Chương 70: Ôm
Sáng sớm hôm sau, ngoài biệt viện nhà họ Khúc.
Mấy con tiễn mã to khỏe thở phì phò qua lỗ mũi, bốn cái vó đạp đất không ngừng, làn da chúng phả ra hơi nóng hầm hập.
Tiễn mã là tên gọi của một loài ngựa yêu chuyên dùng cho các môn phái trong giang hồ, chúng to gấp đôi ngựa thường và có sức thồ đáng kinh ngạc.
Chúng nhanh gấp mấy lần gió mạnh với bộ bờm tóe lửa khi tăng tốc.
Quả nhiên không hổ cái danh cưỡi mây đạp gió, nhanh như tia chớp.
Tiễn mã của phái Thái Hành là giống thuần chủng nên vạm vỡ nhất và không một sợi lông khác màu.
Tiếc rằng, đến cỗ xe ngựa với bếp sưởi nệm êm trong mộng của Thời chưởng môn còn không có chứ huống hồ là trà bánh dọc đường đi.
Sau lưng đám ngựa lơ lửng trôi bốn pháp khí nom giống quan tài.
Chúng có hình thoi, một đầu được cố định chắc chắn trên mình ngựa, mỗi cỗ có thể chứa một người.
Nụ cười dần tắt ngấm trên khuôn mặt Thời chưởng môn: "Thi cô nương, đây là?"
Thi Trọng Vũ: "Đây là thoi hộ thân.
Tiễn mã phái ta di chuyển quá nhanh nên không tiện dùng xe ngựa.
Với tốc độ này, gió táp trên đường sẽ không khác dòng chảy xiết, hễ bất cẩn là nghẹt thở như chơi.
Ta đành phải lấy bảo vật phòng thân của môn phái, để các vị phải vất vả rồi."
Thời Kính Chi: "..."
Tin tốt, ngựa rất nhanh.
Tin xấu, họ phải hóa trang thành bốn cái kén tằm sau mông ngựa.
Mà thế này thì nói gì đến trời nam đất bắc, đuôi ngựa còn chẳng thấy nổi nữa là.
Thấy biểu cảm cứng đờ của Thời Kính Chi, Thi Trọng Vũ lại nói: "Tiễn mã phái ta chạy suốt ngày đêm không nghỉ, ta sẽ tự tay điều khiển chúng.
Đừng lo, ta chỉ cần một ngày rưỡi là đến phương bắc được rồi."
Nhìn bốn con thoi hộ thân kín mít, Doãn Từ chầm chậm nhíu mày.
Thoi hộ thân ắt sẽ có hệ thống thông khí nhằm đảm bảo cho người bên trong hô hấp bình thường, có điều...
Hoặc phái Thái Hành quá cẩn thận, hoặc người thợ đã nghĩ đường nào tầm nhìn cũng bị hạn chế rồi nên mới không chừa bất kỳ một khe lọt sáng.
Mí mắt giật nảy nhưng Doãn Từ không ý kiến.
Hồi lâu y mới xoay người: "Đã vậy thì ta đi nấu ít chè lót dạ trên đường."
Nhìn theo bóng lưng Doãn Từ, ấm ức và bàng hoàng lắng đọng trên khuôn mặt Thời Kính Chi rốt cuộc tan đi, hắn lại trở thành người hoạt bát như thường ngày: "Một ngày rưỡi hả? Thế thì tốt quá, đa tạ Thi cô nương."
Trầm ngâm chốc lát hắn bổ sung: "Ta thấy thoi hộ thân khá nặng, e ngại sẽ làm giảm tốc độ của tiễn mã.
Đồ phái ta chẳng có mấy, dùng tới bốn con thoi thì nhiều quá, ba cái là đủ rồi."
Thi Trọng Vũ ngẩn ra: "Chuyện này..."
Thoi hộ thân chừa một không gian nhỏ chuyên để hành trang, do đó về lý thuyết vẫn vừa cho hai người nằm chen chúc.
Tuy nhiên ở một không gian chật chội như thế, hiếm có ai sẵn lòng tiếp xúc thân mật cùng người khác.
"Ba cái là đủ." Thời Kính Chi cười nói, "Kể ra thì xấu hổ, nhưng ta mang bệnh trong mình nên cần người khác chăm sóc, không thể ở một mình lâu thế được."
Dứt lời hắn còn cố tình hộc máu.
Diêm Thanh, Tô Tứ: "..."
Kỹ thuật mở mắt nói quàng của Thời chưởng môn đã đạt đến trình độ thượng thừa, nếu họ không biết sự thật thì đã tin sái cổ vào điều hắn nói.
Tiếc rằng hai chàng trai trẻ mặt mỏng nên không thể bám nhau tỉnh bơ như vậy.
Chưa kể, để ngựa có thể di chuyển thì Diêm Thanh phải ôm kiếm Từ Bi suốt toàn bộ hành trình.
Bởi lẽ này, dù Tô Tứ có muốn ở cùng Diêm Thanh thì cũng sẽ bị kiếm Từ Bi chèn cho hấp hối.
Nên là không, tuyệt đối không thể chung thoi.
Hai người liền lẻn luôn vào thoi hộ thân của riêng mình, tránh cho Thời chưởng môn ưu ái giảm thêm một con thoi nữa.
Sau khi nấu chè trở lại, Doãn Từ thoáng ngạc nhiên khi thấy chỉ còn ba con thoi.
Tuy nhiên y không nói năng gì mà chỉ phân phát chè rồi yên lặng trèo vào chỗ.
Con thoi đóng kín, tiếng gió táp bên ngoài truyền vào một cách xa xôi.
Quả nhiên không ngoài dự đoán của Doãn Từ, bóng đêm dày đặc bủa vây bốn phía.
Thời Kính Chi và Doãn Từ nằm sát nhau theo tư thế lưng tựa lưng, sống lưng họ phập phồng theo nhịp thở, mái tóc dài tản ra, quấn quýt, khó bề phân biệt của người nào và thấm nhuần hơi ấm từ nhiệt độ cơ thể.
Sự tồn tại rõ ràng của đối phương làm giảm đi sự âm u của bóng tối.
Thời Kính Chi không giải thích lí do mình yêu cầu bỏ bớt thoi hộ thân.
Vào thoi xong, hắn chỉ đơn giản là thả lỏng cơ thể và bắt đầu phát ra tiếng thở đều đều.
Trên thực tế, nếu Thời Kính Chi không chủ động giảm số lượng thoi thì Doãn Từ cũng sẽ không lên tiếng.
Từ lâu y đã quên mùi của sự yếu kém và bất lực, giờ y hoàn toàn có thể nghiến răng chịu đựng cho qua.
Doãn Từ những tưởng một ngày rưỡi sắp tới đây sẽ là một tấn cực hình, nào ngờ Thời Kính Chi lại ghé đến ngả lưng bên cạnh y, rồi biến cực hình thành chuyến lữ hành khoan khoái.
Phải rồi, tại trận Phật Tâm, tâm ma đã khiến y mù, trong những ngày này y luôn tỉnh giấc sớm để rồi kiểm tra xem có còn Thời Kính Chi bên cạnh hay không.
Bản thân y đã để lộ không ít dấu vết nên không mấy ngạc nhiên khi bị người khác phát hiện ra chứng "sợ tối" của mình.
Khép hờ đôi mắt, Doãn Từ cảm thán, lần thứ một trăm, về đầu óc tinh tế của sư phụ gà mờ.
Giả như Thời Kính Chi ngu xuẩn hơn thì y sẽ ứng phó với hắn dễ hơn.
Nhưng không, hắn là một thiên tài đọc vị lòng người.
Y mới đánh thức một phần "nhân tâm" của hắn mà hắn đã học một biết mười, nhanh chóng lĩnh hội cách thỏa mãn người khác.
Cảm giác bức bối hóa thành một làn nước ấm vừa nhu hòa vừa mạnh mẽ.
Một thứ mà Doãn Từ không thể điều khiển và chế ngự.
Dù dùng đến khí thế tích lũy suốt ba trăm năm, y cũng khó lòng đè bẹp khí chất rực rỡ thấm đẫm hồng trần của Thời Kính Chi.
Doãn Từ sinh nghi, có lẽ tên nhóc này sinh ra là để khắc mình, bởi hắn đã bất chấp chen vào kẽ hở còn mềm duy nhất trong trái tim đã bị rèn cứng của y, làm y không thể không biểu lộ chút ít cảm xúc đời thường.
Mà, bản thân y còn vậy thì nói chi tới những người phàm trần khác.
Thời Kính Chi giỏi nắm bắt cảm xúc của người khác bẩm sinh, hiện giờ trông hắn không khác nào cá gặp nước.
Chỉ cần hắn muốn và miễn là đủ thời gian, thì có lẽ hắn có thể khiến tất cả mọi người yêu mến hắn.
Thế rồi, một ý nghĩ đâm xuyên những cảm xúc dịu dàng trong đầu óc Doãn Từ.
...!Xét đến phản ứng của Thời Kính Chi ngày trước thì hắn cũng không hiểu được cái gọi là "ăn ở thật lòng" giữa người với người.
Và bởi vậy nên Thời Kính Chi chắc chắn sẽ không giữ được ai bên mình dài hạn.
Không chỉ là người thân mà kể cả người hầu kẻ hạ, thầy, trò, hay các bậc tiền bối đều sẽ không ở lại bên cạnh hắn.
Thời Kính Chi giống như một hòn đá bị ném vào dòng nước xiết, hắn sẽ miễn nhiễm với thứ bụi trần được đặt tên là lưu luyến.
Dám chắc kẻ ném hòn đá kia hiểu ý muốn của bản thân, cũng như biết rõ Thời Kính Chi là "cái gì".
Nếu đã đề phòng đến mức phải phong ấn thì sao lại tha mạng cho Thời Kính Chi? Sao lại thả cho hắn tự do trên giang hồ như vậy?
Doãn Từ không tin đấy là do "nhân từ".
Hiển nhiên, Thời Kính Chi có những hiểu biết nhất định đối với thân phận của mình và cũng có vài mối băn khoăn về nó.
Hắn không tự tiện trói buộc người khác, hắn để cho tự bản thân Doãn Từ lựa chọn "lại gần bên hắn".
Tiếc rằng câu đố mà sư phụ gà mờ cho rằng rất có tính bước ngoặt, thì vốn dĩ y cũng chỉ có thể đưa ra đúng một câu trả lời.
Mong rằng hành trình phá thuật phong ấn lần này sẽ giúp y túm được đuôi cáo của hắn.
Doãn Từ trở mình, dựa sát đối phương hơn.
Cơ thể Thời Kính Chi ấm áp bẩm sinh, Doãn Từ dán chóp mũi lên mái tóc đen dài và hưởng thụ nhiệt độ truyền qua từ hắn.
Nhận ra hành động lặng lẽ của Doãn Từ, Thời Kính Chi nhoẻn miệng cười; "Thì ra A Từ sợ lạnh đến thế."
Doãn Từ thừa nhận thản nhiên: "Chính xác."
Thế rồi được voi đòi tiên, y ghé lại gần hơn chút nữa.
Bóng tối phủ tràn đôi mắt y, kéo theo quá khứ và hiện tại đan xen lẫn lộn.
Doãn Từ dợm đưa hai tay ôm choàng lấy nguồn nhiệt ngay cận kề, nhưng khi chạm phải bờ hông trưởng thành, Doãn Từ lại thu tay.
Nhóc câm nhỏ nhắn ngày xưa có thể nằm lọt thỏm trong vòng tay Doãn Từ.
Đứa bé cũng rất thích nằm ngủ trên ngực y, chảy nước dãi, làm ướt cả vải vóc thượng hạng của y.
Người đứa bé ấy cũng rất ấm.
Ôm nó, Doãn Từ tưởng chừng như đang ôm mặt trời mềm mại.
Nhiệt độ tỏa ra từ nó vô cùng khoan khoái, khiến Doãn Từ đành phải ngấm ngầm cho phép nó giày xéo áo quần mình.
Nay, tầm vóc của Thời Kính Chi thậm chí còn to hơn y một ít.
Cũng may tạng người hắn không phải loại vạm vỡ, lưng hùm vai gấu, nên nếu ôm eo thôi thì Doãn Từ vẫn làm được.
Tiếc rằng nhóc câm đã trưởng thành rồi, tại không gian chật hẹp thế này, động tác ôm eo không khỏi lỗ mãng quá.
Doãn Từ gợi chuyện: "Nhắc tới sợ lại nhớ, từ lâu ta đã muốn hỏi sao sư tôn lại sợ ma quỷ đến thế rồi?"
Theo ấn tượng của y, bất kể là nhóc câm hay Thời Kính Chi thì đều luôn rất to gan.
Dù đối mặt với Thần Phật họ cũng có thể phô bày khí thế không sợ trời, không sợ đất, hiên ngang lẫm liệt.
Ấy thế mà sư phụ gà mờ - một kẻ lõi đời và đối nhân xử thế linh hoạt lại có nỗi sợ ma quỷ đặc biệt đáng lưu tâm.
Thời Kính Chi hơi đờ người.
"Không tính là sợ quá."
Hắn bày tỏ nghiêm túc.
"Chỉ là hơi sợ khi gặp phải những sự kiện quái lạ chưa thấy bao giờ thôi, cũng không ảnh hưởng đại cục gì.
Vi sư quý mạng mà, phải chú ý đến các, khụ, chi tiết kiểu này tí chứ."
Doãn Từ nhìn chằm chằm cái gáy của Thời Kính Chi với vẻ buồn cười.
"Hơn nữa ta luôn có cảm giác là mình nên sợ chúng." Thời Kính Chi lẩm bẩm, "Ngươi nói thế xong ta mới thấy kỳ kỳ...!về lý thuyết đúng là không đến nỗi..."
Giọng điệu ung dung của hắn bỗng lạc đi, Doãn Từ lập tức rùng mình.
Thời Kính Chi đột ngột thở gấp, cơ thể phát run.
"Sư tôn?"
"Ưm." Thời Kính Chi mệt mỏi đáp, "Không sao, ta ngủ...!ngủ một lát là được."
Doãn Từ tàn nhẫn bóp cổ tay hắn.
Quả nhiên, trái tim Thời Kính Chi đập mạnh, mồ hôi túa ra, triệu chứng này không giống chứng bệnh của hắn bấy lâu nay mà liên quan đến phong ấn nhiều hơn.
"Chuyện gì thế này?"
"Nhức đầu thôi.
Không hại tính mạng đâu, ta hiểu rõ mà." Thời Kính Chi nói giọng kiệt sức, "Đến tông Mật Sơn là sẽ ổn thôi.
A Từ, chúng ta đi ngủ giữ sức đi."
Đang yên đang lành sao tự dưng lại trở bệnh?
Chẳng qua, Thời Kính Chi đã không muốn nói thì Doãn Từ cũng chỉ đành cọ quậy một lát rồi ôm hắn vào lòng.
Lòng bàn tay y áp lên phần gáy lạnh băng của Thời Kính Chi, tay còn lại khẽ xoa huyệt đạo trên đầu hắn.
Thời Kính Chi vừa thở phào, vừa đau đớn, vùi đầu vào lồng ngực Doãn Từ.
Cơn đau mà phong ấn mang lại như cách người ta xé toạc một vết sẹo chưa lành.
Thời Kính Chi cảm giác có hàng nghìn hàng vạn cái chùy vung loạn trong đầu hắn, làm hắn gần như không thể suy nghĩ được gì.
Phương trượng Giác Phi khuyên hắn mau chóng ghé tông Mật Sơn, không hổ là phương trượng.
Nếu ban đầu hắn cố chấp đi tìm thị nhục thì không biết còn phải chịu đau đớn đến nhường nào.
Từ lúc phong ấn bị kích hoạt ở ải tham điệp, cơn bùng phát của nó trở nên bất thường, không quy luật.
Chỉ cần một từ ngữ, một mùi hương là đau đớn sẽ ùn ùn kéo tới trước cả khi hắn kịp hiểu mối liên hệ giữa chúng.
Đáng tiếc con người có một tật xấu, càng biết không được nghĩ đến thì lại càng nghĩ nhiều hơn.
Ngón tay Doãn Từ ấm áp và mạnh mẽ, xoa bóp huyệt đạo cũng rất chuẩn xác.
Trong giây lát nguôi ngoai, với đầu mũi còn chôn trong quần áo Doãn Từ, Thời Kính Chi khẽ hít một hơi sâu.
Doãn Từ có mùi hơi đắng – không phải mùi đắng của thuốc mà giống mùi mộ đất, hoặc mùi bị ngâm lâu trong máu tanh.
Hai thứ mùi đó trộn lẫn thành một loại hương u ám, khiến người khác chỉ muốn cách xa theo phản xạ.
Tuy nhiên, ngửi mùi này, Thời Kính Chi lại thấy an tâm, thậm chí là cay cay khóe mắt.
Đầu óc hắn đau hơn.
Một bên là cơn đau từ đầu, một bên là cơn đau trong kinh mạch.
Sự gắn bó giữa hai người cuối cùng lại tạo thêm cho hắn cái vẻ giãy giụa gần chết.
Thời Kính Chi nhắm nghiền hai mắt, cố gắng góp nhặt những mảnh vụn ký ức lộn xộn trong đầu.
Nỗi thống khổ của hắn khiến Doãn Từ hoàn toàn kinh hãi, y ghì hắn xuống: "Thanh tâm, phân tâm! Đừng nhớ lại!"
Nhưng hắn muốn nhớ lại.
Dù rất đau, Thời Kính Chi vẫn cảm giác mình đã chạm tới cái gì đó.
Đường nào thì hắn cũng quen với nỗi đau lâu rồi, hắn chưa muốn ngừng.
Thế này không khác tự hại mình, chỉ khác ở chỗ không có vết thương thôi.
Doãn Từ có giận cũng sẽ không giận quá, Thời Kính Chi mê man lẩm bẩm.
Rồi hắn vừa tiếp tục ngửi mùi Doãn Từ vừa đào sâu ký ức.
Phải, sao hắn sợ ma thế?
Trong cơn mơ màng, cánh rừng rực đỏ lá phong lại hiện lên.
Thời Kính Chi toan đuổi theo thì bị cảm xúc truyền tới bên hông làm cho chấn động.
Doãn Từ vòng cánh tay còn rảnh qua ôm eo hắn.
Ảo ảnh ký ức tan biến, cơn đau đầu nhẹ đi.
Thời Kính Chi lần xuống, chạm đến cánh tay đang ôm lấy mình mà không biết nên phản ứng ra sao.
Đây không phải lần đầu họ ôm nhau, nhưng lần nào trước kia cũng đều có lí do cả.
Nào bảo vệ, nào diễn trò, hoặc là an ủi trong những tình huống gian nan.
Giờ thì sao?
Lúc này, không ai trong số họ cần bảo vệ, không cần diễn trò, cũng không có nguy hiểm nào rình rập.
Doãn Từ thở nhanh hơn, hiển nhiên là tức giận.
Có lẽ vì thế mà y ôm Thời Kính Chi rất mạnh, Thời Kính Chi không dám dùng nội lực đẩy ra.
Có một người khác kề bên quả nhiên là ấm áp, hắn lơ mơ nghĩ.
Bấy giờ, hắn chẳng những không thể tập trung mà còn có một luồng cảm xúc xa lạ dấy lên, và làm hắn dựng ngược tóc gáy.
"Nằm ngoan ngoãn đi.
Đến được tông Mật Sơn rồi người thích nghĩ gì thì nghĩ." Doãn Từ trầm giọng, "Làm sao, thấy ta không hiểu rõ độ nghiêm trọng của cơn đau đầu nên người lại muốn cố tiếp chứ gì?"
"Không cố không cố, lần sau không cố nữa." Đầu còn âm ỉ đau, Thời Kính Chi lí nhí đáp.
Ai ngờ vòng tay ấm áp của đối phương lại kích hoạt thêm cái gì, phong ấn trong đầu hắn lập tức tung cú sút, Thời chưởng môn chưa kịp ngậm miệng thì đã la oai oái.
Doãn Từ: "..."
Thời Kính Chi: "..." Hắn oan, oan thật.
Doãn Từ cười lạnh, thả lỏng cánh tay ôm Thời Kính Chi ra.
Sau đó chẳng buồn bận tâm đến lễ nghĩa thầy trò, hắn chống một tay xuống đất, mình đè lên người Thời Kính Chi, khí thế rét căm ùa tới: "Lần sau vẫn dám của sư tôn đến nhanh thật đấy."
Mái tóc Doãn Từ chảy xuống như làn nước đọng trên ngực Thời Kính Chi.
Những sợi tóc lướt qua không khí, tô đậm thêm mùi hương lạnh thanh của Doãn Từ.
Phong ấn rục rịch.
Bỗng chốc Thời Kính Chi không rõ rốt cuộc đối phương đến đây để cứu hay là để kích động mình.
Song cũng có mặt tốt.
Cảm xúc bị phóng đại trong bóng đêm khiến sức nặng và hơi thở của y hiện lên rõ mồn một.
Thời Kính Chi chưa bao giờ ở gần người khác thế, tâm trí mắc kẹt đâu đó nên không có sức gợi dậy phong ấn nữa.
"Để nghĩ xem nào, nói không giữ lời thì phải phạt thế nào đây nhỉ?"
Khoảng cách gần làm Doãn Từ hạ giọng rất trầm, chẳng khác nào muốn dùng âm thanh điểm huyệt Thời Kính Chi.
Thời Kính Chi nín thở, bối rối và cứng đờ như xác ướp.
Khí thế hùng hổ của đồ đệ mách bảo hắn chuyện lần này không chỉ đơn giản là "không có quà vặt ăn".
Ai ngờ, lo lắng đề phòng hồi lâu, cuối cùng hắn lại chỉ thấy Doãn Từ run lên bần bật.
...!Cậu ta đang nhịn cười.
"A Từ, ngươi trêu ta hả?" Thời Kính Chi vẫn còn hoang mang.
"Chí ít thì sư tôn cũng phân tán suy nghĩ được rồi."
Thời Kính Chi giận, nhưng ngón nghề của y hiệu quả thật nên hắn chẳng biết nói gì.
"Ngủ thôi." Doãn Từ xuống khỏi người Thời Kính Chi và ôm hắn như ban đầu.
Hai người mặt đối mặt nhau, phong ấn không bị mất kiểm soát nữa.
Vô cớ an lòng, Thời Kính Chi từ từ khép mắt.
Không biết đã qua bao lâu, thoi hộ thân bỗng khựng lại.
Hắn được Doãn Từ ôm vào lòng nên không bị va đập gì.
Thoi mở, sắc trời ùa đến, làn gió rét căm xen lẫn lưa thưa hạt tuyết làm cho người ta phải rùng mình.
Gió lạnh thổi tan dòng suy nghĩ lững lờ, hai người rời thoi, giẫm chân lên nền tuyết.
Trung Nguyên mới len lỏi đón một sợi nắng xuân, đất bắc vẫn là vùng gió rét bất tận.
Tiễn mã phun hơi nóng từ mũi, chân chúng đạp thành những cái hố bốc hơi.
Tuyết rất dày, y như núi Khô hơn một tháng trước.
Mây đen giăng kín trời, vụn tuyết lả tả rơi.
Xa xa là núi non trập trùng chìm trong bầu không gian lặng ngắt.
"Tông Mật Sơn bày trận đuổi yêu gần đây, tiễn mã không tiến thêm được."
Thi Trọng Vũ khoác thêm một lớp áo choàng dày dặn.
Đi suốt ngày đêm, dù có pháp bảo hộ thân thì đầu mũi và vành tai nàng vẫn đỏ bừng vì lạnh, đôi mắt nàng thì bị mệt mỏi nhuốm cho bơ phờ.
"Băng qua ngọn núi thấp thấp đằng kia sẽ vào địa bàn của tông Mật Sơn."
Diêm Thanh tò mò hỏi: "Tất cả đất chỗ đấy hả? Ta từng xem bản đồ, diện tích khu vực ấy phải bằng một quốc gia nhỏ ấy chứ."
Thi Trọng Vũ vẫn đối xử khá tốt với Diêm Thanh: "Đúng vậy.
Nơi này là rìa bắc của Đại Duẫn, phía tây là nước Khất Đà, phía đông là La Cưu.
Lấy núi này ranh giới thì vốn dĩ bên kia là một quốc gia nhỏ tên gọi Mật Lam."
Thời Kính Chi tiếp lời giải thích: "Hơn hai trăm năm trước, Mật Lam lục đục nội bộ.
Trước tình thế loạn lạc này, Đại Duẫn thừa cơ xâm chiếm nó.
Nữ vương Mật Lam giỏi dùng pháp thuật mà những người ủng hộ bà ta cũng si mê trận pháp.
Sau khi Mật Lam bị lật đổ, những người này lưu lạc tại cố hương, đây cũng là hình thức ban đầu của tông Mật Sơn."
Cơn nhức đầu đã biến mất, Thời Kính Chi lại thấy khoan khoái như bình thường.
Tô Tứ ôm chặt Bạch gia đang run lẩy bẩy: "Vậy thì hẳn tông Mật Sơn sẽ căm thù Đại Duẫn chứ? Sao còn qua lại với võ lâm Trung Nguyên?"
"Vì đời nữ vương cuối cùng của Mật Lam lại có gốc là người Đại Duẫn."
Nét mặt Thi Trọng Vũ hơi bộn bề cảm xúc.
"Bà ta vốn là công chúa Đại Duẫn, năm mười sáu tuổi bị gả đến Mật Lam.
Sau mười năm gió tanh mưa máu bà đã leo được lên đỉnh hoàng quyền.
Bà ta đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mưu hay chước giỏi, mà cũng tàn bạo vô đạo."
"Bà ta đưa Mật Lam lên đỉnh cao rồi lại đẩy ngã nó, khuấy động cả quốc gia.
Bấy giờ Hoàng đế đã nhắm tới Mật Lam nên bèn thừa cơ đánh hạ.
Nữ vương Mật Lam nhảy xuống sông băng, băng hà năm hai bảy tuổi."
Doãn Từ từng nghe nói tới chuyện này.
Xưa kia khi Mật Lam tan đàn xẻ nghé, dù Đại Duẫn không động tay thì Khất Đà và La Cưu cũng sẽ nhảy vào xâu xé.
Lúc đó vương tộc Mật Lam đã bị nữ vương diệt sạch, không còn ai nối dõi.
Dân chúng cũng bị giày xéo đến độ tan tác chim muông, có hận cũng chẳng hận được bền.
Ngày nay, chỉ có thể thấy lại đâu đó chút ít về thời khắc huy hoàng của Mật Lam qua pháp thuật tông Mật Sơn.
"Thôi được, ta sẽ về vá kiến thức cho hai tên nhóc này sau.
Giờ làm chuyện quan trọng trước đã."
Thời Kính Chi xen lời đúng lúc và mở phong thư của phương trượng Giác Phi.
"Qua ngọn núi này cần đi tiếp hơn nửa ngày đường là đến được chỗ của tiền bối Trần Thiên Phàm."
Thi Trọng Vũ há miệng thở ra một cụm hơi trắng toát.
"Các vị đi trước, ta sẽ nối gót vào nửa ngày sau.
Còn chuyện ta theo đuôi các vị thì các vị cứ coi như không biết là được."
Nàng đứng im, nét mặt hơi chua xót.
Thời Kính Chi nhướng mày vẻ bất ngờ.
Hắn đã có cảm giác này ở nhà họ Khúc – mặc dù đôi bên hợp tác, Thi Trọng Vũ lại vẫn luôn giữ khoảng cách với bọn họ.
Nàng không hề hỏi thăm khi phát hiện phái Khô Sơn có thêm hai "khuôn mặt mới".
Ơn huệ gì thì cũng đã trả xong, bình thường Thời Kính Chi sẽ hoàn toàn không muốn nhúng tay vào chuyện nhà của phái Thái Hành.
Tuy nhiên rắc rối của phái Thái Hành lần này rất lạ, cùng với thái độ nhất quyết không buông bỏ một kẻ hấp hối của Thi Trọng Vũ đã khơi gợi đôi chút nỗi đồng cảm của Thời Kính Chi.
Thời Kính Chi dừng bước, toan suy nghĩ kỹ hơn thì Doãn Từ nhẹ nhàng đẩy hắn lên trước.
Được ủng hộ, Thời Kính Chi không còn phân vân: "Thời gian không đợi một ai.
Với tình trạng của Thích chưởng môn thì nửa ngày cũng quý.
Thi cô nương, nếu cô nương khó xử ở đâu thì đừng ngại nói ra chúng ta cùng giải quyết."
Thi Trọng Vũ có vẻ chần chừ: "Không phải, chỉ là yêu cầu của ta hơi quá nên sợ sẽ làm phật lòng người tông Mật Sơn.
Mọi người đều có việc cần nhờ nên ta không muốn làm liên lụy tới Thời chưởng môn."
Thời Kính Chi không lùi lại.
"Phái Thái Hành nổi danh nhân nghĩa từ lâu mà lần này ai cũng cản trở cô.
Nếu làm vậy chỉ để tiết kiệm mấy lạng bạc thì bạc bẽo quá.
Nay cô còn nói có khả năng sẽ làm phật lòng tông Mật Sơn...!Thi cô nương, rốt cuộc lão tiền bối Thích Tầm Đạo đã gặp phải chuyện gì?"
Thi Trọng Vũ im lặng ôm chặt kiếm Thanh Nữ, tựa như chỉ có vật chết lạnh băng ấy mới làm nàng an tâm.
Nàng cứ đứng vậy hồi lâu, thấy Thời Kính Chi vẫn giữ nguyên nét mặt cố chấp, nàng mới thở dài và nói.
"Mấy ngày sau khi chúng ta lấy được bảo đồ trở lại, Thích chưởng môn đột ngột sốt cao, ngủ li bì không tỉnh.
Phái ta không thiếu danh y nhưng triệu chứng của ông quá ít khiến cho không ai chẩn đoán ra được điều gì.
Trước tình cảnh giang hồ loạn lạc như bây giờ, tin bệnh nặng của chưởng môn chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ, do đó phái ta mới giấu nhẹm đi."
"Đừng tin lời Đoạn Vân, ban đầu mọi người đều tận lực cứu chữa cho ông.
Chẳng qua cơ thể ông có dấu hiệu ngựa què, bệnh tình trở nặng nhanh chóng.
Chưa tới mấy ngày mà chúng ta đã phải dùng thuốc giữ mạng cho ông rồi.
Mười mấy ngày đầu còn không có ai dị nghị, nhưng hơn nửa tháng trôi qua..."
Thi Trọng Vũ cay đắng ngập ngừng, cuối cùng chuyển sang chuyện khác.
"Phái Thái Hành đang bộn bề nhiều việc trong khi kinh mạch Thích chưởng môn đã cạn kiệt, khó có khả năng hồi phục như xưa.
Dù ông khỏi bệnh thật thì cũng không thể tiếp tục làm chưởng môn nữa."
Thời Kính Chi hiểu ra.
Tiền bạc của phái Thái Hành không rơi từ trên trời xuống.
Ngoại trừ những khoản được giúp đỡ bởi triều đình thì bản thân môn phái cũng trồng ruộng trồng rừng, mở cửa hàng buôn bán và nhận đi hộ tống.
Tất cả những hoạt động trên đều cần đến tiền tài để duy trì nên không thể dồn hết cho một người được.
Hiện tại có hai lựa chọn liên quan đến Thích chưởng môn, hoặc để ông tiếp tục dùng đỡ ít thuốc thang kéo dài hơi tàn rồi một lúc nào đó sẽ bỏ mạng lúc hôn mê; hoặc gắng gượng cứu về và sống thêm mấy năm như một người tàn phế.
Bất luận chọn cái nào, phái Thái Hành cũng sẽ phải bỏ ra một khoản lớn cả người lẫn của.
Trước giường bệnh lâu năm sẽ không có đứa con nào là có hiếu.
Một môn phái lớn vốn đã khó đồng lòng, nay gặp chuyện, liệu Thái Hành có thể chỉ vì một chữ "nghĩa" đơn thuần mà cứu một kẻ tàn phế bằng bất cứ giá nào không?
"Một số người muốn từ bỏ, trong khi ta cùng một nhóm người khác thì dốc hết sức cứu chữa, dẫn đến sự mâu thuẫn trong Thái Hành.
Mắt thấy tình hình mỗi lúc một khó kiểm soát, các trưởng lão bèn phái Đoạn Vân đến bàn bạc với ta.
Thật ra ta hiểu suy tính của cậu ta.
Nhưng ta...!ta chỉ thấy Thái Hành không nên như thế."
Thi Trọng Vũ vuốt nhẹ lên kiếm Thanh Nữ, cụp mắt, giọng nhỏ hơn.
"Thích chưởng môn đã dành trọn tâm sức vì phái Thái Hành suốt mấy thập niên qua, ân tình của ông với bọn ta là không thể đong đếm được.
Nếu ông vô phương cứu chữa chắc chắn ta sẽ không cưỡng cầu.
Nhưng lần này rõ ràng còn hy vọng mà bọn ta vẫn quyết định từ bỏ...!Môn phái nào từ bỏ cũng được, chỉ riêng phái Thái Hành là không nên như thế."
Doãn Từ liếc nhìn mọi người qua khóe mắt, quả nhiên, ngay đến phái Khô Sơn còn không thể chung ý kiến với nhau trong chuyện này.
Diêm Thanh nhìn Thi Trọng Vũ và gật đầu vẻ bùi ngùi, trong khi Tô Tứ thì mở to hai mắt đầy kinh ngạc như thể vừa tận mắt chứng kiến một con lừa bướng bỉnh thành tinh.
Thi Trọng Vũ không kể lể nhiều về chuyện trong phái nhưng Doãn Từ có thể đoán được tình hình tương đối.
Nếu phe từ bỏ chiếm đa số, Thi Trọng Vũ sẽ bị gán lên mình vô số tội danh như "làm loạn môn phái", "lòng dạ đàn bà", "tầm nhìn hạn hẹp".
Chẳng trách bữa trước gặp nhau Thi Trọng Vũ lại gắt gỏng đến thế.
Gánh vác áp lực lớn nhường này thì cột sống cũng phải thành tinh thật.
Thấy hồi lâu không ai tiếp lời, Thi Trọng Vũ thu kiếm, nét mặt bình tĩnh hơn.
"Chuyện đại khái là vậy.
Ta muốn nhờ tông Mật Sơn cứu một ông già gần đất xa trời, người tông Mật Sơn vốn bễ nghễ, rất có khả năng sẽ cho ý muốn của ta là cố tình kiếm cớ sinh sự với bọn họ."
Thời Kính Chi cười: "Thi cô nương lo nghĩ nhiều rồi.
Pháp danh của tiền bối Trần Thiên Phàm là Giác Qua, từng là tăng nhân trong chùa Kiến Trần.
Người khác thì không nói chứ cao tăng chùa Kiến Trần sẽ không nổi giận trước mong muốn cứu mạng người đâu."
Biểu cảm biến đổi liến thoắng trên khuôn mặt nàng rồi dừng lại ở "nhẹ nhõm".
Nàng ôm quyền với Thời Kính Chi: "Thời chưởng môn vốn không cần nhúng tay vào chuyện này.
Thi Trọng Vũ ta sẽ ghi nhớ sự chiếu cố của ngài hôm nay."
Hành trình tiếp theo tương đối suôn sẻ.
Tông Mật Sơn xây dựng trên phế tích của nước Mật Lam ngày xưa nên vô cùng hoang vắng.
Trừ trận đuổi yêu ra thì không có ai thiết lập trận pháp nào, cũng không có đám yêu quái lảng vảng xung quanh.
Nguy hiểm duy nhất có lẽ là đống tàn tích bị chôn vùi dưới tuyết.
Không ai biết có bao nhiêu bí mật được chôn giấu dưới cái vỏ tuyết trắng tinh này.
Chỉ cần sơ sẩy một giây thôi, ngã dập mặt là chuyện nhỏ, chứ chưa biết chừng còn được đối mặt trực tiếp với đám thây khô từ hai trăm năm trước.
Do có chuyện bồn chồn trong lòng nên Thời chưởng môn mới đi mấy bước đã ngã lộn cổ, suýt thì được tiếp xúc thân mật với cái đầu người trong tuyết.
Đầu người nọ không biết đã phải trải qua cay đắng gì mà sưng vù, tím ngắt, thậm chí đã đến độ biến dạng và mặt mày xô lệch, một bên nhãn cầu đóng băng thì lòi cả ra.
Thời Kính Chi đáng thương đột ngột gặp phải biến cố, ba hồn bảy vía đã tan mất nửa, phong ấn cũng hoàn toàn im phăng phắt.
Khi hoàn hồn lại, hắn thấy mình đu bám trên người Doãn Từ, mà Doãn Từ thì đang kiên nhẫn gỡ hắn xuống.
Thi Trọng Vũ từng được chứng kiến những cảnh tượng tương tự dưới quỷ mộ nên rất thản nhiên dời mắt, giả mù.
Bước nhạc dạo này khiến Thời Kính Chi quyết định gạt phăng ý định tự mình cày tuyết nhằm tiết kiệm hơi sức.
Hắn hít sâu, tài nghệ khinh công đột nhiên tăng vọt, mũi chân lướt nhẹ nhàng trên tuyết như đang lướt trên băng,
Ngoại trừ sự kiện đó ra thì may là không có biến cố nào khác.
Dựa theo hướng dẫn của Giác Phi, đoàn người đến nơi trước khi mặt trời lặn.
Bất ngờ ở chỗ nơi ở của Trần Thiên Phàm hoàn toàn không có mùi vị tiên khí hay là Phật khí.
Lão chọn đống đổ nát sót lại của một cửa hiệu Mật Lam xưa rồi cải tạo thành nhà.
Nhà rộng thì rộng thật, mỗi tội bề ngoài được sửa thế nào mà hình thù đến là kỳ quái, thoạt nhìn nom rất lôi thôi.
Kiến trúc nói chung lủng hết chỗ nọ chỗ kia, không ít lỗ hổng được dùng da yêu đắp vào.
Xung quanh là đồng tuyết vô tận, bầu không khí quạnh hiu ùa tới và phả lên bước chân của mọi người.
Một bà lão phát hiện ra họ trước.
Hình như bà cũng có chút gì đó dòng máu Mật Lam.
Tóc bà trắng xóa, xoăn nhẹ, sống mũi rất cao, nhưng mí mắt và màu da thì hoàn toàn giống người Trung Nguyên.
Mặc dù hoàn cảnh sống quái dị, bà vẫn ăn vận sạch sẽ, những vết rách thì được thêu hoa che khuất.
"Ồ," Bà xoa xoa tay, giọng điệu không giống một người triều Duẫn thông thường, "Các cô cậu đến tìm Trần phu tử hả?"
Thời Kính Chi tháo mặt nạ trừ tà và chào hỏi lễ phép: "Xin hỏi bà là?"
"Cậu bé ngoan, cứ gọi ta bà Vệ là được."
Ai cũng có tâm hồn yêu cái đẹp.
Thấy Thời Kính Chi, bà Vệ hớn hở, những nếp nhăn trên mặt ép sát vào nhau.
"Trần phu tử ra ngoài rồi, các cháu vào ngồi chơi để ta đi hầm ít canh.
Các cháu đi xa thế này cũng vất vả...!Ấy, còn mang theo lễ nữa à? Đi xa thế này mà khách sáo quá, không thì để tối ta nướng cho mấy đứa ăn..."
Bà liếc nhìn Bạch gia trong lòng Tô Tứ.
Bạch gia lập tức sun vòi, cố gắng dúi đầu vào áo Tô Tứ.
"Lễ ở đây cơ ạ." Diêm Thanh kịp thời nói đỡ rồi đưa món quà được chuẩn bị từ trước ra.
Cân nhắc đến tình huống thương nhân khó lòng qua lại tông Mật Sơn do vị trí bất tiện, trước khi họ lên đường, Khúc Đoạn Vân đã thu xếp giúp một số vật dụng không hẳn là quý giá nhưng rất thực dụng.
"Khách sáo rồi, khách sáo rồi.
Ta không thạo dùng mấy món này, đợi Trần phu tử về rồi bàn vậy."
Bà Vệ vừa cười nói vừa dẫn mọi người vào.
Nhà được cải tạo từ cửa tiệm nên có phần sảnh rất lớn.
Nửa sảnh bên trái bị những tấm đá màu đen xám chiếm chỗ.
Mỗi tấm đá dày chừng ba ngón tay, dựng thẳng trên mặt đất, bên trên đầy những ký hiệu khó hiểu.
Những tấm đá này bao xung quanh một chiếc bàn, mặt bàn bày vô số những cuộn giấy bừa bộn và các dụng cụ không biết tên.
Kẽ hở giữa tấm đá và cái bàn đặt tầng tầng lớp lớp thùng xác khô của yêu vật.
Chốn này lạnh, trong nhà không ấm hơn ngoài trời bao nhiêu.
Xác yêu vật bốc lên mùi thối rữa thoang thoảng và trộn lẫn vào hơi thở rét lạnh của không khí, tạo thành thứ mùi hương mà không ai dám ghé lại gần.
Nửa sảnh bên phải thì rất gọn gàng.
Mặt đất bằng đá không nhiễm một hạt bụi, bếp lò phả hơi lửa ấm áp.
Trên bàn trải khăn thanh nhã, thậm chí bình hoa còn cắm một bó hoa khô nho nhỏ.
Bà Vệ múc canh cho bọn họ: "Trần phu tử phải nghiên cứu nên cứ đến hoàng hôn là sẽ ra ngoài bắt yêu.
Ông ấy tuân thủ giờ giấc lắm, chắc chắn sẽ trở lại trước giờ cơm tối thôi.
Các cháu yên tâm chờ ở đây, ông ấy kiệm lời nhưng không xấu bụng, sẽ không gây khó dễ cho các cháu..."
Diêm Thanh không thể chịu cảnh để người già hầu hạ mình nên đã đứng dậy trước hết.
Ai ngờ bàn nhẹ hơn họ tưởng tượng, hành động đứng dậy của cậu ta khiến chiếc bàn lắc lư và làm canh bắn lên bao tay của bà cụ.
"Cháu có lỗi quá.
Để cháu giúp bà đi ạ, bà..."
Diêm Thanh đang nói dở thì khựng lại.
Bà Vệ cười xởi lởi, cởi găng tay xuống, để lộ bàn tay khắc đầy hoa văn màu đỏ máu.
Pháp trận trùng trùng điệp điệp làm người ta phải hoa mắt.
Hoa văn trên tay bà nhỏ và phức tạp đến mức ngay cả Doãn Từ cũng không thể lập tức nhìn ra nguồn gốc của nó.
Bản thân bà cụ thì lại không thèm đếm xỉa.
Bà nhanh nhẹn thay chiếc bao tay mới như đã quen rồi: "Ôi chao các cháu ngồi đấy là được, ta trông thế này chứ còn khỏe lắm.
Trần phu tử bảo ta phải hoạt động nhiều cho giãn gân cốt, lưu thông máu."
Bấy giờ không ai dám hành động bữa bãi nữa.
Diêm Thanh ngoan ngoãn ngồi xuống ghế, hai tay đặt trên đùi.
Bà Vệ tự múc một bát canh rồi ăn chậm rãi: "Không sao, không cần ngại Trần phu tử.
Các cháu ăn trước đi, thời tiết ở đây lạnh nên cứ để thế là sẽ nguội ngắt đấy."
Doãn Từ bưng bát canh lên và nếm thử trước nhất.
Canh có vị dịu, không thêm nguyên liệu lạ gì, mỗi tội cũng không bỏ muối, không biết có phải do thói quen của người vùng này không.
Trước có phương trượng Giác Phi đứng ra bảo đảm, sau có Doãn Từ nếm thử canh trước, mọi người liền húp hết bát canh nóng nhạt rồi tiếp tục đợi chờ.
Cuối cùng nắng chiều cũng tắt, cửa chính mở ra.
Trần Thiên Phàm đeo một cái sọt đựng đầy xác yêu be bét máu trở về..
Bình luận truyện