Trăng Sáng Cố Hương
Chương 3: Xót xa
Tám năm sau.
Mặt trăng treo trên vòm lá, bóng cây đổ dài xuống đất, gió đêm phe phẩy, côn trùng rả rích. Giữa màn đêm tĩnh mịch mới đầu canh một, trong sân một ngôi nhà ở phía đông thành, chợt có những tiếng lạch cạch vang lên. Tiếng động ấy tựa như có người nào lấy những viên đá ném vào khung cửa sổ vậy. Thiếu nữ đang nằm trên giường, nghe tiếng động trở dậy, mau chóng lấy bộ y phục để dưới gối mặc nhanh lên người, đoạn búi gọn đầu tóc lại, nhanh nhẹn bước ra mở rộng cửa phòng.
Trong sân, hoa lê đang nở rộ. Gió nhẹ thổi, làm những cánh hoa trắng tinh lả tả rơi như những bông tuyết đang bay. Dưới những cánh hoa lê bay tan tác, một thanh niên cao gầy đang đứng. Ánh trăng mờ ảo soi lên vai y, chiếu lên cái lưng thẳng tắp, chỉ thấy y đang chắp tay sau lưng đứng đó, tay trái để ở sau lưng, còn cánh tay phải thì trống không, để mặc cho gió nhẹ thổi phất phơ. Lúc này, y đang đứng quay lưng lại phía cửa phòng thiếu nữ, ngẩng đầu nhìn vầng trăng trên ngọn cây và những cánh hoa đang bay như tuyết rơi, tựa hồ đang suy tưởng điều gì.
”Hằng ca!”
Thiếu nữ khẽ gọi một tiếng, kéo tâm tư đang sống lại với chuyện cũ từ nhiều năm trước của thanh niên ấy quay trở lại. Thanh niên quay người, đôi mắt sâu thẳm nhìn về phía cô, nhè nhẹ gật đầu.
Hai người nhìn nhau, không nói một lời. Thiếu nữ cầm chiếc đèn lồng đèn lồng treo trên giá gỗ trong sân lên, giẫm chân lấy đà nhảy một bước, cùng thanh niên tung mình vọt qua tường, hạ xuống đường phố bên ngoài, đi nhanh ra phía ngoại thành.
Hai người ấy chính là Khương Hằng và Tùy Vân Hy. Tám năm trước, hai người mới chỉ là một cậu thiếu niên và một cô bé con, trong một ngày đông giá vừa đói vừa rét, phải ngủ ngoài đường, cô bé Vân Hy đã bị phong hàn sốt cao không dứt. Khương Hằng lại là một kẻ tàn phế mất một tay, đừng nói đến việc làm thuê, ngay cả bế Vân Hy cũng khó. Trong tình cảnh khốn khổ, kêu trời trời chẳng thấu, kêu đất đất không nghe ấy, may nhờ có một người thợ làm đèn lồng trong thành đã ra tay cứu giúp họ. Ông chẳng những mua cơm ăn thuốc uống cho Vân HY, còn cho hai đứa nhỏ ở lại trong nhà mình.
Đến khi Vân Hy khỏi bệnh, Khương Hằng muốn dẫn cô bé rời đi, nhưng người đàn ông câm đeo mặt nạ quỷ ấy đã ngăn lại. Ông lấy bút mực thay lời, viết lên giấy rằng: “Ta đã phải trải nỗi đau bị mất ái nữ, nay chịu cảnh cô đơn, chỉ có một mình, hình đơn bóng chiếc. Các cháu hãy thương ta, ở lại đây với ta đi.” Thấy chú câm “nói” thống thiết như vậy, lại đối xử với chúng rất tốt, hai đứa bé cuối cùng đã ở lại tòa thành nhỏ Phàn Dương này, chớp mắt tám năm đã trôi qua.
Mấy năm nay, chú câm coi Khương Hằng và Vân Hy như con đẻ, quan tâm chúng vô cùng. Chú câm tính tình hòa nhã, lại biết chữ, lúc nhàn nhã thường dạy cho hai đứa bé đọc thơ văn, lúc bận rộn lại cho hai đứa giúp mình làm đèn, bày hàng. Mỗi năm đến dịp Nguyên tiêu và Thất tịch, ba người bận rộn vô cùng. Vân Hy cũng học cách làm đèn, còn Khương Hằng thì một vai gánh hàng theo chú câm đi hết hang cùng ngõ hẻm, bán đèn lồng.
Đối với hai đứa trẻ, chú câm cái gì cũng tốt, chỉ có một điểm cực kỳ kiên quyết, đó là không cho bọn họ luyện võ. Năm ấy, sau khi Vân Hy khỏi bệnh, Khương Hằng bèn dắt cô bé ra trước sân luyện tập mấy chiêu thức của Tùy gia thương, chú câm trông thấy, con người ông vốn xưa nay hòa nhã hiền lành, bỗng nhiên há miệng kêu to một tiếng “a”, rồi lớn tiếng quát hai đứa phải thôi. Dù có chiếc mặt nạ quỷ ngăn cách, nhưng hai đứa bé cũng có thể cảm nhận được sự tức giận của ông. Trước nay chưa từng thấy chú câm nổi nóng như vậy bao giờ, cô bé Vân Hy sợ hãi giật nảy mình, cây thương gỗ trong tay rơi xuống đất.
Sau sự việc ấy, Khương Hằng cũng từng hỏi chú câm vì sao lại phản ứng với việc tập võ như vậy. Chú câm khi ấy đang vẽ hình lên những chiếc đèn lồng, liền với lấy một tờ giấy, viết lên đó một câu: “Học võ, nếu chẳng hại người, thì cũng hại mình.”
Vết mực in đậm, thấm qua lưng tờ giấy.
Từ đó về sau, Khương Hằng và Vân Hy không luyện võ trong sân nhà nữa. Mỗi ngày sau khi đêm xuống, nhân khi chú câm đã ngủ say chúng mới lần khỏi nhà, đi ra chỗ vắng bóng người ngoài thành để luyện tập Tùy gia thương pháp.
”Tùy gia thương vốn đã có lời tổ huấn, chỉ truyền cho nam không truyền cho nữ...” Khi ấy, cậu thiếu niên mới mười ba tuổi nhìn cô bé con mới lên tám tuổi, trầm giọng bảo. “Nhưng nay ta chỉ còn một tay, rất nhiều chiêu thức thương pháp không cách nào dùng được, cho dù có thể dùng thì đường lối cũng phải có biến đổi, khác xa so với trên thương phổ. Cha và chưởng môn sư bá đến chết vẫn ra sức bảo vệ Tùy gia thương, kháng cự không ký Thái Bình Ước, chính là không muốn Tùy gia thương bị thất truyền ở đây. Nay vì tình thế bức bách, Tùy gia thương nếu muốn tồn tại thì chỉ có thể truyền thụ cho muội. Tin rằng sư tổ dưới suối vàng nếu có biết, cũng sẽ lượng thứ. Vân Hy, bây giờ chỉ có muội mới có thể học được nguyên bản Tùy gia thương mà thôi. Muội không được trách ta nhé!”
Nói xong câu ấy, Khương Hằng hô lên một tiếng, đứng tấn, rồi hét vang, cánh tay duy nhất đưa mũi thương, làm động tác khởi đầu.
Vân Hy làm theo, nhưng bước chân còn chưa chuẩn, bị Khương Hằng quất một roi vào bắp chân, lập tức ngã lăn xuống đất.
Nhát roi ấy khiến Vân Hy tê buốt, hồi lâu vẫn không đứng nổi. Thấy cô ngã xuống đất, Khương Hằng chẳng những không chạy lại đỡ, mà còn quát to: “Đứng lên! Làm lại!”
Từ sau biến cố ở Kỳ Sơn, hai người đang đêm bỏ trốn, những ngày này, Khương Hằng vẫn luôn bảo vệ Vân Hy, không muốn cô bé phải chịu chút thương tổn nào. Vậy mà lúc này, cậu lại khác hẳn thường ngày, ra tay rất nặng, vô cùng nghiêm khắc. Sự thay đổi ấy khiến Vân Hy mắt ngân ngấn nước như chực khóc. Qua ánh mắt nhòe nhoẹt, cô bé thấy Hằng ca trước mặt mình hai mày nhíu chặt, lộ rõ vẻ nghiêm túc không giống mọi ngày.
Lúc ấy, trong ánh mắt bị nước mắt làm cho mờ mịt, Vân Hy bé nhỏ lờ mờ cảm thấy đằng sau việc học thương của cô có rất nhiều có rất nhiều thứ không vui đè nặng lên hai vai của Hằng ca, khiến cho Hằng ca - người vốn thích trêu chọc cô, thích mắng cô là “nha đầu ngốc” - biến thành một Hằng ca nghiêm khắc với hai vai hơi chùng xuống, đang cầm thương đứng đó.
Cô bé hít một hơi thật sâu, lấy mu bàn tay lau mạnh nước mắt, rồi học theo bộ dạng của Hằng ca, hô to một tiếng, làm lại thế tấn.'
Ngày đông giá buốt nhất vẫn luyện, ngày hè nóng nực nhất vẫn tập, suốt tám năm qua, bất kể nắng mưa, hai người họ mỗi tối đều đến nơi này luyện tập thương pháp hai canh giờ.
Dần dà, Khương Hằng bắt đầu quen cách cầm thương bằng tay trái, và có thể một tay vận nội công, sử dụng được những chiêu thức mạnh mẽ như Thanh Tùng Phúc Tuyết. Còn công phu cơ bản của Vân Hy cũng ngày càng tiến bộ, đã có thể thuộc lòng toàn bộ các chiêu thức của Tùy gia thương.
Mỗi chiêu, mỗi thức, mỗi đường thương đưa ra, Vân Hy luôn nhớ đến những ngày ở Kỳ Sơn, nhớ đến chuyện cô nấp trên cây nhìn lén vào Diễn Võ đường, nhớ đến chuyện Hằng ca trêu chọc, đe dọa cô rằng sẽ nói cho cha cô biết chuyện cô học lén võ công... Khi ấy, cô đã luôn tức giận, luôn oán trách lời tổ huấn, oán trách cha vì sao không dạy võ cho mình. Nhưng đến hôm nay, khi đã được học võ luyện thương như sở nguyện, thì cô lại hối hận...
”Chớ lơ đễnh!”
Khương Hằng kêu to một tiếng, đồng thời xoay cán thương chống mạnh xuống đất, khí lực xô mạnh khiến bụi đất bay lên mù mịt. Bị cát bụi làm mờ mắt, Vân Hy nghiêng người định tránh, động tác tay nhân đó hơi ngưng trễ một chút.
Tranh thủ chiêu thức bị lỡ ấy, Khương Hằng phi một cước, đá bay binh khí trong tay Vân Hy ra tít đằng xa. Đồng thời, y xoay người đâm trở lại, cán thương vừa vặn kề sát yết hầu Vân Hy.
Chiêu dừng, khí nghỉ. Khương Hằng thu lại cây thương, đeo nó lên sau lưng, rồi đưa cánh tay duy nhất kéo Vân Hy dậy.
Cầm bàn tay trái đã đầy vết chai của Khương Hằng, Vân Hy vừa lấy đà đứng dậy vừa nói: “Không tính, không tính, Hằng ca đánh lén, đúng là ăn gian.”
”Đánh lén gì chứ!” Khương Hằng không vui nheo mắt, hạ giọng trách. “Ở chốn võ trường, thắng làm vua, thua làm giặc, làm gì có chuyện đánh lén hay đánh thẳng. Nếu không, khi đối thủ muốn giết muội, muội còn định nhường nhịn ư? Hơn nữa, Triệu Hãn võ công cao cường, là cao thủ nhất đẳng trên giang hồ. Với công phu của hai chúng ta, dù lấy hai chọi một thì cũng chỉ có đường chết. Nếu muốn báo thù, chỉ còn một cách là đánh lén.”
Nghe thấy câu ấy, Vân Hy cúi mặt xuống, không nói gì nữa. Đúng như Hằng ca nói, bọn họ luyện võ, một là để kế thừa Tùy gia thương, nhưng điều quan trọng hơn cả là để báo thù rửa hận cho cha, cho Khương sư thúc, Khương thúc mẫu và tất cả ba mươi bảy mạng người lớn nhỏ của Tùy gia thương ở Kỳ Sơn.
Thấy Vân Hy không đáp lời, Khương Hằng cũng biết mình đã nói quá. Y đưa cánh tay duy nhất vỗ vỗ vai Vân Hy, nhỏ nhẹ nói sang chuyện khác: “Khi nãy muội mãi suy nghĩ gì mà lơ đễnh thế? Luyện mãi luyện mãi, cuối cùng lại hỏng hết cả thương pháp, không còn chút kình lực nào cả.”
Ánh nến trong đèn lồng rung rinh, khiến bóng bông hoa lan vẽ trên giấy dán đèn in lên nền đất bên cạnh chỗ họ đứng cũng rung rinh lay động. Vân Hy cụp mắt nhìn ánh đèn như một ngôi sao ấy rồi lại ngẩng đầu nhìn người thanh niên cao gầy bên cạnh mình, nhận thấy y từ lâu đã không còn vẻ trẻ con như xưa nữa, khuôn mặt cương nghị cũng không còn giống như trong ký ức của mình, bèn chậm rãi nói: “Hằng ca, muội nhớ đến Diễn Võ đường...”
“...” Lần này thì Khương Hằng không thể nói được gì.
Hai bàn tay nắm lấy nhau, năm ngón tay siết chặt. Thanh niên đứng thẳng người lên, lặng lẽ nhìn vầng trăng sáng trên ngọn cây. Sao thưa trăng sáng, ánh trăng tuôn tràn trên đồng rộng hoang vắng, tựa như rắc một lớp sương bạc lên mặt đất. Chợt nhìn, tựa như có tuyết rơi, chẳng khác nào buổi tối mưa tuyết ngập núi từ nhiều năm trước ấy.
”Bây giờ, muội không cần phải trốn lên cây lén nhìn vào Diễn Võ đường nữa.” Chỉ nghe thấy Vân Hy nhỏ nhẹ nói tiếp: “Nhưng giờ đây chính muội cũng không hiểu, vì sao khi ấy lại muốn học võ như vậy? Muội hối hận lắm, sớm biết thế này, thì muội thà cả đời này không chạm vào thương...”
Càng nói, tiếng Vân Hy càng nhỏ, cho thấy cô đang nhớ lại những năm tháng trên Kỳ Sơn, nhớ lại những chuyện vui đùa khi còn nhỏ, các sư huynh đệ nói nói cười cười. Khương Hằng bỗng nhiên kéo Vân Hy, lôi cô ngồi xuống đất, hai người vai kề vai, y như khi còn nhỏ ngồi sát bên nhau, y như khi ở trong ngõ tối đêm đông hàn, nhìn đèn hoa đăng trên phố vậy. Bờ vai họ truyền cho nhau hơi ấm, hai người cùng mất gia đình trong một ngày, đã phải dựa vào chút hơi ấm ấy để nâng đỡ cho nhau đi qua những ngày tháng gian nan nhất.
”Trên đời này không hề có thuốc chữa cho sự hối hận, chuyện đã đến nước này thì không thể quay đầu lại được.” Khương Hằng chầm chậm nói. “Cái gọi là giá như, nói gì đi nữa, cũng chỉ là chuyện phiếm mà thôi. Ta chưa từng hối hận gì cả, chỉ hận khi ấy tuổi nhỏ không đủ sức bảo vệ cha mẹ, hận Triệu Hãn và Tôn Bồi Nguyên, hận Thái Bình Ước chó chết ấy! Vân Hy, hiện giờ muội là hy vọng cuối cùng của Tùy gia thương, thế nên muội không được phép hối hận nữa, muội và ta cần luyện thương pháp cho thật tốt, như vậy thì mới không hổ thẹn với chưởng môn sư bá.”
”Dạ...” Vân Hy khẽ đáp một câu. Lặng lẽ hồi lâu, chợt cô quay nghiêng người, hai tay nắm lấy vai Khương Hằng, bóp mạnh, bảo: “Khi còn nhỏ, muội luôn cảm thấy đôi vai Hằng ca lúc nào cũng rất nặng. Bây giờ lớn rồi, cuối cùng muội cũng hiểu đôi vai này của huynh phải gánh trách nhiệm thế nào. Nhưng, Hằng ca, xin huynh chớ suốt ngày nghĩ đến chuyện luyện võ báo thù, thi thoảng huynh cũng nên buông gánh nặng ấy ra. Huynh còn có muội, còn có chú câm. Trách nhiệm ấy, muội sẽ cùng gánh vác với huynh! Hơn nữa chúng ta cũng phải hiếu kính với chú câm, không thể chỉ nghĩ đến chuyện báo thù được!”
Nghe lời khuyên giải của Vân Hy, Khương Hằng hơi nhếch môi cười, đoạn đưa tay lên vỗ vỗ vào bàn tay nhỏ bé đang đặt trên vai mình, nói: “Được rồi, được rồi, đừng bóp nữa. Những điều muội nói ta đều hiểu cả. Khương Hằng ta ân oán phân minh, ân tình này của chú câm, chúng ta tất sẽ phải trả.”
”Vâng! Cũng không còn sớm nữa, chúng ta mau về nhà thôi, đừng để cú câm phát hiện ra chúng ta luyện võ, khiến chú không vui.”
Nói xong, Vân Hy liền đứng dậy, chạy đến chỗ cây trường thương bị Khương Hằng đá văng đi khi nãy. Cô vừa cúi người nhặt lên, chợt nghe từ phía xa xa văng vẳng tiếng chân chạy, tựa như có người đang gấp rút chạy lại gần, trong tiếng bước chân còn thoáng nghe thấy tiếng đao kiếm va chạm với nhau. Nghe thấy tiếng động, Khương Hằng chau mày, vội vàng thổi tắt chiếc đèn lồng dưới chân, rồi kéo Vân Hy, hai người nấp xuống dưới con rạch trên cánh đồng, nín thở chú ý, nhìn về phía có tiếng bước chân vọng lại.
Không lâu sau, chỉ thấy một hán tử toàn thân đẫm máu chạy nhanh tới nơi. Ở sau lưng y, ngoài một toán bổ khoái(*) giơ cao đuốc lửa còn có sáu nhân sĩ giang hồ mình mặc áo lam. Bọn họ ai nấy đều cầm trường kiếm, tóc búi cao trên đầu, ăn mặc rất giống nhau. Vân Hy đưa mắt nhìn, chỉ thấy bộ dạng những kiếm khách ấy có vẻ như đã từng gặp ở đâu rồi.
(*) Tức sai dịch chịu trách nhiệm truy bắt tội phạm, trộm cắp trong các nha phủ xưa. Tương tự như vai trò an ninh, cảnh sát hiện nay. Người chỉ huy, đứng đầu trong đội thì gọi là bổ đầu.
Hán tử chạy đầu tiên bước chân tập tễnh, một tay giữ lấy ngực, một tay cầm kiếm chạy thục mạng, cho thấy đã bị thương nặng. Trông thấy y loạng choạng sắp ngã, sáu kiếm khách giang hồ đang truy đuổi cùng nhau đề khí tung mình nhảy lên, vọt quá đội bổ khoái, truy sát đến bên hán tử bị thương, bao vây chặt y vào giữa.
“Phản đồ Bách Lý Hình, còn không mau chịu trói!”
Kiếm khách dẫn đầu quát to một tiếng, tung mình vọt lên không trung, hạ xuống trước mặt hán tử bị thương, rồi xoay người đưa mũi kiếm nhắm thẳng về phía đối phương.
Thấy không thể lui được nữa, hán tử toàn thân đẫm máu ấy dừng chân, nhưng vẫn ngẩng đầu cười lớn, âm vang rung trời. “Ha ha ha! Phản đồ ư? Các ngươi nghe theo mệnh lệnh của tên tiểu súc sinh ấy, bội tín phụ nghĩa, bỏ món nợ máu hàng trăm năm của Vân Tiêu cổ lâu ta không thèm nhìn tới, các ngươi nói xem, rốt cuộc kẻ nào mới là phản đồ?”
Nghe thấy bốn chữ “Vân Tiêu cổ lâu”, Vân Hy chợt nhớ ra, kiểu cách ăn mặc của mấy kẻ giang hồ kia giống hệt người tên là A Chước mà mình gặp ở y quán ngày trước, chả trách mà thấy quen như vậy. Còn cái tên Bách Lý Hình này cô cũng nghe qua rồi, đó chính là kẻ đã mua chuộc yêu nữ của Thất Phách đường, muốn hãm hại Hạ Thiên Thu hồi ấy.
Đám đệ tử của Vân Tiêu cổ lâu nghe xong tức giận nói: “Không ngờ còn dám nhiều lời nói bừa! Khi ấy ngươi kháng mệnh không theo, nếu chẳng phải thiếu chủ nhân từ khoan hậu thì đã trị tội ngươi từ lâu rồi, đâu có dung tha cho ngươi hỗn xược một lần nữa! Ai ngờ ngươi không biết hối hận, cấu kết với Thương Thiên, ý đồ phản nghịch. Lần này, dù thiếu chủ không trị tội ngươi thì Thái Bình minh(*) cũng không tha cho ngươi!”
(*) Minh ở đây tức là liên minh.
“Thái Bình minh?” Bách Lý Hình cười nhạt nói. “Các ngươi đã cam tâm làm lũ ưng khuyển cho triều đình, thì chớ có tự xưng là đệ tử của Vân Tiêu cổ lâu nữa! Sư tổ ở trên, không có những tên đồ đệ nhu nhược như các ngươi!”
Sáu tên môn nhân lập tức giơ kiếm, tạo thành Lục Hợp kiếm trận. Chỉ thấy kẻ dẫn đầu bước một bước hư bộ, vừa chạm xuống đất trường kiếm chợt kêu ngân vang dưới ánh trăng, một người một kiếm, liền hiện ra ảo ảnh khắp mười hướng, vun vút đâm về phía Bách Lý Hình. Với tu vi của Vân Hy thì không thể nhìn rõ đường kiếm của tên đệ tử ấy. Nhưng Bách Lý Hình vẫn đưa kiếm hồi kích, nhắm thẳng vào một đạo hư ảnh, lập tức hai cây kiếm liền va mạnh vào nhau, chớp mắt ống tay áo của Bách Lý Hình lóe lên ánh ngân quang chói lòa, một cây nỏ cứng lộ ra khỏi tay áo, một mũi đoản tiễn xé gió bay đi.
Ánh kiếm thôi, khí kiếm dừng. Kiếm quang nhanh vun vút như ảo ảnh khắp mười phương, nháy mắt tan hết. Vân Hy nhìn kỹ, chỉ thấy trước trán tên môn nhân ấy cắm ngập một mũi đoản tiễn. Chốc lát sau, kẻ ấy không còn động tĩnh gì nữa, ngã về phía sau.
“Sư huynh!” Năm tên môn nhân còn lại vội kêu lên. Thấy sư huynh mất mạng trong khoảnh khắc, bọn chúng không còn dám chậm trễ nữa, kéo nhau xông lên, cùng nhằm Bách Lý Hình đánh tới.
Bách Lý Hình tuy có nỏ cứng trong tay, nhưng khi trước đã bị trọng thương, bây giờ lại một chọi năm, đâu còn có thể chống giữ nổi. Ông ta lập tức bị trúng một kiếm, thân mình loạng choạng, dường như ngã sang một bên, nhưng thực ra là ông ta hơi động ngón tay cái, ấn vào lẫy nỏ, lại một mũi đoản tiễn nữa nhắm vào đệ tử đứng đầu mạn bắc của Vân Tiêu cổ lâu!
Mũi tên sắp cắm ngập vào ngực tên đệ tử ấy, bỗng nghe choang một tiếng, mũi tên đã bị một cây trường đao chặn lại. Chỉ thấy một kẻ mặc quân trang thu trường đao về, quát to một tiếng: “Lui!”
Năm môn nhân của Vân Tiêu cổ lâu nhất tề lui lại phía sau. Bách Lý Hình nhịp thở đã loạn, nhân cơ hội được tạm nghỉ, vội tìm một hướng cướp đường chạy. Nhưng đúng lúc ấy, chỉ thấy tên quan binh kia giơ cao tay phải, trầm giọng nói: “Bắn tên!”
Lập tức, tên bay rào rào, nhất tề nhắm về phía Bách Lý Hình!
Hóa ra, trong lúc Bách Lý Hình hỗn chiến với môn nhân của Vân Tiêu cổ lâu, đội quan binh kia đã sắp đặt thế trận, bao vây Bách Lý Hình vào giữa, lại lấy sẵn cung tên ra, chỉ đợi trưởng quan hạ lệnh.
Thấy Bách Lý Hình kia sắp phải chết vì loạn tiễn xuyên tâm, Vân Hy bỗng cảm thấy bàn tay to lớn đang ấn trên vai mình nắm chặt lại. Cô đau quá, quay sang nhìn Khương Hằng, thấy y đã nhíu chặt hai mày, hai mắt chăm chăm nhìn thẳng vào gã trưởng quan vừa ra lệnh, sắc mặt âm trầm trước nay chưa từng có. Theo ánh mắt của y, Vân Hy cũng nhìn về phía người ấy, nhưng chẳng thể nhận ra điều gì. Cô thấp giọng hỏi nhỏ: “Hằng ca, sao vậy?”
Khương Hằng vẫn không đáp lời, chỉ tức giận trừng mắt nhìn gã trưởng quan kia. Đêm năm xưa ở Kỳ Sơn, Vân Hy còn nhỏ, lại bất ngờ gặp phải sự biến kinh hoàng, rất nhiều người, rất nhiều việc cô đã không còn nhớ được nữa. Nhưng Khương Hằng thì vẫn nhớ rõ như in, gã trưởng quan kia chính là một thuộc hạ đi theo Triệu Hãn, tìm thấy hai người bọn họ ở giữa nơi rừng núi năm xưa. Chính y đã đoạt lấy cây trường đao từ bên lưng người này, tự chặt đứt tay mình. Đã cách tám năm rồi, nhưng cảnh tượng khi xưa vẫn còn hiện rõ trước mắt. Những tên lính có mặt hôm ấy, mỗi một khuôn mặt, mỗi một món nợ máu, Khương Hằng đều thầm ghi nhớ hết. Suốt tám năm nay, Khương Hằng không thời khắc nào không nhắc nhở chính mình, phải ghi nhớ diện mục của từng kẻ thù một, rốt cuộc sẽ có ngày, y phải giết hết bọn chúng để báo mối thù sâu nặng!
Rụt bàn tay đang bóp chặt vai Vân Hy lại, Khương Hằng đưa cánh tay duy nhất lần tìm cây trường thương sau lưng, nắm chắc cán trong tay. Lúc này, y đã không còn để ý tới chuyện sống chết của Bách Lý Hình nữa, chỉ trông thấy kẻ thù mà thôi.
Dưới làn mưa tên, Bách Lý Hình bị trúng liền mấy mũi trên vai, trên lưng, máu chảy như tắm. Ông ta cố gắng sức, dùng cây trường kiếm chỗng đỡ cho thân thể khỏi bị đổ gục trước mắt quan binh. Gã trưởng quan kia lại giơ tay lần nữa, quân lính lắp tên kéo cung, lượt bắn thứ hai sắp được thực hiện thì bỗng nghe loáng thoáng từ phía xa vẳng lại tiếng thổi sáo.
Tiếng sáo chợt xa chợt gần, không giống những khúc nhạc bình thường, chẳng những rất mơ hồ mà còn ca chẳng phải ca, điệu chẳng phải điệu. Trong đêm khuya sương mờ thế này, nó vô cùng kỳ lạ. Cùng với tiếng sáo, trong những lùm cỏ dưới đất cũng chợt vang lên những tiếng xào xào xạc xạc.
Bỗng nhiên, trong đám quân lính chợt có tiếng kêu thét thảm thiết. Tiếp ngay sau đó, đội ngũ bỗng trở nên rối loạn, lúc lúc lại vang lên một loạt những tiếng kêu kinh hãi: “Rắn! Có rắn độc!”
Dưới ánh trăng, chỉ thấy cỏ khô lất phất, vang lên những tiếng sàn sạt. Từng đàn những con rắn lốm đốm hoa văn, đi qua đi lại giữa các bụi cỏ, thi thoảng lại thè ra thụt vào cái lưỡi chẻ đôi, cùng nhau kéo về phía đội quan binh.
Đám lính vội vàng vung đao chém rắn, nhưng bầy rắn tựa hồ có trí khôn, chẳng hề sợ sệt, từng con một quấn chặt lấy chân đám lính, bò lên người và chân chúng.
Tiếng sáo bỗng vút lên một âm điệu cao hơn. Lập tức đàn rắn há miệng, nhe cái răng nanh chứa nọc độc, nhắm thẳng cổ toán quan quân mà bổ xuống.
Tất cả mọi người dường như đã sắp bỏ mạng trong miệng rắn, bỗng nhiên tiếng sáo ấy lại biến đổi, ngân vang dài hơn. Đàn rắn tức thì ngừng hết động tác lại. Hơn trăm con rắn độc như đang chờ đợi mệnh lệnh từ ai đó, nhe hàm răng nanh nhọn hoắt kề sát tận cổ đám quan binh, nhưng lại chưa cắn thật.
“Cao nhân phương nào, xin hãy ra mặt!”
Gã trưởng quan lấy can đảm, kêu to một câu. Chỉ nghe thấy trên cánh đồng rộng vẳng lại tiếng cười ha hả. “Ha ha, danh hiệu của tiểu gia ta, há lại có thể tùy tiện nói cho lũ rác rưởi các ngươi biết ư?”
Mọi người lập tức nhìn theo hướng tiếng cười vọng lại, chỉ thấy dưới ánh trăng, trên cây cổ thụ xù xì, có hai bóng người đang đứng. Một người thấp hơn một chút, lưng đeo giỏ tre, tay cầm một cây sáo trúc, kề sát bên miệng, đang thổi một khúc nhạc kỳ dị. Đàn rắn trăm con kia có lẽ nghe theo sự chỉ huy của người đó.
Đứng cạnh người đang thổi sáo là một người dáng vóc cao hơn, mình khoác áo tơi, đầu đội nón lá, tay cầm một cần trúc dài. Vành nón rộng che khuất quá nửa khuôn mặt của người ấy, nhưng không che được cái nhếch mép bỡn cợt trên miệng ông ta. Chỉ thấy ông ta cười lớn, bảo: “Biết điều thì mau lui binh để Bách Lý Hình lại đó! Nếu không, vị hảo hữu này của ta nổi giận lên, thổi sai điệu, thì chớ trách những tiểu bằng hữu không chân của bọn ta đại khai sát giới đấy!”
Dưới sự uy hiếp lộ liễu ấy, gã trưởng quan mặt biến sắc. Hắn lặng im hồi lâu, rồi bỗng chắp tay hướng về phía người mặc áo tơi và người thổi sáo, nói: “Thường nghe trong Thương Thiên có rất nhiều kỳ nhân, cao thủ, hôm nay được thấy, quả không tầm thường. Xin được cáo từ ở đây.”
Nói xong, hắn quay sang nhìn đám thuộc hạ của mình, hạ giọng nói: “Bỏ vũ khí xuống, rút lui.”
Nghe được mệnh lệnh của hắn, đám quân lính bỏ hết đao kiếm trên tay xuống. Còn hàng trăm con rắn kia, dưới sự chỉ huy của tiếng sáo cũng rút lui khỏi người địch thủ, trườn vào trong bụi cỏ, ngóc cao cái đầu hình tam giác, cảnh giác quan sát đám quan binh, thỉnh thoảng lại thè ra thụt vào cái lưỡi nhỏ. Cuối cùng tất cả quan binh đều lui đi hết, năm tên kiếm khách của Vân Tiêu cổ lâu cũng khiêng thi thể của sư huynh mình, cùng rút lui theo.
Không bao lâu sau, trên cánh đồng rộng chỉ còn lại một mình Bách Lý Hình đứng chống kiếm. Còn người mặc áo tơi và người thổi sáo kia thì tung mình nhảy từ trên cây xuống, đi đến bên cạnh Bách Lý Hình. Người mặc áo tơi đưa tay phải điểm nhanh, phong bế đại huyệt mấy chỗ của Bách Lý Hình lại. Bách Lý Hình điều hòa nhịp thở hồi lâu, đợi lúc bình thường trở lại mới chắp tay hướng về phía hai người, nói: “Đa tạ nhị vị ra tay tương cứu, xin cho hay quý tính đại danh!”
“Tiểu gia ta họ Hà, tên chỉ một chữ Nhân, các ngươi hay nói “người tới là ai”, ấy chính là nói tới tiểu gia ta đó(*).” Kẻ mặc áo tơi cười nói, lại vỗ vai người thổi sáo đứng bên cạnh mình, ung dung giới thiệu: “Vị này, mọi người đều gọi là Sái Tiểu Xà.”
(*) Trong tiếng Hán, nguyên văn câu “người tới là ai” là “lai giả hà nhân”, hai chữ “hà nhân” chính là tên của người này.
Sái Tiểu Xà không nói gì, chỉ bỏ cây sáo trên môi xuống, khẽ gật đầu, coi như chào hỏi. Không có tiếng sáo chỉ huy, lũ rắn dưới đất dần bò đi, chỉ còn lại một con rắn cạp nong thuận theo ống quần của Sái Tiểu Xà bò lên, tự thả mình rơi vào chiếc giỏ đeo sau lưng ông ta.
“Hóa ra là Thủy Quỷ và Xà Vương, ngưỡng mộ đã lâu.” Bách Lý Hình lại chắp tay một lần nữa. “Hôm nay Bách Lý Hình giữ được cái mạng này, tất cả là nhờ có nhị vị, đại ân không biết nói sao cảm tạ, xin nhận của tại hạ một lạy.”
Kẻ mặc áo tơi ấy quả thực chính là Thủy Quỷ Hà Nhân, ông ta vội đưa tay ra ngăn Bách Lý Hình không cho quỳ lạy, liên tục nói: “Chớ có khách khí. Một khi Bách Lý huynh gia nhập Thương Thiên, vậy thì chúng ta chính là huynh đệ một nhà. Trời xanh ở trên, võ nhân trong thiên ha nên nâng đỡ lẫn nhau, cùng vướt qua kiếp nạn Thái Bình này.”
Nghe thấy hai chữ “Thái Bình”, Bách Lý Hình nghiến răng giận dữ nói: “Thiên hạ thái bình gì chứ, ta thấy phải là thiên hạ đại loạn mới đúng! Ta không thể ngờ được rằng Vân Tiêu cổ lâu với cơ nghiệp mấy trăm năm lại đi ký vào Thái Bình Ước, lại còn thêm cái Thái Bình minh chết tiệt gì đó nữa! Ta đưa ra ý kiến khác, hắn liền vu khống hãm hại ta, nói ta cấu kết tà phái, từng có ý đồ lấy mạng hắn. Sư môn không ngờ lại nảy ra tên bại hoại này, nhất định có ngày ta phải giết chết Hạ Thiên Thu, chỉnh đốn lại thể thông cho sư môn!”
Tùy Vân Hy đang nấp dưới con rạch, nghe thấy Bách Lý Hình đòi giết Hạ Thiên Thu, lập tức không nhịn được nữa. Mặc Khương Hằng lôi lại, cô vẫn đứng vụt dậy, chỉ tay vào Bách Lý Hình nói: “Ngươi nói dối! Khi xưa ngươi cấu kết với yêu nhân của Thất Phách đường, chẳng những làm Hạ đại ca bị thương, hại chết địa phu, còn vu oan giá họa cho Hạ đại ca, nói huynh ấy tàn hại trăm họ, lúc ấy chính ta chứng kiến!”
Không thể ngờ rằng lại có một tiểu cô nương ẩn nấp ở đây, Hà Nhân và Bách Lý Hình đều kinh ngạc. Bách Lý Hình trợn mắt, quát to: “Con tiểu quỷ này ở đâu ra vậy, dám nói năng lung tung!”
Ông ta còn chưa nói dứt câu, liền thấy trước mắt có một bóng đen vút qua. Một thanh niên tàn phế chỉ còn một tay, cầm thương chắn trước tiểu cô nương để bảo vệ, lạnh lùng nhìn ông ta. “Thà chết không theo Thái Bình Ước, không về hùa vứi quan phủ, ngươi cũng có thể coi là có chí khí của kẻ võ nhân. Chỉ có điều để đạt được mục đích của mình, ngươi không ngần ngại làm liên lụy tới người vô tội, lại còn chối bỏ sạch tội trạng của mình, xem ra ngươi cũng chỉ là kẻ tiểu nhân hèn nhát mà thôi.”
Bách Lý Hình nghe thế thì giận sôi lên, rút kiếm định liều mình với Khương Hằng. Đâu ngờ Hà Nhân đã đưa cây gậy trúc trong tay ra ngăn giữa hai người, cười nói: “Ồ, tiểu tử, ngươi dùng thương ư? Hãy cho ta xem thử một chút nào!”
Nói xong, Hà Nhân hất cổ tay, cây gậy trúc trong tay lập tức vây bọc lấy trường thương của Khương Hằng,, không rời khỏi đầu mũi thương của y. Khương Hằng đề khí vận công, cánh tay duy nhất ấn xuống, thoát mạnh ra khỏi sự bao vây của đối thủ.
“Ồ, công lực cơ bản vững lắm!”
Hà Nhân cười khen ngợi một câu, lập tức lùi lại phía sau một bước, thân hình hơn rướn lên, tựa như đại bàng xòe cánh bay về phía sau. Cùng lúc ấy, ông ta xuất thủ nhanh như chớp, cây gậy trúc chớp mắt điểm đúng giữa trán Khương Hằng…
“Dương bạch!”
Hà Nhân quát lên, đồng thời gậy trúc đã điểm trúng huyệt Dương bạch trên lông mày trước trán Khương Hằng. Khương Hằng hất thương cản lại, nhưng ra tay lại chậm hơn một nhịp. Mà lúc này chiêu tiếp theo của Hà Nhân đã lại tới…
“Trung phủ!”
Nghe thấy câu ấy, Khương Hằng không kịp nghĩ ngợi gì, cầm ngang cây thương cản lại, nhưng vẫn chậm hơn một bước, bị Hà Nhân đánh đúng huyệt Trung phủ bên ngực trái. Chỉ thấy Hà Nhân lại biến chiêu, nghiêng người lách tới, cây gậy trúc trong tay đâm nhanh vào bụng dưới Khương Hằng…
“Ngoại lăng!”
Liên tiếp bị Hà Nhân đùa bỡn hai bận, Khương Hằng nhíu mày, trong lòng đã có tính toán. Nhìn chiêu thức của Hà Nhân sáp tới, lần này Khương Hằng không hề tránh né, cũng không ngăn cản, y xông thẳng tới phía trước, lấy thân thể mình đón đòn đánh của Hà Nhân, cùng lúc phải chịu đòn đánh ấy, cây trường thương trong tay lao mạnh tới, tua đỏ phất qua, thương bạc đâm thẳng về phía mắt trái Hà Nhân!
Hà Nhân hốt hoảng lùi lại phía sau, thu thế tấn công về. Dưới ánh trăng soi sáng, ông ta nhìn kỹ Khương Hằng một lượt từ trên xuống dưới, kinh ngạc nói: “Ôi chao, tiểu tử ngươi được lắm! Tùy gia thương tuy nổi tiếng là mạnh mẽ cứng rắn, nhưng cũng không có chiêu thức nào thuộc loại liều mạng như thế. Cách đánh này ngươi học được từ đâu vậy?”
Khương Hằng thu thương đứng yên, chau mày nghi hoặc hỏi: “Ngươi nhận ra Tùy gia thương ư?”
“Ha ha, thực ra ta cũng không hiểu nhiều, nhưng trong Thương Thiên có một lão già võ công tuy không cao lắm, nhưng lại vô cùng si mê võ thuật giang hồ, ta đã đọc qua một số sách của lão.” Hà Nhân cưới đáp, nhưng lập tức ông ta lại ngưng cười, chắp tay hướng về phía Khương Hằng nói: “Nghe nói tám năm trước, Tùy gia thương vì cự tuyệt ký Thái Bình Ước, liều chết chống cự, tất cả lớn nhỏ từ trên xuống dưới đã bị quan phủ giết hết. Tiểu huynh đệ xem ra chính là hậu nhân của Tùy gia thương, ta thất kính rồi!”
“Hừ, cái gì mà Trung Nguyên đệ nhất thương, chẳng qua chỉ là một tiểu bang tiểu phái, luận về võ công, so với Vân Tiêu cổ lâu chúng ta chỉ như đom đóm so với ánh trăng rằm.” Khi nãy bị thanh niên mắng một câu là “tiểu nhân hèn nhát”, Bách Lý Hình vẫn còn giận chưa nguôi, bây giờ chỉ lạnh nhạt hừ một tiếng.
Nghe ông ta nói vậy, Khương Hằng cầm ngang cây thương đứng lên. Thấy hai người định động thủ, Hà Nhân vội vàng chặn ở giữa, khuyên bảo: “Ôi ôi, nghe ta nói này, chúng ta đều là những kẻ không may phải chịu khổ sở vì Thái Bình Ước, có thể buông đao thương xuống, nói chuyện đầu đuôi trước đã được không?”
Nói rồi, Hà Nhân quay sang Khương Hằng, nói: “Tiểu huynh đệ, câu của Bách Lý huynh tuy không phải, nhưng cũng không hề khoác lác. Bình tâm mà luận, các bang phái trên giang hồ có hàng trăm ngàn, Tùy gia thương tuy sở trường về thương thuật, nhưng luận võ công điển tịch và thực lực bang phái, chẳng qua cũng chỉ ở mức hạng ba, nếu không đau chỉ dừng lại ở mấy chục đệ tử, bị triều đình tiêu diệt dễ dàng thế. Nhưng, chính việc Tùy gia thương diệt vong đã kích thích tinh thần chiến đấu của hàng ngàn hàng vạn võ nhân giang hồ, cũng khiến võ nhân chúng ta nhận ra rằng nếu tự chiến đấu một mình thì sẽ bị đánh tan từng người một, cho nên Thương Thiên mới theo đó được sinh ra.”
“Thương Thiên là gì?” Vân Hy nghi hoặc hỏi.
Hà Nhân nghiêm mặt nói: “Thương Thiên là liên minh các võ nhân nổi lên gần năm nay, nhằm đối phó lại Thái Bình Ước. Các ngươi cũng biết đấy, những bang phái ký Thái Bình Ước với triều định được coi là danh môn chính phái, thuộc về Thái Bình minh. Còn những phái từ chối không ký Thái Bình Ước thì bị coi là tà ma ngoại đạo, đều bị tru diệt cả. Những tản khách giang hồ như chúng ta, bình thường tự do tự tại quen rồi, không muốn chịu sự câu thúc của minh ước gì cả. Còn về Tiểu Xà, ông ta thường ngày ở chung với rắn độc, được tặng cho danh hiệu là Xà Vương, từ lâu đã bị triều đình gạt ra ngoài hàng ngũ chính đạo…”
“Trong buổi loạn thế này, các vị cũng hiểu, chỉ đơn độc dựa vào sức mình thực sự là không thể sống nổi.” Khương Hằng nói chen vào. “Cho nên, những kẻ giang hồ tản nhân mới dựng lên một liên minh võ nhân, đặt tên là Thương Thiên, để giúp đỡ lần nhau, cùng nhau đối phó với sự tàn phá của triều đình. Còn những người từ chối ký Thái Bình Ước, không ngần ngại bỏ cả môn phái mà chạy như Bách Lý Hình, chỉ có đi theo Thương Thiên mới có thể tránh khỏi bị quan binh và môn phái truy sát.”
“Đúng vậy!” Hà Nhân gật đầu, cười nói. “Tiểu huynh đệ, cậu là hậu nhân của Tùy gia thương, phải chịu nỗi khổ sở vì Thái Bình Ước, chi bằng hãy gia nhập Thương Thiên, như thế chẳng những có thể bảo vệ được tính mạng của hai người mà còn có thể bái sư học nghề, luyện được võ công thượng thừa. Không biết cậu có hứng thú ấy không?”
Khương Hằng chống mạnh cán thương xuống đất, quả quyết cự tuyệt: “Không cần, Khương Hằng ta sinh ra ở Kỳ Sơn, lớn lên ở Kỳ Sơn, sống là đệ tử Tùy gia thương, chết là ma Tùy gia thương. Đời này kiếp này, ta chỉ có một vị sư phụ, nhất định không bái sư học theo sư phụ khác!”
“Tiểu tử giỏi lắm, rất có chí khí.” Hà Nhân cười nói.
Tùy Vân Hy đứng bên cạnh, nãy giờ vẫn đang suy nghĩ, cô nhìn Hà Nhân đang nhếch miệng cười, lại nhìn Sái Tiểu Xà đang trầm ngâm không nói, rồi nhìn sang Bách Lý Hình vẻ mặt đầy giận dữ, bỗng nghi hoặc nói: “Hà tiền bối, nghe ông nói thì Thương Thiên giúp cho những võ nhân không đồng ý ký Thái Bình Ước có được một chốn yên thâ, ấy thực là điều may mắn cho võ nhân. Nhưng ông làm sao biết được những người chạy đến theo mình có thực sự là người tốt hay không? Ví như hắn ta…”
Vân Hy chỉ vào Bách Lý Hình, nói tiếp: “Hắn hạ độc làm trọng thương Hạ đại ca, lại cấu kết với Thất Phách đường, thiếu chút nữa làm bọn vãn bối mất mạng, giờ đây hắn lại lừa dối các ông, nói rằng Hạ đại ca vu khống hãm hại hắn, đúng là dối trá tột cùng. Người như vậy, các ông cũng giúp sao?”
“Tiểu quỷ ngươi nói bừa gì vậy? Chuyện của Vân Tiêu cổ lâu ta mà đến lượt một con nhãi như ngươi nó chen vào ư?” Bách Lý Hình giận dữ nói. “Tên tiểu súc sinh Hạ Thiên Thu đó bội tín phụ nghĩa, bỏ cả oán thù trăm năm của Vân Tiêu cổ lâu không thèm ngó ngàng, đúng là ta muốn lấy mạng hắn, nhưng chưa từng hạ độc, càng không có chuyện cấu kết với Thất Phách đường gì đó!”
Thấy hai bên mỗi người mỗi ý, Hà Nhân làm hòa nói: “Bách Lý huynh, xin chớ nóng giận, rốt cuộc là chuyện gì, cứ nói cho rõ ràng.”
Bách Lý Hình hít một hơi sâu, dường muốn nén cơn giận dữ lại rồi mới nói tiếp: “Vân Tiêu cổ lâu chúng ta vốn là một nhánh của Xung Tiêu kiếm phái. Mấy chục năm trước, Xung Tiêu kiếm phái nổi danh trên giang hồ, một là nhờ kỹ thuật đánh kiếm khiến mọi người phải kinh sợ, hai là nhờ thuật đúc rèn có một không hai. Khi ấy, Xung Tiêu kiếm phái người đông thế mạnh, nói về thực lực có thể coi là môn phái hàng đầu trong giang hồ. Nhưng chưởng môn của phái là Hồng Mông đạo nhân bình sinh chỉ có ba đệ tử chân truyền. Đại sư huynh Thẩm Hoa Đình căn cốt rất tốt, lại có được chân truyền của Hồng Mông đạo nhân, là kiếm khách nhất nhì trên giang hồ, cực kỳ nổi tiếng. Nhị sư huynh là Trịnh Lý, phàm việc gì nhìn qua đều không quên, vô cùng si mê thuật rèn đúc, một lòng muốn đúc ra loại thần binh lợi khí như Can Tương, Mạc Tà. Tam sư đệ là Hạ Lăng Tiêu, tuy về kiếm thuật và thuật rèn đúc đều không xuất chúng bằng hai vị sư huynh, nhưng là người khiêm hòa, giỏi âm luật, đã đem kiếm thuật và âm luật kết hợp với nhau, tạo ra một cây kỳ kiếm, vẻ ngoài trông tựa như cây cổ cầm, nhưng bên trong lại ngầm giấu một thanh bảo kiếm, đặt tên là Cầm Tâm Kiếm Phách.
Khi ấy, báu vật trấn phái của Xung Tiêu kiếm phái là Xung Tiêu kiếm - một thanh bảo kiếm do Hồng Mông đạo nhân tự tay đúc nên - đã bị lấy trộm mất khỏi Tàng Binh lâu của môn phái. Hồng Mông đạo nhân từng nói rõ rằng, ba người đệ tử đều có sở trường riêng, ai có thể lấy lại Xung Tiêu kiếm bị mất thì sẽ là chưởng môn đời kế tiếp của Xung Tiêu kiếm phái. Thế là, ba người đệ tử liền thi triển tài năng của mình, đi khắp giang hồ tìm xem Xung Tiêu kiếm đang ở đâu, nhưng trước sau vẫn không thể tìm được. Nhị sư huynh Trịnh Lý vì muốn đoạt lấy ngôi chưởng ôn nên dùng bản lĩnh xem qua không quên của mình, dự định dựa vào hình dáng về ngoài của Xung Tiêu kiếm mà làm giả ra một cây kiếm tương tự. Nhưng không biết vì sao, bất kể ông có rèn đúc thế nào cây kiếm giả ấy trước sau vẫn có vấn đề. Trịnh Lý si mê việc đúc kiếm, trong lúc nóng lòng, lại muốn bắt chước cổ nhân, thế là đã đem người sống ra tế kiếm. Sau việc ấy, tuy kiếm giả đã được đúc xong, cũng không khác gì kiếm thật, nhưng chuyện Trịnh Lý đem người tế kiếm đã bị bại lộ. Hồng Mông đạo nhân nổi cơn thịnh nộ, cầm cây kiếm giả ném xuống dưới núi và đuổi trịnh Lý ra khỏi tông môn. Sau khi bị đuổi khỏi Xung Tiêu kiếm phái, Trịnh Lý tự mình lập ra một phái, lấy tên là Bất Phá các. Bất Phá các không chỉ đúc kiếm, còn chuyên tâm nghiên cứu về ám khí và máy móc để mong tìm dược vũ khí có khả năng sát thương lớn hơn, trên các thứ binh khí thường tẩm độc, hiện nay đã trở thành một tà phái trên giang hồ mà ai nghe thấy cũng phải khiếp sợ.
Mấy năm sau khi Trịnh Lý bị đuổi khỏi môn phái, một hôm, Hồng Mông đạo nhân ra ngoài vân du, Thẩm Hoa Đình bỗng cho mời Hạ Lăng Tiêu đến so tài. Đồng môn so tài với nhau, vốn chỉ nên tới một mức độ nào đó thôi, nhưng Thẩm Hoa Đình lại chiêu chiêu bức ép, thậm chí làm Hạ Lăng Tiêu bị trọng thương. Thấy sư huynh sử dụng sát chiêu, để bảo vệ tính mạng mình, Hạ Lăng Tiêu chỉ còn cách giúp thanh kiếm trong đàn ra, nhưng đang định chống cự thì một chuyện ông không ngờ tới đã xảy ra: Thanh kiếm giấu trong cây đàn cổ chính là Xung Tiêu kiếm! Thẩm Hoa Đình thấy vậy, liền lấy lý do “Hạ Lăng Tiêu trộm kiếm giữ riêng cho mình, ý đồ giành ngôi chưởng môn”, sau đó trước mặt rất nhiều môn nhân đã chém đứt hết gân tay gân chân của Hạ Lăng Tiêu, biến ông thành phế nhân vô dụng, lại đâm một kiếm xuyên qua ngực ông.
Mấy ngày sau, Hồng Mông đạo nhân về tới môn phái, nghe được chuyện này thì đùng đùng nổi giận. Hóa ra, Xung Tiêu kiếm vốn không hề bị trộm mất, chỉ là Hồng Mông đạo nhân muốn thử xem thủ đoạn của ba đệ tử ra sao. Trịnh Lý là người đầu tiên không nhẫn nại được, đã nảy ý đồ làm chuyện giả tạo, còn Thẩm Hoa Đình sau khi tìm khắp nơi không thấy Xung Tiêu kiếm, để đoạt ngôi chưởng môn, chỉ còn cách vu khống hãm hại Hạ Lăng Tiêu. Ông ta xuống dưới núi, tìm được thanh kiếm giả mà Trịnh Lý đúc khi trước, lại lén giấu vào trong cây đàn Cầm Tâm Kiếm Phách của Hạ Lăng Tiêu, cố ý bức ông lấy kiếm ra trước mặt mọi người. Tất cả môn nhân đều chứng kiến tận mắt, Thẩm Hoa Đình đương nhiên có thể lấy tội “môn đồ trộm kiếm tự giữ cho mình” để trừng phạt Hạ Lăng Tiêu.
Nhưng Thẩm Hoa Đình dù thế nào cũng không nghĩ được rằng Xung Tiêu kiếm vẫn đang ở trong tay Hồng MÔng đạo nhân. Trong cơn thịnh nộ, Hồng Mông đạo nhân đã phế một cánh tay của Thẩm Hoa Đình, đuổi ông ta ra khỏi Xung Tiêu kiếm phái. Còn Hạ Lăng Tiêu, do thường ngày đối xử với mọi người rất tốt, tích được không ít thiện duyên, thế nên tuy bị một mũi kiếm xuyên ngực, thiếu chút nữa mất mạng, nhưng được một vị môn đồ giúp đỡ, đã ngầm trốn khỏi môn phái. Sau sự việc ấy, Hồng Mông đạo nhân tìm lại được Hạ Lăng Tiêu, nhưng không cách nào trị lành được những vết thương của ông. Tuy về sau, đạo nhân truyền ngôi vị chưởng môn Xung Tiêu kiếm phái cho ông, nhưng trọn cuộc đời mình, Hạ Lăng Tiêu chỉ có thể ngồi trên ghế lăn, thành một người tàn phế cả tay lẫn chân.
Sau khi Hồng Mông đạo nhân qua đời, Thẩm Hoa Đình cũng tự lập môn phái, lấy tên là Xung Tiêu kiếm các. Ông ta tuy mất một tay, nhưng kiếm thuật vẫn rất tuyệt vời, lại thêm cái tên Xung Tiêu nên đã được rất nhiều khách giang hồ sinh lòng ngưỡng vọng, đến theo làm môn hạ trong kiếm các. Thấy không ít người trên giang hồ lẩm tưởng mối quan hệ giữa hai phái, Hạ Lăng Tiêu lại không đủ sức tranh giành với Thẩm Hoa Đình, vì vậy chỉ còn cách đổi tên Xung Tiêu kiếm phái thành Vân Tiêu cổ lâu. Hạ Lăng Tiêu thân là sư tổ của Vân Tiêu cổ lâu ta, lúc lâm chung từng nói với truyền nhân của mình rằng: “Ta lấy làm hổ thẹn với sư phụ, vì học nghệ không tinh, không giữ nổi tên tuổi của Xung Tiêu kiếm phái, nay về nơi âm ty cũng không có mặt mũi nào nhìn lão nhân gia nữa.” Sau đó, sư tổ ôm hận mà chết.
Từ đó, phàm là môn nhân của Vân Tiêu cổ lâu ta, ai cũng đều tự thề không đội trời chung với Thẩm Hoa Đình và Xung Tiêu kiếm các. Nhưng chúng ta không thể ngờ được rằng, khi triều đình ban bố chỉ dụ Thái Bình Ước, Xung Tiêu kiếm các kia lại ký đầu tiên, trở thành môn phái đứng đầu trong Thái Bình minh. Vân Tiêu cổ lâu ta đã có mối oán thù gần trăm năm nay với Xung Tiêu kiếm các, như nước với lửa, sao có thể gia nhập Thái Bình minh để rồi đứng chung hàng ngũ với chúng được? Nhưng có ai ngờ, Hạ Thiên Thu thiếu chủ của phái ta, cũng là cháu đích tôn của sư tổ Hạ Lăng Tiêu, đã không thể hiện rõ lập trường thì chớ, còn khuyên đệ tử trong môn phái gia nhập Thái Bình minh. Ta nhổ vào, cái gì mà nghĩ cho đại cục, chỉ toàn là những câu vô dụng không có nghĩa lý gì hết! Thằng tiểu súc sinh họ Hạ ấy chính là một tên nhãi ranh nhát chết!
May là trong môn phái còn có những hán tử có chí khí, tất cả đều từ chối ký Thái Bình Ước và khuyên Hạ Thiên Thu không được quên mối hận trăm năm của Vân Tiêu cổ lâu. Hạ Thiên Thu thấy không thuyết phục được mọi người, bèn nói dối rằng ta ngầm mưu hại hắn, còn định vu cho hắn tàn hại dân thường! Ta nhổ vào, lời dối trá lớn bằng trời ấy mà hắn cũng có thể nói ra được, ta thấy hắn chẳng có chút gì giống với sư tổ cả, cứ như là đồ con hoang của con rùa đen Thẩm Hoa Đình vậy!”
Càng nói càng thêm căm phẫn, Bách Lý HÌnh nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất.
Vân Hy thấy vậy, không nhịn được lên tiếng bênh vực cho Hạ Thiên Thu: “Chính ngươi mới nói vừa, Hạ đại ca không hề nói dối, chuyện ngày hôm ấy chúng ta đều tận mắt chứng kiến cả!”
Rồi Vân Hy liền đem những điều nghe tai nghe mắt thấy trong y quán tám năm về trước kể với mọi người, bắt đầu từ chuyện Hạ Thiên Thu đã bị trúng mũi chông tẩm độc như thế nào, yêu nữ của Thất Phách đường kia đã dùng Ẩn Mộng tán biến đại phu thành tu la ác quỷ ra sao, lại còn muốn quan binh trăm họ trông thấy Hạ Thiên Thu tàn sát dân thường để cắt đứt hoàn toàn ý nghĩ gia nhập Thái Bình minh của chàng nữa.
“… Hạ đại ca không hề nói dối, nếu ngươi không tin, thì mộ của đại phu vẫn còn ở ngoại ô thành Phàn Dương đó, chính tay chúng ta đã chôn ông ấy ở đấy!”
Nghe cô nói xong, Bách Lý Hình cũng ngây người. Ông ta sờ tay lêm cằm suy tư hồi lâu, bỗng nhiên giơ tay phải lên, chìa ba ngón tay, cất lời thề với trời đất: “Bách Lý Hình ta thề có trời, chưa từng cấu kết với Thất Phách đường gì đó, chuyện ngươi vừa nói, thực sự ta không biết gì. Nói như vậy, xem ra có kẻ cố ý ly gián ta với Hạ Thiên Thu, hòng làm cho Vân Tiêu cổ lâu nội bộ bất hòa. Không được rồi, chuyện này ta không thể không nói với thiếu chủ được…”
Nói tới đây, Bách Lý Hình tự dưng đã đổi cách gọi “tiểu súc sinh” thành “thiếu chủ”. Ông ta quay sang nhìn Hà Nhân và Sái Tiểu Xà, chắp tay nói: “Hà huynh, Sái huynh, thứ cho tại hạ có việc gấp phải làm, trước mắt chưa thể tới Thương Thiên được. Đợi ta tra ra rõ việc này, tất sẽ tới tận nơi bái phỏng!”
Nói xong, Bách Lý Hình cũng không quản đến vết thương trên người, lập tức quay mình định chạy đi. Sái Tiểu Xà nãy giờ vẫn lặng im không nói gì, bỗng lấy từ trong người ra một lọ sứ, đưa cho Bách Lý Hình, nói với giọng khàn khàn: “Đây là linh dược mật rắn, có công hiệu tụ khí bảo bênh. Nếu các hạ tâm ý đã quyết, chúng ta cũng không tiện giữ, hãy tự bảo trọng!”
“Đại ân khó có thể nói lời cảm tạ, xin cáo từ!” Bách Lý Hình vái tạ Sái Tiểu Xà, lấy ra một viên thuốc nuốt luôn, rồi liền đề khí chạy đi.
Khi Bách Lý Hình chạy đã xa, mé đông bầu trời đã hửng sáng. Thấy đã có tia nắng sáng sớm, Vân Hy giật mình kêu “a” lên, rồi vội kéo tay áo Khương Hằng, nói: “Hằng ca, chúng ta mau về thôi, nếu để chú câm phát hiện ra, thế nào cũng bị mắng mất thôi.”
Khương Hằng gật đầu “ừ” một tiếng, rồi bèn cáo từ Hà Nhân và Sái Tiểu Xà, sau đó lập tức kéo Vân Hy chạy vào thành.
“Này, tiểu huynh đệ!” Sau lưng bỗng có tiếng gọi, Khương Hằng quay đầu lại, chỉ thấy Hà Nhân đang vẫy tay với mình, cười nói: “Nếu gặp phải phiền hà gì, cứ đến Đan Thạch trấn tìm chúng ta. Chỉ cần các ngươi treo trên cột đá thứ ba ở đầu phía tây của cây cầu trong trấn một chiếc đèn lồng trắng, lập tức sẽ có người của Thương Thiên dẫn các ngươi tới chỗ ta.”
Khương Hằng khẽ gật đầu, đáp một câu: “Đa tạ!”
Khi hai người khương Hằng và Vân Hy vào đến sân ngôi nhà nhỏ phía đông thành, con gà trống nhà hàng xóm mới cất tiếng gáy đầu tiên. Thấy chú câm còn chưa dậy, hai người vội ai về phòng nấy, giả như đã ngủ cả một đêm.
Đúng lúc họ vừa bò lên giường, còn đang mơ màng nghĩ xem có thể chợp mắt một chút không, thì khi đó ở ngoại ô thành nơi xảy ra trận hỗn chiến tối qua, gã trưởng quan - kẻ từng tham gia sự việc ở Kỳ Sơn trước kia - quay trở lại chỗ ấy. Hắn cúi người nhặt lên cây đèn lồng bị hai người bỏ quên lại tối qua.
Nắm chặt cây đèn lồng trong tay, lặng nhìn chữ viết cùng hoa căn trên đèn, gã trưởng quan mặt vuông chữ điền, mày rậm mắt to, nheo mắt hồi lâu, lộ rõ bộ dạng như có điều suy nghĩ.
Hơi rơi như tuyết, sân đầy gió xuân.
Cữ tháng Ba cuối xuân không phải dịp chơi đèn, chính là mùa bán đèn lồng ế ẩm. Người làm đèn đeo mặt nạ quỷ nhàn rỗi vô sự, bèn kê một cái bàn nhỏ dưới gốc cây lê ngoài sân, bày cút nghiên giấy mực, lặng lẽ chép kinh Phật. Ngón tay cầm bút của ông vì dùng lực quá độ nên có vẻ hơi cứng, những chỗ ngòi bút đưa tới vết mực thấm ra, nét chữ đâm hơi nhòe nhoẹt.
Gió nhẹ thoảng qua, mang theo mùi thơm của bùn đất và hoa cỏ, làm mái tóc đã lốm đốm những sợi bạc của người đàn ông đeo mặt nạ quỷ phất phơ bay. Nhìn dáng ông có lẽ chưa tới trung niên nhưng không biết làm sao lại sớm có tóc bác như vậy. Hoa lê lả tả rụng xuống nghiên mực, rụng xuống mái tóc đốm bạc của ông, nhưng ông không hề hay biết, chỉ chú tâm chép kinh. Cứ viết, cứ viết, tựa như ông đã ở một phương trời khác, ngay cả tiếng Vân Hy đang gọi ông đi ăn cơm, ông cũng không nghe thấy.
“Chú câm, đi ăn cơm thôi!”
Thiếu nữ đang bày mâm bát trong bếp, hơi nghiêng đầu nhìn ra, qua cánh cửa mở nhìn người ngoài sân. Gọi liền mấy câu, thấy chú câm vẫn không hề đáp lời, Vân Hy bèn để bát đũa lên bàn, đi nhanh ra ngoài sân. Bước đến bên cạnh ông, cô hiếu kỳ nhìn những chữ viết trên giấy, đọc lên thành tiếng: “Đại từ đại bi mẫn chúng sinh, đại hỷ đại xả tế hàm thức, tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm, chúng đẳng chí tâm quy mệnh lễ… Chú câm, chú câm, những lời này nghĩa là vậy?”
Người đeo mặt nạ thuận tay lấy một tờ giấy bản, dùng bút thay lời, trả lời câu hỏi của Vân Hy: “Đây là Bát thập bát Phật đại sám hối văn.”
“Đại sám hối văn? Nhưng là sám hối với ai?”
Trước câu hỏi của Vân Hy, bàn tay cầm bút của chú câm dừng lại lưng chừng, rất lâu vẫn không hạ bút. Tận đến khi mực trên ngọn bút đọng lại, nhẹ rơi xuống, làm thành một vệt hình tròn thấm nhòe trên mặt giấy, ông mới chấm rãi cúi đầu, viết từng nét một:
“Xưa ta đã tạo bao ác nghiệp,
Đều vì vô thủy, tham sân si.
Từ thân, miệng, ý phát sinh ra,
Hết thảy ta nay đều sám hối.”
Rõ ràng chữ nào cũng biết cả, nhưng đặt liền thành câu thì Vân Hy lại thấy khó hiểu. Mấy năm gần đây, chú câm cũng từng dạy cô đọc mấy cuốn sách như [i]Đệ tử quy và Thiên tự văn(*), dạy cô hiếu đễ tín nghĩa, đạo lý làm người ở đời, nhưng lại chưa từng dạy cô chút gì về kinh Phật cả. Đúng lúc cô thấy khó hiểu, Khương Hằng vẫn còn đang làm việc ở trong bếp đã bưng cơm rau lên bàn, cất tiếng gọi to hai người. Vân Hy đáo vội một câu: “Tới đây!” Còn chú câm thì “a” một tiếng, nhìn Vân Hy rồi chỉ vào bút mực trên bàn. Ở cùng tám trăm năm, ý chú câm Vân Hy hiểu rõ, liền thu dọn giúp ông, lại nhanh nhảu bưng cái bàn nhỏ vào trong nhà.
(*)Tương tự như Tam tự kinh và Bách gia tính, Đệ tử quy và Thiên tự văn cũng là những cuốn sách vỡ lòng cho trẻ con Trung Quốc nhận mặt chữ thời xưa.
Đúng lúc ấy, chợt nghe ngoài cổng có tiếng đập cửa thình thình, Vân Hy vừa định đặt cái bàn xuống ra mở cổng thì thấy chú câm nhanh chân đi trước, ra cổng mở then cửa.
Giữa trưa thế này, chắc là đại thẩm bên hàng xóm sang vay dầu muối chăng? Nghĩ vậy, sau khi vất giấy bút mực vào phòng trong, Vân Hy liền quay ra định hỏi xem sao, thì phát hiện chú câm đã không thấy tăm hơi đâu nữa. Cô đi nhanh ra ngoài cổng, hết nhìn lại nhìn phải đều không thấy đâu cả, nghi hoặc nói: “Hằng ca, huynh có biết chú câm đi đâu rồi không? Đúng thật là, ra ngoài mà cũng không chịu mặc thêm áo.”
Nghe thấy Vân Hy nói vậy, Khương Hằng chạy ra khỏi bếp, cầm theo chiếc áo khoác ngoài của chú câm, bảo: “Để ta mang theo cho chú ấy là được. Nếu muội đói thì cứ ăn trước đi, chớ có đợi cho sốt ruột.”
Nói rồi, Khương Hằng vắt chiếc áo lên vai phải bước ra khỏi sân, đi nhanh ra ngoài ngõ.
Khương Hằng đi được vài trượng, vẫn không nhìn thấy bóng dáng chú câm đâu cả, đang khi nghi hoặc thì nghe thấy trong một ngõ tối cách đó không xa vọng lại một giọng nói dường như có vẻ đã từng được nghe: “Nếu không vì biết nét chữ trên chiếc đèn lồng này thì ta thật không thể ngờ rằng hóa ra ngươi đã thay tên đổi họ, trốn trong thành Phàn Dương này…”
Giọng nói ấy chính là giọng gã trưởng quan y đã thấy lúc nửa đêm gà gáy hôm qua!
Khương Hằng kinh hãi, đưa tay sờ ra sau lưng, mới phát hiện mình không mang theo thương lúc ra khỏi cổng. Trong tay không có binh khí, y nhíu cặp lông mày, ẩn mình ngoài đầu ngõ, quan sát vào trong ngõ tối…
Điều khiến y không thể ngờ được là, trong ngõ, ngoài tên quan sai lên Kỳ Sơn đánh giết năm xưa, còn một khuôn mặt quen thuộc khác, chính là chú câm mang mặt nạ quỷ!
Đối diện với tên quan quân, chú câm bỗng quỳ sụp xuống, hai tay phục xuống đất, dập đầu côm cốp. Suốt tám năm nay, chú câm chưa từng nói một câu trước mặt bọn họ, mà lúc này đây, bỗng nhiên lại cất tiếng nói: “Cầu… cầu xin ngài.. Ngũ gia, cầu xin ngài…”
Chỉ nghe giọng ông khàn khàn, có lẽ là do nhiều năm rồi không nói nên đầu lưỡi dường như đã cứng lại, một câu nói mà đứt quãng mấy lần. Nhưng chỉ mấy từ ấy đã khiến cho trong lòng Khương Hằng trào lên những đợt sóng mạnh mẽ: Chú câm vì sao lại phải lừa dối mình? Vì sao ông phải giả thành người câm như vậy? Vì sao ông lại biết tên quan sai này?
Chú câm khấu đầu mãi không thôi, tận đến khi trên trán đã tóe máu, ông giơ tay túm lấy ống quần đối phương, khổ sở cầu xin: “Ngũ gia, cầu xin ngài, cứ coi như chưa từng gặp tôi…”
Bây giờ, giọng chú câm đã lưu loát hơn khi nãy, mà giọng nói của ông, Khương Hằng nghe trong tai mình cũng có một cảm giác quen thuộc khó nói thành lời. Sâu trong đáy lòng, Khương Hằng lờ mờ cảm thấy có điểm gì đó rất không ổn, nhưng lại không thể nhận rõ được, chỉ có cảm giác trái tim bị một nỗi bất an xâm chiếm, như muốn nuốt lấy mình.
Chỉ thấy gã quan sai được gọi là “Ngũ gia” ấy co chân đá văng chú câm đang bám lấy chân hắn ra xa, chau mày nói: “Lạy ta thì có tác dụng gì? Trên đã có lệnh, ô
Mặt trăng treo trên vòm lá, bóng cây đổ dài xuống đất, gió đêm phe phẩy, côn trùng rả rích. Giữa màn đêm tĩnh mịch mới đầu canh một, trong sân một ngôi nhà ở phía đông thành, chợt có những tiếng lạch cạch vang lên. Tiếng động ấy tựa như có người nào lấy những viên đá ném vào khung cửa sổ vậy. Thiếu nữ đang nằm trên giường, nghe tiếng động trở dậy, mau chóng lấy bộ y phục để dưới gối mặc nhanh lên người, đoạn búi gọn đầu tóc lại, nhanh nhẹn bước ra mở rộng cửa phòng.
Trong sân, hoa lê đang nở rộ. Gió nhẹ thổi, làm những cánh hoa trắng tinh lả tả rơi như những bông tuyết đang bay. Dưới những cánh hoa lê bay tan tác, một thanh niên cao gầy đang đứng. Ánh trăng mờ ảo soi lên vai y, chiếu lên cái lưng thẳng tắp, chỉ thấy y đang chắp tay sau lưng đứng đó, tay trái để ở sau lưng, còn cánh tay phải thì trống không, để mặc cho gió nhẹ thổi phất phơ. Lúc này, y đang đứng quay lưng lại phía cửa phòng thiếu nữ, ngẩng đầu nhìn vầng trăng trên ngọn cây và những cánh hoa đang bay như tuyết rơi, tựa hồ đang suy tưởng điều gì.
”Hằng ca!”
Thiếu nữ khẽ gọi một tiếng, kéo tâm tư đang sống lại với chuyện cũ từ nhiều năm trước của thanh niên ấy quay trở lại. Thanh niên quay người, đôi mắt sâu thẳm nhìn về phía cô, nhè nhẹ gật đầu.
Hai người nhìn nhau, không nói một lời. Thiếu nữ cầm chiếc đèn lồng đèn lồng treo trên giá gỗ trong sân lên, giẫm chân lấy đà nhảy một bước, cùng thanh niên tung mình vọt qua tường, hạ xuống đường phố bên ngoài, đi nhanh ra phía ngoại thành.
Hai người ấy chính là Khương Hằng và Tùy Vân Hy. Tám năm trước, hai người mới chỉ là một cậu thiếu niên và một cô bé con, trong một ngày đông giá vừa đói vừa rét, phải ngủ ngoài đường, cô bé Vân Hy đã bị phong hàn sốt cao không dứt. Khương Hằng lại là một kẻ tàn phế mất một tay, đừng nói đến việc làm thuê, ngay cả bế Vân Hy cũng khó. Trong tình cảnh khốn khổ, kêu trời trời chẳng thấu, kêu đất đất không nghe ấy, may nhờ có một người thợ làm đèn lồng trong thành đã ra tay cứu giúp họ. Ông chẳng những mua cơm ăn thuốc uống cho Vân HY, còn cho hai đứa nhỏ ở lại trong nhà mình.
Đến khi Vân Hy khỏi bệnh, Khương Hằng muốn dẫn cô bé rời đi, nhưng người đàn ông câm đeo mặt nạ quỷ ấy đã ngăn lại. Ông lấy bút mực thay lời, viết lên giấy rằng: “Ta đã phải trải nỗi đau bị mất ái nữ, nay chịu cảnh cô đơn, chỉ có một mình, hình đơn bóng chiếc. Các cháu hãy thương ta, ở lại đây với ta đi.” Thấy chú câm “nói” thống thiết như vậy, lại đối xử với chúng rất tốt, hai đứa bé cuối cùng đã ở lại tòa thành nhỏ Phàn Dương này, chớp mắt tám năm đã trôi qua.
Mấy năm nay, chú câm coi Khương Hằng và Vân Hy như con đẻ, quan tâm chúng vô cùng. Chú câm tính tình hòa nhã, lại biết chữ, lúc nhàn nhã thường dạy cho hai đứa bé đọc thơ văn, lúc bận rộn lại cho hai đứa giúp mình làm đèn, bày hàng. Mỗi năm đến dịp Nguyên tiêu và Thất tịch, ba người bận rộn vô cùng. Vân Hy cũng học cách làm đèn, còn Khương Hằng thì một vai gánh hàng theo chú câm đi hết hang cùng ngõ hẻm, bán đèn lồng.
Đối với hai đứa trẻ, chú câm cái gì cũng tốt, chỉ có một điểm cực kỳ kiên quyết, đó là không cho bọn họ luyện võ. Năm ấy, sau khi Vân Hy khỏi bệnh, Khương Hằng bèn dắt cô bé ra trước sân luyện tập mấy chiêu thức của Tùy gia thương, chú câm trông thấy, con người ông vốn xưa nay hòa nhã hiền lành, bỗng nhiên há miệng kêu to một tiếng “a”, rồi lớn tiếng quát hai đứa phải thôi. Dù có chiếc mặt nạ quỷ ngăn cách, nhưng hai đứa bé cũng có thể cảm nhận được sự tức giận của ông. Trước nay chưa từng thấy chú câm nổi nóng như vậy bao giờ, cô bé Vân Hy sợ hãi giật nảy mình, cây thương gỗ trong tay rơi xuống đất.
Sau sự việc ấy, Khương Hằng cũng từng hỏi chú câm vì sao lại phản ứng với việc tập võ như vậy. Chú câm khi ấy đang vẽ hình lên những chiếc đèn lồng, liền với lấy một tờ giấy, viết lên đó một câu: “Học võ, nếu chẳng hại người, thì cũng hại mình.”
Vết mực in đậm, thấm qua lưng tờ giấy.
Từ đó về sau, Khương Hằng và Vân Hy không luyện võ trong sân nhà nữa. Mỗi ngày sau khi đêm xuống, nhân khi chú câm đã ngủ say chúng mới lần khỏi nhà, đi ra chỗ vắng bóng người ngoài thành để luyện tập Tùy gia thương pháp.
”Tùy gia thương vốn đã có lời tổ huấn, chỉ truyền cho nam không truyền cho nữ...” Khi ấy, cậu thiếu niên mới mười ba tuổi nhìn cô bé con mới lên tám tuổi, trầm giọng bảo. “Nhưng nay ta chỉ còn một tay, rất nhiều chiêu thức thương pháp không cách nào dùng được, cho dù có thể dùng thì đường lối cũng phải có biến đổi, khác xa so với trên thương phổ. Cha và chưởng môn sư bá đến chết vẫn ra sức bảo vệ Tùy gia thương, kháng cự không ký Thái Bình Ước, chính là không muốn Tùy gia thương bị thất truyền ở đây. Nay vì tình thế bức bách, Tùy gia thương nếu muốn tồn tại thì chỉ có thể truyền thụ cho muội. Tin rằng sư tổ dưới suối vàng nếu có biết, cũng sẽ lượng thứ. Vân Hy, bây giờ chỉ có muội mới có thể học được nguyên bản Tùy gia thương mà thôi. Muội không được trách ta nhé!”
Nói xong câu ấy, Khương Hằng hô lên một tiếng, đứng tấn, rồi hét vang, cánh tay duy nhất đưa mũi thương, làm động tác khởi đầu.
Vân Hy làm theo, nhưng bước chân còn chưa chuẩn, bị Khương Hằng quất một roi vào bắp chân, lập tức ngã lăn xuống đất.
Nhát roi ấy khiến Vân Hy tê buốt, hồi lâu vẫn không đứng nổi. Thấy cô ngã xuống đất, Khương Hằng chẳng những không chạy lại đỡ, mà còn quát to: “Đứng lên! Làm lại!”
Từ sau biến cố ở Kỳ Sơn, hai người đang đêm bỏ trốn, những ngày này, Khương Hằng vẫn luôn bảo vệ Vân Hy, không muốn cô bé phải chịu chút thương tổn nào. Vậy mà lúc này, cậu lại khác hẳn thường ngày, ra tay rất nặng, vô cùng nghiêm khắc. Sự thay đổi ấy khiến Vân Hy mắt ngân ngấn nước như chực khóc. Qua ánh mắt nhòe nhoẹt, cô bé thấy Hằng ca trước mặt mình hai mày nhíu chặt, lộ rõ vẻ nghiêm túc không giống mọi ngày.
Lúc ấy, trong ánh mắt bị nước mắt làm cho mờ mịt, Vân Hy bé nhỏ lờ mờ cảm thấy đằng sau việc học thương của cô có rất nhiều có rất nhiều thứ không vui đè nặng lên hai vai của Hằng ca, khiến cho Hằng ca - người vốn thích trêu chọc cô, thích mắng cô là “nha đầu ngốc” - biến thành một Hằng ca nghiêm khắc với hai vai hơi chùng xuống, đang cầm thương đứng đó.
Cô bé hít một hơi thật sâu, lấy mu bàn tay lau mạnh nước mắt, rồi học theo bộ dạng của Hằng ca, hô to một tiếng, làm lại thế tấn.'
Ngày đông giá buốt nhất vẫn luyện, ngày hè nóng nực nhất vẫn tập, suốt tám năm qua, bất kể nắng mưa, hai người họ mỗi tối đều đến nơi này luyện tập thương pháp hai canh giờ.
Dần dà, Khương Hằng bắt đầu quen cách cầm thương bằng tay trái, và có thể một tay vận nội công, sử dụng được những chiêu thức mạnh mẽ như Thanh Tùng Phúc Tuyết. Còn công phu cơ bản của Vân Hy cũng ngày càng tiến bộ, đã có thể thuộc lòng toàn bộ các chiêu thức của Tùy gia thương.
Mỗi chiêu, mỗi thức, mỗi đường thương đưa ra, Vân Hy luôn nhớ đến những ngày ở Kỳ Sơn, nhớ đến chuyện cô nấp trên cây nhìn lén vào Diễn Võ đường, nhớ đến chuyện Hằng ca trêu chọc, đe dọa cô rằng sẽ nói cho cha cô biết chuyện cô học lén võ công... Khi ấy, cô đã luôn tức giận, luôn oán trách lời tổ huấn, oán trách cha vì sao không dạy võ cho mình. Nhưng đến hôm nay, khi đã được học võ luyện thương như sở nguyện, thì cô lại hối hận...
”Chớ lơ đễnh!”
Khương Hằng kêu to một tiếng, đồng thời xoay cán thương chống mạnh xuống đất, khí lực xô mạnh khiến bụi đất bay lên mù mịt. Bị cát bụi làm mờ mắt, Vân Hy nghiêng người định tránh, động tác tay nhân đó hơi ngưng trễ một chút.
Tranh thủ chiêu thức bị lỡ ấy, Khương Hằng phi một cước, đá bay binh khí trong tay Vân Hy ra tít đằng xa. Đồng thời, y xoay người đâm trở lại, cán thương vừa vặn kề sát yết hầu Vân Hy.
Chiêu dừng, khí nghỉ. Khương Hằng thu lại cây thương, đeo nó lên sau lưng, rồi đưa cánh tay duy nhất kéo Vân Hy dậy.
Cầm bàn tay trái đã đầy vết chai của Khương Hằng, Vân Hy vừa lấy đà đứng dậy vừa nói: “Không tính, không tính, Hằng ca đánh lén, đúng là ăn gian.”
”Đánh lén gì chứ!” Khương Hằng không vui nheo mắt, hạ giọng trách. “Ở chốn võ trường, thắng làm vua, thua làm giặc, làm gì có chuyện đánh lén hay đánh thẳng. Nếu không, khi đối thủ muốn giết muội, muội còn định nhường nhịn ư? Hơn nữa, Triệu Hãn võ công cao cường, là cao thủ nhất đẳng trên giang hồ. Với công phu của hai chúng ta, dù lấy hai chọi một thì cũng chỉ có đường chết. Nếu muốn báo thù, chỉ còn một cách là đánh lén.”
Nghe thấy câu ấy, Vân Hy cúi mặt xuống, không nói gì nữa. Đúng như Hằng ca nói, bọn họ luyện võ, một là để kế thừa Tùy gia thương, nhưng điều quan trọng hơn cả là để báo thù rửa hận cho cha, cho Khương sư thúc, Khương thúc mẫu và tất cả ba mươi bảy mạng người lớn nhỏ của Tùy gia thương ở Kỳ Sơn.
Thấy Vân Hy không đáp lời, Khương Hằng cũng biết mình đã nói quá. Y đưa cánh tay duy nhất vỗ vỗ vai Vân Hy, nhỏ nhẹ nói sang chuyện khác: “Khi nãy muội mãi suy nghĩ gì mà lơ đễnh thế? Luyện mãi luyện mãi, cuối cùng lại hỏng hết cả thương pháp, không còn chút kình lực nào cả.”
Ánh nến trong đèn lồng rung rinh, khiến bóng bông hoa lan vẽ trên giấy dán đèn in lên nền đất bên cạnh chỗ họ đứng cũng rung rinh lay động. Vân Hy cụp mắt nhìn ánh đèn như một ngôi sao ấy rồi lại ngẩng đầu nhìn người thanh niên cao gầy bên cạnh mình, nhận thấy y từ lâu đã không còn vẻ trẻ con như xưa nữa, khuôn mặt cương nghị cũng không còn giống như trong ký ức của mình, bèn chậm rãi nói: “Hằng ca, muội nhớ đến Diễn Võ đường...”
“...” Lần này thì Khương Hằng không thể nói được gì.
Hai bàn tay nắm lấy nhau, năm ngón tay siết chặt. Thanh niên đứng thẳng người lên, lặng lẽ nhìn vầng trăng sáng trên ngọn cây. Sao thưa trăng sáng, ánh trăng tuôn tràn trên đồng rộng hoang vắng, tựa như rắc một lớp sương bạc lên mặt đất. Chợt nhìn, tựa như có tuyết rơi, chẳng khác nào buổi tối mưa tuyết ngập núi từ nhiều năm trước ấy.
”Bây giờ, muội không cần phải trốn lên cây lén nhìn vào Diễn Võ đường nữa.” Chỉ nghe thấy Vân Hy nhỏ nhẹ nói tiếp: “Nhưng giờ đây chính muội cũng không hiểu, vì sao khi ấy lại muốn học võ như vậy? Muội hối hận lắm, sớm biết thế này, thì muội thà cả đời này không chạm vào thương...”
Càng nói, tiếng Vân Hy càng nhỏ, cho thấy cô đang nhớ lại những năm tháng trên Kỳ Sơn, nhớ lại những chuyện vui đùa khi còn nhỏ, các sư huynh đệ nói nói cười cười. Khương Hằng bỗng nhiên kéo Vân Hy, lôi cô ngồi xuống đất, hai người vai kề vai, y như khi còn nhỏ ngồi sát bên nhau, y như khi ở trong ngõ tối đêm đông hàn, nhìn đèn hoa đăng trên phố vậy. Bờ vai họ truyền cho nhau hơi ấm, hai người cùng mất gia đình trong một ngày, đã phải dựa vào chút hơi ấm ấy để nâng đỡ cho nhau đi qua những ngày tháng gian nan nhất.
”Trên đời này không hề có thuốc chữa cho sự hối hận, chuyện đã đến nước này thì không thể quay đầu lại được.” Khương Hằng chầm chậm nói. “Cái gọi là giá như, nói gì đi nữa, cũng chỉ là chuyện phiếm mà thôi. Ta chưa từng hối hận gì cả, chỉ hận khi ấy tuổi nhỏ không đủ sức bảo vệ cha mẹ, hận Triệu Hãn và Tôn Bồi Nguyên, hận Thái Bình Ước chó chết ấy! Vân Hy, hiện giờ muội là hy vọng cuối cùng của Tùy gia thương, thế nên muội không được phép hối hận nữa, muội và ta cần luyện thương pháp cho thật tốt, như vậy thì mới không hổ thẹn với chưởng môn sư bá.”
”Dạ...” Vân Hy khẽ đáp một câu. Lặng lẽ hồi lâu, chợt cô quay nghiêng người, hai tay nắm lấy vai Khương Hằng, bóp mạnh, bảo: “Khi còn nhỏ, muội luôn cảm thấy đôi vai Hằng ca lúc nào cũng rất nặng. Bây giờ lớn rồi, cuối cùng muội cũng hiểu đôi vai này của huynh phải gánh trách nhiệm thế nào. Nhưng, Hằng ca, xin huynh chớ suốt ngày nghĩ đến chuyện luyện võ báo thù, thi thoảng huynh cũng nên buông gánh nặng ấy ra. Huynh còn có muội, còn có chú câm. Trách nhiệm ấy, muội sẽ cùng gánh vác với huynh! Hơn nữa chúng ta cũng phải hiếu kính với chú câm, không thể chỉ nghĩ đến chuyện báo thù được!”
Nghe lời khuyên giải của Vân Hy, Khương Hằng hơi nhếch môi cười, đoạn đưa tay lên vỗ vỗ vào bàn tay nhỏ bé đang đặt trên vai mình, nói: “Được rồi, được rồi, đừng bóp nữa. Những điều muội nói ta đều hiểu cả. Khương Hằng ta ân oán phân minh, ân tình này của chú câm, chúng ta tất sẽ phải trả.”
”Vâng! Cũng không còn sớm nữa, chúng ta mau về nhà thôi, đừng để cú câm phát hiện ra chúng ta luyện võ, khiến chú không vui.”
Nói xong, Vân Hy liền đứng dậy, chạy đến chỗ cây trường thương bị Khương Hằng đá văng đi khi nãy. Cô vừa cúi người nhặt lên, chợt nghe từ phía xa xa văng vẳng tiếng chân chạy, tựa như có người đang gấp rút chạy lại gần, trong tiếng bước chân còn thoáng nghe thấy tiếng đao kiếm va chạm với nhau. Nghe thấy tiếng động, Khương Hằng chau mày, vội vàng thổi tắt chiếc đèn lồng dưới chân, rồi kéo Vân Hy, hai người nấp xuống dưới con rạch trên cánh đồng, nín thở chú ý, nhìn về phía có tiếng bước chân vọng lại.
Không lâu sau, chỉ thấy một hán tử toàn thân đẫm máu chạy nhanh tới nơi. Ở sau lưng y, ngoài một toán bổ khoái(*) giơ cao đuốc lửa còn có sáu nhân sĩ giang hồ mình mặc áo lam. Bọn họ ai nấy đều cầm trường kiếm, tóc búi cao trên đầu, ăn mặc rất giống nhau. Vân Hy đưa mắt nhìn, chỉ thấy bộ dạng những kiếm khách ấy có vẻ như đã từng gặp ở đâu rồi.
(*) Tức sai dịch chịu trách nhiệm truy bắt tội phạm, trộm cắp trong các nha phủ xưa. Tương tự như vai trò an ninh, cảnh sát hiện nay. Người chỉ huy, đứng đầu trong đội thì gọi là bổ đầu.
Hán tử chạy đầu tiên bước chân tập tễnh, một tay giữ lấy ngực, một tay cầm kiếm chạy thục mạng, cho thấy đã bị thương nặng. Trông thấy y loạng choạng sắp ngã, sáu kiếm khách giang hồ đang truy đuổi cùng nhau đề khí tung mình nhảy lên, vọt quá đội bổ khoái, truy sát đến bên hán tử bị thương, bao vây chặt y vào giữa.
“Phản đồ Bách Lý Hình, còn không mau chịu trói!”
Kiếm khách dẫn đầu quát to một tiếng, tung mình vọt lên không trung, hạ xuống trước mặt hán tử bị thương, rồi xoay người đưa mũi kiếm nhắm thẳng về phía đối phương.
Thấy không thể lui được nữa, hán tử toàn thân đẫm máu ấy dừng chân, nhưng vẫn ngẩng đầu cười lớn, âm vang rung trời. “Ha ha ha! Phản đồ ư? Các ngươi nghe theo mệnh lệnh của tên tiểu súc sinh ấy, bội tín phụ nghĩa, bỏ món nợ máu hàng trăm năm của Vân Tiêu cổ lâu ta không thèm nhìn tới, các ngươi nói xem, rốt cuộc kẻ nào mới là phản đồ?”
Nghe thấy bốn chữ “Vân Tiêu cổ lâu”, Vân Hy chợt nhớ ra, kiểu cách ăn mặc của mấy kẻ giang hồ kia giống hệt người tên là A Chước mà mình gặp ở y quán ngày trước, chả trách mà thấy quen như vậy. Còn cái tên Bách Lý Hình này cô cũng nghe qua rồi, đó chính là kẻ đã mua chuộc yêu nữ của Thất Phách đường, muốn hãm hại Hạ Thiên Thu hồi ấy.
Đám đệ tử của Vân Tiêu cổ lâu nghe xong tức giận nói: “Không ngờ còn dám nhiều lời nói bừa! Khi ấy ngươi kháng mệnh không theo, nếu chẳng phải thiếu chủ nhân từ khoan hậu thì đã trị tội ngươi từ lâu rồi, đâu có dung tha cho ngươi hỗn xược một lần nữa! Ai ngờ ngươi không biết hối hận, cấu kết với Thương Thiên, ý đồ phản nghịch. Lần này, dù thiếu chủ không trị tội ngươi thì Thái Bình minh(*) cũng không tha cho ngươi!”
(*) Minh ở đây tức là liên minh.
“Thái Bình minh?” Bách Lý Hình cười nhạt nói. “Các ngươi đã cam tâm làm lũ ưng khuyển cho triều đình, thì chớ có tự xưng là đệ tử của Vân Tiêu cổ lâu nữa! Sư tổ ở trên, không có những tên đồ đệ nhu nhược như các ngươi!”
Sáu tên môn nhân lập tức giơ kiếm, tạo thành Lục Hợp kiếm trận. Chỉ thấy kẻ dẫn đầu bước một bước hư bộ, vừa chạm xuống đất trường kiếm chợt kêu ngân vang dưới ánh trăng, một người một kiếm, liền hiện ra ảo ảnh khắp mười hướng, vun vút đâm về phía Bách Lý Hình. Với tu vi của Vân Hy thì không thể nhìn rõ đường kiếm của tên đệ tử ấy. Nhưng Bách Lý Hình vẫn đưa kiếm hồi kích, nhắm thẳng vào một đạo hư ảnh, lập tức hai cây kiếm liền va mạnh vào nhau, chớp mắt ống tay áo của Bách Lý Hình lóe lên ánh ngân quang chói lòa, một cây nỏ cứng lộ ra khỏi tay áo, một mũi đoản tiễn xé gió bay đi.
Ánh kiếm thôi, khí kiếm dừng. Kiếm quang nhanh vun vút như ảo ảnh khắp mười phương, nháy mắt tan hết. Vân Hy nhìn kỹ, chỉ thấy trước trán tên môn nhân ấy cắm ngập một mũi đoản tiễn. Chốc lát sau, kẻ ấy không còn động tĩnh gì nữa, ngã về phía sau.
“Sư huynh!” Năm tên môn nhân còn lại vội kêu lên. Thấy sư huynh mất mạng trong khoảnh khắc, bọn chúng không còn dám chậm trễ nữa, kéo nhau xông lên, cùng nhằm Bách Lý Hình đánh tới.
Bách Lý Hình tuy có nỏ cứng trong tay, nhưng khi trước đã bị trọng thương, bây giờ lại một chọi năm, đâu còn có thể chống giữ nổi. Ông ta lập tức bị trúng một kiếm, thân mình loạng choạng, dường như ngã sang một bên, nhưng thực ra là ông ta hơi động ngón tay cái, ấn vào lẫy nỏ, lại một mũi đoản tiễn nữa nhắm vào đệ tử đứng đầu mạn bắc của Vân Tiêu cổ lâu!
Mũi tên sắp cắm ngập vào ngực tên đệ tử ấy, bỗng nghe choang một tiếng, mũi tên đã bị một cây trường đao chặn lại. Chỉ thấy một kẻ mặc quân trang thu trường đao về, quát to một tiếng: “Lui!”
Năm môn nhân của Vân Tiêu cổ lâu nhất tề lui lại phía sau. Bách Lý Hình nhịp thở đã loạn, nhân cơ hội được tạm nghỉ, vội tìm một hướng cướp đường chạy. Nhưng đúng lúc ấy, chỉ thấy tên quan binh kia giơ cao tay phải, trầm giọng nói: “Bắn tên!”
Lập tức, tên bay rào rào, nhất tề nhắm về phía Bách Lý Hình!
Hóa ra, trong lúc Bách Lý Hình hỗn chiến với môn nhân của Vân Tiêu cổ lâu, đội quan binh kia đã sắp đặt thế trận, bao vây Bách Lý Hình vào giữa, lại lấy sẵn cung tên ra, chỉ đợi trưởng quan hạ lệnh.
Thấy Bách Lý Hình kia sắp phải chết vì loạn tiễn xuyên tâm, Vân Hy bỗng cảm thấy bàn tay to lớn đang ấn trên vai mình nắm chặt lại. Cô đau quá, quay sang nhìn Khương Hằng, thấy y đã nhíu chặt hai mày, hai mắt chăm chăm nhìn thẳng vào gã trưởng quan vừa ra lệnh, sắc mặt âm trầm trước nay chưa từng có. Theo ánh mắt của y, Vân Hy cũng nhìn về phía người ấy, nhưng chẳng thể nhận ra điều gì. Cô thấp giọng hỏi nhỏ: “Hằng ca, sao vậy?”
Khương Hằng vẫn không đáp lời, chỉ tức giận trừng mắt nhìn gã trưởng quan kia. Đêm năm xưa ở Kỳ Sơn, Vân Hy còn nhỏ, lại bất ngờ gặp phải sự biến kinh hoàng, rất nhiều người, rất nhiều việc cô đã không còn nhớ được nữa. Nhưng Khương Hằng thì vẫn nhớ rõ như in, gã trưởng quan kia chính là một thuộc hạ đi theo Triệu Hãn, tìm thấy hai người bọn họ ở giữa nơi rừng núi năm xưa. Chính y đã đoạt lấy cây trường đao từ bên lưng người này, tự chặt đứt tay mình. Đã cách tám năm rồi, nhưng cảnh tượng khi xưa vẫn còn hiện rõ trước mắt. Những tên lính có mặt hôm ấy, mỗi một khuôn mặt, mỗi một món nợ máu, Khương Hằng đều thầm ghi nhớ hết. Suốt tám năm nay, Khương Hằng không thời khắc nào không nhắc nhở chính mình, phải ghi nhớ diện mục của từng kẻ thù một, rốt cuộc sẽ có ngày, y phải giết hết bọn chúng để báo mối thù sâu nặng!
Rụt bàn tay đang bóp chặt vai Vân Hy lại, Khương Hằng đưa cánh tay duy nhất lần tìm cây trường thương sau lưng, nắm chắc cán trong tay. Lúc này, y đã không còn để ý tới chuyện sống chết của Bách Lý Hình nữa, chỉ trông thấy kẻ thù mà thôi.
Dưới làn mưa tên, Bách Lý Hình bị trúng liền mấy mũi trên vai, trên lưng, máu chảy như tắm. Ông ta cố gắng sức, dùng cây trường kiếm chỗng đỡ cho thân thể khỏi bị đổ gục trước mắt quan binh. Gã trưởng quan kia lại giơ tay lần nữa, quân lính lắp tên kéo cung, lượt bắn thứ hai sắp được thực hiện thì bỗng nghe loáng thoáng từ phía xa vẳng lại tiếng thổi sáo.
Tiếng sáo chợt xa chợt gần, không giống những khúc nhạc bình thường, chẳng những rất mơ hồ mà còn ca chẳng phải ca, điệu chẳng phải điệu. Trong đêm khuya sương mờ thế này, nó vô cùng kỳ lạ. Cùng với tiếng sáo, trong những lùm cỏ dưới đất cũng chợt vang lên những tiếng xào xào xạc xạc.
Bỗng nhiên, trong đám quân lính chợt có tiếng kêu thét thảm thiết. Tiếp ngay sau đó, đội ngũ bỗng trở nên rối loạn, lúc lúc lại vang lên một loạt những tiếng kêu kinh hãi: “Rắn! Có rắn độc!”
Dưới ánh trăng, chỉ thấy cỏ khô lất phất, vang lên những tiếng sàn sạt. Từng đàn những con rắn lốm đốm hoa văn, đi qua đi lại giữa các bụi cỏ, thi thoảng lại thè ra thụt vào cái lưỡi chẻ đôi, cùng nhau kéo về phía đội quan binh.
Đám lính vội vàng vung đao chém rắn, nhưng bầy rắn tựa hồ có trí khôn, chẳng hề sợ sệt, từng con một quấn chặt lấy chân đám lính, bò lên người và chân chúng.
Tiếng sáo bỗng vút lên một âm điệu cao hơn. Lập tức đàn rắn há miệng, nhe cái răng nanh chứa nọc độc, nhắm thẳng cổ toán quan quân mà bổ xuống.
Tất cả mọi người dường như đã sắp bỏ mạng trong miệng rắn, bỗng nhiên tiếng sáo ấy lại biến đổi, ngân vang dài hơn. Đàn rắn tức thì ngừng hết động tác lại. Hơn trăm con rắn độc như đang chờ đợi mệnh lệnh từ ai đó, nhe hàm răng nanh nhọn hoắt kề sát tận cổ đám quan binh, nhưng lại chưa cắn thật.
“Cao nhân phương nào, xin hãy ra mặt!”
Gã trưởng quan lấy can đảm, kêu to một câu. Chỉ nghe thấy trên cánh đồng rộng vẳng lại tiếng cười ha hả. “Ha ha, danh hiệu của tiểu gia ta, há lại có thể tùy tiện nói cho lũ rác rưởi các ngươi biết ư?”
Mọi người lập tức nhìn theo hướng tiếng cười vọng lại, chỉ thấy dưới ánh trăng, trên cây cổ thụ xù xì, có hai bóng người đang đứng. Một người thấp hơn một chút, lưng đeo giỏ tre, tay cầm một cây sáo trúc, kề sát bên miệng, đang thổi một khúc nhạc kỳ dị. Đàn rắn trăm con kia có lẽ nghe theo sự chỉ huy của người đó.
Đứng cạnh người đang thổi sáo là một người dáng vóc cao hơn, mình khoác áo tơi, đầu đội nón lá, tay cầm một cần trúc dài. Vành nón rộng che khuất quá nửa khuôn mặt của người ấy, nhưng không che được cái nhếch mép bỡn cợt trên miệng ông ta. Chỉ thấy ông ta cười lớn, bảo: “Biết điều thì mau lui binh để Bách Lý Hình lại đó! Nếu không, vị hảo hữu này của ta nổi giận lên, thổi sai điệu, thì chớ trách những tiểu bằng hữu không chân của bọn ta đại khai sát giới đấy!”
Dưới sự uy hiếp lộ liễu ấy, gã trưởng quan mặt biến sắc. Hắn lặng im hồi lâu, rồi bỗng chắp tay hướng về phía người mặc áo tơi và người thổi sáo, nói: “Thường nghe trong Thương Thiên có rất nhiều kỳ nhân, cao thủ, hôm nay được thấy, quả không tầm thường. Xin được cáo từ ở đây.”
Nói xong, hắn quay sang nhìn đám thuộc hạ của mình, hạ giọng nói: “Bỏ vũ khí xuống, rút lui.”
Nghe được mệnh lệnh của hắn, đám quân lính bỏ hết đao kiếm trên tay xuống. Còn hàng trăm con rắn kia, dưới sự chỉ huy của tiếng sáo cũng rút lui khỏi người địch thủ, trườn vào trong bụi cỏ, ngóc cao cái đầu hình tam giác, cảnh giác quan sát đám quan binh, thỉnh thoảng lại thè ra thụt vào cái lưỡi nhỏ. Cuối cùng tất cả quan binh đều lui đi hết, năm tên kiếm khách của Vân Tiêu cổ lâu cũng khiêng thi thể của sư huynh mình, cùng rút lui theo.
Không bao lâu sau, trên cánh đồng rộng chỉ còn lại một mình Bách Lý Hình đứng chống kiếm. Còn người mặc áo tơi và người thổi sáo kia thì tung mình nhảy từ trên cây xuống, đi đến bên cạnh Bách Lý Hình. Người mặc áo tơi đưa tay phải điểm nhanh, phong bế đại huyệt mấy chỗ của Bách Lý Hình lại. Bách Lý Hình điều hòa nhịp thở hồi lâu, đợi lúc bình thường trở lại mới chắp tay hướng về phía hai người, nói: “Đa tạ nhị vị ra tay tương cứu, xin cho hay quý tính đại danh!”
“Tiểu gia ta họ Hà, tên chỉ một chữ Nhân, các ngươi hay nói “người tới là ai”, ấy chính là nói tới tiểu gia ta đó(*).” Kẻ mặc áo tơi cười nói, lại vỗ vai người thổi sáo đứng bên cạnh mình, ung dung giới thiệu: “Vị này, mọi người đều gọi là Sái Tiểu Xà.”
(*) Trong tiếng Hán, nguyên văn câu “người tới là ai” là “lai giả hà nhân”, hai chữ “hà nhân” chính là tên của người này.
Sái Tiểu Xà không nói gì, chỉ bỏ cây sáo trên môi xuống, khẽ gật đầu, coi như chào hỏi. Không có tiếng sáo chỉ huy, lũ rắn dưới đất dần bò đi, chỉ còn lại một con rắn cạp nong thuận theo ống quần của Sái Tiểu Xà bò lên, tự thả mình rơi vào chiếc giỏ đeo sau lưng ông ta.
“Hóa ra là Thủy Quỷ và Xà Vương, ngưỡng mộ đã lâu.” Bách Lý Hình lại chắp tay một lần nữa. “Hôm nay Bách Lý Hình giữ được cái mạng này, tất cả là nhờ có nhị vị, đại ân không biết nói sao cảm tạ, xin nhận của tại hạ một lạy.”
Kẻ mặc áo tơi ấy quả thực chính là Thủy Quỷ Hà Nhân, ông ta vội đưa tay ra ngăn Bách Lý Hình không cho quỳ lạy, liên tục nói: “Chớ có khách khí. Một khi Bách Lý huynh gia nhập Thương Thiên, vậy thì chúng ta chính là huynh đệ một nhà. Trời xanh ở trên, võ nhân trong thiên ha nên nâng đỡ lẫn nhau, cùng vướt qua kiếp nạn Thái Bình này.”
Nghe thấy hai chữ “Thái Bình”, Bách Lý Hình nghiến răng giận dữ nói: “Thiên hạ thái bình gì chứ, ta thấy phải là thiên hạ đại loạn mới đúng! Ta không thể ngờ được rằng Vân Tiêu cổ lâu với cơ nghiệp mấy trăm năm lại đi ký vào Thái Bình Ước, lại còn thêm cái Thái Bình minh chết tiệt gì đó nữa! Ta đưa ra ý kiến khác, hắn liền vu khống hãm hại ta, nói ta cấu kết tà phái, từng có ý đồ lấy mạng hắn. Sư môn không ngờ lại nảy ra tên bại hoại này, nhất định có ngày ta phải giết chết Hạ Thiên Thu, chỉnh đốn lại thể thông cho sư môn!”
Tùy Vân Hy đang nấp dưới con rạch, nghe thấy Bách Lý Hình đòi giết Hạ Thiên Thu, lập tức không nhịn được nữa. Mặc Khương Hằng lôi lại, cô vẫn đứng vụt dậy, chỉ tay vào Bách Lý Hình nói: “Ngươi nói dối! Khi xưa ngươi cấu kết với yêu nhân của Thất Phách đường, chẳng những làm Hạ đại ca bị thương, hại chết địa phu, còn vu oan giá họa cho Hạ đại ca, nói huynh ấy tàn hại trăm họ, lúc ấy chính ta chứng kiến!”
Không thể ngờ rằng lại có một tiểu cô nương ẩn nấp ở đây, Hà Nhân và Bách Lý Hình đều kinh ngạc. Bách Lý Hình trợn mắt, quát to: “Con tiểu quỷ này ở đâu ra vậy, dám nói năng lung tung!”
Ông ta còn chưa nói dứt câu, liền thấy trước mắt có một bóng đen vút qua. Một thanh niên tàn phế chỉ còn một tay, cầm thương chắn trước tiểu cô nương để bảo vệ, lạnh lùng nhìn ông ta. “Thà chết không theo Thái Bình Ước, không về hùa vứi quan phủ, ngươi cũng có thể coi là có chí khí của kẻ võ nhân. Chỉ có điều để đạt được mục đích của mình, ngươi không ngần ngại làm liên lụy tới người vô tội, lại còn chối bỏ sạch tội trạng của mình, xem ra ngươi cũng chỉ là kẻ tiểu nhân hèn nhát mà thôi.”
Bách Lý Hình nghe thế thì giận sôi lên, rút kiếm định liều mình với Khương Hằng. Đâu ngờ Hà Nhân đã đưa cây gậy trúc trong tay ra ngăn giữa hai người, cười nói: “Ồ, tiểu tử, ngươi dùng thương ư? Hãy cho ta xem thử một chút nào!”
Nói xong, Hà Nhân hất cổ tay, cây gậy trúc trong tay lập tức vây bọc lấy trường thương của Khương Hằng,, không rời khỏi đầu mũi thương của y. Khương Hằng đề khí vận công, cánh tay duy nhất ấn xuống, thoát mạnh ra khỏi sự bao vây của đối thủ.
“Ồ, công lực cơ bản vững lắm!”
Hà Nhân cười khen ngợi một câu, lập tức lùi lại phía sau một bước, thân hình hơn rướn lên, tựa như đại bàng xòe cánh bay về phía sau. Cùng lúc ấy, ông ta xuất thủ nhanh như chớp, cây gậy trúc chớp mắt điểm đúng giữa trán Khương Hằng…
“Dương bạch!”
Hà Nhân quát lên, đồng thời gậy trúc đã điểm trúng huyệt Dương bạch trên lông mày trước trán Khương Hằng. Khương Hằng hất thương cản lại, nhưng ra tay lại chậm hơn một nhịp. Mà lúc này chiêu tiếp theo của Hà Nhân đã lại tới…
“Trung phủ!”
Nghe thấy câu ấy, Khương Hằng không kịp nghĩ ngợi gì, cầm ngang cây thương cản lại, nhưng vẫn chậm hơn một bước, bị Hà Nhân đánh đúng huyệt Trung phủ bên ngực trái. Chỉ thấy Hà Nhân lại biến chiêu, nghiêng người lách tới, cây gậy trúc trong tay đâm nhanh vào bụng dưới Khương Hằng…
“Ngoại lăng!”
Liên tiếp bị Hà Nhân đùa bỡn hai bận, Khương Hằng nhíu mày, trong lòng đã có tính toán. Nhìn chiêu thức của Hà Nhân sáp tới, lần này Khương Hằng không hề tránh né, cũng không ngăn cản, y xông thẳng tới phía trước, lấy thân thể mình đón đòn đánh của Hà Nhân, cùng lúc phải chịu đòn đánh ấy, cây trường thương trong tay lao mạnh tới, tua đỏ phất qua, thương bạc đâm thẳng về phía mắt trái Hà Nhân!
Hà Nhân hốt hoảng lùi lại phía sau, thu thế tấn công về. Dưới ánh trăng soi sáng, ông ta nhìn kỹ Khương Hằng một lượt từ trên xuống dưới, kinh ngạc nói: “Ôi chao, tiểu tử ngươi được lắm! Tùy gia thương tuy nổi tiếng là mạnh mẽ cứng rắn, nhưng cũng không có chiêu thức nào thuộc loại liều mạng như thế. Cách đánh này ngươi học được từ đâu vậy?”
Khương Hằng thu thương đứng yên, chau mày nghi hoặc hỏi: “Ngươi nhận ra Tùy gia thương ư?”
“Ha ha, thực ra ta cũng không hiểu nhiều, nhưng trong Thương Thiên có một lão già võ công tuy không cao lắm, nhưng lại vô cùng si mê võ thuật giang hồ, ta đã đọc qua một số sách của lão.” Hà Nhân cưới đáp, nhưng lập tức ông ta lại ngưng cười, chắp tay hướng về phía Khương Hằng nói: “Nghe nói tám năm trước, Tùy gia thương vì cự tuyệt ký Thái Bình Ước, liều chết chống cự, tất cả lớn nhỏ từ trên xuống dưới đã bị quan phủ giết hết. Tiểu huynh đệ xem ra chính là hậu nhân của Tùy gia thương, ta thất kính rồi!”
“Hừ, cái gì mà Trung Nguyên đệ nhất thương, chẳng qua chỉ là một tiểu bang tiểu phái, luận về võ công, so với Vân Tiêu cổ lâu chúng ta chỉ như đom đóm so với ánh trăng rằm.” Khi nãy bị thanh niên mắng một câu là “tiểu nhân hèn nhát”, Bách Lý Hình vẫn còn giận chưa nguôi, bây giờ chỉ lạnh nhạt hừ một tiếng.
Nghe ông ta nói vậy, Khương Hằng cầm ngang cây thương đứng lên. Thấy hai người định động thủ, Hà Nhân vội vàng chặn ở giữa, khuyên bảo: “Ôi ôi, nghe ta nói này, chúng ta đều là những kẻ không may phải chịu khổ sở vì Thái Bình Ước, có thể buông đao thương xuống, nói chuyện đầu đuôi trước đã được không?”
Nói rồi, Hà Nhân quay sang Khương Hằng, nói: “Tiểu huynh đệ, câu của Bách Lý huynh tuy không phải, nhưng cũng không hề khoác lác. Bình tâm mà luận, các bang phái trên giang hồ có hàng trăm ngàn, Tùy gia thương tuy sở trường về thương thuật, nhưng luận võ công điển tịch và thực lực bang phái, chẳng qua cũng chỉ ở mức hạng ba, nếu không đau chỉ dừng lại ở mấy chục đệ tử, bị triều đình tiêu diệt dễ dàng thế. Nhưng, chính việc Tùy gia thương diệt vong đã kích thích tinh thần chiến đấu của hàng ngàn hàng vạn võ nhân giang hồ, cũng khiến võ nhân chúng ta nhận ra rằng nếu tự chiến đấu một mình thì sẽ bị đánh tan từng người một, cho nên Thương Thiên mới theo đó được sinh ra.”
“Thương Thiên là gì?” Vân Hy nghi hoặc hỏi.
Hà Nhân nghiêm mặt nói: “Thương Thiên là liên minh các võ nhân nổi lên gần năm nay, nhằm đối phó lại Thái Bình Ước. Các ngươi cũng biết đấy, những bang phái ký Thái Bình Ước với triều định được coi là danh môn chính phái, thuộc về Thái Bình minh. Còn những phái từ chối không ký Thái Bình Ước thì bị coi là tà ma ngoại đạo, đều bị tru diệt cả. Những tản khách giang hồ như chúng ta, bình thường tự do tự tại quen rồi, không muốn chịu sự câu thúc của minh ước gì cả. Còn về Tiểu Xà, ông ta thường ngày ở chung với rắn độc, được tặng cho danh hiệu là Xà Vương, từ lâu đã bị triều đình gạt ra ngoài hàng ngũ chính đạo…”
“Trong buổi loạn thế này, các vị cũng hiểu, chỉ đơn độc dựa vào sức mình thực sự là không thể sống nổi.” Khương Hằng nói chen vào. “Cho nên, những kẻ giang hồ tản nhân mới dựng lên một liên minh võ nhân, đặt tên là Thương Thiên, để giúp đỡ lần nhau, cùng nhau đối phó với sự tàn phá của triều đình. Còn những người từ chối ký Thái Bình Ước, không ngần ngại bỏ cả môn phái mà chạy như Bách Lý Hình, chỉ có đi theo Thương Thiên mới có thể tránh khỏi bị quan binh và môn phái truy sát.”
“Đúng vậy!” Hà Nhân gật đầu, cười nói. “Tiểu huynh đệ, cậu là hậu nhân của Tùy gia thương, phải chịu nỗi khổ sở vì Thái Bình Ước, chi bằng hãy gia nhập Thương Thiên, như thế chẳng những có thể bảo vệ được tính mạng của hai người mà còn có thể bái sư học nghề, luyện được võ công thượng thừa. Không biết cậu có hứng thú ấy không?”
Khương Hằng chống mạnh cán thương xuống đất, quả quyết cự tuyệt: “Không cần, Khương Hằng ta sinh ra ở Kỳ Sơn, lớn lên ở Kỳ Sơn, sống là đệ tử Tùy gia thương, chết là ma Tùy gia thương. Đời này kiếp này, ta chỉ có một vị sư phụ, nhất định không bái sư học theo sư phụ khác!”
“Tiểu tử giỏi lắm, rất có chí khí.” Hà Nhân cười nói.
Tùy Vân Hy đứng bên cạnh, nãy giờ vẫn đang suy nghĩ, cô nhìn Hà Nhân đang nhếch miệng cười, lại nhìn Sái Tiểu Xà đang trầm ngâm không nói, rồi nhìn sang Bách Lý Hình vẻ mặt đầy giận dữ, bỗng nghi hoặc nói: “Hà tiền bối, nghe ông nói thì Thương Thiên giúp cho những võ nhân không đồng ý ký Thái Bình Ước có được một chốn yên thâ, ấy thực là điều may mắn cho võ nhân. Nhưng ông làm sao biết được những người chạy đến theo mình có thực sự là người tốt hay không? Ví như hắn ta…”
Vân Hy chỉ vào Bách Lý Hình, nói tiếp: “Hắn hạ độc làm trọng thương Hạ đại ca, lại cấu kết với Thất Phách đường, thiếu chút nữa làm bọn vãn bối mất mạng, giờ đây hắn lại lừa dối các ông, nói rằng Hạ đại ca vu khống hãm hại hắn, đúng là dối trá tột cùng. Người như vậy, các ông cũng giúp sao?”
“Tiểu quỷ ngươi nói bừa gì vậy? Chuyện của Vân Tiêu cổ lâu ta mà đến lượt một con nhãi như ngươi nó chen vào ư?” Bách Lý Hình giận dữ nói. “Tên tiểu súc sinh Hạ Thiên Thu đó bội tín phụ nghĩa, bỏ cả oán thù trăm năm của Vân Tiêu cổ lâu không thèm ngó ngàng, đúng là ta muốn lấy mạng hắn, nhưng chưa từng hạ độc, càng không có chuyện cấu kết với Thất Phách đường gì đó!”
Thấy hai bên mỗi người mỗi ý, Hà Nhân làm hòa nói: “Bách Lý huynh, xin chớ nóng giận, rốt cuộc là chuyện gì, cứ nói cho rõ ràng.”
Bách Lý Hình hít một hơi sâu, dường muốn nén cơn giận dữ lại rồi mới nói tiếp: “Vân Tiêu cổ lâu chúng ta vốn là một nhánh của Xung Tiêu kiếm phái. Mấy chục năm trước, Xung Tiêu kiếm phái nổi danh trên giang hồ, một là nhờ kỹ thuật đánh kiếm khiến mọi người phải kinh sợ, hai là nhờ thuật đúc rèn có một không hai. Khi ấy, Xung Tiêu kiếm phái người đông thế mạnh, nói về thực lực có thể coi là môn phái hàng đầu trong giang hồ. Nhưng chưởng môn của phái là Hồng Mông đạo nhân bình sinh chỉ có ba đệ tử chân truyền. Đại sư huynh Thẩm Hoa Đình căn cốt rất tốt, lại có được chân truyền của Hồng Mông đạo nhân, là kiếm khách nhất nhì trên giang hồ, cực kỳ nổi tiếng. Nhị sư huynh là Trịnh Lý, phàm việc gì nhìn qua đều không quên, vô cùng si mê thuật rèn đúc, một lòng muốn đúc ra loại thần binh lợi khí như Can Tương, Mạc Tà. Tam sư đệ là Hạ Lăng Tiêu, tuy về kiếm thuật và thuật rèn đúc đều không xuất chúng bằng hai vị sư huynh, nhưng là người khiêm hòa, giỏi âm luật, đã đem kiếm thuật và âm luật kết hợp với nhau, tạo ra một cây kỳ kiếm, vẻ ngoài trông tựa như cây cổ cầm, nhưng bên trong lại ngầm giấu một thanh bảo kiếm, đặt tên là Cầm Tâm Kiếm Phách.
Khi ấy, báu vật trấn phái của Xung Tiêu kiếm phái là Xung Tiêu kiếm - một thanh bảo kiếm do Hồng Mông đạo nhân tự tay đúc nên - đã bị lấy trộm mất khỏi Tàng Binh lâu của môn phái. Hồng Mông đạo nhân từng nói rõ rằng, ba người đệ tử đều có sở trường riêng, ai có thể lấy lại Xung Tiêu kiếm bị mất thì sẽ là chưởng môn đời kế tiếp của Xung Tiêu kiếm phái. Thế là, ba người đệ tử liền thi triển tài năng của mình, đi khắp giang hồ tìm xem Xung Tiêu kiếm đang ở đâu, nhưng trước sau vẫn không thể tìm được. Nhị sư huynh Trịnh Lý vì muốn đoạt lấy ngôi chưởng ôn nên dùng bản lĩnh xem qua không quên của mình, dự định dựa vào hình dáng về ngoài của Xung Tiêu kiếm mà làm giả ra một cây kiếm tương tự. Nhưng không biết vì sao, bất kể ông có rèn đúc thế nào cây kiếm giả ấy trước sau vẫn có vấn đề. Trịnh Lý si mê việc đúc kiếm, trong lúc nóng lòng, lại muốn bắt chước cổ nhân, thế là đã đem người sống ra tế kiếm. Sau việc ấy, tuy kiếm giả đã được đúc xong, cũng không khác gì kiếm thật, nhưng chuyện Trịnh Lý đem người tế kiếm đã bị bại lộ. Hồng Mông đạo nhân nổi cơn thịnh nộ, cầm cây kiếm giả ném xuống dưới núi và đuổi trịnh Lý ra khỏi tông môn. Sau khi bị đuổi khỏi Xung Tiêu kiếm phái, Trịnh Lý tự mình lập ra một phái, lấy tên là Bất Phá các. Bất Phá các không chỉ đúc kiếm, còn chuyên tâm nghiên cứu về ám khí và máy móc để mong tìm dược vũ khí có khả năng sát thương lớn hơn, trên các thứ binh khí thường tẩm độc, hiện nay đã trở thành một tà phái trên giang hồ mà ai nghe thấy cũng phải khiếp sợ.
Mấy năm sau khi Trịnh Lý bị đuổi khỏi môn phái, một hôm, Hồng Mông đạo nhân ra ngoài vân du, Thẩm Hoa Đình bỗng cho mời Hạ Lăng Tiêu đến so tài. Đồng môn so tài với nhau, vốn chỉ nên tới một mức độ nào đó thôi, nhưng Thẩm Hoa Đình lại chiêu chiêu bức ép, thậm chí làm Hạ Lăng Tiêu bị trọng thương. Thấy sư huynh sử dụng sát chiêu, để bảo vệ tính mạng mình, Hạ Lăng Tiêu chỉ còn cách giúp thanh kiếm trong đàn ra, nhưng đang định chống cự thì một chuyện ông không ngờ tới đã xảy ra: Thanh kiếm giấu trong cây đàn cổ chính là Xung Tiêu kiếm! Thẩm Hoa Đình thấy vậy, liền lấy lý do “Hạ Lăng Tiêu trộm kiếm giữ riêng cho mình, ý đồ giành ngôi chưởng môn”, sau đó trước mặt rất nhiều môn nhân đã chém đứt hết gân tay gân chân của Hạ Lăng Tiêu, biến ông thành phế nhân vô dụng, lại đâm một kiếm xuyên qua ngực ông.
Mấy ngày sau, Hồng Mông đạo nhân về tới môn phái, nghe được chuyện này thì đùng đùng nổi giận. Hóa ra, Xung Tiêu kiếm vốn không hề bị trộm mất, chỉ là Hồng Mông đạo nhân muốn thử xem thủ đoạn của ba đệ tử ra sao. Trịnh Lý là người đầu tiên không nhẫn nại được, đã nảy ý đồ làm chuyện giả tạo, còn Thẩm Hoa Đình sau khi tìm khắp nơi không thấy Xung Tiêu kiếm, để đoạt ngôi chưởng môn, chỉ còn cách vu khống hãm hại Hạ Lăng Tiêu. Ông ta xuống dưới núi, tìm được thanh kiếm giả mà Trịnh Lý đúc khi trước, lại lén giấu vào trong cây đàn Cầm Tâm Kiếm Phách của Hạ Lăng Tiêu, cố ý bức ông lấy kiếm ra trước mặt mọi người. Tất cả môn nhân đều chứng kiến tận mắt, Thẩm Hoa Đình đương nhiên có thể lấy tội “môn đồ trộm kiếm tự giữ cho mình” để trừng phạt Hạ Lăng Tiêu.
Nhưng Thẩm Hoa Đình dù thế nào cũng không nghĩ được rằng Xung Tiêu kiếm vẫn đang ở trong tay Hồng MÔng đạo nhân. Trong cơn thịnh nộ, Hồng Mông đạo nhân đã phế một cánh tay của Thẩm Hoa Đình, đuổi ông ta ra khỏi Xung Tiêu kiếm phái. Còn Hạ Lăng Tiêu, do thường ngày đối xử với mọi người rất tốt, tích được không ít thiện duyên, thế nên tuy bị một mũi kiếm xuyên ngực, thiếu chút nữa mất mạng, nhưng được một vị môn đồ giúp đỡ, đã ngầm trốn khỏi môn phái. Sau sự việc ấy, Hồng Mông đạo nhân tìm lại được Hạ Lăng Tiêu, nhưng không cách nào trị lành được những vết thương của ông. Tuy về sau, đạo nhân truyền ngôi vị chưởng môn Xung Tiêu kiếm phái cho ông, nhưng trọn cuộc đời mình, Hạ Lăng Tiêu chỉ có thể ngồi trên ghế lăn, thành một người tàn phế cả tay lẫn chân.
Sau khi Hồng Mông đạo nhân qua đời, Thẩm Hoa Đình cũng tự lập môn phái, lấy tên là Xung Tiêu kiếm các. Ông ta tuy mất một tay, nhưng kiếm thuật vẫn rất tuyệt vời, lại thêm cái tên Xung Tiêu nên đã được rất nhiều khách giang hồ sinh lòng ngưỡng vọng, đến theo làm môn hạ trong kiếm các. Thấy không ít người trên giang hồ lẩm tưởng mối quan hệ giữa hai phái, Hạ Lăng Tiêu lại không đủ sức tranh giành với Thẩm Hoa Đình, vì vậy chỉ còn cách đổi tên Xung Tiêu kiếm phái thành Vân Tiêu cổ lâu. Hạ Lăng Tiêu thân là sư tổ của Vân Tiêu cổ lâu ta, lúc lâm chung từng nói với truyền nhân của mình rằng: “Ta lấy làm hổ thẹn với sư phụ, vì học nghệ không tinh, không giữ nổi tên tuổi của Xung Tiêu kiếm phái, nay về nơi âm ty cũng không có mặt mũi nào nhìn lão nhân gia nữa.” Sau đó, sư tổ ôm hận mà chết.
Từ đó, phàm là môn nhân của Vân Tiêu cổ lâu ta, ai cũng đều tự thề không đội trời chung với Thẩm Hoa Đình và Xung Tiêu kiếm các. Nhưng chúng ta không thể ngờ được rằng, khi triều đình ban bố chỉ dụ Thái Bình Ước, Xung Tiêu kiếm các kia lại ký đầu tiên, trở thành môn phái đứng đầu trong Thái Bình minh. Vân Tiêu cổ lâu ta đã có mối oán thù gần trăm năm nay với Xung Tiêu kiếm các, như nước với lửa, sao có thể gia nhập Thái Bình minh để rồi đứng chung hàng ngũ với chúng được? Nhưng có ai ngờ, Hạ Thiên Thu thiếu chủ của phái ta, cũng là cháu đích tôn của sư tổ Hạ Lăng Tiêu, đã không thể hiện rõ lập trường thì chớ, còn khuyên đệ tử trong môn phái gia nhập Thái Bình minh. Ta nhổ vào, cái gì mà nghĩ cho đại cục, chỉ toàn là những câu vô dụng không có nghĩa lý gì hết! Thằng tiểu súc sinh họ Hạ ấy chính là một tên nhãi ranh nhát chết!
May là trong môn phái còn có những hán tử có chí khí, tất cả đều từ chối ký Thái Bình Ước và khuyên Hạ Thiên Thu không được quên mối hận trăm năm của Vân Tiêu cổ lâu. Hạ Thiên Thu thấy không thuyết phục được mọi người, bèn nói dối rằng ta ngầm mưu hại hắn, còn định vu cho hắn tàn hại dân thường! Ta nhổ vào, lời dối trá lớn bằng trời ấy mà hắn cũng có thể nói ra được, ta thấy hắn chẳng có chút gì giống với sư tổ cả, cứ như là đồ con hoang của con rùa đen Thẩm Hoa Đình vậy!”
Càng nói càng thêm căm phẫn, Bách Lý HÌnh nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất.
Vân Hy thấy vậy, không nhịn được lên tiếng bênh vực cho Hạ Thiên Thu: “Chính ngươi mới nói vừa, Hạ đại ca không hề nói dối, chuyện ngày hôm ấy chúng ta đều tận mắt chứng kiến cả!”
Rồi Vân Hy liền đem những điều nghe tai nghe mắt thấy trong y quán tám năm về trước kể với mọi người, bắt đầu từ chuyện Hạ Thiên Thu đã bị trúng mũi chông tẩm độc như thế nào, yêu nữ của Thất Phách đường kia đã dùng Ẩn Mộng tán biến đại phu thành tu la ác quỷ ra sao, lại còn muốn quan binh trăm họ trông thấy Hạ Thiên Thu tàn sát dân thường để cắt đứt hoàn toàn ý nghĩ gia nhập Thái Bình minh của chàng nữa.
“… Hạ đại ca không hề nói dối, nếu ngươi không tin, thì mộ của đại phu vẫn còn ở ngoại ô thành Phàn Dương đó, chính tay chúng ta đã chôn ông ấy ở đấy!”
Nghe cô nói xong, Bách Lý Hình cũng ngây người. Ông ta sờ tay lêm cằm suy tư hồi lâu, bỗng nhiên giơ tay phải lên, chìa ba ngón tay, cất lời thề với trời đất: “Bách Lý Hình ta thề có trời, chưa từng cấu kết với Thất Phách đường gì đó, chuyện ngươi vừa nói, thực sự ta không biết gì. Nói như vậy, xem ra có kẻ cố ý ly gián ta với Hạ Thiên Thu, hòng làm cho Vân Tiêu cổ lâu nội bộ bất hòa. Không được rồi, chuyện này ta không thể không nói với thiếu chủ được…”
Nói tới đây, Bách Lý Hình tự dưng đã đổi cách gọi “tiểu súc sinh” thành “thiếu chủ”. Ông ta quay sang nhìn Hà Nhân và Sái Tiểu Xà, chắp tay nói: “Hà huynh, Sái huynh, thứ cho tại hạ có việc gấp phải làm, trước mắt chưa thể tới Thương Thiên được. Đợi ta tra ra rõ việc này, tất sẽ tới tận nơi bái phỏng!”
Nói xong, Bách Lý Hình cũng không quản đến vết thương trên người, lập tức quay mình định chạy đi. Sái Tiểu Xà nãy giờ vẫn lặng im không nói gì, bỗng lấy từ trong người ra một lọ sứ, đưa cho Bách Lý Hình, nói với giọng khàn khàn: “Đây là linh dược mật rắn, có công hiệu tụ khí bảo bênh. Nếu các hạ tâm ý đã quyết, chúng ta cũng không tiện giữ, hãy tự bảo trọng!”
“Đại ân khó có thể nói lời cảm tạ, xin cáo từ!” Bách Lý Hình vái tạ Sái Tiểu Xà, lấy ra một viên thuốc nuốt luôn, rồi liền đề khí chạy đi.
Khi Bách Lý Hình chạy đã xa, mé đông bầu trời đã hửng sáng. Thấy đã có tia nắng sáng sớm, Vân Hy giật mình kêu “a” lên, rồi vội kéo tay áo Khương Hằng, nói: “Hằng ca, chúng ta mau về thôi, nếu để chú câm phát hiện ra, thế nào cũng bị mắng mất thôi.”
Khương Hằng gật đầu “ừ” một tiếng, rồi bèn cáo từ Hà Nhân và Sái Tiểu Xà, sau đó lập tức kéo Vân Hy chạy vào thành.
“Này, tiểu huynh đệ!” Sau lưng bỗng có tiếng gọi, Khương Hằng quay đầu lại, chỉ thấy Hà Nhân đang vẫy tay với mình, cười nói: “Nếu gặp phải phiền hà gì, cứ đến Đan Thạch trấn tìm chúng ta. Chỉ cần các ngươi treo trên cột đá thứ ba ở đầu phía tây của cây cầu trong trấn một chiếc đèn lồng trắng, lập tức sẽ có người của Thương Thiên dẫn các ngươi tới chỗ ta.”
Khương Hằng khẽ gật đầu, đáp một câu: “Đa tạ!”
Khi hai người khương Hằng và Vân Hy vào đến sân ngôi nhà nhỏ phía đông thành, con gà trống nhà hàng xóm mới cất tiếng gáy đầu tiên. Thấy chú câm còn chưa dậy, hai người vội ai về phòng nấy, giả như đã ngủ cả một đêm.
Đúng lúc họ vừa bò lên giường, còn đang mơ màng nghĩ xem có thể chợp mắt một chút không, thì khi đó ở ngoại ô thành nơi xảy ra trận hỗn chiến tối qua, gã trưởng quan - kẻ từng tham gia sự việc ở Kỳ Sơn trước kia - quay trở lại chỗ ấy. Hắn cúi người nhặt lên cây đèn lồng bị hai người bỏ quên lại tối qua.
Nắm chặt cây đèn lồng trong tay, lặng nhìn chữ viết cùng hoa căn trên đèn, gã trưởng quan mặt vuông chữ điền, mày rậm mắt to, nheo mắt hồi lâu, lộ rõ bộ dạng như có điều suy nghĩ.
Hơi rơi như tuyết, sân đầy gió xuân.
Cữ tháng Ba cuối xuân không phải dịp chơi đèn, chính là mùa bán đèn lồng ế ẩm. Người làm đèn đeo mặt nạ quỷ nhàn rỗi vô sự, bèn kê một cái bàn nhỏ dưới gốc cây lê ngoài sân, bày cút nghiên giấy mực, lặng lẽ chép kinh Phật. Ngón tay cầm bút của ông vì dùng lực quá độ nên có vẻ hơi cứng, những chỗ ngòi bút đưa tới vết mực thấm ra, nét chữ đâm hơi nhòe nhoẹt.
Gió nhẹ thoảng qua, mang theo mùi thơm của bùn đất và hoa cỏ, làm mái tóc đã lốm đốm những sợi bạc của người đàn ông đeo mặt nạ quỷ phất phơ bay. Nhìn dáng ông có lẽ chưa tới trung niên nhưng không biết làm sao lại sớm có tóc bác như vậy. Hoa lê lả tả rụng xuống nghiên mực, rụng xuống mái tóc đốm bạc của ông, nhưng ông không hề hay biết, chỉ chú tâm chép kinh. Cứ viết, cứ viết, tựa như ông đã ở một phương trời khác, ngay cả tiếng Vân Hy đang gọi ông đi ăn cơm, ông cũng không nghe thấy.
“Chú câm, đi ăn cơm thôi!”
Thiếu nữ đang bày mâm bát trong bếp, hơi nghiêng đầu nhìn ra, qua cánh cửa mở nhìn người ngoài sân. Gọi liền mấy câu, thấy chú câm vẫn không hề đáp lời, Vân Hy bèn để bát đũa lên bàn, đi nhanh ra ngoài sân. Bước đến bên cạnh ông, cô hiếu kỳ nhìn những chữ viết trên giấy, đọc lên thành tiếng: “Đại từ đại bi mẫn chúng sinh, đại hỷ đại xả tế hàm thức, tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm, chúng đẳng chí tâm quy mệnh lễ… Chú câm, chú câm, những lời này nghĩa là vậy?”
Người đeo mặt nạ thuận tay lấy một tờ giấy bản, dùng bút thay lời, trả lời câu hỏi của Vân Hy: “Đây là Bát thập bát Phật đại sám hối văn.”
“Đại sám hối văn? Nhưng là sám hối với ai?”
Trước câu hỏi của Vân Hy, bàn tay cầm bút của chú câm dừng lại lưng chừng, rất lâu vẫn không hạ bút. Tận đến khi mực trên ngọn bút đọng lại, nhẹ rơi xuống, làm thành một vệt hình tròn thấm nhòe trên mặt giấy, ông mới chấm rãi cúi đầu, viết từng nét một:
“Xưa ta đã tạo bao ác nghiệp,
Đều vì vô thủy, tham sân si.
Từ thân, miệng, ý phát sinh ra,
Hết thảy ta nay đều sám hối.”
Rõ ràng chữ nào cũng biết cả, nhưng đặt liền thành câu thì Vân Hy lại thấy khó hiểu. Mấy năm gần đây, chú câm cũng từng dạy cô đọc mấy cuốn sách như [i]Đệ tử quy và Thiên tự văn(*), dạy cô hiếu đễ tín nghĩa, đạo lý làm người ở đời, nhưng lại chưa từng dạy cô chút gì về kinh Phật cả. Đúng lúc cô thấy khó hiểu, Khương Hằng vẫn còn đang làm việc ở trong bếp đã bưng cơm rau lên bàn, cất tiếng gọi to hai người. Vân Hy đáo vội một câu: “Tới đây!” Còn chú câm thì “a” một tiếng, nhìn Vân Hy rồi chỉ vào bút mực trên bàn. Ở cùng tám trăm năm, ý chú câm Vân Hy hiểu rõ, liền thu dọn giúp ông, lại nhanh nhảu bưng cái bàn nhỏ vào trong nhà.
(*)Tương tự như Tam tự kinh và Bách gia tính, Đệ tử quy và Thiên tự văn cũng là những cuốn sách vỡ lòng cho trẻ con Trung Quốc nhận mặt chữ thời xưa.
Đúng lúc ấy, chợt nghe ngoài cổng có tiếng đập cửa thình thình, Vân Hy vừa định đặt cái bàn xuống ra mở cổng thì thấy chú câm nhanh chân đi trước, ra cổng mở then cửa.
Giữa trưa thế này, chắc là đại thẩm bên hàng xóm sang vay dầu muối chăng? Nghĩ vậy, sau khi vất giấy bút mực vào phòng trong, Vân Hy liền quay ra định hỏi xem sao, thì phát hiện chú câm đã không thấy tăm hơi đâu nữa. Cô đi nhanh ra ngoài cổng, hết nhìn lại nhìn phải đều không thấy đâu cả, nghi hoặc nói: “Hằng ca, huynh có biết chú câm đi đâu rồi không? Đúng thật là, ra ngoài mà cũng không chịu mặc thêm áo.”
Nghe thấy Vân Hy nói vậy, Khương Hằng chạy ra khỏi bếp, cầm theo chiếc áo khoác ngoài của chú câm, bảo: “Để ta mang theo cho chú ấy là được. Nếu muội đói thì cứ ăn trước đi, chớ có đợi cho sốt ruột.”
Nói rồi, Khương Hằng vắt chiếc áo lên vai phải bước ra khỏi sân, đi nhanh ra ngoài ngõ.
Khương Hằng đi được vài trượng, vẫn không nhìn thấy bóng dáng chú câm đâu cả, đang khi nghi hoặc thì nghe thấy trong một ngõ tối cách đó không xa vọng lại một giọng nói dường như có vẻ đã từng được nghe: “Nếu không vì biết nét chữ trên chiếc đèn lồng này thì ta thật không thể ngờ rằng hóa ra ngươi đã thay tên đổi họ, trốn trong thành Phàn Dương này…”
Giọng nói ấy chính là giọng gã trưởng quan y đã thấy lúc nửa đêm gà gáy hôm qua!
Khương Hằng kinh hãi, đưa tay sờ ra sau lưng, mới phát hiện mình không mang theo thương lúc ra khỏi cổng. Trong tay không có binh khí, y nhíu cặp lông mày, ẩn mình ngoài đầu ngõ, quan sát vào trong ngõ tối…
Điều khiến y không thể ngờ được là, trong ngõ, ngoài tên quan sai lên Kỳ Sơn đánh giết năm xưa, còn một khuôn mặt quen thuộc khác, chính là chú câm mang mặt nạ quỷ!
Đối diện với tên quan quân, chú câm bỗng quỳ sụp xuống, hai tay phục xuống đất, dập đầu côm cốp. Suốt tám năm nay, chú câm chưa từng nói một câu trước mặt bọn họ, mà lúc này đây, bỗng nhiên lại cất tiếng nói: “Cầu… cầu xin ngài.. Ngũ gia, cầu xin ngài…”
Chỉ nghe giọng ông khàn khàn, có lẽ là do nhiều năm rồi không nói nên đầu lưỡi dường như đã cứng lại, một câu nói mà đứt quãng mấy lần. Nhưng chỉ mấy từ ấy đã khiến cho trong lòng Khương Hằng trào lên những đợt sóng mạnh mẽ: Chú câm vì sao lại phải lừa dối mình? Vì sao ông phải giả thành người câm như vậy? Vì sao ông lại biết tên quan sai này?
Chú câm khấu đầu mãi không thôi, tận đến khi trên trán đã tóe máu, ông giơ tay túm lấy ống quần đối phương, khổ sở cầu xin: “Ngũ gia, cầu xin ngài, cứ coi như chưa từng gặp tôi…”
Bây giờ, giọng chú câm đã lưu loát hơn khi nãy, mà giọng nói của ông, Khương Hằng nghe trong tai mình cũng có một cảm giác quen thuộc khó nói thành lời. Sâu trong đáy lòng, Khương Hằng lờ mờ cảm thấy có điểm gì đó rất không ổn, nhưng lại không thể nhận rõ được, chỉ có cảm giác trái tim bị một nỗi bất an xâm chiếm, như muốn nuốt lấy mình.
Chỉ thấy gã quan sai được gọi là “Ngũ gia” ấy co chân đá văng chú câm đang bám lấy chân hắn ra xa, chau mày nói: “Lạy ta thì có tác dụng gì? Trên đã có lệnh, ô
Bình luận truyện