Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 155: Mối quan hệ giữa người và người



Lâm Thanh Hoà không vội rời đi ngay mà nán lại trò chuyện, quan tâm hỏi thăm một chút về tình hình tình cảm của đôi bạn trẻ.

Thẩm Ngọc lúc đầu còn ngượng ngùng, về sau chả cần Lâm Thanh Hoà hỏi gì mà tự động khai tuốt tuồn tuột.

Đối tượng tên Trần Kiệt, tình tình chính trực, lương thưởng bao nhiêu đều thành thật nói hết không giấu giếm.

Đang hào hứng, bỗng nhiên Thẩm Ngọc thở dài: “Mỗi tội là chỗ ở chật chội quá.”

Mọi mặt của Trần Kiệt đều ổn, duy chỉ có vấn đề nhà cửa là hơi phiền bởi nhân khẩu trong nhà quá đông.

Lâm Thanh Hoà ăn ngay nói thật: “Cái này là tình hình chung, thời buổi nhà cửa đang khan hiếm, có chỗ đặt chân đã may mắn lắm rồi.”

Đừng tưởng cứ người thành phố là ngon, nói ra thì cũng chỉ hơn nhau cái mẽ ngoài, không phải hàng ngày lội ruộng chân lấm tay bùn thôi chứ xét về phương diện chốn ở chắc chắn thua xa người nhà quê.

Tam đại đồng đường mười mấy nhân khẩu chen chúc trong một căn nhà bé tin hin độ mấy chục mét vuông.

Chung đụng chắc chắn không thể tránh khỏi va chạm, xích mích. Chính vì nguyên nhân này mà mối quan hệ anh chị em trong nhà rất kém thậm chí có những người còn coi nhau như kẻ thù.

Hầu hết đại đa số đều vậy nhưng cũng có những ngoại lệ. Một vài gia đình ở chung với nhau nhưng vẫn duy trì được bầu không khí hoà thuận, yêu thương nhau, cơ mà hiếm, đặc biệt hiếm.

Lâm Thanh Hoà: “Được cái cả hai đứa đều đi làm cả ngày, tối mới về nhà ngủ mấy tiếng, chắc cũng không tới nỗi quá tệ đâu.”

Thẩm Ngọc: “Em đang cố gắng tiết kiệm tiền, tính ra riêng.”

Lâm Thanh Hoà hơi bất ngờ: “Chắc phải cần nhiều tiền lắm đấy.” Không ngờ một cô gái trẻ mà đã nghĩ đến việc mua nhà riêng.

Hiện tại đã cho phép mua nhà nhưng số lượng bán ra rất ít. Hơn nữa còn phải xét duyệt tư cách cá nhân. Nếu gia đình đang sống trong một căn nhà có diện tích đủ tiêu chuẩn, phù hợp với số lượng nhân khẩu thì không thể mua thêm một căn nhà nữa. Nếu không sẽ bị quy kết thành đi theo chủ nghĩa hưởng thụ của phong kiến.

Tất nhiên những trường hợp giống như nhà Tô Đại Lâm lại khác.

Từ thời ông bà, cha mẹ đã ở đó, sau khi họ mất đi để lại cho con cháu là điều hợp tình hợp lý. Một căn hộ rộng như vậy mà chỉ có hai vợ chồng ở đúng là quá thoải mái, nhưng mọi người không thể nói gì được cũng không thể quy kết hay chụp mũ.

Thẩm Ngọc càng thở dài hơn: “Kể cả có đủ tiền cũng chưa chắc đã mua được.”

Lâm Thanh Hoà: “Chị có quen một vài người, để chị hỏi giúp cho.”

Thẩm Ngọc lập tức lấy lại tinh thần: “Thật ạ?”

Lâm Thanh Hoà: “Cái này chị cũng không chắc là có được hay không, em đừng ôm hy vọng quá lớn. Để chị hỏi đã.”

Thẩm Ngọc vội vàng gật đầu: “Vâng vâng, chị hỏi giúp em nhé, kể cả nhà cũ hoặc nhỏ một chút cũng được. Làm phiền chị nhiều.”

Lâm Thanh Hoà nhận lời. Sau khi tạm biệt Thẩm Ngọc, cô đi tìm người quen chính là bà lão đã về hưu hiện tại nhận gia công chăn bông tại nhà.

Bà hỏi Lâm Thanh Hoà: “Cháu muốn mua nhà?”

Lâm Thanh Hoà đáp: “Không, cháu thì mua gì, cháu hỏi hộ đứa em gái. Nó sắp kết hôn mà nhà trai chật quá không đủ chỗ ở.”

Chỉ nói sơ qua là bà lão hiểu ngay, tình huống tương tự như này bà đã gặp rất nhiều.

“Ừhm, bác biết một chỗ nhưng mà cũ kĩ xập xệ lại còn không được rộng rãi cho lắm đâu.”

Nhờ có Lâm Thanh Hoà mà vấn đề thịt thà trong nhà được cải thiện rõ rệt, có đôi khi bà còn hỏi cô ám hiệu chợ đen nữa. Vì thế nếu trong khả năng, bà rất sẵn lòng giúp đỡ một tay.

Lâm Thanh Hoà hỏi có tiện đi xem xét một chút không, bà lão nhiệt tình dắt cô đi ngay.

Căn nhà này tương đối bé, nhiều nhất là tầm 10 mét vuông, chắc xây khá lâu rồi, nhìn bề ngoại khá cũ kỹ nhưng thời buổi này kiếm được 1 căn như này không phải chuyện đơn giản.

Chủ nhà là một bác gái, cả gia đình chỉ còn thằng cháu nội trai, hai bà cháu hiện đang ở một căn nhà khác, nên muốn bán nhà này từ lâu rồi mà vì giá cả khá cao cho nên không ai hỏi mua.

Bà ấy đòi 80 đồng và 50 cân phiếu gạo.

Xét theo thu nhập người dân thì đúng là không hề rẻ, nếu không muốn nói là quá đắt đỏ.

Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà vẫn quay lại cung tiêu xã báo cho Thẩm Ngọc biết tình hình cụ thể.

Thẩm Ngọc rất bất ngờ vì năng suất của Lâm Thanh Hoà quá nhanh.

Lâm Thanh Hoà ghi địa chỉ ra giấy rồi nói: “Diện tích khoảng 10m2, tương đối cũ, nhưng chủ đòi tận 80 đồng cộng 50 cân phiếu gạo. Kể ra thì khá đắt. Chị lưu lại địa chỉ, tan tầm em dắt chồng chưa cưới qua xem xét rồi thương lượng với nhau xem có được không. Thôi, thời gian không còn sớm, chị phải về đây.”

Thẩm Ngọc vội vàng nói: “Em cám ơn chị nhiều.”

Lâm Thanh Hoà lại giúp cô một việc lớn trong đời, bởi cô và Trần Kiệt đều phải đi làm cả ngày, không có thời gian đi tìm nhà, chỉ buột miệng than một câu, ai ngờ chị ấy có quan hệ rộng tới vậy, chỉ một buổi trưa đã có kết quả.

Lâm Thanh Hoà để lại tờ giấy rồi vội ra về.

Hôm nay cô đi lâu hơn bình thường, bà Chu ở nhà bồn chồn lo lắng không biết giữa đường có gặp phải chuyện gì không.

Khoảng 5 rưỡi, Lâm Thanh Hoà mới về đến nhà, dọn dẹp một chút rồi bắt tay chuẩn bị cơm chiều.

Bà Chu thấy con dâu lành lặn trở về mới nhẹ nhàng thở ra một hơi, bà hỏi: “Sao hôm nay đi lâu thế?”

Lâm Thanh Hoà nói: “Có chị bạn nhờ giúp đỡ cho nên con tiện tay giúp chị ấy một lúc nên hơi mất thời gian. À, bánh trung thu này là chị ấy bán cho con đấy.”

Tuy rằng trước đây cô đã giới thiệu cho Thẩm Ngọc một đối tượng ưu tú nhưng để duy trì mối quan hệ thì hai bên phải có qua có lại, tình yêu cũng vậy và tình người cũng vậy.

Thẩm Ngọc gặp khó khăn, mình có thể giúp được thì ngại gì mà không giúp người ta một tay. Sau này đi cung tiêu xã mua bán này nọ, nhất định Thẩm Ngọc sẽ ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi hơn những người khách khác.

Đây chính là cách giữ cho mối quan hệ giữa người với người được dài lâu.

Bà Chu hỏi: “Bánh trung thu này…chắc không rẻ, nhỉ?”

Lâm Thanh Hoà vừa bận rộn làm việc vừa trả lời: “Tốn ít phiếu gạo, còn lại cũng không đắt lắm đâu ạ.”

Ở nhà, bà Chu đã ủ sẵn bột ngô, giờ Lâm Thanh Hoà chỉ việc bắc bếp chưng chín là được.

Cô thành thạo xử lý mấy con lươn hôm qua Chu Đông mới cho. Sau khi làm sạch, cô xếp thịt lươn vào nồi hầm với dưa muối, bỏ thêm ít gừng đập dập để nước thơm hơn. Đây là món khoái khẩu của Đại Oa.

Ngoài ra cô còn xào thêm một đĩa dưa leo trứng gà. Ít món nhưng phân lượng không hề ít, cả một rổ dưa leo và 4,5 quả trứng gà xào chung với mỡ heo, vừa thơm vừa béo ngậy, đảm bảo đưa cơm.

Mỡ heo dùng nhiều ít bao nhiêu là đủ? Quan điểm của bà Chu và Lâm Thanh Hoà về vấn đề này khác xa nhau.

Mỗi lần thấy cô con dâu múc cả một muỗng canh mỡ heo đổ vào chảo, bà xót hết cả ruột, với từng này bà có thể nấu thức ăn cho 4, 5 ngày cũng được ấy chứ.

Nhưng mà lâu dần thành quen, nhìn quen mà ăn cũng quen, bà không còn chỉ trỏ như xưa nữa. Bà biết nếu còn nói nhiều, chắc hai ông bà sớm phải quay lại Chu gia tự nấu tự ăn mất, ai không dám chứ vợ thằng tư dám lắm à!

Quen ăn đồ vợ thằng tư nấu rồi, giờ bảo bà tự nấu…aiz…nghĩ thôi cũng đã thấy hơi không quen lắm.

Người ta nói không sai, nghèo lên giàu thì dễ chứ giàu về nghèo nghe chừng khó khăn!

Nấu nướng xong xuôi, cô bưng hai món lên bàn ăn. Vừa lúc ông Chu cùng Thanh Bách đi làm về, ba thằng nhóc Oa cũng về theo, không ngoài dự đoán, từ đầu tới chân dơ hầy, mồ hôi mồ kê chua lòm.

Mùa hè là như vậy, hiếm lắm mới thấy được chúng trong bộ dạng thơm tho sạch sẽ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện