Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 8: Hái dẻ (6)



Đến dãy Tiểu Hưng An ngày thứ hai, Hiển Sướng bắt được hai con cáo, một con màu nâu, con còn lại màu đỏ. Con màu đỏ bị đạn bắn trúng chân, chim ưng mình thon bổ nhào xuống, tha sống về. Hiển Sương xách lên xem, mắt xám mở to, lộ ra vẻ hoảng sợ và hung tợn, nhe răng gầm gừ, trên thực tế thì bó chân chịu trói. Chàng lệnh cho tùy tùng nhốt vào lồng tre, nó vẫn còn sống, có thể đem về nhà cho các cô nương chơi.

Đám huynh đệ trẻ tuổi săn thú nửa ngày, nửa ngày còn lại đốt lửa cắm trại trên núi, cùng nhau bàn luận về các tin đồn nghe được từ kinh thành và gia đạo mà mỗi người đang miễn cưỡng duy trì, lại nói năm nay còn có thể tới đây săn cáo, năm tới e rằng không được nữa, thời buổi bây giờ rối ren, thổ phỉ nổi dậy khắp nơi, đã không còn được như những năm trước.

Hiển Sướng vừa uống rượu vừa cân nhắc sự vụ, đại soái trấn thủ Phụng Thiên hiện giờ mới là vị vua không ngai của cái đất này, phân chia góp tiền trước nay đều không chớp mắt, bây giờ phải đáp lễ ông ta thế nào đây? Khó mà không để mất một mảnh đất, một mặt đường được, hoặc là chàng nghĩ phắt sang lời đồn rằng trong vương phủ vẫn còn tồn tại bảo bối tiền triều luôn cho rồi… Chàng lặng lẽ kiểm kê trong đầu số của cải của mình, gốc rễ, gia sản còn bao nhiêu, cái nào giữ lại được, cái nào nên mau chóng vứt đi, thứ gì có thể đem tặng người khác coi như kết bạn, thứ gì nên lấy mạng ra mà thủ. Khôi phục tiền triều là một giấc mộng đẹp, chỉ có điều trước khi say bí tỉ mà nằm mộng thì phải cân nhắc xem nên sống thế nào, sống sao cho tốt đã…

Chàng uống rượu, rít vài hơi thuốc rồi cuộn mình trong chăn ngủ vùi. Nửa đêm tỉnh lại, thấy trăng tròn vành vạnh treo giữa cành cây, sáng tỏ trắng lóa chói cả mắt người. Con sói già cách đó vài khe núi hướng về phía vầng trăng tru dài, sóng âm tiếng tru từng cơn từng cơn vang vọng, khiến lòng người run rẩy. Chàng ngồi bật dậy, đi tới đi lui tại chỗ mấy bước, trong lòng chẳng hiểu sao mà bực dọc ghê gớm, cứ cảm thấy như trong nhà ở Phụng Thiên sắp xảy ra chuyện gì bất thường. Con chim ưng buộc trên cây đập cánh vài cái, Hiển Sướng đi tới, lấy mũ giáp trên đầu nó xuống. Nhìn đôi mắt tỉnh táo của con chim, chàng nhủ thầm trong bụng: Nếu mày không kêu nữa, nhắm mắt lại đi ngủ, vậy tao cũng sẽ trở về ngủ; nếu mày hơn nửa đêm còn ngoác mỏ ra kêu, tao sẽ chạy suốt đêm về Phụng Thiên. Con chim ưng ngọ nguậy cổ vài cái, động tác khớp xương rõ ràng, bỗng như nghe hiểu, há mỏ ra, kêu to một tiếng lanh lảnh.

Nhà ga Phụng Thiên, tàu hỏa vào ray sắp khởi hành, Minh Nguyệt ngồi trong một buồng hạng nhất, mặc một bộ âu phục mới cắt may bằng nhung thiên nga màu vàng tơ, áo bó sát người, quần dài chấm đất, cổ và tay áo trang trí lớp lớp những nụ hoa trắng bằng lụa mỏng, cả người cứ như bọc trong lớp bọt dày đặc của rượu sâmpanh. Nàng ngẫm lại, đây là lần thứ tư nàng ngồi tàu hoả ra ngoài. Nàng từng theo Hiển Sướng một lần đi Cáp Nhĩ Tân, một lần đi Trường Xuân, còn có một lần đi Bắc Đới Hà nữa. Lần này thì phải ngồi cả một quãng đường dài xóc nảy xuống tận miền Nam xa xôi. Ở trường từng được dạy hát một bài dân ca Scotland, kể rằng cô gái bị một người chưa từng gặp mặt dẫn đi, rời xa cha mẹ và quê nhà, cả một đường vừa rơi lệ vừa hát. Nàng lấy tay áo lau mặt một cái, kỳ thực, so với câu chuyện trong bài hát kia, nàng hình như không thê thiết đến vậy. Nàng đã sớm không còn cha mẹ, cũng chẳng biết rốt cuộc đâu mới là quê nhà.

Vương phủ bỏ ra rất nhiều đồ cưới, lại phái bốn tùy tùng theo nàng xuôi Nam. Mụ vú giúp nàng rửa mặt chải đầu không bỏ lỡ cơ hội kể cho nàng nghe về tình cảnh khó khăn mà vị cách cách chân chính gặp phải, ngụ ý: Minh Nguyệt cô nương, cô có tài đức gì mà may mắn đến vậy? Được gả đi như một công chúa cho một nhà vừa giàu có vừa tri thư đạt lễ, bày ra cái mặt khóc tang thế này là không được, như vậy thật có lỗi với ý tốt của mọi người.

Chỉ là, nàng cảm thấy vẫn còn chút tâm nguyện chưa làm xong. Còn có một người, chàng còn chưa xuất hiện nói với nàng một câu dặn dò, một lời tạm biệt nào. Trong thời buổi rối ren này, một trận ốm bệnh, một lần biệt ly, một chuyến đi xa, đều có khả năng sẽ là cả đời.

Còi tàu hỏa rú lên, lại không lăn bánh. Sáng mồng tám tháng Chín, trời đang rực rỡ nắng vàng bỗng phủ đầy mây đen, hạt mưa dày đặc đậu lên cửa sổ. Ngoài buồng tàu của nàng bỗng trở nên ầm ĩ.

Nhà tắm công cộng Hội Lan Đình nằm trong một con ngõ trên đường Đông Dực, ông chủ nói nơi này đã có lịch sử hơn hai trăm năm, cha của ông nội của ông nội của ông chủ từng chà lưng lau chân cho thái tổ gia gia Nỗ Nhĩ Cáp Xích, hiện giờ, họ còn nói đại soái cũng là khách quen chốn này.

Trong Hội Lan Đình có ba bể tắm: nước không, nước thuốc và tắm hơi. Bể nước không một ngày đổi ba lần, trong đống thảo dược dưới đáy bể nước thuốc nghe nói có một cây nhân sâm già hơn nghìn năm, còn bể tắm hơi là hạng mục mới mở, ông chủ thuê một gã Triều Tiên cường tráng chà lưng rửa chân hầu khách bên này. Vé vào cửa mười lăm đồng một người, có ngâm cả ngày cũng không sao, nhưng muốn cắt tóc cạo râu thì phải thêm tiền. Một năm nay, mỡ lợn miếng bán hai đồng một cân, giá cả ở Hội Lan Đình như vậy hoàn toàn là xa xỉ.

Vẫn có một vài bô lão bô thiếu chơi bời lêu lổng có thể vào Hội Lan Đình ngâm người cả ngày, vừa nhấm nháp chút hoa quả, vừa đàm tiếu đủ thứ chuyện cổ kim nội ngoại. Chủ đề cuộc đàm tiếu mới nhất là: Có phải nhà Thanh sắp vong rồi không? Với đức hạnh con hiền cháu hiếu của tiểu vương gia, chỉ vì một con đàn bà vương phủ gả ra ngoài mà cướp tàu hỏa, dùng súng săn bắn chết người, chọc tức chết cả cha lẫn mẹ, bất trung bất hiếu, bất nhân bất nghĩa, một tiểu vương gia như thế, nhà Thanh có thể không vong sao?

Ông già biết chút nội tình kể lại sinh động như thật:

“Con đàn bà đó bát tự khắc lão vương gia và thiếu phu nhân, phúc tấn gả ả ra ngoài, vốn đã an bài rất thỏa đáng rất có thể diện, nhưng cuối cùng, ngay trước khi đi, tàu hỏa cũng nổ máy rồi, thế mà thằng tiểu vương gia vô liêm sỉ đáng ra phải ở dãy Tiểu Hưng An săn thú lại chạy trước về, cầm súng săn chĩa vào đầu người ta, không cho? Không cho cũng được thôi, không cho thì ăn đạn!”

Ông già vừa nói vừa làm động tác minh họa:

“Súng săn bốn nòng, bốn vết đạn hình chữ thập sắp hàng, một phát súng nổ, đầu người vỡ tung tóe!”

Ông ta còn chưa dứt lời, một ông già khác đã sợ đến đánh rơi bát trà trong tay xuống đất nghe “choang” một tiếng, vỡ tung tóe.

Nói đoạn cầm khăn tay chùi mép, lại tiếp tục: “Tìm được con đàn bà đó rồi, tiểu vương gia lập tức hủy đính ước, thoái hôn, kéo ả bỏ đi. Vẫn có người ngăn cản? Hay lắm, lại một phát súng! Đoàng đoàng đoàng một chuỗi, chết liền ba tên!”

Có người mắng: “Súc sinh! Con nghé con khốn kiếp! Hoàng thượng ở kinh thành bị người ta bức ép thoái vị, bọn nó chẳng thèm ngó ngàng đến, lại vì một con đàn bà mà quậy phá khắp nơi! Con ả đó là cái giống gì vậy hả?!”

“Nhắc tới con ả đó, cũng chẳng phải hạng tầm thường đâu!” Ông già biết nội tình lại kể tiếp: “Nghe nói có huyết thống Sa hoàng, biết bốn thứ tiếng, những ngón nghề khác thì khỏi phải nói. Được nuôi trong vương phủ, vốn hầu hạ lão vương gia, kết quả lại lọt vào mắt tiểu vương gia, đã sớm giở những ngón trò không ra cái giống người rồi! Trong vương phủ đã chẳng phải loại tử tế gì, lão phúc tấn lại còn phải coi ả như con gái mà gả đi, hừ, nghe nói xạ hương cũng phải nuốt đến mấy bịch rồi ấy!”

Nghe đến đây có người rống lên: “Hoàng thượng ơi! Đại Thanh ơi!”

Có người cười gã: “Lão Tiền, ông diễn cái tuồng gì trong bể tắm đấy hả? Hoàng thượng không còn, Đại Thanh có mất thì cũng có thấy ông bớt hưởng phúc đi được ngày nào đâu? Lại chẳng không ngày ngày ngâm bể trắng trẻo béo đẫy ra đấy à? Hôm khác đến miếu tổ rồi hẵng khóc, xí.”

Chuyện náo nhiệt thường không bao giờ có chân tướng, hoặc có lẽ, không bao giờ có ai cần chân tướng.

Minh Nguyệt đang thẫn thờ ngồi trong buồng tàu thì bỗng nghe bên ngoài ầm ĩ. Giữa tầng tầng lớp lớp tiếng bước chân huyên náo có của một người là nàng quen thuộc, nàng ngóng trông. Lòng nàng bỗng choáng ngợp trong một nỗi xúc động mừng rỡ như điên, đứng bật dậy khỏi ghế ngồi, nhào ra mở cửa. Cửa mở ra, đứng bên ngoài đúng là Hiển Sướng.

Chỉ có một mình chàng, trên người mặc bộ giáp mềm săn thú, trên mặt còn dính chút bùn đất và lá cây.

Thật sự nhìn thấy chàng rồi, nàng lại lần nữa đờ đẫn. Từ dãy Tiểu Hưng An tới đây, gian khổ đi gấp cũng phải mất ba ngày ba đêm, vậy mà chàng lại chạy về? Sao chàng biết được? Sao chàng tìm tới được?

Mặt Hiển Sướng không một biểu cảm, giọng nói cũng rất hòa nhã, bình tĩnh, chỉ bảo nàng, Đi, xuống tàu.

Minh Nguyệt không chậm trễ giây nào, nhấc chân chạy thẳng về phía cửa toa.

Gia đinh môn đồ dẫn theo không cho, xông lên cản hai người họ lại, không rõ đầu đuôi đã vươn tay đẩy vai chàng một cái, còn ngoạc mồm ra mắng nhiếc: “Là ai hả?! Dám tới cướp cô dâu?”

Chàng đi gấp đuổi theo, vốn đã mệt nhọc, suýt nữa để lỡ mất nàng, trong cảm giác may mắn tràn đầy hối hận và bực dọc, bất chợt bị đẩy mạnh một cái, cơn cáu bẳn lên đến đỉnh điểm. Nếu thịnh nộ có thể lái được tàu hỏa thì trong chớp mắt họ đã phóng đến Sơn Hải Quan tới nơi rồi. Chàng không mở miệng, giơ súng săn lên, lên đạn, nhắm thẳng vào trán tên gia đinh.

Tất cả bị dọa đến ngây người, môn đồ phịch một tiếng quỳ xuống: “Mạng người quan trọng, tiểu vương gia! Cô nương là được gả cho chúng tôi, không phải chúng tôi đến cướp!”

Thời gian sau đó trôi qua chậm như cả thế kỷ vậy.

Chàng thu súng về, nâng môn đồ đang quỳ dưới đất dậy, từ tốn nói: “Xin lỗi ông, nhưng người này ông không thể mang đi.”

Sau đó, chàng nắm chặt cổ tay nàng, rảo bước đi xuyên qua toa tàu, xuống tàu rời đi.

Mưa thu càng lúc càng lớn, ngập cả đất trời.

Tiểu vương gia Hiển Sướng đúng là có một khẩu súng săn dấu đạn hình chữ thập, lúc nổi giận, đúng là đã chĩa vào trán một người, nhưng chàng không nổ súng vỡ đầu ai, càng không đoàng đoàng đoàng một chuỗi bắn chết ba người.

Cô gái kia không có huyết thống người Nga, chỉ biết dùng tiếng Anh đọc một bài thơ hái dẻ, chưa trải sự đời, thỉnh thoảng hay ngẩn người, may mắn thoát thân.

Đó chính là hai kẻ mà người ta gọi là súc sinh và yêu ma.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện