Kinh Độ Vong

Chương 10



Edit: Phong Miên

Beta: Cá

Lâm Uyên chắp tay sau lưng, chậm rãi thả bước đi đến dưới mái hiên, gió khẽ lướt qua cành cây, hai ống tay áo đầy gió.

Năm nay thời tiết không tốt lắm, trong hè có đến hai tháng liền không có mưa, vào đông tuyết cũng lớn hơn các năm trước. Chỉ tiếc cho đám hoa cỏ trong cung, chàng ta nheo mắt nhìn về nơi xa, gần như không có lấy một điểm xanh, chỉ có màu trắng vô tận, thuần khiết nhưng cũng nặng nề.

"Mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc đời của mình, đã là quyết định của cô thì người khác không có quyền xen vào." Chàng ta quay đầu nhìn cô, rồi lại phóng tầm mắt ra xa kia: "Nhưng cô được A Lãng tự tay cứu, cậu ta có ơn tái sinh với cô. Trong lúc cô một lòng báo thù, có khi nào cô bận tâm đến cậu ta không? Cô có bao giờ nghĩ vì sao cậu ta lại cứu cô? Ngoài vì kính nể cách làm người của cha cô, tôi nghĩ nhiều hơn hết là do quá quạnh quẽ. Tôi với cậu ta đã qua lại hơn hai mươi năm, tôi biết tính tình của cậu ta. Không hòa hợp được với người khác, cũng chẳng thạo đời, mọi thứ ở Trường An đều khiến cậu ta không thể chịu đựng được, vậy nên cậu ta mới tình nguyện từ bỏ tất cả, tự đày mình tới Đôn Hoàng."

Liên Đăng cúi đầu đứng bên cạnh, lặng lẽ suy nghĩ. Cô quả là hổ thẹn với Vương A Bồ. Từ thời khắc nghe được xuất thân của mình qua lời Đàm Nô, lòng cô chưa bao giờ thực sự buông bỏ được chuyện này. Cô sống ngây ngốc ở Minh Sa Sơn hai năm, không biết lý do mình tồn tại, cũng không hiểu ý nghĩa của việc còn sống. Bây giờ, cuối cùng cô cũng đã có mục tiêu để phấn đấu quên mình, cô lập tức gạt Vương A Bồ qua một bên. Đối với cô, sự cô đơn của Vương A Bồ mãi mãi không thể sánh bằng cái ch3t thảm của cha mẹ. Không phải cô vong ân phụ nghĩa mà là chuyện có nặng có nhẹ. Cởi bỏ được nút thắt trong lòng rồi, cô sẽ quay lại Đôn Hoàng sống cùng huynh ấy như trước kia. Đương nhiên, nếu cô ch3t thì đành để kiếp sau báo ơn cứu mạng.

"Quốc sư muốn khuyên tôi từ bỏ sao?" Cô lắc đầu: "Có những người có thể được chăng hay chớ, có những người lại không thể. Trước khi rời khỏi Đôn Hoàng, tôi đã có ước hẹn ba năm với A Bồ, trong vòng ba năm không cần biết có giải quyết được chuyện này hay không, tôi vẫn sẽ quay lại Đôn Hoàng." Cô cười, đổi sang giọng thoải mái: "Tôi cũng từng khuyên A Bồ tìm sư mẫu, chẳng phải những đạo sĩ khác giống huynh ấy cũng được lấy vợ đó hay sao? Nhưng huynh ấy lại không chịu, nói mình nghèo quá, không ai thèm lấy."

Nói xong, cô quay sang nhìn phản ứng của chàng ta, mặt chàng ta đang hướng về phía con đường rộng thênh thang, chỉ thấy được đường cong dịu dàng nơi sườn mặt, không mừng cũng chẳng giận, giống như Bồ Tát trang nghiêm trong hang động.

Liên Đăng ít tiếp xúc với người khác, Đàm Nô và Chuyển Chuyển thì khỏi cần phải nói, cùng kiểu tính cách nóng như lửa*. Còn Vương A Bồ, lần trước nhặt được một con thỏ thôi mà cũng kêu gào hết nửa ngày trời. Thế nên một người mà tâm tình lặng như mặt hồ yên ả thì nghe có vẻ hơi đáng sợ. Quốc sư chính là người như vậy, không thể nhìn ra thất tình lục duc trên gương mặt chàng ta. Nụ cười mỉm của chàng ta có thể mang rất nhiều hàm ý, hài lòng hay bất mãn đều trong một ánh nhìn, một cái quay người.

Chàng ta không đáp lời cô, chốc lát sau mới nói: "Ba năm nói ngắn cũng không ngắn, cô cảm thấy có thể giữ được tính mạng của mình sao?" Chàng ta đưa tay chỉ về Trường An phía xa: "Đó là nơi phồn hoa nhất Trung Nguyên, rất nhiều người chỉ thấy được vẻ thái bình bên ngoài mà không nhìn thấy sóng ngầm ẩn dưới thịnh thế. Triều đình là đầu não của Đại Lịch, trong triều không có ai là nhân vật đơn giản hết. Không một kẻ giỏi giở trò quyền mưu nào lại chìa cổ ra đợi chém. Cô có thân thủ rất khá, bên cạnh bọn họ cũng không thiếu người tài như cô. Có những việc một khi bắt đầu thì không thể dừng lại được nữa, đến ch3t mới thôi. Đến lúc đó không chỉ cô, e rằng cái người chỉ một lòng vẽ tranh trên Minh Sa Sơn ấy cũng khó thoát nổi kiếp nạn này."

Liên Đăng chợt tỉnh ngộ, cô vừa vào Trường An đã đi sai bước đầu tiên. Lúc bị phủ binh kiểm tra, cô không nên dính dáng tới Thái Thượng Thần cung, nhưng khi đó để thoát thân nên cô đã chẳng kịp suy xét gì hết, thậm chí vì nóng lòng chứng minh lai lịch của tấm lệnh bài gỗ Thần cung mà cô còn nói ra cả Đôn Hoàng. Xem ra dường như cô sống thì được, còn có thể ẩn núp, nhưng lỡ như ch3t đi, lọt vào tay người khác thì mũi dùi khó tránh khỏi chĩa thẳng vào Thần cung và Vương A Bồ.

Thoáng chốc, cô cảm thấy như bị sức nặng ngàn cân đè ép. Bây giờ hối hận cũng không kịp nữa, gương mặt này đã lộ, cho dù có cẩn thận hơn đến mấy cũng có lúc sơ sẩy.

Cô nghĩ ngợi rồi hỏi: "Nếu gương mặt hoàn toàn thay đổi, không ai biết lai lịch của tôi thì có phải sẽ không liên lụy đến Vương A Bồ nữa?"

Nghe vậy, chàng ta quay người lại, gật đầu: "Đúng. Nhưng hoàn toàn thay đổi mà cô nói là chỉ điều gì?"

Cô gần như không chút do dự, ngửa mặt nói: "Nếu như gương mặt này sẽ dẫn đến mầm họa, vậy thì chém mấy nhát, bỏ nó đi, hoặc thử dùng thuốc lạ gì đó cũng được."

Rõ ràng là chàng ta rất kinh hãi, nhưng chỉ trong nháy mắt rồi lại trở về dáng vẻ bình thản, chậm rãi nói: "Hạ quyết tâm lớn đến thế này, xem ra có khuyên nhủ thế nào cũng vô dụng. Muốn hoàn toàn thay đổi cũng không phải chỉ có cách tự hủy dung. Vương Lãng đã truyền dạy toàn bộ sở học cho cô, chẳng lẽ cậu ta không nhắc tới một loại bí thuật của Trung Nguyên tên là dịch dung hay sao?"

Nếu nơi này đến cả Giao châu cũng có thì thuật dịch dung không đến mức không thể tưởng tượng được. Cô nói: "A Bồ quả thực đã từng nói với tôi, tiếc là chính huynh ấy cũng không tinh thông, bởi vậy không nói rõ." Cô hơi sốt ruột, vội tiến lên hai bước: "Quốc sư thần thông quảng đại, chắc hẳn nắm rõ thuật này. Tôi có thể xin quốc sư chỉ dạy được không? Tôi học rất nhanh, sẽ không tốn nhiều thời gian của quốc sư. Nếu học được thì coi như tôi có thể tự bảo vệ mình, giảm bớt nguy hiểm cho Thần cung và Vương A Bồ, quốc sư nói có phải không?"

Chàng ta quay đầu nhìn, sóng mắt như suối trong lướt qua gương mặt cô: "Tôi không muốn tâm huyết của Vương Lãng thành công dã tràng, nếu những chuyện cô muốn làm không ảnh hưởng đến bọn tôi thì Thái Thượng thần cung sẽ không can thiệp. Nhưng nếu có một ngày Thần cung nhận mệnh, đến lúc đó sinh tử do trời định, phải xem vận may của cô thôi."

Chàng ta không trả lời được hay không ngay nhưng Liên Đăng hiểu ý của chàng ta. Trước khi làm liên lụy đến mình, chàng ta có thể trợ giúp cô chút ít, sau đó khoanh tay đứng nhìn. Nhưng một khi đương kim thánh thượng cần đến sức mạnh của Thần cung thì mặt mũi Vương A Bồ có lớn đến đâu cũng vô dụng, chàng ta sẽ bảo vệ uy nghiêm quốc sư của mình, không bận tâm đến bất cứ tình riêng nào.

Mỗi người đều có lập trường riêng, điều này không có gì đáng trách. Cô cung kính chắp tay bái tạ: "Quốc sư hết lòng quan tâm giúp đỡ, Liên Đăng cảm động đến rơi lệ."

Chàng ta khoanh tay nhìn ra phía xa, lạnh giọng nói: "Dịch dung có hai loại, một loại bắt nguồn từ tự thân, một loại khác nhờ vào công cụ. Loại đầu tiên dùng kim bạc phong bế các huyệt chính doanh, á môn, thiên trụ*, kim bạc vào sâu bảy phần, đau đớn kịch liệt, nhưng không cần nhờ vào ngoại lực nên không hề có sơ hở. Một loại khác là dùng mặt nạ da người, sẽ có sơ hở nhỏ, không đau đớn cũng không tổn hại đến thân thể. Theo cô thì loại nào tốt hơn?"

Liên Đăng là người nhẫn tâm, nếu đã làm thì phải làm sao cho tốt nhất. Cô liền đáp: "Tôi không sợ đau, xin quốc sư dạy tôi loại đầu tiên."

Đuôi mày chàng ta khẽ nhướng lên, giọng nói mang theo ý cười, lắc đầu nói: "Chỉ sợ cô không chịu được tra tấn thôi, huống hồ dùng cách này lâu ngày, sau này ngũ quan có lệch thì đến thần tiên cũng không khôi phục lại được, há không phải được chẳng bằng mất? Cứ chọn loại thứ hai đi, mặc dù phải tốn thời gian làm mặt nạ nhưng ít nhất không đến mức không cách nào vãn hồi. Đến ngày về Đôn Hoàng, tôi cũng dễ ăn nói với Vương Lãng."

Đương nhiên, Liên Đăng không có dị nghị gì. Cô cúi người nói: "Tất cả đều nghe theo sự sắp xếp của quốc sư. Chỉ là không biết một tấm mặt nạ cần làm trong bao lâu?"

"Phải xem thời tiết, ít thì nửa tháng nhiều thì một tháng."

Mặt cô lộ rõ vẻ ngượng ngùng. Cô cụp mắt không dám nhìn quốc sư, nhỏ giọng nói: "Vậy tôi đành phải quấy rầy quốc sư thêm mấy ngày rồi... Thật sự thì tôi cực kỳ áy náy, A Bồ từng nói quốc sư không màng thế sự, bây giờ lại bị tôi làm liên lụy, phải lo cả việc tầm thường này, đại ân đại đức của quốc sư, Liên Đăng dù thịt nát xương tan cũng khó lòng báo đáp."

Quốc sư lại không cho là vậy, chỉ khoát tay coi như tiễn khách.

Lúc này, tuyết nhỏ dần, gió dường như không dữ dội nữa. Chàng ta không nói năng gì, quay người vào trong điện. Liên Đăng một mình đứng dưới hành lang, nhất thời tiến không được, lùi cũng chẳng xong. Phải chăng là nói lâu quá nên quốc sư mệt rồi ư! Song lần này đã có thu hoạch, có tấm mặt nạ da người rồi thì không cần lén lút vào thành nữa. Cô rất hào hứng, xoa gương mặt lạnh cóng, định quay về báo tin tốt cho Đàm Nô và Chuyển Chuyển. Cô vừa định rời đi thì lại thấy quốc sư đi từ trong điện ra, mang theo một cái bình gốm, yên lặng bước vào trong gió tuyết.

Cô ngẩng mặt nhìn trời, tuyết đang rơi thế này, không che ô là không tốt. Hơn nữa, cô cũng không biết chàng ta muốn đi làm gì, nói không chừng là đi làm mặt nạ, nếu vậy thì cô ở cạnh trợ giúp cũng tốt.

Nhớ tới chiếc ô mà cô che lúc đến, Liên Đăng vội vàng về tiền điện lấy ô rồi đuổi theo.

Quốc sư đi trong tuyết, bước chân thong thả. Liên Đăng cầm ô, không dám tới quá gần, cố gắng che dù cho chàng ta. Quốc sư giữ thái độ thảnh thơi, đi tới bên cây đào, gom tuyết đọng trên cành cây vào trong bình gốm, nhón tay bứt một cánh hoa rồi xoay người lại đưa tới trước mặt cô: "Cô có biết cái này dùng để làm gì không?"

Tuy Liên Đăng chẳng biết gì nhưng đoán là nó có công dụng rất tốt. Cô ngẫm nghĩ rất nghiêm túc: "Chẳng lẽ quốc sư định dùng nó để nhuộm mặt nạ? Tôi nhớ trong thơ ca thường nói mặt tựa hoa đào, dùng nước hoa đào nhuộm mặt nạ có thể khiến thật giả khó phân chăng?"

Chàng ta nghe xong thì suy tư, tay phải giơ chiếc bình gốm lên: "Còn cái này dùng để làm gì?"

"Có lẽ là... dùng nước tuyết đúc khuôn? Nước tuyết tinh khiết, đường nét trên mặt nạ sẽ tinh xảo hơn?" Liên Đăng cảm thấy suy nghĩ của mình bỗng nhanh nhạy hơn hẳn, giờ cô mới hiểu tại sao người ta thường thích kết giao với người tài, một người thầy giỏi có thể khiến người ta nảy sinh linh cảm. Cô không còn chỉ chăm chăm để ý tới thiết phiết và kim thác đao trong bọc hành lý nữa mà đã biết nghĩ đến nhiều thứ hơn.

Ai ngờ chàng ta lại vứt cánh hoa đi, đậy bình gốm lại rồi nói: "Dùng tuyết đầu mùa trên cành đào để pha trà là ngon nhất, tuyết không thể có tạp chất, thế nên hoa đào và chạc cây đều phải dọn dẹp sạch sẽ."

Chàng ta vung tay áo, giũ tuyết đậu trên vạt áo xuống, dáng vẻ hờ hững. Liên Đăng lại cứng họng, những suy nghĩ sinh động trong đầu vừa rồi thoáng chốc bay đi hết, thì ra là mình đã nghĩ quá phức tạp. Chàng ta gom tuyết đọng trên cành cây chỉ vì công dụng đơn giản như thế...

Nhưng điều đơn giản như vậy có gì mà không được! Cô nhanh chóng bình thường lại, chuyện đời là như thế, bề ngoài ảo diệu có lẽ chỉ để che giấu một chân tướng hết sức bình thường. Bản thân sự tình không phức tạp, cái phức tạp là ở lòng người mà thôi.

Cô vẫn cung kín che ô, tiễn chàng ta trở lại chính điện, tiếp đó chắp tay cáo lui. Chàng ta bảo cô đợi một lát, nhìn sâu vào mắt cô mà nói: "Chỗ hay nhất của dịch dung là có thể thay đổi hình dạng, để thành một bà lão cũng được chứ?"

Liên Đăng không có bất kỳ yêu cầu gì: "Tất cả do quốc sư quyết định."

Chàng ta gật đầu: "Không còn sớm nữa, trưa mai cô hẵng đến." Nói rồi, chàng ta cầm bình gốm, đi về nơi buông rèm.

Liên Đăng đứng một hồi, xác định chàng ta không trở lại nữa mới mở ô quay về Lâm Lang Giới.

Đàm Nô và Chuyển Chuyển vẫn đang chờ cô, vừa thấy cô xuất hiện ở đầu cầu gỗ đã vội vàng tới đón. Chuyển Chuyển hỏi dồn: "Thế nào? Quốc sư có nói chuyện được không? Có cần Lư trưởng sử ở bên cạnh thuật lại không?"

Cô liếc Đàm Nô: "Tỷ nghe tin quốc sư đã một trăm tám mươi tuổi ở đâu thế?"

Đàm Nô chớp mắt: "Sao thế? Chẳng lẽ không phải sao? Tin tức của tôi rất chuẩn xác, trong "Thái Tổ bản kỷ" có ghi chép về ông ấy. Sau này, thời Trung Tông biên soạn "Thực nhị lục" cũng nhắc tới, nói "Phủ Quốc sư đã hơn trăm năm, đế ngày càng xem trọng", những cái này không phải đều là sự thật lịch sử sao!"

Chuyển Chuyển cũng phụ họa: "Trước kia tôi đi qua hai đầu Trường An Đông Đô, từng nghe không ít lời đồn đến quốc sư, lời Đàm Nô nói đều là thật. Hơn một trăm năm nay, vị trí quốc sư chỉ có một người là Lâm Uyên, trừ phi mỗi vị quốc sư kế nhiệm đều tên Lâm Uyên, không thì tuổi tác của ông ta là chuyện chắc như đinh đóng cột... Nói nãy giờ, rốt cuộc trông quốc sư như thế nào?"

Liên Đăng tựa vào ghế tựa lưng, bây giờ nhớ lại vẫn có cảm giác không chân thật. Cô uể oải nói: "Tôi không dám hỏi tuổi, sợ làm quốc sư tức giận. Dù sao cũng không giống trong lời các tỷ, quốc sư rất trẻ, cùng lắm chỉ ba mươi thôi."

Đương nhiên, cô tuyệt đối không thể nói ra chuyện hoài nghi thân phận của quốc sư và người thổi sáo, chuyện không nắm chắc mà ăn nói bừa bãi, nhỡ may lộ ra ngoài sẽ làm hỏng đại sự.

- -----oOo------

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện