Kiêu Phong

Quyển 5 - Chương 200: Bắt vua



Cửa nam thành U Châu bị mất chẳng khác nào thành U Châu đổi chủ. Thành U Châu rộng lớn, từ sau khi Yến quốc thành lập cũng đã học theo kiến trúc Khai Phong phủ của Chu quốc. Có thể nói là kích thước tương đương với Khai Phong phủ. Mười nghìn quân Yến thủ thành, mỗi mặt chỉ có thể có hơn hai nghìn quân thủ, sao cóo thể chống đỡ được với hai trăm nghìn đại quân tiến công.

Sau khi hạ thành, một trăm nghìn quân Tấn vào thành tiếp quản trấn thủ. Một trăm nghìn quân Tấn đóng ở bên ngoài nghỉ ngơi. Chu Vũ muốn đón đầu kỵ binh Yến quốc gấp rút tiếp viện một trận thật đau, mà ở bán đảo Cao Ly, sở dĩ Chu Vũ muốn bỏ tập kích Yến quốc chính là vì rất khó ứng phó với kỵ binh của Yến Quốc, lo cô quân không được giúp đỡ bị vây chết trên đất Yến.

Một trăm nghìn đại quân xuất phát hướng về tây nam mười dặm, đã mở ra quân trận chờ kỵ binh Yến quốc. Chu Vũ biết bên phía sông Cự Mã có một trăm nghìn quân Yến quốc, trong đó có ba mươi nghìn kỵ binh. Mà thành U Châu đối mặt với nguy cơ, ba mươi nghìn kỵ binh Yến quốc sẽ phải gấp rút đi tiếp viện trước. Chu Vũ chính là muốn dùng nỏ thần để đả thương kỵ binh Yến quốc.

Chạng vạng tối, phía tây nam quả nhiên đã có lượng lớn kỵ binh, vừa thấy địch tới quân bộ lập tức nghiêm trận sẵn sàng. Kỵ binh Yến quốc dừng lại một lúc, sau thời gian một nén nhang xuất phát xung trận. Nguyên nhân là trận địa của Chu Vũ ngăn cản phản kích, khiến cho chủ soái kỵ binh Yến quốc phán đoán sai lầm, cho rằng trong thành U Châu vẫn chưa bị mất, đương nhiên là phải nhanh chóng đột phá tiếp viện.

Hàng vạn kỵ quân vạn ngựa lao chạy, như sấm sét chấn động mặt đất, bụi bay ngợp trời. Quân Yến ai nấy giơ lá chắn lên, vẻ mặt dữ tợn dũng mãnh lao về phía trước. Có thể nói nhân khẩu Yến quốc ít hơn Chu quốc quá nhiều. Nhưng kỵ quân của Yến quốc lại nhiều hơn Chu quốc mấy lần. Nếu không có kỵ quân mạnh, Yến quốc sớm đã bị Chu quốc hoặc Liêu quốc tiêu diệt rồi.

- Thay đổi trận.

Chu Vũ trầm giọng hạ lệnh, quân trận liền thay đổi, lộ ra ba hàng quân nỏ thần, tổng cộng mười hai nghìn tướng sỹ, có tám nghìn quân nỏ thần ở lại bán đảo Cao Ly, trấn thủ thành trì trọng yếu.

- Bắn!

Chu Vũ hạ lệnh, trong quân phất cờ, lập tức có bốn nghìn quân nỏ thần xạ kích, bốn nghìn mũi tên lao đi, vô tình bắn vào cơ thể kỵ binh quân Yến, lập tức có hơn hai nghìn kỵ binh ngã nhào xuống đất.

Tiếp theo đợt sóng thứ hai được bắn ra, mà quân nỏ của đợt một cúi người lắp tiễn, chờ sau khi quân nỏ đợt ba bắn xong, quân nỏ đợt một lại đứng dậy bắn, liên tiếp sáu loạt mưa tên, có hơn mười nghìn kỵ quân Yến quốc ngã xuống, hình thành thế cục một phía giết hại.

Nhưng còn có hơn mười nghìn kỵ quân xông gần tới quân bộ. Quân bộ liền xả tới mưa tên tiếp đón. Quân lá chắn và quân trường thương hô lớn, dũng mãnh lao về phía trước, bày ra trận thế ngăn cản, tiếng hò hét vang trời. Gần mười nghìn kỵ quân Yến quốc đã đánh tới doanh trận quân bộ, cảnh chém giết đẫm máu tàn khốc diễn ra.

Kỵ quân Yến quốc xông vào trong trận quân bộ, mã đạp đao bổ, nhưng rất nhanh đã trở thành ác mộng. Những quân nỏ thần ở xa đã trà trộn vào trong quân khác, không ngừng bắn giết kỵ quân Yến quốc. Mà kỵ quân Yến quốc gặp quân bộ không những dũng mãnh mà còn quá nhiều, quân xung phong bị tổn thất, kỵ quân còn lại vừa tiến vào trận địa quân bộ quả đúng là trâu đất xuống biển, chưa qua được mấy chục thước đã bị bao vây tiêu diệt.

Khi màn đêm buông xuống, ba mươi nghìn kỵ binh Yến quốc hầu như đều bị tiêu diệt, chỉ chạy được một nghìn quân chủ soái. Chu Vũ hạ lệnh thu dọn chiến trường, hơn nữa ngay trong đêm tổ chức kỵ quân, đưa hai mươi nghìn ngựa tốt trở về thành U Châu, chọn ra tướng sỹ cưỡi ngựa trong quân tập kết lại xây dựng quân.

Sáng hôm sau, Chu Vũ và Vương Bình thống lĩnh một trăm hai mươi nghìn quân tiến tới sông Cự Mã, chủ động đối phó với bảy mươi nghìn quân Yến ở sông Cự Mã và Hoàng đế Việt quốc, để Tống Lão Thanh ở lại trấn thủ thành U Châu.

Hoàng đế Yến quốc và triều đình sợ hãi, vừa nhanh chóng điều quân ở Chu quốc về, vừa tới sông Cự Mã phòng ngự quân địch đến từ quốc nội. Đại quân của Chu Vũ và Vương Bình đã tới sông Cự Mã, lại chỉ nhìn sông thở dài.

Sông Cự Mã mùa hạ rất rộng mà sâu. Nếu gượng ép vượt sông đương nhiên là thương vong rất lớn. Chu Vũ cũng giống Lục Thất, quân chiến luôn tiếc binh. Mặt khác phía đông bắc và phía bắc Yến quốc còn có đại quân, cũng có thể đối phó được với ba người Chu Vũ. Mục đích Chu Vũ xuất binh sông Cự Mã chính là ép Hoàng đế Yến quốc vượt sông Cự Mã.

Chu Vũ để năm mươi nghìn quân đóng ở sông Cự Mã, phòng Hoàng đế Yến quốc quay trở về bờ bắc sông Cự Mã. Y và Vương Bình dẫn quân tới tấn công Kế Châu ở phía đông bắc, từng bước tiến chiếm 16 châu Yến Vân.

*********

Lục Thất và quân Yến quốc giằng co chiến đấu hơn nửa tháng, lệnh thám báo nghiêm mật chú ý động tĩnh của quân Yến. Sau cùng, vào một buổi trưa, thám báo liền chạy tới cấp báo, nói kỵ quân Yến quốc bỗng tập kết đi về phía bắc. Lục Thất đoán là Chu Vũ đã tập kích kinh thành Yến quốc. Hắn liền hạ lệnh tiếp tục cẩn thận thúc tiến, lại đề phòng hồi mã thương của quân Yến.

Nhưng quân Yến rút lui cũng rất nhanh, ngay cả quân thủ thành chiếm cứ cũng không để lại. Kỵ quân, bộ quân đều đi về phương bắc. Lục Thất theo quân tình của thám báo hồi báo mười mấy lần, cuối cùng có thể xác định được quân Yến là thực sự thu quân đi về phương bắc. Song hắn vẫn rất cẩn trọng, lệnh cho đại quân tích cực đẩy mạnh, nhưng nhất định phải giành được thành trì làm chỗ đứng trước, sau đó mới tiếp tục tìm địch truy kích.

Hiện giờ tướng sỹ trấn thủ phương bắc quy thuộc dưới trướng Lục Thất, trước sự rút lui của quân Yến vừa vui mừng vừa lo lắng. Mặc dù Lục Thất hạ lệnh cẩn trọng tiến lên phía trước, nhưng vẫn còn rất nhiều tướng soái nghi ngờ. Lục Thất chỉ trả lời một câu, có lẽ Dương Diên Chiêu đã ở thành U Châu rồi. Các tướng soái giật mình, đúng vậy, Dương Diên Chiêu thống lĩnh năm mươi nghìn kỵ quân đã đi rất lâu rồi, không có tham gia cuộc chiến thu phục.

*********

Dương Diên Chiêu không thể tới được thành U Châu, nhưng lại vòng tới trung du sông Cự mã, men theo sông Cự Mã cẩn trọng hành quân, tìm địa điểm thích hợp phục kích. Trong lúc hành quân, thám báo đã hồi báo cho y một chiến cơ, phát hiện có bảy mươi nghìn quân Yến đóng quân ở bên bờ sông Cự Mã, có một bộ phận quân Yến là quân Vũ Lâm. Có lẽ, trong số những quân Yến đó có hoàng tộc Yến quốc.

Dương Diên Chiêu nghe xong hồi báo, suy nghĩ hồi lâu, sai người đi mời Đô ngu hầu các quân tới. Mặc dù Tuyên phủ sứ bổ nhiệm y là chủ soái năm mươi nghìn kỵ quân, nhưng y còn trẻ, lại chưa có nhận biết gì về năm mươi nghìn kỵ quân này. Có thể nói bất kỳ vị Đô ngu hầu nào cũng đều trưởng thành hơn y, cho nên y không nên độc đoán chuyên quyền.

Sau khi các Đô ngu hầu tới, hành quân lễ cung kính bái kiến Dương Diên Chiêu. Dương Diên Chiêu liền bắt đầu cảm thấy sự tôn kính khác nhau của các Đô ngu hầu đối với y. Đô ngu hầu của kỵ quân Lục Thiên Phong vô cùng tôn kính y, không có bất kỳ chậm trễ nào. Còn Đô ngu hầu từ quân Phó Tiềm lại có chút thái độ đối phó, nhưng vì có sự tôn kính của Đô ngu hầu Lục Thiên Phong, dần dần Đô ngu hầu xuất thân quân Phó Tiềm cũng đã không còn chậm trễ nữa.

Dương Diên Chiêu nói quân tình hồi báo của thám báo, hỏi các Đô ngu hầu có nên nắm lấy chiến cơ đi tiêu diệt không? Các Đô ngu hầu phần lớn đều tán thành đi tiêu diệt, số ít lo lắng sẽ vì cái nhỏ mà mất cái lớn. Nhưng, Đô ngu hầu tán thành cho rằng bảy mươi nghìn quân chính là cá lớn. Hơn nữa, sau khi làm được rồi, có thể nhanh chóng che cái đuôi của mình đi.

Dương Diên Chiêu cũng muốn tiến công tiêu diệt bảy mươi nghìn quân Yến, bởi vì tiêu diệt từng bộ phận là thượng sách. Nếu để quân Yến tập kết mười mấy vạn đại quân, e là nuốt không nổi, vì thế năm mươi nghìn kỵ quân tập kích bảy mươi nghìn quân Yến chỗ Hoàng đế Yến quốc.

Năm mươi nghìn kỵ quân thanh thế rung chuyển trời đất. Lực chú ý của bảy mươi nghìn quân Yến luôn đặt trên việc phòng ngự bên kia sông, đối với các phương vị khác chỉ đơn giản là trinh sát qua loa. Nhưng năm mươi nghìn kỵ quân từ thượng du sông Cự Mã nhanh chóng đánh tới, sau khi trinh sát phát hiện hồi báo cũng đã muộn rồi. Bảy mươi nghìn quân Yến vội vã điều chỉnh quân lực ứng chiến, lại bị năm mươi nghìn kỵ quân phá nát doanh trại lao tới giết chết.

Dương Diên Chiêu thân là chủ soái không tiên phong xông lên, nhưng cũng rất nhanh tiến vào doanh trại quân địch chiến đấu. Y dùng đại thiết thương nhằm vào quân địch mà xông tới. Bảo vệ doanh trướng đó đều là quân Vũ Lâm, lại bị kỵ quân xông lên chém giết rối loạn, nhưng vẫn dũng mãnh ra sức chống đỡ.

Dương Diên Chiêu vừa xông vào quân Vũ Lâm Yến quốc, lập tức đã mở được một đường máu. Kỵ quân phía sau y cũng đều là quân mạnh của Định Quốc Công, theo chủ soái xông vào quân địch.

Mấy mũi tên lao về phía Dương Diên Chiêu. Dương Diên Chiêu liền dùng đại thương ngăn cản, đánh bay mũi tên phóng tới, chiến mã dưới thân xông tới đại trướng, trực tiếp đạp tung trướng lao vào.

Tiếng hò hét vang trời, tiếng đao kiếm va vào nhau dội tới tai Dương Diên Chiêu. Đại thương của Dương Diên Chiêu quét đánh vang lên ầm ầm. Lát sau liền đánh lui bốn người luyện võ tập kích. Còn người ngựa của Dương Diên Chiêu lại tiếp tục xông lên phía trước, mắt nhìn thẳng tới nhân vật mặc áo gấm vàng, đại thương của y lao thẳng tới.

- Không được giết Trẫm, đừng.

Người mặc áo gấm vàng đó sợ hãi kêu lên, lại là một người đàn ông trung niên mặt tròn, ngoài 40 tuổi, đại thương đầy máu dí thẳng vào cổ người trung niên đó.

- Hạ lệnh đầu hàng.

Dương Diên Chiêu nhướn mày uy hiếp.

- Đầu hàng, mau bỏ vũ khí xuống.

Người trung niên sợ hãi kêu lên, khuôn mặt xám xịt như tờ giấy trắng, hộ vệ xung quanh và quân Yến cứu giá xông tới đều ngây người ra như tượng gỗ. Sau khi nhìn nhau, không cam lòng hạ vũ khí xuống.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện