Giang Nam Ngoại Truyện

Chương 5: Lục Ngạc Điêu [2]



Jeanne

Hai người ta và Lâu Tây Nguyệt thong thả dạo phố Từ Châu. Bây giờ đang là tháng năm, gần tết Đoan Ngọ, phố đêm vô cùng náo nhiệt nhộn nhịp. Lâu Tây Nguyệt tựa hồ rất thích tìm dây tua cho chiếc quạt hoa đào của hắn, hễ gặp gánh hàng rong nào cũng dừng lại một lúc.

Đột nhiên nghe được một tràng tiếng hoan hô, ta theo tiếng nhìn sang, thì thấy cách đó không xa hình như có người diễn xiếc, dân chúng vây xem rất đông, thỉnh thoảng vỗ tay trầm trồ khen ngợi.

Ta đang muốn sang đó góp vui, chợt va phải một người đi đường, chỉ cảm thấy sau đầu nhẹ bỗng, lúc này mới phát hiện dây tơ buộc tóc đã rơi mất, tóc xõa xuống sau vai. Có người đỡ vai ta, rồi ta nghe thấy giọng nói của Lâu Tây Nguyệt, “Sư phụ đừng động, để Tây Nguyệt buộc lại tóc cho người.” Hắn dày vò đầu ta một lúc, xong xuôi mới mỉm cười nhìn ta, gật đầu đầy vẻ hài lòng.

Ta chỉ chỉ quán rượu cách đó không xa, ánh mắt lấp lánh nhìn Lâu Tây Nguyệt, “Tây Nguyệt, cơ hội để cậu báo đáp công ơn sư phụ đến rồi. Ta muốn khai trai*.”

*Khai trai: tín đồ Phật giáo hoặc tín đồ của các tôn giáo khác bắt đầu ăn mặn sau khi hết kỳ ăn chay.

Lâu Tây Nguyệt hào phóng nói, “Được. Thời gian này nhờ có sư phụ quan tâm chăm sóc, bây giờ người muốn ăn, muốn uống, muốn làm gì cũng được.”

Ta tìm một vị trí gần cửa sổ ngồi xuống, sau đó gọi vài món nhắm và hai vò rượu hoa điêu. Hoa điêu là loại rượu ta rất yêu thích, bởi vì tên rượu này khiến ta nhớ đến đại phong, cho dù nó có thừa nhận hay không, thì nó vẫn chính là một con bạch kiên hoa điêu. Nếu một ngày nào đó đại phong già đi rồi vĩnh biệt cuộc đời này, có lẽ ta có thể dùng nó để cất nên một bầu rượu ngon tuyệt thế.

Nhìn bóng đêm bên ngoài tửu lâu đã lên đèn, vừa hay là lúc ngâm thi tác đối, ngắm trăng thưởng sao.

Ta nhớ lại lời nói lần trước của Lâu Tây Nguyệt, bèn luận bàn với hắn, “Lần trước cậu bảo nam nhân yêu thích nữ tữ có tài hoa, thế có thể ngâm thơ cũng được coi là có tài hoa chứ?”

Lâu Tây Nguyệt nhíu mày, “Sư phục cũng có hứng thú này sao?”

Ta cười nói, “Thật ra ta cũng biết một, hai bài.”

Lâu Tây Nguyệt rót hai ly rượu, nhìn ta đầy hứng thú.

Ta hắng giọng một cái, thong thả ngâm, “Lục ảnh man yêu thể tự hương, khoan y giải đái hiến nông lang. Tao nhân cố hữu lăng vân chí, cốt thủy giang biên cảm đoạn tràng.”

*Tạm dịch:

Bóng xanh eo thon hương thơm ngát,

Cởi áo tháo đai dâng cho chàng.

Tao nhân cố hữu hùng tráng chí,

Nước cuộn bờ sông đánh vỡ lòng.

Lúc đó trong tay Lâu Tây Nguyệt đang cầm ly rượu đưa đến bên môi, nghe thế bỗng dừng động tác, nhìn ta sửng sờ.

Ta lấy một chiếc bánh tro* trong dĩa ra bóc vỏ, rồi vừa ăn vừa nói, “Thơ này là vịnh bánh tro.”

*Nguyên văn ‘tống tử’: là bánh tro hay bánh gio, bánh ú tro, bánh nẳng.

Tay Lâu Tây Nguyệt run lên, “…”

“Mấy ngày trước Uyển Nhi cô nương của Yên Chi Uyển được Thứ sử đại nhân cưới vào cửa, phải nói là cực kỳ phô trương, người không biết còn tưởng khuê nữ nhà đứng đắn gả nữa đấy.” Bàn đối diện bắt đầu có người nói chuyện bát quái.

Ta chọt chọt Lâu Tây Nguyệt, ý bảo hắn dỏng tai nghe chuyện. Nhóm người bàn bên chỉ dăm ba câu đã bới ra hết tám đời tổ tông của Hạ Đình Chi cùng hai nàng vợ lớn vợ bé của hắn. Ý tứ đại khái thế này:

Trước đây Tô Uyển Nhi là độc nữ của Tri Phủ Từ Châu Tô Thanh, Tô Thanh này lại xem Hạ Đình Chi như con ruột của mình, không chỉ tiến cử hắn tham gia khoa cử, mà còn hết lòng hết sức giúp hắn trong mười năm gian khổ học hành. Khi đó Hạ Đình Chi và Tô Uyển Nhi là một đôi thanh mai trúc mã ân ân ái ái; sau khi Hạ Đình Chi đậu Trạng Nguyên lập tức đưa sính lễ đến Tô gia, mắt thấy từ đây về sau chàng cùng nàng gắn bó keo sơn, kết tóc nắm tay, bạc đầu không rời, hai người cùng nhau bước đi trên con đường thênh thang hướng tới tương lai tươi sáng, nào ngờ một đạo thánh chỉ giáng tội của Hoàng thượng, Tô gia suy tàn, Hạ Đình Chi mang danh tội thần sung quân, không lâu sau Tô Thanh mất vì bạo bệnh, Tô Uyển Nhi tiến nhập thanh lâu nhuốm phong trần.

Sau đó Hạ Đình Chi được Nam Kỵ đại tướng quân nâng đỡ, thẳng đường một bước lên mây như diều gặp gió, được Hoàng thượng hạ chỉ ban chức Thứ sử Từ Châu – quan viên chính lục phẩm, rồi ở kinh thành cưới Lục Tiểu Nguyệt làm nương tử kết tóc.

Đương lúc hai người tận hưởng ngày tháng tân hôn mặn nồng, Lục Tiểu Nguyệt vẫn ở lại kinh thành thăm viếng người thân*, còn Hạ Đình Chi lẻ loi một mình đến Từ Châu nhậm chức, sau khi đến đây, việc làm đầu tiên đó chính là giăng đèn kết hoa mà rước Tô Uyển Nhi vào cửa.

*Nguyên văn ‘tỉnh thân’: về thăm cha mẹ (tục lệ). Sau khi kết hôn, đàng gái về nhà thăm cha mẹ, người thân.

Ta và Lâu Tây Nguyệt lắng nghe hết sức chăm chú, sau khi gom ghóp chắp ghép mấy tin tức này lại với nhau thì cũng dựng nên được một vở kịch đủ vị nào là quyền thế, lợi dục, âm mưu, phản bội và cả tình yêu tam giác. Ta cảm thán, “Hạ Đình Chi, chính là Trần Thế Mỹ [1] mặt người dạ thú. Lục Tiểu Nguyệt, chính là phiên bản Thôi Oanh Oanh [2] cân quắc* hồng nhan. Đáng thương nhất chính là Tô Uyển Nhi, nàng nhất định là Trần Viên Viên [3] chuyển thế, là Đỗ Thập Nương [4] tái sinh.

*Cân quắc: khăn trùm đầu của phụ nữ thời xưa; từ dùng để chỉ phụ nữ.

Lâu Tây Nguyệt tán thưởng, “Tổng kết không tệ lắm.”

Cứ thế ta tiếp tục, “Ta cho rằng, người trong lòng Hạ Đình Chi nhất định là Tô Uyển Nhi. Ngày xưa khi trở thành Trạng Nguyên chỉ ôm một lòng trung tâm báo quốc, nhưng bởi vì không có chỗ dựa mà tráng chí khó thành. Vì vậy khi gặp Nam Kỵ đại tướng quân, gặp Lục Tiểu Nguyệt, thì phỏng như chỉ cách mộng tưởng một bước nữa, thế là hắn sa ngã, thế là hắn kết duyên cùng Lục Tiểu Nguyệt chỉ nhằm dựa thế quyền quý. Sau này lại nhận ra Tô Uyển Nhi mới là chân ái, vì vậy lại quay đầu truy nàng.”

Ta còn muốn tiến thêm một bước mổ xẻ phân tích tình cảm trong lòng Hạ Đình Chi thì đột nhiên cảm thấy trên cổ lành lạnh, lại nhìn chúng thực khách bên cạnh, ánh mắt ai nấy đều đồng cảm đều thương tiếc đều kinh diễm mà nhìn ta.

Lại cúi đầu nhìn, một thanh kiếm gác trên cổ ta.

“Ngươi vừa nói gì? Lặp lại lần nữa!” Ta theo kiếm nhìn lên, thì thấy Lục Tiểu Nguyệt trong bộ váy áo màu hồng đào, mày liễu cong vút, môi đỏ mím chặt, trong ánh mắt xẹt qua một tia tàn khốc.

Ta run, ném một ánh mắt bi ai yểu điệu lên người Lâu Tây Nguyệt.

Lâu Tây Nguyệt tâm lĩnh thần hội khẽ gật đầu.

Ta vững dạ hơn chút, cười hùa nói, “Không… Vừa nãy ta đang cùng bằng hữu ngắm trăng, nhớ Giang Nam thôi.”

Lâu Tây Nguyệt hết sức phối hợp mà ngâm một đoạn <<Ức Giang Nam>>, “Hoa lạc tẫn, tịch mịch ủy tàn hồng. Điệp trướng mộng hồi không hiểu nguyệt, phượng lâu nhân khứ mạn đông phong. Xuân sự dĩ thành không.”

*Tạm dịch:

Hoa rơi hết, cánh hồng tàn hiu quạnh.

Màn bướm tỉnh mộng không trăng sớm.

Lầu phượng người đi giấu gió đông.

Xuân tình phút chốc hóa hư không.

Ngay cả người cả đời chỉ biết một bài <<Vịnh bánh tro>> là ta đây mà khi nghe bài thơ này cũng cảm thấy đa sầu đa cảm bao nhiêu, cũng cảm thấy được thơ này ý chỉ Lục Tiểu Nguyệt hiện nay phòng không gối chiếc thê lương cô tịch bao nhiêu.

Ta không tin: Vào thời khắc chỉ mành treo chuông này, vào thời khắc Lục Tiểu Nguyệt đang cầm kiếm gác trên cổ ta này, Lâu Tây Nguyệt ngâm một bài thơ thúc người hăm hở tiến bước giục người nhiệt huyết sôi trào như vậy là một sự trùng hợp.

Lục Tiểu Nguyệt nghe xong bài thơ này, được như nguyện mà nổi giận, quát một tiếng, “Mấy tên các ngươi, mỗi ngày chỉ biết khua môi múa mép sau lưng người khác. Hôm nay nếu ta không giáo huấn các ngươi một trận, các ngươi sẽ không biết trời cao đất rộng là gì.”

Ta sợ run cả người, xuất trận chưa đánh người đã chết trước ôi người đã chết trước.

Ngay khi một kiếm của Lục Tiểu Nguyệt sắp đưa ta đi luân lồi, đột nhiên một cái bánh tro liệng qua trước mắt khiến nàng ta hơi phân thần. Tức khắc ta chỉ cảm thấy có người kéo cánh tay ta, rồi nghe Lâu Tây Nguyệt nói, “Chạy~~”

Lâu Tây Nguyệt chân bước như bay, ôm eo ta chạy băng băng. Nhận thấy phía sau có một luồng kiếm phong rét căm căm quét tới, ta quay đầu lại, thì thấy Lục Tiểu Nguyệt cầm kiếm đâm thẳng tắp về phía ta. Lâu Tây Nguyệt đẩy ta ra, chỉ nghe ‘Sssisss’ một tiếng, cánh tay hắn bị mũi kiếm cắt thương, chảy ra ít máu. Lục Tiểu Nguyệt cắn môi vung kiếm bổ tới, Lâu Tây Nguyệt kéo ta né thoát.

Ta cuống lên, “Lâu Tây Nguyệt, sao cậu không chế trụ nàng ta?”

Lâu Tây Nguyệt thân nhẹ như yến ôm ta bay vụt lên không trung, chân đạp trên mái hiên chạy về phía Hạ phủ.

Đợi đến khi chạy được một đoạn, ta thử quay đầu nhìn lại phía sau thì không thấy Lục Tiểu Nguyệt đuổi theo nữa. Lúc này ta mới thoáng thở phào nhẹ nhõm, “Lục Tiểu Nguyệt này đúng là một con nha đầu điêu ngoa. Sao lúc nãy cậu không trừng trị nàng ta hả?”

Hắn xé ống tay áo băng tạm vết thương, nói, “Nàng là nữ nhân, Tây Nguyệt không thể động thủ được.”

Ta liếc mắt nhìn hắn, rầm rì nói, “Cậu đúng là nắm lòng đạo lý thương hương tiếc ngọc nhỉ.”

Trở lại Hạ phủ, ta vừa mở hộp thuốc lấy thuốc bôi cho Lâu Tây Nguyệt, vừa than thở, “Cuối cùng ta cũng đã hiểu vì sao Hạ Đình Chi muốn quay đầu. Cứ nghĩ đến một Tô Uyển Nhi dịu dàng cùng một Lục Tiểu Nguyệt chua ngoa, đúng là một mây một bùn*, một mây một bùn mà.”

*Nguyên văn ‘vân nê’: vân là mây ở trên trời, nê là bùn ở dưới đất, từ này được dùng để hình dung hai sự vật hoàn toàn khác xa nhau, trái ngược nhau.

Lâu Tây Nguyệt ngước mắt quét ta một vòng, nói, “Thật ra không phải mọi người đều thích nữ nhân dịu dàng như nước. Nữ tử trên thế gian đều có chỗ đáng yêu.”

Ta trịnh trọng nói với hắn, “Không sai không sai, cậu lĩnh ngộ rất thấu triệt.”

Đôi mắt sáng ngời của hắn nhìn ta đầy hứng thú, nói, “Đương nhiên, người không đáng tin nhất Tây Nguyệt cũng đã gặp, so với nàng ta, Lục Tiểu Nguyệt vẫn còn tốt hơn nhiều.”

Ta khen, “Cậu quả nhiên quen biết vô số nữ nhân, vi sư bội phục bội phục.”

Sau khi băng bó cho Lâu Tây Nguyệt xong, ta định bụng trở về phòng ngủ. Đêm lặng như nước, trong viện loang lổ ánh trăng. Một tràng cảnh như vậy thật dễ khiến con người ta hoài niệm chuyện xưa, vì vậy ta thấy chính giữa vầng trăng tròn, trên chóp mái hiên có một bóng người.

Bóng người kia hơi lắc lư, bước đi chênh vênh. Dưới ánh trăng nhìn lên, dường như đó là Lục Tiểu Nguyệt. Ta thoáng cái sợ hết hồn vía, lập tức quay đầu vào phòng tìm Lâu Tây Nguyệt.

Lúc đẩy cửa vào, Lâu Tây Nguyệt đã nằm lên giường. Ta vội vàng nói, “Lâu Tây Nguyệt, ta thấy Lục Tiểu Nguyệt đứng trên mái hiên. Không biết có phải vì vừa rồi bị hai ta kích thích một phen mà giờ muốn nhảy lầu tìm chết hay sao đấy nữa.”

Dứt lời ta kéo hắn đứng dậy, vừa lôi hắn đi vào viện, vừa chỉ lên bóng người trên mái hiên, “Nhìn đi, ở đó đó, cậu mau mang ta bay lên đó đi.”

Khi ta cùng Lâu Tây Nguyệt đến gần Lục Tiểu Nguyệt thì mới biết: Hóa ra ta nhìn lầm.

Trong tay nàng ôm một vò rượu lớn, uống đến say túy lúy. Ta kéo kéo tay áo Lâu Tây Nguyệt, “Cơ hội để cậu phát huy tác dụng đây rồi, ôm nàng xuống đi. Cứ say sưa trong đêm khuya thế này, nếu không để ý kỹ, người ta còn tưởng Hằng Nga nương nương đang nhảy múa nữa đấy.”

Lâu Tây Nguyệt than tiếc, “Tửu bất túy nhân nhân tự túy, đa tình tổng bị vô tình thương.”

*Tạm dịch:

Rượu không làm say người, chỉ có người tự say.

Đa tình rồi cũng bị vô tình tổn thương.

Trong miệng Lục Tiểu Nguyệt thì thào nói gì đó, dần dần đôi mắt nàng trở nên mơ màng, cuối cùng lệ rơi tí tách tí tách. Khi nhìn thấy một tiểu nữ tử giữa ban ngày hiên ngang oai hùng là thế, mà giờ phút này tháo bỏ lớp vỏ ngoài, nàng như một con thú nhỏ tự mình liếm láp vết thương khiến trong lòng ta không rõ là tư vị gì.

Nàng lại ngửa đầu uống một hớp rượu, lầu bầu gì đó, “Hạ Đình Chi, ta Lục Tiểu Nguyệt nhìn lầm ngươi rồi.”

Ta thân cùng là nữ nhân, hơn nữa cũng đồng dạng người ở trong tình cảnh sai lầm yêu một người không nên yêu, trong lòng nảy sinh cảm giác như tìm được đồng bạn, vì vậy ta đi tới cạnh nàng, an ủi nàng, “Thật ra bây giờ trong lòng cô đau đớn, ta rất hiểu.”

Lục Tiểu Nguyệt nghẹn ngào nói, “Chúng ta trở lại Tây Vực, chẳng lẽ không tốt sao?”

Ta vỗ vỗ vai nàng, “Hắn phụ cô, cô tội gì còn si tâm như vậy? Chi bằng cũng ra bên ngoài tìm một người khác, sau đó cùng hắn kiều quy kiều, lộ quy lộ, ân đoạn ý tuyệt.”

Lâu Tây Nguyệt vốn đứng bên cạnh nhìn đôi ta, nghe thế dứt khoát vén áo bào ngồi xuống cạnh ta, thấp giọng nhắc nhở bên tai ta, “Sư phu khuyên thì khuyên, nhưng chớ xúi giục nàng ta hồng hạnh xuất tường.”

Ta phản bác, “Cậu thì biết cái gì? Lúc này biện pháp tốt nhất đó là tìm một thế thân. Bằng không lún sâu vào bùn thì sẽ vạn kiếp bất phục. Cậu không biết, nữ nhân không giống nam nhân, có thể nắm thả tim mình như thường…”

Đang nói, thì bỗng thấy Lâu Tây Nguyệt nghiêng đầu nhìn ta, trong đôi mắt hiện lên sắc thái ta không hiểu được.

Ta ngậm miệng, quay đầu tiếp tục thảo luận tương tư với Lục Tiểu Nguyệt.

Lục Tiểu Nguyệt đã quá say, nàng tựa đầu trên vai ta, tự nói tự nghe mà điểm lại những kỷ niệm của nàng và Hạ Đình Chi. Ta dựa vào trí tưởng tượng phong phú cùng kinh nghiệm nghe hí tích lũy nhiều năm, đem đoạn cố sự tiểu thư xuân thì cùng thư sinh lâm nạn thêm thắt mà thành:

Phố đêm kinh thành, đèn như ban ngày, gió nhẹ xướng vãn, sênh ca không ngớt. Khi Lục Tiểu Nguyệt đang cùng nha hoàn ngắm nghía chọn lựa trong mấy gian sạp trang sức, chợt trông thấy một công tử dáng vẻ thư sinh thanh tú, chàng ta vận một bộ trường sam, tay cầm một cây trâm hoa đang hỏi giá chủ sạp. Nàng chỉ thoáng thấy gò má của công tử kia, đường nét rõ ràng mang theo phong thái của người trí thức.

Lúc đó, Hạ Đình Chi trông chẳng khác nào Trương Sinh bước ra từ <<Tây sương kí>> [5], là đối tượng thầm thương trộm nhớ điển hình trong lòng bao tiểu thư khuê các.

Lục Tiểu Nguyệt đương tuổi xuân thì, đương độ thiếu nữ hoài xuân, vì vậy <<Tây sương kí>> được nàng áp dụng hết sức nhuần nhuyễn sống động lên người mình, rất nhập vai mà nhất kiến chung tình (vừa gặp đã yêu) với Hạ Đình Chi.

Kết quả của nhất kiến chung tình chính là nàng trả cây trâm trong tay Hạ Đình Chi với giá gấp đôi, thành công đoạt trâm từ tay chàng.

Ta nghĩ chắc chắn nhờ <<Tây Sương Ký>> mà rất nhiều gánh hàng trang sức mọc lên như nấm ăn nên làm ra.

Mà Hạ Đình Chi cũng không hề tỏ ra buồn bực, chỉ mỉm cười đưa trâm hoa cho nàng. Khi đó, hắn mặc một bộ áo vải màu xanh giản dị sạch sẽ, lẳng lặng nhìn Lục Tiểu Nguyệt, khiêm cung nhưng không mất phong nhã. Cho đến khi Lục Tiểu Nguyệt đỏ mặt tiếp nhận trâm hoa, hắn mới quay sang sạp hàng chọn mua một đôi hoa tai, rồi rời đi.

Lục Tiểu Nguyệt cho rằng lần gặp mặt đầu tiên này tuy kém sau vườn hoa của <<Tây Sương Ký>>, nhưng vẫn khiến thiếu nữ động tâm, ký ức khắc sâu. Thế nhưng, Hạ Đình Chi phảng phất chỉ xem nàng như một người qua đường bình thường, gặp rồi quên ngay.

Mãi đến khi Lục Tiểu Nguyệt theo cha xuất chinh Tây Vực, giây phút ở trên sa trường giáo vàng ngựa sắt, nàng mới lại một lần nữa gặp được Hạ Đình Chi. Hạ Đình Chi là một người trong giới văn nhân, tự nhiên không thành thạo việc trên chiến trường. Khi có một mũi tên bắn về phía hắn, Lục Tiểu Nguyệt lập tức xuống ngựa đỡ thay hắn. Mũi tên kia, cách tim nàng không quá nửa tấc. Nhưng, nàng không hối hận.

Tây Vực, vùng đất cát vàng mênh mông, đại mạc cô yên, Hạ Đình Chi không quản cực nhọc, không quản nghỉ ngơi mà chăm sóc nàng suốt mấy ngày đêm. Vào một đêm nào đó, nàng từng nhìn thấy hắn tay cầm quyển sách chống má chợp mắt bên giường nàng, trong sách kẹp một phong thư, phía trên chỉ có một hàng chữ nhỏ thanh tú xinh đẹp, “Đình ca ca, muội đã xuất giá.”

Khi đó, ánh nến bập bùng nhảy nhót trên khuôn mặt trắng muốt của hắn.

Nếu không có Tô Uyển Nhi, cố sự của Hạ Đình Chi cùng Lục Tiểu Nguyệt có thể chính là bản sao <<Đông sương kí>> [6]. Đáng tiếc lại xuất hiện thêm nàng ta, nên đành sửa thành <<Tần Hương Liên>> [7]. Lục Tiểu Nguyệt thì thào mê man, “Khi đó chàng nói với ta trong nhà đã có nương tử, ta còn tưởng rằng là mượn cớ. Hóa ra, là thật…”

Ta nghe mà hết sức bi thương, cố sự này rốt cuộc ai là người ngoài cuộc, có lẽ chính Lục Tiểu Nguyệt cũng chẳng rõ.

Gió thổi lượn lờ trên mái hiên khiến ta có cảm giác lâng lâng, ta nói với Lâu Tây Nguyệt, “Bây giờ ba người này, một mù, một nhuốm phong trần, một nội thương. Muốn trị khỏi thật không dễ dàng.”

Lâu Tây Nguyệt nhún vai, “Tây Nguyệt tán thành người cổ xúy nàng xuất tường.”

Lục Tiểu Nguyệt mơ màng gọi một tiếng, “Đình Chi…”

Ta đột nhiên cảm thấy trên cổ căng căng, tiếp đó trên môi mềm mại ẩm ướt, mở to hai mắt, thì thấy khuôn mặt Lục Tiểu Nguyệt ở ngay trước mắt ta — nàng, ôm ta, hôn một cái!

Ta kinh hãi, đưa tay đẩy mạnh, trực tiếp đẩy nàng té khỏi mái hiên. Dưới chân ta lảo đảo một bước, thân thể bất ổn, mắt thấy mình cũng sắp nối đuôi Lục Tiểu Nguyệt mà té xuống, vội há miệng hét lên, “A—”

“Sư phụ, cẩn thận!”

Đột nhiên, ta được tay người kéo một cái, tiếp đó Lâu Tây Nguyệt phi thân nhảy xuống tiếp lấy Lục Tiểu Nguyệt đã say đến bất tỉnh nhân sự. Còn ta vừa rồi được hắn kéo nên thay đổi phương hướng mà rơi thẳng vào chuồng ngựa Hạ phủ.

Khi ta rơi vào chuồng ngựa thì, trong đầu chỉ có một suy nghĩ: Ta phải trục xuất Lâu Tây Nguyệt khỏi sư môn.

Đợi ta quần áo xốc xếch chui ra khỏi chuồng ngựa, thì Lâu Tây Nguyệt đang đứng dựa bên cửa hiên, thản nhiên nói, “Tây Nguyệt đã đưa Lục Tiểu Nguyệt về phòng.”

Ta sửa lại áo mũ cho ngay ngắn, chỉ vào hắn nói, “Lâu Tây Nguyệt, cậu quả nhiên là rất có tiền đồ, thấy sắc quên nghĩa ôi thấy sắc quên nghĩa. Người làm sư phụ ta đây uổng công rồi.”

Lâu Tây Nguyệt cong khóe môi, cười nói, “Tây Nguyệt chỉ mới tán thành việc người cổ xúy nàng xuất tường, không ngờ người lại trực tiếp câu dẫn nàng ta.”

“Này, cậu hãy nghĩ lại cho phải, vừa rồi sao nàng ta hôn ta mà không hôn cậu?” Dứt lời, ta ngẩng đầu đi vòng qua cạnh hắn.

Trở về phòng, ta cởi ngoại bào, tháo tóc chuẩn bị đi vào giấc ngủ. Bỗng đưa tay sờ một cái, mới phát hiện trên đầu có một cây trâm ngọc bích, phía trên khắc đóa hoa đào. Ta nhớ lại một phen, thầm nghĩ: Đồ Lâu Tây Nguyệt chọn thật đúng là có phong vị đàn bà.[1] Trần Thế Mỹ, [7] <<Tần Hương Liên>>

Trần Thế Mỹ xuất thân vốn là một thư sinh nghèo khó tại vùng Hồ Nam, có cha mẹ nghèo khó, anh ta kết hôn với Tần Hương Liên và có hai đứa con. Tần Hương Liên hết lòng dốc sức làm lụng cho Trần Thế Mỹ ăn học. Sau đó Trần Thế Mỹ lên kinh thi cử và đỗ trạng nguyên. Công chúa thấy Thế Mỹ sáng sủa và muốn kết hôn. Tân khoa trạng nguyên Trần Thế Mỹ tài học xuất chúng, được thái hậu thưởng thức và chiêu làm phò mã, cả nước cùng ăn mừng.

Trần Thế Mỹ từ khi đỗ trạng nguyên nên được tung hô, tâng bốc và đã chán chường cảnh nghèo khổ nên muốn ruồng bỏ quá khứ, chối bỏ vợ con. Lúc này Tần Hương Liên dẫn hai người con lên kinh tìm chồng, trước đó cha mẹ của Trần Thế Mỹ vì quá già yếu nghèo khó nên mất, trước khi mất bảo Tần Hương Liên lên tìm chồng để trở về quê.

Thôn phụ Tần Hương Liên mang theo hai đứa con là Xuân Ca và Đông Muội vượt ngàn dặm đến kinh thành tìm chồng, vốn là phò mã nên Trần Thế Mỹ đã không nhận vợ con và sai người đuổi họ đi vì sợ tội “Trùng hôn” (đã kết hôn rồi lại kết hôn lần nữa khi chưa hủy hôn ước, hơn nữa còn dám lừa dối công chúa là chưa có vợ).

Tần Hương Liên uất ức nên chặn kiệu của Bao Chửng đệ đơn kêu oan. Được sự giúp đỡ của Triển Chiêu, cô tới được công đường nhờ Bao chửng phán xét. Trần Thế Mỹ biết chuyện liền phái Hàn Kỳ giết hại ba mẹ con để giết người diệt khẩu nhưnng không thành. Hàn Kỳ cũng ăn năn những việc mình đã làm, mang đao đồng vốn là vật trong phủ Phò mã làm vật chứng để tố cáo tội ác của Trần Thế Mỹ.

Bao Chửng triệu Trần Thế Mỹ tới công đường Khai Phong hỏi tội rồi kết án và cho đao phủ xử chém. Trần Thế Mỹ ỷ vào sự che chở của vợ và thái hậu gây áp lực đòi tha hắn. Tuy nhiên, Bao Công cùng với các cộng sự của mình kiên quyết xử chém, thậm chí ông cùng với các cộng sự cởi mũ quan và đưa Thế Mỹ lên Long đầu trảm xử chém.

Nguồn

[2] Thôi Oanh Oanh, [5] <<Tây sương kí>>

Tây sương ký (西廂記, truyện ký mái Tây), còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (崔鶯鶯待月西廂記, truyện về Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307), miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy.

Tây sương kí có chủ đề là câu chuyện tình duyên giữa nàng Thôi Oanh Oanh và thư sinh Trương Quân Thụy. Thôi Oanh Oanh là tiểu thư xinh đẹp, con gái của một vị tướng quốc. Khi bố chết, hai mẹ con nàng về quê, nhưng gặp loạn đành tạm lánh ở chùa Phổ Cứu, đất Bồ. Trương Quân Thụy, một thư sinh nghèo, cha mất sớm, vãn du sang đất Bồ chơi, khi ngoạn cảnh chùa đã gặp Oanh Oanh. Chàng đắm đuối trước sắc đẹp của nàng bèn tìm cách vào chùa xin trọ. Đêm đến, họ Trương ngâm thơ tỏ tình, Oanh Oanh họa lại. Khi Tôn phu nhân làm chay cho chồng thì Trương Quân Thụy cũng nhờ sư cụ của chùa thêm một phần lễ làm chay cho cha mình để có dịp gần Oanh Oanh.

Lại có một nhân vật mang tên Tôn Phi Hổ, vốn là thủ lĩnh thảo khấu đã đem quân bao vây chùa, đòi lấy Oanh Oanh. Thôi phu nhân tuyên bố ai giải vây được chùa sẽ gả con gái cho. Trương Quân Thụy bèn viết thư nhờ bạn là tướng quân Đỗ Xác đem binh tiến đánh và bắt được Tôn Phi Hổ.

Thôi phu nhân mở tiệc ăn mừng và tiệc có mời Trương Quân Thụy. Ai cũng tưởng là tiệc cưới, nhưng Thôi phu nhân lật hẹn, nói đã hứa gả cho cháu ngoại Trịnh Hằng, nên chỉ cho phép Oanh Oanh nhận Quân Thụy làm anh em. Cả Oanh Oanh và Trương Quân Thụy đều rất mực đau khổ, người hầu gái của Oanh Oanh mang tên Hồng nương cũng bất bình.

Sau buổi tiệc, Quân Thụy ốm tương tư, Oanh Oanh sai Hồng nương sang thăm. Khi ra về, Trương Quân Thụy viết thư nhờ Hồng nương đưa cho Oanh Oanh nhưng Hồng nương không dám đưa mà bỏ vào hộp nữ trang. Oanh Oanh vô tình đọc được, rất mừng nhưng lại tự ái mắng Hồng, rồi viết thư trả lời Trương Quân Thụy, sai Hồng nương mang sang. Do viết khi Oanh Oanh đang giận dữ, Hồng nương tưởng đó là thư Oanh Oanh cự tuyệt Quân Thụy nên đã an ủi Quân Thụy hết lời. Thế nhưng, sự an ủi đó lại càng khiến Quân Thụy tuyệt vọng. Chỉ đến khi giở thư ra, thấy đây bài thơ Oanh Oanh hẹn chàng ở mái phía Tây lúc trăng lên, họ Trương vui mừng liền hết bệnh.

Đêm hôm đó như đã hẹn Quân Thụy vượt tường đến mái Tây. Nhưng vì có Hồng theo bên cạnh nên Oanh Oanh thẹn thùng. Nàng trở mặt mắng chàng khiến chàng ngẩn người chẳng hiểu vì sao. Hồng nương cũng không rõ thực hay giả vờ, ngỏ ý tố cáo Quân Thụy với Thôi phu nhân nhưng bị Oanh Oanh ngăn lại. Về phòng, Quân Thụy lại trở bệnh nặng. Thôi phu nhân nghe tin sai Hồng nương đến thăm. Oanh Oanh cũng viết thư hẹn tối đến thăm. Từ đó Oanh Oanh và Trương Quân Thụy bí mật đi lại quan hệ với nhau như vợ chồng. Chuyện vỡ lở, Thôi phu nhân trách mắng Hồng nương, nhưng Hồng đã dùng lí lẽ thuyết phục phu nhân tác thành cho đôi trẻ. Bà nghe theo, nhưng bắt Quân Thụy phải vào kinh thi hội, đỗ đạt mới cho kết hôn. Hai người đau khổ chia tay nhau.

Quân Thụy thi đỗ trạng nguyên, vâng lệnh triều đình lưu lại kinh đô làm quan. Oanh Oanh vui mừng khôn xiết và mong ước tái ngộ. Nhưng Trịnh Hằng lại phao tin Quân Thụy đã lấy vợ khác. Thôi phu nhân định cho Trịnh Hằng cưới Oanh Oanh, nhưng Quân Thụy về kịp, nhờ tướng quân Đỗ Xác phân giải. Đỗ Xác đứng ra làm chủ hôn cho Quân Thụy và Oanh Oanh.

Nguồn

[6] <<Đông sương kí>>: không biết ở đây có sự nhầm lẫn nào không, vì ở trên tác giả nhắc đến <<Tây sương kí>>, nhưng khi viết đến đoạn này lại là <<Đông sương kí>>. Tuy nhiên nếu không nhầm thì cũng có một vũ kịch mang tên <<Đông sương kí>> mang hơi hướm liêu trai thế này:

Thư sinh Vương Sinh chán nản thất vọng sự đời toan tự vẫn dưới cành hoa đào, tiên hoa Lệ Nương thấy vậy động tâm cứu chàng, hai người kết hạ tình duyên. Vương Sinh một lòng muốn làm thành giấc mộng kê vàng, cứ mãi chấp nhất công danh, Lệ Nương làm phép để thành toàn Vương Sinh được đề tên bảng vàng. Trên quan trường, Vương Sinh sa vào sự cám dỗ của quyền thế và mỹ sắc khiến Lệ Nương tuyệt vọng, buồn bã ra đi. Đến lúc này Vương Sinh mới tỉnh mộng, phát hiện hết thảy đã hóa thành hư không.

Lại nói đến “Giấc mộng kê vàng”: Câu chuyện bắt nguồn từ truyện “Chẩm trung ký” của Trầm Ký Tế đời Đường. Chuyện kể rằng, có một chàng thư sinh nghèo họ Lư. Một hôm, nhân chuyến đi chơi, anh vào nghỉ trong một quán trọ. Lúc chủ quán trọ bắc nấu một nồi kê vàng, thì chàng trai lên giường đi ngủ. Trong giấc ngủ, chàng trai mộng thấy mình lấy vợ và sinh con, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, tận hưởng vinh hoa phú quý, và cuộc sống sung sướng, thoải mái ấy kéo dài cho đến lúc già chết. Nhưng khi tỉnh dậy, kê vàng vẫn còn chưa chín. Sự gợi ý của câu chuyện này là: Đời người như giấc mộng, tất cả sang hèn, giàu nghèo, đều như mộng, như huyễn.

[3] Trần Viên Viên, [4] Đỗ Thập Nương: những nàng kỹ nữ nổi tiếng

Trần Viên Viên (gọi tắt là Viên Viên), nguyên họ tên là Hình Nguyên (邢沅), còn có tự Uyển Phương, xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở thôn Thái Nguyên, Vũ Tiến, Hình Châu.

Mẹ Viên Viên sinh nàng chẳng được bao lâu thì mất. Cha vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Do hoàn cảnh mồ côi sớm, nên lớn lên Viên Viên mang theo họ Trần của chồng người dì ruột nuôi dưỡng. Nàng dung mạo xinh đẹp, hoa minh tuyết diễm, hát hay múa đẹp, sắc nghệ quán thế.

Khi trưởng thành, Viên Viên đã lọt vào “mắt xanh” của một kỹ viện nổi tiếng nhất Giang Tô. Tiếng tăm của nàng đã nhanh chóng lan ra khắp thiên hạ, nhắc đến nàng, người đời mô tả lại rằng: “Kỹ nữ này sở hữu một sức hút khó cưỡng từ đôi môi căng mọng. Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ nhìn vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu, nước da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thuỷ tinh”. Nàng còn được biết đến bằng cái tên “Giang Tô đệ nhất kỹ nữ”.

Viên Viên vốn có sắc đẹp hơn người, xinh đẹp hơn cả hai cô công chúa Trường Bình và Chiêu Ân con vua Sùng Trinh lúc bấy giờ, nàng còn có kỳ tài về cầm, kỳ, thi, họa nổi bật so với những kỹ nữ cùng thời nên nhiều nam nhân đến xem nàng biểu diễn. Khi ấy, hoàng đế Sùng Trinh đang sủng ái Điền Quý phi, làm cho Chu hoàng hậu rất ghen tức. Biết chuyện, cha của Chu hoàng hậu đến kỹ viện bỏ tiền ra mua Viên Viên, để đưa vào cung phục vụ hoàng đế. Kề cận được Viên Viên, Sùng Trinh cứ ở mãi trong cung không muốn ra thiết triều.

Nguồn

Đỗ Thập Nương nguyên là một cô chiêu. Không may thay, vào năm nàng lên 10 tuổi thì cha phải hạ ngục vì nhận hối lộ. Khi cha vừa mất trong ngục, Thập Nương bị người ta bán vào thanh lâu rồi trở thành kỹ nữ. Nhờ tài ăn nói, đàn ca thi vũ đều xuất chúng nên Đỗ Thập Nương sớm nổi danh khắp kinh kỳ.

Ngày nọ, Đỗ Thập Nương gặp một sĩ tử người Chiết Giang tên Lý Giáp trẩy kinh ứng thí, vậy là họ mê nhau và sống với nhau như vợ chồng ngay trong kỹ viện. Hay tin con trai mình sống lang chạ với kỹ nữ, cha mẹ chàng Lý rất không vừa ý, họ đòi từ mặt và tước quyền thừa kế gia sản, nhưng chàng không đổi lòng.

Sau 7 năm hành nghề buôn hương bán phấn, Đỗ Thập Nương tích góp được một tài sản lớn. Nàng bàn với tình quân chuộc thân với giá 300 lạng bạc, họ rời kinh sư trên một chiếc thuyền nhỏ, hằng mong về bản quán của chàng Lý sống viên mãn trọn đời.

Ngờ đâu Lý Giáp chỉ vì nghe lời xúi giục của công tử Tôn Phúc mà vô tình biến thành kẻ buôn người. Khi thuyền neo ở bến Tô Châu chờ chàng Lý về tạ lỗi với song thân và xin cho thừa nhận Đỗ Thập Nương, Tôn Phúc đi qua thấy Thập Nương thì thốt nhiên mê đắm. Y dúi vào tay Lý Giáp 100 nén vàng để chàng về nhà hòng chiếm đoạt Đỗ Thập Nương.

Biết được cuộc giao kèo của đôi bên, Đỗ Thập Nương buồn rầu héo ruột gan. Nàng điểm trang thật lộng lẫy, lại mở cái rương đầy tiền vàng châu báu ra nói hết sự tình cho chàng Lý, rồi quẳng rương đi và nhảy xuống sông tự tử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện