Vị Đắc Xán Lạn

Chương 33



Loa phát thanh đọc số chuyến tàu sắp ngừng soát vé, Kinh Xán vội vàng vào ga trong những phút cuối cùng, khi qua cổng an ninh chỉ dám vội vàng vẫy tay với Hạ Bình Ý rồi cầm vé chạy vào sân ga luôn. Hôm nay gió lớn, lúc tàu đến còn mang theo tiếng ồn kinh khủng. Vừa nãy khoảng cách ở trên cầu gần quá, cũng lặp đi lặp lại một động tác quá nhiều lần, dường như cậu bị thôi miên giữa những động tác lặp đi lặp lại ấy, Kinh Xán đứng giữa tiếng ồn và gió lớn, bỗng có cảm giác như mình đã tách khỏi hiện thực.

Vẫn còn đắm chìm trong cảm xúc vừa rồi, lúc lên xe cậu đã ngồi sai chỗ.

“Chàng trai trẻ, đây là ghế 14C toa 6 mà, cậu xem có phải cậu ngồi nhầm chỗ không?”.

Nghe thấy một người phụ nữ hỏi mình, Kinh Xán vội vàng xem lại vé tàu, đứng dậy: “Xin lỗi ạ”.

Ngồi xuống ghế 14F, Kinh Xán xoa cái cằm như vẫn còn nóng bỏng của mình, hít sâu một hơi.

“Phải bình tĩnh,” cậu nói nhỏ.

Suốt cả quãng đường, dường như Kinh Xán chẳng lúc nào thôi nghĩ vẩn vơ. Suy nghĩ tự do tản đi, như đang tổng kết cuối năm, cậu nhớ lại tất cả những chuyện đã xảy ra trong nửa năm qua. Đến khi con tàu bắt đầu mở loa thông báo đã đến ga Tây Bắc Kinh, Kinh Xán mới ép mình bình tĩnh lại một chút.

Kinh Xán không gọi xe mà đi tàu điện ngầm về nhà. Trên đường về, mỗi lần qua cửa an ninh cậu lại cẩn thận buộc chặt chiếc túi đựng đầy phần thưởng kia lại, chỉ sợ chúng có vấn đề gì trong không gian tối đen mà cậu không nhìn thấy. Có lẽ vì sắp Tết rồi, tàu điện ngầm rất đông đúc, Kinh Xán tìm mãi không thấy chỗ ngồi bèn ôm túi phần thưởng đứng suốt quãng đường.

Về đến nhà, Tống Ức Nam nghe tiếng mở cửa, cô vui vẻ chạy từ bếp ra đón: “Về rồi đấy à, chơi với bạn có vui không con?”.

Kinh Xán cười gật đầu: “Vui ạ”.

“Nhanh vào rửa tay đi, mẹ để sẵn hoa quả cho con rồi đấy, cầm ra phòng khách hay vào phòng mà ăn, chắc một tiếng nữa là có cơm rồi. À đúng rồi, nửa tiếng nữa con qua nhà cô Triệu đón Tiểu Duy về giúp mẹ nhé, mẹ không dứt ra được”.

“Được ạ,” Kinh Xán chạy nhanh lên gác, cất cặp và túi đồ của mình vào phòng rồi xuống tầng vào bếp với Tống Ức Nam.

Tống Ức Nam chuẩn bị sẵn rất nhiều nguyên liệu, có mấy món đã cắt sẵn rồi, cũng đầy đủ gia vị, chỉ cho vào chế biến là xong. Kinh Xán cũng từng nấu ăn, cậu biết để chuẩn bị nhiều đồ ăn thế này vất vả đến mức nào.

Cô đặt xoài và nhãn trên bàn ăn, Kinh Xán vào bếp lấy một chiếc bát con, bóc một bát nhãn, sau đó đặt thêm một chiếc thìa nhỏ vào bát. Lúc này Tống Ức Nam đã chuẩn bị xào món đầu tiên rồi, thấy cậu vào, cô vội bảo cậu ra trước đi, dầu mỡ mùi lắm.

Kinh Xán đặt bát nhãn lên bàn bếp, xắn tay áo, nói: “Mẹ ăn hoa quả đi, con làm phụ mẹ”.

Nói xong Kinh Xán đã bắt tay vào làm, Tống Ức Nam muốn ngăn cũng không kịp nữa. Hai người cùng làm hai món xong, Tống Ức Nam nói: “Con đừng làm nữa, đi đón Tiểu Duy đi”.

Kinh Xán xem đồng hồ, đúng là cũng tới giờ rồi, bèn mặc áo khoác ra ngoài.

Nhà cô Triệu không xa nhà họ, đi bộ là tới. Lúc cậu tới nơi Kinh Duy vẫn đang vẽ dở. Kinh Xán bèn kê một chiếc ghế ngồi cạnh cậu bé, nhìn Kinh Duy tô nét màu cuối cùng lên ruộng lúa.

Vẽ xong, Kinh Duy ghi tên mình xuống góc phải. Lúc quay đầu thấy Kinh Xán đến đón mình, cậu bé vui mừng ra mặt: “Anh, sao anh lại tới đây?”.

Cô Triệu lại xem tranh của Kinh Duy cũng chào Kinh Xán: “Tiểu Xán à, lâu quá không gặp”.

Kinh Xán đứng dậy, hơi cúi người với cô Triệu, chào cô: “Chúc cô năm mới vui vẻ”.

Nói xong, cậu thấy Kinh Duy đang thu dọn dụng cụ vẽ ngạc nhiên nhìn cậu.

Đây là tiết cuối cùng Kinh Duy học ở nhà cô Triệu trước năm mới rồi, năm hết Tết đến, cuối cùng Kinh Duy cũng được nghỉ mấy ngày. Trên đường về nhà, Kinh Duy vui vẻ hơn thường ngày rất nhiều.

“Anh ơi,” Kinh Duy huých vai vào người Kinh Xán, hỏi cậu: “Anh đi học ở đó có vui không?”.

Đến bây giờ Kinh Duy vẫn nhớ hôm Tống Ức Nam nói với Kinh Tại Hàng rằng Kinh Xán muốn học cấp ba ở Huy Hà, Kinh Tại Hàng đã tức giận thế nào. Lúc đó cậu ngạc nhiên nhìn sang anh mình, thấy Kinh Xán chỉ đứng đó, đăm đăm nhìn Kinh Tại Hàng. Cả buổi Kinh Xán chẳng nói câu nào, nhưng trông anh cũng chẳng chịu nhượng bộ dù chỉ một chút.

Kinh Xán không hiểu tại sao Kinh Duy lại hỏi cậu câu này, nhưng nghĩ đến Hạ Bình Ý, cậu vẫn gật đầu, nói: “Vui chứ”.

“Thế thì tốt ạ,” cậu bé vẫn đang học tiểu học đã học đòi làm người lớn, làm bộ làm tịch gật đầu: “Thế anh ở lại đó thêm vài năm nữa đi”.

Ở đó thêm vài năm nữa.

Kinh Xán cười: “Chắc là không được đâu, chẳng mấy nữa là thi đại học rồi”.

Bảng đen phía cuối lớp vẫn luôn dành một khoảng riêng để đếm ngược. Kinh Xán biết chắc rằng nghỉ Tết xong, thời gian sẽ chỉ càng gấp rút hơn. Mọi người đều tiến về phía mục tiêu ấy, với mọi người, đó là đích đến của thời trung học, cũng là điểm xuất phát mà rất nhiều người mong đợi.

“Hả?”, Kinh Duy tiếc hùi hụi, nói: “Tiếc quá”.

Hoàn hồn lại, Kinh Xán bỗng thấy ông cụ non Kinh Duy ra vẻ sâu lắng thế này trông rất tếu, cậu xoa đầu Kinh Duy, hỏi: “Em tiếc cái gì?”.

“Em thấy trước đây anh chẳng bao giờ vui vẻ cho lắm, khó lắm bây giờ anh mới vui vẻ hơn rồi, đương nhiên em muốn anh ở đó lâu hơn chút nữa”.

Kinh Xán nhíu mày, giải thích: “Anh có không vui lúc nào đâu”.

Kinh Duy chạy lên trước vài bước, sau đó quay người đi giật lùi, nhìn Kinh Xán nói: “Đừng có nghi ngờ sự nhạy cảm của một nghệ thuật gia tương lai với cảm xúc của con người. Trước đây anh chưa bao giờ chủ động nói gì với cô Triệu hết đó, cùng lắm là cô hỏi thì anh trả lời, nhưng hôm nay anh còn chủ động chúc năm mới cô Triệu nữa”.

Kinh Xán sửng sốt, cậu nhếch miệng, sờ vành mũ.

“Thế thì có lẽ… là vui hơn nhiều rồi”.

Kinh Tại Hàng về tới cửa vào đúng năm phút trước giờ ăn đã hẹn. Nhiều năm qua, hắn vẫn luôn là vậy. Trong ký ức của Kinh Xán, dường như hắn chẳng bao giờ thất hứa với người nhà, nói sẽ về ăn cơm thì chắc chắn sẽ về đúng giờ ăn, nói sẽ đi họp phụ huynh cho cậu thì dù có bận rộn thế nào cũng sẽ dành thời gian đi họp.

“Bố ạ,” trên bàn cơm, Kinh Xán cứng nhắc chào Kinh Tại Hàng. Cậu siết chặt đôi đũa, cúi đầu đợi Kinh Tại Hàng bắt đầu ăn.

“Dạo này Tiểu Duy sao rồi?”, Kinh Tại Hàng gắp một miếng cánh gà đặt vào bát Kinh Duy: “Đợt tập huấn ở Thiên Tân bắt đầu từ mùng sáu đúng không, con cứ nghỉ xả hơi hai ngày đi, mùng năm bố mẹ đưa con qua đó”.

“À,” đôi đũa đang kẹp miếng cánh gà bỗng buông lơi, Kinh Duy rầu rĩ hỏi: “Bố ơi, không đi được không ạ?”.

“Không đi?”, Kinh Tại Hàng nhìn cậu bé: “Sao lại không đi?”.

“Con muốn…”, Kinh Duy ngẩng đầu, ngay khi bắt gặp ánh mắt Kinh Tại Hàng, nó lập tức nuốt những gì mình định nói lại: “Không có gì đâu ạ”.

“Thế này  vậy,” Kinh Tại Hàng nói: “Bố ở bên đó với con vài hôm, lúc nào con được nghỉ thì đưa con đi chơi”.

Kinh Duy cúi đầu gắp hai miếng cơm, hồi lâu sau, cậu bé vẫn gật đầu.

Nói chuyện Kinh Duy xong, Kinh Tại Hàng không chủ động lên tiếng nữa. Chỉ khi nào Tống Ức Nam nói gì đó hắn ta mới đáp lại, nói thêm vài câu. Kinh Xán có thể nhận ra Tống Ức Nam vẫn luôn dẫn chủ đề sang phía mình, nhưng Kinh Tại Hàng lại không nể nang chút nào.

Kinh Xán cũng biết trước bữa cơm này sẽ không vui vẻ gì, chẳng qua cậu không ngờ cảm giác đè nén này còn kinh khủng hơn cậu tưởng tượng. Cậu chỉ có thể không ngừng điều chỉnh lại nhịp thở, cố gắng sắm vai một người tàng hình.

Sự im lặng kéo dài trên bữa cơm hồi lâu, Kinh Xán vẫn cúi gằm mặt, không thấy Tống Ức Nam ra sức ra hiệu với Kinh Tại Hàng.

“Tiểu Xán thì sao?”, Kinh Tại Hàng bỗng lên tiếng: “Dạo này ở Huy Hà đã quen chưa?”.

Kinh Xán ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn hắn ta.

“Quen… quen ạ”. Cậu muốn nói thêm gì đó nữa, nhưng cậu cũng biết những gì mình muốn nói hẳn không phải thứ Kinh Tại Hàng muốn nghe.

“Ừ,” Kinh Tại Hàng gật đầu, màu mắt trầm tối: “Rồi sao, tính chơi đến lúc nào, lúc nào mới quay lại quỹ đạo?”.

Đôi đũa chuẩn bị gắp một hạt đậu Hà Lan bỗng dừng lại, cậu do dự một hồi mới tiếp tục vươn đũa lại gần chiếc đĩa.

“Con định là… thi đại học xong đã”.

“Ừ, thi đại học xong”. Kinh Tại Hàng lặp lại lời Kinh Xán.

Kinh Xán cảm giác hô hấp ngày càng khó khăn, cả đầu đũa cũng bắt đầu run rẩy.

“Bốp”, Kinh Tại Hàng úp đũa xuống bát. Hắn ta đan tay vào nhau, gác cánh tay lên bàn, nghiêm túc nhìn Kinh Xán: “Con còn phải thi đại học nữa à?”.

Câu này không cần cậu trả lời, cậu gắp hạt đậu Hà Lan, quay sang nhìn Kinh Tại Hàng, rồi lại như bao lần khác, cậu co mình về trước ánh mắt đó.

Kinh Xán không biết mình bắt đầu sợ ánh mắt này của Kinh Tại Hàng từ lúc nào. Cậu chỉ biết mỗi khi ánh mắt ấy nhìn cậu, cậu lại bị sự lo lắng và căng thẳng chi phối.

Kinh Tại Hàng cũng đã nhận được đáp án từ sự im lặng của cậu. Hắn ta gật đầu, nói: “Vậy thì vì sao con phải lãng phí thời gian của mình?”.

Viên đậu rơi khỏi đũa, lăn xuống đất.

Kinh Tại Hàng nói rất bình tĩnh, như không kèm theo bất cứ cảm xúc gì. Nhưng Kinh Xán biết hai câu hỏi vừa rồi ghép lại, Kinh Tại Hàng không phải đang hỏi cậu mà là đang trách cậu.

Kinh Tại Hàng có vẻ không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này nữa, hắn ta nhanh chóng đứng dậy, nói: “Bố no rồi”.

Kinh Xán chăm chăm nhìn đĩa đậu Hà Lan, cậu sững người một lát rồi nghe thấy Tống Ức Nam khẽ gọi mình.

Cậu hoàn hồn lại, cố gắng chớp mắt rồi rút một tờ giấy trên bàn, cúi người xuống nhặt hạt đậu rơi dưới đất, sau đó lau sạch sàn nhà chỗ rơi đồ.

Ngồi thẳng lại rồi cậu mới nhận ra trong bát mình có một chiếc cánh gà, Kinh Xán ngẩng đầu, bắt gặp Tống Ức Nam vẫn chưa kịp rụt đũa về.

“Không phải con thích ăn cánh gà mẹ làm lắm à? Sao tối nay chưa gắp miếng nào thế?”.

Kinh Xán gượng cười, nói: “Nhiều đồ ăn quá, ăn không xuể ạ”.

Ăn tối xong, Kinh Xán không dám ở lại phòng khách mà chui lên phòng. Căn nhà vô cùng yên tĩnh, trong ấn tượng của cậu, dường như Tống Ức Nam rất ít xem ti vi. Hồi nhỏ thì Tống Ức Nam sợ làm phiền việc học của Kinh Xán, chưa bao giờ gây tiếng ồn nào lúc cậu ngồi học. Mỗi lần Kinh Xán đi vệ sinh đều thấy Tống Ức Nam cũng yên tĩnh mở đèn bàn đọc sách. Sau này có Kinh Duy rồi thì hình như Tống Ức Nam cũng bận rộn nhiều việc hơn, chưa bao giờ có thói quen xem ti vi.

Lẳng lặng ngồi nhìn không khí yên tĩnh một hồi, Kinh Xán ngồi vào bàn học, lấy từng chiếc xe Hạ Bình Ý thắng cho cậu hôm nay ra, bày lên bàn.

Thật ra mấy chiếc xe mini 4WD này không hề được gia công khéo léo, thoạt trông như thứ đồ được mua từ mấy chợ bán buôn vậy, so với mấy chiếc xe Kinh Xán chơi hồi nhỏ thì kém xa.

Kinh Xán đặt ba ngón tay lên xe, di chiếc xe lăn trên mặt bàn bằng gỗ.

Cấu tạo thân xe không chắc chắn, trượt trên mặt phẳng trơn láng thế này cũng phát ra âm thanh lọc cọc. Kinh Xán từ từ nằm nhoài ra bàn, khi chiếc xe vút qua cậu còn lồng thêm tiếng “viu”.

Khi chiếc xe chạy đến vòng thứ năm mươi, bỗng có người mở cửa phòng ngủ. Kinh Xán giật mình, cậu lập tức cất đống đồ chơi trên bàn đi, nhưng khi quay lại thì chỉ trông thấy Kinh Duy đang thò đầu vào.

“Anh, anh có rảnh không?”.

“Đương nhiên là có,” Kinh Xán thở phào, đặt lại chiếc xe vào hàng ngũ, sau đó gọi Kinh Duy: “Em vào đi”.

Kinh Duy rón rén đóng cửa vào phòng, sau đó cậu bé ôm ngực thở phào. Nhìn loạt hành động của cậu bé, Kinh Xán không khỏi cười bất đắc dĩ.

“Sợ vậy sao?”.

Kinh Duy bĩu môi, nói: “Chứ còn gì nữa, lần nào em tìm anh, bố cũng bảo em không được quấy rầy anh mãi”.

Đây hẳn là chuyện hồi xa lắc rồi, Kinh Xán nghĩ, khi đó Kinh Tại Hàng vẫn ôm ấp hy vọng rất lớn ở mình, chỉ cần cậu cần, Kinh Tại Hàng có thể cho cậu mọi thứ tốt cho việc học của cậu.

Kinh Duy lại gần bàn học, nhìn thấy ngay dãy xe nho nhỏ trên bàn.

“Đây là gì thế ạ?”, Kinh Duy giơ một chiếc xe màu đỏ lên, nó quan sát một chốc, tò mò hỏi: “Anh, anh bây lớn rồi sao còn mua loại đồ chơi cho trẻ con này thế?”.

Kinh Xán cực kỳ không bằng lòng với những gì đứa bé trước mặt vừa nói, cậu im lặng lấy lại chiếc xe màu đỏ trên tay nó. Cậu nhịn được vài giây đã không nhịn được nữa: “Người khác tặng anh đấy, trẻ con chỗ nào đâu?”.

Hiển nhiên, Kinh Duy đâu quan tâm đến câu chuyện phía sau chiếc xe này, nên cậu bé cũng chẳng để ý Kinh Xán nói gì lắm. Nó xoay người tựa lên bàn, thở dài thườn thượt rồi trình bày mục đích mình tìm đến Kinh Xán: “Anh này, anh có cách nào giúp em không phải đến Thiên Tân tập huấn không?”.

Mấy năm nay, cứ đến kỳ nghỉ đông là ngoài việc học vẽ ở Bắc Kinh, Kinh Duy còn tập huấn tại một phòng tranh ở Thiên Tân nữa. Đó là một phòng tranh do một người thầy cực kỳ nổi tiếng mở, được học vẽ ở đó là chuyện mà rất nhiều người học vẽ ao ước.

“Sao thế?”, Kinh Xán nhớ lại, không hiểu cho lắm: “Anh nhớ năm ngoái em đi học vui vẻ lắm mà”.

“Ôi trời, nhưng năm nay em không muốn đi”. Kinh Duy vẫn cứ nhíu mày, như thể bao nhiêu phiền muộn của học sinh lớp ba đều dồn hết về đây: “Em muốn tham gia trại đông của trường em cơ, nghe nói vui lắm luôn đó anh, có nhiều hoạt động lắm, em mà đi tập huấn thì chắc chắn không tham gia trại đông được rồi”.

“Nhưng mà…”,  nhớ lại vừa rồi lúc ngồi ăn Kinh Tại Hàng còn hỏi thăm chuyện này, Kinh Xán nói: “Nhưng mà anh nghĩ bố không đồng ý đâu”.

“Thế nên em mới nhờ anh đó, đáng ra là em đăng kí trại đông rồi đấy, nhưng bố lại bảo vướng lịch tập huấn, không được đi. Nãy lúc ăn cơm anh cũng thấy rồi, bố như vậy, em đâu có dám nói chuyện này đâu,” Kinh Duy bắt chéo tay thành dấu cộng, cúi đầu cầu xin: “Anh, xin anh đấy, nghĩ cách giúp em đi”.

Nghĩ cách làm gì cơ? Chống đối Kinh Tại Hàng à? Kinh Xán nhìn xoáy tóc trên đỉnh đầu Kinh Duy, thầm cười khổ, hình như cậu cũng không giỏi vụ này cho lắm. Nhưng chưa cho cậu từ chối, Kinh Duy đã bắt đầu kể lể, nào là nó đã bỏ lỡ rất nhiều hoạt động tập thể, không có mấy người bạn thân thiết trong lớp, nào là nếu không tham gia trại đông thì sẽ không được xem một bạn nữ biểu diễn.

“Bạn nữ?”, Kinh Xán chớp mắt: “Bạn nữ nào cơ?”.

“Ôi trời, thì một bạn nữ trong lớp em đó,” Kinh Duy có vẻ ngại ngùng, nhưng nó vẫn bất chấp nói: “Bạn ấy chuẩn bị một vở kịch biểu diễn ở trại đông, diễn vai Bạch Tuyết đó anh. Em đã hứa sẽ xem bạn ấy diễn rồi, em mà không giữ lời chắc chắn bạn ấy sẽ giận luôn. Anh… mau nghĩ giúp em đi, làm sao để không phải đi đây?”.

Chuyện này…

Kinh Xán chưa “load” được ngay, học sinh lớp ba đã biết thích con gái rồi?

Kinh Duy năn nỉ không ngừng, dù Kinh Xán cũng không làm gì được, nhưng cậu lại rất thương Kinh Duy. Dù sao ngoài việc xem bạn nữ biểu diễn, cậu cũng từng trải qua những việc khác, cậu không muốn Kinh Duy đi lại vết xe đổ của cậu.

Kinh Xán suy nghĩ, bất giác lại cầm chiếc xe đỏ kia lên. Bốn bánh xe trượt qua trượt lại trên bàn tay cậu, Kinh Xán lại nhớ đến Hạ Bình Ý.

“Kinh Xán, cậu thích gì, không thích gì cứ nói hết ra, đừng kìm nén mãi”.

Chiếc xe đỏ dừng lại, Kinh Xán gập ngón tay, nắm lấy chiếc xe lành lạnh.

Cậu nghĩ tham gia trại đông cũng chẳng phải yêu cầu gì quá đáng với một học sinh lớp ba.

“Được rồi, để anh nghĩ đã, em về tắm rửa đi ngủ trước đi”.

Dù đã đồng ý với Kinh Duy, nhưng đến khi Hạ Bình Ý nhắn tin “Chúc mừng năm mới” cho cậu vào đúng không giờ, chương trình cuối năm cũng đã khép lại, Kinh Xán vẫn chưa nghĩ ra cách gì để giúp Kinh Duy.

Ba giờ sáng mùng một, Kinh Xán trợn trừng đôi mắt đen xì, thử gọi video cho Hạ Bình Ý.

Không ngờ người vừa mới “Chúc ngủ ngon” với cậu lại nghe máy cực nhanh.

Ban đầu màn hình đen xì, chừng hai, ba phút sau, phía bên kia sáng đèn, Kinh Xán nhìn thấy Hạ Bình Ý đang phơi trần nửa trên.

“Cậu…”.

Vốn Kinh Xán muốn hỏi tại sao Hạ Bình Ý đã chúc ngủ ngon rồi vẫn lướt điện thoại, nhưng sau khi thấy hình ảnh này, cậu lại thốt lên: “Sao cậu không mặc áo?”.

Hạ Bình Ý nhìn ống kính vò mái tóc hơi lộn xộn của mình, bức xúc nói: “Cậu không biết giờ nhà chúng tôi nóng thế nào đâu, đúng là năm mới, hệ thống sưởi nóng đến khó tin luôn. Tôi cảm giác giờ phòng tôi phải hơn ba mươi độ ấy chứ”.

Hạ Bình Ý nói xong, bưng cốc nước bên cạnh lên tu mấy ngụm lớn.

Kinh Xán không dám nhìn thẳng vào màn hình, nhưng cậu lại cầm lòng không đặng liếc nhìn nửa trên của Hạ Bình Ý. Kinh Xán chột dạ vơ chiếc gối ôm trắng bên cạnh vào lòng, như thể làm vậy là có thể chặn lại cõi lòng mình.

Thấy cậu không nói gì, Hạ Bình Ý hỏi người có vẻ xanh xao trong màn hình: “Cậu sao thế, năm mới khí tượng mới, sao mặt mày ủ ê thế này?”.

Hạ Bình Ý vừa dứt lời, Kinh Xán đã nghe thấy tiếng vang lách tách bên chỗ anh.

“Tiếng gì thế?”, Kinh Xán dỏng tai nghe cho rõ.

“Có người đang đốt pháo bên dưới”.

Từ khi hầu hết các nơi ở Bắc Kinh cấm đốt pháo, đã lâu lắm rồi Kinh Xán không được nghe tiếng này.

“Sôi động quá”.

“Sôi động gì hả?”, Hạ Bình Ý không thích ra mặt: “Ồn không thể ngủ được”.

“Cũng chỉ mấy hôm thôi, chịu khó đi”. Kinh Xán gác cắm vào gối ôm, hiền lành cười với điện thoại.

Hạ Bình Ý nhìn cậu qua màn hình, cơn tức cũng dần dần tan biến.

“Nói đi chàng trai trẻ, cậu có gì phiền lòng mà lại gọi tôi nửa đêm thế này?”.

“Haiz,” Kinh Xán thở dài, vùi mặt vào gối: “Hạ Bình Ý, đáng ra kỳ nghỉ đông này em tôi phải tham gia tập huấn ở phòng tranh, nhưng em ấy không muốn đi. Em ấy hỏi tôi có cách nào để em ấy không cần đi tập huấn không?”.

Hạ Bình Ý ở đầu bên kia điện thoại lấy làm lạ, hỏi: “Vậy thôi hả? Không phải em cậu mới tiểu học à? Cứ nói thẳng với bố cậu là không muốn đi là được mà”.

“Không được đâu,” Kinh Xán ngẩng đầu, cậu mở miệng, bỗng chốc, rất nhiều khoảnh khắc cậu không thể trao đổi với Kinh Tại Hàng xuất hiện trong đầu cậu: “Bố tôi đanh thép lắm, ông ấy yêu cầu rất nghiêm khắc ở chúng tôi, vậy nên không có chuyện ông ấy đồng ý bỏ tập huấn để đi chơi đâu”.

Kinh Xán đã cố gắng để chuyện này có vẻ bình thường nhất có thể rồi, dù hiện giờ quan hệ giữa cậu với Kinh Tại Hàng không ổn, cậu vẫn không nghĩ tất cả là lỗi của Kinh Tại Hàng, vậy nên cậu không muốn trách móc hắn ta với Hạ Bình Ý.

“Vậy thì…”, Hạ Bình Ý vận hết kinh nghiệm “nổi loạn” nhiều năm của mình, nói với Kinh Xán: “Mềm mà không được thì đành cứng thôi, nghĩ cách giúp em cậu không thể ra ngoài đi”.

Nghe vậy, Kinh Xán cũng nghĩ tới một cách cực “muôn thuở”: “Vờ ốm à?”.

Nhưng không đợi Hạ Bình Ý phản đối, Kinh Xán đã tự phủ định trước.

“Không được, làm vậy dễ bị phát hiện lắm, bố mẹ tôi cũng đâu có ngốc. Vả lại dù có vờ ốm để không phải đi tập huấn thì chắc chắn vẫn phải ở nhà, bố mẹ tôi không cho thằng bé ra ngoài đâu”.

“Vậy cách đơn giản nhất là lén đi rồi, cứ tiền trảm hậu tấu thôi”.

Tiền trảm hậu tấu.

Nghe từ này, Kinh Xán rung động.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.

Bình luận truyện