Chương 5: Bí mật năm ấy
Thời gian đi đâu mất rồi? Vương Hân Dao còn rất muốn hỏi đây. Thế nào mà chỉ trong chớp mắt cô bé đã sắp tròn một tuổi rồi.
Sau gần một năm, Vương Hân Dao đã hoàn toàn thích nghi với cuộc sống có nhiều người vây quanh.
Cô bé cũng đã hiểu đại khái về cuộc sống của mình.
Cô bé đang sống tại một nơi gọi là Hồng Vũ, triều đại Đại Ung, Hoàng đế đời thứ năm Vĩnh Thịnh Đế chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Vì tổ tiên của Hòa Thuận Hầu phủ từng cùng Hoàng đế khai quốc chiến đấu đoạt được giang sơn nên được phong làm một trong Tứ đại Quốc Công và Bát đại Hầu. Khi thiên hạ ổn định, quốc thái dân an, vị gia chủ đầu tiên của Hòa Thuận Hầu phủ đã rút lui, chủ động từ bỏ binh quyền đang nắm trong tay để sống một đời nhàn hạ. Cũng chính vì vậy mới có được sự thịnh vượng suốt mấy trăm năm nay của Hòa Thuận Hầu phủ.
Gia chủ hiện tại của Vương gia cũng chính là Vương lão Hầu gia, tức Vương Nho Lăng của Hòa Thuận Hầu phủ, có ba đích tử.
Trong đó, con trai trưởng Vương Tử Nghĩa đã được phong làm Thế tử từ sớm. Ngoài chức vị Thế tử chính nhị phẩm, Vương Tử Nghĩa không đảm nhận bất kỳ chức vị nào trong triều. Việc ông làm mỗi ngày chỉ có liên lạc giữ tình cảm với người khác và nghe ngóng một vài tin tức.
Người con thứ hai là Vương Tử Hiếu - Tướng quân chính ngũ phẩm. Tuy nhiên chỉ là hữu danh vô thực, không hề có quyền lực thật sự. Ông thuộc đại doanh của vùng ngoại thành thủ đô, là thuộc hạ của Tướng quân Hổ Uy. Bình thường ông còn không có tư cách lên triều, thế nhưng Tướng quân Hổ Uy lại là cận thần của Hoàng đế, nên bất kể chuyện gì trong triều ông cũng biết được từ khá sớm và khá đáng tin. Ông cũng sẽ tiết lộ một vài thông tin không quá quan trọng cho Vương Tử Nghĩa. Những tin tức này rất quan trọng để Hầu phủ tránh khỏi tai họa.
Người con thứ ba là Vương Tử Liêm có cấp phẩm tòng lục phẩm do công trạng của đời trước, đương nhiên cũng chỉ là hữu danh vô thực, chỉ cần không phải thường dân là được rồi, chuyên xử lý những chuyện trong gia tộc.
Vì chuyện của Tưởng thị nên vài ngày trước Hoàng đế đã thăng chức cháu trai trưởng của Hòa Thuận hầu Vương Dụ Trạch làm Hiệu úy Ngự Lâm Quân chính lục phẩm, phụ trách bảo vệ sự an toàn của hoàng gia. Đừng tưởng rằng chức quan này nhỏ, thật ra chính là cận thần của thiên tử. Thử nghĩ xem vị hoàng đế nào lại giao sự an toàn của mình cho một người không đáng tin tưởng.
Từ chức vụ của những người này có thể nhận ra rằng đây quả thật là một gia tộc không có chí cầu tiến. Nhưng cũng chính vì vậy, sự đề phòng của Hoàng đế đối với Hòa Thuận Hầu phủ mới bớt đi rất nhiều, dần dần không còn xem trọng chuyện của năm đó và ban thưởng không ngớt trong những dịp lễ.
Đương nhiên, lúc này Vương Hân Dao không biết rằng gia tộc mình từng khiến Hoàng đế có ấn tượng không tốt.
Chẳng lẽ Hòa Thuận Hầu phủ có đích tử mà không có thứ tử sao?
Có, làm sao mà không có chứ.
Thế nhưng do sự hỗn loạn giữa đích tử và thứ tử ở cuối triều đại trước, nhất là Hoàng đế cuối cùng của triều đại trước do rất sủng ái Quý phi nên đã phế truất ngôi vị Thái tử của trưởng tử và lập người con chỉ mới hai tuổi do Quý phi này sinh ra làm Thái tử. Thế nhưng trong chưa đầy một năm, Hoàng đế đã băng hà, Thái tử chưa tròn ba tuổi không có khả năng tự bảo vệ đã bị người khác hạ độc mà chết.
Như thế là ngai vàng bị để trống. Giữa các hoàng tử đã xảy ra những cuộc chiến tranh giành ngôi vương khốc liệt. Cuộc chiến này nối tiếp cuộc chiến khác đã khiến cho thiên hạ loạn lạc.
Lỗ Nam Hầu của triều đại trước nhìn thấy cơ hội đã đến bèn nhân lúc hỗn loạn mà khởi nghĩa. Ông tập hợp những người hưởng ứng và cuối cùng đoạt được giang sơn.
Lỗ Nam Hầu chính là vị Hoàng đế khai quốc của triều Đại Ung - Hạ Tổ Huy. Bản thân ông lớn lên trong sự cay độc của thứ mẫu.
Vì vậy khi lập nên triều đại này, Hạ Tổ Huy đã đưa đích tử lên vị trí cao nhất và đích tử cũng sẽ được trọng dụng trong triều đình.
Cho đến lúc này, sự phân biệt giữa đích tử và thứ tử trong triều đại Đại Ung vô cùng rõ rệt.
Đương kim thiên tử Hạ Minh Càn mặc dù là thứ tử nhưng cuối cùng, mẫu thân của ông là Tưởng thị từ Thục Phi được tấn phong lên làm kế hậu. Sau khi trở thành đích tử, ông đã thuận lợi kế thừa ngôi vua.
Mặc dù thứ tử của Hòa Thuận Hầu phủ cũng được ghi tên vào gia phả nhưng bị đưa vào nhánh phụ. Cho đến khi những thứ tử này trưởng thành, Hầu phủ sẽ cho một lượng ngân lượng nhất định để họ ra ở riêng.
Kiếp này của Vương Hân Dao, ngoại trừ ba ca ca ruột, bốn đích đường ca thì còn có sáu thứ đường huynh. Trong đó, người lớn nhất trong số các thứ tử lão Tứ do nhị phòng sinh ra, còn lại là kết quả của Tam thúc "lao động cần cù" mà có được.
Những điều trên đều do Vương Hân Dao nghe được khi Vương lão hầu bàn chuyện với con cháu trong thư phòng.
Vương Hân Dao còn nghe được những tin này ở Mai Hương Viện - nơi mẫu thân cô bé – Tưởng Tân Mai Tưởng thị sống và xử lý công việc trong phủ, cũng là nơi mà các di nương và thứ nữ phải đến.
"Hôm nay thần sắc của Thế tử phu nhân rất tốt. Chắc hẳn do mấy ngày nay Đại tiểu thư ăn ngon ngủ ngon nên mới khiến Thế tử phu nhân được thoải mái." Người đang nói là Tam di nương Bích Hương của phòng lớn cũng chính là Hương di nương, một trong những nha hoàn hồi môn ban đầu của Tưởng thị.
"Chứ sao nữa. Thế tử phu nhân càng ngày trông càng trẻ ra. Ai có thể ngờ rằng Đại thiếu gia của chúng ta lại thành thân nhanh đến vậy, Thế tử phu nhân sắp làm tổ mẫu rồi. Đúng là người gặp chuyện vui thì tinh thần cũng vui vẻ hẳn lên, vì Đại tiểu thư sắp sửa tròn một tuổi nên Thế tử phu nhân phải thoải mái hơn nhiều." Câu nói này là của Nhị di nương Như Nguyệt, kẻ hầu người hạ gọi là Nguyệt di nương. Bà xuất thân là nha đầu thông phòng của Vương Tử Nghĩa và cũng chính là người luôn được sủng ái.
Lúc trước mới nói phu nhân trẻ trung, lúc sau lại nói phu nhân sắp làm tổ mẫu, điều này khiến cho người khác cảm thấy không hề thoải mái.
Tưởng thị nghe xong chỉ cười mỉm không quan tâm. Ôm con gái trong lòng, bà chỉ quan tâm con gái ngoan của mình có ăn ngon ngủ ngon hay không mà thôi.
Người từ nãy đến giờ không nói lời nào là Tứ di nương Đan Cách của phòng lớn, vẻ ngoài của Cách di nương khá giống người Trung nguyên nhưng với vóc dáng cao gầy và đường nét khuôn mặt có chiều sâu thì không khó để nhận ra nàng là người ngoại tộc.
Tưởng thị đối xử với những di nương, thứ nữ này không hề hà khắc. Cho họ cái ăn cái mặc, ngân lượng mỗi tháng một đồng cũng không thiếu, bình thường có đồ gì tốt đều ban thưởng một ít cho họ.
Tưởng thị cũng không cần họ mỗi ngày đều đến Mai Hương Viện thỉnh an, cũng sẽ không luôn tỏ ra mình là chủ mẫu mà bắt những thê thiếp và thứ nữ hầu hạ mình như nô tì.
Mỗi tháng bà chỉ để họ đến vài lần cho có lệ.
Cũng chỉ vì thế mà được mọi người khen ngợi là hiền lành độ lượng.
Suy nghĩ của Tưởng thị là: Những di nương này chỉ giống như "vật trang trí", chỉ cần không sinh ra thứ tử là được. Còn về thứ nữ thì sao? Thì cũng chỉ là vài ngàn lượng của hồi môn mà thôi.
Vào mỗi mồng Một và ngày Rằm, Tưởng thị đều đến chỗ lão phu nhân Lý thị thỉnh an. Vào mồng Hai, ngày Mười sáu thì sắp xếp để bọn họ đến phòng lớn là được rồi.
Ngày hôm nay là mồng Hai, các di nương đến sớm hơn thứ nữ một chút.
Nhưng họ cũng không đến quá sớm. Vừa hay không lâu sau đó, Vương Đại nương và Vương Tứ nương đến cùng nhau.
Vừa bước vào, hai thứ nữ liền thình an Thế tử phu nhân: "Thỉnh an mẫu thân, mẫu thân mạnh khỏe". Sau đó tiếp tục thỉnh an Vương Hân Dao: "Thỉnh an Đại tiểu thư, Đại tiểu thư mạnh khỏe."
Địa vị của thứ nữ trong triều Đại Ung vẫn còn thấp hèn chỉ tương đương với di nương, đều chỉ là một nửa chủ tử trong phủ. Đừng mong đích nữ xưng hô tỷ muội với mình, không sai ngươi đến hầu hạ là đối xử rất tốt với ngươi rồi.
Đại tiểu thư trong lời họ là Vương Hân Dao – người trước đây luôn vô cùng trăn trở vì bản thân đứng thứ tám trong phủ họ Vương.
Vị trí trong gia phả của triều Đại Ung không phải là nam nữ xếp hỗn loạn với nhau mà là nam nữ xếp riêng.
Thứ nữ vĩnh viễn sẽ không được ghi vào trong gia phả nhưng đích nữ thì không giống vậy. Cho dù Vương Hân Dao xếp thứ chín trong số các tôn nữ nhưng vì là đích trưởng nữ, cho nên tên của cô bé sẽ được ghi vào trong gia phả và hơn nữa còn xếp thứ nhất. Vì vậy Vương Đại nương và Vương Tứ nương gọi cô bé là Đại tiểu thư.
Những thứ nữ còn lại không được ghi vào gia phả, thậm chí còn không có tên gọi. Chỉ được gọi là Đại nương, Nhị nương, Tam nương...
Sau khi được gả đi bọn họ sẽ mang họ của phu quân, gọi là Vương thị mang họ nào đó ghi vào trong gia phả của bên nhà nam. Đương nhiên, cần phải là chính thê thì mới nhận được vinh hạnh này.
Về việc Vương Đại tiểu thư được ghi tên vào gia phả vào ngày đầy tháng, Vương Hân Dao muốn thông báo cho mọi người một tin tốt rằng:
Cuối cũng cô bé đã có tên rồi.
Bình luận truyện