói :

- Bách Hộ vốn như một đứa con nít khi có chuyện không vừa ý xảy ra với hắn!

Lão chủ quán nói :

- Lão không biết câu chuyện bắt đầu từ đâu, chỉ thấy tên công sai bay vèo ngang không trung, rồi sau đó vật dụng trong đây bị đập vỡ nát hết.

Bỗng ngoài cửa có hai tên công sai đi vào, lặng lẽ khiêng gã công sai đang nằm bất tỉnh dưới cửa rổ ra ngoài.

Kế Dư nhìn cảnh đổ nát xung quanh rồi từ tốn nói một cách mơ hồ :

- Có lẽ hôm nay không có gì tốt lành xảy ra với hắn. Và cũng không phải là một ngày tốt lành cho chúng ta.

Họ Kế hớp một ngụm rượu, rồi đặt chén xuống bàn, lão chủ quán lại chuốc rượu đầy chén cho người cung thủ. Lão chủ quán nhếch môi cười chua xót nói :

- Lão phu nghe người ta đồn về việc giải tán. Dù sao đi nữa lão phu vẫn coi ngươi là bạn, cả Bách Hộ cũng vậy.

Lão ngưng lời, đưa mắt nhìn vào mái tóc điểm bạc của Kế Dư rồi nói tiếp :

- Có lẽ chuyện đánh đấm nên để cho bọn trẻ làm, còn như những người có tuổi như chúng ta thì nên về vườn cưới vợ, nuôi con.

Kế Dư hình như không để ý tới những lời lão chủ quán nói, lên tiếng hỏi :

- Bách Hộ đã đi về hướng nào?

- Lão không biết.

Kế Dư liền đứng dậy đi ra ngoài. Lão chủ quán vội giơ tay cản lại :

- Này ông bạn, đâu cần phải đi vội vàng như thế?

Kế Dư quay đầu đáp :

- Bạc đã vào tay, nhưng tin tức lão không có. Như vậy ta ở lại làm gì?

Lão chủ quán im lặng.

Kế Dư quay người cất bước tiếp tục hướng về phía cửa. Khi lão đi ngang qua hai người bị thương, một trong hai người nói :

- Chúng ta chỉ nói có một câu mà hắn đã nổi điên nổi khùng.

Kế Dư lại dừng bước, từ từ quay đầu lại hỏi hai người đó :

- Nếu ta đoán không lầm, hai ngươi đã nói về tuổi tác của hắn phải không?

Gã trẻ tuổi vừa nói bỗng giật mình, vẻ mặt tiu nghỉu, ấp úng đáp :

- Đó chỉ là một câu nói giỡn.

Kế Dư bình thản đến thờ ơ, nói :

- Ta nghĩ hắn cũng cho đó là giỡn, không có gì quan trọng đâu.

Thái độ thờ ơ đến lạnh lùng của Kế Dư ai nhìn qua cũng cảm thấy ghét ghét.

Gã trai trẻ liền sừng sộ nói :

- Như vậy là có ý gì? Ông không thấy hắn đánh chúng ta bị thương nặng hay sao?

Tên trai trẻ thứ hai chồm lên sừng sộ ra vẻ giận dữ cực độ, máu trên mặt chảy xuống ròng ròng, con mắt phải sưng húp tím đen, mí mắt không mở ra được.

Kế Dư vẫn lạnh lùng điềm đạm đáp :

- Ta nói như thế là vì hai tên tiểu tử các ngươi vẫn còn sống nhăn răng ra đó. Còn nữa, các ngươi có thấy hắn đi về hướng nào không?

Cả hai đều hậm hực nhưng đồng lắc đầu.

Kế Dư quay người, chậm rãi bước ra bên ngoài dưới ánh nắng vàng nhạt của mùa đông.

Một cơn gió nhẹ thổi qua, họ Kế vội co người, chụp mũ da thú lên đầu, rồi kéo cao cổ áo trùm kín lấy cổ.

* * * * *

Trung tâm thị trấn là nơi duy nhất còn có lác đác người qua lại, trẻ con chơi đùa dưới tuyết. Một người đàn ông cao to bận áo choàng da thú, dài đen như một bóng ma lướt qua, không để lại vết chân trên mặt tuyết. Bọn trẻ thấy lạ lùng liền ngừng chạy nhảy chơi đùa, ngẩn người ngó cái bóng đó.

Đột nhiên có một đứa trẻ bạo gan đi theo sau bóng đen, tay thủ một nắm tuyết được vo tròn. Đứa trẻ định giơ tay cầm nắm tuyết ném mạnh.

- Nhóc con, đừng nhúc nhích.

Bóng đen lạ lùng kia cất tiếng nói âm trầm như người từ dưới mộ vang lên, đầu vẫn không quay lại :

- Nếu ngươi ném tuyết, thì ta sẽ...

Bất chợt cái bóng quay ngoắt lại, nhe hàm răng trắng muốt rít lên :

- Chặt đầu ngươi xuống...

Đứa trẻ kinh hồn hoảng vía, rụng rời tay chân, thả nắm tuyết xuống. Chân nó chỉ lùi lại được mấy bước rồi đứng yên như thất thần.

Bóng đen nhếch miệng cười khinh khỉnh khoái chí, rồi lại là là trên mặt tuyết, đi thẳng tới nơi Kế Dư đang đứng đợi.

Kế Dư hỏi :

- Ta đoán là hắn không có ở nhà trọ.

Lỗ Bá Phong lắc đầu :

- Không ai thấy qua hắn cả.

Kế Dư tiếp lời :

- Ta có ghé qua lão chủ quán Hắc Kỳ. Lão ta không biết.

Cả hai làm một cặp tương phản bước đi song song. Lỗ Bá Phong tóc đen, cao to, da ngăm ngăm và dáng khỏe mạnh. Còn Kế Dư mảnh mai như cành liễu, tóc đã điểm bạc và nước da lại nhợt nhạt như kẻ bị bệnh lâu ngày.

Họ băng qua những con đường nhỏ hẹp, chật chội để đến một tửu quán nhìn ra bờ sông. Nếu là đang vào hè thì tửu quán này thật là một nơi lý tưởng để thỏa mãn con mắt. Dòng sông uốn lượn quanh co, bên bờ cây xanh xen lẫn muôn hoa khoe màu tươi thắm. Khí mát bốc lên từ dòng sông mơn trớn làn da, khiến tửu khách không cần uống rượu cũng say. Say với thiên nhiên, say với một thế giới kỳ lạ có muôn màu muôn sắc.

Đó là vào mùa hè, nhưng bây giờ đang mùa đông. Tất cả chỉ là một màu trắng xám. Cây cỏ chết rụi chỉ còn thân cành trơ trụi xam xám, nước sông bị đóng băng, tuyết phủ lên một màu trắng. Khí lạnh lan tỏa khắp nơi.

Kế Dư đưa mắt nhìn về trước, hỏi :

- Vào mùa đông, nơi đây không còn sặc sỡ, cảnh ở quán ăn nào cũng giống như nhau, thế tại sao chúng ta quay lại đây, mà không tìm nơi nào có rượu ngon mà tới?

Lỗ Bá Phong cười, đáp :

- Thói quen khó bỏ liền được.

Hắn vừa nói câu đó liền nheo mày như đang có suy nghĩ gì đó, miệng lập lại câu nói của mình :

- Thói quen khó bỏ được!

Hai người vào quán, chọn một bàn cạnh lò sưởi cho ấm.

Gã tiểu nhị lật đật chạy đến. Gã chưa kịp mở lời thì hai người đã lên tiếng gọi thức ăn và rượu.

Ánh lửa trong lò lách tách phát ra một thứ ánh sáng vàng rực, chỉ nhìn thôi đã thấy cơn lạnh tan biến mất, khi đến gần thì khí nóng từ lửa phát ra khiến người ta ấm áp hơn, tinh thần cũng hứng khởi hơn. Ánh lửa ấm áp vàng rực kia giống như là những tia hy vọng thôi thúc con người ta cố sống qua mùa đông lạnh lẽo để được hưởng thụ cái ấm áp sặc sỡ muôn màu muôn sắc của mùa hạ.

Kế Dư cởi chiếc áo choàng ngoài ra rồi ngồi xuống, nói với Lỗ Bá Phong :

- Thật sự mà nói ta rất vui mừng khi rời cái miền lạnh lẽo này.

Lỗ Bá Phong gật đầu hùa theo :

- Ta cũng vậy! Cái lạnh làm cho ta sợ!

- Nhưng tại sao Bách Hộ lại không nghĩ tới điều đó, buồn rầu làm chi? Hắn không nghĩ tới ba người vợ hiền đang chờ hắn ở quê nhà sao?

Lỗ Bá Phong nhếch miệng cười :

- Đó mới làm con người ta buồn.

Vừa lúc đó tên tiểu nhị cũng mang đồ ăn thức uống xếp ra.

Hai người đang đói, nên mọi tâm trí đều dồn vào mấy đĩa thức ăn. Họ ăn uống trong im lặng, không ai lên tiếng, giống như sợ khi mình mở miệng nói là người kia có thêm thời gian ăn mất phần.

Khi đã ăn no bụng, đến độ không thể nào ăn thêm được nữa, Lỗ Bá Phong mới thả đũa xuống, đưa tay bỏ thêm một khúc củi vào lò sưởi. Những ngọn lửa bùng lên, lắc lư như đang nhảy múa. Chốc chốc lại có tiếng nổ lép bép, những đốm sáng xẹt ra từ đống lửa như những đốm hỏa bông. Lỗ Bá Phong nhìn những đốm lửa nói :

- Con người ai mà chẳng tiến tới tuổi già. Tại sao phải buồn?

Kế Dư ngồi ngẫm nghĩ mấy chữ “tuổi già”, một lúc sau mới mở miệng nói :

- Ta là cung thủ, bao nhiêu năm trôi qua, ta thấy mắt mình không còn tinh tường như trước nữa. Và khi ta đến tuổi năm mươi thì không còn nhìn thấy mấy hàng chữ nhỏ. Ta bắt đầu nghĩ đã đến lúc phải về quê dưỡng già. Không có chuyện gì là mãi mãi. Nhưng Bách Hộ không phải là kẻ hay suy nghĩ. Hắn chỉ biết khi không được trọng dụng, có nghĩa là nói hắn không còn là một người đàn ông nữa. Thế là hắn buồn chứ sao.

Lỗ Bá Phong nói :

- Chuyện đã tới thì dang tay đón nhận còn hơn là lo sợ buồn rầu?

Kế Dư lắc đầu nói :

- Bách Hộ không làm được như vậy. Giá gì ngươi nhìn thấy cái mặt dài ngoằn của hắn khi được gọi tên. Ta đứng kế bên hắn nên biết được điều đó. Hắn nói: “Tại sao ta bị sa thải cùng với mấy lão già?” Ta cười. Trong nhất thời ta nghĩ hắn chỉ nói đùa. Nhưng không phải, hắn nghĩ là hắn vẫn còn đang ở cái tuổi hai mươi lăm.

Kế Dư đưa tay với lấy ly rượu định kề miệng uống, nhưng lão chợt dừng lại, lầm bầm như nói với chính bản thân mình :

- Tại sao hắn lại giở chứng gây sự với người ta? Chuyện gì xảy ra nếu gã công sai đó chết?

Lỗ Bá Phong lên tiếng hỏi :

- Vì nguyên do gì hắn lại đi đánh người?

Kế Dư đặt ly rượu xuống bàn, nhưng tay vẫn chưa rời khỏi ly rượu. Lão đáp :

- Mấy gã trai trẻ nói một câu đùa cợt về tuổi tác của hắn.

- Bao nhiêu người?

Họ Kế nhìn chăm chăm vào ly rượu trên bàn, trầm ngâm như đang suy nghĩ, rồi nói :

- Ta không biết, chúng ta nên đi kiếm hắn mà hỏi. Tên công sai đó hình như là người của Mã Đạt Kha, và Mã Đạt Kha lại là con người khó tính, nhất định hình phạt rất khắc nghiệt, treo cổ là chuyện thường.

Kế Dư dời mắt nhìn họ Lỗ đang thoải mái ngã người trên ghế thả hồn bên đống lửa, dò hỏi :

- Lão Soái Phàm có ngăn cản được không?

- Soái Phàm cũng bị sa thải, không có đủ quyền lực để ngăn cản.

Kế Dư lắc đầu chán nản nói :

- Nguy! Hắn lúc nào cũng gây rắc rối. Ngươi còn nhớ chuyện hắn và Ngô Lệ Gia đi trộm heo...

Bất chợt giọng nói của Kế Dư nhỏ dần :

- Xin lỗi bằng hữu, ta không có ý nhắc lại chuyện cũ.

Lỗ Bá Phong bình thản, khẽ nhún vai nói :

- Ngô Lệ Gia đã nhúng tay vào tội lỗi. Hắn chết ta cũng buồn, nhưng thật sự hắn là nạn nhân bởi chính hành động của hắn.

Kế Dư thở dài :

- Thật là lạ. Ta cứ tưởng với chừng này tuổi ta phải biết nhìn người chứ.

Lỗ Bá Phong gật đầu tán đồng, nói :

- Ta cũng vậy. Nhưng sự đời không như ta tưởng.

Kế Dư lại thở dài thườn thượt, giống như khí lạnh mùa đông khiến người ta hay chán nản, hay thở dài mặc dù có lửa cháy lép bép kế bên. Lão chuyển đề tài :

- Chúng ta đi đâu tìm Bách Hộ bây giờ?

Rồi lão lại tự trả lời câu hỏi của mình :

- Bách Hộ đã say khi tấn công bọn người đó. Ngươi cũng biết Bách Hộ, sau khi đánh nhau hắn thường đi tìm đàn bà. Nhưng ở trong trấn có tới cả chục ổ điếm.

Ta không muốn vào những nơi đó tra hỏi.

Lỗ Bá Phong gật đầu, cặp mắt mơ màng nhìn xa vời trong đống lửa đỏ kia :

- Chúng ta có thể hỏi một chỗ thôi.

- Chắc gì chúng ta tìm được hắn trong ổ điếm đầu tiên.

Vừa ăn no xong lại nói chuyện dong dài dễ bị buồn ngủ, Lỗ Bá Phong há miệng ngáp ngáp vài cái rồi chồm người tới vỗ vai Kế Dư rồi nói :

- Ta không nói là phải đi đâu xa tìm Bách Hộ. Ta muốn tìm một chiếc giường êm ái và ấm áp để nghỉ ngơi.

Kế Dư lắc đầu :

- Ta nghĩ ở nhà trọ cũng có một cái giường ấm áp để nghỉ ngơi.

Lỗ Bá Phong lắc đầu nguầy nguậy đầy ẩn ý.

* * * * *

Sau khi Lỗ Bá Phong đi rồi, Kế Dư gọi thêm một chung rượu nóng. Lão cầm chung rượu vừa đi vừa uống trên con đường trở về nhà trọ cho ấm người.

Căn phòng nơi nhà trọ cũng là do ba người mướn.

Chiếc giường của Bách Hộ thì bề bộn, chăn mền vứt lung tung, rơi cả ra sàn.

Còn trên giường của Lỗ Bá Phong, chăn mền được cuộn chặt lại một đống.

Giường của Kế Dư thì gọn gàng ngăn nắp, mọi thứ đều được xếp lại cẩn thận, ngay ngắn phẳng phiu.

Kế Dư đi đến bên lò sưởi, quét dọn đám bụi để chuẩn bị đốt lửa sưởi ấm.

Lão vừa làm cái công việc đó vừa tưởng tượng cái cảnh Lỗ Bá Phong đang nằm chung với một ả điếm béo phệ mập như con heo nái, với cái mùi nước hoa lâu ngày thum thủm, và Lỗ Bá Phong là gã đàn ông thứ hai mươi mấy trong ngày của ả ta.

Tưởng tượng tới cảnh đó Kế Dư chợt rùng mình. Lão vội vàng chạy vào phòng tắm, lột hết quần áo nhảy tọt vào hồ tắm. Lão ra sức kỳ cọ thân thể cho sạch mà quên cả nước trong hồ lạnh như băng.

Tắm xong thì lão mới phát hiện ra không còn chiếc khăn nào sạch sẽ cho hắn lau người. Cuối cùng lão đành phải chọn trong số khăn cũ một chiếc sạch sẽ nhất để lau qua loa.

Trong bộ đồ khô ráo, tươm tất, Kế Dư run rẩy đi tới bên lò sưởi cho ấm. Mùi quần áo sạch sẽ làm đầu óc lão tỉnh táo trở lại. Nhưng lời nói của lão chủ khách điếm vẫn còn lẩn quẩn trong đầu, “Người có tuổi nên về quê cưới vợ, nuôi con”.

Những lời này như một tảng đá nặng ngàn cân kéo chìm trái tim lão xuống vực sâu.

Ở độ tuổi như lão còn về quê cưới vợ sanh con được sao?

* * * * *

Tất cả những khách tìm hoa đến Hồng Y lầu đều cho Hồng Yến là một ả điếm với trái tim vàng. Có lẽ đó cũng là điều ả đơm đặt ra một khi lúc tuổi tác của ả bắt đầu tăng lên. Khi tuổi tăng thì mọi đường cong trên người cũng bắt đầu xệ xuống. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, trái tim của ả đúng là giống như vàng: lạnh, cứng và được chôn sâu cất kỹ.

Ả không còn là kỹ nữ trẻ đẹp nhất trong Hồng Y lầu, nhưng lại rất nổi tiếng, vì ai đến đây gặp ả đều muốn tìm một nơi nghỉ ngơi ấm áp vào thoải mái.

Hiện tại ả đang nằm trên giường, quần áo còn y nguyên, chăm chú nhìn vào một bóng người to bè như con trâu nước đang ngáy vang vang kế bên.

Bóng người to bè đó là Bách Hộ, một gã khổng lồ hiền từ. Hắn không bị giới hạn bởi trí tưởng tượng sâu xa hay là sự thông minh. Yêu cầu của hắn rất đơn giản, đó là hắn cần một người đàn bà chú ý lắng nghe những lời phàn nàn chửi rủa của hắn, một người đàn bà lúc nào cũng đồng tình với bất cứ điều gì hắn nói ra. Mỗi lần đến Hồng Y lầu hắn đều ở lại đúng một canh giờ, và hắn cũng trả công rất hậu hĩnh, một lạng vàng. Nhưng hôm nay thì khác, hắn ôm chặt Hồng Yến còn y nguyên quần áo vào lòng rồi ngủ một giấc dài.

Tất cả mọi căn phòng trong Hồng Y lầu đều có một màu hồng phơn phớt.

Phòng của Hồng Yến còn đặc biệt hơn, vách hồng và người cũng mặc đồ hồng.

Một khối màu hồng hồng đó có lẽ dùng để thôi miên khiến đầu óc nam nhân si dại.

Hồng Yến mở to mắt nhìn gian phòng màu hồng của mình, lâu lâu lại nhìn vào cái đầu trọc láng của Bách Hộ. Ả khẽ xoay vặn mình để thoát khỏi vòng tay đang siết chặt của Bách Hộ. Nhưng ả có xoay xở thế nào vẫn không thoát. Lúc đầu ả còn cục cựa xoay mình gỡ tay Bách Hộ lỏng lỏng ra được chút ít, nhưng Bách Hộ giống như có con mắt thứ ba đang tỉnh để canh chừng, khi ả suýt nữa thoát ra được thì hai tay hắn vòng lại ôm cứng lấy ả.

Cuộc đời kỹ nữ là vậy, chỉ có thoát hay không thoát, chứ không có “suýt nữa”. “Suýt nữa” đồng nghĩa với thất bại.

Hồng Yến bất giác buông một tiếng thở dài.

Bất đắc dĩ ả phải làm cái nghề bán thân. Đã làm kỹ nữ thì ai mà chẳng muốn thoát ra tìm một tấm chồng để nâng khăn sửa túi, tìm nơi nương tựa. Nhưng dù cho kỹ nữ có học hết mọi thủ thuật chiều chuộng đàn ông đi nữa vẫn khó được một tấm chồng. Họ chỉ được sử dụng như những món đồ chơi, chứ chẳng được đem về ấp ủ nâng niu như những bà vợ, họa may lắm mới có người đem về làm thiếp thứ mấy chục.

Lần nào cố vùng vẫy, Hồng Yến cũng “suýt nữa” thoát ra được. Và cũng bởi vì hai chữ “suýt nữa”, con tim của ả lạnh lẽo và nặng nề dần theo thời gian.

Hồng Yến mở mắt trao tráo nhìn trần phòng, nằm yên bất động, không xoay người cố vùng vẫy nữa.

Hai canh giờ sau, Bách Hộ mới thức dậy. Hắn đặt vào tay Hồng Yến hai nén vàng rồng, rồi định đi ra ngoài.

Một cái ôm mà được tới hai nén vàng rồng thì quả là hậu hĩnh.

Hồng Yến chau mày hỏi :

- Có chuyện gì mà chàng vội vã như thế?

Bách Hộ quay đầu lại hỏi :

- Cô xem tôi bao nhiêu tuổi?

Nhìn vào cái đầu hói nhẵn thín, và bộ râu xồm xoàm, Hồng Yến thầm đoán là trên năm mươi. Nhưng đàn ông nhiều lúc giống như một đứa con nít, thích được chiều chuộng và thích ngọt. Lời lẽ càng ngọt ngào bao nhiêu thì họ càng khoái chí bấy nhiêu, nhất là những lời ấy phát ra từ miệng đàn bà. Trong đầu tuy nghĩ thế nhưng ngoài miệng ả đáp gọn :

- Ba mươi!

Bách Hộ hả hê với câu trả lời của ả, nói :

- Ta già hơn cô tưởng, nhưng ta không cảm thấy già. Thế mà chúng lại sa thải ta, nói ta phải về quê. Tất cả những người già quá năm mươi đều phải về quê.

- Chàng không thích về quê à?

Bách Hộ lắc đầu :

- Ta là một trong những người đầu tiên được lão Soái Phàm thu thập về.

Đánh bao nhiêu trận... giết bao nhiêu người...

Hồng Yến nhỏ nhẹ nói :

- Chàng thật là một người tài giỏi.

Ả hy vọng đó là điều Bách Hộ đang muốn nghe.

Bách Hộ vẫn thao thao bất tuyệt :

- Ở miền Nam, ta giết tên cầm đầu của Hắc bảo... ở mạn Tây, dọn sạch Nhất gia trang...

- Thật là nhiều trận.

Ả chỉ hùa theo mà không biết Bách Hộ nói những chuyện đó với mục đích gì.

Bách Hộ tiếp :

- Đúng là nhiều trận oanh liệt. Ta bị thương tất cả là mười một lần. Rồi bây giờ họ không còn cần ta nữa.

Hắn đổi giọng, giả dáng điệu của người ra lệnh :

- Cám ơn, cáo từ. Đây là một ít bạc vụn. Cút đi.

Bách Hộ trở lại với giọng điệu của mình, hỏi ngược lại :

- Đi đâu kia chứ? Ta đâu phải là ăn mày mà bố thí ít bạc vụn?

Bách Hộ thở dài, nằm vật ra giường nói :

- Ta không biết phải làm gì bây giờ?

Hồng Yến nhẹ nhàng nói :

- Chàng là một người đàn ông khỏe mạnh. Chàng có thể đi tới bất cứ nơi nào, làm bất cứ chuyện gì.

- Nhưng ta không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại.

Hồng Yến ngồi bật dậy, đưa tay nâng cằm Bách Hộ lên và nói :

- Nhiều lúc... và hình như là lúc nào chúng ta đều không được như ý. Có thế thôi. Ngày hôm qua đã qua rồi, nó sẽ không bao giờ quay trở lại. Còn ngày mai thì chưa tới. Chúng ta đang sống ở hiện tại. Chàng có muốn biết cái gì là hiện tại, cái gì là thật sự không.

Ả chỉ vào bộ ngực của mình nói tiếp :

- Hiện tại thì cái này mới là thật.

Bách Hộ không nói gì. Hắn ngồi dậy hôn vào trán ả một cái. Hồng Yến ngẩn người, hắn chưa bao giờ có thái độ đó. Đây là lần đầu tiên hắn làm như thế, và ả cũng không còn nhớ lần cuối cùng được người đàn ông hôn vào trán là khi nào.

Bách Hộ nói :

- Ta phải đi!

Hồng Yến ngạc nhiên hỏi lại :

- Tại sao không ở lại đây nghỉ ngơi vài ngày?

- Ta nói thật, ta phải đi. Cô là người đàn bà tốt nhất trên cõi đời. Nhưng ta phải đi, chắc bây giờ họ đang tìm kiếm ta.

- Chàng đã làm những gì nên tội?

- Ta nổi giận, vô ý chọc ghẹo vài tên công sai.

- Chọc ghẹo?

- Có lẽ là nặng hơn là chọc ghẹo. Một tên trong bọn chúng cười ta, nói ta là lão già vô dụng. Ta nổi giận, muốn chứng minh bản lãnh của mình, túm cổ hắn ném đi như là một mũi phi tiêu. Trông gã bay tức cười thiệt, gã rớt xuống đất, đập nát chiếc bàn bằng cái đầu của gã. Những tên đang ngồi ăn xung quanh đấy, ta cũng chọc ghẹo như vậy.

- Có bao nhiêu người tất cả?

- Có tất cả là năm người. Nhưng không có tên nào chết cả. Chỉ bị thương sơ sơ thôi.

Bách Hộ lại nheo mày nói tiếp :

- Thật ra cũng không phải là sơ sơ, nhưng chắc rằng ta sẽ bị trừng phạt.

- Họ sẽ trừng phạt chàng bằng cách nào?

- Ta không biết...

Bách Hộ nhún vai :

- Có lẽ là mười roi. Không sao cả!

Bất ngờ Hồng Yến chồm tới bá cổ Bách Hộ nũng nịu nói :

- Vậy thì chàng hãy ở lại đây đi, chúng không tìm được chàng đâu.

Bách Hộ đẩy Hồng Yến rớt ngồi phịch trên giường, nói :

- Ta phải đi! Cáo từ!

Lời nói chưa dứt, bóng Bách Hộ đã vút ra khỏi cửa sổ.

Hồng Yến lồm cồm bò dậy, nhìn theo cái bóng của Bách Hộ, miệng lầm rầm chửi rủa :

- Ngươi cứ việc đi chết đi!

* * * * *

Soái Phàm đang loay hoay thu dọn đồ đạc trong căn phòng của mình. Thật ra nói lão là người giang hồ cũng không đúng, mà phải gọi là lão quan của đám giang hồ mới đúng hơn. Vì lúc trước lão đã từng chỉ huy mấy trăm người, đánh trăm trận giữ công bằng cho giang hồ, tiêu diệt những ổ gây rối. Nhưng bây giờ không còn đánh nhau nữa, lão chỉ làm những công việc bắt trộm bắt cướp lẻ tẻ, chẳng phải dùng công sai mà là dùng cao thủ võ lâm. Người của gã ở nơi này có quyền lực chẳng khác chi bọn công sai của quan nha.

Hầu hết những võ lâm cao thủ đó là thuộc hạ thiện chiến cũ của lão. Công lao trong quá khứ của lão không được thưởng, mà hiện tại lại bị Minh chủ võ lâm hạ lệnh sa thải, bắt giải tán đám người của lão với một lý do... đã quá già.

Lệnh được mang đến bởi người thay thế lão. Soái Phàm chưa kịp dọn đi, thì kẻ thế đã dọn tới.

Đứng ngay cánh cửa là một người cận vệ trẻ tuổi đang chăm chú đưa mắt nhìn ông thu dọn những kỷ niệm của một thời oanh liệt.

Soái Phàm bất chợt ngẩng cái đầu bạc trắng lên, ánh mắt ông bắt gặp ánh mắt của người cận vệ. Ông mỉm cười hiền hòa hỏi :

- Tại sao lại buồn bã như thế hở Cát Vệ?

Người cận vệ thở vào một hơi thật sâu rồi nói :

- Mọi việc đều không phải...

- Vô lý. Hãy nhìn ta thật kỹ. Ngươi thấy gì?

Cát Vệ chăm chú nhìn vào lão, với mái tóc đã bị thời gian, nắng cháy, gió lạnh làm bạc trắng. Gương mặt ông đầy nếp nhăn. Bên dưới cặp lông mày trắng là một cặp mắt sáng quắc như sao. Một cặp mắt đầy kinh nghiệm. Người cận vệ đáp :

- Tôi thấy một con người vĩ đại nhất đang sống trên cõi đời.

Trong nhất thời, ánh mắt của lão Soái Phàm lộ một vẻ xúc động. Ông nghĩ về người cha của chàng cận vệ trẻ tuổi. Quả thật hai cha con họ khác nhau quá xa. Cha là Cát Oai, một con người lạnh nhạt, cứng rắn, và đầy lòng tham. Còn người con thì lại trung thành và nhân hậu. Chỉ có một đặc điểm họ giống nhau mà ông rất thích đó là dũng cảm, gan dạ. Soái Phàm nói :

- Ngươi không thấy ta đã bảy mươi hai tuổi rồi sao? Ngươi đang nhìn thấy những gì trong quá khứ, nhưng lại không thấy những gì trong hiện tại. Ta thành thật nói cho ngươi biết, tuy ta có chút ít thất vọng, nhưng ta tin rằng Minh chủ không lầm lẫn trong việc này. Giống như ta, bao nhiêu người đã già rồi. Nhiều người trong chúng ta chỉ mong được hưởng cảnh an nhàn trong quãng đời còn lại. Những chuyện đánh đấm thì nên nhường lại cho những người trẻ tuổi như ngươi.

Cát Vệ đưa tay vuốt lại mái tóc, gượng gạo nói :

- Tôi không nghi ngờ những điều ông nói, nhưng thật sự... ông thì khác. Có những trận chiến nếu không có ông chỉ huy thì...

Soái Phàm đưa tay lên môi ra hiệu cho Cát Vệ không nên nói thêm, rồi bảo :

- Bổn phận của ta đã làm. Bây giờ ta sẽ về nhà dưỡng già, nuôi ngựa và nhìn mặt trời mọc sau dãy núi. Ta sẽ chờ nghe tin thành công của những người trẻ như ngươi.

Ngưng lời, Soái Phàm đưa mắt nhìn Cát Vệ :

- Ta cần một chút thoáng khí, nào, hãy đi theo ta ra ngoài hậu viện.

Với tay lấy chiếc áo làm bằng lông thú khoác lên người, Soái Phàm đưa tay đẩy cánh cửa dẫn ra hậu viện. Bên ngoài tuyết phủ một màu trắng xóa. Con đường lát đá cũng không còn trông thấy đâu.

Quả thật nếu trên thế gian này mọi thứ đều một màu thì không thể nào phân biệt vật nào ra vật nào, hướng đi bị phủ lấp thì không phân định được đi hướng nào mới đúng, sang phải, sang trái hay thẳng về phía trước.

Trong nhất thời Cát Vệ đứng ngẩn người không biết phải làm sao.

Lão Soái Phàm nhìn dáng ngớ ngẩn của Cát Vệ liền mỉm cười, chỉ tay lên những bức tượng đá nhô lên giữa đám tuyết nơi hậu viện ra hiệu đi về hướng đó.

Hai người nhấn những bước chân vững chắc xuống tuyết trắng, đi lần tới bức tượng một vị tướng cầm cây thương chỉ lên trời.

Soái Phàm cầm tay Cát Vệ, nói khẽ :

- Ngươi nên giữ lời một chút, anh bạn trẻ. Tất cả những lời thì thào trong đó đều được bẩm báo lên Mã Đạt Kha và những người hầu cận của Mã Đạt Kha. Bốn vách đều có tai, và sẽ ghi chép xuống từng câu nói. Ngươi có hiểu ta nói gì không?

Trên khuôn mặt người cận vệ trẻ tuổi lộ vẻ kinh ngạc :

- Họ cho người giám sát ông sao? Điều đó không thể tin được.

- Hãy tin đi. Minh chủ không phải là một đứa con nít, mà là một người độc đoán và tham lam. Hắn muốn chiếm tất cả mọi thứ trong tay. Nhưng có lẽ hắn sẽ thực hiện được điều đó nếu như những kẻ đồng minh của hắn đáng tin cậy như hắn nghĩ.

- Ông nghi ngờ Mã Đạt Kha?

Soái Phàm nheo mày, dẫn người cận vệ trẻ tuổi lần theo những bức tượng đá, đi xung quanh một hồ nước đã đóng băng :

- Ta không có lý do để nghi ngờ hắn. Bọn người của Mã Đạt Kha có kỷ luật, võ công khá. Hắn không phải là người đáng tin cậy, nhưng có người lại đặt khá nhiều tin tưởng vào hắn.

Một bên bờ hồ có cánh cửa đá hình vòng cung, đằng sau cánh cửa đá là một bức tượng đá tạc hình một vị tướng trông rất oai hùng.

Soái Phàm chỉ bức tượng đá hỏi :

- Ngươi có biết ai đây không?

Người cận vệ trẻ tuổi lắc đầu.

Soái Phàm nói :

- Đây là một vị tướng tài giỏi bậc nhất khoảng ba trăm năm về trước.

Bất chợt vị lão giang hồ cảm thấy lạnh. Ông ta rùng mình, đưa tay kéo chiếc áo khoác sát người.

Người cận vệ trẻ tuổi nói :

- Tôi có nghe nói về ông ta. Đánh thắng bao nhiêu trận, và được nhà vua ghi công bằng cách tạc tượng ở đây.

Soái Phàm cười khẩy :

- Hy vọng về sau ta cũng được như vậy. Chúng ta hãy vào trong đi, cái lạnh thâm nhập vào tới xương ta rồi.

Họ đi vào bên trong, Cát Vệ khêu cao ngọn lửa trong lò. Ánh lửa vàng rực bùng cháy lên như cho họ một nguồn ấm áp, một chỗ dựa để chống lại cái lạnh của mùa đông.

Lão Soái Phàm hỏi :

- Họ đã tìm thấy Bách Hộ chưa?

Người cận vệ trẻ tuổi đáp :

- Chưa... thưa ông... Họ đã lục tìm hết tất cả các ổ điếm nhưng vẫn không bắt được. Tên công sai cũng đã tỉnh lại, nghe đâu thầy thuốc nói hắn có thể sống.

- Vậy thì tốt. Ta không muốn treo cổ Bách Hộ.

- Có phải đó là một trong những người đầu tiên theo ông?

- Phải, chuyện đã lâu lắm rồi. Khi đó hắn còn là một người nổi danh có sức mạnh như trong chuyện thần thoại vậy. Nhưng mà không có bao nhiêu người trong chúng ta còn sống sót tới ngày nay.

Cát Vệ lại hỏi :

- Nếu tìm được Bách Hộ, ông sẽ làm gì?

- Mười roi, nhưng có lẽ không nên trói hắn vào cột. Trói buộc sẽ làm hao tổn chí khí anh hùng của hắn. Cứ để hắn ôm cột mà chịu đựng. Lưng hắn có thể đẫm máu nhưng ngươi sẽ không nghe thấy một tiếng rên rỉ nào đâu.

- Tôi nghĩ ông thích con người đó.

Soái Phàm lắc đầu :

- Ta chỉ chịu không nổi hắn thôi. Hắn khỏe như trâu bò nhưng óc lại nhỏ như hạt đậu. Không có kỷ luật nào có thể kiềm hãm được hắn. Con người đó biểu tượng cho sức mạnh và dũng khí, cái thứ mà có thể khiến người ta trầm trồ vỗ tay, nhưng chỉ có dũng mà không có trí nên không được cảm kích khâm phục. Ngươi có hiểu không? Bây giờ thì ngươi nên về nghỉ ngơi. Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện vào sáng mai.

Lời nói của lão Soái Phàm chậm dần, lúc đầu còn oang oang, càng về sau càng nhỏ dần. Cát Vệ biết ông ta đã mệt, cần phải dưỡng mình, nên đáp lời :

- Vâng thưa ông. Ông có cần tôi đi lấy một ít rượu nóng uống cho ấm bụng không?

- Rượu không giúp ích gì được cho ta lúc này, hãy mang cho ta ít sữa và mật ong là được rồi.

Cát Vệ cúi đầu chào, rồi lui bước đi ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện