Thanh Bình Nhạc (Đam Mỹ)

Chương 66: Giám sát sứ



Giờ Tỵ khắc năm, đường cái Giang Lăng.

Tiền Lý rời khỏi tam ty, còn chưa kịp về Đại Lý tự thì đã bị thị vệ chặn lại giữa đường, chuyển hướng sang trung thư tỉnh.

Hứa Chi Nguyên đi qua đi lại trước cửa nha môn nhà người khác, thấy Tiền Lý đến thì bèn kể lại hành vi của trứ tác lang, sau đó cả hai cùng nhau tiến vào nha môn.

Trứ tác lang có cấp quan chánh ngũ phẩm, thấp hơn Tiền Lý hai bậc nhưng chẳng thèm biểu hiện tôn kính với Tiền Lý, bị hỏi gì cũng chỉ đáp cho có, nhất quyết đòi Tiền Lý phải kéo tên chưởng quỹ hiệu bạc bụng dạ khó lường kia đến trước mặt mình để đối chất, còn không ngừng gọi bạn bè và đồng liêu đến để tỏ vẻ mình rất bận rộn, nếu khách biết ý thì nên tự chủ động mà rời đi.

Tiền Lý không thu hoạch được gì, ngồi một hồi bị ngó lơ thì tự giác cáo từ. Đến khi về tới Đại Lý tự, ông liền phê công văn bắt giữ, sai nha sai mang vị Chu đại nhân bất hợp tác kia đến tra hỏi.

Trứ tác lang không ngờ Tiền Lý lại có loại gan chó này, suốt dọc đường liên tục mắng chửi, đe dọa nha sai đánh chó còn phải xem mặt chủ, tuyên bố hôn phu của em họ của vợ bé nhà mình chính là cháu họ của môn sinh được Phùng các lão yêu mến nhất, nếu đắc tội mình thì tự mà biết lấy hậu quả.

Chỉ bằng một tờ lệnh bắt giữ của Đại Lý tự khanh thừa, không thèm báo cho tam công cửu khanh cùng xem xét mà trực tiếp bắt giữ một quan viên ngũ phẩm, nếu là bình thường thì tình huống này sẽ khiến người ta kinh ngạc. Tuy nhiên, khi hoàng thượng ra hạn tra án thì đồng thời cũng ban cho Tiền Lý quyền lực tương đương với Thượng Phương bảo kiếm, dù sao chỉ bắt chứ không thả cũng là trái với đạo chế hành của đế vương. (Chế hành tức là phân bổ quyền lực một cách cân bằng, tránh độc tài, chuyên quyền.) 

Cho nên vào thời điểm đặc biệt này, đừng nói là mang đi một tên quan ngũ phẩm, nếu Tiền Lý có chứng cứ xác thực thì mời cả thủ phụ đến công đường luôn cũng được, chỉ xem ông có dám hay không thôi.

Sau nửa canh giờ trứ tác lang vào Đại Lý tự, cũng giống như quản sự xưởng đá Nhiêu Lâm, phải chịu đau khổ xác th1t rồi ông ta mới chịu mở cái miệng tôn quý ra.

Ông ta còn thấy oan ức lắm, tỏ vẻ không hề cam lòng: “Bản…… A không, ta và chưởng quỹ kia quả thực có ngầm trao đổi thư từ với nhau, nhưng, nhưng việc này vốn là quy củ đã được ước định, các quan lại khác trong kinh thành cũng làm như vậy, đại nhân cần gì gây khó dễ cho một mình ta chứ?”

Kỳ thực không chỉ trong kinh sư mà ở cả những nơi khác, tình trạng quan chức dính líu tới hiệu bạc cũng hết sức phổ biến. Tiền Lý chưa chắc đã không biết, nhưng lúc này đang khai đường, dù có biết rõ thì ông vẫn phải hỏi để cho chính đương sự tự mình thừa nhận từng câu từng chữ.

Vì vậy Tiền Lý nói: “Quy củ nào? Sao ta không biết, ngươi nói ta nghe xem.”

Trứ tác lang hướng ánh mắt cầu xin về phía ông, chỉ thiếu điều viết hẳn lên mặt mấy chữ to “Rõ là đang vẽ chuyện, nói ra khác nào bôi tro trét trấu vào mặt mũi triều đình, ngươi và ta ngầm hiểu với nhau không được sao?”.

Đáng tiếc Tiền Lý không để ý tới ông ta mà vẫn thản nhiên hô: “Tạo dịch đâu?”

Hai trong số những tạo dịch xếp hàng hai bên công đường lập tức bước ra, trong tay nhấc theo sát uy bổng được sơn đỏ sậm sáng loáng. Chu đại nhân sợ đến mức trán nổi gân xanh, nằm rạp ra kêu: “Ta nói, ta nói là được chứ gì.”

“Đại nhân chắc hẳn cũng biết, bất kể là năm thiên tai hay năm được mùa, nhà kho của các bộ đường, các nha môn luôn chỉ thiếu chứ chưa bao giờ dư thừa, chẳng phải hạ quan đang làm quá nói điêu. Vào lúc cần tiền gấp, quốc khố không chi được, chuyện này nhất định phải giải quyết cho êm đẹp nếu không vừa mất chức vừa dính kiện cáo, vậy phải làm sao đây? Cũng chỉ có thể tìm đến hiệu bạc trong dân gian để chuyển tiền thôi.”

“Hiệu bạc giúp quan phủ ứng tiền, quan phủ lại tạo điều kiện giúp việc kinh doanh của bọn họ thuận lợi hơn, hai bên không ai nợ ai, hợp tác cùng có lợi, việc này chẳng có gì sai trái. Hiệu bạc Phong Bảo Long ở ngoài kinh sư chính là cơ quan chuyển tiền của Trứ Tác viện tại Nhiêu Lâm, cầm theo bằng thiếp của họ là có thể đổi hiện ngân ở hiệu bạc trong kinh thành, đáp ứng nhu cầu đột xuất của kho phủ.”

Lời này nghe có vẻ quang minh chính đại nhưng thực tế không biết bao nhiêu tiền của công trong đó đã bị mang đi ăn uống chơi bời. Tiền Lý không vạch trần ông ta, lạnh lùng nhìn ông ta tiếp tục bào chữa cho mình.

Trứ tác lang không chú ý tới vẻ mặt Tiền Lý, vẫn tỉnh bơ nói tiếp: “Ta liên lạc với chưởng quỹ chẳng qua là vì phân ưu cho Trứ Tác viện, thương lượng chuyện vay trả tiền phục vụ cho công việc, cho dù không nên nhưng cũng đâu còn cách nào. Ai ai cũng làm như vậy hết, thế mà Tiền đại nhân chỉ bắt mỗi mình ta, còn tra tấn ta, ta, ta không phục.”

Trong số những chứng từ sao chép mà Lý Ý Lan gửi đến, có không ít khoản vị chưởng quỹ kia lén ghi nợ và những lời lẽ vừa đấm vừa xoa của vị Chu đại nhân này, hiện giờ đều đang chất đống trên bàn của Tiền Lý. Tiền Lý nghe xong thì cầm lấy tập sổ sách để trên cùng, vung tay ném xuống dưới công đường.

Giấy tờ bay lả tả trên không trung, lúc chạm đất vừa khéo hướng mặt chính diện lên trên, trứ tác lang lén liếc một cái, lập tức bàng hoàng đến mức biến sắc bởi những từ ngữ ghi trên đó.

Trên đất là một quyển long môn trướng, từ năm đến giờ khắc, liệt kê đủ bốn cột tiền vào, tiền giao, tiền còn, tiền nợ. Trong đó hai cột tiền giao, tiền nợ được liệt kê tường tận hơn cả, giao tiền cho ai, là ai còn nợ, chỗ nào cũng ghi chép hai năm rõ mười, ông ta mới nhìn qua đã thấy tên mình xuất hiện mấy lần. (Long môn trướng là một kiểu sổ sách ghi nợ trong kinh doanh thời xưa.)

Đây là chứng cứ nhận hối lộ, ánh mắt trứ tác lang bỗng chốc chất chứa sợ hãi và oán hận, vừa sợ bị truy tố trách nhiệm, vừa hận tên chưởng quỹ hiệu bạc hai lòng kia. Hai loại cảm xúc mạnh va chạm nhau khiến tâm lý ông ta cực kỳ bất ổn, đầu óc không hoạt động nổi, hoảng loạn chẳng biết nên làm thế nào.

Tiền Lý quan sát thần thái của ông ta là biết hiện tại chính là thời cơ để đặt câu hỏi, ông lập tức tuôn một tràng liên thanh hòng tạo áp lực: “Không phục thì cứ viết đơn kiện để tố cáo bản quan đi, đây là hai chuyện khác nhau, ta không lý sự với ngươi nữa, chúng ta trở lại việc chính, nói tiếp về chuyện trao đổi thư từ giữa ngươi và chưởng quỹ đi.”

“Nếu là vay tiền trả tiền thì liên quan gì tới người khác? Tại sao ngươi phải bảo chưởng quỹ Phong Bảo Long giúp ngươi truyền tin đến Nhiêu Lâm? Thế tờ giấy ghi “Xong việc rồi, rút quân thôi” là do ngươi bảo chưởng quỹ đưa cho đầu mối ở Nhiêu Hả hả? Xong việc gì? Ai rút quân?”

Trứ tác lang run run môi, không ngờ việc này lại bị phanh phui ngay tại trận. Lúc trước ông ta không muốn giúp việc này, song vì nể mặt đối phương nên chẳng dám mở miệng xin kiểm tra mật thư, cứ thế chuyển ra ngoài một cách mơ hồ, còn canh cánh lo sợ mấy ngày liền.

Ai biết sợ cái gì thì cái đó sẽ đến cơ chứ, trứ tác lang im bặt hồi lâu, cuối cùng cũng khuất phục trước nỗi sợ quyền lực và đau đớn, ông ta chán chường gục đầu nói: “Ống trúc kia là do phía ta tuồn ra, nhưng ta thực sự không biết trong đó đựng tờ giấy hay là cái gì khác. Sứ giả của Phùng các lão đích thân đến nhìn tận mắt quá trình ta truyền nó ra ngoài, cho dù ta có một trăm lá gan cũng chẳng dám xin kiểm tra nội dung bên trong.”

Tiền Lý nhướn mày hỏi: “Sứ giả của ai cơ? Ngươi nói lại lần nữa, khai báo rõ ràng cả họ lẫn tên xem nào, chớ có giở cái trò nói một nửa nuốt một nửa như thế.”

Trứ tác lang hạ quyết tâm được ăn cả ngã về không, khai báo rằng: “Chính là chủ bạc tiên sinh của Phùng các lão, họ Hoàng tên Tuyền Sinh, mọi người đều gọi ông ta là Hoàng quản sự.” (Chủ bạc là chức quan phụ trách sổ sách, công văn.)

Ở trong thư Lý Ý Lan đã nói thẳng suy đoán của mình nên Tiền Lý cũng ngờ ngợ nhận ra Phùng Khôn là kẻ đứng sau bạch cốt án, lời nói của Chu đại nhân càng đẩy ông nghiêng về khả năng này.

Tiền Lý vừa suy tư vừa nói: “Chủ bạc tiên sinh của Phùng các lão, một nhân vật đức cao vọng trọng nhường ấy, tại sao một việc cỏn con dễ dàng như chuyển một tờ giấy đến Nhiêu Lâm mà ông ta phải nhờ ngươi làm ơn làm phước chứ? Ngươi không cảm thấy lời này vô lý sao?”

“Đại nhân nói vậy sai rồi.” Trứ tác lang tỏ vẻ có nỗi khổ mà không nói ra được, “Ông ta bảo ta chuyển thì ta phải chuyển, nào dám làm ơn làm phước gì chứ. Vả lại cho dù có cách thì ông ta cũng sẽ không dùng để tránh hiềm nghi, mất công tìm tới ta cũng bởi vì ta không đáng chú ý thôi.”

Tiền Lý không ngờ ông ta lại tự mình biết mình đến vậy, chẳng tìm được lời nào thích hợp để phản bác, ông yên lặng một chốc rồi mới nói: “Được rồi, ta tạm tin lời ngươi rằng chủ nhân của tờ giấy kia là Hoàng Tuyền Sinh. Nhưng mà Chu đại nhân à, có một vấn đề này ta vẫn rất khó hiểu.”

“Bình thường khi ngươi gửi thư, thư chỉ đưa đến tay chưởng quỹ Phong Bảo Long là xong rồi, bây giờ thay đổi người nhận thư, làm sao chưởng quỹ biết nên đưa thư cho ai? Do đó ta đang nghĩ liệu có phải Hoàng quản sự từng đặc biệt dặn dò điều gì không?”

“Có ạ.” Lúc này trứ tác lang đã chịu thành thật, hỏi gì đáp nấy, “Ông ta viết thêm một tờ giấy, trên giấy ghi vài câu ám hiệu, dặn ta nhắn chưởng quỷ rằng chỉ được giao ống trúc cho người trả lời được ám hiệu.”

Tiền Lý: “Ám hiệu gì?”

Trứ tác lang: “Ông ta giấu ta, không để ta nhìn thấy.”

Tiền Lý: “Ngươi không tò mò ư? Sau không đi hỏi bạn làm ăn của ngươi xem nội dung viết trên đó là gì?”

Trứ tác lang không biết thật: “Tất nhiên là có tò mò, nhưng nay đâu giống xưa, Nhiêu Lâm bị phong thành, mọi phương diện đều bị kiểm tra cực kỳ nghiêm ngặt, có thể không dùng tới con đường nào thì sẽ tránh dùng, cho nên ta vẫn chưa kịp hỏi.”

Tiền Lý thấy ông ta nói cũng có lý, ông suy nghĩ thêm một lát, lại hỏi trứ tác lang một số thông tin về vị Hoàng quản sự kia, sau đó phất tay bảo nha dịch giải ông ta đi.

Trong suốt quá trình thẩm tra, Hứa Chi Nguyên đều tham gia cùng, đến khi bãi đường hắn không kìm lòng nổi, bèn đi tới trước mặt Tiền Lý, thấp giọng lải nhải: “Lão gia, vụ án này đang dần dần chỉ hướng về Phùng các lão, giả như đúng là lão ta thật, năm vụ trước đó còn có thể hiểu được, nhưng vụ thứ sáu mạo phạm đến cả hoàng thất, có lợi gì cho lão ta cơ chứ? Lão đâu có lý do gì để vạch ra kế hoạch này.”

Tiền Lý vuốt v e mép bàn sáng loáng, lắc đầu nói: “Chứng cứ mấu chốt vẫn chưa xuất hiện, giờ này mà kết luận thì vẫn còn sớm lắm, ai dám chắc chắn tờ giấy đó là do Hoàng Tuyền Sinh viết hay chủ mưu nhất định là Phùng các lão chứ? Không thể đoán mò như thế được.”

Hứa Chi Nguyên vuốt cằm nói: “Vậy chúng ta phải làm sao bây giờ?”

Tiền Lý đứng dậy bảo: “Trước tiên đi gặp vị Hoàng chủ bạc này một lần xem.”

Bởi vì phải đến biệt thự của thủ phụ nên Tiền Lý ngồi lên chiếc kiệu nhỏ bốn người khiêng, kiệu lắc lư đi xuyên quan phố xá, tới được đích đến khi mới đến giờ Mùi.

Tuy nhiên ông đến không đúng lúc, gác cổng cung kính báo cho ông biết Hoàng chủ bạc đã theo các lão đi về phía Đông Ngọ Môn rồi, nếu Tiền Lý gấp thì xin mời đến thẳng cửa Đông để tìm, còn nếu không gấp thì để lại bái thiếp, chờ chủ bạc trở về, bên họ sẽ lập tức sai người đến quý phủ.

Tiền Lý cân nhắc một chút, cuối cùng vẫn để lại bái thiếp. Cho dù quyền lực của ông có lớn đến mấy đi chăng nữa cũng không dám đến Ngọ môn cãi nhau với người ta.

Người trị thủ ở nơi ấy chẳng phải hạng hiền lành gì, năm xưa Lý Di được sủng ái hết mực mà còn bị một tên hoạn quan ở đó đẩy ngã chết. Tuy ngoài miệng Tiền Lý bảo sẽ bất chấp mọi giá, nhưng đối với chốn thâm cung hoàng thất đã xây dựng uy thế suốt trăm năm, ông vẫn có sự sợ hãi từ tận sâu trong cốt tủy.

Ông trở lại Đại Lý tự, nhanh chóng nhận ra trời cao vẫn rất công bằng, bên phía tiếp khách đi vào ngõ cụt nhưng bên phía tìm kiếm thương buôn quạt lại bất ngờ có manh mối. Trong số những nha sai được phái ra, có một người dẫn về một vị nhân sĩ biết chuyện.

Đó là một người đàn ông trung niên què chân, vóc dáng gầy yếu, đi phải chống gậy, da dẻ ngăm đen thô ráp, vừa nhìn là biết làm nghề phải phơi mình dưới cái nắng chói chang.

Theo ông ta tự xưng thì mười ba năm trước, ông ta là binh lính của Tuần Phòng doanh phụ trách xây dựng hoàng lăng, mà rất nhiều cơ quan và đường hầm trong hoàng lăng đều xuất phát từ Quân Khí giám, cho nên ông ta biết nam nhân trong tranh.

Nha sai thuật lại cho Tiền Lý: “Bẩm đại nhân, ông ta nói người trong bức tranh chính là giám sát sứ của Quân Khí giám năm xưa.”

——

Giờ Ngọ khắc năm, nha môn Nhiêu Lâm.

Sau khi chủ xưởng xác nhận, có thể chắc chắn đầu bếp giả chính là thợ đá tên A Ninh kia. Tới đây đã không còn việc của gã nữa, Lý Ý Lan bèn sai người giải gã xuống, tạm thời giam vào nhà lao.

Còn về Viên Ninh mà chưa biết là tên thật hay giả kia, thương thế của gã ta quá nặng, ấn huyệt nhân trung và giội nước lạnh đều vô dụng, cả nhóm người bó tay hết cách với một tên tù nhân hôn mê bất tỉnh. Một khắc sau, Lý Ý Lan đành bảo nha dịch khiêng gã trở về nhà lao, mời đại phu đến khám xem vì sao gã vẫn chưa tỉnh lại.

Bãi đường xong thì đã đến đến giờ cơm, Lý Ý Lan thúc giục mọi người đi ăn cơm, đặc biệt là Trương Triều và Ngô Kim vì ăn xong họ cần lập tức khởi hành đi một chuyến đến Phù Giang, mang doanh quan và những kẻ liên quan đến nam châm về thẩm tra.

Ký Thanh là người Phù Giang, vừa nghe nhiệm vụ này là cậu cũng muốn về cùng. Đi bắt người chỉ là tiện thể, chủ yếu là cậu muốn về Anh Hùng Trại hóng gió một phen. Song nghĩ đến Lý Ý Lan không rời mình ra được, cậu lại ngầm cảm thán mình đúng là tháo vát quá mà.

Vương Kính Nguyên không định chờ Lý Ý Lan mà chạy theo sau mông Ngô Kim luôn, trước khi chuồn còn không quên tiểu huynh đệ của mình, luôn miệng gọi Ký Thanh.

Ký Thanh bảo: “Huynh đi đi, ta đợi Lục ca đi cùng.”

Vương Kính Nguyên cảm thấy cậu đúng là không biết hưởng thụ, bèn răn dạy: “Đệ đừng chờ ngài ấy nữa, đệ được ăn no uống say mà lại bắt ngài ấy vừa ăn canh suông nước lã vừa nhìn đệ, đệ nỡ lòng nào làm thế hả? Ta thấy nên để ngài ấy dùng bữa cùng đại sư thì hơn, hai người bọn họ đều ăn đậu phụ trộn hành lá, như vậy mới công bằng.”

Lý Ý Lan nghe được nửa đoạn trước thì thấy cái đám này ồn ào quá thể, nghe đến nửa đoạn sau tự dưng lại thấy Vương Kính Nguyên nói chí lý lắm, bèn cười phụ họa: “Đúng đấy Ký Thanh, đệ nỡ lòng nào làm thế? Rồi rồi, đừng nhốn nháo nữa, mọi người cứ đi đi, ta sẽ đi sau.”

Mọi người quả thực cũng đói rồi, thấy hắn bảo thế thì cũng không khách sáo nữa, căn phòng chẳng mấy chốc đã trống huơ trống hoắc, chỉ còn sót lại hai kẻ vừa bị đạo sĩ chỉ mặt điểm tên.

Lý Ý Lan liếc nhìn Tri Tân, còn chưa kịp hỏi ý đối phương thì y đã cười bảo: “Ta chờ ngươi luôn, đằng nào cũng chẳng ai thèm ăn đậu phụ trộn hành lá, đi sớm hay muộn cũng vẫn còn phần.”

Lý Ý Lan cười ha hả: “Đừng nói nữa mà, càng nghe càng thấy mình thảm quá.”

Tri Tân nhướn mày, quả nhiên ngừng lại, chỉ nhàn nhã đi tới bảo: “Ngươi có việc gì còn gấp hơn cả ăn cơm vậy?”

Lý Ý Lan ngồi vào bàn sách, đổ nước mài mực, cầm lấy một tờ giấy, hắn vừa viết vừa nói: “Không có gì đâu, chỉ viết hai bức thư thôi ấy mà, một bức gửi huyện lệnh Phù Giang bảo huyện lệnh hỗ trợ nhóm Trương Triều bắt người, một bức nữa gửi cho sư phụ ta để hỏi chút chuyện về Viên Kỳ Liên.”

Bức đầu tiên nhất định phải viết, nếu không sẽ có lúc rồng mạnh khó áp chế rắn độc, Trương Triều và Ngô Kim không dễ giải quyết việc, nhưng bức thứ hai lại khiến người ta khó hiểu.

Tri Tân đứng trước bàn sách, cầm lấy thanh mực hắn vừa đặt xuống, từ từ mài: “Tức Tâm quan xa xôi cách trở, người bình thường chưa chắc qua được cổng, ngươi định gửi thư bằng cách nào?”

Lý Ý Lan ngừng bút, cười đáp: “Không có bồ câu đưa thư thì đúng là khó làm thật, thực ra lựa chọn tốt nhất là Ký Thanh, nó từng theo ta lên núi, cũng có năng lực tự vệ, tuy nhiên không cần hỏi ta cũng biết chắc nó không chịu đi đâu. Cho nên ta định dùng bồ câu gửi thư đến Anh Hùng Trại, nhờ cha Ký Thanh giúp ta tìm biện pháp nhanh nhất.”

“Vậy cũng tốt.” Tri Tân khéo léo nói, “Nhưng nếu tin tưởng ta, ngươi có thể đến đến Chiêu Đàn tự mượn dùng bồ câu đưa thư. Chiêu Đàn tự có bồ câu trao đổi thư từ với núi Vô Công, bay một ngày đêm là tới nơi, đến lúc đó đi từ núi Vô Công đến Tức Tâm quan, lộ trình phi ngựa sẽ không còn lại bao nhiêu.”

Đây là đường tắt sẵn có, nhất định nhanh hơn nhờ Anh Hùng Trại tìm giúp. Lý Ý Lan mừng rỡ ngẩng đầu lên, cảm thấy hơi ngượng ngùng vì mượn dùng quan hệ của Tri Tân, hắn mỉm cười nói: “Cách này đương nhiên là tốt, nhưng mà…… nhưng mà có thể dùng được không? Có làm phiền nhà chùa không?”

“Không đâu.” Tri Tân nhẹ nhàng nói, “Thực ra núi Vô Công không hề xa rời trần thế như người ta nghĩ, phương trượng đại sư bao dung lương thiện, bình thường nếu bà con xung quanh gặp thiên tai thì sẽ phái đệ tử xuống núi đi hỗ trợ tu sửa chứ không có chuyện nhắm mắt làm ngơ. Ngươi vì người gặp bất công trong thiên hạ mà xin nhờ giúp đỡ, nếu phương trượng nhận được thư của ngươi thì chắc chắn sẽ vui vẻ hỗ trợ, ngươi đừng lo lắng. Giữa ngươi và ta, đừng nhắc tới chuyện nợ nần.”

Lý Ý Lan lộ ra vẻ mặt si mê, tốc độ nói của hắn rất chậm, trong đó xen lẫn cả sự trịnh trọng và dịu dàng mà chính hắn cũng chẳng phát hiện ra: “Không, ta nợ ngươi nhiều lắm, mỗi sự giúp đỡ và tình nghĩa của ngươi, ta đều ghi tạc trong lòng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện