Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 26



Dải lĩnh trắng dài treo cao nơi linh đường. Tuy hiện giờ là thời điểm rét nhất mùa đông, lại vừa có tuyết rơi nên càng rét, nhưng trong linh đường không quá lạnh lẽo. Tiếng khóc than rầm trời. Đường Thận đội mũ rơm, mặc áo sô gai đặt chân vào linh đường tại Lương phủ. Trước mặt cậu, nha hoàn đầy tớ trong phủ khóc tang thê thiết.

Lương Tụng cưới vợ từ khi còn trẻ, vợ chồng ông đã từng có một đứa con trai. Tiếc rằng Lương phu nhân qua đời sớm, đứa con độc đinh của ông cũng mất vì bệnh tật mười năm trước, kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh.

Từ Tuệ là cháu họ của Lương Tụng, người thân gần gũi nhất với ông còn sót lại.

Từ Tuệ đội mũ rơm, quỳ bên quan tài, thả vàng mã vào ngọn lửa trong chậu sành. Những họ hàng khác trong nhà họ Lương ở phủ Cô Tô cũng tới đưa tang. Trước đây, Đường Thận chưa từng thấy tiên sinh gặp gỡ họ hàng bao giờ, nhưng hôm nay tất cả mọi người tề tựu đông đủ, tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đường Thận quỳ xuống, dập đầu lạy tiên sinh ba lạy, hóa một nắm tiền giấy.

Từ Tuệ ngước mắt nhìn cậu, Đường Thận nói: “Em với anh cùng tiễn tiên sinh.”

Từ Tuệ không nói nên lời, gật đầu.

Quan tài được quàn ở Lương phủ bảy ngày. Sáng sớm ngày thứ tám, mọi người đưa linh cữu về nơi an táng. Từ Tuệ đi đầu, nâng bài vị của Lương Tụng. Đi sau là bà con phương xa của nhà họ Lương. Đường Thận tuy là học trò của tiên sinh nhưng không phải ruột thịt, nên cậu đi bên cạnh quan tài.

Đường Thận nhẹ nhàng đỡ lấy đế áo quan, như thể đang khiêng nó đi vậy.

Bồn âm dương được đập trước bia mộ1. Mọi người lần lượt dập đầu. Đường Thận nói lời từ biệt với Từ Tuệ, hai người chia tay. 

[1] Sau khi đập bồn âm dương thì quan tài mới hạ huyệt. Thường con trưởng của người qua đời (tức người thừa kế phần lớn tài sản) là người đập bồn.

Đường Thận về đến nhà, đang định cởi mũ rơm và áo tang, bỗng thấy Đường Hoàng dè dặt núp sau cánh cửa, lặng lẽ quan sát cậu. Đường Thận thấy thế, ngoắc em lại hỏi: “Làm gì mà thập thà thập thò thế? Anh còn phải thay quần áo, em định đứng ngắm à?”

Đường Hoàng: “Anh, anh đừng có linh tinh. Em không thèm nhìn anh thay quần áo đâu. Anh à, anh… Anh đừng buồn nhé.”

Đường Thận trầm mặc chốc lát: “Anh buồn lắm chứ. Tiên sinh đối đãi với anh tốt vô cùng, anh chẳng bao giờ nghĩ rằng ông lại ra đi như thế.”

“Mấy hôm trước, buổi tối em còn thấy anh lén chùi nước mắt vào chăn.”

Đường Thận: “Lẩm bẩm cái gì thế?”

“Không có gì đâu, anh ơi, nếu anh khó chịu thì nói với em nhé.”

Đã nhiều hôm, nụ cười mới lại nở trên môi Đường Thận: “Mới có tí tuổi đầu thì biết cái gì. Thôi, có tấm lòng là quý rồi.”

Lương Tụng đã đi xa, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Để túc trực bên linh cữu thầy, Đường Thận đã xin nghỉ mười ngày ở học viện. Tang lễ kết thúc, cậu lại quay về đi học. Tôn Nhạc thấy cậu thì định gọi xong lại thôi. Chú béo Tôn ngập ngà ngập ngừng bước tới, nói: “Đường Thận, nếu cậu buồn thì đừng cố nhịn trong lòng. Năm ngoái cụ tớ mất, bà là người hiểu tớ nhất trên đời, tớ đau lòng mất nửa năm mới nguôi ngoai.”

Đường Thận liếc chú ta: “Tớ biết cậu có lòng tốt với tớ rồi. Yên tâm, đã mấy hôm rồi, tớ cũng nên trở lại bình thường thôi.”

Tôn Nhạc gật đầu.

Đường Thận nghỉ học để thủ linh và cùng Từ Tuệ đi đưa ma. Là học trò, cậu đã tận tình tận nghĩa. Nỗi đau của Đường Thận, Tôn Nhạc luôn để mắt đến. Hôm nay chú ta nhận ra, tuy Đường Thận vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai, nhưng cậu đã bắt đầu chấp nhận sự thật.

Tôn Nhạc: “Cậu nói xem, nhiều đại nho chết theo Chung đại nho như thế, rốt cuộc có đáng giá không?”

Đôi mắt Đường Thận ánh lên sự quả quyết: “Đáng lắm chứ!”

“Hả? Đáng chỗ nào cơ, tớ chẳng thấy. Tình cảm sâu đậm giữa mấy đại nho, văn nhân ấy tớ chịu không hiểu nổi. Tớ á, còn muốn sống thêm vài chục năm nữa, ăn thêm nhiều món ngon nữa. Nếu đỗ cử nhân, tớ sẽ sống sướng như tiên, phần đời còn lại thế là coi như mĩ mãn. Ôi chao, Đường Thận, sao cậu không nói gì cả? Sao cậu đọc Lễ Ký thế? Hay là cậu có cách biết quan chủ khảo thi Hương năm nay thích Lễ Ký rồi hả?”

Đường Thận nói: “Tập trung đọc sách của cậu đi! Lúc nãy còn bảo an ủi tớ, sao bây giờ lải nhải phiền thế, đúng là đồ nắng mưa thất thường!”

Tôn Nhạc: “…”

“Có mà cậu nắng mưa thất thường ý.”

Thầy giáo Tiễn bước vào lớp học, bắt đầu giảng bài. Tâm trí của Đường Thận từ từ bay đi.

Suốt bảy ngày quỳ gối canh giữ bên quan tài tiên sinh trong linh đường, không có lúc nào Đường Thận không nghĩ về lí do tiên sinh tuẫn táng theo Chung đại nho cả.

Khí tiết của cổ nhân là thứ Đường Thận không thể giải thích được. Nếu chỉ La đại học sĩ và Lương Tụng chết theo Chung đại nho, Đường Thận có thể lí giải rằng họ cùng chết vì chí hướng của bản thân, vì một lí tưởng cao thượng mà cậu không hiểu rõ.

Thế nhưng, ngày ấy, Đại Tống mất bảy đại nho!

Đảng Tùng Thanh sau một đêm gần như bị xóa sổ.

Đảng phái này hai mươi sáu năm trước sau chính biến đã chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Hôm nay, những đại nho còn sót lại mà người dân trong thiên hạ biết tên đều không ngần ngại đưa tim lên lưỡi dao, lấy cái chết tỏ chí.

Đúng, chỉ có thể lí giải rằng họ lấy cái chết để tỏ chí không sờn.

Thứ “chí” ấy là gì, Đường Thận suy nghĩ tròn bảy ngày, rốt cuộc đã giác ngộ.

Hai mươi sáu năm trước, Thái phó Thái tử là Chung Thái Sinh phụ trợ Thái tử dẫn tư binh xông vào hoàng cung, mưu đồ bức vua thoái vị. Thái tử bị thánh thượng đương thời, lúc đó là nhị hoàng tử, bắn chết trước cổng cung. Chung Thái Sinh bị giam vào thiên lao. Từ đó về sau, Tùng Thanh đảng như mặt trời ban trưa tức thì bị coi là nghịch tặc, môn nhân tan rã hết.

Sử sách xưa nay luôn viết theo lời người thắng cuộc.

Chung Thái Sinh là phản đảng nghịch tặc, Thái tử là nghịch tử bất hiếu, sự thật này đã được ghim vào những trang sử đẫm máu, lưu truyền mãi không tài nào thay đổi. Chính vì thế, bảy đại nho kia đành dùng chính mạng sống của mình tỏ chí. Dẫu hi vọng có nhỏ nhoi đến mấy, họ cũng muốn nói với hậu thế sự thật rằng Thái tử và Chung Thái Sinh vô tội!

Nghĩ đến đây, nỗi hận trào dâng trong lòng Đường Thận như cơn sóng. Chợt cậu nở nụ cười. Cậu nhớ tới một việc.

“Tiên sinh, điều đáng buồn nhất là thầy không biết, có sáu đồng liêu khác cũng lựa chọn giống thầy!”

Hôm ấy Đường Thận rời khỏi Lương phủ, Lương Tụng còn dặn dò cậu đọc Xuân Thu nhiều vào, bởi La đại học sĩ thích kinh Xuân Thu. Ông hoàn toàn không biết La Chân đã đi theo Chung Thái Sinh trước ông một bước rồi. Ông cũng không biết, ở năm nơi khác trên lãnh thổ Đại Tống, có năm người cũng từng là bạn bè với ông, đều lựa chọn bước trên con đường không lối thoát.

Vậy có đáng không?

Đường Thận thấy không đáng.

Nhưng Lương Tụng thấy đáng, La Chân thấy đáng.

Năm thành viên khác của Tùng Thanh đảng thấy đáng!

Thế là được rồi.

Mười sáu tháng Giếng, phủ doãn Cô Tô – Lương Tụng thắt cổ tự sát. Bách tính Cô Tô xót thương vô hạn, không ai bảo ai, tất cả cùng để tang ông. Hai tháng sau, kì thi Huyện mới lại bắt đầu. Khi ngày thi cuối cùng khép lại, phủ Cô Tô đã khôi phục dáng vẻ xưa.

Với học sinh trong học viện Tử Dương mà nói, họ đau lòng vì sự ra đi của các đại nho, nhưng càng khốn đốn hơn vì không biết quan chủ khảo thi Hương năm nay là nữa.

Tôn Nhạc vỗ án tru tréo: “Tại sao La đại học sĩ lại tự vẫn chứ?”

Đường Thận: “Thời gian tru tréo của câu đủ để đọc mấy lượt sách rồi đấy. Khéo đọc trúng đề thi Hương năm nay rồi cũng nên.”

Tôn Nhạc: “Nói dễ như bỡn ý nhỉ. Đọc trúng thì sao, Tứ thư Ngũ kinh tớ thuộc làu làu đấy, nhưng đề kì trước có đụng chạm tí gì đâu? Đọc mà không viết được thì đọc làm gì?”

Hai người chí chóe với nhau một hồi, chợt một tú tài lớp khác đứng ngoài cửa réo tên Đường Thận: “Đường Thận, có người tìm cậu kìa, trông có vẻ gấp lắm.”

Đường Thận đi ra ngoài học viện thì thấy Diêu Tam đang đứng chờ cậu, trán đẫm mồ hôi.

Thấy Đường Thận, Diêu Tam cuống quýt: “Tiểu đông gia, không xong rồi, lầu Tế Hà gặp chuyện!”

Sắc mặt Đường Thận lạnh toát.

Hai người vội vã chạy tới lầu Tế Hà. Từ xa đã thấy người ta bu đông bu đỏ một góc Toái Cẩm Nhai. Mọi người xúm xít quanh cửa lầu, có vẻ là đang hóng hớt. Không biết ai hét lên “Đường tiểu đông gia lầu Tế Hà đến kìa”, khiến tất cả mọi người dạt ra nhường lối. Đường Thận tiến tới nơi thì thấy một gã đàn ông trung tuổi đang nằm vật trên cáng, ôm bụng lăn lộn thét gào.

Đứng cạnh gã là một mụ béo đẫy đà, nhác thấy Đường Thận là nhảy bổ vào đánh.

Diêu Tam gạt mụ ra: “Mụ làm cái trò gì thế?”

Mụ ta quang quác cái mỏ: “Tao làm gì ấy hả? Các ông các bà đến mà xem, lầu Tế Hà của Đường tiểu tam nguyên toàn bán thức ăn thiu thối, định giết người đây mà! Hôm qua chồng tôi đến đây ăn một bữa, lúc ăn đã thấy có vị lạ như bị ôi, về thì thổ ra cả đêm, hôm nay vẫn chưa khỏi. Chồng tôi mửa sắp chết đến nơi rồi! Đường Thận, mày mà không ăn nói cho rõ ràng, tao sẽ đập toang cả lầu Tế Hà nhà mày nhé!”

Đường Thận cười phá lên: “Già mồm nó vừa vừa thôi! Bằng chứng đâu mà mụ dám nói chồng mụ ăn ở lầu Tế Hà xong bị đau bụng? Vừa ăn cướp vừa la làng phỏng?

Diêu Tam: “Tiểu đông gia, vừa ăn cướp vừa la làng là sao?”

Đường Thận sôi me lắm rồi nhưng vẫn cười mỉa mai: “Chuyện là có một người cầm món đồ sứ đi trên đường va vào người tôi. Gã ta cố tình thả tay ra, món đồ rơi vỡ tung tóe. Thế mà gã lại đổ vấy cho tôi làm bể đồ của gã, anh nói xem có tài không cơ chứ lại!”

Quần chúng vây quanh đều cười phá lên: “Ha ha ha ha, vừa ăn cắp vừa la làng, so sánh này thật là thú vị!”

Mụ vợ sồn sồn kia cáu điên: “Á à, chúng mày định chối phỏng? Bọn mọt sách chúng mày mồm mép điêu ngoa, tao không nói lại mày được. Nhưng hôm qua chồng tao đến lầu Tế Hà ăn có gặp đồ tể Lý khu Đông, lại còn chào hỏi người ta nữa. Tao sẽ gọi lão đến đây để lão làm chứng, chồng tao ăn đồ ăn nhà mày xong thì đau bụng!”

Chẳng bao lâu, mụ đã dẫn ngay đồ tể Lý đến.

Đồ tể Lý chứng thực: “Đúng rồi, hôm qua lúc tôi đến ăn ở lầu Tế Hà thì đã gặp Triệu Tứ.”

Mụ kia đắc thắng: “Mày còn cãi nữa không?”

Đường Thận càng nghe càng ghét, chỉ nhìn chằm chằm mụ sồn sồn kia và gã đồ tể Lý. Diêu Tam nói: “Ai mà biết mấy ông bà có thông đồng với nhau đi ăn vạ không?”

Đường Thận xua tay: “Đừng nói thế. Hôm qua đúng là bọn họ đã ăn uống ở lầu Tế Hà.”

Mụ kia hí hửng: “Mày chịu nhận rồi hả? Hay lắm, có cần tao mời Lưu đại phu ở hẻm Đồng Lý sang chứng thực rằng, chồng tao ăn ở chỗ mày xong thì nôn mửa từ chiều qua đến giờ chưa khỏi không?”

Đường Thận: “Mụ mời ông ấy đến đi.”

Mụ kia nhanh nhẹn gọi Lưu đại phu đến. Lưu đại phu làm chứng: “Đúng rồi, hôm qua Triệu Tứ được vợ đưa đến y quán nhà tôi, đích thân tôi thăm bệnh cho anh ta.”

Mọi người ồ à hết cả lên.

“Lầu Tế Hà bán thức ăn ôi thiu thật à?”

“Sợ quá, không ngờ tiệm lớn như lầu Tế Hà mà làm ăn thất đức vậy!”

Đường Thận hỏi: “Lưu đại phu, ông chẩn đoán anh này mắc bệnh gì ạ?”

“Ngộ độc, chắc là ăn phải cái gì gây đau bụng. Tôi đã kê cho anh ta mấy thang thuốc, cứ uống đúng hạn thì hai ngày là đỡ. Cụ thể nữa thì tôi không rõ, có vô số nguyên nhân gây đau bụng nôn mửa, ai mà biết anh ta ăn phải cái gì.”

Đường Thận: “Thế mà tôi lại biết đấy.”

Quần chúng sửng sốt.

Đường Thận: “Diêu Tam, anh lấy hóa đơn ra đây.”

Diêu Tam: “Có ngay!”

Diêu Tam chạy vào lầu Tế Hà, lấy một xấp giấy dày từ chỗ quản lí. “Tiểu đông gia, toàn bộ thức ăn khách đã gọi vào trưa hôm qua đều ghi lại ở đây.”

Mụ kia hốt hoảng, cả Triệu Tứ đang lăn lộn dưới đất cũng ngớ người.

Ai mà ngờ lầu Tế Hà làm ăn không giống người thường. Đừng nói là cả phủ Cô Tô này, thậm chí khắp cả Đại Tống, lấy đâu ra tửu lầu nào ghi lại từng món khách hàng đã đụng đũa cơ chứ?

Đường Thận lật đống giấy, rút ra một tờ: “Ngày mười chín tháng hai, giờ ngọ ba khắc, da đen, dáng thấp lùn, má trái có bớt nâu. Phải lão không, Triệu Tứ?”

Mọi người vây xem xì xào: “Đúng rồi, Triệu Tứ có vết bớt nâu trên má trái kia kìa.”

Đường Thận: “Rồi, nếu đúng là lão, chứng tỏ lão có đến lầu Tế Hà dùng bữa.”

Mụ vợ nói như băm như bổ: “Thế mày còn chối gì nữa?”

Đường Thận: “Mụ chờ ta nói xong đã. Trưa hôm qua lão ăn một khay thịt dê lát mỏng, một khay măng, một khay cải ngồng… một khay giá đỗ. Lão nói xem, cái món mà lão ngờ rằng gây đau bụng là món nào?”

Triệu Tứ: “Tao nhớ thế quái nào được, tóm lại là đồ nhà mày làm tao bị đau bụng.”

“Hừ, vợ lão vừa bảo lão vừa đụng đũa đã thấy mùi vị có vấn đề, sao hôm nay đã quên tịt rồi?”

Triệu Tứ giật mình, vội lấp liếm: “Giá, là cái khay giá cuối cùng ấy! Lúc khay giá đấy được bưng lên tao đã thấy không ổn rồi, giá bị thối hết, nhưng tao nghĩ bụng lầu Tế Hà là tửu lầu to như thế, sao có thể bán thức ăn hỏng được, nên vẫn cứ ăn.”

Mụ vợ hùa theo: “Mọi người nghe rõ rồi đúng không, người ngu đến mấy cũng biết không được ăn giá thối. Ông xã nhà tôi nếu không ăn thì đã không bị nôn mửa thế này!”

Giá đỗ cũng chính là mầm đậu. Ai cũng biết không được ăn giá thối, bởi ăn sẽ trúng độc ngay.

Đường Thận: “Diêu Tam, anh tra rõ cho tôi, lúc Triệu Tứ ăn ở tửu lầu nhà ta thì còn những ai khác cũng gọi giá. Anh hãy dẫn tất cả bọn họ đến đây, để tôi xem giờ họ ra sao rồi, có phải đều ngộ độc hết không!”

Diêu Tam lập tức tìm được trong chồng hóa đơn hai người nữa, hai người này đều ngồi gần với bàn của Triệu Tứ và đều gọi giá. Một người tình cờ bán hàng ở ngay cạnh đó, anh ta được Diêu Tam gọi sang thì ngạc nhiên lắm: “Tôi đúng là có ăn giá, nhưng khay giá của tôi không bị hư.”

Đường Thận: “Triệu Tứ, lẽ nào lầu Tế Hà của ta rắp tâm hại một mình lão, phục vụ riêng lão một khay giá hỏng?”

Triệu Tứ bò lồm cồm dậy, gân cổ: “Ai mà biết có phải chỉ mỗi khay giá đó bị thối không, mày đừng có chối vòng quanh!”

Đường Thận cười phá lên: “Được, lão nói cái khác có khi ta chẳng tài nào chứng minh được, nhưng ai bảo lão cứ phải vin vào cái cớ ngộ độc giá. Diêu Tam, anh xuống nhà bếp bắt một con gà lên đây. Thưa các vị hương thân phụ lão, nhà ai có giá thối, Đường Thận đây xin mua với giá mười lạng bạc trắng.”

“Nhà tôi có!”

Gà và giá thối đều đã có, Đường Thận thẳng thừng đút cả khay giá cho con gà.

Trước mặt bao người, con gà bắt đầu nôn ọc ra.

Triệu Tứ đắc ý: “Thấy chưa, hôm qua tao cũng bị y như vậy, đến hôm nay thỉnh thoảng vẫn nôn mửa!”

Đường Thận: “Nói láo không biết ngượng mồm! Triệu Tứ, lão biết con gà này còn sống được bao lâu chứ?”

“Hả?”

“Đường Thận này cá với lão, kể từ hôm nay, nếu con gà này sống quá một tháng, ta bồi thường cho lão một trăm lạng bạc. Nếu nó sống không nổi một tháng mà Triệu Tứ lão sống nổi, thì lão phải đứng trước lầu Tế Hà rửa oan cho tửu lầu nhà ta, dập đầu một trăm cái. Lão có dám cược không?”

Giá đỗ là mầm của hạt đậu.

Giá đỗ bị thối sẽ sản sinh ra Aflatoxin, một loại độc tố từ nấm. Độc này có cả trong lạc mốc hay đậu tương mốc, còn nguy hiểm cho con người hơn cả thạch tín. 

Đường Thận không tin có ai ăn hết một khay giá hỏng mà vẫn sống phây phây!

Sắc mặt Đường Thận lạnh buốt, dọa cho Triệu Tứ sợ toát mồ hôi. Gã rất muốn cược với Đường Thận, nhưng sự tự tin của cậu khiến gã không có gan nói có. Cứ mở mồm rồi lại ngập ngừng, Triệu Tứ không nhả ra được chữ nào cả. Mụ vợ cay cú của lão cũng bị Đường Thận làm cho choáng váng, nhưng mụ ta vẫn cố già mồm: “Ai… ai mà thèm cá cược với mày! Nhỡ chồng tao nhớ nhầm thì sao? Đúng rồi, chồng tao không ăn phải giá thối, mà là măng, chắc chắn khay măng bị hỏng!”

Đường Thận: “Lúc thì bảo là giá, lúc thì bảo là măng. Được thôi, Diêu Tam, anh lại tìm cho tôi những người ăn măng cùng lúc với Triệu Tứ trong ngày hôm qua. Triệu Tứ, ta với lão cùng lên công đường cho Cổ huyện lệnh thẩm vấn! Đầu tiên lão phỉ báng ta, nói rằng ăn thức ăn ở lầu Tế Hà làm lão bị đau bụng. Đường Thận này đường đường là tú tài, là người đỗ đạt công danh, thường dân như lão lên công đường với ta, nếu ăn nói bừa bãi hàm hồ, thì lão cứ liệu hồn xơi mười đại bản!”

Triệu Tứ sợ vỡ mật, ngã bệt xuống.

Đường Thận: “Diêu đại ca, anh hãy xốc lão lên, chúng ta đi tìm Cổ huyện lệnh.”

Mọi người xúm xít xung quanh tới giờ đều rõ Triệu Tứ và vợ nói thật hay ăn vạ.

“Đi, đến gặp Cổ huyện lệnh!”

“Tất cả đi nào, chúng tôi muốn xem Cổ huyện lệnh phân xử!”

Triệu Tứ và vợ thấy hỏng việc rồi thì ba chân bốn cẳng tháo chạy. Triệu Tứ còn yếu, bị mọi người bắt lại được. Thấy Đường Thận sắp lôi cổ mình đến huyện nha tới nơi rồi, gã vội la lên: “Quản lí Vương lầu Như Ý là người thuê tôi, chính quản lí Vương lầu Như Ý đã thuê tôi. Đường tiểu đông gia, xin cậu tha cho tôi, cái thân này ăn mười đại bản thì sống dở chết dở mất!”

Lầu Như Ý ở ngay trên Toái Cẩm Nhai, chỉ cách lầu Tế Hà chừng nửa con phố. Quản lí Vương cũng đứng lẫn trong đám hóng hớt, đến đoạn Đường Thận đòi đưa Triệu Tứ lên huyện nha, lão đã quay lưng định rón rén chuồn êm rồi. Nào ngờ Triệu Tứ nói toạc móng heo ra, lão tái mặt, quay phắt lại quát: “Đồ vô lại, sao mày dám vu vạ cho tao!”

“Quản lí Vương, ông đừng có qua cầu rút ván! Chính ông bảo tôi nghĩ cách bôi nhọ, phá hoại lầu Tế Hà kia mà!”

“Mày mày mày… Mày ngậm máu phun người!”

Đường Thận: “Quản lí Vương, muốn biết lão ta có ngậm máu phun người không, tất cả chúng ta cùng gặp Cổ huyện lệnh, nghe ngài ấy phán xử là rõ!”

Quản lí Vương trố mắt, đứng ngây ra như phỗng.

Vụ việc khôi hài đến đây là kết thúc. Triệu Tứ lãnh mười đại bản, quản lí Vương chết cũng không chịu nhận tội sai sử Triệu Tứ, một mực chối bay chối biến. Cổ huyện lệnh cũng không thể bắt giam lão được. Cơ mà, lão vừa vác mặt về lầu Như Ý đã bị ông chủ tống cổ thẳng thừng: “Đồ ăn hại đái nát!”

Quản lí Vương ỉu xìu xìu, ôm bọc quần áo chạy mất hút.

Trận náo loạn này làm khổ Đường Thận liền hai ngày. Ông chủ lầu Như Ý đem quà cáp đến tận cửa, bày tỏ rằng bồi thường xong thì xin xí xóa.

Diêu Tam nhìn lễ vật trên bàn, nói: “Tiểu đông gia, viên ngoại Ngô này tử tế đấy, bồi thường khá phết. Rõ ràng quản lí Vương là kẻ bày mưu, thế mà gã cứ khăng khăng không nhận, đúng là hèn.”

“Quản lí Vương là chủ mưu thật sao?”

Diêu Tam: “Sao ạ?”

Trong một nhã tọa trên tầng hai của lầu Tế Hà, Đường Thận đứng tựa vào bệ cửa sổ, bình thản nhìn đống quà tặng trên bàn. Nào là xà phòng thơm, nào là Hoàng Kim lũ, ồ, toàn là đồ của Trân Bảo Các!

“Diêu đại ca, anh cho rằng vụ này chỉ có mình quản lí Vương nhúng tay vào ư? Chính Ngô viên ngoại mới là chủ mưu đích thực sau màn đó!”

“Hả? Chết tiệt, thế mà chúng ta lại nhận quà của lão. Tôi phải đem trả lại hết mới được!”

“Không cần đâu.”

“Tiểu đông gia?”

Đường Thận xoay người lại, phóng tầm mắt ngắm Toái Cẩm Nhai nhộn nhịp. Mặt trời đã ngả về Tây, quán xá dọc đường Toái Cẩm Nhai đều đã lên đèn. Dân cư trên con phố dài tít tắp này sẽ không bao giờ vì một người qua đời mà thay đổi. Cả phủ Cô Tô này, chẳng kể là chết một Lương Tụng, có khi ngay cả Hoàng đế chết ngắc, họ vẫn sống tiếp như ngày thường.

“Hai năm trôi qua, tôi làm xà phòng, làm xà phòng thơm, chế tạo Hoàng Kim Lũ. Rồi tôi lại kinh doanh hậu cần, kinh doanh bát hà cung. Phủ Cô Tô này có biết bao người trông sản nghiệp của tôi mà đỏ con mắt, nhưng mấy ai dám đụng đến tôi? Xà phòng thì đã có nhà họ Đường bảo vệ, vì nó thuộc về Trân Bảo Các. Nhưng Hậu cần Đường thị và lầu Tế Hà, đều là của riêng tôi.”

“Tiên sinh còn sống, chúng không dám kiếm chuyện với tôi.”

“Tiên sinh mất rồi, chúng như đàn sói khát mồi, bổ vào cắn xé.”

“Thì ra, những lúc tôi không để ý, tiên sinh đã che chở tôi nhiều đến vậy.”

Diêu Tam xót xa nhìn bóng lưng Đường Thận: “Tiểu đông gia…”

Dưới ánh chiều tà, tấm lưng gầy guộc của Đường Thận càng bé nhỏ hơn bao giờ hết. Cậu không quay mặt lại, giọng cậu nghẹn ngào: “Diêu đại ca, đến tận hôm nay, tôi mới nhận ra tiên sinh đã đi thật rồi.”

“Tiểu đông gia?”

“Tiên sinh, đã đi thật rồi…”

Đường Thận khóc nấc lên. Vào giây phút này, dẫu mang trong mình linh hồn hơn hai mươi tuổi, Đường Thận vẫn cảm thấy có thứ gì đó khoét vào tim mình sâu hoắm. Cái lỗ trống toang hoác ấy câm lặng và chết chóc quá mức chịu đựng của cậu. Cậu khóc nức nở, khóc trong tuyệt vọng, khóc vì biết rõ không còn cách nào vãn hồi tất cả, ngay cả cậu cũng không có cách nào quay ngược thời gian.

Bất giác, Đường Thận phát hiện ra, suốt hai năm qua, người đối xử với cậu tử tế nhất, chân thành nhất, thương yêu nhất vẫn luôn là người ấy.

Người thật sự đã ra đi mãi mãi rồi.

Đêm xuống, Đường Thận mặc áo lông, về nhà cùng Diêu Tam.

Vừa vào nhà, cậu đã gặp một vị khách mình không ngờ tới nhất.

Đường Thận ngẩn người, tiến lại gần: “Anh Ngu Chi.”

Từ Tuệ nhìn đôi mắt đỏ hoe của Đường Thận, vô thức hỏi: “Em khóc à?”

Suốt bảy ngày thủ linh cho Lương Tụng, Đường Thận là người khóc ít nhất. Từ Tuệ còn tưởng tính tình cậu khép kín, hoặc cảm tình của cậu với Lương Tụng chưa đủ đậm sâu. Dù gì hai người cũng chỉ có tình thầy trò vẻn vẹn hai năm mà thôi.

Đường Thận không giấu giếm: “Em nhớ tới tiên sinh, kìm lòng không đặng.”

Từ Tuệ lặng đi trong chốc lát.

Đường Thận nói: “Em cứ tưởng anh đã rời thành rồi đấy. Không phải anh sẽ nhậm chức quan huyện ở nơi khác sao? Sao giờ vẫn chưa đi thế?”

Từ Tuệ đáp: “Đúng ra là anh đi từ hôm qua đấy, nhưng lúc thu dọn di vật của đại nhân thì phát hiện ra một cuốn sách. Cuốn sách này anh chưa thấy bao giờ, nhưng hẳn là liên quan đến việc sưu tầm và ghi chép của đại nhân về phong tục và dân cư ở Cô Tô3. Chỉ có một lần anh không đi cùng đại nhân, hôm đó ngài đi với em. Hẳn em biết sách này của ai chứ?”

Đường Thận nhận sách, nói: “Đúng là trước khi em thi huyện đã theo tiên sinh đến huyện Sa Châu mượn sách. Em đã chép lại cuốn này rồi, không ngờ tiên sinh lại mượn hẳn về.”

Từ Tuệ: “Thế thì anh phải đem trả thôi. Em biết đường đến đấy chứ?”

Đường Thận mô tả khái quát cho Từ Tuệ.

Từ Tuệ nhíu mày: “Anh chưa tới huyện Sa Châu bao giờ, em tả thế anh cũng không hình dung được. Đường Thận này, mấy hôm tới em có bận không, nếu mai em rảnh, hay là đến huyện Sa Châu với anh một chuyến nhé? Chúng mình cũng trả cuốn sách lại cho chủ nhân của nó.”

Đường Thận: “Được ạ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện