Chương 3: 3: Đời Này Không Được Cưới Vợ
Ban đầu hôn ước của Tô Lạc Yên và Cố Tu Yến xuất phát từ một câu nói đùa của đương kim Hoàng Đế.
Cha nàng - Tô thái phó từng là thư đồng của Hoàng đế thời niên thiếu, lúc đó hoàng đế chỉ là Tam hoàng tử.
Trong lúc tranh đoạt ngôi vị Thái tử với các hoàng tử khác, Tô thái phó ở bên cạnh bày mưu tính kế cho hắn, trung thành tận tâm, nhiều lần bị lôi kéo cũng không dao động, vì thế rất được Tam hoàng tử coi trọng.
Sau đó Tam hoàng tử đoạt được nghiệp lớn, đăng cơ làm đế, Tô thái phó cũng nhiều lần đưa ra kiến nghị, cống hiến rất nhiều chính sách tốt để cai trị quốc gia, trở thành trọng thần bên cạnh Hoàng đế, quyền cao chức trọng.
Tuy hai người là quân thần, nhưng làm bạn nhiều năm nay, tình nghĩa so với người thường không thể so sánh được, trong tối lại càng giống như tri kỷ thâm giao.
Bởi vậy đến khi thê tử của Tô thái phó - Diêu thị có thai, Hoàng đế vừa nghe được tin tức này, liền cười nói: Tô khanh tài đức như thế, mặc dù ngươi và trẫm là quan hệ quân thần, nhưng trẫm còn muốn kết thành "Tần Tấn chi hảo"* với ái khanh nữa.
Ý tứ chính là ta rất thưởng thức ngươi, chỉ làm quân thần thôi thì không thỏa mãn, còn muốn kết làm thông gia với ngươi.
Thực ra dù là Tô thái phó hay Hoàng đế cũng không hề để bụng những lời này, lúc đó bọn họ chỉ ngầm nói chuyện phiếm với nhau, cũng không phải là chuyện công khai trước mặt công chúng.
Nhưng quân vô hí ngôn, Hoàng đế không giống người bình thường, mỗi một câu nói của hắn đều sẽ bị vô số người có tâm phỏng đoán.
Quả nhiên chẳng bao lâu sau, lời nói đùa giỡn kia liền truyền khắp hoàng cung, rồi lan ra toàn bộ kinh thành.
Hoàng đế không thể tự vả mặt mình, liền ngầm thừa nhận, không làm sáng tỏ lời đồn đãi này, cứ như vậy hôn ước của hai nhà định ra bằng một câu nói.
Tô thái phó là người thông minh, sau khi đích nữ Tô Lạc Yên sinh ra, hắn liền ngay lập tức tự mình xin từ chức thừa tướng đương thời, bày tỏ ý nguyện được làm một tiên sinh dạy học.
Hoàng đế nhiều lần giữ lại nhưng không có kết quả, đành phải cho hắn nhậm chức Thái phó, dạy thi thư* lễ nghi cho các vị hoàng tử.
*Thi thư: Hai bộ sách kinh điển của Nho giáo gồm Kinh Thi và Kinh Thư
Mặc dù hiện tại hắn là thái phó không có thực quyền, nhưng sự kính trọng của mọi người đối với hắn chỉ có hơn chứ không hề giảm đi.
Tô thái phó vốn có danh tài học, tài năng của ông được Hoàng đế nhiều lần khích lệ tán thưởng, đến nay hoàng đế vẫn thường xuyên hỏi ông về quốc sách.
Mắt thấy hắn sắp trở thành quốc trượng tương lai, ai cũng không dám xem thường hắn.
Hoàng đế đã mở miệng vàng lời ngọc nói muốn kết thân với Tô gia, Tô Lạc Yên liền trở thành Thái tử phi nội định trong lòng mọi người, nhiều năm qua bất kể là Tô thái phó, hay là chính nàng, đều chuẩn bị tốt cho việc gả vào hoàng gia.
Nhưng hiện tại A Lạc đã tới rồi, hôn ước này tuyệt đối không thể tiếp tục.
Hoặc là đổi một phương thức khác, để cho một nữ nhi khác của Tô gia là Tô Bạch Vi gả vào hoàng gia, về bản chất vẫn là hai nhà kết thân.
Mục đích của Tô Bạch Vi không phải là danh chính ngôn thuận gả cho Cố Tu Yến sao? Hiện tại A Lạc tính toán cho bọn họ một cơ hội, bớt đi những tiết mục cẩu huyết ngược luyến tình thâm ở giữa, trực tiếp đến màn người có tình cuối cùng cũng thành người một nhà luôn.
Trong lòng A Lạc nghĩ như vậy, nhưng lại giơ tay lên che mặt, giả bộ khóc thành tiếng: "Bây giờ danh tiết Lạc Yên đã mất, không còn mặt mũi nào mà gả cho điện hạ nữa?"
Cố Tu Yến nói: "Sao Yên Nhi lại nói ra lời này? Hôm nay ta cũng có mặt, là do Yên Nhi nóng lòng cứu người, huống hồ Thế tử Viễn Đình Hầu kia là người mù, ta sẽ không hiểu lầm ngươi, Yên nhi không cần để ý."
A Lạc dùng sức lắc đầu, lộ ra một đôi mắt đẫm lệ mông lung, ngẩng đầu nhìn thẳng Cố Tu Yến: "Điện hạ đừng an ủi ta nữa, ta biết điện hạ lòng dạ rộng lượng, ngài là Thái tử điện hạ tôn quý, được vạn người kính ngưỡng yêu mến, là nhân vật giống như thần minh vậy, sao có thể cưới một nữ tử thanh danh tổn hại làm vợ được chứ? Chờ đến ngày ngài vinh dự đăng quang đại bảo*, e rằng lúc đó sẽ bị người ta nhạo báng.
Lạc Yên không xứng với ngài, thỉnh điện hạ trở về đi thôi."
Đại bảo: ngôi vị hoàng đế (vì hoàng đế vẫn còn tại vị nên nếu để là "đế vị" thì A Lạc sẽ thành phạm thượng)
Thiếu nữ một thân thanh y, tóc đen như mực, da thịt như tuyết.
Một đôi mắt ngậm nước rưng rưng, trong suốt tựa như làn thu thủy, đôi môi tái nhợt thất sắc tựa như đóa hoa điêu linh suy yếu.
Sững sờ nhìn nàng, trong đầu vang vọng lời nói vừa rồi, đột nhiên trong lòng Cố Tu Yến khẽ động.
Hóa ra ngày thường nàng cứng nhắc, khô khan như một khúc gỗ, vừa thấy hắn chỉ biết cúi đầu hành lễ, chỉ cần đến gần một chút Tô Lạc Yên đều sẽ nói là không hợp lễ, vậy mà lại sùng kính hắn như vậy sao?
Có phải hiểu biết của hắn về nàng quá ít rồi không? Sao trước kia không phát hiện ra, Tô Lạc Yên cũng có một tuyệt thế dung nhan?
Ý niệm này chỉ chợt xẹt qua trong lòng hắn, Cố Tu Yến vẫn chưa suy nghĩ sâu xa.
Hắn lắc đầu nói: "Yên nhi đừng hồ nháo, hôn sự của chúng ta chính là phụ hoàng tự mình định ra, sao có thể dễ dàng thay đổi được." Nếu không phải như thế, sao hắn phải nguyện ý bị hôn ước này trói buộc, ngay cả người mình yêu cũng không thể cưới.
A Lạc: "Bệ hạ cũng chỉ nói là kết thông gia với phụ thân ta, nhưng người lại không chỉ có một nữ nhi là ta".
Nàng rũ mắt xuống, lông mi dày rậm bao phủ xuống, che lấp một đôi mắt sáng, nhìn dáng vẻ vô cùng sa sút, "Mà...!tâm của Điện hạ đã đặt trên người Bạch Vi muội muội, nếu có thể cưới muội muội làm thê tử, hẳn là điện hạ sẽ hết sức vui mừng."
Cố Tu Yến bị nàng nói tới ngẩn người, bỗng nhiên phản ứng lại, chuyện này cũng không phải là không được a!
Nhưng hắn không tin Tô Lạc Yên sẽ hiểu lòng người như vậy, suy nghĩ vì hắn, không tránh khỏi hoài nghi hỏi: "Yên nhi...!nàng thực sự nghĩ vậy?"
Thiếu nữ giơ tay lau khóe mắt, phảng phất như đang lau nước mắt, nghẹn ngào nói: "Lạc Yên tự biết mình không xứng với điện hạ, vả lại không phải là lương nhân trong lòng điện hạ thì tội gì phải cưỡng cầu? Điện hạ tự mình đi đi, Lạc Yên muốn nghỉ ngơi."
Nói xong, nàng trực tiếp nằm xuống, nghiêng người đưa lưng về phía Thái tử, giống như giận dỗi vậy.
Bờ vai gầy hẹp của thiếu nữ căng chặt dưới lớp chăn mỏng, cuộn mình thành một đoàn nhỏ ở đó, cùng với mái tóc dài uốn lượn trên gối, lộ ra một đoạn cổ trắng như tuyết.
Quanh người nàng quanh quẩn khí tức bi thương bất lực, không hiểu sao lại khiến người ta thương tiếc.
Thấy vậy, Thái tử cũng không nhiều lời nữa, vội vàng ra khỏi cửa.
Trong đầu hắn đều là lời A Lạc vừa nói, chỉ muốn nhanh chóng gặp người trong lòng mình, kể lại niềm vui ngoài ý muốn này cho nàng.
Vừa vào viện của Tô Bạch Vi, Cố Tu Yến liền nhìn thấy nàng đang dùng khăn nóng đắp lên đầu gối.
Thấy hắn đột nhiên vào phòng, Tô Bạch Vi hơi giật mình, vội vàng buông váy xuống, đáng tiếc vẫn chậm một bước.
"Xảy ra chuyện gì? Sao lại bị thương?" Sắc mặt Cố Tu Yến lạnh lùng, nhanh chân tiến lên.
Tô Bạch Vi rụt rè nói: "Không, không có gì..."
Cố Tu Yến trực tiếp cường ngạnh nhấc làn váy của nàng lên, lộ ra bắp chân trắng nõn cùng hai đầu gối đỏ bừng.
Hành động này quá khác thường, lại càng thô lỗ.
Nhưng nghĩ đến một phen tiếp xúc thân mật dưới nước ngày hôm nay, Tô Bạch Vi cũng không ngăn cản.
Chỉ là sắc mặt ửng đỏ, ráng hồng nhuộm trên gương mặt, khuôn mặt thanh lệ cũng trở nên kiều diễm ướt át.
"Điện hạ, đừng..."
"Nói đi, vết thương này là như thế nào?"
Gương mặt nhỏ nhắn của Tô Bạch Vi trắng bệch, nói: "Ta hại đại tỷ rơi xuống nước, nên đã tới thỉnh tội với nàng...".
Nàng nói như vậy, vốn là muốn được Thái tử thương tiếc, để cho Thái tử giận chó đánh mèo lên Tô Lạc Yên, cho rằng nàng là nữ tử ác độc.
Lại không ngờ Cố Tu Yến trầm mặc một lát, sau đó gật đầu nói: "Nên làm như vậy, nàng là thứ nữ, Yên nhi vì cứu nàng mà rơi xuống nước, cũng nên đến quỳ thỉnh tội với nàng ấy."
Tô Bạch Vi: "??? "
Sao chuyện này lại không giống như những gì nàng đã nghĩ?
***
Vừa mới ứng phó xong một thái tử, phụ thân nàng lại tới, A Lạc có chút đau đầu.
Tô thái phó từ trong cung trở về, dọc theo đường đi gần như đã hiểu được toàn bộ đầu đuôi câu chuyện rồi.
Khi A Lạc nhìn thấy hắn, sắc mặt Tô thái phó ôn hòa, vẫn như thường ngày.
Cái khó trong việc ứng phó với người cha này chính là, A Lạc sợ bị phát hiện nàng không phải Tô Lạc Yên nguyên bản.
A Lạc không phải là một người, có thể nói nàng là một loại thể ý thức, sinh ra do chính sự thương tiếc của độc giả đối với nam nữ phụ.
Cô đã xuyên qua vô số cuốn sách, nhiệm vụ là thay đổi số phận bi thảm của nam nữ phụ, để họ có được hạnh phúc.
Mà quy tắc duy nhất nàng cần tuân thủ, chính là không thể làm sụp đổ "thiết lập nhân vật".
Nàng xuyên thành Tô Lạc Yên, trong mắt người khác nàng phải sống cho ra dáng vẻ của Tô Lạc Yên.
Đây cũng không phải là việc khó gì, A Lạc là thể ý thức, từ khi nàng tiến vào trong cơ thể Tô Lạc Yên, đã thu nhận tất cả ký ức về thói quen và kỹ năng của thân thể này, thoạt nhìn thì không khác gì với Tô Lạc Yên cả.
Chỉ là Tô thái phó quá thông minh, A Lạc nhất định phải thật cẩn thận, bằng không bị phát hiện ra, làm sụp đổ "thiết lập nhân vật", nàng sẽ bị thế giới bài xích ra ngoài.
Trước kia đã từng xảy ra chuyện như vậy, có lần mục tiêu nhiệm vụ của A Lạc là tiếp cận một nam phụ mưu sĩ túc trí đa mưu, kết quả vừa mới gặp mặt đã bị đối phương nghi ngờ thân phận, nhiệm vụ thất bại tại chỗ.
Cũng may A Lạc có kinh nghiệm phong phú, nên Tô thái phó không hề nhận ra sự khác thường nào.
Trước tiên,Tô thái phó quan tâm A Lạc vài câu, sau đó nghiêm mặt hỏi: "Yên nhi, đối với chuyện hôm nay con nhìn nhận thế nào?"
Trong lòng A Lạc biết lời này của Tô thái phó có ý gì, hơn nữa lấy cách làm người của Tô thái phó mà xem, rất có thể suy nghĩ này sẽ có lợi cho nàng.
Nàng dè dặt đáp: "Nữ nhi nhìn ra Thái tử điện hạ vừa lòng Bạch Vi muội muội, cũng không thích nữ nhi."
Tô thái phó ừ một tiếng, thở dài nói: "Lời nói năm đó chẳng qua chỉ là một câu nói đùa, nào biết sẽ tạo thành cục diện như bây giờ? Vi phụ chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ để Yên nhi tiến vào thâm cung ăn thịt người kia, hôm nay Thái tử không đoái hoài gì đến con ta, ai biết ngày sau có vứt bỏ con hay không? Thái tử người này, quá mức vô tình, thực sự không phải là một lương phối."
A Lạc yên lặng lắng nghe, trong lòng không ngừng gật đầu.
Tô thái phó nhìn người thật chuẩn, kết cục của Tô Lạc Yên trong sách không phải là như vậy sao?
"Dưa hái xanh không ngọt, nữ nhi cũng không muốn cưỡng cầu đoạn nhân duyên này, phụ thân, xin người làm chủ cho nữ nhi."
Tô thái phó im lặng cân nhắc, lúc này Diêu thị bỗng nhiên đi ra từ phía sau bình phong, chắc bà cũng nghe được hai cha con nói chuyện, thần sắc bi thương đã giảm đi một chút, nói: "Yên nhi, con suy nghĩ rất thoáng, nhưng thanh danh của con đã bị tổn hại, mấy năm nay vì chờ đợi Thái tử trở về từ quan ngoại mà tuổi cũng đã lớn, chỉ sợ sẽ không tìm không được người tốt."
A Lạc thăm dò hỏi: "Con nhớ, hôm nay người cứu con là một công tử..."
Diêu thị không chút nghĩ ngợi liền lắc đầu nói: "Người con nói là Thế tử Viễn Đình Hầu? Hắn không được."
A Lạc trừng mắt nhìn, suýt chút nữa thì mở miệng hỏi sao lại không được? Rõ ràng trong sách người Văn Nhân Cẩn cưới là Tô Bạch Vi, sao đến nàng thì lại không được? Thật là không có đạo lý mà!
"Chẳng lẽ là bởi vì mắt hắn bị mù?" Nàng không nhịn được hỏi.
Tô thái phó giải thích: "Không phải như vậy, Thế tử Viễn đình Hầu mới hai mươi tuổi, tài học đã là tuyệt thế vô song, thực sự là nhân vật hiếm thấy trên đời, vả lại hắn là người quân tử, lục nghệ xuất chúng, cho dù mù mắt cũng đã hơn xa rất nhiều công tử thế gia trong kinh thành.
Chỉ là hắn sống ở Thiên Môn Sơn, không phô trương thanh thế mà thôi." Trong lúc nói chuyện, Tô Thái phó rất tán thưởng Văn Nhân Cẩn, hắn chuyển lời, "Nhưng khi thế tử còn nhỏ thân thể yếu ớt, may mắn được trưởng môn Thiên Môn sơn thu làm đệ tử, hiện giờ đang dốc lòng tu hành, Đạo trưởng đã nói rõ rằng, đời này thế tử không được cưới vợ.
Cẩn tuân theo lời sư phụ, đến nay bên cạnh Thế tử Viễn Đình Hầu vẫn không có một nữ quyến nào."
Nghe xong A Lạc mộng bức luôn, trong sách căn bản không viết đến đoạn cốt truyện này!
Nhìn chung sách truyện thường được viết dưới góc nhìn của nam nữ chính, còn nam nữ phụ chỉ được nêu ra khi cần thiết, phần lớn bối cảnh của họ đều rất mơ hồ.
Trong sách, khi nam phụ xuất hiện chỉ đề cập đến việc hắn giữ mình trong sạch, ngay cả Thái tử còn có mấy nha hoàn thông phòng, mà trong hậu viện của hắn lại sạch sẽ đến mức kỳ lạ, cuộc sống của nữ chủ sau khi gả qua rất tiêu dao tự tại, muốn vụng trộm gặp nam chủ lúc nào thì gặp, có thể nói là vô cùng thuận tiện.
Lẽ nào bởi vì nàng không phải nữ chủ, nên mới xuất hiện lời sấm ngôn của vị sư phụ?
Cái này cũng quá xem thường nữ phụ rồi! A Lạc bi phẫn không thôi.
*Tần Tấn chi hảo: Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tả truyện".
Thời Xuân Thu, nhằm tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với nước Tần, Tấn Hiến Công đã đem con gái của mình gả cho Tần Mục Công.
Về sau, Tấn Hiến Công khi tuổi về già rất ân sủng Hoàng phi Ly Cơ, bức chết Thái tử Thân Sinh.
Ly Cơ lại còn muốn bức hại hai vị công tử là Di Ngô và Trùng Nhĩ, khiến hai người đành phải trốn khỏi nước Tấn.
Sau khi Tấn Hiến Công qua đời, con trai của Ly Cơ lên làm vua, nhưng ít lâu sau bị hai vị đại phu trung thành với công tử Di Ngô giết chết.
Họ còn cử người đi đón công tử Di Ngô đang sống lưu vong ở nước Lương về làm vua.
Công tử Di Ngô được Tần Mục Công cử quân hộ tống trở về nước Tấn.
Mấy năm sau, nước Tấn xảy ra nạn đói phải cầu cứu với nước Tần, được Tần Mục Công giúp cho khá nhiều lương thực.
Nhưng mặc dù nước Tấn nhiều lần nuốt lời hứa và nói nước Tần những lời dị nghị, Tần Mục Công vẫn rất khoan dung độ lượng, giữ mối bang giao với nước Tấn.
Bấy giờ, công tử Trùng Nhĩ đang sống lưu vong tại các nước chư hầu, cuối cùng lưu lạc đến nước Tần.
Tần Mục Công rất mến mộ và gả Công chúa Hoài Doanh cho chàng.
Công chúa Hoài Doanh thấy Trùng Nhĩ rất coi thường mình liền nói: "Hai nước Tần Tấn địa vị ngang nhau, tại sao chàng lại khinh rẻ tôi?".
Trùng Nhĩ biết mình đã sai, bèn lập tức xin lỗi nàng.
Về sau, Tần Mục Công cử người hộ tống Trùng Nhĩ về nước.
Cuối cùng Trùng Nhĩ trở thành vua nước Tấn, rồi cũng cho con trai mình lấy con gái vua nước Tần làm vợ.
Hai cha con đều thông gia với nước Tần.
Câu thành ngữ này vốn nói về hai nước thông gia hữu hảo.
Nhưng ngày nay người ta vẫn thường dùng nó để chỉ về hôn nhân nam nữ..
Bình luận truyện