Tiệm Đồ Cổ Á Xá

Quyển 2 - Chương 1: Tứ Quý Đồ



1

Hôm đó, bác sĩ vẫn theo lệ cũ, trực ca đêm xong đem bữa sáng tới Á Xá ăn. Từ hôm ở Tây An trở về, tình bạn giữa anh và gã chủ tiệm lại tiến thêm một bước, nếu trước đây là bạn bè thì nay đã là anh em cùng sống chết.

Dù gì họ cũng suýt chết ở trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại Ly Sơn.

Đến giờ bác sĩ nhớ lại đêm đó, vẫn cảm thấy quá sức điên rồ, bản thân anh còn chẳng rõ đó có phải là một giấc mơ hay không, chứ đừng nói tới việc kể cho người khác nghe, ai nghe được chắc đều nghĩ anh bị hoang tưởng.

Bác sĩ lặng lẽ đứng bên cạnh quầy hàng trong Á Xá, nhìn gã chủ tiệm thành thục pha mẻ trà xuân đầu tiên của năm nay, căn phòng đậm chất cổ xưa ở Á Xá bỗng chốc tràn ngập hương trà.

Y phục của gã chủ tiệm không còn là bộ đồ Trung Sơn cũ nữa, nửa tấm áo bào thời Tần may bằng sợi vàng đen ngọc đen họ mang về từ lăng Tần Thủy Hoàng ở Ly Sơn, được đại sư cắt may thành chiếc sơ mi rất thời thượng. Chiếc áo sơ mi và chiếc áo Trung Sơn cũ đều cùng một chất vải, một màu đen tuyền, cổ tay và vạt áo thêu hoa văn mây cuộn màu đỏ thẫm, còn con rồng đỏ đáng ghét đó, vì một phút bất cẩn mà để nó lén lút bò lên chiếc áo sơ mi, lúc này đầu rồng đã ghếch lên vai gã chủ tiệm, thân rồng cuộn đều ở sau lưng áo. Từ lúc chiếc áo sơ mi được may xong, nó không động đậy gì, như thể rơi vào trạng thái ngủ đông, tuy trông có vẻ yên tâm hơn đôi chút, nhưng mỗi khi nhìn vào khuôn mặt dữ tợn của nó, vẫn khiến người ta phải thấy lạnh gáy.

Bác sĩ không có hứng thú với chiếc áo sơ mi mới này, anh hứng thú với gã chủ tiệm - muốn lấy sợi tóc hay giọt máu của gã để đi xét nghiệm quá... Muốn biết cấu tạo cơ thể của gã quá... Muốn tự tay giải phẫu gã quá... Ngứa tay quá... Ruột gan bác sĩ như có kiến bò, từ khi biết gã chủ tiệm là kẻ đã sống hơn hai nghìn năm, anh hoàn toàn không thể khắc chế nổi tính tò mò của mình.

Nhưng anh biết gã chủ tiệm rất ghét bị đem đi kiểm tra xét nghiệm, hơn nữa ngộ nhỡ không giữ được bí mật, sau này sẽ chẳng còn ngày nào yên lành. Gã chủ tiệm nhìn thấu ánh mắt tò mò của bác sĩ, gã vẫn bình thản rót trà vừa pha vào chiếc chén để trước mặt. Thực tình, gã cũng muốn biết nguyên nhân thực sự của việc trường sinh bất lão, điều trước đó nói với bác sĩ chỉ là suy đoán của gã mà thôi, có máy móc hiện đại kiểm tra, nếu không công khai thì cũng chấp nhận được.

Nhưng, gã không vội, trải qua từng đó năm tháng dài đằng đẵng, thứ gã không bao giờ thiếu chính là thời gian.

Gã chủ tiệm giấu đi nụ cười nhẹ ở khóe môi, nhẩm tính trong lòng xem rốt cuộc bác sĩ cần phải đắn đo mất bao nhiêu ngày tháng mới dám nói ra yêu cầu đó.

Bác sĩ tựa vào chiếc ghế nằm gỗ hoàng hoa lê trong Á Xá, thong thả đọc báo, thưởng thức trà xuân. Chú chó Apache hồi anh đi cùng gã chủ tiệm tới Tây An được gửi về cho cô em họ nuôi, ai ngờ nuôi một thời gian nó quấn người quá, anh đã đi đón mấy lần mà nó không về, chắc mẩm là nó ở luôn đó rồi.

(Gỗ sưa)

Đang lúc sáng sớm, Á Xá bình thường vốn đã chẳng có mấy khách lai vãng, lúc này lại càng vắng vẻ, nên khi bác sĩ nhìn thấy một tay thư sinh sáng sủa vai đeo ống đựng tranh, mặc một chiếc sơ mi trắng đơn giản gọn gàng, đeo chiếc kính gọng đen thanh tú đẩy cửa bước vào, thì trợn tròn mắt ngạc nhiên.

Đối phương ngạo nghễ gật đầu một cái với gã chủ tiệm trong quầy, coi như là chào hỏi xong, đi thẳng vào nhà trong của Á Xá như thể quen thuộc lắm.

Mắt của bác sĩ như sắp rơi ra đến nơi, sau khi trợn mắt nhìn anh chàng đó đi vòng qua chiếc bình phong bằng ngọc, thì quay đầu lại hỏi nhỏ chủ tiệm: "Tay đó là ai vậy? Sao trông như người trong nhà thế?".

Gã chủ tiệm đưa chiếc chén tinh xảo lên mũi ngửi hương trà, ngẩng đầu lên nói vớỉ giọng bình thản: "Anh ta là thầy giáo trong trường Đại học Mỹ Thuật gần đây, đến chỗ tôi để lâm mô tranh chữ. Ngày thường anh ta vẫn đến suốt, đã đến là ở lì đây cả ngày, cậu may lắm mới nhìn thấy anh ta một lần đấy".

"Lâm mô tranh chữ?". Bác sĩ nghi hoặc hỏi lại, gã chủ tiệm có lòng tốt từ bao giờ thế? "Đặc biệt với anh ta thế cơ à? Anh ta không phải nhân vật nổi tiếng nào chuyển thế đấy chứ?". Cũng khó trách bác sĩ đa nghi được, dù sao anh cũng đã nghe nói đến Hoắc Khứ Bệnh chuyển thế, Hạng Vũ chuyển thế... Đến bản thân mình còn nghe nói là chuyển thế của Phù Tô, không khéo tay họa sĩ vừa rồi lại là một nhân vật trâu bò nào đó ấy chứ...

("Lâm" là chép theo chữ hoặc vẽ theo tranh nổi tiếng có sẵn, "mô" là đặt hẳn tờ giấy lên chữ rồi tô theo, lâm mô là cách để tập thư pháp hoặc vẽ tranh thủy mặc)

Cánh cửa gỗ khắc hoa nặng trịch lại bị ai đó đẩy ra, ông giám đốc bảo tàng chống ba toong bước vào. Thứ đầu tiên đập vào mắt ông ta là bức tượng binh mã dũng to lớn mới xuất hiện ở đó. Đẩy chiếc gọng kính vàng lên một chút, ông giám đốc không dám tin, nói: "Đây là... Đây là tượng binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng? Đây là nhà nào phục chế? Sao phải khoa trương đến mức này? Ồ! Đúng thanh kiếm đồng xanh thật...".

Bác sĩ ho lên mấy tiếng để át tiếng cười bất ngờ bật ra của mình, phục chế ư? Ôi trời! Nếu ông giám đốc mà biết bức tượng binh mã dũng này tự chạy ra khỏi địa cung Tần lăng thì chắc chắn là sợ rơi cả kính. Nhưng anh cũng biết dù con mắt ông giám đốc tinh đời đến đâu thì cũng tuyệt đối không tin bức tượng binh mã dũng mới tinh này là đồ thật, tượng binh mã dũng mới khai quật thông thường màu sắc trên thân đều bạc đi rất nhanh, anh không rõ gã chủ tiệm dùng cách gì để giữ được màu của bức tượng này. Nếu ông giám đốc mà biết bức tượng binh mã dũng này cử động được... Bác sĩ quay mặt đi, nhịn cười rất khó khăn.

Mặc dù ông giám đốc cảm thấy bức tượng binh mã dũng này có chút cổ quái, nhưng không nghĩ nhiều, ông ngó qua gã chủ tiệm đang ngồi sau quầy, rướn mắt cười: "Thay áo khác rồi à? Tôi lại thấy cái áo cũ hợp với cậu hơn".

"Cái áo đó mặc lâu lắm rồi, cũng phải thay đi chứ". Gã chủ tiệm lại lấy ra chiếc chén mới, đặt trước mặt ông giám đốc, rót trà cho ông.

Ông giám đốc ngồi trước quầy, nhìn khắp tiệm một lượt, thấy khó hiểu, hỏi: "Vừa rồi rõ ràng tôi thấy có người vào, anh ta đâu rồi?".

Bác sĩ chỉ về phía sau đáp: "Vào nhà trong rồi".

"Cái gì?". Ông giám đốc như bị sét đánh, thần sắc cũng ngưỡng mộ đố kỵ y như bác sĩ! Ông thừa biết những món đồ cất trong nhà quý giá hơn những thứ bày bên ngoài, nhưng ông vốn chẳng có cơ hội để vào nhà trong!

Gã chủ tiệm nói lại lý do ban nãy đã trình bày với bác sĩ thêm lần nữa, ông giám đốc vẫn không chịu buông tha: "Thế anh ta lâm mô bức tranh cổ nào vậy?".

Gã chủ tiệm cũng không giấu, bình thản nói: "Dạo này anh ta đang chép lại bức "Đạp Tuyết Đồ" của Triển Tử Kiền, tiến độ rất chậm, gần như cả ngày chỉ vẽ một nét".

Một ngày một nét? Bác sĩ khẽ tặc lưỡi, quá bằng rùa bò!

Anh quay đầu lại thì thấy ông giám đốc đang ôm ngực, mặt mày cau có, anh giật bắn mình: "Bác ơi, bác sao thế? Có phải là bệnh tim không?". Bác sĩ vội đứng bật dậy, đỡ ông giám đốc ngồi xuống.

Ông giám đốc rút khăn tay lau mồ hôi trên trán, nói lắp bắp: "Tôi tôi... tôi không có bệnh tim, thì cũng sợ mà thành bệnh tim đấy! Triển Tử Kiền ư! Sao lại là "Đạp Tuyết Đồ" của Triển Tử Kiền?".

"Triển Tử Kiền? Ông ta nổi tiếng lắm à?". Bác sĩ chưa từng nghe tới cái tên này bao giờ, nên chẳng để ý.

"Đương nhiên là nổi tiếng!". Ông giám đốc đập mạnh cây ba toong xuống đất, một tiếng đập nặng nề phát ra. "Trong số tranh cuộn sơn thủy còn đến bây giờ, thì bức "Du Xuân Đồ" của Triển Tử Kiền đời nhà Tùy là bức tranh cổ được phát hiện sớm nhất, hơn nữa được bảo tồn hoàn hảo nhất, hiện giờ đang được bảo tồn ở Viện bảo tàng cố Cung Bắc Kinh, bên trên còn có chữ đề khoản của đích thân Tống Huy Tông. Theo truyền thuyết dã sử, tác phẩm nổi tiếng nhất của Triển Tử Kiền là "Tứ Quý Đồ", "Du Xuân Đồ" chẳng qua chỉ là một bức trong "Tứ Quý Đồ", ngoài ra còn có "Đồng Tử Hí Thủy Đồ", "Lạc Diệp Đồ", "Đạp Tuyết Đồ". Có điều ba bức đó đến bản chép lại cũng không còn nữa, rất nhiều người nghi ngờ ba bức đó có thật hay không... Chủ tiệm, có thể cho tôi vào xem một chút được không?". Ông giám đốc quay ra nhìn gã chủ tiệm khẩn cầu.

(Thời Tùy, vì mối quan hệ chính giáo nên hội họa được xem trọng. Hội họa triều Tùy vẫn lấy nhân vật hay cố sự thần tiên làm chủ đề chính, song tranh sơn thủy phát triển thành một nhánh hội họa riêng.

Là vị Hoàng đế thứ tám của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc, được hậu thế biết đến như một vị hoàng đế chuyên về văn hóa nghệ thuật rất nổi tiếng, một tài tử phong lưu. Ông cũng là người sưu tầm hội họa, thư pháp và đồ cổ từ các thời đại trước đây của Trung Quốc)

Gã chủ tiệm bất ngờ gật đầu: "Căn phòng đầu tiên bên phải. Nhưng ba bức đó nếu không phải người có duyên thì không thấy được đâu, ông nên chuẩn bị tâm lý đi".

Ông giám đốc lập tức chống ba toong khập khiễng đi vào nhà trong. Bác sĩ cũng tò mò đi theo. Gã chủ tiệm không ngăn lại, chỉ cúi đầu lấy khăn vải mềm chăm chú lau chén trà trên tay, chưa được một phút, bác sĩ đã từ đằng sau bức bình phong bằng ngọc bước ra, cằn nhằn một cách tức tối: "Anh lừa tôi! Trong phòng toàn treo giấy trắng đấy chứ! Mà lại được cái tay họa sĩ ngồi thừ ra nhìn giấy trắng nữa!".

"Đã bảo là người có duyên mới nhìn thấy, ông giám đốc không đi ra cùng cậu hả?". Gã chủ tiệm cười.

"Không, ông ta cũng chỉ thấy giấy trắng, nhưng trên bàn tay họa sĩ thì bày một bức tranh, đã vẽ kín rồi, ông giám đốc bèn nghiên cứu bức tranh đó". Bác sĩ nói xong thì bổ sung một câu: "Có cần gọi ông ta ra ngoài không?".

"Không cần, nếu tay họa sĩ không nói gì thì cứ để ông ta ở đó". Gã chủ tiệm cũng không đến nỗi tuyệt tình lắm.

"ừ" Bác sĩ lại ngồi xuống, nhưng chẳng còn lòng dạ nào đọc báo nữa. "Chủ tiệm, ông giám đốc nói ba bức tranh cổ đó tuy rằng ông ta chỉ thấy giấy trắng, nhưng chất giấy thì đúng là nhiều năm tuổi rồi, đó có đúng là ba bức còn lại của Tứ Quý Đồ không? Tay họa sĩ kia là người thế nào? Sao anh ta nhìn thấy?"

Gã chủ tiệm dừng tay không lau chén trà nữa, cười hỏi: "Muốn nghe chuyện hả?".

"Muốn nghe". Bác sĩ lập tức hưởng ứng, anh cũng đang buồn chán mà!

"Ờ... Để tôi nhớ xem, phải nói từ thời gian rất xa xôi...".

2

Thời đại Bắc Tống.

"Nói đến vị Đoan vương gia trẻ tuổi đó, trong kinh thành này thực là chẳng ai không biết cả! Tạm thời không nói đến những bức thư họa tài hoa trác tuyệt được truyền ra ngoài của ông ta, hôm nay kể vài việc hay thời trẻ tuổi phong lưu của ông ta đã...". Gác hai của một quán trà tại Đông Kinh Biện Lương, một tay kể chuyện dạo đang thao thao bất tuyệt mấy chuyện đồn đại mới, đám người xung quanh đều chăm chú lắng nghe. Đối với người dân thường, mấy chuyện ong bướm trăng hoa mới là đồ tráng miệng cho lúc trà dư tửu hậu.

(Tức Khai Phong, nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc)

Ở một góc gần lan can quán trà, có hai chàng trẻ tuổi mặc áo nhà quan đang ngồi, trong đó chàng mặc áo bào bảo lam cười rất tươi, hạ thấp giọng hỏi chàng trai mặc áo bào đỏ tía: "Vương gia, ông ta đang nói huynh đấy! Nhưng sao đệ không biết huynh có mẩu chuyện này nhỉ?".

Người kia nhặt lấy một bánh trà từ hộp trà tiểu nhi đưa dùng cối giã trà nhẫn nại nghiền trà, nghiền đến lúc thành bột đều, đặt lên khay trà đợi pha, rồi ngồi yên bên bàn trà đợi nước sôi.

Lúc điểm trà tối kị phân tâm, chàng áo lam cũng không nói chuyện nữa, lát sau, nước trong ấm bắt đầu sôi. Tiểu nhị đứng bên cạnh đưa lên một bộ chén trà hình lá sen màu thiên thanh, chàng trai áo lam vội vàng đưa tay lấy một chiếc, cầm trong tay ngắm nghía tỉ mẩn, thấy màu men trơn bóng mịn màng, sắc thuần như màu ngọc. Chạm vào mềm như lụa, màu men bóng như mỡ, hoa văn ẩn biến đổi liên tục dưới ánh nắng, nhìn là biết đây là vật quý không dễ có được. Lại lật ngược lên nhìn dòng lạc khoản dưới đáy chén, chàng liền bất bình càu nhàu: "Hoàng thượng tốt với huynh thật đấy, đồ hoàng thượng ban mà huynh dám đem ra phố dùng? Không sợ làm hỏng sao?".

Chàng trai áo tía nhìn chàng, bình thản đáp: "Đồ thì phải đem ra dùng, hỏng thì ta lại xin hoàng huynh cái nữa chứ sao". Nói đoạn bèn lấy ấm nước sôi trên bếp, rồi tráng ấm, tráng chén, lau ấm, bỏ trà, hong trà, rót nước... động tác rất nho nhã. Lúc nước sôi được rót vào chén trà, chàng lấy cái nghiền trà bắt đầu đánh đều tay. Bột trà trong chén được rót nước sôi, hơi nước và hương thơm tỏa ra lập tức xông lên mũi, khiến người ta vô cùng dễ chịu.

(Gọi là "trà tiển", làm bằng tre, hình dạng giống cái đánh trứng)

Lát sau, nước trong chén trà đã hòa nổi bọt, trắng như gom mây đắp tuyết.

"Đường huynh, tay nghề điểm trà của huynh ngày càng siêu việt đấy!". Chàng áo lam ngây người nhìn chén trà đặt trước mặt, trong chén trà màu thiên thanh, bọt nổi trắng xóa, đáy chén lộ ra nhưng nước không tản mát đi mất, đúng là cảnh giới cao nhất của điểm trà.

"Nghe đâu, có mấy người Đông Doanh tới, đi khắp nơi để học trà đạo của ta, làm được gần gần giống thế, xem chừng còn định mang về nước họ nữa kia!".

(Nhật Bản)

"Vẽ hổ không xong có khi thành giống chó, họ không hiểu tính túy trà đạo của văn hóa triều ta, chỉ biết bắt chước, chẳng qua chỉ là học mấy trò vặt thôi". Chàng áo tía bình thản nhận xét, lại cầm lên một chén trà, lặp lại các bước như ban nãy lần nữa, tự làm một chén trà cho mình.

Hai chàng trai trẻ ấy, người mặc áo tía là Đoan vương Triệu Cật, gần đây nổi tiếng khắp Đông Kinh Biện Lương, còn người mặc áo lam là Triệu Lệnh Nhương, cháu năm đời của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, coi như là con cháu trong nhà họ Triệu. Hai người cùng một thế hệ, mà tuổi tác gần nhau, sở thích giống nhau, nên Triệu Lệnh Nhương cứ gọi là đường huynh, không ít lần bị người trong nhà gõ trán mắng là không biết trên dưới. Nhưng Triệu Lệnh Nhương cũng lớn lên trong một dòng tộc lớn, đương nhiên phải hiểu chừng mực, có điều mọi ngày đi chơi với Triệu Cật mà gọi là "vương gia", thì tức là có chút ý trêu đùa.

Triệu Cật cũng chẳng để ý, ba tuổi đã được phong là vương gia, chẳng cảm thấy cái tước vị đó có gì đặc biệt, ngược lại, rất thích giấu thân phận để đi lại trên phố, chàng lại thích thái độ không giả tạo của Triệu Lệnh Nhương.

Đợi Triệu Cật tự pha xong cho mình một chén trà và đưa tay ra hiệu, Triệu Lệnh Nhương mới nâng chén trà lên, cảm nhận sức nóng vừa phải tỏa ra trong lòng bàn tay, trong chén trà màu thiên thanh, nước trà như sánh lại. Triệu Lệnh Nhương ngắm nhìn thoáng chốc, rồi ngửa cổ uống hết. Nước trà đã đi hết, bọt trà trong chén vẫn chưa tan, xuất hiện hiện tượng "cắn chén" nhờ tài nghệ điểm trà đến mức tuyệt thế.

Triệu Cật cũng uống hết chén trà của mình, thích thú nhìn "cắn chén" lưu lại trên thành chén.

Đoan vương Triệu Cật chàng, làm việc gì cũng phải làm đến mức tốt nhất.

Triệu Lệnh Nhương nhấc ấm nước bên cạnh, rót thêm nước vào chiếc chén trong tay Triệu Cật, dòng nước vẽ ra một đường cong tinh tế trên không trung, đổ xuống chén trà. Nước nóng rửa trôi bọt trà còn bám trên thành chén, Triệu Cật uống nốt chỗ trà còn lại trong chén, tâm trạng tốt hẳn lên, lấy khăn bông tiểu nhị đứng bên đưa cho để lau tay, cười nhạt hỏi: "Đại Niên, hôm nay có tiết mục gì không?".

Triệu Lệnh Nhương rủa thầm cái tên hồi bé cha đặt cho, em trai tên là Vĩnh Niên nghe vẫn còn hay hơn cái tên Đại Niên! Nhưng lại không dám bắt Triệu Cật sửa, dù sao thì gọi tên ở nhà còn thể hiện sự thân cận của chàng mà! Triệu Lệnh Nhương cũng uống nốt chỗ trà trong chén mình, chép miệng mấy tiếng, thưởng thức nốt hương trà trong miệng, rồi mới cười đáp: "Bên phố Đông lớn mới mở một hiệu bán đồ cổ, lát nữa ta đi xem xem có thứ bảo bối gì không!".

Đề nghị này quá hợp với khẩu vị của Triệu Cật, đến bánh trái cũng chẳng muốn ăn nữa, lập tức đứng dậy đi ra ngoài.

Triệu Lệnh Nhương nhón lấy hai viên kẹo trà làm rất khéo, bỏ vào miệng, dặn dò tay tiểu nhị thu dọn cẩn thận bộ trà cống tiến này, rồi mới đuổi theo Triệu Cật.

Tay kể chuyện trong quán trà vẫn lắc lắc cái đầu, bịa ra những chuyện phong lưu thời trẻ của Đoan vương, người xung quanh nghe rất chăm chú, hoàn toàn không hay biết ban nãy Đoan vương ở ngay cạnh họ.

Đông Kinh Biện Lương là một tòa thành rất phồn hoa, rất nhiều thương nhân qua lại nơi đây, đều khen thế gian này không có thành thị nào phồn hoa mỹ lệ được như Biện Lương nữa.

Điểm này, người ngạo nghễ như Triệu Cật cũng rất cho là phải. Bố cục của Biện Lương không còn học theo chế độ phường lý khép kín của kinh thành thời Đường nữa, thương nhân chỉ cần nộp thuế là có thể mở cửa hàng ở bất cứ đâu. Nhờ thế những khu phố mới mọc lên san sát, nhà cửa nhiều như cây rừng, cửa hiệu đôi bên đường mái ngói thẳng tắp, trải đầy màn trướng, bày đầy đồ quý giá cùng sản vật khắp nơi, trên đường người xe tấp nập, một cảnh tượng thái bình mà náo nhiệt.

Trước triều Tống, việc mở phố có chế độ cấm đêm nghiêm ngặt, cổng thành và cổng phường đến đêm là đóng. Nhưng từ triều Tống về sau, lệ này bị dỡ bỏ, hoàng đế đời trước là Tống Thần Tông còn cho mở nhiều chợ đêm, thúc đẩy sự phồn vinh của phố chợ thêm bước nữa. Mặc dù việc mở cửa hiệu đơn giản, nhưng phố Đông lớn là nơi có rất nhiều cửa hiệu lớn đã kinh doanh buôn bán từ lâu, không dễ mà có chỗ cho cửa hiệu mới chen chân vào, nên khi Triệu Lệnh Nhương nói ở đó có hàng đồ cổ mới mở, Triệu Cật biết ngay cửa hàng này lai lịch không đơn giản.

Không có thực lực, sao có thể mở tiệm ở phố Đông lớn được?

"Đường huynh, đến rồi". Nghe giọng của Triệu Lệnh Nhương, Triệu Cật ngẩng đầu lên đã thấy hai chữ triện lớn gắn trên một cửa tiệm cổ kính, gật đầu khen: "Á Xá, cái tên nghe thú vị lắm, so với mấy cái tên Tuyên Đức các, Tam Bảo hiên gì đó thì nho nhã hơn nhiều".

Triệu Lệnh Nhương biết ngay tiệm đồ cổ này ắt hẳn hợp với Triệu Cật, cười đắc ý: "Biết ngay là đường huynh thích mà, nhưng Á Xá này đệ chỉ nghe người khác nói thôi, chưa vào bao giờ, nếu đường huynh thấy nó chỉ được cái mã bề ngoài, thì đừng trách đệ đó!".

Triệu Cật còn chưa nói gì, thì thấy cánh cửa lớn của tiệm đồ cổ cọt kẹt mấy tiếng hé ra một khe hẹp, một đứa bé trai khoảng hai tuổi chen ra ngoài qua khe cửa.

Triệu Cật thấy đứa trẻ trắng trẻo đáng yêu, đang đoán chắc là tiểu công tử nhà ai, thì liền bị thanh kiếm đồng xanh được đứa bé ôm trên tay thu hút.

Nói là ôm cũng không đúng lắm, vì độ dài thanh kiếm cũng tầm tầm như chiều cao đứa bé, tuổi đó nó không thể nhấc nổi thanh kiếm đồng xanh, nên hai tay đứa bé ôm lấy chuôi kiếm, còn phần mũi vỏ kiếm kéo lê dưới đất. Cho dù là thanh kiếm đồng xanh này chưa tuốt khỏi vỏ, nhưng với con mắt của Triệu Cật, chàng đã nhận ra ngay thanh kiếm đồng xanh này ít nhất cũng phải là thứ đồ quý thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Triệu Lệnh Nhương cũng chơi đồ cổ từ bé, vừa thấy thằng bé lôi xềnh xệch thanh kiếm đồng xanh đi ra ngoài, xót ruột quá, bèn vội vã cúi người xuống đỡ phần mũi kiếm lên cho thằng bé. Chỉ cần đón tay một lần, là Triệu Lệnh Nhương nhìn rõ chữ tiểu triện khắc trên vỏ kiếm, bất ngờ hiểu ra, kinh hãi hô lên: "Đường huynh, thanh Việt Vương kiếm này là đồ thật!".

Triệu Cật nhíu mày, triều Tống có thói trọng văn khinh võ, nên chàng không thấy hứng thú lắm với thanh Việt Vương kiếm nổi tiếng xa gần này. Nhưng tiệm đồ cổ này, lại đem thứ quý giá thế này cho thằng bé hai tuổi làm đồ chơi, hẳn bên trong còn không ít bảo bối. Đôi mắt Triệu Cật sáng lên, cất bước đi vào trong tiệm.

So với trời nắng chang chang bên ngoài, thì trong tiệm đồ cổ tối hơn nhiều. Sau cánh cửa gỗ khắc hoa nặng trịch, hai chiếc đèn cung Trường Tín sáng leo lét, trong tiệm tràn ngập mùi hương đốt thơm thơm, lần đến nơi tỏa ra hương thơm, trên quầy tủ gỗ điêu khắc bày một lư hương Bác Sơn hình rồng nạm vàng, từng sợi khói thơm chầm chậm nhả ra từ miệng rồng.

Bài trí trong tiệm đồ cổ rất nhã, không có cảm giác đợi giá để bán như các hàng thông thường khác, mà giống như bước vào sảnh đường của một nhà bề thế, đồ cổ mỗi góc đều giá trị liên thành, cho dù là người sinh ra trong hoàng tộc như Triệu Cật, cũng không thể không ngầm tán thán, tự nhiên lại ngưỡng mộ muốn kết giao với chủ tiệm ở đây.

Nhưng tuy tiệm khá lớn, Triệu Cật đưa mắt một vòng là biết, trong tiệm không có ai. Chàng cũng không vội, ngẩng đầu ngắm đôi câu đối treo giữa sảnh, nếu không nhầm thì đây chính là ngự bút của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.

"Các vị là ai? Cửa hàng còn chưa mở đâu!". Tiếng trẻ em lanh lảnh đột nhiên vang lên, Triệu Cật quay đầu lại nhìn, đứa bé trai kéo lê thanh Việt Vương kiếm lại chen từ khe cửa vào, đôi mắt to đen láy đang cố sức lườm chàng.

Triệu Lệnh Nhương giúp thằng bé nhấc cây kiếm, sờ tay lên mũi, cười nói: "Chưa mở thì tức là sắp mở chứ sao? Này nhóc, tiệm này của nhà ngươi có tranh chữ nào quý giá không?".

Tuy thằng bé ban đầu ra vẻ không thích hai người tùy tiện đi vào, nhưng nghe Triệu Lệnh Nhương nói, rõ là coi nó như chủ tiệm, lập tức ưỡn ngực thật cao, nói rất rành rọt: "Đương nhiên là có! Đi theo ta!". Nói rồi lại kéo lê thanh Việt Vương kiếm nghe lạch cạch, đi vào nhà trong.

Triệu Cật nhíu mày, rõ ràng không đồng ý trò lừa trẻ con của Triệu Lệnh Nhương. Triệu Lệnh Nhương thì biết thừa tử huyệt của đường huynh mình, cười tít mắt nói: "Đường huynh, đến thằng bé này còn biết bức tranh đó quý giá nhất, thì chắc chắn không sai được. Hơn nữa nhân lúc tiệm còn chưa mở cửa, ngắm được đồ tốt cứ đặt trước, kẻo đến lúc đó lại bị người khác cướp mất". Dứt lời rồi cũng chẳng quan tâm xem Triệu Cật có đồng ý hay không, chàng đã chạy theo thằng bé.

Triệu Cật cũng biết Triệu Lệnh Nhương nói không sai, rất nhiều hàng đồ cổ có đồ độc, không mấy khi cho người ngoài nhìn. Trong Á Xá này, tới Việt Vương kiếm thời Xuân Thu Chiến Quốc còn có thể cho trẻ con làm đồ chơi, lôi ngự bút của Đường Thái Tông ra dán cột, thì tranh chữ hàng độc của tiệm càng khó tưởng tượng.

Triệu Cật do dự đôi chút, rồi cũng vào nhà trong. Vừa đi qua một bức bình phong lớn, liền nghe thấy tiếng cáu gắt của Triệu Lệnh Nhương: "Thằng ranh này! Ngươi dám lừa thiếu gia ta sao?".

"Tôi không lừa ngài mà! Ông chủ bảo chỗ này quý nhất, tôi cũng chưa từng vào!". Giọng thằng bé nghe oan ức, thằng bé còn chưa nói sõi làm sao giải thích được, nó liền chạy ra ngoài, thanh Việt Vương kiếm trên tay, đầu mũi kiếm bị kéo lê trên đất phát ra âm thanh lạch cạch. Khi chạy qua mặt Triệu Cật, thằng bé còn không quên ngẩng đầu lè lưỡi làm mặt xấu.

"Sao thế?". Triệu Cật nhìn thấy Triệu Lệnh Nhương đuổi theo ra ngoài, nghi ngờ hỏi.

"Trong nhà rõ ràng là treo bốn tờ giấy trắng! Thằng ranh còn thừa cơ lấy mất túi thơm của đệ. Cái túi đó là Oanh Oanh thêu riêng cho đệ đấy!". Triệu Lệnh Nhương bực tức giải thích mấy câu, sau đó lại vội vã đuổi theo thằng bé.

Triệu Cật rất ngạc nhiên, chàng không tin trong đó lại chỉ treo bốn tờ giấy trắng, nhưng Triệu Lệnh Nhương không có lý gì đi lừa mình. Chàng đã đến tận đây rồi, một sự phấn khích khó tả đẩy chàng đi tiếp vào gian phòng chưa khép cửa.

Trong phòng không có cửa sổ, cũng không có đồ bài trí nào khác, chỉ có một chiếc đèn cung Trường Tín thắp sáng trên bàn, khi Triệu Cật nhìn lên bốn vách nhà, bỗng trong lòng dâng lên niềm hân hoan khó tả.

Treo trên bốn vách tường, rõ ràng là bốn bức tranh phong cảnh được vẽ cực tinh tế! Phong cảnh được vẽ trong bốn bức là một thể thống nhất, mỗi bức vẽ một mùa xuân, hạ, thu, đông. Khi Triệu Cật nhìn lạc khoản ở góc tranh, dù chàng là người học rộng hiểu nhiều cũng không kìm lòng được, khẽ run lên, đây chính là "Tứ Quý Đồ" của Triển Tử Kiền trong truyền thuyết!

Bốn bức tranh vẽ rất bao la mà trầm tĩnh, lên màu cổ nhã, Triệu Cật đứng ở giữa phòng, chậm rãi quay vòng tròn để đổi góc nhìn, trong chốc lát như thể cả bốn mùa lần lượt trôi qua trước mắt chàng. Tài tử giai nhân du xuân, trẻ em nghịch nước dưới suối trong mùa hè, cụ già trầm ngâm nơi lá vàng rơi, lữ khách rong ruổi trong tuyết trắng... Triệu Cật hoàn toàn bị thu hút, hoàn toàn chẳng hề nghĩ xem tại sao Triệu Lệnh Nhương nói đó là bốn tờ giấy trắng, cho đến khi có tiếng nói đột ngột cất lên.

"Ngài nhìn thấy được bốn bức tranh?".

Triệu Cật như giật mình tỉnh mộng, bỗng chốc phát hiện ra trong phòng không chỉ có mình chàng, không biết từ lúc nào đã có một gã trai trẻ đứng ở cửa. Gã mặc cổ phục thời Tần Hán, chiếc áo thâm vạt chéo ôm sát người cùng ống tay áo rộng, vạt áo đen rủ xuống chân rất trang nhã, càng làm nổi bật gương mặt đẹp như ngọc của gã, trông chẳng khác nào nhân vật bước ra từ tranh cổ. Triệu Cật nhận ra hành động nhìn chằm chằm vào người khác của mình là rất thất lễ, vội vàng hắng giọng như để che giấu đi: "Ngài là...".

"Chủ của tiệm này". Gã mỉm cười, câu trả lời khiến Triệu Cật kinh ngạc.

Triệu Cật không ngờ gã chủ tiệm đồ cổ này lại trẻ đến thế, nhưng nhìn khí chất của gã, có lẽ là con em nhà phú quý thất cơ lỡ vận nào đó. Triệu Cật biết mình thất lễ, bèn chắp tay thành tâm nói: "Tại hạ đường đột tự tiện vào đây, xin được thứ tội".

"Không sao, chắc là Lạc Nhi dẫn ngài vào đây, thằng bé nghịch lắm". Gã chủ tiệm mỉm cười, hẳn là cũng chẳng biết làm sao với thằng bé.

"Lệnh lang nhanh nhẹn hoạt bát đáng yêu vậy, sau này chắc chắn là bậc đại tài". Triệu Cật cũng cười, nghĩ đến Triệu Lệnh Nhương bị bỡn cợt đến giờ vẫn chưa về, chắc là bị thằng bé làm cho khổ sở lắm.

"Thằng bé không phải con ta, chỉ là... con của người họ hàng thôi". Gã chủ tiệm hơi nhướn mày, nhẹ nhàng giải thích. Có vẻ như không muốn tiếp tục nói tới thằng bé nữa, gã quay sang bức tranh treo trên một vách tường hỏi: "Ngài nhìn được bốn bức tranh này?",

"Đương nhiên". Triệu Cật khó hiểu, gật đầu, cho dù đèn trong phòng rất tù mù, nhưng cũng đủ để chàng nhìn thấy cảnh sắc trong bốn bức tranh, đến chi tiết nhỏ như nhánh cây cũng nhìn rất rõ. "Bộ "Tứ Quý Đồ" của Triển Tử Kiền, phải bao nhiêu tiền thì ngài mới bán cho ta?".

Gã chủ tiệm không trả lời, mà nhìn chàng với ánh mắt rất khó lường. Triệu Cật thoải mái để gã nhìn, cho rằng gã đang tính xem nên ra giá nào cho thích hợp. Lát sau, gã chủ tiệm mới chậm rãi nói: "Ngài không mua nổi đâu".

Triệu Cật nhíu mày, thân là vương gia Đại Tống, có mấy thứ mà chàng không mua nổi. Chàng nghĩ thầm chắc hẳn là trò làm giá của đối phương, nhưng vẫn không kìm được mồm miệng, cười nhạt: "Chỉ cần ngài nói được là ta mua được!". Thường ngày chàng ít khi kích động như thế, nhưng vừa thấy bốn bức họa, chàng đã không thể kìm chế nổi lòng ham muốn, thấy yêu thích vô cùng, ngàn vàng khó mua đồ mình thích, chàng quyết định bất chấp giá cả, phải có được bốn bức này.

Gã chủ tiệm lúc này nhìn chàng, thái độ có vẻ nghiêm túc hơn, nói chậm rãi: "Muốn có được bốn bức họa này, thì phải giữ được bản tâm của mình".

"Bản tâm?". Triệu Cật không ngờ gã chủ tiệm lại nói ra những lời không chút liên quan như thế, bất giác ngây người ra.

"Vạn chung tắc bất biện lễ nghĩa nhi thụ chi, vạn chung ư ngã hà gia yên? Vị cung thất chi mĩ, thê thiếp chi phụng, sở thức cùng phạp giả đắc ngã dư...". (Thấy bổng lộc hậu liền không biết lễ nghĩa mà nhận bừa, thì bổng lộc hậu có ích gì cho ta? Để được nhà cửa đẹp, để được thê thiếp hầu hạ, để được kẻ nghèo khó ta quen biết đến cảm ơn ta ư...). Gã chủ tiệm chậm rãi nói, âm thanh trong trẻo vang khắp cả căn phòng.

"...Thị diệc bất khả dĩ dĩ hồ? Thử chi vị thất kì bản tâm". (Việc đó chẳng lẽ không thể dừng lại được sao? Đó chính là đánh mất bản tâm). Triệu Cật tiếp lời của gã luôn. Đoạn này trích từ thiên "Cáo Tử" trong sách "Mạnh Tử". "Bản tâm" cũng từ đây mà ra, chỉ lòng liêm sỉ. Trong đoạn đó Manh Tử có kể ví dụ rằng, có người đứng giữa cái sống và cái chết có thể thà chết không khuất phục, thậm chí bỏ tính mạng mình để giữ lấy điều nghĩa, mà đến khi thiên hạ thái bình lại bất chấp liêm sỉ, thậm chí không từ thủ đoạn để theo đuổi danh lợi, đánh mất lập trường và đạo đức của mình.

"Phải, nếu ngài muốn có bốn bức tranh này, thì phải giữ được bản tâm của mình". Giọng điệu của gã chủ tiệm rất lạnh lùng, như thể rất không tin chàng làm nổi.

Triệu Cật giận quá hóa cười, nói: "Ò? Chỉ có thế thôi sao?".

"Phải, chỉ có vậy thôi". Gã chủ tiệm vẫn cười thản nhiên: "Nếu ngài quyết định lấy bốn bức tranh này rồi, thì dùng tay sờ thử chất giấy của bốn bức này đi. Bốn bức họa này sẽ đem tới cho ngài quyền lực và tài sản vô cùng, nhưng nếu ngài không thể giữ được bản tâm, thì chúng sẽ thu hồi lại hết, và còn thu thêm rất nhiều nữa".

Triệu Cật không phủ nhận, đưa tay ra sờ bừa vào chất giấy của bốn bức họa, ấn tượng tốt đẹp về tiệm đồ cổ này bỗng chốc biến mất. Nếu không phải vì bốn bức tranh này, chàng đã bỏ đi từ lâu.

Triệu Cật cười thầm trong lòng, chàng đã là vương gia rồi, còn có cái gì có nhiều quyền lực và tài sản hơn tước vị của chàng được nữa đây?

Đúng lúc ngón tay chàng rời ra khỏi bức tranh cuối cùng "Đạp Tuyết Đồ", bên ngoài hành lang vọng lại tiếng bước chân vội vã, Triệu Lệnh Nhương sắc mặt tái xám xông vào, luống cuống nói: "Đường, đường huynh! Không hay rồi! Trong... trong cung truyền ra, nói... nói..."

Triệu Cật bỗng có dự cảm không lành, nghiêm mặt lại gắt: "Nói gì?".

Triệu Lệnh Nhương cắn răng, quỳ sụp xuống đất, nói: "Nói là hoàng thượng bệnh nặng lắm rồi!". Câu nói như sét đánh bên tai Triệu Cật, đầu óc trống rỗng trong chốc lát, rồi Triệu Cật cũng ngầm nghĩ đến chuyện hoàng huynh của chàng đến nay vẫn chưa có người nối dõi, ngôi báu này... Mà thứ đem lại nhiều quyền lực và tài sản hơn cả tước vị vương gia của chàng chính là...

Bốn bức họa đem tới cho chàng quyền lực và tài sản vô cùng?

Triệu Cật vô thức nhìn về phía chủ tiệm, ánh mắt gặp phải nụ cười khó hiểu của gã, liền trở nên hoảng hốt.

3

Gã chủ tiệm một mình đứng trong phòng, ngắm nghía bộ "Tứ Quý Đồ" treo trên tường, rất lâu không nói lời nào. Gã nghĩ không ra, vì sao "Tứ Quý Đồ" lại chọn Triệu Cật làm người có duyên.

"Họ đi rồi à?". Giọng trẻ con lanh lảnh vang lên, cắt đứt suy nghĩ của gã chủ tiệm.

"Lạc Nhi, đưa Việt Vương kiếm cho ta". Gã chủ tiệm bầm mặt, chìa tay về phía đứa bé đứng ngoài cửa.

Lạc Nhi băn khoăn một hồi, ngước mắt nhìn sắc mặt của gã chủ tiệm, tiếc đứt ruột đưa thanh Việt Vương kiếm cho gã, rồi càu nhàu: "Lạc Nhi không rút nó ra được, người khác cũng không rút ra được!".

Gã chủ tiệm cầm thanh Việt Vương kiếm trong tay, đưa tay xoa đầu Lạc Nhi, cười nhạt: "Cháu không phải chủ nhân của thanh kiếm này, tất nhiên là không rút ra được".

Lạc Nhi bĩu môi, nhưng tính trẻ con làm nũng một lát là quên ngay. Thằng bé vừa nhận ra sự đổi khác trong phòng, kêu lên kinh ngạc: "ơ? Bức tranh!". Vừa nãy rõ ràng nó nhìn thấy bốn tờ giấy trắng, sao loáng cái đã biến thành bốn bức tranh thủy mặc rồi? Lạc Nhi nhìn gã chủ tiệm với ánh mắt khinh bỉ, trong bụng nghĩ chú ban nãy mắng nhầm người rồi, nó đâu có lừa ai! Gã chủ tiệm mới là đồ lừa đảo!

""Tứ Quý Đồ" đã nhận chủ rồi, tự khắc sẽ hiện hình". Gã chủ tiệm thở dài: "Có điều chẳng biết lần này được bao lâu".

Lạc Nhi nghiêng đầu nghe chẳng rõ hiểu gì không, nhưng cũng rất biết điều không nói leo.

"Tuy có khả năng minh xét, có chí hướng nhân nghĩa, nhưng một khi giàu sang rồi liền có mới nới cũ, bỏ mất bản tâm..." Giọng nói lành lạnh của gã chủ tiệm văng vẳng trong căn phòng, như một câu châm ngôn rõ ràng...

Triệu Lệnh Nhương chỉnh lại áo bào trên người, bước vào điện bên canh cung Diên Phúc.

Triệu Cật đã lên ngôi được hai năm, mặc một chiếc áo thường phục màu vàng sáng, chắp tay sau lưng đứng ở giữa căn phòng, dồn hết tâm trí thưởng thức bức tranh "Đồng Tử Hí Thủy Đồ" treo trước mặt.

Triệu Lệnh Nhương phe phẩy chiếc quạt giấy trên tay, căn phòng không thông gió này giữa mùa hè càng thêm oi bức, chẳng hiểu sao đường huynh của chàng lại chịu nổi. Triệu Lệnh Nhương biết mấy bức tranh treo ở bốn vách tường chính là năm xưa gã chủ tiệm Á Xá đích thân mang đến sau khi Triệu Cật lên ngôi. Không lấy một đồng nào, quả thực khiến chàng bất ngờ. Chàng tưởng rằng hồi đó gã treo bốn bức giấy trắng giả thần giả quỷ là có mưu đồ gì, ai ngờ gã chẳng hề đòi hỏi thứ gì cả.

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, Triệu Lệnh Nhương chẳng mấy chốc đã quên. Chàng nhìn Triệu Cật trước mặt mình một cách ngưỡng mộ, đường huynh của chàng mới mười chín tuổi đã lên ngôi vua, nhiều lần ra chiếu cầu lời nói thẳng, đuổi đám gian nịnh, sửa lại án oan, nghe lời trung thần, tất cả những việc đó trong ngoài triều đều ca ngợi.

Nhưng Triệu Lệnh Nhương vẫn có chút bất an trong lòng, cuộc đấu đá giữa tân đảng và cựu đảng từ thời Triết Tông đã rất mãnh liệt, chàng tin rằng rất nhiều người đều không biết rốt cục thì cải cách của tân đảng tốt hay sự thủ cựu của cựu đảng hơn. Nhưng những chính lệnh ban bố gần đây có vẻ bắt đầu có sự cải cách, bởi dù bị hạn chế vì là hoàng thân, Triệu Lệnh Nhương rất ít tiếp xúc với chính sự, nhưng cũng nghe nói rằng những thay đổi gần đây của Triệu Cật đều liên quan đến một kẻ mới nổi trong triều là Sái Kinh.

Sái Kinh nhờ viết chữ rất đẹp nên được Triệu Cật yêu mến. Triệu Lệnh Nhương gặp Sái Kinh vài lần, không có ấn tượng tốt đẹp gì với ông ta, nhưng lại chẳng biết phải nói sao với Triệu Cật. Họ không còn là quan hệ anh em họ đơn thuần nữa rồi, chàng thậm chí không thể cá mè một lứa gọi đường huynh như trước được nữa, cho dù ở riêng hay ở chỗ đông người, chàng đều chỉ được phép quỳ gối.

Thấy Triệu Cật thoát khỏi dòng suy nghĩ, Triệu Lệnh Nhương vội vàng quỳ xuống thi lễ theo đúng lễ tiết mọi ngày. "Bái kiến quan gia".

(Thời Tống gọi hoàng đế là quan gia. Lấy từ câu "tam hoàng quan thiên hạ, ngũ đế gia thiên hạ", vì hoàng đế phải chí công vô tư nên gọi là "quan gia")

"Đứng dậy đi". Gương mặt Triệu Cật đã mất đi sự non nớt ngày nào, bây giờ chỉ còn sự ngạo nghễ của kẻ ngôi trên, "Đại Niên, hôm nay gọi đệ đến, là muốn đệ nghĩ thử xem, cung Diên Phúc này có phải là hơi bé không?".

Triệu Lệnh Nhương đoán ẩn ý sau câu nói đó, rồi bất ngờ nhận ra, đường huynh của chàng muốn mở rộng tòa cung này. Cung Diên Phúc trước nay là hành cung của các hoàng đế Đại Tống, rất nổi tiếng vì sự đặc sắc thanh nhã, nhưng chưa từng có hoàng đế nào chê nó bé cả... Triệu Lệnh Nhương cảm thấy không khí trong phòng ngột ngạt chật chội, khiến chàng không thở nổi.

Chàng biết là mình phải nói gì đó, Triệu Lệnh Nhương cảm thấy hơi ngứa cổ họng, rồi vẫn cười, chàng nghe thấy chính mình nói: "...Thần đệ cũng thấy như thế".

Triệu Cật rất vui mừng, gật đầu cười: "Phải, ở đây oi bức quá, chúng ta ra ngoài nói cụ thể!". Nói đoạn, bèn bước ra ngoài gian điện trước.

Triệu Lệnh Nhương rút chiếc khăn lụa trong người ra lau mồ hôi trên trán.

Từ tiết kiệm đến xa xỉ thì dễ, chứ từ xa xỉ quay về tiết kiệm mới khó. Lần này chỉ là mở rộng cung Diên Phúc, lần sau thì sao... Triệu Lệnh Nhương không dám nghĩ tiếp, năm xưa Triệu Cật kể cho chàng về lai lịch bốn bức họa, nghe như kể chuyện cười. Nói rằng thứ mà bốn bức họa này đòi trả, đó là giữ được bản tâm. Triệu Lệnh Nhương cười nhăn nhó, nay đừng nói gì đến đường huynh của chàng, mà ngay chàng cũng không thể giữ nổi bản tâm, nói ra những lời trái lòng mình.

Len lén thở dài một tiếng, Triệu Lệnh Nhương quay người bước ra khỏi gian điện, trong lúc chàng quay đi, bức "Đồng Tử Hí Thủy Đồ" trên tường đang dần dần mờ đi...

Triệu Cật đổi sang y phục ngày thường, dẫn theo vài thị vệ, đi ra phố Đông lớn.

Thời gian vụt qua như nước chảy, chàng lên ngôi nay đã mười năm.

Chàng cảm thấy mình là một hoàng đế rất tốt, dù những chuyện chính sự lặt vặt rất khó xử lý, nhưng Sái thừa tướng đã giúp chàng xử lý cả rồi, để chàng có thời gian công sức đầu tư hết vào niềm đam mê thư họa của mình. Chàng quản lý Hàn Lâm Viện, mở họa viện Tuyên Hòa, tự mình làm viện trưởng của họa viện, dạo này đang biên tuyển mấy cuốn sách "Tuyên Hòa thư phổ", "Tuyên Hòa họa phổ", "Tuyên Hòa bác cổ đồ".

Nhưng gần đây xảy ra một chuyện khiến chàng nghĩ mãi không hiểu nổi, chàng cần tìm người để nói cho rõ. Người được sai đi nghe ngóng tin tức về báo, cửa tiệm đồ cổ Á Xá mấy ngày nay đều không mở cửa. Nghe đâu mấy hôm trước có đám tang.

Gã chủ tiệm đó chết rồi sao? Triệu Cật nhăn mày. Mấy năm nay chàng chưa từng đến Á Xá, sao lại trùng hợp đến vậy? Mấy thị vệ đoán ý của hoàng thượng, bèn mặc kệ việc Á Xá chưa mở cửa, chặt đứt khóa sắt trên cửa để vào.

Sau khi Triệu Cật bước vào, nhận ra bài trí trong phòng gần như vẫn giống hệt mười năm trước, những thứ đồ cổ bên trong vẫn vậy. Triệu Cật không hiểu, chẳng lẽ việc làm ăn của tiệm đồ cổ này ảm đạm đến mức đó? Mười năm trời không bán được món nào? Triệu Cật cảm tưởng như mình quay trở về thời điểm mười năm trước, đặc biệt là khi nhìn thấy gã chủ tiệm chậm rãi bước ra từ nhà trong.

Gương mặt ấy vẫn trẻ như mười năm trước, không có chút thay đổi nào. Gã vẫn mặc bộ Hán phục màu đen tuyền, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy.

Triệu Cật lập tức đoán ra người mất là ai, chàng thở dài: "Xin hãy bớt đau thương".

Tiệm Á Xá chỉ có hai người năm xưa chàng gặp, nay gã chủ tiệm vẫn ở đây, chứng tỏ đám tang là của Lạc Nhi. Mười năm trước Lạc Nhi mới hai tuổi, cho dù đã qua mười năm, thì cũng mới mười hai tuổi. Triệu Cật mấy năm nay phải nhìn mấy đứa con mình chết yểu, nên đồng bệnh tương lân trong lòng lúc ấy cũng cảm thấy thương cảm cho gã chủ tiệm.

"Không có gì, đến lúc rồi, thằng bé cũng phải ra đi rồi". Gương mặt trắng bệch của gã chủ tiệm vẫn như thể hoàn toàn chẳng để ý đến chuyện đứa trẻ mình yêu quỷ bao năm nay ra đi đột ngột, lại hỏi lạnh lùng: "Quan gia hôm nay hạ cố tới đây, có việc lớn gì vậy?".

Triệu Cật cũng thấy ý muốn đuổi khách trong lời nói, nhưng chẳng so đo. Dù ai mất đi người thân, cũng chẳng có nổi tâm trạng tốt. Triệu Cật vẫy tay ra hiệu với thị vệ đứng bên canh, người đằng sau lập tức đưa ra một hộp gấm hẹp. Triệu Cật lại vẫy tay ra hiệu, các thị vệ răm rắp đi ra ngoài, để Triệu Cật ở lại cùng gã chủ tiệm.

Triệu Cật cẩn thận mở chiếc hộp gấm trên tay ra, lấy ra một cuốn họa, trải ra trên chiếc bàn dài.

Bức họa chỉ là một tờ giấy trắng.

Gã chủ tiệm nhìn bức họa trắng tinh, nhíu mày như hiểu ra, cất giọng hỏi lành lạnh: "Đây là bức nào trong "Tứ Quý Đồ"?".

Triệu Cật liếm môi lo lắng: "Là "Đồng Tử Hí Thủy Đồ", bức "Du Xuân Đồ" vẫn treo ở đó. Thực ra bức "Đồng Tử Hí Thủy Đồ" này vốn đã biến thành tranh trắng lâu rồi, ta cứ nghĩ là cung nhân vô tình làm hỏng tranh nên lấy tờ giấy trắng treo lên. Nhưng hôm qua ta bỗng phát hiện ra là cả bức "Lạc Diệp Đồ" cũng bắt đầu nhạt màu dần, ta mới cảm thấy kỳ quái..."

Gã chủ tiệm mỉm cười, nói với giọng không nhanh không chậm: "Trên đời này mọi việc đều rất công bằng. Ngài đã lựa chọn có được quyền lực và tài sản vô cùng, lại không thể giữ được bản tâm, thì "Tứ Quý Đồ" tự khắc sẽ lấy đi cái giá tương đương".

"Cái giá gì?". Triệu Cật vội hỏi.

"Đây là "Đồng Tử Hí Thủy Đồ"". Gã chủ tiệm chỉ cười, không trả lời trực tiếp, mà chậm rãi nhắc lại tên của bức họa.

Triệu Cật như có ai đó bóp nghẹt cổ họng, không nói nên lời. Năm nay chàng hai mươi chín tuổi, nhưng ngoài mấy đứa con có trước khi lên ngôi ra, thì chẳng có hoàng tử nào lớn nổi nữa, tất cả đều chết yểu... Chàng cũng cảm thấy không ổn, một hai đứa chết yểu có thể là do ngoài ý, nhưng đứa nào cũng không sống thọ nổi tới năm tuổi, thì rất khó tin... Chàng vẫn cho rằng có kẻ nào ngấm ngầm làm bùa chú ma quỷ gì đó, mà tuyệt đối không ngờ được rằng họa từ bức họa mà ra...

"Chủ tiệm... việc này... việc này hóa giải thế nào?". Dù là vua một nước, Triệu Cật cũng biết mình chỉ là một người phàm trần, không thể chống lại việc của quỷ thần.

Gã chủ tiệm không nói gì, gã với tay ra, cuộn bức tranh lại từng tí một. Triệu Cật lúc này mới chú ý, trên tay áo phải của gã chủ tiệm có một vết cắt ngọt như bị kiếm sắc chém vào. Triệu Cật biết có lẽ chiếc áo này là vật yêu thích của gã chủ tiệm, nếu không tại sao lại mặc tới mười năm trời, dù rách vẫn không nỡ thay. Triệu Cật đang nhờ vả người khác, bèn tiện thể lấy lòng: "Chủ tiệm, chiếc áo này rách rồi, đem tới Văn Tú Viện để vá lại đi, ta đảm bảo các thợ thêu trong Văn Tú Viện có tay nghề cực kỳ tinh xảo".

Gã chủ tiệm ngừng tay cuốn tranh, rõ ràng lời đề nghị của Triệu Cật làm gã động lòng. Văn Tú Viện là viện thêu thùa ngự dụng của Triệu Cật, có thể sẽ có hy vọng. Gã cũng không muốn chết như thế, Lạc Nhi chính là chuyển thế của Phù Tô, gã cũng không thể ngăn nổi số mệnh phải chết năm mười hai tuổi của đứa bé, nhưng gã không cam tâm. Trăm ngàn năm cũng trải qua rồi, dù bị Việt Vương kiếm vô tình chém rách áo, nhưng hắn vẫn muốn sống tiếp. Đó là mong muốn duy nhất trong lòng gã, vừa hay Triệu Cật nhắm đúng vào tử huyệt đó.

"Quan gia, chiếc áo này của tôi không phải là loại vải thông thường, thợ thêu thông thường không vá nổi đâu". Gã chủ tiệm thấy ánh mắt Triệu Cật như sáng lên: "Hơn nữa tôi muốn trong khi vá lại áo, tôi được ở cùng trong phòng".

Triệu Cật liền gật đầu, việc cỏn con đó rõ ràng chẳng đáng gì, chàng cũng đã nhận ra, chiếc áo này là đồ cổ thời Tần Hán, nên gã chủ tiệm mới yêu nó đến thế.

Gã chủ tiệm trầm ngâm suy nghĩ một lát, rồi đóng cửa Á Xá, theo Triệu Cật về hành cung Diên Phúc bên ngoài cung vua.

Cung Diên Phúc chính thức được lệnh cho sửa chữa mở rộng vào mùa xuân năm Chính Hòa thứ ba, gọi là Diên Phúc ngũ khu. Cung Diên Phúc mới xây lại có độ dài hướng Đông Tây ngang bằng đại nội hoàng cung, chỉ có hướng Nam Bắc là quy mô nhỏ hơn, thực ra cũng coi như Triệu Cật xây thêm cho mình một hoàng cung mới. Phía đông đến Cảnh Long Môn, phía tây tới Thiên Ba Môn, bên trong lầu gác rực rỡ, cảnh trí tú lệ, đình đài lầu gác có tới chục cái. Đắp đá làm núi, đào ao làm biển, dẫn nước làm hồ, bên trong lại điểm xuyết bằng những thứ cầm thú kỳ lạ và hoa cỏ đặc sắc, trăm ngàn kiểu cách, chẳng khác nào tiên cảnh trần gian. Từ ngày Diên Phúc ngũ khu xây xong, Triệu Cật bèn bỏ phần lớn thời gian ở đây, không đi đâu nữa.

Cung điện hào hoa mĩ lệ nhường ấy, Triệu Cật cũng chỉ để khoe khoang với người khác, có điều suốt dọc đường dẫn gã chủ tiệm vào, không hề thấy trên mặt gã có chút biểu hiện gì là ngạc nhiên, ngược lại chỉ thờ ơ nhìn cảnh đẹp trước mặt.

Triệu Cật hít một hơi, quyết định đợi làm xong núi Vạn Thọ lại gọi gã chủ tiệm tới, không tin là gã không ngạc nhiên. Gã chủ tiệm nhìn hoa cỏ trùng điệp, điện đài lầu gác san sát nhấp nhô, trong lòng thở dài.

Hôn quân như thế, "Lạc Diệp Đồ" không nhạt màu đi mới lạ!

Gã chủ tiệm ở lại một cái điện nhỏ trong cung Diên Phúc, cung Diên Phúc bây giờ rất rộng lớn, đương nhiên chẳng lo dôi thêm một người. Còn Triệu Cật cũng chỉ vài ngày đầu nhiệt tình khoản đãi gã, sau đó thấy gã chủ tiệm chẳng hề có ý chỉ bảo cho chàng cách giữ được con nối dõi, nên dần dà không lui tới nữa.

Còn "Tứ Quý Đồ", Triệu Cật chỉ còn giữ lại hai bức nguyên vẹn là "Du Xuân Đồ" và "Đạp Tuyết Đồ", còn bức "Đồng Tử Hí Thủy Đồ" đã thành giấy trắng và bức "Lạc Diệp Đồ" đã nhạt màu đều đã đưa về chỗ của gã chủ tiệm. Gã chủ tiệm thu lại bức "Đồng Tử Hí Thủy đồ", còn "Lạc Diệp Đồ" thì treo trong điện gã tạm ở.

Triệu Lệnh Nhương thì lại thường xuyên qua chỗ gã nói chuyện, có lẽ vị hoàng thân rỗi rãi không có việc gì làm, có lẽ vì thất vọng với triều đình trên dưới, Triệu Lệnh Nhương cứ đến là uống rượu, uống xong bắt đầu lải nhải kêu ca.

"Này! Gã chủ tiệm này! Ngươi thật có cách giúp đường huynh ta có hoàng tử không đấy?". Triệu Lệnh Nhương lắc chén rượu, say rồi. Chỉ khi chàng uống say, mới dám gọi đương kim hoàng thượng là đường huynh. Khi tình rượu, chàng chỉ có thể cung kính gọi quan gia mà thôi.

Gã chủ tiệm cười nhạt: "Đó là hoàng thượng nhất quyết đòi giúp ta vá lại áo, ta đâu có nhận lời sẽ giúp ngài". Triệu Lệnh Nhương sững người một chút, gật đầu khen: "Đúng là gian thương, quả là gian thương! Bái phục! Bái phục!".

Gian thương à? Gã chủ tiệm cúi đầu nhìn nửa cái móng rồng màu đỏ thẫm đã được vá lại, gã hàng ngày vẫn đợi thợ thêu vá rồi mặc lên người. Triệu Cật chắc chắn cũng đã nghe thuộc hạ báo lại, chỉ đỏ dùng để vá áo thực ra là ngấm máu tươi của gã.

Chất vải của chiếc áo này không phải thứ tầm thường, mỗi đường hoa văn trên mặt vải đều có thứ tự cố định, không thể tùy tiện vá víu, đương nhiên cũng không thể dùng chỉ tơ bình thường để vá.

Để sửa lại chiếc áo một cách hoàn mỹ nhất, Triệu Cật thậm chí tự mình vẽ đường thêu cho con rồng.

Ha... gã chủ tiệm khẽ cười một tiếng. Triệu Cật hẳn là đoán ra tác dụng của chiếc áo này rồi chứ? Gã chủ tiệm ngầm cười lạnh lùng, thực ra, ông ta chỉ muốn chiếm cái áo làm của riêng chứ gì? Nếu không thì một kẻ dân thường như gã, sao có thể mặc áo thêu hình rồng? Hình rồng là hình dành cho hoàng gia ngự dụng, điều Triệu Cật mưu đồ là, sẽ có một ngày, ông ta mặc chiếc áo đó lên người.

Triệu Lệnh Nhương không phát giác ra được sự khác thường của gã chủ tiệm, chàng lại tiếp tục rót rượu, cằn nhằn: "Gian thương thực ra vẫn còn tốt chán, đáng hận nhất là gian thần! Tên Sái Kinh đó, hắn còn muốn xây lại tường thành do Thái Tổ đích thân thiết kế!".

Gã chủ tiệm nghe xong cũng sững người, Đông Kinh Biện Lương thực ra là đứng giữa thiên hạ, đồng bằng rộng lớn, là nơi có nạn binh đao. Không có núi sông hiểm trở, cũng chẳng có cửa ải phòng thủ, chỉ được đường thủy thuận lợi, giao thông phát đạt, nhưng rất khó phòng vệ. Biện Kình không có thế hiểm trở mà vẫn phòng thủ được chỉ có thể dựa vào gia cố thành trì, tường thành được xây dựng dày đặc thực ra là để thay thế núi sông hiểm trở, dựa vào nó để làm cửa ải phòng thủ.

Tống Thái Tổ đích thân thiết kế bản vẽ tường thành, giống như mê cung quanh co ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Đương nhiên năm xưa không ai hiểu ý định của Tống Thái Tổ, nhưng vẫn y bản vẽ xây tường thành, bảo vệ Đại Tống thái bình vài trăm năm nay.

"Tên Sái Kinh đó, dám cho rằng thành ngoài lộn xộn, nhìn không đẹp mắt! Nói là muốn hạ lệnh sửa lại thành ngoài, sửa hết những đoạn tường thành khúc khuỷu thành hình chữ "khẩu" vuông chành chạnh! Chẳng phải là làm bừa sao?". Triệu Lệnh Nhương mượn rượu trút giận, đập bàn quát tháo. Chàng còn muốn nói gì đó nữa, nhưng men rượu đã làm đầu óc lơ mơ, không lâu sau lăn ra ngủ.

Gã chủ tiệm đứng trước bức "Lạc Diệp Đồ" gần như đã không còn rõ nét treo trên tường, vẻ mặt không ai hiểu là thái độ gì, gã nói giọng lành lạnh: "Đúng là làm bừa. Lấy chữ khẩu để vây người lại... không phải là chữ "tù" à?".

(Chữ "nhân" bên trong, chữ "khẩu" ở bên ngoài thì là chữ "tù")

4

Chiếc áo rồng đỏ làm ròng rã hai năm trời mới xong, chỉ đỏ nhuộm máu tươi của chủ tiệm, cộng thêm mấy chục thợ thêu tay nghề tinh xảo của Văn Tú Viện, khiến con rồng như sống dậy, nhe nanh giơ vuốt cuốn quanh áo, sống động đến mức kinh ngạc, như thể có ngày sẽ hiện ra ở nhân gian. Hoàn mỹ, chỉ có thể là hai chữ đó thôi.

Nhưng, Triệu Cật không thể có được tấm áo như mong muốn, vì khi ông ta còn chưa kịp bất chấp thể diện cướp chiếc áo đi, thì gã chủ tiệm đã đi mất rồi. Gã như ma quỷ, biến mất không tung tích khỏi hoàng thành canh phòng nghiêm ngặt.

Gã chỉ đem theo bức "Đồng Tử Hí Thủy Đồ" đã trắng tinh. Bức "Lạc Diệp Đồ" nhạt nhòa vẫn treo trơ trọi trên tường, Triệu Cật mỗi khi nhìn thấy bức họa đều cảm thấy sợ hãi, sự lo lắng sợ hãi như bóp nghẹt quả tim của ông ta, ông ta không dám nhìn, bèn lệnh cho người thu lại.

"Tứ Quý Đồ" đã cướp mất hoàng tử của ông ta, ông ta không muốn nghĩ tiếp, lần sau "Tứ Quý Đồ" sẽ lấy đi thứ gì của mình.

Sau hai năm sống trong lo sợ, Triệu Cật đã ba mươi ba tuổi, ngoài hoàng thái tử ra, vẫn không có thêm hoàng tử nào nữa. Một hôm, Triệu Lệnh Nhương tìm một đạo sĩ Mao Sơn tới, xem qua phong thủy của hoàng cung nói góc quẻ Cấn ở phía Đông Bắc có địa thế quá thấp, cản trở cho việc có con. Triệu Cật liền tôn cao góc Đông Bắc của cung lên, làm thành một ngọn giả sơn rất đẹp.

Kể ra rất kỳ lạ, sau khi ngọn giả sơn làm xong, tin vui huyền từ trong hoàng cung ra liên tiếp, từng vị hoàng tử nối tiếp nhau chào đời, mà vị nào cũng khỏe mạnh hoạt bát đáng yêu. Và như thế, Triệu Cật liền tin chắc "Tứ Quý Đồ" là trò lừa đảo, ngày càng trở nên sùng bái đạo thuật.

Kế hoạch xây lại tường thành kéo dài rồi cũng dần hoàn thành, thời gian thấm thoắt, Triệu Cật ngày càng chìm đắm trong việc xây dựng công trình thổ mộc, kiếm đá hoa cương, khiến dân chúng lầm than, nhưng ông ta vẫn chẳng màng thế sự, chỉ biết hưởng lạc.

Đến khi quân Kim tiến về Nam, kéo sát chân thành Biện Kinh, chủ tướng quân Kim nhìn thấy trường thành thẳng tuột, vui mừng kéo pháo vào, nhằm một góc mà bắn. Tường thành thẳng tuột, chỉ cần một loạt pháo là đã dễ dàng bắn nát phía tường thành mới xây, cả kinh thành của Đại Tống như thiếu nữ bị người ta xé mất y phục, không thể ngăn nổi cuộc xâm lăng của gót sắt quân Kim.

Triệu Cật đứng trong gió lạnh, lòng rối như tơ vò. Trong hoàng cung, vẫn là những cảnh đẹp làm say lòng người, nhưng ngoài xa có thể thấp thoáng nghe tiếng pháo, dù thứ đập vào mắt đều là cảnh đẹp mê hồn, mà ông ta lại đang cảm thấy mình như rơi xuống địa ngục Tu La.

Tay ông ta cầm bức "Đạp Tuyết Đồ" đã được cuốn gọn lại. Ngay trước khi quân Kim vây thành vài ngày, ông ta đã nghĩ tới "Tứ Quý Đồ", nhưng khi ông ta tìm được "Lạc Diệp Đồ", thì chỉ thấy một tờ giấy trắng.

Hai năm trước ông ta đã thoái vị, truyền ngôi báu cho thái tử, ông từ bỏ ngôi vua chí tôn, cũng chẳng thể cứu vãn được tình hình.

Lần này bộ tranh muốn lấy đi cả đất nước của ông ta hay sao?

Trong cung đã náo loạn vô cùng, cung nữ và thái giám như sắp đến ngày tận thế, mặc kệ thị vệ ngăn cản, chạy ra ngoài cửa cung. Ban đầu thị vệ còn khua đao thị uy chém giết, nhưng Triệu Cật không nỡ lòng nhìn, đưa tay ra hiệu cho thị v

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện