Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi
Chương 116: Hồi mười lăm (6)
[ Chẳng lẽ bác có chuyện?? ]
Hai đứa nhóc trông thấy bản vẽ pháo Thần Cơ, lập tức nghĩ đến Hồ Nguyên Trừng. Chúng nó ngồi trong Ngự Thư Phòng, không nghe thấy chuyện Chu Đệ bị ám sát, nên vẫn nghĩ bản vẽ hôm trước Hồ Nguyên Trừng dâng lên vẫn ở trong tay hoàng đế triều Minh.
Âu cũng dễ hiểu. Ngay ngày đầu tiên vào yết kiến Chu Đệ, được dẫn đi tham quan hoàng cung, hai đứa đã thấy cung cấm này canh phòng nghiêm mật đến thế nào. Ăn cắp được thứ quan trọng như bản vẽ pháo Thần Cơ, thật là khó hơn cả lên trời.
Nhưng nay nó lại xuất hiện ở Ngự Thư Phòng, trong tay Lý công công. Thế nên hai đứa lập tức nghĩ đến chuyện tên Lý công công này uy hiếp Hồ Nguyên Trừng, bắt chàng phải nộp bản vẽ cho hắn. Có khi còn bị hắn hại chết rồi không chừng.
Tạng Cẩu lấy trong áo ra một viên bi sắt, thủ sẵn trong tay.
Mấy tháng nay, Nguyễn Phi Khanh vẫn thường thay thầy dạy nó thủ pháp để ném Quỷ Diện Phi Châu, để " thần công không bị thất truyền ". Sau đêm Anh Hùng yến, Tạng Cẩu vẫn thường ỷ vào nội lực thâm hậu hơn người cùng lứa, không mấy khi phóng phi châu.
Đây sẽ là lần đầu tiên.
Mà Lý công công, hắn cũng không vội thò cổ xuống lấy bản vẽ.
Người bình thường thì có thể nghĩ thứ mới đánh động ván giường là con chuột nào đấy, nhưng hắn không nghĩ vậy. Chính xác hơn, là không cho phép bản thân được có suy nghĩ bất cẩn như thế.
Lý công công cong năm đầu ngón tay, sau đó chộp thẳng xuống ván giường. Liệt kình hung hãn phá tan cả tấm phản. vụn gỗ bắn cả vào khuôn mặt trắng bệt của y.
Vút.
Cốp!
Họ Lý thấy trong vụn gỗ giấu một dị vật, không kịp nghĩ nhiều vội vã nghiêng đầu tránh đi chỗ khác. Song phi châu của Tạng Cẩu vẫn nhanh hơn một bậc, đánh trúng ngay chóp mũi của hắn. Cái mũi của Lý công công bị đụng cho vẹo lệch hẳn sang một bên, hai lỗ mũi đều có máu chảy ra ồ ạt, có khác gì sông Hồng vỡ đê? Lớp da đầy phấn ở chóp mũi bị xé toạc, lộ ra bên dưới một làn da ngăm ngăm.
Kẻ này là Lý công công giả.
Tên Lý công công giả loạng choạng lui lại phía sau, lại đưa tay lấy vạt áo che kín mặt. Có lẽ hắn cũng đã nhận ra mặt nạ da người của mình bị rách, không muốn để ai biết thân phận thật.
Tạng Cẩu đội vết nứt trên ván giường, nhảy ra. Nó sấn nhanh tới chỗ tên thái giám giả, tay phải tống ra một quyền trong võ chó.
Hàm Chó Vó Ngựa.
Chiêu này nhắm ngay vào huyệt Lương Khâu nằm trên gối một chút. Lấy kình lực của thằng nhóc, đánh què chân một người không phải chuyện gì quá khó.
Thằng bé nhỏ người, đứng thẳng cũng chỉ cao đến bụng đối phương. Họ Lý lại đang lấy tay áo lòng thòng lượt thượt che nửa mặt, chẳng khác nào tự đâm mù mắt. Lúc này dù có cúi xuống, y cũng không thấy được hạ bàn của mình.
Nhưng Lý công công cũng không phải hạng vừa, y tự biết hạ bàn là chỗ hớ hênh nhất của mình bây giờ, nên đã có phòng bị trước. Thằng bé vừa ra tay, y đã co ngay chân lên, đạp mạnh ra trước.
Cốp.
Quyền cước giao chiến, kình phong của cả hai đều hung bạo như sóng biển, nay va vào nhau chỉ nghe ầm một tiếng. Tạng Cẩu lui về phía sau ba bước, chân dậm lún cả sàn thành vết.
Đối thủ của nó thì mượn lực đấm, ngả người lao về phía cửa.
" Chạy đâu?? "
Tạng Cẩu hét lên, đoạn bổ nhào theo gắt gao. Mắt nở trợn to, đỏ quạnh.
Người trúng phải một trảo của Lý công công là Phiêu Hương.
Tên thái giám giả cười khẩy, mặt hắn vẫn hướng về phía cửa, thế mà cả người đột nhiên lướt ngược lại như thể một bóng ma. Hắn nhấn ngón chân khẽ một cái, cơ quan trong giày khởi động, làm một lưỡi dao ngắn trượt ra khỏi gót giày. Đoạn, hắn cong eo, gập bụng. Cả người gã như hóa thành một cái đòn bẩy, bẩy cẳng chân của hắn giật ngược lên. Động tác gần giống người ta múa ba lê hay trượt băng nghệ thuật hiện đại.
Song gót giày hắn gắn dao, chân đá móc ngược lên như thế, lưỡi thép nhọn hoắt ắt sẽ xuyên thủng cằm đối thủ.
Nhưng…
Khinh công của Tạng Cẩu được chân truyền của Quận Gió, người lừng danh thiên hạ về sự xuất quỷ nhập thần, đi không ai biết về chẳng ai hay.
Thế nên, thân pháp đối phương có thể quái lạ đấy, nhưng cũng như cái thân pháp cá trạch của Phạm Hách, thiên về tiểu xảo hơn. Thế thì sao mà làm khó được nó?
Tạng Cẩu chỉ hơi giật mình một cái, sau đã dùng Lăng Không Đạp Vân ngay, lướt ngang sang tránh thỏi đòn hiểm của kẻ địch chỉ trong gang tấc. Nếu đối phương là bóng ma quỷ mị, thì nó là điện xẹt giữa bầu không.
Lại nói, tên thái giám giả đang bị nội thương. Nếu không, Tạng Cẩu muốn dùng tốc độ áp đảo hắn, đúng là sẽ khó hơn bội phần.
Cốp! Cốp! Cốp!
Tạng Cẩu vung tay, bắn liên tiếp ba viên phi châu vào hai khoeo chân gã thái giám giả. Bi sắt đúc đặc, nặng đến hai cân ta. Tạng Cẩu dùng thủ pháp đặc thù, lại thêm nội lực mạnh mẽ, uy lực có thể so với đạn súng hỏa mai.
Lý công công bị một thằng ranh con đánh gãy chân.
Thực đúng là chuyện không thể tưởng tượng.
Nhưng ngày hôm nay, vốn dĩ đã là một ngày quái lạ. Các cụ vẫn dạy là họa vô đơn chí phúc bất trùng lai, thế nên một lát nữa có xảy ra thêm vài chuyện khó tin có lẽ cũng không có gì lạ.
Đánh gãy lìa hai chân đối thủ, Tạng Cẩu lại nhảy xổ tới, toan dùng nắm đấm nhỏ bé thụi tan tác hết chân khí hộ thân của y. Song tên thái giám nọ đâu phải tay vừa? Chân bị đánh gãy, nhưng hắn vẫn còn đôi tay.
Tạng Cẩu chỉ thấy hắn dùng chưởng phải vỗ xuống đất một cái, khiến cả người bật tung lên không trung đến gần hai thước. Liền đó tay trái tên thái giám giả đã tung ra, hai ngón tay nhè mắt Tạng Cẩu mà đâm tới. Đấy vốn là long tu chỉ, một chiêu trong Long Hình của Thiếu Lâm tự.
Tốc độ nhanh thì quán tính lớn, lúc này thằng bé đang được đà lao tới trước, chẳng khác nào tự đập mắt mình vào hai ngón tay của đối thủ.
Tình hình nguy ngập, khiến Tạng Cẩu không kịp nghĩ nhiều. Một mặt nó đưa tay lên bảo vệ cặp mắt, mặt khác lại vận hết nội lực bình sinh lên.
" Oẳng!!! "
Nó vẫn chưa quen lấy âm thanh nào khác để dùng chiêu Chó Sủa, thế nên vẫn cứ đem tiếng kêu của cái giống gâu gâu này ra để hạ địch.
Lý công công đột nhiên nghe thằng nhóc này sủa lên một tiếng, chưa kịp nghĩ gì, thì cả người đã bủn rủn tay chân. Chấn động xông lên tận óc, khiến người hắn đơ nhũn ra.
Bao gồm cả cánh tay.
Bịch.
Lý công công ngã phịch xuống, không áp chế nổi thương thế nữa mà ộc ra một ngụm máu tươi.
Kẹt.
Tuệ Tĩnh thiền sư bước vào.
Quay lại chuyện ở cố đố Hoa Lư.
Trần Đĩnh với Lê Thận lê la tìm một góc, hỏi nhau chuyện liên quan đến sư phụ. Khiếu Hóa tăng vốn là người nay đây mai đó, bản tính ưa tự do, thế nên mặc dù có duyên sư đồ, muốn tìm được ông cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì cho cam.
Không biết có phải do gặp được " sư đệ " không, hay do đã ngà ngà say, mà hôm nay Trần Đĩnh nói đặc biệt nhiều về quá khứ của bản thân, nhiều hơn cả những gì hắn hé môi trong mấy năm nhập ngũ.
" Năm đấy anh tôi dùi mài kinh sử dưới quê, muốn lên kinh ứng thí. Mẹ tôi lấy hết tiền để dành đưa cho hắn ta, đặng làm lộ phí đi đường. Hết năm này, qua năm khác. Mẹ tôi ở quê đói không dám ăn rét chẳng dám mặc, ốm đau cũng cố chịu cho qua cơn chứ không mời ông lang nào về. Hai mẹ con giật gấu vá vai, cũng coi như đủ sống.
Năm này, qua năm khác. Tôi thì lớn dần, mà bóng thằng anh vẫn biệt tăm. Mẹ tôi thương con, nghĩ chắc hắn thi trượt hết lộ phí không dám về, nên bán cả nhà cả trâu lên Thăng Long tìm.
Cuối cùng, chúng tôi thấy hắn trong sới đá gà, đang làm công trả bớt nợ nần bị thua dưới móng con mấy thứ gà qué luộc lên chẳng được tí thịt. "
Lê Thận nghe đến đoạn này, mời Đĩnh một chén:
" Mỗ kính anh một chén, coi như cho qua cái chuyện xưa. "
Đĩnh lại tiếp:
" Mẹ nó chứ. Mà nhầm. Thằng ấy anh mình. Khốn nạn thế vẫn chưa hết đâu. Nó trông thấy mẹ, nó ôm chân kêu khóc van lơn ghê gớm lắm. Mẹ thì vẫn cứ nghĩ hắn còn là gã trai quê chân chất, lại thương con, nên thay hắn làm trong sới đá gà để hắn tu tỉnh ăn học chờ kì thi sau. Ấy thế… khốn nạn cái thằng trời đánh thánh vật kia. Nó vẫn cứ lén đá gà sau lưng mẹ. Tiền mẹ làm một, nó nướng vào sới gà mười. "
" Sao anh không nói gì? "
Lê Thận tự tu một ngụm rượu, hỏi.
Trần Đĩnh cúi thấp đầu, tóc lòa xòa che mặt. Hắn lên tiếng, giọng khàn đặc:
" Có. Có nói. Nhưng có ai thèm tin tôi đâu? Trong lòng mẹ, hắn luôn là đứa con ngoan. Anh cũng biết mà. Các cụ lúc nào cũng tin thứ các cụ thích thôi.
Chẳng mấy, mà mẹ kiệt sức ốm nặng vì cái lòng tin chết bằm ấy.
Đến lúc bà mất rồi, thằng chó đẻ kia nó mới hối. Nhưng tiền nướng vào sới đá gà rồi, chôn mẹ kiểu gì?? Hắn không biết, cũng chả thèm biết. Hắn tự tử. Ha ha. Giờ hắn thì sướng rồi, chả phải lo nghĩ gì. Còn thằng em thì có đến tận hai thi thể phải mai táng. "
Lê Thận chuốc cho Đĩnh một chén nữa.
Rồi hỏi:
" Mỗ đoán sau đó anh gặp thầy, được ông dạy võ nghệ cho đúng không? "
" Cũng may có sư phụ. Chẳng rõ vì sao ông tìm được tôi, mua nhà ở phố Hàng Than cho ở, lại dạy bảo võ nghệ và ban cho thanh Huyết Ẩm này đây. "
Trần Đĩnh nhìn xuống thanh kiếm gãy đặt bên cạnh, trong đầu hồi tưởng lại ký ức trong veo năm nào. Thăng Long thành, dưới bóng cây, một ông sư già béo mập lại đánh ra được những chiêu kiếm tiêu sái đến hút hồn.
Lê Thận thở dài:
" Mỗ biết lí do đấy. "
" Anh biết? "
Trần Đĩnh kinh ngạc nhỏm dậy, tóc mái lòa xòa cũng theo đó mà bị hất cả ra sau vai.
Lê Thận lim dim mắt, kể:
" Thực ra, chuyện của mỗ cũng na ná như anh vậy. "
Thì ra, trước đây Lê Thận vốn là con trưởng trong một gia đình ngư phủ nghèo, ngày chẳng đủ hai bữa ăn. Lê Thận mồ côi cha từ nhỏ, anh ta và mẹ sống dựa vào nhau ở đạo Đà Giang, ngay sát địa phận châu Ninh Viễn do một tù trưởng Thái là Đèo Cát Hãn cầm đầu. Đèo là kẻ có dã tâm, rất hay dẫn quân xuôi đông đánh chiếm đạo Đà Giang, cướp trâu ngựa của cải về cho người mình dùng. Ông nội và cha của Thận đều chết dưới tay Đèo. Song y là tù trưởng một vùng, nắm trong tay binh mã hung hãn thiện chiến. Một thanh niên chỉ quen cầm lưới với cần câu như Lê Thận, chỉ biết ngày ngày đứng trước bàn thờ gia tiên thở dài bất lực.
Đúng lúc này, Khiếu Hóa Tăng tìm đến nhà, đưa cho anh ta bộ ám khí Trầu Không, lại dạy bảo cho cách dùng. Lê Thận rất biết ơn ân sư, trong thời gian ông sư già ở lại nhà, cả hai mẹ con đều kính trọng ông hết mực.
Nửa tháng trôi qua, Khiếu Hóa Tăng ra về, mặc cho mẹ Lê Thận hết sức giữ lại. Trước khi đi ông chỉ nói với Thận:
" Vật nào về chủ nấy, của thiên lại trả địa. Cái khác duy nhất, có chăng là lão nạp chỉ là một ông sư lang thang già nua béo ú, không được trẻ trung xinh đẹp như người tiên thôi. "
Lê Thận đứng bên bờ sông, nhìn theo con đò trở ông sư già xuôi theo dòng nước, đến tận lúc cái đầu trọc lốc của sư phụ khuất sau những con thác bạc đầu rồi, anh ta mới quay về.
" Nghe u mỗ kể, ám khí Trầu Không vốn là vật của ông nội, hôm thầy u mỗ lấy nhau ông mới đem ra làm quà mừng. Sau đó bẵng đi ít lâu, năm mỗ lên ba cả ông lẫn thầy đều bỏ mạng dưới tay của Đèo Cát Hãn. Ám khí cũng bị mất, chắc là do Đèo cướp về như chiến lợi phẩm. "
Trần Đĩnh nhìn thanh kiếm gãy của mình, lại nhớ đến bóng lưng trong chiếc cà sa rách nát, lòng không khỏi nặng trĩu.
" Cả mỗ, cả anh… hai ta đều chưa xứng với kì vọng của thầy. "
Theo Minh sử kể thì Đèo Cát Hãn dâng biểu tâu với nhà Minh rằng vua quan họ Hồ đã chiếm 7 trại của Đèo, lại còn bắt con gái và giết rể ông ta để khống chế. Trong chiến tranh Đại Ngu - Đại Minh, Đèo Cát Hãn mang 4000 quân góp sức theo Trương Phụ, nay chẵng những được trao trả đủ lãnh địa, quyền hành có phần còn hơn xưa.
Gió càng muộn càng thanh, trăng càng khuya càng sáng.
Lê Thận, Trần Đĩnh uống hai vò rượu nếp nồng, say nhũn cả người, chả còn biết trời đất trăng sao gì nữa. Hai tên mỗi người ôm một bên chân tượng thần Thiên Tôn, lăn đùng ra kéo gỗ vang cả động.
Phạm Ngũ Thư chậm rãi ra ngoài, tiếng ngáy của hai tên ngố đồng môn khiến y chẳng thể chợp mắt. Vừa mới đi vài bước, đã thấy Lê Hổ đang ngồi bần thần trước cửa động. Sương đêm vùng núi đọng cả lên tóc, lên vai áo, song Lê Hổ vẫn không động đậy tí nào.
Ngũ Thư đã ngồi xuống bên cạnh, nhưng cậu chàng vẫn không nhúc nhích.
" Nghe được hai tên kia nói chuyện với nhau đúng không? "
Lê Hổ lúc này mới ngẩng đầu, mặt hồ phủ lên lớp sương mờ.
Cậu chàng vẫn không nói gì, nhưng Phạm Ngũ Thư đã lờ mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra trong đầu cậu. Y thở dài, chậm rãi ôn lại trận thư hùng mười năm trước với Trần Đĩnh ở hồ Linh Lang. Lúc này đây, Phạm Ngũ Thư biết Lê Hổ cũng đang phải trải qua những gì y nghĩ mười năm trước.
" Mười năm trước, đáng ra anh đã có thể giết hắn. "
Phạm Ngũ Thư ngẩng đầu lên mảnh trăng bàng bạc treo trên đầu, lấp ló giữa những cụm mây đen.
" Thế tại sao anh lại không làm? "
Lê Hổ gằn giọng, mắt quắc lên.
Bình thường, Lê Hổ là chủ công, Ngũ Thư là tùy tùng. Song, mười bảy năm trước, khi Lê Học trút hơi thở cuối cùng… chàng đã gửi gắm đứa em bé bỏng cho Ngũ Thư.
Từ bấy đến giờ, Phạm Ngũ Thư vừa là cận vệ, lại vừa là anh trai của cậu chàng. Phải đến mấy năm gần đây Lê Hổ làm lễ thành nhân, hai người mới sửa lại cách xưng hô.
Phạm Ngũ Thư nhìn Lê Hổ:
" Còn cậu? Mới nãy hai tên kia không đề phòng gì, uống say bét nhè. Võ công thấp kém như cậu nghe lén cả hai cũng chả biết, giờ muốn giết Trần Đĩnh không phải chuyện khó đâu. "
" Thì… thì anh cũng nói rồi. Y chẳng hề đề phòng gì mình… giết y… giết y bây giờ quá bỉ ổi. "
Phạm Ngũ Thư cười khẽ, nói:
" Thực ra chuyện đời vốn không phải đơn giản, cái vòng luẩn quẩn oán cừu thù hận cũng sẽ không vì chuyện giết người đền mạng mà chấm dứt được. Cuối cùng, chỉ là cái chuyện hại người chẳng lợi mình. "
" Thế nhưng… Nếu ai cũng nghĩ như thế, trên đời đã chẳng còn cái gọi là giang hồ, cũng không còn cái gọi là chiến tranh xung đột. Mà nhàn cư vi bất thiện, không có xung đột, cuối cùng chỉ còn diệt vong. "
Lê Hổ đứng bật dậy, mắt nhìn thẳng Phạm Ngũ Thư.
Phạm Ngũ Thư rút thanh hùng kiếm ra, lưỡi kiếm đồng đen vuông vức không mũi nhọn lặng lẽ nuốt lấy ánh trăng mờ.
" Không sai. Cái thù hận ở thế gian cũng như men rượu. Ai mà không biết uống vào hại thân, nhưng mấy người có thể cưỡng lại cái cám dỗ ấy? Chung quy trên thế gian, hạng người nào cũng có. Chẳng qua là nhân sâm tất ít, rễ tre ắt nhiều.
Nhưng bởi vậy, cái giá trị của nhân sâm mới càng thêm to lớn. Thư Hùng vốn là một cặp, sắt thép tinh luyện dùng làm Thư kiếm, sắc bén vô cùng. Đồng đen quý giá hơn vạn phần, thánh tổ lại đem đi đúc nên lưỡi kiếm vuông như cái thước. Có lẽ, đó là cái ẩn ý thâm sâu của ngài. "
" Nhưng chẳng phải thứ rễ tre quê mùa kia cũng có giá trị của nó hay sao? "
Lê Hổ nói, tay trỏ về rặng tre xa xa. Thứ thảo mộc kì lạ, đất cằn mấy cũng mọc thành lũy thành rừng được. Cứ hết lớp này, lại đến lớp khác, quật cường chống lại bão táp mưa sa từ năm này qua tháng nọ.
" Không sai. Phù Đổng thiên vương không có bụi tre, có lẽ đã không dẹp nổi giặc. Mà đám tre không có ngài thánh Gióng, cũng chỉ là thứ cỏ cây mọc ven đường, vô hại. "
" Hiếm khi nào anh nói với em nhiều chuyện như hôm nay. "
" Đó là vì chú đã trưởng thành rồi. Hổ ạ. Có những lúc, tha thứ cho một người, mới là việc chỉ kẻ mạnh mới dám làm. Và cũng chỉ những kẻ mạnh nhất mới làm được. "
Phạm Ngũ Thư vỗ lên vai Lê Hổ hai cái, ngáp khẽ, rồi quay vào động.
Cậu chàng bất giác nhớ đến Quận Gió, cái cách ông tung hoành giữa Quần Hùng yến, còn tha chết cho kẻ thù. Nếu ngày ấy Quận chẳng niệm tình xưa, có lẽ sự đã khác.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu ông quả quyết ra tay hạ thủ, ông có còn là ông? Có còn là cao thủ một mình trấn áp anh hào khắp Kinh Bắc hay không??
Cậu chàng chẳng rõ, thành ra cứ đứng mãi trước cửa động. Ánh mắt bức tượng thiên tôn trong bóng tối lặng lẽ dõi theo bóng lưng người thanh niên. Có lẽ, bốn người này, sẽ là viên đá đầu tiên dựng lên cây cột chống cả bầu trời.
Sáng hôm sau…
Trần Đĩnh ngủ dậy với một lưỡi đao kề ngang cổ.
Chuôi đao đang nằm trong tay một thanh niên, không phải người lạ, song cũng chẳng thân quen gì cho cam.
Y thở dài, nhìn gương mặt quái đản phản chiếu trên lưỡi kiếm, chậm rãi:
" Ta biết ngươi sẽ không tha cho ta đâu. "
" Ngươi đánh giá bản thân mình có quá cao không? "
Lê Hổ hất đầu, mắt nheo lại.
" Đúng là đã hơi tự mãn. "
Trần Đĩnh ngả người lên vách động, tay gối sau đầu.
Y chẳng thèm nhìn vào lưỡi đao của Lê Hổ đến lần thứ hai.
" Còn chưa ra tay sao? Một mạng đổi một mạng, công bằng lắm chứ. "
Trần Đĩnh nhắm mắt lại.
Gương mặt hắn thanh thản lạ thường.
Hai đứa nhóc trông thấy bản vẽ pháo Thần Cơ, lập tức nghĩ đến Hồ Nguyên Trừng. Chúng nó ngồi trong Ngự Thư Phòng, không nghe thấy chuyện Chu Đệ bị ám sát, nên vẫn nghĩ bản vẽ hôm trước Hồ Nguyên Trừng dâng lên vẫn ở trong tay hoàng đế triều Minh.
Âu cũng dễ hiểu. Ngay ngày đầu tiên vào yết kiến Chu Đệ, được dẫn đi tham quan hoàng cung, hai đứa đã thấy cung cấm này canh phòng nghiêm mật đến thế nào. Ăn cắp được thứ quan trọng như bản vẽ pháo Thần Cơ, thật là khó hơn cả lên trời.
Nhưng nay nó lại xuất hiện ở Ngự Thư Phòng, trong tay Lý công công. Thế nên hai đứa lập tức nghĩ đến chuyện tên Lý công công này uy hiếp Hồ Nguyên Trừng, bắt chàng phải nộp bản vẽ cho hắn. Có khi còn bị hắn hại chết rồi không chừng.
Tạng Cẩu lấy trong áo ra một viên bi sắt, thủ sẵn trong tay.
Mấy tháng nay, Nguyễn Phi Khanh vẫn thường thay thầy dạy nó thủ pháp để ném Quỷ Diện Phi Châu, để " thần công không bị thất truyền ". Sau đêm Anh Hùng yến, Tạng Cẩu vẫn thường ỷ vào nội lực thâm hậu hơn người cùng lứa, không mấy khi phóng phi châu.
Đây sẽ là lần đầu tiên.
Mà Lý công công, hắn cũng không vội thò cổ xuống lấy bản vẽ.
Người bình thường thì có thể nghĩ thứ mới đánh động ván giường là con chuột nào đấy, nhưng hắn không nghĩ vậy. Chính xác hơn, là không cho phép bản thân được có suy nghĩ bất cẩn như thế.
Lý công công cong năm đầu ngón tay, sau đó chộp thẳng xuống ván giường. Liệt kình hung hãn phá tan cả tấm phản. vụn gỗ bắn cả vào khuôn mặt trắng bệt của y.
Vút.
Cốp!
Họ Lý thấy trong vụn gỗ giấu một dị vật, không kịp nghĩ nhiều vội vã nghiêng đầu tránh đi chỗ khác. Song phi châu của Tạng Cẩu vẫn nhanh hơn một bậc, đánh trúng ngay chóp mũi của hắn. Cái mũi của Lý công công bị đụng cho vẹo lệch hẳn sang một bên, hai lỗ mũi đều có máu chảy ra ồ ạt, có khác gì sông Hồng vỡ đê? Lớp da đầy phấn ở chóp mũi bị xé toạc, lộ ra bên dưới một làn da ngăm ngăm.
Kẻ này là Lý công công giả.
Tên Lý công công giả loạng choạng lui lại phía sau, lại đưa tay lấy vạt áo che kín mặt. Có lẽ hắn cũng đã nhận ra mặt nạ da người của mình bị rách, không muốn để ai biết thân phận thật.
Tạng Cẩu đội vết nứt trên ván giường, nhảy ra. Nó sấn nhanh tới chỗ tên thái giám giả, tay phải tống ra một quyền trong võ chó.
Hàm Chó Vó Ngựa.
Chiêu này nhắm ngay vào huyệt Lương Khâu nằm trên gối một chút. Lấy kình lực của thằng nhóc, đánh què chân một người không phải chuyện gì quá khó.
Thằng bé nhỏ người, đứng thẳng cũng chỉ cao đến bụng đối phương. Họ Lý lại đang lấy tay áo lòng thòng lượt thượt che nửa mặt, chẳng khác nào tự đâm mù mắt. Lúc này dù có cúi xuống, y cũng không thấy được hạ bàn của mình.
Nhưng Lý công công cũng không phải hạng vừa, y tự biết hạ bàn là chỗ hớ hênh nhất của mình bây giờ, nên đã có phòng bị trước. Thằng bé vừa ra tay, y đã co ngay chân lên, đạp mạnh ra trước.
Cốp.
Quyền cước giao chiến, kình phong của cả hai đều hung bạo như sóng biển, nay va vào nhau chỉ nghe ầm một tiếng. Tạng Cẩu lui về phía sau ba bước, chân dậm lún cả sàn thành vết.
Đối thủ của nó thì mượn lực đấm, ngả người lao về phía cửa.
" Chạy đâu?? "
Tạng Cẩu hét lên, đoạn bổ nhào theo gắt gao. Mắt nở trợn to, đỏ quạnh.
Người trúng phải một trảo của Lý công công là Phiêu Hương.
Tên thái giám giả cười khẩy, mặt hắn vẫn hướng về phía cửa, thế mà cả người đột nhiên lướt ngược lại như thể một bóng ma. Hắn nhấn ngón chân khẽ một cái, cơ quan trong giày khởi động, làm một lưỡi dao ngắn trượt ra khỏi gót giày. Đoạn, hắn cong eo, gập bụng. Cả người gã như hóa thành một cái đòn bẩy, bẩy cẳng chân của hắn giật ngược lên. Động tác gần giống người ta múa ba lê hay trượt băng nghệ thuật hiện đại.
Song gót giày hắn gắn dao, chân đá móc ngược lên như thế, lưỡi thép nhọn hoắt ắt sẽ xuyên thủng cằm đối thủ.
Nhưng…
Khinh công của Tạng Cẩu được chân truyền của Quận Gió, người lừng danh thiên hạ về sự xuất quỷ nhập thần, đi không ai biết về chẳng ai hay.
Thế nên, thân pháp đối phương có thể quái lạ đấy, nhưng cũng như cái thân pháp cá trạch của Phạm Hách, thiên về tiểu xảo hơn. Thế thì sao mà làm khó được nó?
Tạng Cẩu chỉ hơi giật mình một cái, sau đã dùng Lăng Không Đạp Vân ngay, lướt ngang sang tránh thỏi đòn hiểm của kẻ địch chỉ trong gang tấc. Nếu đối phương là bóng ma quỷ mị, thì nó là điện xẹt giữa bầu không.
Lại nói, tên thái giám giả đang bị nội thương. Nếu không, Tạng Cẩu muốn dùng tốc độ áp đảo hắn, đúng là sẽ khó hơn bội phần.
Cốp! Cốp! Cốp!
Tạng Cẩu vung tay, bắn liên tiếp ba viên phi châu vào hai khoeo chân gã thái giám giả. Bi sắt đúc đặc, nặng đến hai cân ta. Tạng Cẩu dùng thủ pháp đặc thù, lại thêm nội lực mạnh mẽ, uy lực có thể so với đạn súng hỏa mai.
Lý công công bị một thằng ranh con đánh gãy chân.
Thực đúng là chuyện không thể tưởng tượng.
Nhưng ngày hôm nay, vốn dĩ đã là một ngày quái lạ. Các cụ vẫn dạy là họa vô đơn chí phúc bất trùng lai, thế nên một lát nữa có xảy ra thêm vài chuyện khó tin có lẽ cũng không có gì lạ.
Đánh gãy lìa hai chân đối thủ, Tạng Cẩu lại nhảy xổ tới, toan dùng nắm đấm nhỏ bé thụi tan tác hết chân khí hộ thân của y. Song tên thái giám nọ đâu phải tay vừa? Chân bị đánh gãy, nhưng hắn vẫn còn đôi tay.
Tạng Cẩu chỉ thấy hắn dùng chưởng phải vỗ xuống đất một cái, khiến cả người bật tung lên không trung đến gần hai thước. Liền đó tay trái tên thái giám giả đã tung ra, hai ngón tay nhè mắt Tạng Cẩu mà đâm tới. Đấy vốn là long tu chỉ, một chiêu trong Long Hình của Thiếu Lâm tự.
Tốc độ nhanh thì quán tính lớn, lúc này thằng bé đang được đà lao tới trước, chẳng khác nào tự đập mắt mình vào hai ngón tay của đối thủ.
Tình hình nguy ngập, khiến Tạng Cẩu không kịp nghĩ nhiều. Một mặt nó đưa tay lên bảo vệ cặp mắt, mặt khác lại vận hết nội lực bình sinh lên.
" Oẳng!!! "
Nó vẫn chưa quen lấy âm thanh nào khác để dùng chiêu Chó Sủa, thế nên vẫn cứ đem tiếng kêu của cái giống gâu gâu này ra để hạ địch.
Lý công công đột nhiên nghe thằng nhóc này sủa lên một tiếng, chưa kịp nghĩ gì, thì cả người đã bủn rủn tay chân. Chấn động xông lên tận óc, khiến người hắn đơ nhũn ra.
Bao gồm cả cánh tay.
Bịch.
Lý công công ngã phịch xuống, không áp chế nổi thương thế nữa mà ộc ra một ngụm máu tươi.
Kẹt.
Tuệ Tĩnh thiền sư bước vào.
Quay lại chuyện ở cố đố Hoa Lư.
Trần Đĩnh với Lê Thận lê la tìm một góc, hỏi nhau chuyện liên quan đến sư phụ. Khiếu Hóa tăng vốn là người nay đây mai đó, bản tính ưa tự do, thế nên mặc dù có duyên sư đồ, muốn tìm được ông cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì cho cam.
Không biết có phải do gặp được " sư đệ " không, hay do đã ngà ngà say, mà hôm nay Trần Đĩnh nói đặc biệt nhiều về quá khứ của bản thân, nhiều hơn cả những gì hắn hé môi trong mấy năm nhập ngũ.
" Năm đấy anh tôi dùi mài kinh sử dưới quê, muốn lên kinh ứng thí. Mẹ tôi lấy hết tiền để dành đưa cho hắn ta, đặng làm lộ phí đi đường. Hết năm này, qua năm khác. Mẹ tôi ở quê đói không dám ăn rét chẳng dám mặc, ốm đau cũng cố chịu cho qua cơn chứ không mời ông lang nào về. Hai mẹ con giật gấu vá vai, cũng coi như đủ sống.
Năm này, qua năm khác. Tôi thì lớn dần, mà bóng thằng anh vẫn biệt tăm. Mẹ tôi thương con, nghĩ chắc hắn thi trượt hết lộ phí không dám về, nên bán cả nhà cả trâu lên Thăng Long tìm.
Cuối cùng, chúng tôi thấy hắn trong sới đá gà, đang làm công trả bớt nợ nần bị thua dưới móng con mấy thứ gà qué luộc lên chẳng được tí thịt. "
Lê Thận nghe đến đoạn này, mời Đĩnh một chén:
" Mỗ kính anh một chén, coi như cho qua cái chuyện xưa. "
Đĩnh lại tiếp:
" Mẹ nó chứ. Mà nhầm. Thằng ấy anh mình. Khốn nạn thế vẫn chưa hết đâu. Nó trông thấy mẹ, nó ôm chân kêu khóc van lơn ghê gớm lắm. Mẹ thì vẫn cứ nghĩ hắn còn là gã trai quê chân chất, lại thương con, nên thay hắn làm trong sới đá gà để hắn tu tỉnh ăn học chờ kì thi sau. Ấy thế… khốn nạn cái thằng trời đánh thánh vật kia. Nó vẫn cứ lén đá gà sau lưng mẹ. Tiền mẹ làm một, nó nướng vào sới gà mười. "
" Sao anh không nói gì? "
Lê Thận tự tu một ngụm rượu, hỏi.
Trần Đĩnh cúi thấp đầu, tóc lòa xòa che mặt. Hắn lên tiếng, giọng khàn đặc:
" Có. Có nói. Nhưng có ai thèm tin tôi đâu? Trong lòng mẹ, hắn luôn là đứa con ngoan. Anh cũng biết mà. Các cụ lúc nào cũng tin thứ các cụ thích thôi.
Chẳng mấy, mà mẹ kiệt sức ốm nặng vì cái lòng tin chết bằm ấy.
Đến lúc bà mất rồi, thằng chó đẻ kia nó mới hối. Nhưng tiền nướng vào sới đá gà rồi, chôn mẹ kiểu gì?? Hắn không biết, cũng chả thèm biết. Hắn tự tử. Ha ha. Giờ hắn thì sướng rồi, chả phải lo nghĩ gì. Còn thằng em thì có đến tận hai thi thể phải mai táng. "
Lê Thận chuốc cho Đĩnh một chén nữa.
Rồi hỏi:
" Mỗ đoán sau đó anh gặp thầy, được ông dạy võ nghệ cho đúng không? "
" Cũng may có sư phụ. Chẳng rõ vì sao ông tìm được tôi, mua nhà ở phố Hàng Than cho ở, lại dạy bảo võ nghệ và ban cho thanh Huyết Ẩm này đây. "
Trần Đĩnh nhìn xuống thanh kiếm gãy đặt bên cạnh, trong đầu hồi tưởng lại ký ức trong veo năm nào. Thăng Long thành, dưới bóng cây, một ông sư già béo mập lại đánh ra được những chiêu kiếm tiêu sái đến hút hồn.
Lê Thận thở dài:
" Mỗ biết lí do đấy. "
" Anh biết? "
Trần Đĩnh kinh ngạc nhỏm dậy, tóc mái lòa xòa cũng theo đó mà bị hất cả ra sau vai.
Lê Thận lim dim mắt, kể:
" Thực ra, chuyện của mỗ cũng na ná như anh vậy. "
Thì ra, trước đây Lê Thận vốn là con trưởng trong một gia đình ngư phủ nghèo, ngày chẳng đủ hai bữa ăn. Lê Thận mồ côi cha từ nhỏ, anh ta và mẹ sống dựa vào nhau ở đạo Đà Giang, ngay sát địa phận châu Ninh Viễn do một tù trưởng Thái là Đèo Cát Hãn cầm đầu. Đèo là kẻ có dã tâm, rất hay dẫn quân xuôi đông đánh chiếm đạo Đà Giang, cướp trâu ngựa của cải về cho người mình dùng. Ông nội và cha của Thận đều chết dưới tay Đèo. Song y là tù trưởng một vùng, nắm trong tay binh mã hung hãn thiện chiến. Một thanh niên chỉ quen cầm lưới với cần câu như Lê Thận, chỉ biết ngày ngày đứng trước bàn thờ gia tiên thở dài bất lực.
Đúng lúc này, Khiếu Hóa Tăng tìm đến nhà, đưa cho anh ta bộ ám khí Trầu Không, lại dạy bảo cho cách dùng. Lê Thận rất biết ơn ân sư, trong thời gian ông sư già ở lại nhà, cả hai mẹ con đều kính trọng ông hết mực.
Nửa tháng trôi qua, Khiếu Hóa Tăng ra về, mặc cho mẹ Lê Thận hết sức giữ lại. Trước khi đi ông chỉ nói với Thận:
" Vật nào về chủ nấy, của thiên lại trả địa. Cái khác duy nhất, có chăng là lão nạp chỉ là một ông sư lang thang già nua béo ú, không được trẻ trung xinh đẹp như người tiên thôi. "
Lê Thận đứng bên bờ sông, nhìn theo con đò trở ông sư già xuôi theo dòng nước, đến tận lúc cái đầu trọc lốc của sư phụ khuất sau những con thác bạc đầu rồi, anh ta mới quay về.
" Nghe u mỗ kể, ám khí Trầu Không vốn là vật của ông nội, hôm thầy u mỗ lấy nhau ông mới đem ra làm quà mừng. Sau đó bẵng đi ít lâu, năm mỗ lên ba cả ông lẫn thầy đều bỏ mạng dưới tay của Đèo Cát Hãn. Ám khí cũng bị mất, chắc là do Đèo cướp về như chiến lợi phẩm. "
Trần Đĩnh nhìn thanh kiếm gãy của mình, lại nhớ đến bóng lưng trong chiếc cà sa rách nát, lòng không khỏi nặng trĩu.
" Cả mỗ, cả anh… hai ta đều chưa xứng với kì vọng của thầy. "
Theo Minh sử kể thì Đèo Cát Hãn dâng biểu tâu với nhà Minh rằng vua quan họ Hồ đã chiếm 7 trại của Đèo, lại còn bắt con gái và giết rể ông ta để khống chế. Trong chiến tranh Đại Ngu - Đại Minh, Đèo Cát Hãn mang 4000 quân góp sức theo Trương Phụ, nay chẵng những được trao trả đủ lãnh địa, quyền hành có phần còn hơn xưa.
Gió càng muộn càng thanh, trăng càng khuya càng sáng.
Lê Thận, Trần Đĩnh uống hai vò rượu nếp nồng, say nhũn cả người, chả còn biết trời đất trăng sao gì nữa. Hai tên mỗi người ôm một bên chân tượng thần Thiên Tôn, lăn đùng ra kéo gỗ vang cả động.
Phạm Ngũ Thư chậm rãi ra ngoài, tiếng ngáy của hai tên ngố đồng môn khiến y chẳng thể chợp mắt. Vừa mới đi vài bước, đã thấy Lê Hổ đang ngồi bần thần trước cửa động. Sương đêm vùng núi đọng cả lên tóc, lên vai áo, song Lê Hổ vẫn không động đậy tí nào.
Ngũ Thư đã ngồi xuống bên cạnh, nhưng cậu chàng vẫn không nhúc nhích.
" Nghe được hai tên kia nói chuyện với nhau đúng không? "
Lê Hổ lúc này mới ngẩng đầu, mặt hồ phủ lên lớp sương mờ.
Cậu chàng vẫn không nói gì, nhưng Phạm Ngũ Thư đã lờ mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra trong đầu cậu. Y thở dài, chậm rãi ôn lại trận thư hùng mười năm trước với Trần Đĩnh ở hồ Linh Lang. Lúc này đây, Phạm Ngũ Thư biết Lê Hổ cũng đang phải trải qua những gì y nghĩ mười năm trước.
" Mười năm trước, đáng ra anh đã có thể giết hắn. "
Phạm Ngũ Thư ngẩng đầu lên mảnh trăng bàng bạc treo trên đầu, lấp ló giữa những cụm mây đen.
" Thế tại sao anh lại không làm? "
Lê Hổ gằn giọng, mắt quắc lên.
Bình thường, Lê Hổ là chủ công, Ngũ Thư là tùy tùng. Song, mười bảy năm trước, khi Lê Học trút hơi thở cuối cùng… chàng đã gửi gắm đứa em bé bỏng cho Ngũ Thư.
Từ bấy đến giờ, Phạm Ngũ Thư vừa là cận vệ, lại vừa là anh trai của cậu chàng. Phải đến mấy năm gần đây Lê Hổ làm lễ thành nhân, hai người mới sửa lại cách xưng hô.
Phạm Ngũ Thư nhìn Lê Hổ:
" Còn cậu? Mới nãy hai tên kia không đề phòng gì, uống say bét nhè. Võ công thấp kém như cậu nghe lén cả hai cũng chả biết, giờ muốn giết Trần Đĩnh không phải chuyện khó đâu. "
" Thì… thì anh cũng nói rồi. Y chẳng hề đề phòng gì mình… giết y… giết y bây giờ quá bỉ ổi. "
Phạm Ngũ Thư cười khẽ, nói:
" Thực ra chuyện đời vốn không phải đơn giản, cái vòng luẩn quẩn oán cừu thù hận cũng sẽ không vì chuyện giết người đền mạng mà chấm dứt được. Cuối cùng, chỉ là cái chuyện hại người chẳng lợi mình. "
" Thế nhưng… Nếu ai cũng nghĩ như thế, trên đời đã chẳng còn cái gọi là giang hồ, cũng không còn cái gọi là chiến tranh xung đột. Mà nhàn cư vi bất thiện, không có xung đột, cuối cùng chỉ còn diệt vong. "
Lê Hổ đứng bật dậy, mắt nhìn thẳng Phạm Ngũ Thư.
Phạm Ngũ Thư rút thanh hùng kiếm ra, lưỡi kiếm đồng đen vuông vức không mũi nhọn lặng lẽ nuốt lấy ánh trăng mờ.
" Không sai. Cái thù hận ở thế gian cũng như men rượu. Ai mà không biết uống vào hại thân, nhưng mấy người có thể cưỡng lại cái cám dỗ ấy? Chung quy trên thế gian, hạng người nào cũng có. Chẳng qua là nhân sâm tất ít, rễ tre ắt nhiều.
Nhưng bởi vậy, cái giá trị của nhân sâm mới càng thêm to lớn. Thư Hùng vốn là một cặp, sắt thép tinh luyện dùng làm Thư kiếm, sắc bén vô cùng. Đồng đen quý giá hơn vạn phần, thánh tổ lại đem đi đúc nên lưỡi kiếm vuông như cái thước. Có lẽ, đó là cái ẩn ý thâm sâu của ngài. "
" Nhưng chẳng phải thứ rễ tre quê mùa kia cũng có giá trị của nó hay sao? "
Lê Hổ nói, tay trỏ về rặng tre xa xa. Thứ thảo mộc kì lạ, đất cằn mấy cũng mọc thành lũy thành rừng được. Cứ hết lớp này, lại đến lớp khác, quật cường chống lại bão táp mưa sa từ năm này qua tháng nọ.
" Không sai. Phù Đổng thiên vương không có bụi tre, có lẽ đã không dẹp nổi giặc. Mà đám tre không có ngài thánh Gióng, cũng chỉ là thứ cỏ cây mọc ven đường, vô hại. "
" Hiếm khi nào anh nói với em nhiều chuyện như hôm nay. "
" Đó là vì chú đã trưởng thành rồi. Hổ ạ. Có những lúc, tha thứ cho một người, mới là việc chỉ kẻ mạnh mới dám làm. Và cũng chỉ những kẻ mạnh nhất mới làm được. "
Phạm Ngũ Thư vỗ lên vai Lê Hổ hai cái, ngáp khẽ, rồi quay vào động.
Cậu chàng bất giác nhớ đến Quận Gió, cái cách ông tung hoành giữa Quần Hùng yến, còn tha chết cho kẻ thù. Nếu ngày ấy Quận chẳng niệm tình xưa, có lẽ sự đã khác.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu ông quả quyết ra tay hạ thủ, ông có còn là ông? Có còn là cao thủ một mình trấn áp anh hào khắp Kinh Bắc hay không??
Cậu chàng chẳng rõ, thành ra cứ đứng mãi trước cửa động. Ánh mắt bức tượng thiên tôn trong bóng tối lặng lẽ dõi theo bóng lưng người thanh niên. Có lẽ, bốn người này, sẽ là viên đá đầu tiên dựng lên cây cột chống cả bầu trời.
Sáng hôm sau…
Trần Đĩnh ngủ dậy với một lưỡi đao kề ngang cổ.
Chuôi đao đang nằm trong tay một thanh niên, không phải người lạ, song cũng chẳng thân quen gì cho cam.
Y thở dài, nhìn gương mặt quái đản phản chiếu trên lưỡi kiếm, chậm rãi:
" Ta biết ngươi sẽ không tha cho ta đâu. "
" Ngươi đánh giá bản thân mình có quá cao không? "
Lê Hổ hất đầu, mắt nheo lại.
" Đúng là đã hơi tự mãn. "
Trần Đĩnh ngả người lên vách động, tay gối sau đầu.
Y chẳng thèm nhìn vào lưỡi đao của Lê Hổ đến lần thứ hai.
" Còn chưa ra tay sao? Một mạng đổi một mạng, công bằng lắm chứ. "
Trần Đĩnh nhắm mắt lại.
Gương mặt hắn thanh thản lạ thường.
Bình luận truyện