Thái Dương Huyền Công

Chương 11: Khổ luyện võ công thân tuyệt kỹ - Chu quả nội đơn hoài hy vọng



Thấm thoát hai năm dài khổ luyện võ công, Vũ Văn Đức Chính cũng đã hai năm dài chất chứa trong lòng điều bí ẩn không dám tỏ bày cùng sư phụ. Đó là những kinh văn trong Lưỡng Nghi chân quyết tam thức của Âm Dương song lão quái hiệp. Vì Vũ Văn Đức Chính biết, qua lời giải thích của sư phụ đã hiểu rằng chỉ cần Vũ Văn Đức Chính tự luyện theo kinh văn này thì cũng đã quá đủ, nếu không muốn nói là thừa để có một thân võ học tuyệt thế không ai bằng.

Nhưng do đã từ lâu Vũ Văn Đức Chính thiếu vắng sự thương yêu che chở của phụ mẫu, nên Vũ Văn Đức Chính cố dằn lòng, chịu nép mình làm thân đệ tử để đổi lấy lòng thương yêu của sư phụ, bù đắp lại những thiếu vắng từ trước đó.

Và đến ngày hôm nay, Vũ Văn Đức Chính sau khi đã học hết mọi chân truyền của sư phụ, liền lấy hết can đảm tỏ bày điều mà nó đã giấu kín bấy lâu. Vũ Văn Đức Chính nói :

- Sư phụ! Đồ nhi có một điều muốn tỏ bày cùng sư phụ, mong sư phụ thứ cho đồ nhi đã giấu kín, không nói hết mọi điều với sư phụ ngay buổi đầu gặp gỡ.

Sư phụ của Vũ Văn Đức Chính nào phải kẻ kém trí nhận xét. Nếu không thể nói là đạo nhân đã đạt mức vạn sự thông mà đạo nhân không dám vỗ ngực tự xưng. Đã hai năm theo dõi sự chuyên cần khổ luyện của Vũ Văn Đức Chính, đã biết phụ thân của Vũ Văn Đức Chính là ai, và đã hiểu tường tận tánh khí của Vũ Văn Đức Chính, đạo nhân càng ngày càng yên tâm về bản chất và đạo lý làm người của đồ đệ dấu yêu. Đạo nhân không còn sợ thu lầm kẻ ác tâm làm đệ tử, gây nên mối đại họa cho giang hồ.

Nhưng vẫn có một điều làm cho đạo nhân áy náy không yên, đó là sự ưu tư, trầm mặc của ái đồ càng lúc càng nặng nề trên gương mặt.

Nhưng đạo nhân vẫn yên lòng chờ đợi, hy vọng rằng rồi sẽ cũng có một ngày Vũ Văn Đức Chính sẽ nói ra.

Và đúng như thế thật, đạo nhân vẫn hiền hòa gương mặt nói :

- Không sao! Nếu con xét rằng con cần phải nói cho sư phụ nghe thì con cứ nói, còn trái lại, sư phụ cũng không trách gì con.

Hai năm trời gắn bó với sư phụ, Vũ Văn Đức Chính vô hình chung đã đặt trọn niềm tin vào sư phụ, đến nỗi sự bí ẩn về phụ thân và cái chết mờ ám của phụ thân, Vũ Văn Đức Chính cũng không hề giấu. Và còn gì nữa mà không nói ra về Lưỡng Nghi chân quyết tam thức của Âm Dương song lão quái hiệp. Do đó, Vũ Văn Đức Chính bèn nói :

- Đồ nhi có lần thưa với sư phụ về việc đồ nhi vô tình vào được Tịnh Thân động của Âm Dương song lão quái, và sự lùng sục di học Lưỡng Nghi tam thức của nhị lão...

Do Vũ Văn Đức Chính chưa kể rõ cho sư phụ nghe về di thư của Dương lão, nên đến tận bây giờ Vũ Văn Đức Chính, mỗi lần nhắc đến nhị lão đều chỉ dám gọi là Âm Dương song lão quái, chứ chưa dám thêm vào chữ hiệp như trong thâm tâm nó đã nghĩ thế.

Còn đạo nhân tuy ngoài miệng nói lời trấn an đệ tử, nhưng trong lòng vẫn phập phồng lo ngại không yên. Sợ điều mà Vũ Văn Đức Chính sẽ làm cho ông ta ngỡ ngàng. Đến khi chỉ nghe Vũ Văn Đức Chính nói lại về Âm Dương song lão quái, đạo nhân không giấu được tiếng thở dài. Rồi đạo nhân chờ đệ tử nói tiếp...

- Thật ra thì đồ nhi đã vô tình nhặt được Lưỡng Nghi chân quyết tam thức, kèm theo đó là một bức di thư của Dương lão có nội dung như sau...

Đoạn, Vũ Văn Đức Chính nhắc lại toàn bộ nội dung bức di thư nọ cho sư phụ nghe. Xong xuôi, Vũ Văn Đức Chính e ngại nói tiếp :

- Sư phụ! Không nỡ để tâm huyết một đời lọt vào tay sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang là kẻ ác nhân, đồ nhi đã hủy đi chân quyết sau khi đã học thuộc nằm lòng. Ý của đồ nhi là muốn đọc qua cho sư phụ nghe để dựa vào kiến văn của sư phụ xét xem liệu đồ nhi có thể qua đó luyện tập để dung hòa hai luồng nội lực cương nhu đang sẵn trong người đồ nhi không?

Vị đạo nhân nhìn đăm đăm vào Vũ Văn Đức Chính, điều mà vị đạo nhân lo sợ thì lại không xảy đến. Ngược lại, đây là điều vị đạo nhân không ngờ...

- Tại sao đến bây giờ con mới nói cho sư phụ nghe khi con biết rằng nếu dựa theo chân quyết Lưỡng Nghi này thì con đã là vô địch nhân, và con không phải phí phạm thời gian đến hai năm qua?

Đỏ bừng nét mặt, Vũ Văn Đức Chính ấp úng một lúc mới nói :

- Đồ nhi không dám nói vì sợ... sở học một đời của sư phụ phải thất truyền, và sợ hơn hết là đồ nhi không được gần gũi và hầu cận sư phụ như hai năm qua.

Nghe lời Vũ Văn Đức Chính nói, vị đạo nhân phải cố gắng lắm mới cầm được những giọt châu đang chực trào ra hai khóe mắt đã già.

Một lúc sau, đạo nhân mới bảo :

- Được! Con hãy đọc qua một lượt cho sư phụ nghe xem nào.

Thấy sư phụ không bắt lỗi, Vũ Văn Đức Chính liền y lời, đọc lại toàn bộ kinh văn trong Lưỡng Nghi chân quyết tam thức cho sư phụ nghe qua.

Sau một hồi ngẫm nghĩ, đạo nhân lại bảo Vũ Văn Đức Chính :

- Con nhớ không sai chứ? Được, lần này con hãy chậm rãi đọc lại xem...

Thập phần lo lắng, Vũ Văn Đức Chính vận dụng hết trí lực, nhớ lại thật đúng, và từ từ đọc lại cho sư phụ nghe một lần nữa.

Vẫn như lần mới rồi, đạo nhân sau khi nhăn tít vầng trán răn reo suy nghĩ rồi mới nói :

- Con hãy để sư phụ suy nghĩ thêm nữa mới được. Vì đây là việc hệ trọng, liên quan đến sanh mạng con chứ chẳng dễ dàng đâu.

Tuân lời, Vũ Văn Đức Chính liền rời ngay sư phụ để người suy nghĩ. Một ngày trôi qua lặng lẽ. Vị đạo nhân đã thấy bơ phờ nét mặt. Hai ngày nặng nề tiếp theo qua... sắc diện của đạo nhân không còn giữ được nét tươi nhuận hồng hào nữa.

Đến ngày thứ ba, vị đạo nhân mệt nhọc giải thích cho Vũ Văn Đức Chính nghe :

- Thật tiếc cho hai mươi năm tâm huyết của Âm Dương song lão quái. Vì theo lời lưu lại trong di thư thì chân quyết Lưỡng Nghi này do song lão hợp soạn, nhưng lại chưa từng được thí nghiệm qua. Song lão toàn là nhờ kinh nghiệm đơn phương của từng người mà nêu ra phương pháp để dung hòa nội lực âm nhu và dương cương. Song rất tiếc, đây chỉ là do song lão tưởng tượng mà ra. Họ không từng ở trong tình trạng thực tiễn như con lúc này, nên những kinh văn con có được hoàn toàn phi lý, không thể ứng dụng được. Nếu cưỡng cầu, sư phụ tin rằng con sẽ bị tẫu hỏa nhập ma, nặng thì chết, nhẹ hơn cũng thành phế nhân. Tiếc thay! Tiếc thay cho Lưỡng Nghi Âm Dương song lão quái, tâm nguyện vô phương được hoàn thành.

Không phải nói cũng biết, Vũ Văn Đức Chính thất vọng đến chừng nào. Đạo nhân phải lên tiếng trấn an :

- Thiên số! Nếu đã do trời xanh sắp bày thì sư phụ tin rằng trên bước đường hành hiệp giang hồ, con sẽ gặp một cơ may nào đó, và biết đâu con sẽ có được phương thế dung hòa được hai loại nội kình mà trời xanh đã ban cho con.

Tiếp sau đó, đạo nhân một lần nữa nhắc nhỡ Vũ Văn Đức Chính :

- Danh hiểu của sư phụ, nếu không gặp đích xác cừu nhân con không được tỏ bày cho bất kỳ ai. Riêng phần con, sư phụ cũng mong con giấu kín thân phận, kẻo thù nhân con bị đánh động sẽ trốn mất biệt, e khó trả được thù cho song thân. Còn thái độ của con đối với Âm Dương song lão quái, sư phụ không ngăn cấm con tỏ lòng kính trọng đối với song lão, nếu sau này thật sự con xác định được rõ thực hư về nỗi oan khích của song lão. Thế thôi!

Hầu cận sư phụ thêm một ngày cuối, Vũ Văn Đức Chính bịn rịn một lúc lâu trước khi giã từ sư phụ, ly khai hẳn Hỗn Nguyên loạn động. Mặc lại thân phận cũ trước đây là Văn Đức Chính, bắt đầu tung bước giang hồ, truy tìm thù gia, trả thù kẻ đã hủy hai chân của sư phụ và làm rõ sự oan khiên của Âm Dương song lão quái hiệp. Chưa kể đến việc hành hiệp trượng nghĩa trừ gian giệt bạo. Nhất là chống lại đến cùng bọn Nhất Thiên bang giả danh, lừa đời, dối người.

* * * * *

Từ tít đằng xa, nhìn về cuối chân trời, khuất lấp xa xa tận chân mây là dãy Nghiêu Long sơn cũng có hình thù tương tợ như thế. Mãnh long giương vây xòe vuốt chuẩn bị tung mình vượt biển Đông, thì Nghiêu Long sơn so với các đỉnh núi nhọn hoắc kế tiếp nhau trông chẳng khác nào vây rồng. Còn các móng vuốt thì đó chính là những vách đá cắt ngang đột ngột, tạo thành những bờ đá nhọn thều lều chực chờ vấu vào bất kỳ một sinh vật nào... một chướng ngại vật nào để tiến thẳng ra khơi xa.

Và cuối dãy Nghiêu Long sơn, nơi hướng về biển đông thì ngọn núi cao nhất, khuất dạng dưới những vòm mây mịt mù chính là đầu rồng. Đầu rồng kiêu hãnh vươn cao, cao nghều nghệu, cao tận mây xanh, và quanh năm đầu rồng giấu che vào những đám mây đen, trắng, xám... tùy vào mùa, vào thời tiết. Đúng như câu được dân gian ví von: Thần long kiến vỹ bất kiến thủ!

Và từ ngàn năm trước, đến hàng ngàn năm về sau, không biết đến bao giờ thần long Nghiêu Long sơn

- mới thoát nợ dương trần tung mình lướt vào biển khơi xa nghìn trùng, bay bổng vào không trung cao vời vợi, mặc tình thét gió gào mưa?

Chỉ biết là hiện tại, ngay lúc này cũng như hai năm về trước, dãy Nghiêu Long sơn vẫn còn nằm im đó trước mắt Văn Đức Chính (Vũ Văn Đức Chính phần do quyết tâm, phần do có lời sư phụ mách bảo, đã dùng lại cái tên tự thuở nào do chàng tự bỏ bớt một nửa đại tánh, để một lần nữa chàng lại chỉ là Văn Đức Chính).

Hai năm trước Văn Đức Chính đến Nghiêu Long sơn với tấm hình hài một đứa bé nhưng chất chứa đầy tâm hồn là một niềm tin sắc đá, không ngại chông gai nguy hiểm. Và lần này, Văn Đức Chính trở lại Nghiêu Long sơn thì đã là một trang nam nhi tuấn tú, có thần tính siêu nhiên thoát tục, phong thái tiêu dao, nhưng vẫn đầy ngập trong lòng niềm tự tin còn cao hơn trước đó nữa. Vì bây giờ Văn Đức Chính đã là một cao thủ võ lâm, đến nỗi như Ngũ Kỳ tán nhân, như lời sư phụ đã có nói, vẫn không sao bằng được Văn Đức Chính.

Do thế, đối với Văn Đức Chính bây giờ, chông gai, hiểm nguy, gian nan, trắc trở đã không còn là vấn đề gì nữa.

Cắt ngang dòng hồi tưởng về quá khứ, như chỉ mới đây thôi, Văn Đức Chính với bộ y phục trắng tuyền còn mới tinh khôi, cũng phe phẩy tay quạt màu xanh thiên thanh, đi bộ bước lần tới chỗ trước đây Văn Đức Chính đã từng theo đó tìm được lối vào Tịnh Thân động của Âm Dương song lão quái hiệp.

Nơi này vắng người như tự thuở nào vẫn quạnh quẽ như vậy, nhưng Văn Đức Chính vẫn cử bộ chậm chạp bước đi. Văn Đức Chính do muốn trở lại chốn cũ bằng những bước chân thuở xưa, của một đứa bé, nên đã không sử dụng đến thân pháp thượng thừa bằng thân nội lực cao thâm của sư phụ là đại kỳ nhân truyền thọ.

Dù vậy, tuy đích đến còn khá xa, nhưng đôi tai tinh tường thính nhạy của Văn Đức Chính đã nghe có tiếng giao tranh từ xa vẳng đến...

“Đâu như là ngay chỗ có lối đi vào Tịnh Thân động thì phải”.

Lòng thì nghĩ như vậy, nhưng Văn Đức Chính vẫn không vì thế mà bước đi nhanh hơn. “Việc gì đến ắt phải đến! Không việc gì phải vội!” Và khi chỉ còn cách địa điểm xưa chừng hai mươi trượng. Văn Đức Chính thật sự ngạc nhiên khi nhìn thấy chỗ có lối vào Tịnh Thân động, đáng lý phải có hai tảng đá nằm kề nhau che kín lối vào, thì bây giờ hai tảng đá không còn nguyên vị nữa. Chúng đã bị ai đó, chắc phải với một lực lượng hùng hậu, bẫy lăn ra xa khỏi vị trí cũ. Và con đường ruột dê nhỏ bé khi xưa, bây giờ đã được đào thêm ra, khơi rộng thêm ra, tạo thành một lối đi xuyên sơn, đủ cho một người đi lọt mà không phải khom đầu.

Sau khi đã có những nhận định như vậy, bây giờ Văn Đức Chính mới nhìn đến nhóm người đang quần thảo với nhau, ngay trước động khẩu. Do lối đi xưa kia đã khơi rộng ra, nên phải gọi là động khẩu mới hợp tình hợp lý. Và Văn Đức Chính ngỡ ngàng khi nhận diện được số người đang giao chiến này.

Họ gồm hai phe rõ rệt. Một bên là hai tên Nhất Thiên bang, có lẽ vào hàng Đường chủ trở lên vì hai tên này có thân thủ rất khá. Và còn một người nữa cùng phe với hai tên nọ. Chính nhờ vào khuôn mặt người thứ ba này, Văn Đức Chính mới dám khẳng định bọn này là thuộc hạ của Nhất Thiên bang. Đó chính là... Liễu Hà Như, Tuần giám của Tổng đàn Nhất Thiên bang, không rõ đã hai năm trôi qua, nàng ta bây giờ đang giữ cương vị gì trong Nhất Thiên bang. Nhưng do đã quen thuộc với nàng ta qua cương vị Tuần giám nên Văn Đức Chính vẫn cứ gọi nàng ta là Liễu tuần giám như lúc trước vậy.

Phe bên kia có nhân số đông hơn, nhiều hơn phe Nhất Thiên bang đến hai người. Họ gồm một đạo gia, hai tục gia và hai vị Phật môn đệ tử.

Trong số đó có hai nhân vật tục gia mà Văn Đức Chính đã có dịp biết tên, biết mặt. Đó là Hoa Sơn song kiệt, người cao lớn là Quan Hữu Sang, và người thấp bé hơn có tên gọi là Triệu Cân. Sự hiện diện của Quan Hữu Sang lúc này đủ làm cho Văn Đức Chính biết rằng khi xưa, nhờ vào chỉ dẫn của Bạch Phiến thư sinh Hàn Nhược Thuyên nên Quan Hữu Sang đã thoát tay tử thần qua độc thủ của tên Phiên Thiên Nhất Chưởng, đệ tử của Thủ Thiết chưởng phi.

Số người còn lại, một đạo gia và hai Phật môn đệ tử, thì bằng vào kiến văn uyên bác mà Văn Đức Chính được sư phụ dạy bảo, Văn Đức Chính cũng dễ dàng suy đoán họ chính là môn đồ của Võ Đang và Thiếu Lâm, hai môn phái lớn nhất trong thất đại môn phái đương thời của võ lâm Trung Nguyên.

Lúc này, Văn Đức Chính đã đường đường chính chính xuất hiện tại đương trường. Mắt thì vẫn dõi nhìn quan sát trận chiến giữa hai phe, chân thì lại từ từ đi tới động khẩu.

Sự xuất hiện của Văn Đức Chính không làm cho hai phe sửng sốt, vì họ đã phát hiện được từ xa. Nhưng trong thâm tâm họ cũng có phần nào lo ngại, không biết Văn Đức Chính có võ công hay là không qua dáng vẻ văn nhân bạc nhược bên ngoài. Và nếu là Văn Đức Chính có võ công, mười phần họ tin đến chín là như vậy, vì một văn nhân không làm sao dám cô thân độc lực đến vùng núi hoang sơn, hẻo lánh như ở Nghiêu Long sơn này. Chỉ liệu Văn Đức Chính có xen vào việc của bọn họ không? Và xen vào phía nào? Là bạn hữu hay là địch nhân đến tiếp viện cho đối thủ?

Cả hai bên cùng nghĩ như vậy trong khi vẫn tiếp tục giao tranh. Hoa Sơn song kiệt đang cùng liên thủ, bằng song kiếm cả hai đang chật vật lắm mới bình thủ được với một trong hai tên Nhất Thiên bang. Như thế đủ hiểu dưới trướng một dũng tướng không thể không có hùng binh.

Thân thủ của tên này như vậy chẳng trách nào Nhất Thiên bang Bang chủ dám khoa trương mộng làm Minh chủ võ lâm.

Ở mé khác thì vị đạo gia cũng bằng trường kiếm đang đơn đả độc đấu với tên Nhất Thiên bang còn lại.

Tên này dùng đoản côn chống cự với Vô Cực kiếm pháp của Võ Đang. Côn pháp của tên này cũng khá điêu luyện. Tuy biết rằng so về binh khí thì ngắn đi một tấc, thì nguy cho sanh mạng ít ra là một lần. Nhưng hắn ta vẫn đương trường giao đấu, có phần trên tay vị đạo gia đệ tử của Võ Đang phái.

Qua hai trận giao chiến này đủ thấy Võ Đang phái được xếp trên Hoa Sơn trong hàng ngũ thất đại môn phái không phải là không đúng.

Nhưng nếu vì thế mà nói Thiếu Lâm kém hơn Võ Đang phái thì lại không đúng. Bởi tuy hai vị Phật môn đệ tử đang liên tay đối địch cùng Liễu Hà Như mà vẫn không hơn được chút nào, nhưng đó chỉ là vì địch thủ của hai vị phật môn đệ tử chính là nữ ái đồ đích truyền của một trong Ngũ Kỳ tán nhân. Mà võ công của Ngũ Kỳ tán nhân thì trên bậc xa so với võ công của Chưởng môn nhân thất đại môn phái.

Do vậy, hai vị Phật môn đệ tử cầm cự được với Liễu Hà Như chứng tỏ rằng tuyệt nghệ của Thiếu Lâm phái không phải là yếu kém.

Liễu Hà Như nói riêng và những tên thuộc hạ của Nhất Thiên bang nói chung đều không phải là chủ đích cần tìm của Văn Đức Chính. Tuy thế, Văn Đức Chính vẫn còn dùng dằng, chưa vội theo động khẩu đi trở vào Tịnh Thân động chỉ là vì Văn Đức Chính có phần nào lo ngại cho những nhân vật võ lâm các phái. Văn Đức Chính sợ bọn họ sơ sẩy, sẽ bị người Nhất Thiên bang hạ độc thủ, và như thế thì hàng ngũ những nhân vật chính phái sẽ hao tổn đi nguyên khí. Lực lượng chống đối lại Nhất Thiên bang sẽ sa sút đi, yếu kém đi, và gánh nặng trên vai Văn Đức Chính sẽ nặng nề hơn nhiều.

Điềm nhiên, Văn Đức Chính đứng dựa lưng vào một trong hai tảng đá quen thuộc, bây giờ đã bị đẩy xa vị trí cũ và quan chiến, đề phòng thủ đoạn ám muội nếu có của Liễu Hà Như và hai tên Nhất Thiên bang đồng bọn với nàng ta.

Việc tọa sơn quan hổ đấu của tay văn nhân bạc nhược vừa xuất hiện thoạt đầu đã làm cho người thuộc hai phe phải ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó, tất cả đều tập trung tinh thần vào việc giáp chiến, không dám sơ thất.

Bằng La hán quyền và Kim Cương chưởng lực, hai vị Phật môn đệ tử càng lúc càng xuống tay trước Âm Phong Thất Tuyệt chưởng tuyệt kỹ danh chấn của Âm Phong tán nhân, của cô nàng Tuần giám Tổng đàn Nhất Thiên bang Liễu Hà Như tuyệt sắc.

Thỉnh thoảng Liễu Hà Như còn cười lên sằng sặc, cợt nhạo thân thủ của hai vị đại sư :

- Ha ha... bằng vào thân thủ này, các ngươi lại dám vi lệnh Phương trượng Chưởng môn của các ngươi chống đối lại bản bang ư? Ha ha ha...

Hoặc là :

- Còn kém lắm! Kém lắm! Thảo nào Thiên Không lão trọc lại không giữ được thiền trượng của Phương trượng, phải trao lại cho Thiên Nhất đại sư, ha ha ha...

Là những người quy y, xuất gia đầu Phật từ tấm bé, hai đại sư này không thể có mồm mép nhanh nhẩu bằng cô nàng đối thủ. Và do huệ căn chưa cao, đạo hạnh chưa đủ để xem là hư không thất tình lục dục, nên hai vị đại sư tuy miệng không đối đáp, nhưng cơn giận dữ đã bốc lên phủ kín gương mặt. Thoạt trông như những vị La Hán chầu quanh Phật tổ trên cõi Niết bàn.

Hai vị đại sư quên mất một điều căn bản tối kỵ với người luyện võ là một khi trọc khí dâng lên, huyết khí ắt sôi trào, thượng bàn sẽ bị hụt hẩng, quyền pháp chậm lại. Và chưởng kình không còn đủ uy lực cần thiết để đối chọi lại chưởng phong của đối phương.

Đúng như thế thật. Ngay sau câu nói châm chọc của Liễu Hà Như, hai vị đại sư đã gầm lên một tiếng giận dữ, quyền phong vụt ra cương mãnh nhưng... là loạn quyền, không còn theo La Hán quyền, một trong Thất thập nhị huyền công của Thiếu Lâm phái nữa. Và như vậy là hoàn toàn đúng với dự mưu từ trước của Liễu Hà Như.

Đằng kia, Hoa Sơn song kiệt sau một lúc liên thủ thấy vẫn không sao áp đảo được đối phương chỉ có một người, liên tương đồng ý kiến, qua cái hội mắt, hét lên dữ dội, vung ngay song kiếm, một tả một hữu công vào đối phương.

Tả công do Quan Hữu Sang khởi phát, do có tầm cao hơn người, nên Quan Hữu Sang theo chiêu kiếm từ mé tả chém tạt ngược lên trên, uy hiệp hẳn thượng bàn của đối phương. Còn Triệu Cân do có thân hình thấp bé, đã xả kiếm từ phía hữu của địch thủ, kéo dài xuống đan điền quyết tiện ngọt hạ bàn của địch nhân.

Đây là chiêu Song Long Đoạt Mạng, một trong những thức kiếm tuyệt kỹ của Hoa Sơn kiếm pháp. Và còn nguy hiểm hơn cho đối phương là tên Nhất Thiên bang, chiêu kiếm này không do một người ra chiêu mà đến hai người đã thành danh trên giang hồ là Hoa Sơn song kiệt cùng đánh.

Hợp kiếm này những tưởng sẽ đưa tên Nhất Thiên bang vào tuyệt lộ. Nào ngờ tên Nhất Thiên bang thân pháp và thủ pháp quả là tinh diệu.

Chỉ một cái xoay thân và nhún người, hắn đã dễ dàng tránh khỏi kiếm chiêu của Triệu Cân phía dưới hạ bàn, và mặt đối mặt với chiêu kiếm phía trên của Quan Hữu Sang. Hắn cười lên khinh ngạo, khi hắn vươn song thủ, một thì nhằm chộp vào tay cầm đốc kiếm của Quan Hữu Sang, còn tay còn lại thì hắn vỗ ngay vào mặt Quan Hữu Sang một chưởng cực kỳ bá đạo.

Nếu Quan Hữu Sang bản lãnh tầm thường thì nội một chiêu này của đối phương, một là Quan Hữu Sang chịu mất kiếm nếu muốn toàn mạng, còn không thì nát bét hết đầu, dù cho Quan Hữu Sang có chém được đối phương một kiếm.

Ngay lúc đó, mới thấy hết sự lợi hại của Hoa Sơn kiếm pháp. Quan Hữu Sang do đã quen liên tay cùng sư đệ mình trải qua nhiều trận giao chiến nên tâm ý của hai ngay lập tức tương thông với nhau.

Quan Hữu Sang vẫn giữ chiêu kiếm như cũ, đầu nhẹ nhàng lách sang một bên, không cần phải tránh thoát chưởng kình của đối phương đập vào, mà chỉ cần lách nhẹ đầu sang một bên để Triệu Cân có chỗ thích nhẹ kiếm ghim ngay vào tử huyệt Lao cung của địch nhân.

Thế là từ chiêu Song Long Đoạt Mạng, ngay tức khắc biến đổi thành chiêu Họa Long Điểm Nhãn do Triện Cân thi triển. Còn Quan Hữu Sang thì đã sẵn sàng huy động trường kiếm theo chiêu Phụng Giao Hí Cầu, khống chế đối phương nếu đối phương rụt tay về và nhảy lùi sang một bên, gần với vị thế của Quan Hữu Sang đang đứng giữ.

Chỉ trong chớp mắt, Hoa Sơn song kiệt đã hoàn toàn làm chủ tình thế khiến đối phương phải bàng hoàng lo đòn cứu nguy sanh mạng.

Và ngay lúc đó, một chớp lóe cầu vồng phát không hiện ra, đồng thời vang lên một loạt tiếng động do... trường kiếm của vị đạo gia, đệ tử Võ Đang phát va vào đoản côn của tên Nhất Thiên bang đang giao chiến cùng đạo nhân.

Choang... choang... choang...

Tên Nhất Thiên bang sau một hồi thử qua Võ Đang kiếm pháp, đã chực chờ dịp đến dịp này để nhanh chân nhập nội ngay khi đạo nhân dùng kiếm lao bổng vào địch nhân...

Đã khiến cho đạo nhân thất kinh hồn vía, lật đật thu hồi chiêu kiếm. Thay vì đánh xa đã hoành ngang trường kiếm dùng cứng đụng cứng, đỡ vào ba ngọn côn nhanh như chớp giật, điểm vào các trọng huyệt của đạo nhân.

Vừa dứt những tiếng chạm của binh khí thì tên Nhất Thiên bang đã không để mất tiên cơ.

Hắn đang tiến sát vào người đạo nhân nên nhanh như tốc vung loạn đoạn côn, dùng côn thay phán quan bút điểm vùi một lúc mười mấy chiêu uy hiệp toàn bộ những trọng huyệt trên người của đạo nhân khiến đạo nhân luống cuống tay chân, muốn dùng kiếm cũng không được mà muốn thoát ra khỏi tầm sát thương của đoản côn cũng không xong.

Tóm lại, vì sự hiện diện của Văn Đức Chính đã khiến cho cục diện trận đấu phải diễn biến nhanh hơn. Và chỉ có mỗi Hoa Sơn song kiệt là cầm chắc cái thắng, còn Võ Đang, Thiếu Lâm ba người đều đang cận kề với cái chết.

Cùng bất đắc dĩ, Văn Đức Chính buộc phải ra tay. Văn Đức Chính đường đường chính chính, quát to lên một tiếng như sấm dậy trời đông :

- Dừng tay!

Tiếng quát với sáu mươi năm nội lực phổ vào nào phải vừa gì. Nhưng tiếng quát này chỉ có tác dụng đối với những ai đang bị thất thế mà thôi. Còn đối với Hoa Sơn song kiệt, Liễu Hà Như và tên Nhất Thiên bang đang cùng vị đạo nhân giao chiến thì dễ gì họ nghe theo tiếng quát bảo mà ngừng tay lại! Vì họ đang say men chiến thắng kia mà.

Bởi thế, Văn Đức Chính thừa biết khó mà chỉ dựa vào một tiếng quát có thể ngưng ngang cuộc chiến được, nên tiếp liền sau tiếng quát có giá trị như báo động, Văn Đức Chính lập tức vẫy nhẹ tả thủ, ném chiếc quạt màu xanh xé gió bay đến cuộc chiến giữa vị đạo nhân và tên Nhất Thiên bang, bắt buộc tên nọ phải lùi thân, tránh nguy cơ bị chiếc quạt như ngọn phi tiêu nhằm đoạt mạng hắn.

Còn người Văn Đức Chính thì đã theo cái nhún chân, lao nhanh như tốc vào trận đấu thập phần kinh thiên giữa Liễu Hà Như và hai vị đại sư thuộc Thiếu Lâm phái. Tiện đà lao người, Văn Đức Chính đã xô nhẹ một luồng kình lực đẩy bắn thân hình tên Nhất Thiên bang còn lại đang bị trường kiếm của Quan Hữu Sang, một trong Hoa Sơn song kiệt nhằm đâm vào huyệt Linh Đài hậu tâm của hắn.

Khi lao đến gần bọn Liễu Hà Như ba người đang giao chiến, Văn Đức Chính nhận thấy Liễu Hà Như đã vận dụng đến độ chót của Âm Phong Thất Tuyệt chưởng vào song thủ, một chưởng lao thần tốc vào Đan Điền của một vị đại sư, còn một chưởng thì đập như búa bổ vào giữa vùng tâm thất của vị đại sư còn lại. Nàng ta không vì tiếng quát bất thình lình của Văn Đức Chính mà chậm tay hạ thủ.

Văn Đức Chính đành phải áp dụng kế sách “vây Ngụy cứu Triệu” để buộc Liễu Hà Như bỏ dở đòn đánh tối độc, hầu cứu mạng cho cả hai vị đại sư. Chẳng đặng đừng, Văn Đức Chính kêu lên :

- Xem chưởng này!

Rồi Văn Đức Chính giương hữu chưởng, đập một luồng kình lực vào Linh Đài huyệt của Liễu Hà Như.

Chỉ trong một cái chớp mắt, Liễu Hà Như đang cầm giữ sinh mạng hai đối thủ trong tay thì lại có một luồng kình lực như bài sơn đẢo hãi đang cuộn ầm ầm vào phía sau.

Tất nhiên Liễu Hà Như đành phải buông tha hai sanh mạng trước mặt, ngoặc vội song chưởng ngược về phía sau, đỡ thắng vào chưởng kình của nhân vật nào đó đang đánh vào.

Đã đạt được ý định, Văn Đức Chính liền thu chiêu về ngay. Đồng thời nhảy tạt sang một bên, nhường hai chưởng kình của Liễu Hà Như vút qua khoảng không. Một phần cũng do Văn Đức Chính không muốn thắng Liễu Hà Như bằng cách này, sợ nàng ta vừa cho Văn Đức Chính là thiếu quang minh lỗi lạc.

Nào ngờ, Văn Đức Chính vừa thu chiêu nhảy sang một bên xong thì Liễu Hà Như đã chứng tỏ nàng ta quả là dày dạn kinh nghiệm giao phong. Khi Liễu Hà Như thấy đối phương bỗng nhiên thu chiêu, không dám đối địch thì nàng ta đã cấp tốc xoay người trở lại, song thủ như có phép thần thông biến hóa đã vẫy liên tiếp về phía hai vị đại sư hai ngọn ám khí.

Hai vị đại sư bỗng nhiên được người tiếp trợ, giải nguy cho họ, thì họ đã nhanh nhẹn nhảy lùi, họ định vừa điều hòa lại chân lực, vừa quan sát kỹ xem ai là người đến cứu nguy. Do đó, họ hoàn toàn không ngờ giai nhân tuyệt sắc nọ lại tung ám khí đến hại mạng họ.

Quá đỗi bất ngờ, hai vị đại sư khi phát hiện được có ám khí đuổi theo thì kể như Nại Hà kiều đã xuất hiện ngay trước mắt.

Đòn ám toán đột ngột này đến như Văn Đức Chính cũng không sao lường trước được. Văn Đức Chính đã hoàn toàn quên Thiết Kỳ châm, loại ám khí tối độc đã thành danh của sư đồ Âm Phong tán nhân. Bởi thế, khi thấy cử động khác thường của Liễu Hà Như, lại thấy từ trong bàn tay nàng ta xuất phát ra hai điểm ngân quang thì Văn Đức Chính liền thất kinh hồn vía. Sợ cho tánh mạng của hai vị đại sư lần này khó mà giữ được toàn vẹn.

Phần thì lo sợ như thế, phần thì Văn Đức Chính căm giận hành vi độc ác của Liễu Hà Như nên lập tức Văn Đức Chính liền hú lên một tiếng thật thanh thoát...

Theo tiếng hú, trung khí đầy dẫy trong người Văn Đức Chính liền dâng cả lên thượng bàn và thân hình Văn Đức Chính liền bay xẹt đến như sao đổi ngôi, đuổi lướt theo hai ngọn ám khí do Liễu Hà Như ném vào hai vị đại sư.

Một đàng là hai ngọn Thiết Kỳ châm nặng chừng nửa lạng được kình lực bắn đi nhanh không thể tả. Một bên là tấm thân nam nhi đại trượng phu nặng không biết bao nhiêu lần so với hai ngọn Thiết Kỳ châm, vậy mà Văn Đức Chính vẫn đuổi kịp hai ngọn ám khí độc hại này.

Khi hai ngọn ám khí chỉ còn độ nửa thước nữa là đã cắm phập vào người của hai vị đại sư, thì Văn Đức Chính đã vươn tay ra định tóm gọm hai ngọn Thiết Kỳ châm vào lòng bàn tay đang còn cách Văn Đức Chính chỉ trong gang tấc...

Thân pháp bất phàm này của tên thư sinh bạc nhược đã làm Liễu Hà Như kinh sợ và động nộ lên. Không cần phân biệt bạn thù, chẳng cần biết rõ trắng đen, cũng chẳng có một tiếng kêu báo trước. Một lần nữa Liễu Hà Như ném thêm ba mũi Thiết Kỳ châm đánh lén vào tay thư sinh vô danh tiểu tốt.

Hành vi ám muội này được sự tán thưởng nhiệt liệt của hai tên Nhất Thiên bang lúc này đã ngưng chiến, nên hai tên này im hơi lặng tiếng, đến thở mạnh cũng không dám, sợ tên thư sinh rỗi hơi chen vào việc người phát hiện được và lách tránh. Nhưng cũng có tiếng người thảng thốt kêu lên :

- Coi chừng ám khí!

- Thiếu hiệp hãy đề phòng.

Đó là tiếng kêu của Quan Hữu Sang kêu trước, tiếp theo đó là của vị đạo nhân đệ tử phái Võ Đang.

Quan Hữu Sang có phong độ hơn hẳn sư đệ là Triệu Cân. Tuy bị Văn Đức Chính chen vào, làm Hoa Sơn song kiệt không giết được địch nhân, nhưng dù sao đã là danh môn đệ tử thì Quan Hữu Sang không thể không lên tiếng cảnh tỉnh trước hành vi ám muội của Liễu Hà Như.

Còn vị đạo nhân thì nhờ có Văn Đức Chính mà thoát chết trong gang tấc, nên không phải nói, đạo nhân này cũng phải lớn tiếng tri hô, hy vọng ân nhân của mình kịp thời thoát tay tử thần.

Vừa dứt tiếng kêu thì Hoa Sơn song kiệt và vị đạo nhân tức thì gặp nguy. Do hai tên Nhất Thiên bang căm giận những người này làm lỡ việc của Liễu Hà Như, đã lao vào tiếp tục quần thảo nữa.

Thế là trường kiếm, đoản côn và chưởng kình lại tiếp tục quẫy lộn trong không gian. Nhưng trường kiếm chưa đi hết thế, đoản côn chưa đánh trọn chiêu, chưởng kình chưa đẩy ra xa thì lại có tiếng quát lớn nữa :

- Dừng tay nào!

Lần này thì bắt buộc mọi người phải dừng tay. Hai vị đại sư đang nhắm mắt chờ chết cũng phải mở banh mắt ra để nhìn.

Mọi người chỉ thấy tên thư sinh những tưởng là không có võ công đang vung vẫy trong tay tất cả năm ngọn ám khí, và cũng đang trừng mắt nhìn chằm chặp vào Liễu Hà Như đang tái xanh mặt mày vì quá sợ. Thư sinh khẽ gằn giọng nói :

- Cứ mỗi chút là dùng đến Thiết Kỳ châm? Liễu cô nương tưởng Thiết Kỳ châm này là vô địch sao? Liễu cô nương tưởng Tán Xạ Đoạt Hồn trên ngọn Thiết Kỳ châm này vô phương có người hóa giải sao?

Do mọi người đều phải lao vào nhau chuẩn bị đối chiêu nữa nên không ai biết tên thư sinh mắt đang tóe hào quang kia đã bằng cách nào mà chẳng những tóm được hai ngọn ám khí phía trước, lại kịp thời thu vào tay ba ngọn phía sau?

Duy chỉ có mỗi mình Liễu Hà Như là đã tận lực sở thị hành động bất phàm của Văn Đức Chính.

Vừa khi nhận biết ngọn ám khí mà Liễu Hà Như sử dụng chính là Thiết Kỳ châm, thì Văn Đức Chính cũng không quên đến chất độc Tán Xạ Đoạt Hồn đã được Âm Phong tán nhân tẩm vào mũi cương châm ở mặt sau quân cờ. Nhưng Văn Đức Chính từ sau khi phục được Thiên niên chu quả và nội đơn cùng huyết độc ngàn năm của con Độc giác long vương thì toàn thân Văn Đức Chính đã ở trong tình trạng vạn độc bất xâm. Do đó, đối với Tán Xạ Đoạt Hồn thì Văn Đức Chính hoàn toàn vô ngại. Và Văn Đức Chính chỉ xem Thiết Kỳ châm là một loại ám khí bình thường như bao ngọn ám khí khác trên võ lâm bao la.

Bởi thế, khi nghe từ phía sau có tiếng rít gió bay đến, lại có tiếng người kêu lên cảnh giác, thì Văn Đức Chính lập tức cong thân đến phía trước, tóm gọn hai ngọn ám khí sắp chạm vào mục tiêu là hai vị đại sư. Tiếp ngay sau đó, Văn Đức Chính quay ngoắc người ra sau, bằng thủ pháp thập phần biến ảo, đã lần lượt tóm luôn ba ngọn ám khí đang theo hình chữ phẩm lao vù vù đến chỗ Văn Đức Chính.

Liễu Hà Như cơ hồ không tin vào điều đã trông thấy, nàng ta há hốc mồm ra khi thấy tên thư sinh non người trẻ dạ, dám đưa bàn tay trần cầm giữ chặt lấy năm ngọn Thiết Kỳ châm đã được sư phụ nàng tẩm vào đó độc chất Tán Xạ Đoạt Hồn. Và Liễu Hà Như hồi hộp chờ đợi đối phương sẽ tím bầm thân thể, ngã ra chết bởi kịch độc công phạt. Vì nàng ta thừa biết rằng, Tán Xạ Đoạt Hồn hễ thấy máu tức thì phát sinh công hiệu và chưa từng có nhân vật nào thoát chết bởi Thiết Kỳ châm do nàng phóng ra lấy mạng.

Nhưng tên thư sinh vẫn an tường, lại còn vận nội lực quát bảo mọi người dừng tay. Sau đó, tên thư sinh bạch y này còn nói với nàng rằng ễ không làm gì được đối phương.

Tán đởm kinh tâm, Liễu Hà Như lắp bắp nói không thành tiếng :

- Sao... sao các hạ biết bản Tổng tuần giám đây họ Liễu? Sao... sao các hạ lại... lại không sợ... Tán xạ... Tán Xạ Đoạt Hồn?

Không muốn bứt dây động rừng, không màng nhỏ nhen nhắc đến những việc đã qua, Văn Đức Chính lạnh lùng nói :

- Khí thế Nhất Thiên bang đang lẫy lừng, danh của Liễu tổng tuần giám như sấm rền bên tai. Tại hạ sao lại không biết cơ chứ?

Ngay lập tức có tiếng quát giật giọng của một tên Nhất Thiên bang :

- Tiểu tử là ai? Đã biết uy thế lẫy lừng của bản bang sao lại dám to gan vuốt râu hùm?

Đã hai năm qua, Văn Đức Chính đã quên rồi những tiếng quát nạt động một chút là đem Nhất Thiên bang ra hù dọa người. Bây giờ nghe lại, Văn Đức Chính thấy trong lòng dâng lên niềm căm hận. Văn Đức Chính nghiêm giọng lại bảo :

- Nhất Thiên bang ta đang nói đến đây không có đến phần các hạ đâu. Đừng có tưởng dễ dàng uy hiệp ta bằng lời quát nạt nhé!

Tên Nhất Thiên bang vừa quát nạt đó, chính là tên lúc nãy nhờ Văn Đức Chính mà còn sống. Vậy mà hắn đã quên đi điều đó. Càng dở hơn nữa là hắn đã quên tiếng quát nạt cực kỳ hùng hậu của Văn Đức Chính lúc mới rồi, nên hắn liền hùng hùng hổ hổ nhảy bổ vào Văn Đức Chính sau khi nghe Văn Đức Chính cất giọng chê bai.

- Tiểu tử đáng chết!

Tiếng quát lớn ngần nào thì chưởng kình xô ra mạnh ngần ấy. Không cần biết ất giáp chi hết, tên Nhất Thiên bang đã tận lực bình sinh đập ra một chưởng duy nhất.

Đó là chưởng duy nhất nên đấy cũng là một chưởng tối hậu, chưởng quyết định. Hoặc là đối phương chết, hoặc là người phát chưởng phải chết. Nhưng thường thường thì người chủ động phát chưởng đã lường trước sức lực của đối phương nên nếu không công ra thì thôi, một khi đã công ra thì phải thắng. Chắc thắng mới đánh.

Dù không giận, Văn Đức Chính cũng phải đánh. Trước là thử sức cho biết công lực của mình như thế nào lần đầu tiên xuất sơn. Sau nữa là thị uy dằn mặt bọn người Nhất Thiên bang cho họ biết không phải võ lâm Trung Nguyên này không có người.

Do nghĩ thế, nên Văn Đức Chính với năm thành hỏa hầu, bằng một tay đẩy ra luồng cương kình mạnh như thác đổ đầu non, cuốn sầm sầm vào ngay luồng kình phong của tên Nhất Thiên bang ngạo mạn, lớn lối.

Ầm!

Tiếng nổ xé tai do chưởng kình va đập vào nhau làm mọi người đứng ngoài quan chiến đều thất kinh hồn vía.

Hơn thế nữa, sóng kình tuôn ra làm cho mọi người đều chao đảo thân hình, như thuyền con gặp sóng dữ trên biển cả trùng khơi.

Đá chạy, cát bay! Bụi tung mịt mù. Âm hưởng của tiếng nổ ong ong vào tai mọi người, mãi đến khi cát bụi lắng dần xuống, thì cảnh hãi hùng phơi bày ra trước mắt làm tất cả bọn họ đều quên đi, không biết tiếng vang đang trong tai họ đã hết chưa hay vẫn còn?

Tên Nhất Thiên bang đã phát chưởng đối chiêu cùng Văn Đức Chính bây giờ toàn thân đã nứt toác ra, thất khiếu đều rỉ máu, và hắn đã chết ngay đương trường. Chết mà không sao nhắm mắt được vì hắn không ngờ là hắn phải chết sau một chưởng duy nhất mà hắn đã tự tin rằng hắn phải thắng.

Hoa Sơn song kiệt tròn mắt kinh ngạc nhìn vào thư sinh không chớp mắt. Vị đạo nhân thuộc phái Võ Đang thì lại đưa tay dụi mắt, ngỡ mình đang chiêm bao.

Còn hai vị đại sư thuộc phái Thiếu Lâm thì cúi đầu, nhắm mắt niệm Phật hiệu, cầu xin Phật tổ thương tình cứu vớt một âm hồn vừa xa rời mãi mãi nhân thế ô trọc.

Còn Liễu Hà Như, Tổng tuần giám của Tổng đàn Nhất Thiên bang và tên Nhất Thiên bang sử dụng đoản côn thì đã lĩnh đi mất dạng từ lúc nào rồi.

Tỉnh lại trước hết và lên tiếng trước nhất là một vị sư trong hai vị đại sư :

- Thí chủ là nhân vật hà phương? Hà tánh? Và lệnh sư là bậc cao nhân nào?

Những câu hỏi này hầu hết đều được nêu ra để thỏa mãn tánh hiếu kỳ, xuất phát bởi lòng hâm mộ mà thôi. Chứ thật ra, là nhân vật chính phái, lại là người xuất gia đầu Phật, vị đại sư này chắc hẳn phải biết rằng hỏi như thế là có hơi sỗ sàng, thiếu hẳn sự tế nhị cần phải có đối với bậc cao thủ võ lâm.

Do đã nghĩ lại như thế, nên vị đại sư này liền nói tiếp sau câu Phật hiệu :

- A di đà Phật! Thí chủ bỏ lỗi cho, bần tăng là Không Tâm, môn đồ Thiếu Lâm phái, cùng với Không Trí sư đệ là đệ tử của Chưởng môn. Ý không... là đệ tử của Thiên Không đại sư.

Ngay tức khắc, Không Trí đại sư cũng nói chen vào :

- Bần tăng là Không Trí! Thí chủ có thể cho chúng bần tăng biết cao danh đại tánh không?

Còn chưa kịp đáp, thì Văn Đức Chính đã nghe một loạt những lời tán dương và tự giới thiệu :

- Thiếu hiệp có thần công thật tuyệt thế, bần đạo là Thanh Phương, môn đồ Võ Đang phái lấy làm hân hạnh được một lần mở rộng tầm mắt.

- Chúng huynh đệ Quan Hữu Sang và Triệu Cân được giang hồ ban cho mỹ danh là Hoa Sơn song kiệt được gặp thiếu hiệp đây thật là tam sanh hữu hạnh, không uổng kiếp giang hồ hiệp lữ!

Đây là lần đầu tiên Văn Đức Chính được một lúc có nhiều người xúm xít khen ngợi nên Văn Đức Chính đỏ bừng gương mặt tuấn tú và lúng túng mất một lúc, sau đó mới hồi đáp :

- Tại hạ có tên là Đức Chính, đại tính chỉ vỏn vẹn mỗi tiếng Văn. Gia sư là một phế nhân, lại là người thô lậu. Tại hạ không dám nêu danh tự sợ làm bẩn tai chư vị anh hùng. Còn việc lúc nãy, cớ sự làm sao chư vị phải cùng bọn Nhất Thiên bang giao chiến?

Lòng hiếu kỳ chưa được thỏa mãn, bọn người này đã định lên tiếng hỏi rõ thêm, thì vừa nghe được câu hỏi của Văn Đức Chính, liền ỉu xìu ngay nét mặt.

Không Tâm đại sư liền lên tiếng giải thích trước :

- A di đà Phật! Tệ phái đang được an khương, tất cả tăng chúng đều nhất nhất tuân theo lệnh dụ của gia sư là Phương trượng Chưởng môn nhân. Bỗng đâu tai họa giáng xuống tệ phái.

- Tai họa thế nào, đại sư? Có phải chăng là lệnh sư đã gặp chuyện bất trắc?

Lúc vừa rồi, tuy Văn Đức Chính đã chính tai nghe Liễu Hà Như nói về việc Thiên Không đại sư phải giao lại thiền trượng và cương vị Phương trượng Chưởng môn Thiếu Lâm phái, nhưng vẫn không tin hẳn. Bây giờ nghe Không Tâm đại sư nói đến tai họa giáng xuống Thiếu Lâm phái, không kềm được Văn Đức Chính phải lên tiếng hỏi mau thế...

Không Trí đại sư tiếp lời, đáp ngay :

- Quả đúng như thế thật. Gia sư sau giờ tụng kinh thường nhật vào buổi sớm đã đột nhiên thoát lực, võ công dường như bị mất hẳn, chẳng khác nào người mới ốm dậy. Sau đó, tuy được sự tận tình cứu chữa của các Trưởng lão nhưng gia sư vẫn không sao phục hồi được. Và... và...

Nói đến đây, chừng như khó nói, nên Không Trí đại sư ngắc ngứ một lúc, không sao nói tiếp được. Bắt buộc Không Tâm đại sư phải nói nhưng chỉ dám nói lên khe khẽ :

- Gia sư bị rối loạn tâm trí. Trước sự chứng kiến của các Trưởng lão, gia sư chỉ đưa cao thiền trượng và lẩm nhẩm nói “Thiên Nhất... Thiên Nhất!”

- Rồi sao nữa? Có phải Thiên Nhất đại sư ngay sau đó đã tiếm đoạt chức vụ Chưởng môn không?

Câu nói này của Văn Đức Chính đã khiến cho hai vị đại sư Không Tâm, Không Trí đều kinh ngạc. Không Tâm đại sư hỏi lại :

- Tiếm đoạt? Văn thí chủ nghĩ sao mà nói như thế?

Đến lượt Văn Đức Chính ngắc ngứ, không sao đáp được. Chẳng lẽ lại nói rằng cách đây hai năm, Văn Đức Chính đã nghe và biết đến mưu toan thâm độc này của sư đồ tên Bang chủ Nhất Thiên bang hay sao? Và liệu có ai tin lời Văn Đức Chính hay không?

Cũng may, tuy Văn Đức Chính tuổi đời không cao, nhưng cũng đã ít nhiều trải qua thời gian dài khó nhọc, lăn lóc trên giang hồ, nên Văn Đức Chính đã tìm được cách nói khỏa lấp :

- Thì là không phải lệnh sư đã chỉ đích danh thủ phạm là Thiên Nhất đại sư sao? Và không phải là lúc nãy cô nàng Tổng tuần giám đã có nói lệnh sư phải trao lại thiền trượng cho Thiên Nhất đó sao?

Lời giải thích này của Văn Đức Chính thật là chí lý. Khiến cho hai vị đại sư Không Tâm và Không Trí dễ dàng liên tưởng lại câu giải thích này với câu châm chọc lúc nãy của cô nàng giai nhân tuyệt sắc đã có nói. Và hai vị đại sư liền nảy sinh mối nghi ngờ về Thiên Nhất sư thúc trong việc kế nhiệm cương vị Chưởng môn. Không Tâm đại sư thảng thốt nói :

- Đúng như Văn thí chủ đã nói. Quả là sau đó các vị Trưởng lão đều nghĩ đây là ý của gia sư muốn trao quyền chưởng môn cho Thiên Nhất sư thúc. Chứ đâu có ai nghĩ đây là lời gia sư muốn ám thị Thiên Nhất sư thúc là...

- E hèm! Sư huynh! Việc này đâu chỉ một đôi lời mà xác định được đúng sai.

Không Trí đại sư vừa lên tiếng nhắc nhở xong thì Không Tâm đại sư đã biết ngay là đại sư đã có lời nói thất thố. Do đó, Không Tâm đại sư vội vã nói nhanh :

- Văn thí chủ, bần tăng lỡ lời, thí chủ đừng bỏ vào tai. Văn thí chủ bảo trọng, huynh đệ bần tăng có việc gấp bên mình, không thể đàm đạo lâu hơn, cáo biệt. A di đà Phật!

Dứt tiếng Phật hiệu, thì Không Tâm, Không Trí đã lượn mình bay biến đi mất ngay sau đó.

Rốt cuộc, Văn Đức Chính chưa hiểu lý do tại làm sao đệ tử của ba môn phái lại gặp nhau tại đây, và cùng với bọn Nhất Thiên bang giao chiến?

Quay người sang Thanh Phương đạo trưởng, Văn Đức Chính vừa lên tiếng định hỏi thì Thanh Phương đạo trưởng đã nói nhanh :

- Vô lượng thọ Phật! Văn thiếu hiệp ở lại, bần đạo xin đi trước một bước. Cáo từ!

Rồi quay ngoắc người lại, bằng thân pháp “Vân Long Tam Hiện” tuyệt kỹ thân pháp của Võ Đang phái. Thanh Phương đạo trưởng tung người biến mất vào khoảng không...

Còn lại Hoa Sơn song kiệt, cả hai đưa mắt nhìn nhau như để dò hỏi. Đoạn Quan Hữu Sang giải thích điều mà Văn Đức Chính đang thắc mắc.

- Văn thiếu hiệp, nguyên bản phái có việc gấp, gia sư phái huynh đệ tại hạ hoặc đến Thiếu Lâm hoặc đến Võ Đang để hỏi ý nhị vị Chưởng môn. Nào ngờ vừa đi được đến đây thì đã thấy bọn Nhất Thiên bang ba người áp đánh ba vị kia, đều là người chúng huynh đệ đang mong được gặp. Thế chẳng đặng đừng, huynh đệ tại hạ phải vung gươm tương trợ. Kế đó, Văn thiếu hiệp lại đi đến. Việc giải nguy ngày hôm nay, Quan Hữu Sang này nguyện sẽ có ngày đền đáp. Bây giờ huynh đệ tại hạ phải đi đây, cáo biệt!

- Cáo biệt!

Triệu Cân nói liền theo sau và cả hai xoay thân đi cùng hướng với hướng vừa đi của Thanh Phương đạo trưởng, và cũng là hướng đi của Không Tâm, Không Trí nhị vị đại sư.

Văn Đức Chính ngơ ngác nhìn theo mọi người cho đến khi bọn Hoa Sơn song kiệt đã khuất dạng hẳn. Văn Đức Chính tự hỏi :

“Thế này là thế nào đây? Bọn người Thiếu Lâm hồi sơn thì ta còn hiểu được, nhưng sao Thanh Phương đạo trưởng lại phải vội vã hồi sơn? Chẳng lẽ Võ Đang phái cũng đang có tình trạng tệ hại đang xảy ra? Và chẳng lẽ Hoa Sơn phái cũng gặp tình trạng tương tự? Vô lý thật! Nhưng mặc kệ họ, ta còn phải dò xét Tổng đàn Nhất Thiên bang cái đã. Không lẽ đã đi được đến đây lại phải bỏ ngang mà đuổi theo bọn họ sao?”

Thế là Văn Đức Chính hoàn thân đi ngay vào động khẩu trước mặt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện