Quyến Rũ Người Đẹp

Chương 2



Cô đang mặc quần áo: Cài khuy bộ quần áo liền mặc trong, đi tất và bước vào trong chiếc váy lót, chuyển động của cô thư thái giống như là một vũ công. Lưng cô quay về phía anh, nhưng chiếc gương trên bàn trang điểm cho anh một tầm nhìn không hạn chế phần còn lại của cơ thể cô. Anh vẫn ở trên giường, tay chống đầu, chiêm ngưỡng mái tóc đen buông xõa đang lay động và đu đưa của cô.

Bên ngoài, một con chim gõ kiến cần cù gõ vào thân cây. Trong phòng, mặt trời chiều muộn rút dần ra khỏi phòng, những đốm sáng màu đồng rải rác trên trần nhà ngày càng mờ hơn. Vẻ đẹp trong ánh sáng mờ ảo của cô bớt sắc nét hơn – như thể cô đã trở thành những nét vẽ màu sắc và những khoảng tối trong một bức tranh của trường phái Ấn tượng. Anh có thể nhìn vào cô mà không cảm thấy phải che mắt lại, nếu không sẽ có nguy cơ làm hỏng mắt.

Anh với tay, nắm một lọn tóc xoăn rơi ra của cô, quấn nó quanh ngón tay, và kéo cô lại gần anh hơn.

Cô dễ dàng thuận theo anh, ngồi xuống mép giường và vòng cánh tay quanh vai anh. “Anh chưa có đủ em hay sao?” Cô cười điệu và hỏi.

“Không bao giờ là đủ cả.”

“À, sẽ không có thêm cho ngài bây giờ đâu, thưa ngài. Em phải gọi cô hầu gái. Và tại sao anh không chuẩn bị sẵn sàng đi?”

Anh vuốt phía trong khuỷu tay cô. “Anh sẽ bắt đầu trong mười lăm phút nữa. Trong lúc đó anh sẽ dùng em để giết thời gian.”

Cô cười và trượt ra khỏi cái nắm của anh. “Sau đó. Sau buổi dạ tiệc, có lẽ thế.”

Con chim gõ kiến gõ to hơn bao giờ hết.

Christian ngồi bật dậy trên giường. Căn phòng tối mờ mờ, không gian tối tăm, ngọn lửa trong lò sưởi đã cháy rụi thành tro lẫn vài cục than hồng. Không có ai bên cạnh anh, cho dù xinh đẹp hay ngược lại. Sáng hôm nay anh có bài diễn thuyết ở Harvard và ai đó đang gõ cửa.

“Vào đi,” anh nói.

Parks, hầu phòng của anh bước vào. “Chúc đức ngài một buổi sáng tốt lành.”

“Chào,” anh nói, hất tung chăn sang một bên và ra khỏi giường.

Giấc mơ anh chưa từng trải qua trước đây đã rất thật. Anh có thể miêu tả tấm rèm muslin trong mờ, những cây leo cách điệu trên tấm thảm phương Đông cô đứng, chiều dài chính xác và độ mềm mượt của tóc cô.

Nhưng sự chính xác của các chi tiết không làm anh hoang mang – sau vài giấc mơ dâm dục hơn, anh đã có thể vẽ cô với độ chính xác cao. Điều làm anh mất phương hướng là cảm giác gia đình gần gũi đó, sự thân mật dễ chịu và ngọt ngào đó.

“Thưa ngài,” Parks nói. “Nước đã nguội rồi. Tôi đi lấy chậu khác được không?”

Anh đã đứng trước chậu rửa mặt mơ màng như một tên trộm vặt khao khát với tới căn hầm nằm dưới Ngân hàng nước Anh bao lâu rồi?

Năm năm nữa đã trôi qua kể từ khi anh nhìn thấy bà Easterbrook lần cuối, bên ngoài Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh quốc. Có những ngày anh thành thật tin rằng mình đã thoát khỏi sự ám ảnh thời trẻ đó. Vào một ngày như thế anh đã hứa với mẹ kế của mình rằng sau khi đi giảng bài ở Harvard và Princeton về, anh sẽ ở Luân Đôn cả mùa lễ hội – để thực hiện bổn phận và tìm một người vợ.

Bà Easterbrook vẫn còn một em gái chưa kết hôn, chắc chắn cô ta sẽ có mặt ở Luân Đôn. Với tư cách là một người tháp tùng em gái, cô ta sẽ thường xuyên tham gia rất nhiều sự kiện mà anh cũng sẽ phải tham gia. Họ có thể sẽ được giới thiệu. Thậm chí có những dịp, vì lễ nghi xã giao, anh phải nói chuyện với cô ta.

“Thưa đức ngài?” Parks hỏi lần nữa.

Christian bước sang một bên chậu rửa mặt. “Cứ làm những gì anh thấy cần.”

*

* *

“Con bé trông thật tuyệt, đúng không?” Venetia hỏi Millie.

Để đến dự buổi nói chuyện của công tước, Helena đã mặc một chiếc váy đi dạo bằng nhung màu xanh lá cây sẫm, Bridget, cô hầu gái của Millie đang loay hoay sau lưng Helena để đảm bảo rằng những nếp gấp của chiếc váy rủ xuống đúng kiểu.

“Con bé thật đẹp,” Millie dễ dàng đồng ý. “Em thích một cô nàng tóc đỏ mặc màu xanh lá cây.”

Venetia quay sang Millie. “Và chị phải nói thêm rằng, em cũng rất đẹp.” Màu vàng sẫm của chiếc váy vốn gây khó khăn cho hầu hết phụ nữ, bằng cách nào đó lại làm nổi bật những ưu điểm của Millie, khiến cô trông thật mới mẻ và bất ngờ. “Công tước sẽ kết luận rằng chị là một người chị gái, chị chồng tận tâm và là một người phụ nữ ngay thẳng. Sau đó anh ta sẽ nhờ chị quản lý bảo tàng riêng ngay tức khắc.”

Helena lắc đầu. “Luôn là hóa thạch.”

Venetia cười toe toét. “Luôn luôn.”

Cô cảm thấy mình lạc quan hơi quá. Nhưng tuần qua họ đã có một thời gian vui vẻ, đi thăm thú những vùng quê của Connecticut và những hòn đảo xinh đẹp như Martha’s Vineyard và Nantucket. Helena dường như đã giống với con người cũ hơn so với thời gian gần đây. Và Venetia hy vọng rằng đến cuối chuyến đi, em cô sẽ nhận thức đầy đủ con đường sai lầm của mình.

Helena không phải là người đồng bóng hay không biết suy nghĩ. Thực ra, em cô luôn sắc sảo khác thường trong việc đánh giá tính cách con người.

Sau cuộc gặp đầu tiên với Millie, Helena đã nói với Venetia rằng: Fitz là người may mắn. Millie sẽ là một người vợ tốt với anh ấy, mặc dù suốt cuộc gặp Millie nói không quá mười từ. Millie đã chứng tỏ là người vợ tốt nhất mà một người đàn ông có thể mong đợi.

Và tất nhiên, còn có một chuyện đáng nhớ khác. Rất nhiều năm về trước, khi đang yêu say đắm, Venetia đã ép Helena nói ra suy nghĩ của mình về Tony. Helena đã lưỡng lự trả lời rằng anh ta dường như “thiếu sức mạnh nội tâm nào đó.”

Em cô đã đúng làm sao. Những điều đó chỉ làm cho sự việc ngày hôm nay đáng sửng sốt gấp bội, vì trong số tất cả mọi người, em cô lại có những hành động có thể gây nguy hại cho cả tương lai của mình như thế.

Hài lòng với chiếc váy của Helena, Bridget quay sang Millie. “Cô có cần gì khác nữa không, thưa cô?”

“Không, em có thể nghỉ ngơi từ bây giờ cho đến hết ngày.”

“Cảm ơn cô.”

Trong chuyến đi này, họ chỉ mang theo Bridget. Cô hầu gái Hattie của Venetia bị bệnh say sóng nặng và phải ở lại Anh. Cô hầu gái của Helena đã nghỉ làm một năm trước để kết hôn và chưa có người thay thế.

Vào thời điểm ấy, Venetia không nghĩ nhiều về việc đó – Helena ở với Venetia hoặc gia đình Fitz nên Hattie hoặc Bridget có thể dễ dàng chăm sóc cho em cô. Bây giờ cô tự hỏi liệu có phải Helena đã cố tình làm thế. Không có hầu gái theo sau chăm sóc, Helena bớt đi một người theo dõi hành động của mình.

Có phải Helena đã lên kế hoạch cho cuộc tình đó, từng bước tháo gỡ từng rào cản một. Venetia không muốn nghĩ tới khả năng này.

À, Helena vẫn có thể thay đổi suy nghĩ. Có lẽ gặp gỡ một người đàn ông trẻ chưa kết hôn và rất thích hợp là cú huých mà em cô cần. Chắc chắn đây hẳn phải là ý Chúa, nếu không thì vị công tước, vốn hay lẩn tránh như Chén Thánh lâu nay, sẽ không đột nhiên xuất hiện vào thời điểm đặc biệt này trong cuộc đời họ.

Venetia với lấy găng tay. “Chị đã sẵn sàng nghé mắt nhìn Lexington. Ai nữa không?”

*

* *

Họ đến sớm hơn nửa tiếng, nhưng nhà hát Sanders, giảng đường của đại học Havard đã chật kín. Họ chỉ có thể tìm thấy ba chỗ ngồi gần nhau ở hàng ghế cuối cùng.

Millie liếc xung quanh. “Ôi Chúa tôi, nhìn tất cả những phụ nữ tham dự kìa.”

Helena chỉnh lại chiếc mũ mới, với kiểu cách cầu kỳ vừa phải. “Không đáng ngạc nhiên khi giảng viên là một công tước trẻ, giàu có. Xem ra chị sẽ phải cạnh tranh đấy, Venetia.”

“Có lẽ họ chỉ tò mò thôi,” Venetia phấn khởi nói. “Với quá nhiều nữ thừa kế cao quý kết hôn với những quý ông không một đồng xu dính túi của chúng ta, họ chắc hẳn phải muốn nhìn thấy một quý ông người Anh không cần tiền trông như thế nào đến chết đi được.”

“Chị cũng chưa bao giờ nhìn thấy một người như thế, đúng không Millie?” Helena trêu.

“Trong cuộc hôn nhân của chị thì không,” Millie cười giòn.

“Ít nhất quý ông người Anh nghèo túng của em còn đẹp trai,” Venetia nói.

“Đúng thế, đẹp trai hơn cả Apollo.”

Lời khen chồng của cô được thốt ra với vẻ nghiễm nhiên hoàn hảo, không có một chút thay đổi nào trong giọng nói hay một chút màu hồng trên má.

Nhiều năm nay Venetia vẫn băn khoăn liệu Millie có yêu người đàn ông đã kết hôn với mình chỉ vì tài sản hay không. Em trai cô đối xử với vợ rẩt lịch sự, và bằng tình yêu mến trong những năm gần đây. Nhưng Venetia sợ rằng, trái tim em cô luôn thuộc về cô gái anh đã phải từ bỏ vì nghĩa vụ.

“Cơ hội để chị gặp may mắn như thế gần như bằng không, Venetia ạ,” Helena nói. “Em cá một đồng bản là công tước giống như thằng gù ở nhà thờ Đức bà.”

“Hừm,” Venetia lơ đãng. “Liệu có thể có một công tước trẻ, giàu có và xấu xí hay sao?”

Và nếu có, anh ta không phải công tước của Lexington, người đang đứng trên bục giảng với diện mạo khiến tất cả mọi người phải thở dài ngưỡng mộ. Anh ta thực sự rất đẹp trai – không phải kiểu trẻ con, dịu dàng vốn vẫn cuốn hút Venetia một cách mạnh mẽ, mà gầy gầy góc cạnh: Đôi mắt sâu, mũi thẳng, gò má cao và đôi môi mạnh mẽ.

Millie tán thưởng. “Anh ta có diện mạo của một nguyên lão thời La Mã, rất uy quyền, rất khác biệt.”

“Chính xác là gia tộc của họ lâu đời như thế nào?” Venetia hỏi.

“Rất lâu đời,” Millie khẳng định. “Một người họ de Montfort đã chiến đấu cùng với William nhà Chinh phạt[1].”

[1] Công tước xứ Mormandy từ năm 1035 đến 1087 và là vu Anh từ năm 1066 đến 1087. William xâm chiếm Anh vào năm 1066, dẫn dắt một đội quân của người Norman giành chiến thắng trước đạo quân Anglo-Saxon của Harold Godwinson trong trận Hastings, và đàn áp các cuộc nổi loạn sau đó của người Anh, mà sau này được biết đến như là cuộc chinh phục của người Normal.

Một giáo sư trường Havard lao vào một bài giới thiệu dài về mình nhiều hơn là công tước. Lexington kiên nhẫn giữ phép lịch sự, chỉ thể hiện thái độ bình thản đối với xung quanh mà không bộc lộ chút chán nản hay tức tối nào.

Venetia nhẹ nhõm nhận ra rằng anh ta đủ cao so với Helena. Đôi khi chiều cao của em cô khiến các anh chàng không cao lắm cảm thấy nhụt chí. Cô liếc sang Helena, hy vọng nhìn thấy một chút thích thú trên mặt em gái. Sau cùng công tước có mọi thứ mà Helena luôn nói rằng mình mong muốn. Nhưng sắc mặt của Helena chỉ thế hiện sự lịch sự thản nhiên.

“Chị có hài lòng không, Venetia?” Millie thì thầm. “Chị sẽ khiến anh ta trở thành người đàn ông may mắn nhất chứ?”

Venetia nhớ ra cô phải duy trì sự quan tâm giả vờ với công tước. “Chuyện đó sẽ phụ thuộc vào kích thước hóa thạch của anh ta,” cô thì thầm đáp lại.

Helena thốt ra một âm thanh nửa như tiếng khịt mũi, nửa như một tiếng cười giòn bị kìm nén. Nỗi lo lắng của Venetia tăng lên gấp đôi. Cô vẫn hy vọng rằng Helena còn là một trinh nữ. Không phải một tiếng cười có thể giải đáp câu hỏi đó, nhưng vì Helena có thể hiểu trò đùa đó ngay lập tức, khi vài bà cô trong trắng cần đến cả một biểu đồ minh họa, có lẽ rất nhiều biểu đồ.

Bài giới thiệu kết thúc. Công tước bước lên bục giảng. Anh ta nói với ngữ điệu vừa phải, vốn từ phong phú, và không giống như người đàn ông nói trước đó, theo sát chủ đề chứ không lệch đến một phân.

Anh ta xuất chúng, điều này không nghi ngờ gì sẽ làm Helena hài lòng. Những ý kiến của anh ta đưa ra theo kiểu để người khác có thể bàn luận, nhưng anh ta nghiêng về ủng hộ quan điểm của ngày Darwin, rằng động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình tiến hóa là sự lựa chọn tự nhiên, chứ không phải là lý thuyết mới về sự phát sinh định hướng hay sự phát triển nhảy cóc của trường phái tân Lamarck, hiện đang được ủng hộ rộng rãi. Anh ta trình bày một cách khách quan, như thể đang nhắc đến ý kiến của một bên thứ ba chứ không phải của mình.

Nhưng anh ta có một sức hút giữ khán giả trong vòng kim tỏa của mình, một lực hút lớn hơn cả sức thuyết phục và vẻ đẹp trai cộng lại. Có lẽ đó là vẻ cao ngạo rất lịch sự, giọng nói đầy uy quyền không thể nhầm lẫn, hoặc là sự kết hợp giữa tước vị cổ xưa và niềm say mê rất hiện đại của anh ta.

Cuối bài diễn thuyết, một loạt các câu hỏi được những người đàn ông trong khán phòng đưa ra, vài người là giáo viên của trường Havard, vài người là nhà báo.

Venetia với tay qua Millie và đưa cho Helena một mẩu giấy. “Hỏi anh ta đi.”

Là người phụ nữ đầu tiên đưa ra một câu hỏi sẽ gây ấn tượng với công tước.

Helena nhìn xuống câu hỏi Venetia đã gợi ý: Thưa ngài, ngài nghĩ gì về sự tiến hóa theo thuyết cổ thần? “Tại sao lại là em? Chị nên làm việc này.”

Venetia lắc đầu. “Chị không muốn anh ta nghĩ chị quá bạo dạn.”

Nhưng trước khi cô có thể thúc ép Helena hơn, một cô gái trẻ người Mỹ đã đứng lên giữa thính giả.

“Thưa quý ngài.”

Venetia nhăn mặt trước cách xưng hô sai với tước hiệu công tước đó. Một công tước không bao giờ bị gọi là “quý ngài,” mà luôn là “đức ngài.”

“Tôi đã rất thích thú với bài báo của ngài trên tạp chí Harper,” cô gái trẻ tiếp tục. “Trong bài báo đó, cho dù thật ngắn gọn, ngài đã làm độc giả hiếu kỳ với quan điểm rằng sắc đẹp của con người cũng là một sản phẩm của chọn lựa tự nhiên. Ngài có thể nói rõ hơn về quan điểm đó được không ạ?”

“Tất nhiên,” đức ngài nói. “Dựa trên quan điểm về tiến hóa, sắc đẹp chẳng có gì quan trọng hơn là một dấu hiệu cho biết người đó phù hợp với việc sinh sản. Khái niệm về sắc đẹp của chúng ta phần lớn xuất phát từ tính cân đối và tỷ lệ, và rồi những điều đó cũng thể hiện sức khỏe của cơ thể. Nhưng đường nét chúng ta cảm thấy hấp dẫn nhất: Mắt trong, răng khỏe, da không tỳ vết… biểu hiện cho tuổi trẻ, sức khỏe và không bệnh tật. Đàn ông bị thu hút bởi các cô gái trẻ, mạnh khỏe, có khả năng sinh đẻ nhiều hơn là những người già, ốm yếu. Vì thế, quan điểm về sắc đẹp của chúng ta không nghi ngờ gì đã bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn thành công diễn ra hàng nghìn năm trong quá khứ.”

“Vậy là khi ngài nhìn thấy một cô gái đẹp, điều ngài nghĩ đến là cô ấy phù hợp với việc sinh đẻ?”

Cằm Venetia trễ xuống. Những người Mỹ có sự táo tợn phi thường.

“Không, tôi khá ngạc nhiên trước sự tôn sùng mà chúng ta dành cho sắc đẹp – đó là một điều thú vị đối với một người làm khoa học.”

“Như thế nào?”

“Từ khi sinh ra chúng ta đã được dạy dỗ là phải đánh giá người khác dựa trên tính cách. Nhưng khi đối mặt với một người đẹp, mọi thứ vượt ra khỏi khuôn khổ. Sắc đẹp trở thành điều quan trọng duy nhất. Điều này nói với tôi rằng ngài Darwin hoàn toàn chính xác. Chúng ta có nguồn gốc từ động vật. Có những bản năng động vật nào đó, ví dụ như hay bị cuốn hút bởi sắc đẹp, đã trở thành nền tảng trong bản chất của chúng ta và vượt qua mọi dấu ấn của nền văn minh. Vì thế chúng ta lãng mạn hóa cái đẹp, bởi chúng ta xấu hổ vì vẫn dễ bị nó tác động như thế cho đến ngày nay.”

Khán giả lao xao trước những quan điểm khác thường và cứng rắn của anh ta.

“Điều này có nghĩa ngài không thích người đẹp, thưa ngài?”

“Tôi thích người đẹp, nhưng giống như thích một điếu thuốc, và hiểu rằng cho dù nó mang đến những khoái cảm tạm thời, nó hoàn toàn vô nghĩa, và thậm chí có thể có hại trong một thời gian dài.”

“Đó là một quan điểm cực đoan về sắc đẹp.”

“Sắc đẹp xứng đáng với tất cả những ý kiến đó,” công tước lạnh lùng nói.

“Chị có thể sẽ gặp một chút khó khăn hơn dự liệu ban đầu, Venetia ạ.” Helena nói khẽ.

“Công tước rõ ràng là kẻ gây phiền phức.” Và Venetia đang nảy sinh một sự thích thú khá mạnh mẽ với anh ta, một sự thích thú có lẽ mạnh hơn sự thích thú dành cho một người em rể tiềm năng.

Một anh chàng trẻ tuổi đứng phắt dậy. “Thưa ngài, nếu tôi hiểu đúng ý ngài, ngài đã tuyên bố rằng về cơ bản, tất cả phụ nữ xinh đẹp đều không đáng tin.”

Venetia tặc lưỡi. Công tước không hề nói như thế: Anh ta đưa ra một lập trường trung lập trong việc đánh giá sắc đẹp. Phụ nữ đẹp, cũng như tất cả những người phụ nữ khác, nên được tiếp cận và đánh giá dựa trên những khía cạnh khác hơn là chỉ dựa vào diện mạo bề ngoài. Và điều đó thì có gì sai?

“Nhưng phụ nữ đẹp về cơ bản thì không đáng tin,” công tước trả lời.

Venetia cau mày. Không phải câu chuyện cũ tẻ nhạt đó chứ. Điều đó cũng tệ hại như việc đặt sắc đẹp ngang hàng với phẩm giá. Tồi tệ hơn, có lẽ thế.

“Một phụ nữ đẹp được khao khát miễn là nhan sắc của cô ta vẫn còn, được tha thứ cho tất cả những sai lầm, và không bao giờ bị yêu cầu bất cứ điều gì hơn là phải xinh đẹp.”

Venetia khịt mũi. Giá mà như thế.

“Nhưng thưa ngài, chắc chắn tất cả chúng ta đều không mù quáng đến mức ấy,” anh chàng trẻ tuổi tranh luận.

“Vậy thì cho phép tôi trình bày vài bằng chứng giai thoại nhé. Những bằng chứng giai thoại không cấu thành nên luận cứ. Nhưng khi nghiên cứu về vấn đề tâm linh con người, những luận cứ xác đáng, chân thật là không thể, vì thế chúng ta sẽ phải sử dụng bằng chứng kiểu này.

Vài năm trước, tôi ghé qua Luân Đôn vào nửa cuối tháng Tám, một thời điểm mà toàn bộ xã hội thượng lưu nước Anh rời bỏ thành phố và chuyển về nông thôn. Câu lạc bộ của tôi trống không, ngoại trừ tôi và một người đàn ông khác.

Tôi biết người đàn ông này vì đã có người chỉ cho tôi biết rằng anh ta là chồng của một phụ nữ rất đẹp. Anh ta nói qua loa về vợ mình và cảnh báo rằng một người đàn ông không nên thèm muốn cô ta trừ phi muốn trở thành như anh ta.

Đối với tôi, cuộc nói chuyện đó thật khó chịu. Nó cũng không có nghĩa lý gì, cho đến khi tôi đọc được cáo phó của anh ta trên báo vài ngày sau đó. Tôi có tìm hiểu và được biết không những anh ta đã phá sản, mà còn gánh chịu những khoản nợ rất lớn ở nhiều cửa hàng trang sức. Cái chết của anh ta suýt nữa đã gây ra một cuộc điều tra chính thức.”

Có gì đó kêu lên lanh lảnh trong đầu Venetia. Người phụ nữ này, người rõ ràng bị công tước đổ tội giết chồng mình…Có thể nào anh ta đang nói về cô không?

“Người vợ góa phụ của anh ta tái giá khoảng gần một năm sau đó, với một người đàn ông già hơn và rất giàu có. Tin đồn lan truyền rằng cô ta lén lút ngoại tình với bạn thân của người chồng mới. Và khi ông ta nằm chờ chết ở trên giường, cô ta thậm chí không màng đến việc ở bên ông ta. Ông ta chết trong cô đơn.”

Anh ta đang nói về cô, chỉ là với những sự thật đã được bóp méo ghê gớm. Cô muốn bịt tai lại, nhưng cô không thể di chuyển. Cô thậm chí không thể chớp mắt, mà chỉ có thể nhìn chằm chằm vào anh ta với ánh mắt đui mù của một bức tượng.

Những chỉ trích về cuộc hôn nhân thứ hai làm cô đau nhói, nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm, chính cô đã giúp lan truyền vài tin đồn đó. Nhưng điều anh ta nói về Tony, bằng những lời nói của chính Tony chứ không ai khác, ám chỉ rằng Tony sẽ không tự sát nếu không phải vì cô…

“Cực kỳ nhẫn tâm, người đẹp của chúng ta.”

Bài phát biểu của anh ta đã chậm lại rồi sao? Từng âm tiết treo lơ lửng bất tận trong không khí, một bầu không khí sáng rực với ánh sáng chiếu xuống từ cửa trời, hàng nghìn hạt bụi bị mắc trong ánh sáng trắng gay gắt.

“Anh nghĩ rằng tai tiếng sẽ bám theo cô ta sao?” Công tước cứng rắn tiếp tục. “Nhưng không, cô ta được chào đón ở mọi nơi và thường xuyên nhận được những lời cầu hôn. Dường như không ai nhớ đến quá khứ của cô ta. Vì thế, phải, tôi tin rằng phần lớn chúng ta thực sự mù quáng.”

Có những câu hỏi khác. Venetia không nghe thấy chúng. Cô cũng không thực sự nghe thấy câu trả lời của công tước, ngoại trừ giọng nói của anh ta, giọng nói xa xăm, rõ ràng, không thể lẩn tránh đó.

Cô không biết bài diễn thuyết kết thúc lúc nào. Cô cũng không biết công tước rời đi lúc nào hay khán giả nối đuôi nhau về hết lúc nào. Giảng đường tối đen và vắng tanh khi cô đứng lên, cô gạt cánh tay của em gái ra khỏi tay mình, và lao ra ngoài.

*

* *

“Em vẫn không thể tin rằng chuyện này lại xảy ra,” Millie nói, ấn một tách trà nóng khác vào tay Venetia.

Venetia không biết cô đã uống hết tách trà trước đó, hay là nó đã nguội và được mang đi.

Helena đi lại trong phòng khách, bóng người cô trải dài và gầy gầy trên tường. “Chuyện này có rất nhiều lời nói dối và nhiều người nói dối. Gia đình ông Easterbrook chắc chắn là một mớ người đặt điều. Townsend cũng rất có khả năng trong chuyện đó. Và chị, Venetia, cũng góp phần hỗ trợ cho bọn họ.”

Đó là sự thật, Venetia đã có phần dối trá. Đôi khi có người cần được bảo vệ; đôi khi thể diện cần được duy trì; và đôi khi lòng kiêu hãnh của chính cô phải được giữ vững, để cô có thể ngẩng cao đầu ra ngoài làm việc, ngay cả khi tất cả những gì cô muốn là co rúm người vào một góc.

“Tất nhiên công tước không phải là một kẻ nói dối,” Helena tiếp tục. “Nhưng anh ta đã nói một cách bất cẩn đáng trách, đưa ra một loạt những tin đồn không có căn cứ như thể chúng nằm trong Bách khoa toàn thư nước Anh. Không thể tha thứ được. Chúng ta chỉ có thể cảm tạ rằng người Mỹ đã nghe đến hoàng tử xứ Wales và công tước của Marlborough, họ không biết về Venetia và không thể đoán được danh tính của chị từ những gì anh ta nói.”

“Tạ ơn Chúa vì ân huệ nho nhỏ đó,” Millie lẩm bẩm.

Helena dừng lại trước ghế của Venetia và cúi đầu xuống để mắt cô ngang tầm mắt Venetia. “Hãy tự trả thù cho mình, Venetia. Hãy làm anh ta yêu chị, sau đó bỏ anh ta đi.”

Những suy nghĩ đen tối, náo động đã chằng chéo trong đầu Venetia như một đám mây đen trên tháp Luân Đôn. Nhưng lúc này, khi cô nhìn vào đôi mắt cương quyết, lạnh lùng của em gái, quá khứ trôi đi, và những suy nghĩ về Lexington cũng lùi xa.

Helena. Helena là một phụ nữ đưa ra những quyết định với sự tàn nhẫn đáng sợ.

Nếu Helena đã thực sự quyết định rằng Andrew Martin xứng đáng với những phiền phức đó, thì con xúc xắc đã được quăng, tấm ván đã đặt xuống, cây cầu đã được bắc qua sông và bốc cháy. Millie, Fitz và Venetia có thể cố gắng nếu họ muốn. Họ không thể thay đổi quyết định của em gái mình, không thể với bất kỳ phương tiện nào đang nắm trong tay.

Venetia chỉ có thể chúc mừng rằng đầu óc cô đã tê liệt gần hết. Cô không thể cảm thấy bất kỳ sự kinh hoàng nào trong lúc này…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện