Thịnh Đường

Chương 35



Lý Mật nghe anh nói vậy, trong lòng hoài nghi, nhưng dù sao hắn cũng là kẻ khôn khéo lão luyện, trên mặt không để lộ mảy may, chỉ chậm rãi cười hỏi: “Không biết người nào dưới trướng lão phu may mắn lọt vào mắt xanh của thái tử?”

Lý Kiến Thành mỉm cười, đáp: “Ngụy Trưng.”

Nghe đến đây, Lý Thế Dân quay đầu liếc nhìn anh, trong mắt chất chứa hoài nghi nhưng chung quy vẫn không mở miệng.

“Ngụy Trưng?” Lý Mật không ngờ anh lại muốn lấy một người không tiếng tăm gì, trầm tư giây lát rồi cười ha hả, tức khắc đồng ý, khảng khái nói, “Điện hạ đã mở lời, lão phu nào dám khước từ? Ngụy Trưng về sau sẽ là người của Đông cung.”

“Thúc phụ không hổ là hào kiệt đương thời, lòng dạ rộng rãi,” Lý Kiến Thành chắp tay vái chào, cười nói, “Kiến Thành xin cảm tạ.”

Sau khi ba người từ biệt, thấy Lý Mật đã đi xa, Lý Thế Dân mới quay sang Lý Kiến Thành hỏi: “Ta cứ tưởng lần này đại ca muốn lấy một trọng thần của Lý Mật để tỉa bớt vây cánh hắn, vì sao chỉ lấy một người không ai biết tên?”

“Kẻ làm bề tôi, vận mệnh hoàn toàn phụ thuộc vào chủ. Được coi trọng thì làm tướng, bị khinh khi thì như tù giam lỏng; dùng sẽ là hổ, không dùng chỉ là chuột.” (*) Lý Kiến Thành nghe vậy chỉ cười, xoay người bước về hướng ngược lại, “Huống chi Lý Mật kiêu căng tự đắc, một nhân tài như thế lại bị hắn mai một, chẳng thà sớm xin về cho mình dùng.”

(*) Trích từ “Đáp khách nan” của Đông Phương Sóc, nguyên văn là “Tôn chi tắc vi tướng, ti chi tắc vi lỗ; kháng chi tắc tại thanh vân chi thượng, ức chi tắc tại thâm uyên chi hạ; dụng chi tắc vi hổ, bất dụng tắc vi thử.” Nghĩa là được coi trọng thì làm tướng, bị khinh thường thì như tù binh. Được cất nhắc thì bay lên mây xanh, bị chèn ép thì rớt xuống vực sâu. Dùng thì là hổ, không dùng chỉ là chuột.

“Nói vậy là đại ca đã nhìn trúng tài học của người này?” Lý Thế Dân ngước mắt nhìn anh, ngập ngừng giây lát rồi hạ giọng, “Bao nhiêu năm qua, đây là lần đầu tiên Thế Dân thấy đại ca…… vừa ý một người.”

Bước chân của Lý Kiến Thành hơi khựng lại, lẩm bẩm cười nói: “Lương thần tướng tài, đương nhiên là trăm năm mới gặp một lần.”

Lý Thế Dân nhìn gương mặt nghiêng của anh, chỉ thấy trong nụ cười trên khóe môi anh có thể mơ hồ thấy được vẻ tán thưởng hiếm có. Trong lòng có chút không cam tâm, sau một lúc ngập ngừng, cuối cùng cũng mở miệng: “Vậy hôm khác Thế Dân nhất định phải tiếp kiến vị Ngụy đại nhân này một lần rồi.”

Lý Kiến Thành nghe vậy chỉ cười mà không đáp.

*****

Nhưng ngày hôm sau, Lý Thế Dân đã nhận được một tờ chiếu thư của Lý Uyên, phong hắn làm Tây thảo nguyên soái, dẫn mười vạn quân tiến đánh Tiết Nhân Quả.

Sau khi Tiết Cử đột tử vào tháng tám, Tiết Nhân Quả kế thừa di nguyện của cha, lấy Cao Chỉ làm cứ điểm, không ngừng đông tiến, dần dần xâm lấn đất Quan Trung. Đống chiến báo chồng chất trong góc bàn ngày càng dày thêm, Lý Uyên thấy Lý Thế Dân đã khỏi hẳn, cuối cùng hạ quyết tâm phái hắn lần thứ hai tây tiến.

Do mới kiến quốc, quần hùng rình rập xung quanh, trong quân lúc nào cũng sẵn sàng ra trận nên dù lần này mệnh lệnh hạ xuống có hơi gấp thì cũng chỉ mất có năm ngày để chuẩn bị hoàn thiện mọi việc.

Đến ngày thứ sáu, Lý Thế Dân uống rượu tiễn biệt, thúc ngựa tây chinh. Hôm đó trong đội ngũ tiễn biệt không thấy Lý Uyên và Lý Kiến Thành, mà chỉ có một mình Lưu Văn Tĩnh dẫn đầu.

Lưu Văn Tĩnh dâng rượu tiễn biệt cho Lý Thế Dân, cười nói: “Mong điện hạ khải hoàn.”

Lý Thế Dân nhận bát rượu, ngẩng đầu dứt khoát uống một hơi cạn sạch. Sau đó dốc sức đập xuống đất, bát rượu vỡ tan, vang lên một tiếng đanh giòn.

Ánh mắt Lưu Văn Tĩnh nhìn mặt đất rồi lại chuyển sang Lý Thế Dân, chậm rãi nói: “Bệ hạ làm vậy là muốn nhắn nhủ điện hạ không nên dẫm lên vết xe đổ của tại hạ.”

“Ta hiểu mà.” Lý Thế Dân gật đầu, ngập ngừng giây lát lại tiếp, “Thật ra khi đó Triệu Nhân nóng lòng xuất chiến, có lẽ cũng vì một lòng muốn chiếm công đầu cho Thế Dân.”

Lưu Văn Tĩnh nghe vậy ngẩn người, lại rũ mắt nói: “Tuy ta muốn thế…… nhưng tiếc thay cuối cùng lại trở thành sai lầm.”

Lý Thế Dân trái lại còn cười, đưa tay vỗ vỗ vai y, nói: “Triệu Nhân không nên tự trách, tấm lòng của ngươi đối với Thế Dân, Thế Dân tự khắc hiểu.”

Lưu Văn Tĩnh đột ngột ngẩng đầu, Lý Thế Dân lại kéo cương ngựa, cười nói giữa tiếng ngựa hí vang trời: “Hãy chờ ta khải hoàn!” Dứt lời liền hạ lệnh, dẫn đại quân hùng dũng kéo đi.

Lưu Văn Tĩnh nhìn theo bóng dáng hắn xa dần, mãi sau mới nở một nụ cười tự giễu.

Trong nháy mắt, y cứ đinh ninh Lý Thế Dân đã nhìn thấu suy nghĩ trong lòng mình.

Nhưng mà nghĩ lại, trong lòng đối phương chỉ nhớ đến một người duy nhất, làm sao có thể thật sự thấu hiểu tâm ý của mình chứ.

Chờ cho bóng dáng hắn biến mất sau trùng trùng núi non, cuối cùng lắc đầu, thúc ngựa trở về.

*****

Khi Lý Thế Dân mới đóng quân ở ngoại thành Cao Chỉ, Tiết Nhân Quả đã phái đại tướng Tông La Hầu dẫn hơn mười vạn binh chuẩn bị kĩ càng để nghênh chiến.

Tông La Hầu cậy mình dũng mãnh, lại thêm trận Tiết quân đánh bại Đường quân lần trước, lại càng không để Lý Thế Dân vào mắt. Quân Đường mới đến được vài ngày, hắn đã đích thân dẫn nhân mã ra ngoài thành khiêu khích.

Tướng lãnh dưới trướng nóng lòng muốn rửa nhục, thi nhau đến trước doanh trướng của Lý Thế Dân thỉnh chiến. Nhưng lại nghe tin Lý Thế Dân không ở trong trướng, mới sáng sớm đã ra ngoài, chỉ để lại một câu: ai dám tùy tiện xuất chiến, cứ xử theo quân pháp.

Chúng tướng nghe vậy, trong lòng chất chứa oán niệm nhưng cũng đành hậm hực quay về.

Cùng lúc đó, Lý Thế Dân mặc khinh cừu cưỡi khoái mã, mang theo mấy tùy tùng, đang dừng chân trên một mỏm đất cao vây giữa núi non.

Nhìn xuyên qua đám cành khô rậm rạp xuống dưới, trước mắt là một dải đất bằng phẳng rộng rãi, chính là Thiển Thủy nguyên nơi quân Đường từng bị đánh bại. Phóng mắt nhìn ra xa chút nữa là thành Cao Chỉ nơi Tiết Nhân Quả đóng quân.

Chiến trường vẫn là Thiển Thủy nguyên, đối thủ vẫn là Tiết quân. Mà hắn, lại vẫn chọn đấu pháp hậu phát chế nhân.

Nhưng lần này thắng bại chắc chắn sẽ xoay chuyển. Hắn nhất định sẽ thắng, mà đây vốn là thắng lợi nên thuộc về hắn.

Quanh quẩn trên mỏm đất cả ngày, sai tùy tùng vẽ phác lại địa thế, cho đến khi mặt trời xuống núi mới giục ngựa quay về. Trở lại đại doanh, hễ là tướng lãnh thỉnh chiến đều đóng cửa không tiếp. Ngày hôm sau lại phục trang đơn giản, một mình đi thăm dò địa hình.

Mấy ngày liền đều đi sớm về muộn, mà quân đóng ngoài thành mặc cho Tiết quân chửi bới khiêu khích đến thế nào cũng chỉ một mực trốn tránh, thủ vững không ra.

Cứ kéo dài như thế đến hơn một tháng.

Chiến sự trì trệ không có tiến triển, nhưng lương thảo vẫn liên tiếp tải về hướng tây, do đó trong triều đình đã có người mất kiên nhẫn mà tỏ ý nghi ngờ.

Lý Uyên nghe vậy chỉ nói bâng quơ, để chờ được dịp tốt thì dù ngủ đông mười năm cũng không tính là dài, huống chi chỉ là một tháng? Lời vừa nói ra, chúng thần đều hiểu ông muốn ám chỉ chuyện mình ẩn nhẫn mười năm chờ ngày phản Tùy, cho nên mọi người đều trầm mặc, không ai dám nói nữa.

Bãi triều rồi, Lý Kiến Thành trở về Đông cung. Vừa bước vào hậu viện đã thấy Ngụy Trưng mặc một bộ áo xanh có phần cũ kỹ, hơi ngẩng đầu, chắp tay đứng dưới một gốc ngô đồng. Lá ngô đồng tàn úa rơi rụng, tích thành một mảng đỏ vàng đan xen dưới chân y.

Lý Kiến Thành bước đến sau lưng y, nhìn theo ánh mắt y, thuận miệng hỏi: “Tiên sinh nhìn gì mà xuất thần vậy?”

Ngụy Trưng bừng tỉnh, vội cúi đầu thi lễ, đáp: “Ngày thần theo Lý Mật nhập quan, lá ngô đồng đầu cành vẫn còn tươi tốt, mà giờ đây đã rụng đi quá nửa.”

Lý Kiến Thành nhìn y mỉm cười: “Tiên sinh không phải người thích vòng vo như thế.”

“Điện hạ quả là thông suốt mọi việc.” Ngụy Trưng cười lớn, dừng một chút rồi ngoảnh đầu nhìn cành khô lá úa trải rộng trên mặt đất, thở dài, “Lá vàng đã rụng, mà Lý Mật vẫn còn rất kiên nhẫn.”

Lý Kiến Thành khẽ nhướn mày, lặng lẽ nhìn y, cuối cùng than: “Xem ra kế vặt của Kiến Thành đúng là không thể qua được tuệ nhãn của tiên sinh.”

“Không dám.” Ngụy Trưng cười đáp, “Chỉ là…… chuyện thần nhìn ra không chỉ có một.”

“Ta thấy bốn chữ thông suốt mọi việc phải dùng cho tiên sinh mới đúng.” Nghe giọng điệu có chút khinh cuồng của y, Lý Kiến Thành lại không hề để ý, chỉ cười đáp, “Những việc khác ngày sau lãnh giáo tiên sinh cũng chưa muộn, còn chuyện Lý Mật…… Không biết tiên sinh có điều gì chỉ bảo?”

“Chuyện bức phản Lý Mật phải sớm ra tay, không nên trì hoãn. Dù Lý Mật bản tính tự cao tự đại, nhưng cũng là người rất giỏi ẩn nhẫn. Nhớ năm nào hắn mới vào Ngõa Cương trại, liên tiếp lập chiến công lại tỏ ra hết sức khiêm cung mới lọt vào mắt xanh của Trạch Nhượng, cuối cùng được nhường cả chủ vị. Nhưng khi lên nắm quyền hắn lại trừ khử Trạch Nhượng, qua đó đủ thấy kẻ này ngoan độc thế nào, tuyệt không thể giữ.” Lời lẽ của Ngụy Trưng thẳng thắn sắc sảo, nhưng trong giọng điệu lại hiển lộ nét ung dung, “Từ ngày người của Ngõa Cương trại nhập quan tới nay, bệ hạ và điện hạ đã làm đủ chuyện, hắn chắn chắn đã có dự cảm, nhưng e là vẫn chưa nghĩ đến việc bức phản.” Dừng một chút lại ngước mắt lên, “Nếu có một người đứng ra chỉ điểm thì việc này ắt xong.”

Lý Kiến Thành nhìn y, cười nói: “Thật ra tiên sinh cố ý muốn ứng cử bản thân.”

“Dĩ nhiên.” Ngụy Trưng chắp tay vái một vái, “Ngụy Trưng năm xưa từng là người dưới trướng Lý Mật, chuyến này đi nắm chắc đến chín phần.”

Lý Kiến Thành nhướn mày hỏi: “Một phần còn lại thì sao?”

Ngụy Trưng cười đáp: “Dĩ nhiên còn phải xem điện hạ có chấp thuận hay không.”

Lý Kiến Thành cười khẽ, nói: “Vậy xin phiền tiên sinh vất vả một chuyến.”

“Thần tuân mệnh.” Ngụy Trưng cung kính thi lễ, ngập ngừng giây lát rồi ngước mắt lên, “Thực ra điện hạ muốn nhân cơ hội này để thử xem tài năng của thần đến đâu?”

Lý Kiến Thành mặt không đổi sắc, mỉm cười nói: “Thực ra tiên sinh ăn nói khinh cuồng, cũng vì muốn thử xem Kiến Thành có thể dung người hay không?”

Ngụy Trưng cười đáp: “Không dám giấu điện hạ, Ngụy Trưng muốn nhân cơ hội này lập công, chứng tỏ tài năng.”

Lý Kiến Thành lại nói: “Không dám giấu tiên sinh, Kiến Thành cũng muốn thừa dịp này bày tỏ khí độ.”

Hai người nhìn nhau giây lát, bỗng dưng bật cười.

(Quân thần đồng tâm quá đi, mồm mép hai bên đều lợi hại không ai kém ai cả =))))

Dứt tràng cười, Lý Kiến Thành nói: “Tiên sinh quả nhiên là người thú vị.” Điều này trong lòng anh đã có dự cảm ngay từ lần đầu gặp gỡ. Nhưng quen biết rồi, bỗng cảm thấy người này tưởng như hoàn toàn phơi bày trước mắt, lại khiến người ta không sao nhìn thấu.

Người như thế đương nhiên là thú vị nhất.

Ngụy Trưng nghe vậy chỉ cười mà không đáp, rót hai chén trà rồi đẩy một chén đến trước mặt Lý Kiến Thành. Lát sau dường như nhớ ra chuyện gì, đột nhiên hỏi: “Ngụy Trưng nghe nói, hôm nay trên buổi chầu có người tỏ ý nghi ngờ đối với việc Tần vương lâu ngày không xuất chiến?”

Lý Kiến Thành gật đầu: “Nhưng cuối cùng đã bị phụ hoàng nói mấy câu gạt đi.”

Ngụy Trưng rũ mắt nhìn chén trà, hỏi: “Điện hạ nghĩ sao về việc này?”

Bàn tay Lý Kiến Thành cầm chén trà hơi khựng lại, đáp: “Tần vương là tướng tài trời sinh, làm thế tự khắc có lý do riêng.”

Ngụy Trưng liếc nhìn anh, nét mặt rõ ràng là muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng chỉ cười: “Điện hạ nói chí lý.”

Lý Kiến Thành đưa chén trà đến bên môi, mắt đã thấy nhưng miệng cũng không truy hỏi thêm.

*****

Tháng mười một, tin Lý Thế Dân đánh bại Tông La Hầu, nhận hàng Tiết Nhân Quả truyền về Trường An.

Sau hơn một tháng giằng co, Lý Thế Dân thấy đối phương cạn kiệt lương thảo, quân tâm bất ổn, thậm chí có một bộ phận nhân mã đã tỏ ý quy phục hắn, liền biết thời cơ đã chín muồi.

Đầu tiên hắn phái thiên tướng dẫn một đội nhân mã tìm một nơi lộ liễu ở Thiển Thủy nguyên mà hạ trại, ý đồ dụ địch xuất chiến. Tông La Hầu quả nhiên không kiềm chế nổi, dẫn quân tinh nhuệ tấn công. Nhưng quân Đường lại tử thủ không đánh, chỉ cầm cự lâu dài với hắn. Chờ đội quân tinh nhuệ này kiệt sức, Lý Thế Dân lại phái một đội khinh kỵ binh tấn công từ phía nam Thiển Thủy nguyên, xuất kỳ bất ý đánh vào mặt phải Tiết quân. Cho đến khi Tông La Hầu dốc toàn lực đối phó với cánh quân này, Lý Thế Dân lại đích thân dẫn một đội khinh kỵ binh khác, tấn công từ mặt lưng Thiển Thủy nguyên, xuyên thẳng vào phía sau Tiết quân.

Thoáng chốc, Tông La Hầu đã hai mặt ngộ địch, ứng phó không nổi, nhân mã mệt mỏi rã rời. Thầm biết mình đã trúng kế, trong lúc cấp bách hắn đành dẫn quân chạy về thành Cao Chỉ. Lý Thế Dân nghe tin này, lập tức điểm hai ngàn tinh kỵ, muốn đến trước một bước cản đường hắn, trấn giữ ở cổng thành. Lúc này có người khuyên Lý Thế Dân không nên khinh xuất, nhưng hắn lại vô cùng quả quyết nói thời cơ không thể đánh mất rồi thúc ngựa phóng đi ngay.

Hai ngàn nhân mã thừa thắng truy kích, đánh cho đào binh của Tông La Hầu đại loạn, sau đó lại đại chiến với Tiết Nhân Quả dưới thành. Mấy viên tướng của Tiết quân hàng Đường, Tiết Nhân Quả vội vã trốn vào thành, đóng cửa cự địch.

Xẩm tối hôm ấy, toàn quân Đường đã đuổi đến nơi, Lý Thế Dân hạ lệnh vây thành gần nửa tháng. Cuối cùng Tiết Nhân Quả hết cạn đạn lương, đành dẫn hơn một vạn quân mở cổng thành xin hàng.

Sau trận chiến này, họ Tiết bị tiêu diệt hoàn toàn, vùng Lũng Tây đã không còn hậu hoạn.

Ngày Lý Thế Dân khải hoàn, Lý Uyên dĩ nhiên không lạnh nhạt như lần trước, từ sớm đã đích thân đứng chờ ở ngoại thành. Đội ngũ hùng hậu, nghi thức long trọng cũng là xưa nay chưa từng có.

Lý Thế Dân ngồi trên lưa ngựa, nét mặt rạng rỡ, tinh thần phấn chấn. Đến trước mặt Lý Uyên, hắn xuống ngựa vái dài, sau mấy câu hỏi han mới len lén nhìn quanh, lại không thấy tà áo trắng quen thuộc kia đâu.

Niềm vui chiến thắng mà thiếu người kia chung hưởng cũng buồn tẻ vô vị đi chút ít.

Ngập ngừng giây lát, cuối cùng vờ như vô ý mà hỏi: “Sao nhi thần không thấy thái tử?”

Lý Uyên cười đáp: “Thái tử gần đây bận soạn thảo Tô dung điều pháp, mấy ngày nay đều xuất thành từ sáng sớm để thăm thú dân tình.”

Lý Thế Dân gật đầu, không hiểu vì sao vẫn không xóa nổi cảm giác hụt hẫng trong lòng.

Sau khi vào thành, Lý Thế Dân lĩnh phong thưởng, đến trưa lại mở tiệc mời những tướng lĩnh xuất chinh ở Tần vương phủ. Cho đến hoàng hôn mới được rảnh rỗi, ngồi trong phòng một lúc, cuối cùng không kiềm chế nổi, đứng dậy sửa sang vạt áo rồi đi về hướng Đông cung.

Mới cách xa vài tháng mà cảnh vật Đông cung đã thay đổi nhiều. Trong viện ngô đồng héo úa, lá rụng đầy sân, sắc đỏ vàng kia cũng không gây cảm giác suy tàn hiu quạnh, mà ngược lại còn hiển lộ vẻ thanh lãnh phú quý.

Cũng giống như người đó.

Lý Thế Dân nghĩ đến đây, chân đã đặt lên trước cửa phòng Lý Kiến Thành. Không cần báo lên vẫn được đi lại tự do trong phủ, đây coi như là đặc quyền của Tần vương.

Không thể chờ đợi thêm, hắn đưa tay gõ cửa. Nhưng khoảnh khắc trước khi mu bàn tay gõ xuống, hắn phảng phất nghe thấy trong phòng có tiếng ai cười. Thoáng chần chừ, tay đã gõ xuống.

Lát sau cửa phòng mở ra, Lý Kiến Thành vận trường sam vân mây viền vàng, bước ra từ cánh cửa bên kia. Thấy hắn chỉ khẽ nhướn mày, cười nói: “Thế Dân?”

“Đại ca!” Biệt ly đằng đẵng mới gặp lại, trong mắt Lý Thế Dân lóe lên một tia tha thiết, chỉ hận không thể lập tức ôm anh vào lòng.

Nhưng đúng lúc này, chợt có người chầm chậm bước ra từ sau lưng Lý Kiến Thành. Người kia mặc một bộ áo xanh có phần cũ kỹ, càng tôn lên vóc dáng săn chắc cao gầy. Y đứng trước mặt Lý Thế Dân, cung kính thi lễ: “Thần Ngụy Trưng bái kiến Tần vương điện hạ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện