Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 101: Tương huynh về rồi



Mưa rớt xuống rất nhanh, ào ào như trút nước. Không khí dịu xuống, hơi ẩm làm da mát mẻ, thật dễ chịu. ‘Tong, tong’ bị dột rồi! Mai ngước nhìn lên mái lá của xưởng.

– Ca ơi, chỗ này bị dột rồi.

– Đâu?

Bình ca đi đến nhìn ngó rồi nói.

– Góc bên kia cũng dột, đợi hết mưa ca lên xem sao.

Mái lợp lá dừa xài được ba bốn năm, xưởng này mới dựng gần một năm thôi mà, không lẽ nào.

– Không sao đâu, nắng lâu quá nên lớp lá quắc lại thôi, thêm vài cơn mưa nữa là hết.

Thất thúc đang gom mạt cưa lại mang ra ngoài xoay lại nói. Bình ca gật đầu ý phải. Mùa mưa đến cần coi sóc nhà cửa, còn quán nhỏ trước nhà nữa, mưa nhỏ không sao nhưng có giông gió chắc sẽ tạt ướt hết.

Hai ba ngày đều có mưa, không lớn nhưng đều đặn vậy làm mọi người biết là năm nay mưa sớm hơn. Nước mưa thấm hết trong đất, ếch nhái kêu vang trên ruộng, cỏ nhú lên xanh từng mảng.

Mấy nhà trong làng đều dặn nhau lo ngâm giống sạ lúa là vừa. Cha và Lưu bá cùng nhau làm, công việc mệt nhọc mà lại khiến người ta vui vẻ, hăng say.

Không đợi cha cuốc, ngũ cô tự mình cuốc từng đám, a Phúc theo sau ôm từng ôm về cho đàn gà ăn. Lẫn trong đó là mấy con trùng, dế, kiến chưa kịp chạy đi bị gà ăn sạch. Có mấy con gà mái tự ấp trứng nở con, ngũ cô cũng chen vào mấy con gà con ấp bằng lò vào chung đàn. Gà mẹ cục ta cục tác kêu đám gà con lại ăn kiến, ăn trùng trong đám cỏ làm rộn một mảng vườn.

Mai chỉ chờ ngày này, kéo a Vĩnh ra rặng tre trúc ven bìa rừng đào măng. Măng mùa này nhỏ hơn tháng mười, cũng không nhiều bằng nhưng ăn lại ngọt hơn. Trời mới mưa nên măng mọc chưa nhiều, kiếm một hồi được bốn bụt măng trọng, hai bụt nhỏ đủ cả nhà ăn thì về.

– Mấy bụi bạc hà ra lá non rồi, muội muốn trồng nhiều ít?

– Nhiều, bạc hà chống muỗi, muội tính thử chiết lấy hương pha làm bạch lạp, đốt lên sẽ có mùi thơm.

– Ừ, sư phụ nói hương bạc hà tốt, có thể phòng cảm mạo.

– Nhờ nhị ca đắp thêm đất, nới rộng chỗ cây thuốc mới đủ chỗ.

– Không cần đâu, nhị ca bận bịu lắm, ta làm được.

Mai nhìn a Vĩnh đánh giá, trong một năm này mấy đứa nhỏ đều cao lớn hơn. Nhưng a Vĩnh không lớn nhanh bằng, hắn vẫn gầy, cánh tay khẳng khiu.

– Không gấp, ta làm từ từ là được.

Thấy Mai nhìn mình a Vĩnh vội nói. Từ ngày theo Đỗ lang y học thuốc, việc trong nhà hắn ít làm. Giờ chuyện trồng vườn thuốc phải tự mình làm, không thể cứ nhờ mọi người được. Đang nói chuyện Mai nghiến phải cái răng trong đã lung lay làm nó rụng luôn. Cô bụm miệng chạy nhanh về nhà. A Vĩnh cũng đoán chuyện thay răng nên ôm rổ măng chạy theo sau.

– Nương ơi, a Mai thay răng.

– Răng trên hay dưới?

Nương đang tắm cho ba con heo trong chuồng bước ra hỏi. Mai chỉ hàm dưới rồi đi vào bếp lấy ít muối, nhả răng đưa nương, tự mình súc miệng, sát muối vào chỗ chân răng đang chảy máu. Hai tháng nay Mai bắt đầu thay răng, hai răng cửa hàm trên đã lú răng mới rồi, giờ lần lượt mấy cái răng trong.

“hú mèo hú chuột, răng cũ về mày, răng mới về tao”

Nương nhắc Mai đọc rồi quăng cái răng sữa lên nóc nhà; hàm trên thì quăng xuống dưới giường.

Ông bà nội muốn ở lại sạ lúa xong mới về. Năm nay nhà Mai có hơn năm mẫu đất. Phần đất khẩn hoang sau sẽ trồng khoai, đậu để cải tạo đất từ từ. Trồng lúa nếp nửa mẫu, còn lại gần ba mẫu kia thì trồng lúa. Ông nhìn mấy đống phân bón được vun tưới hàng ngày không khỏi mừng nói:

– Có đám phân này, ráng canh đúng ngày bón sẽ bội thu.

– Phải cha, con thấy Nguyễn gia bên kia cũng dùng phân heo trộn rơm ủ. Năm rồi bên đó gặt được hơn hai giạ một công.

Lê lão đưa mắt nhìn ra xa xa cánh đồng. Cả năm nay nhà con trai bận bịu trước sau; nếu có thể khẩn thêm phần đất phía kia đến sát mé rừng thì hai nhà không lo đói nữa. Năm nay phải thu xếp việc ở làng chài vào đây khẩn đất thêm mới được, quyết định xong ông nói cho cả nhà lúc ăn cơm chiều.

– Cha, đợi tháng bảy tháng tám ít đi biển cả nhà vào đây.

Nhị bá tính toán rồi nói tiếp:

– Cũng cần người đốn gỗ nữa, lỡ chưa tìm được người đến làm, không thể ngưng chuyện đóng ghe được.

Lê nhị bất giác đưa tay sờ lên mảng bầm lớn trên vai, công việc đốn gỗ, cưa xẻ gỗ thật vất vả. Mọi người đều lót mấy lớp nốp lúc vác gỗ vẫn không tránh khỏi bị bầm tím. Vết trầy xướt trên tay, cánh tay lúc tỉa cành chặt nhánh cứ lành lại có mới không ngớt. Nhờ a Vĩnh xin Đỗ lang y phương thuốc đắp lên mấy vết thương mới mau lành. Nhìn đôi bàn tay a Tâm đã chay sạn sau mấy tháng cầm cưa, cầm đục khiến hắn hiểu rõ nỗi nhọc nhằn, tiền không dễ kiếm.

– Ừ, con nhớ báo nếu cần gỗ, đừng để lỡ việc. Ông nội quay sang dặn cha.

Trong không khí rộn ràng nhà nhà ngâm giống, làm đất chuẩn bị sạ lúa thì Tương huynh đúng hẹn quay về. Chuyến đi gần hai tháng làm chàng thanh niên mười tám tuổi như “lột xác” thành một người trưởng thành. Da xạm nắng, mái tóc dài buộc hờ hững, còn thêm hàm râu càm, râu mép không cạo. Lúc huynh ấy đi cùng Lưu bá qua nhà ai cũng ngẩn ra nhìn. Nhóm người lớn cố tình lơ đi bộ dạng thay đổi của Tương huynh, Lưu bá đằng hắng mấy tiếng nói:

– A Tương có mang về mấy món, tính gửi quán nhà đệ bán. Ta cũng sẽ mang một ít lên chợ Sông Lớn bán.

– Được, huynh mang qua đi.

Thấy cha đồng ý, Tương huynh đứng dậy nói về nhà chở sang làm cả nhà thắc mắc không biết là món gì, chắc là mua ở Trấn Biên về. Mai và An ca cùng nhìn vào quyển sổ nhỏ, từ hôm mở quán bán đến giờ, mỗi thứ bán được một ít.

Trứng vịt bán được cỡ tháng nữa, lúc vịt nước hoang về đây thì nhà nào cũng sẽ đặt bẫy bắt và tìm ổ trứng, sẽ không ai mua nữa. Gà con và gà mái bán được kha khá; mật ong bán chậm hơn so với mấy ngày đầu, phải tìm nơi khác bán mới được.

“Wow”, Tương huynh chở qua gần một nửa ghe tam bản; có đường mía vàng, dầu đốt, kim chỉ và mấy bao lát buột miệng không biết là gì bên trong. Tương huynh mở từng miệng bao nói:

– Cái này là giống khoai lang Dương Ngọc, ăn rất ngon. Trồng giống như khoai lang ở đây, củ nó mập hơn chút. Ai muốn trồng thì mua củ này về ươm mầm.

– Cái này là đậu phộng, con hỏi thăm là đất mình ở đây có thể trồng được.

– Này là đậu Nành từ Đàng ngoài có người chuyển vô, nghe nói cũng dễ trồng, ăn rất tốt cho người già và con nít.

Mai như phất cờ trong bụng, mấy loại này đương nhiên cô biết rồi, quá tốt, quá tốt.

Mọi người chăm chú nghe huynh ấy giải thích tên, cách trồng, Mai không chờ được hỏi:

– Giá bán sao vậy?

– Thúc thẩm, cháu mua ở ngay mấy nhà đang trồng nên giá rẻ hơn. Nhà thúc bán giúp, cháu sẽ chia lại hai phần được không?

Tương huynh không trả lời Mai mà nói với cha, qua mấy chuyến đi chành huynh ấy làm mua bán rất rành.

– Gì mà hai thành, cháu gửi đây thúc bán giúp là được. Mấy giống này thu được nhiều không? Ta cũng muốn trồng thử một ít.

– Đậu nành này thu cỡ hơn ngàn cân một mẫu, khoai lang Dương ngọc thu giống khoai ở đây thôi, chỉ là ăn ngon hơn. Đậu phộng thấp hơn đậu nành, nhưng mà giá bán cao hơn.

Hơn ngàn cân là cỡ khoai lang rồi, sở dĩ nhà nào cũng chừa ra ít đất trồng khoai vì khoai thu được nhiều hơn. Khoai lang trồng khoảng hơn ba tháng là có củ, không tốn nhiều công chăm sóc. Những năm trời hạn, lúa thất thu nhưng khoai vẫn sống tốt, có khi còn ngọt hơn lúc mưa dầm. Nếu chăm chỉ tưới nước, khoai còn trồng được hai vụ một năm.

Đợi mọi người ‘ngấm’ thông tin, Tương huynh quay lại chuyện chia phần:

– Chuyện hai phần là thông thường ở chỗ cháu mua bán trước đây, thúc nhận cháu mới dám nhờ.

Thấy cha nương còn phân vân, Mai nói:

– Hay là nhà muội nhận một phần, nhưng kèm theo là nếu lỡ bán không hết thì trả lại huynh được không?

– Được, như vậy đi.

Ừ, tính như vậy được, mấy người lớn đều gật đầu đồng ý. A An và Mai bắt đầu ghi chép. Hai nhà thân thiết như vậy, nhận hai phần giống người ta thì cha nương sẽ không đồng ý, mà bán “giúp” không thì cũng khó, không có “động lực” phải không? Nhận một phần thì coi như vẹn cả hai bề.

Mấy bao giống cũng gần năm trăm cân, mỗi loại được chiết ra một rổ để ở quán, còn lại thì buộc miệng cẩn thận, mang vào bồ lúa khô ráo cất.

Có thêm đậu nành, khoai lang, đậu phộng làm mọi người mừng rơn, qua mùa vụ là có thêm lương thực mới rồi. Mấy đứa nhỏ ngồi trên hai bộ ván nghe người lớn tính xem trồng giống mới ở đâu, chỗ đất nào. Mai không nhớ rõ cách trồng nên lắng nghe, gợi lại trí nhớ từ từ.

Tương huynh về nhà làm Lưu bá mẫu vui vẻ trở lại, thấy con trai biết lo làm ăn càng mừng hơn. Bá mẫu đi giáp vòng khoe mấy giống mới nên mấy hôm sau nhà Mai đã bán được không ít. Mấy nhà trong làng cũng đến xem giống mới, bàn tán rôm rả. Chuyện này làm mấy nhà vui, mấy nhà buồn.

Lưu bá mẫu vào bếp, ngồi xuống sạp tre hơi giận nói với nương:

– Còn nói là sạ lúa xong cũng dựng quán bán đó.

Bá mẫu đang nói về nhà Lưu tam bá bên kia. Mấy hôm nay tin có giống cây mới Tương huynh mang về bán, tam bá mẫu đến nhìn một lát rồi xách nón giận dỗi đi về.

– Ta thấy giống như người ta nói ‘con nhà lính, tính nhà quan’ chẳng sai. Mấy mẫu đất còn chưa làm cỏ xong, chưa cuốc nữa. Mai mốt làm sao sạ lúa đây?

Lưu bá mẫu càng nói càng giận hơn, chắc tam bá mẫu có nói gì đó không phải rồi. Thật ra nếu nhà Lưu tam bá mở quán bán cũng tốt, ở đây nhộn nhịp đông vui, chỉ là bán cái gì cần tính toán. Nhà nông không nhiều tiền mua sắm, trong nhà có gì dùng đó, quen tự cung tự cấp. Giống như chuyện móc áo bằng gỗ, mấy nhà trong làng mua một hai cái về xài thấy tiện lợi thì tự mình làm, bằng tre trúc, hay từ nhánh cây nhỏ; không đẹp và bền bằng nhưng cũng xài được. Chỉ có nhà phú hộ Từ là đến đặt làm tiếp hoặc mấy nhà khá giả đến chợ Cửa Sông lớn mua thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện